Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

NỀN TẢNG TÂM LINH VIỆT

 
 
Kính dâng Cha Mạ, Ba Mẹ
 
1. DẪN NHẬP
1.1 Cuộc sống Tâm Linh.
Trong cuộc sống thực tại, trong mọi tương quan và sinh hoạt, Con Người bộc lộ và tăng trưởng 4 Sức sống Thân lực, Trí tài, Tâm tình, và Tuệ linh.
Sống Tâm Linh là thể hiện Sức sống Tuệ Linh trong cuộc sống hằng ngày.
Văn hóa Việt xác định Sức sống Tuệ Linh của con người, xác định niềm tin vào Sức sống trường cửu của con người sau khi chết, vào khả năng của con người đang sống thông hiệp với Thế giới Siêu linh, và vào sự phù trợ của Tổ Tiên Ông Bà.
Do đó, Sống Tâm Linh là thể hiện Tâm tình trong việc thông hiệp với Tổ Tiên Ông Bà, và với các Vị Khuất Mặt thuộc Thế giới Siêu linh. Cuộc sống Tuệ Linh nầy ảnh hưởng sâu đậm tới con người trong đời sống thường ngày.
*     *

1.2 Kinh nghiệm sống.
Trong Văn hóa Việt, Cuộc sống Tâm Linh là kết quả của kinh nghiệm sống đời sống bình thường của con người. Qua kinh nghiệm sống thực đó, con người nhận ra Nguồn Sống của mình phát sinh từ Mẹ Cha. Rồi từ Mẹ Cha lên tới Ông Bà, Tổ Tiên, lên tới Ông Trời. Trong cuộc sống, con người còn luôn hưởng nhận nhiều trợ giúp của nhiều Ân nhân khác.
Cũng qua kinh nghiệm sống thực, con người nhận ra Thân phận bất toàn của mình. Nhưng cũng do thân phận bất toàn, con người có thể tăng trưởng trong cuộc sống.
Cũng từ đó, Văn hóa Việt nhận biết phương cách đối xử đối với chính mình, với những con người khác, với vạn vật, và nhất là với Thế giới Siêu linh.
* Vì chỉ là kinh nghiệm sống cuộc sống trong hiện tại, trong thân xác, Văn hóa Việt không trực tiếp có kinh nghiệm về ‘Đời sống của con người sau khi chết’, hoặc về cấu trúc của Thế giới Siêu linh. (Hai phần nầy thuộc phạm vi Tôn giáo)*1
*     *     *     *
2. NGUỒN SỐNG CON NGƯỜI
2.1 Kết tinh Kinh Nghiệm.
Văn hóa Việt là kết tinh Kinh Nghiệm sống của Con Người. Tất cả đều căn cứ trên nhận thức của Con Người.
Vì vậy, khi tìm hiểu Nguồn gốc Sự Hiện Hữu của mình giữa vạn vật, dân Việt cũng khởi sự từ chính mình trong hiện tại.
Trong hiện thực, nguồn gốc sự hiện hữu của mỗi người chính là Mẹ và Cha của mình. Đây là kinh nghiệm hiển nhiên nhất.
*    *
2.2 Quá Khứ.
Từ đó, kinh nghiệm ngược dòng về quá khứ : nguồn gốc hiện hữu của Mẹ và Cha là do Ông Bà Ngoại và Ông Bà Nội. Ngược dòng lên, ta có thêm các Ông Bà Cố, Ông Bà Sơ, Tổ Tiên.
Lên tới tận cuối nguồn, Nguồn Gốc cao xa nhất, là Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên của toàn thể vạn vật. Ngài là Nguồn Gốc của mọi hiện hữu. Dân Việt gọi Ngài là Ông Trời.
*     *
2.3 Hiện Tại.
Như vậy, Nguồn Gốc cũng là Hiện Tại. Mỗi người đang sống trên trần gian nầy, cũng chính là một phần Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đang lưu truyền và sống thực.
Di truyền không chỉ là thể chất, mà còn cả tinh thần, tâm hồn, phúc đức, tâm linh.
*     *
2.4 Tương Lai.
Khi nhìn về Tương Lai, kinh nghiệm Việt cũng nhìn vào Tổ Tiên Ông Bà. Sau thời gian sống, các Ngài đã nối bước Cha Mẹ Ông Bà của các Ngài.
Như thế, tương lai của mỗi người cũng chính là ‘theo Ông theo Bà’.
*     *     *     *
3. ĐỐI TƯỢNG CUỘC SỐNG TÂM LINH
3.1 Ông Trời, Đấng Nguồn Sống.
a. Ông Trời, Nguồn Sống Khởi Nguyên của Vạn vật.
Niềm tin phổ quát và sâu xa nhất của Văn hóa Việt là tin vào Ông Trời, Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên của vạn vật, của mọi hữu thể, ở thế giới nầy cũng như ở Thế giới Siêu linh. Ngài là Nguồn Sống Tối Cao.*2
b. Ông Trời hiện thực.
Vì Ông Trời là Nguồn Sống, luôn hiện diện và không ngừng thông truyền Sức Sống cho con người và vạn vật, nên Ông Trời liên hệ mật thiết với cuộc sống con người trong tất cả mọi phương diện. Trời sinh, Trời dưỡng, Trời ban ơn giáng phúc, Trời định, Trời độ... Ông Trời cũng là Đấng phán xét mọi hành vi của mỗi một con người, Trời thưởng, Trời phạt...
Hơn nữa, Trời còn ảnh hưởng trên con người qua những hiện tượng thiên nhiên, giúp con người duy trì và tăng trưởng cuộc sống. Trời trở thành Bầu Trời xanh thẳm, với Mặt Trời sáng chói, đem lại ánh sáng và sức sống cho vạn vật. Rồi hiện thực và gần gũi hơn, Trời nóng, làm lạnh, trời gió, trời sấm sét, trời đẹp... Lạy Trời mưa xuống...
Tất cả mọi sự xảy ra trong cuộc sống con người, ảnh hưởng tới cuộc sống... cũng đều do Trời, nhờ Trời. Cuộc sống mỗi người, mỗi nhà, mỗi làng, và nước, đều lấy Ơn Trời làm gốc.*3
c. Ông Trời, Đấng Thần trí Yêu thương.
Như thế, qua kinh nghiệm sống, theo Văn hóa Việt, Ông Trời, Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên, đã sinh dựng mỗi người là một cá biệt độc lập, tự tại, nhưng liên hệ mật thiết với những con người khác, và với vạn vật.
Hơn nữa, từ nhận thức các khả năng của mình, con người nhận ra Ông Trời trổi vượt con người không lường, về cả bốn Sức Sống, về mọi phương diện. Ngài là Đấng Thần Trí Vô Song, Đấng Tối Cao... Đấng mà con người không thể nhận biết hoặc diễn đạt trọn vẹn.
Qua tình yêu thương bao la của Mẹ Cha, Ông Bà, những vị Hiện Thân của Ông Trời, Văn hóa Việt nhận ra Ông Trời cũng chính là Tình Yêu Thương bao la không bờ bến, vượt trên mọi nhận định và suy diễn của con người.*4
d. Đạo thờ Trời.
Nếp Sống Việt bộc lộ niềm tin Ông Trời như là hiển nhiên : Ông Trời là Nguồn Sức Sống của con người và của vạn vật, Ông Trời liên hệ và ảnh hưởng mật thiết với cuộc sống con người, và Ông Trời là Thần Trí Yêu Thương.
Do Ông Trời, trong Ông Trời, con người không những được hiện hữu, mà còn được sống đích thực và trọn vẹn Kiếp sốngHạnh phúc Làm Người.
Đạo Thờ Trời được thể hiện trong niềm tin, trong tiếng nói, trong cuộc sống hằng ngày của Dân Việt. Mọi nhà đều đặt Bàn Ông Thiên thờ Trời ở sân trước nhà, và cầu Trời, kêu Trời, tâu trình với Trời về tất cả mọi sự xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, của gia đình.*5
*     *
3.2 Tổ Tiên.
a. Tổ Tiên mỗi người.
Cùng với niềm tin Ông Trời vừa cao cả vừa gần gũi, nền tảng của Tâm Linh Việt còn là niềm tin vào sự trường cửu của Hồn Thiêng con người, đặc biệt vào sự vĩnh tồn linh thiêng và phù trợ gần gũi của Tổ Tiên.
Đối với con cháu, Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ là những Vị không những đã tiếp ứng Ông Trời trực tiếp thông truyền Nguồn Sống, mà còn cùng với Trời luôn yêu thương, phù trợ, và chia sẻ cuộc sống của từng người. Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chính là Ông Trời Hiện Thân, không những để cho chúng ta được diễm phúc Làm Người, mà còn chăm sóc che chở cho chúng ta tiếp tục sinh tồn và tăng trưởng.
Việc thờ kính Tổ Tiên nhắc nhở người đang sống phải ý thức ơn ích được thừa hưởng, đồng thời thúc đẩy phát huy sự nghiệp ân đức của dòng họ... chỉnh đốn và tăng trưởng cuộc sống, giúp mọi người sống trọn vẹn chính mình, phát huy niềm Hãnh diện Làm Người, và tận hưởng Hạnh phúc Làm Người đích thực.
Đối với con cháu, Ông Bà Cha Mẹ là những vị Thần, dù các Ngài ở bất cứ tuổi nào.
Từ nhiều ngàn năm trước, Tộc Việt đã có truyền thống thờ kính Tổ Tiên. Nhà dân Việt luôn có bàn thờ Tổ Tiên ở nơi trang trọng nhất.*6
b. Mười Tám Vua Hùng Quốc Tổ.
Việt Nam, nhánh Việt Lạc Sông Hồng của Tộc Việt, cũng thờ kính Mười Tám Vị Quốc Tổ, với miếu hiệu Vua Hùng. Vua Hùng là Biểu Tượng của Những Vị đã Đóng Góp Đặc Biệt vào việc hình thành của Tộc Dân và Văn Hóa Việt từ Thời Khởi Nguyên. Các Ngài là những Vị trỗi vượt thuộc mọi lãnh vực, chứ không nhất thiết là người có quyền cai trị.
Truyền thuyết xưa nhất của dân ta, luôn nhắc đến Vua Hùng như là biểu tượng cao quý và quyền uy nhất của xã hội Việt. Vua Hùng có mặt trong mọi Truyền Kỳ liên quan tới đời sống xã hội, gia đình, làng nước.
* Ở Thời Hùng, dân Việt thiên về mẫu hệ, nữ giới giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, nhiều Vị Nữ Giới cũng đã đóng góp đặc biệt trong việc thành hình xã hội và văn hóa Việt. Ta thờ kính 9 Vua Hùng Bà và 9 Vua Hùng Ông.*7
c. Hai Vị Tộc Tổ.
Dân Việt còn thờ kính Hai Vị Tổ đầu tiên của toàn thể Tộc Việt. Từ Hai Ngài khởi phát Tộc Việt và Văn hóa Việt. Hai Ngài sống vào thời khuyết sử, cách đây hơn 7000 năm.
Với niềm kính quý và biết ơn, Dân Việt đã tôn vinh Hai Ngài thành hai biểu tượng cao quý nhất : Mẹ Tiên và Cha Rồng.
Với sứ mạng Trời ban sinh ra cả một giống dân đông đúc siêu việt, là Tổ trên hết các Tổ của Tộc Việt, là Nguồn sinh mọi Thần Thánh Anh Linh Việt, địa vị Hai Ngài Tộc Tổ cao trọng và uy thế khôn tả, đáng được mọi người tôn vinh và cầu khẩn.*8
*     *
3.3 Các Ân Nhân.
a. Ân Nhân Nhân Thần và Thiên Thần.
Nối tiếp tâm thức biết ơn và thờ kính Ông Trời và Tổ Tiên Ông Bà, dân Việt cũng tỏ lòng biết ơn và thờ kính những Ân Nhân đã trợ giúp tăng triển cuộc sống toàn vẹn của Con Người.
Ngoài những Ân nhân có thời đã là con người, các vị Nhân Thần, dân Việt còn thờ kính những Vị Thần Linh Ân Nhân, tức là những Vị thuộc Thế giới Siêu linh, các Thiên Thần, đã hiển linh phù trợ đặc biệt cho con người, cho làng thôn, cho dân nước.*9
b. Trong cuộc sống.
Cho cuộc sống cá nhân, ân nhân quan trọng nhất là Thầy dạy, hoặc vị Tổ nghề nghiệp, những vị đã giúp thăng tiến toàn cuộc sống.*10
Ở làng thôn, Ân nhân lớn nhất là Vị Lập Làng, hoặc các Vị đã làm ơn ích đặc biệt cho làng... Nhiều Vị được thờ kính là Thần Làng, Thành Hoàng.*11
Được toàn dân thờ kính là tất cả những Vị đã góp phần cho dân nước, ở mọi tầm độ và mọi phương diện, hữu danh cũng như vô danh, tức là các Văn Thánh Võ Thần và các  hiền nhân nghĩa sĩ. Khắp nơi đều có đền thờ các Ngài. Ngày húy của các Ngài cũng là những ngày lễ của dân tộc.*12
c. Đạo thờ Ân Nhân.
Thực ra, Ông Trời và Tổ Tiên mọi Bậc cũng là những Ân Nhân đã ban Nguồn Sống cho mỗi người, cho mọi người.
Như vậy, đối tượng Tâm Linh Việt là thờ Ân Nhân, với hai thành phần : Ân nhân Nguồn Sống và Ân nhân Trợ Giúp, ở mọi cấp, mọi phương diện.
*     *
3.4 Cõi Trời
a. Về Trời.
Theo niềm tin Việt, khi qua đời, con người về với Ông Bà. Theo Bộ Truyền Kỳ, về với Ông Bà, cũng là về Trời.
Sau cuộc đời giúp dân sống an vui thịnh vượng, Chử Đồng và Tiên Dung hóa phép đem toàn thể dân chúng và nhà cửa phố xá về Trời.*13
Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu dân cứu nước, Phù Đổng đã cỡi ngựa thần lên núi và về Trời.*14
Về Trời vừa là biểu trưng vừa là hiện thực. Về Trời là thành quả tốt đẹp nhất của cuộc sống con người, con người an vui, hạnh phúc toàn vẹn. Về Trời cũng là thành Thần thành Thánh, được thờ kính.*15
b. Cõi Sống Toàn Vẹn.
Như vậy, cõi Trời là nơi Tổ Tiên và Thần Thánh đang sống với Các Đấng Linh Thiêng.
Trời là Cõi Phúc, cõi Vĩnh Cửu, nơi vui sướng an lạc, nơi con người hưởng nhận trọn vẹn Hạnh Phúc Làm Người.
Đối nghịch với Trời là địa ngục, nơi của những người đã có cuộc sống bất xứng, gây tổn hại cho người khác, cho vạn vật.
*     *     *     *
4. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
4.1 Như Trời Sinh.
a. Con người và Vạn vật.
Cũng như Con Người, vạn vật, mọi cá thể hiện hữu trong vũ trụ cũng như thuộc Thế giới Siêu linh, tất cả đều hưởng nhờ Sức Sống, sự Hiện Hữu, từ Ông Trời.
Mỗi vật, mỗi cá thể, và toàn thể vạn vật, cũng đều hưởng nhận Niềm Hạnh Phúc riêng mình, tùy theo tầm độ, cấu trúc, và cách thức đã tiếp nhận từ Nguồn Sống Khởi Nguyên, Ông Trời.
Cũng vì vậy, Con Người và vạn vật, tuy khác nhau về tầm độ và cấu trúc, đều liên hệ mật thiết với nhau. Vạn vật nhất thể.
b. Thân phận Bất Toàn.
Qua cuộc sống, qua tiếp xúc và liên lạc với thế giới chung quanh, con người nhận biết những đặc tính của riêng mình, và của vạn vật.
Con người nhận biết mình hưởng nhận Sức Sống từ Ông Trời, Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên. Vạn vật cũng hưởng nhận Sức Sống từ Ngài.
Con người có nhiều hạn hẹp và bất toàn trong cấu trúc và trong cuộc sống. Vạn vật cũng không ngoài thân phận đó, dầu ở những tầm độ và cấu trúc khác nhau.
Cũng như con người gồm phần vật thể và phần không vật thể, vạn vật cũng có những hiện hữu vật thể, hạn hẹp trong không gian và thời gian, và những hiện hữu không vật thể, ngoài thời không, vô hình, trường cửu.*16
c. Tự tại và Liên đới.
Vì mỗi một cá thể, mỗi một con người, và tất cả vạn vật đều có chung một Nguồn Sống, và cùng có Thân phận Bất toàn, con người và vạn vật liên đới hỗ tương trong việc tăng trưởng và kiện toàn.
Cũng vì vậy, con người vừa có cuộc sống tự tại, tự túc, vừa liên đới mật thiết với mọi con người khác và với vạn vật. Con người vừa là cá thể tự tại, vừa bẫm sinh là thành phần của xã hội.*17
*     *
4.2 Hệ quả Thân phận Bất toàn.
1. Tăng trưởng, Kiện toàn.
Qua những biến chuyển trong cuộc sống, Con người cảm nhận được sứ mạng vươn lên từ những bất toàn của mình. Nhờ bất toàn, con người có thể tăng trưởng trong mọi phương diện. Bất toàn chẳng những không cản trở, mà còn là một mời gọi, một thách thức vươn lên, bổ túc, kiện toàn.
Đây cũng chính là vinh dự và niềm hãnh diện của con người.
2. Tăng Trưởng tạo Nhu Cầu.
Sự bất toàn và tự lực tăng trưởng, phát sinh nhu cầu cần thỏa mãn, cần bù đắp.
Vì vậy, đáp ứng nhu cầu, theo bản năng, trong những hình thức và điều kiện bình thường là tự nhiên.
Ở những trường hợp và hoàn cảnh bất thường, đáp ứng nhu cầu bản năng cách bất thường, cũng không nhất thiết là trái tự nhiên.*18
3. Tự Túc tạo Tự Do.
Con người phải tự túc, phải tự mình chăm lo sự tăng trưởng của chính mình, cũng là nguồn gốc của Tự Do.
Nhờ tự túc tăng trưởng, con người có thể tự mình định đoạt chiều hướng tăng trưởng của mình, tự ý chọn lựa những gì thích hợp nhất cho chính mình, trong liên đới hỗ tương với những con người khác, và với vạn vật chung quanh.
Đây là nền tảng sự Tự do của con người, và của vạn vật.
4. Trợ giúp và Cản trở.
Vì bất toàn, vì bị giới hạn trong thời không, trong năng lực, trong nhận thức, trong cảm xúc, trong tuệ năng... và vì ảnh hưởng hỗ tương giữa những bất toàn, giữa con người bất toàn và vạn vật bất toàn, cuộc sống con người không chỉ có trợ giúp, thuận lợi, mà còn có cản trở, chướng ngại, tai họa...
5. Vui Sướng và Đau Khổ.
Cũng vì bất toàn, cũng vì phải đáp ứng nhu cầu kiện toàn và tăng trưởng, con người cảm nhận niềm vui sướng khi có những thỏa mãn thích đáng, và đau khổ khi không được đáp ứng đúng mức.
Từ đó phát sinh mọi tình ý, dục vọng, như yêu thương, ghét bỏ, buồn phiền, vui thích, sợ sệt, ham muốn...
Từ đó phát sinh vui sướng và đau khổ, hạnh phúc hoặc bất hạnh.
6. Việc Lành và Phúc Đức.
Vì con người bẩm sinh vừa tự tại vừa liên đới với những con người khác, với vạn vật, bất cứ cuộc sống nào của con người cũng ảnh hưởng không chỉ cho chính mình, mà còn cho những người và vạn vật chung quanh.
Trong thân phận bất toàn, việc con người giúp nhau tăng trưởng và kiện toàn Cuộc sống, Chung và Riêng, là những Việc Lành.
Việc trợ giúp, Việc Lành, có thể chia thành 4 nhóm, theo 4 Sức sống của con người. Trợ giúp cho nhu cầu càng thiết yếu thì Việc Lành càng to lớn.
Khi được thi hành một cách ý thức, với tâm ý, Việc Lành trở thành Việc Phúc Đức. Việc Phúc Đức không chỉ trợ giúp người khác, mà còn đem lại nhiều ơn ích cho người thi hành.
Vì vậy, việc Phúc Đức có tầm độ ảnh hưởng vừa tùy theo kết quả của Việc Lành, vừa tùy theo tâm ý của người thực hiện. Việc Lành trợ giúp nhu cầu càng thiết yếu của càng nhiều người, và được thực thi với càng nhiều thành tâm thiện ý, thì Phúc đức càng to lớn, càng ơn ích.
7. Sự Dữ và Tội Ác.
Việc thỏa mãn nhu cầu kiện toàn và tăng trưởng một cách bất cập hoặc thái quá, đều phát sinh bất lợi và xáo trộn cho cuộc sống con người và cho vạn vật chung quanh. Đây là nguồn gốc của Sự Dữ. Sự Dữ có thể do ảnh hưởng của con người hoặc của vạn vật bất toàn quanh con người.
Đáp ứng bất cập không thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn 4 Sức Sống Thân, Trí, Tâm, Tuệ, của con người. Khiếm khuyết nầy gây tai hại và khổ đau cho cá nhân, cho xã hội, tạo ra cuộc sống không xứng đáng với phẩm cách và hạnh phúc của con người.
Đáp ứng vượt quá nhu cầu của một số người lại gây tổn hại, bất công và đau khổ cho những con người khác, và cho vạn vật. Từ đó phát sinh lạm dụng, bạo lực, tranh giành, chiếm đoạt, hà hiếp, bóc lột, tham nhũng...
Sự Dữ biến thành Tội Ác khi con người ý thức và quyết tâm gây tổn hại cho chính mình, cho người khác, cho cuộc sống chung, cho vạn vật quanh mình.
Tổn hại càng thiết yếu, càng lâu dài, và ảnh hưởng đến càng nhiều người, thì Tội Ác càng thêm to lớn và trầm trọng.
*     *     *     *
5. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
5.1 Sống Như Được Trời Sinh.
Theo Văn hóa Việt, con người sống theo Đạo Trời, mà cũng là sống theo Đạo Làm Người, tức là sống đúng Thân phận Làm Người trọn vẹn, như Trời đã sinh dựng nên.
Con người, cũng như vạn vật, được hình thành và sống động tùy theo Tầm độ Sức Sống nhận được từ Ông Trời, Nguồn Sống Khởi Nguyên. Trong sự khôn sáng và từ nhân, Ông Trời đã theo tầm độ mà thông truyền Sức Sống của Ngài cho mỗi tạo vật, trong đó có con người.
Do đó, cuộc sống của mỗi con người, của mỗi tạo vật, là thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn tầm độ Sức Sống đó.
Sống Như Được Trời Sinh cũng chính là Đặc Ân, Niềm Hãnh Diện và là Niềm Hạnh Phúc đích thực của mỗi Con Người, của mỗi tạo vật.
*     *
5.2 Sống với Cha Mẹ, Tổ Tiên.
Tổ Tiên, Cha Mẹ là những Vị trực tiếp thông truyền Nguồn Sống của Trời cho mỗi người.
Vì vậy, Con người được sinh ra, vào đời, không phải cô đơn mà cũng không phải tay trắng, vì có Mẹ có Cha, có tài sản của Mẹ Cha, và nhất là vì mang theo vào đời phúc đức và sự phù trợ của Cha Mẹ, Ông Bà, Dòng họ, Dân tộc. Hơn nữa, giữa vạn vật, con người mang theo niềm Hãnh diện Thân phận đặc biệt, và Hạnh phúc Làm Người.
Trong cuộc sống, mỗi người không chỉ có Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ luôn phù trợ, che chở cho mình, mà chính mình cũng tạo thêm phúc đức cho xứng đáng với Tổ Tiên Ông Bà, và rồi, chính mình cũng phù trợ cho con cháu.
Khi lìa đời, con người cũng không bơ vơ mà cũng không ra đi tay trắng, vì có Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ và thân hữu đang chờ đón, và vì mang theo phúc đức trọn cuộc sống của mình.*19
*     *
5.3 Sống Con Người trọn vẹn.
Niềm hãnh diện, cũng là niềm hạnh phúc của con người, là sống trọn vẹn Thân phận Làm Người, như được Trời sinh, trọn vẹn Con Người tinh tuyền, không bị bất cứ ngoại vật nào tha hóa.
Theo Văn hóa Việt, trong cuộc sống hằng ngày, con người thể hiện và tăng trưởng hai phần Tiên Rồng, gồm bốn Sức Sống, mà cũng là sống Tình Tương Thânsống Việc Phát Triển.
Để Sống Tình Tương Thân, tức là để thể hiện và tăng trưởng hai Sức sống thuộc phần Tiên, Tâm Tình và Tuệ Linh, Nếp sống Việt lại dùng hai Sức sống Thân Lực và Trí Tài làm nền tảng bảo đảm cho cuộc sống Thân Thương an vững và sáng suốt.
Đồng thời, để Sống Việc Phát Triển, tức là để thể hiện và tăng trưởng hai Sức sống thuộc phần Rồng, Thân Lực và Trí Tài, Văn hóa Việt lại dùng hai Sức sống Tâm Tình và Tuệ Linh làm động cơ thúc đẩy và hướng dẫn thể hiện Cuộc Sống Chung.*20
*     *
5.4 Sống giữa Vạn Vật.
Giữa vạn vật, sống trọn vẹn ‘Thân phận Làm Người như được Trời sinh’ cũng có nghĩa là con người đồng thời có Quyền Làm Người và Quyền Làm Thành viên Xã Hội Loài Người.
Quyền Làm Người là quyền có được những điều kiện bình thường để thỏa mãn nhu cầu thể hiện và tăng trưởng những đặc tính Làm Người, như được Trời sinh.
Vì con người bẫm sinh xã hội, nên con người cũng có Quyền Làm Thành Phần của Xã Hội Loài Người.*21
Do đó, Quyền Làm Người cũng là quyền được có cuộc sống thích đáng trong một Xã Hội thích đáng, để con người có thể thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn Bốn Sức Sống Thân Trí Tâm Tuệ.
Cũng do đó, cộng đoàn con ngườiQuyền Làm Xã Hội Loài Người, tức là có quyền lợi và trách nhiệm thể hiện những đặc tính Thân Thương toàn tâm và Bình Đẳng căn cơ của Xã hội Con Người, và không bị chi phối bởi những cách sống không thuộc về con người.*22
Ảnh hưởng của những cách sống không thuộc về con người, dầu thấp hơn hay cao hơn, dầu theo tiêu chuẩn của thú vật hay của thần thánh, cũng đều tha hóa con người.
* Cần phân biệt Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc sống Con người. Chủ Tâm, chủ đích, của cuộc sống con người là những gì con người cần thể hiện trong cuộc sống, ở đây là thể hiện 4 Sức sống Thân Trí Tâm Tuệ và 2 đặc tính xã hội Thân Thương, Bình Đẳng. Thành Quả là những kết quả đương nhiên của cuộc sống. Đảo lộn Chủ Tâm với Thành Quả thì cũng đảo lộn và tha hóa cuộc sống con người.*23
*     *
5.5 Sống Hạnh Phúc Làm Người.
Như vậy, theo Văn hóa Việt, con người sống động là để hưởng nhận trọn vẹn tất cả những gì Ông Trời, Nguồn Sống Khởi Nguyên, đã thông truyền thành mình, với mọi bất toàn và hạn hẹp hiện có, và để mọi người giúp nhau tận hưởng Hạnh Phúc Làm Người.
Cũng theo Văn hóa Việt, Con người được hưởng hạnh phúc khi sống cuộc sống thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn 4 Sức sống, trọn vẹn Tiên Rồng, vừa trong Tương quan vừa trong Sinh hoạt, vừa riêng tư vừa xã hội, tức là vừa Thân Thương vừa Bình Đẳng, vừa Tương thân vừa Phát triển.
Thực vậy, mọi Người đều là 50% Tiên 50% Rồng, đều là Anh Em trong Một Bọc, đều Bình Đẳng và Thân Thương tột cùng, thì cuộc sống là gì nếu không là Sống Tương Thân Phát Triển, cùng chung nhau tận hưởng Sinh Thú, Niềm Hãnh Diện, và Niềm Hạnh Phúc Làm Người ?*24
*     *     *     *
6. CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI SIÊU LINH
6.1 Thông Hiệp.
Con Người có thể liên lạc với Thế giới Siêu linh là sự kiện phổ quát của nhân loại, ở mọi nơi và mọi thời. Đây là Sức sống Tuệ Linh của Con Người.*25
Theo Văn hóa Việt, Thế giới Siêu linh là nơi của Ông Trời, của các Vị Thần Linh, mà cũng là nơi Tổ Tiên đã về và đang sống. Con người có thể liên lạc với các Ngài, và được các Ngài phù trợ. Đây cũng là kinh nghiệm sống của mọi con người thuần phác.
Như thế, con người có thể thông hiệp, tức là có thể liên lạc và nhận sự phù trợ, với Thế giới Siêu linh, với Ông Bà Tổ Tiên.
Cách chung, Thế giới Siêu Linh còn được gọi là Thế giới Bên Kia, các Vị Khuất Mặt.
* Vì chỉ là kinh nghiệm sống bình thường, Văn hóa Việt không đề cập tới bản chất, cuộc sống, cơ cấu, cách sinh hoạt... của Thế giới Siêu linh.
*     *
6.2 Điều kiện Thông hiệp.
a. Lòng thành.
Điều kiện của liên lạc với Thế giới Siêu linh là lòng thành. Hình thức thông thường nhất là thành tâm cầu nguyện.
Chỉ có Lòng Thành mới tác động tới các Vị Khuất Mặt. Tâm động Thần tri. Có cầu có thiêng.
Lòng Thành có thể bộc lộ bằng việc kính quý, ngợi khen, cảm tạ, và xin ơn.
Cử chỉ, điệu bộ bày tỏ Lòng Thành có thể thay đổi qua thời gian, hoàn cảnh, nhưng điều cốt yếu là thể hiện, và do đó, tăng trưởng đời sống Tâm Linh.
b. Trong các Truyền kỳ.
Trong bộ Truyền kỳ, đặc biệt các Truyền kỳ Tiên Rồng, Tiết Liêu, và Phù Đổng, lòng thành chủ động trong liên lạc với Tổ.
Trong Truyền kỳ Tiên Rồng, chính Tổ đã dặn : ‘Khi cần thì gọi, ta về ngay’.*26
Trong Truyền kỳ Tiết Liêu, khi Tiết Liêu thành tâm tìm lễ vật thích đáng để dâng cúng Tổ, thì được Tổ về chỉ dạy cách làm Bánh Dày Bánh Chưng.*27
Khi mất nước, vua Hùng của Truyền kỳ Phù Đổng đã lập đàn cầu Tổ và cũng được Tổ về chỉ cách cứu nước.*28
*     *
6.3 Dấu hiệu Hiển Linh.
a. Niềm tin.
Tuy có thể liên lạc và nhận sự phù trợ của các Vị ở Thế giới Siêu linh, nhưng những yếu tố của Thế giới Siêu linh lại nằm ngoài kinh nghiệm hiện thực của con người. Do đó, nằm ngoài Văn hóa Việt.*29
Với các Vị thuộc Thế giới Siêu linh, niềm tin Việt ngừng lại ở các dấu hiệu hiển linh, tức là ở các biến cố đặc biệt do các Vị đã thực hiện để phù trợ con người.
b. Những Dấu hiệu Hiển Linh thông thường.
Theo Văn hóa Việt, sự phù trợ của Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ cho con cháu, là đương nhiên. Thực vậy, tình yêu thương con cháu của Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ là kinh nghiệm đầu tiên, liên tục, và sâu đậm nhất của con người.
Ngoài ra, đối với các Vị Khuất Mặt khác, việc liên lạc và phù trợ luôn được chứng tỏ bằng những dấu chứng đặc biệt từ các Vị đó.
Thông thường, đó là sự hiển linh tỏ tường, trực tiếp hoặc gián tiếp, của chính các Vị, và các điềm linh dấu lạ các Vị biểu lộ nơi con người hoặc nơi ngoại vật liên hệ.
Những dấu hiệu hiển linh nầy cũng được xác chứng ở mọi nền văn hóa thuần phác, và ở mọi tôn giáo.
*     *
6.4 Cư xử với Thế giới Siêu linh.
Vì kinh nghiệm sống của con người không thể thấu hiểu nếp sống của Thế giới Siêu linh, Văn hóa Việt dựa theo cung cách của thế giới hiện tại mà cư xử với Thế giới Bên kia. Dương sao âm vậy. Thờ người đã khuất như thờ người đang sống.
Cũng do đó, lễ vật cúng tế thường là những gì tốt đẹp nhất người dâng cúng có thể có, hoặc các món ăn mà Người Đã Khuất đã ưa thích khi còn sống. Cúng tế còn nhắc nhớ những kỳ tích đã hiển linh, hoặc những kỷ niệm, những công cuộc đặc biệt vị Đã Khuất đã thực hiện khi còn sống...
*     *     *     *
7. PHÂN BIỆT ĐẠO SỐNG VÀ TÔN GIÁO
7.1 Tăng trưởng Tâm Linh.
Dưới khía cạnh Con Người, Đạo Sống và Tôn Giáo đều nêu lên những nguyên tắc và những phương thức [niềm tin, và nghi thức, lễ tế...] để giúp con người tăng trưởng cuộc sống Tâm Linh, và sống đời hạnh phúc đích thực.
Tuy nhiên, Đạo Sống đặt nền tảng trên kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống thực tại bình thường của con người.
Tôn giáo nối kết mật thiết cuộc sống hiện tại với Thế giới Siêu linh, và chú trọng tới cuộc sống của con người sau khi con người chết. Do đó, căn cứ vào cách giải thích về cuộc sống ở Thế giới Siêu linh, Tôn giáo thành hình một hệ thống chỉ đạo cho cuộc sống con người trong hiện tại.
*     *
7.2 Thành tố của Tôn Giáo.
a. Đặc tính của Tôn giáo.
Tôn giáo cố gắng giải quyết những vấn nạn căn cội của cuộc sống con người, dựa trên những ‘khám phá’, mặc khải, đặt nền tảng ở Thế giới Siêu linh.
Như vậy, Tôn giáo có liên hệ chặt chẽ với Thế giới Siêu linh, là thế giới vượt ngoài kinh nghiệm thường ngày của con người.
Do đó, Tôn giáo có các thành tố nền tảng sau đây.
b. Vị Sáng Lập siêu phàm.
Vị Sáng Lập một Tôn Giáo được tin là một Vị Siêu Phàm, Vị có thể thông truyền những liên hệ trực tiếp giữa Con Người và Thế giới Siêu linh.
Là tín đồ Kitô Giáo khi tin rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa giáng trần.
Là tín đồ Phật Giáo khi tin rằng Đức Thích Ca Mâu Ni là Đấng truyền đạt những bí ẩn từ Cõi Chân Như.
Là tín đồ Hồi Giáo khi xác tín Muhammad là Vị Tiên Tri Tối Cao của Thượng Đế.
Lão Học trở thành Lão Giáo với những người tin rằng Lão Tử là Thái Thượng Lão Quân đầy uy thế ở Thế giới Siêu linh.
c. Tín điều.
Niềm tin vào Vị Sáng Lập Siêu Phàm kéo theo một số điều kiện mà Đạo Sống không có.
Trong tình thương chan chứa đối với nhân loại khổ đau, Ngài Giáo Chủ Siêu Phàm đã thông truyền những tuệ thức siêu phàm để giải thoát nhân loại.
Nhưng vì ngôn ngữ và tầm độ của nhân loại không thể diễn tả và lãnh hội đầy đủ về Thế giới Siêu linh, nên những điều Giáo Chủ thông truyền đã trở thành khó hiểu đối với tín đồ, trở thành những điều tín đồ phải tin, trở thành Tín điều.
d. Giáo sĩ.
Cũng vì vậy, cũng vì tôn giáo đặt nền tảng trên những giác ngộ hay mặc khải, nên tôn giáo cần Giáo Sĩ, (Tăng sĩ, Đạo sĩ), là những người đã học hỏi và tu tập để đủ điều kiện thấu hiểu và hướng dẫn Giáo Lý hơn những người khác.
e. Nhiều Tôn giáo.
Vì tính cách siêu phàm, vượt khỏi tầm nhận thức của con người, và vì mỗi Giáo Chủ và hàng giáo sĩ của mỗi tôn giáo có nhận thức khác nhau về Thế giới Siêu linh, nên không những có nhiều tôn giáo, mà mỗi tôn giáo còn có nhiều hệ phái.
*     *
7.3 Đạo Sống Việt.
Đạo Sống Việt chỉ là kết tinh của kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống thực tại bình thường.
Do đó, Đạo Sống Việt không có những đặc tính của một tôn giáo, không có Vị Sáng Lập Siêu Phàm, không có tín điều, không có giáo sĩ.
Cũng do đó, người sống Đạo Sống Việt có thể theo bất cứ tôn giáo nào, miễn là phần thực hành của tôn giáo đó không tổn hại tới cuộc sống toàn vẹn của con người và của xã hội loài người.
*     *     *     *
8. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
8.1 Thờ và Kính.
Trong ngôn ngữ Việt, chữ thờ và chữ kính được dùng lẫn lộn nhau, và có cùng một nghĩa.
Ca dao : Tu đâu cho bằng tu nhà,
       Thờ cha kính mẹ cũng là đi tu.
và rồi : Một lòng thờ mẹ kính cha
    Cho tròn chữ hiếu mới là Đạo Con.
Tuy nhiên, ý nghĩa và tầm độ của việc thờ kính lại thay đổi tùy theo đối tượng. Không ai lẫn lộn các tầm độ cao quý, tâm thành và thiết yếu, giữa thờ Trời với thờ Tổ Tiên. Không một người Việt nào coi Tổ Tiên mình bằng Ông Trời.
*     *
8.2 Về Ông Trời.
a. Ông Trời là Đạo Thường hằng.
Ý niệm cao siêu nhất về Ông Trời cũng là của Dân Việt. Trong Kinh Đạo Đức, quyển sách luận về Đạo và Đức, với lời lẽ khúc chiết, uyên thâm, Ngài được diễn tả là ‘Đạo’.
Câu mở đầu của Kinh Đạo Đức là ‘Đạo khả đạo, vô thường Đạo’ - Đạo mà (con người) có thể đàm đạo, bàn cải, thì không còn là Đạo thường hằng, không còn là Đạo vĩnh cửu.*30
b. Ông Trời là Nguồn Sống Tối cao và Hiện thực.
Trên Thạp đồng Đào Thịnh của dân Việt, từ hơn 3000 năm trước, đã có chữ Đạo  là hình chiếc Thuyền Chim Vượt Biển.
Con người sống trong Đạo như sống trong chiếc thuyền đang vượt biển. Hành trình dầu có xa xăm gian khổ, Đạo vẫn luôn bảo bọc, hướng dẫn, biến đổi mọi sự trong đời sống, hóa thành Đạo, và đưa tới bờ bến an toàn của Đạo.
Thuyền biển chữ Đạo nằm trên Thân Thạp cũng diễn đạt hàm ý Đạo ‘trống không’, nhưng Đạo chứa vạn vật, vạn vật ở trong Đạo. Thân Thạp rỗng, cũng như Đạo ‘trống không’, nhưng nhờ phần trống rỗng đó, thạp, và Đạo, mới có thể chứa vạn vật.
Ở đỉnh Nắp Thạp, Mặt Trời tỏa sáng thông truyền sức sống, Mặt Trời bảo toàn và tăng trưởng Sức sống cho vạn vật. Mặt Trời cũng là Đức .
Mặt của Trời là Đức tỏa truyền Sức Sống của Đạo. Vậy Đạo là Trời.
Và vì Trời tỏa truyền Sức sống cho con người, cho vạn vật, nên Trời cũng là Sức sống, là Ông Trời.
Qua kinh nghiệm và ý thức về nguồn sống nơi bản thân và nơi vạn vật, và cùng với ý niệm Đạo ‘chứa vạn vật’, Đạo bao trùm vạn vật, Tổ Tiên nhận ra Ông Trời là  Đấng Nguồn Sống, nguồn phát sinh và truyền tỏa Sức Sống cho toàn thể vạn vật, cho từng con người hiện thực đang sống.
Ngài là Nguồn Sống tối cao và hiện thực, vạn vật đều phát sinh từ Ngài, và đang ở trong Nguồn Sống của Ngài.*31
c. ‘Ta là Ta’.
Trong Kinh Thánh Kitô giáo, khi được hỏi ‘Tên Ngài là gì ?’, 'Ông Trời' đã trả lời : ‘Ta là Ta’ ! (Ex 3, 13-14).
Ngài chỉ có thể trả lời được vậy : Ta là Ta. Vì Ngài quá cao siêu, con người không đủ sức để nhận biết về Ngài. Nếu nói cho Con người Hiểu, nếu nói một cái Tên cho Con người có thể hiểu qua cái Tên đó, có thể đàm đạo, thì không còn đủ cao siêu như chính Ngài nữa ! Vì vậy, chỉ có thể nói ‘Ngài là Ngài’.
* Ngày nay, nhiều người đang diễn tả ‘Thiên Chúa’ theo ý mình, (theo tầm hiểu biết và lý luận của con người hạn hẹp, và ‘Ngài’ không phải là thường hằng nữa), rồi theo thứ ‘Thiên Chúa’ đó mà kết luận là ‘đã chết’, ‘không hiện hữu’...
d. ‘Ông Ai’.
Giới bình dân Việt Nam còn gọi Ông Trời là ‘Ông Ai’, đặc biệt khi ‘Vái Ông Ai cho dân tôi thoát khổ’.
Khi con người không thể hiểu, không thể gọi Tên, không thể đàm đạo, không thể nói xuôi nói ngược... thì còn gì ngoài chữ ‘Ông Ai’ của bình dân Việt Nam ?
Tôi biết có Ngài, tôi cầu khẩn với Ngài, nhưng tôi cũng biết Ngài là một VỊ quá cao siêu mà tôi không thể hiểu, mà loài người chúng tôi không thể có tiếng nào đích xác để gọi Ngài !... Nhưng tôi nhận thức được Ngài, tôi biết Ngài là ‘AI’ Đó. Ngài là 'Ông Ai'.
Còn gì cao siêu và chính xác hơn ?
e. Ông Trời là Đấng Thần Trí Yêu Thương.
Căn cứ vào một Mặt Đá Vân đặc biệt, thành hình từ Một Trăm Triệu Năm trước,
Trên Mặt Đá nầy có những hình ảnh ghi lại 4 Tinh Hệ của 8000 năm vừa qua, và Tinh hệ của 2000 năm đang tới. Những hình ảnh tinh hệ nầy mới được Con người Tưởng Tượng cách đây 5000 năm, nhưng đã có trên Mặt Đá cách đây hơn 100.000.000 năm.
Trên Mặt Đá còn có hình ảnh Huyền Thoại về Nguồn gốc của 3 nền Văn hóa lớn hiện đại.
Ngoài ra, Mặt Đá còn có hình Bản đồ Việt Nam chiếm gần một nửa chiều dài Mặt Đá, và hình Long Phụng cũng lớn tương đương.
Đặc điểm độc đáo của Mặt Đá là mọi hình ảnh trên không nằm lộn xộn, mà mỗi hình, mỗi Tinh hệ, mỗi Huyền thoại, đều đúng tầm cỡ, đều ở đúng vị trí và chiều hướng thích đáng của nó.
Tất cả đều từ 100.000.000 Năm trước. Đang khi đó, con người xuất hiện trên trái đất, dầu theo cách tính nào đi nữa, cũng không quá 7.000.000 Năm...
Tất cả đều ghi dấu ấn của một Thần Trí, vượt xa vô hạn tâm trí con người, vượt không gian và thời gian... đã chăm chút và ghi lại nhiều chi tiết đích xác về con người và về những liên hệ quanh con người của thời Hôm Nay... từ hơn Một Trăm Triệu Năm trước.*32
*     *
8.3 Dấu hiệu Hiển Linh và Kitô giáo.
Có khuynh hướng trong Kitô giáo cho rằng tin vào sự hiển linh trợ giúp của Thần linh là tin vơ thờ quấy.
Tuy nhiên, Sách Thánh Kitô giáo cũng có nhiều đoạn nói tới việc hiển linh của các Vị thuộc Thế giới Siêu linh.
Sau đây là một số thí dụ.
1. Sự phù trợ thường trực của Thần linh.
Theo sách Phúc Âm, Mỗi Người có một Thiên Thần Giữ Mình, luôn gìn giữ bảo vệ, Mt 18, 10, và có lễ hằng năm (ngày 2.10).
Không chỉ nhiều nơi trong Cựu Ước, Ps 90, 11...  mà trong bộ Tân Ước, sách Khải Huyền đã xác quyết là các giáo đoàn có các Thiên Thần đặc trách, Apoc 1, 20.
Các giáo đường và giáo xứ ở khắp nơi cũng đều có Thiên Thần hoặc Thánh (tức là Nhân Thần) làm Quan Thầy, tức là Thành Hoàng... để phù trợ, để cầu bàu.
2. Các Thiên Thần hiển linh phù trợ.
- Các Thiên Thần giết con đầu lòng của Ai Cập, Ex 12, 12.
- Thiên Thần giúp tiêu diệt quân giặc, 2Reg 19, 35.
- Thiên Thần Raphael hiện hình thành người bạn đường của Tôbia, Tob 12, 15.
- Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Giacaria, Lc 1, 11. - cho Đức Maria, Lc 1, 26-38.
- Nhiều Thiên Thần loan tin Đấng Cứu Thế giáng sinh, Lc 2, 9-15.
- Thiên Thần mở cửa ngục, cứu các Tông đồ, Act 5, 19; Act 12, 7-10.
- Thiên Thần chỉ bảo riêng cho Gioan, Apoc 1,1.
3. Điềm lạ tinh tú.
- Cột lửa dẫn đường vượt Biển Đỏ, Ex 13, 21.
- Đi theo Sao Lạ, 3 nhà thông thái đã gặp được Bé Giêsu, Mt 2, 9-11. (Hằng năm vẫn trang trí hình sao lạ vào dịp lễ Giáng Sinh).
4. Gọi Hồn.
Vua Saulê nhờ Bà Đồng gọi hồn của Tiên tri Samuel, và hồn của Tiên tri Samuel về nói chuyện, 1Sam 28, 8-19.
5. Tiên báo.
Rất nhiều nơi trong Sách Thánh, với các tác phẩm của 12 vị được gọi là đại Tiên Tri.
6. Báo mộng.
- Giacóp ngủ, trong chiêm mộng, lên trời gặp các Thiên Thần, Thiên Chúa, Gen 28, 12-13; Gen 31, 11.
- Giuse được báo tin trong khi ngủ, - để nhận Đức Maria, Mt 1, 20; - để ‘đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn qua Ai Cập’, Mt 2, 13; - để đem về lại, Mt 2, 19-20.
7. Xuất thần.
- Ông Simêon được báo trước và xuất thần ca tụng Bé Giêsu, Lc 2, 25-32. - Bà tiên tri Anna cũng nói về sứ mạng của Bé Giêsu, Lc 2, 36-38.
- Các Tông đồ nói nhiều thứ tiếng, Act 2, 4, 17-20,
- Thánh Phêrô xuất thần, thấy điềm lạ, Act 10, 10-16.
8. Hiện ra.
- Nhiều Thánh thời xưa hiện ra, Mt 27, 53.
- Trong thời hiện đại, Thiên Thần hiện ra chuẩn bị cho Đức Maria hiện ra... và được chính thức công nhận, như ở Paris (140 rue du Bac), Lourdes, Fatima...
9. Phép lạ.
- Đức Giêsu dùng nhiều phép lạ và tiên báo để minh chứng Ngài là Đấng Được Trông Đợi.
- Thánh Phêrô, Phaolô làm nhiều phép lạ, Act 3, 2-8; Act 19,11-12.
- Hiện nay, làm phép lạ là điều kiện để được phong Thánh.
*     *     *     *
9. GHI CHÚ
* 3102. : ký số của Bài trong danhgiactau.com.
*1 - Về Phân biệt Đạo sống và Tôn giáo, đọc tiếp ở phần 7.
*2 - Đọc bài 1307. Nguồn gốc Việt Nam của Học thuyết Đạo và Đức, đoạn 5.2.
*3 - Đọc bài 3103. Phúc Đức : Kết Tinh Cuộc Sống Tâm Linh Việt.
Về Mặt Trời, đọc bài 1307. Nguồn gốc Việt Nam của Học thuyết Đạo và Đức, đoạn 3.2.
*4 - Về Ông Trời, đọc tiếp đoạn 8.2.
- Đọc bài 3203. Tám Đại Lễ và Chín Lễ Dân Tộc, đoạn 2.2. - Bài 3302. Văn tế kính Trời, Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên.
*5 - Để chuẩn bị mừng Tết Năm Mới, thì ‘Ông Táo’ được long trọng tiển đưa về Trời tâu trình mọi việc trong gia đình. - Đọc bài 3203. Tám Đại Lễ và Chín Lễ Dân Tộc, mục 2.7b.
- Về Ông Táo, đọc bài 2103. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người, đoạn 6.5.
* Để tỏ lòng úy phục, thay vì kêu ‘Ông Trời’, dân ta nói tránh thành ‘Ông Thiên’. - Nhiều sắc dân khác, như Thái Lan, cũng có Bàn thờ trước mỗi nhà. Nhưng họ không thờ Ông Thiên, mà thờ Chủ trước, hoặc những Vị khác.
* Phương Tây và Tộc Hoa giành quyền Thờ Trời cho Vua Chúa.
*6 - Đọc bài 3203. Tám Đại Lễ và Chín Lễ Dân Tộc, đoạn 2.7. - Bài 3305. Văn tế kính Ông Bà Tổ Tiên. - Bài 3321. Văn tế Lễ Giỗ Cha. - Bài 3322. Văn tế Lễ Giỗ Mẹ.
*7 - Đọc bài 1402. Nguồn gốc Tiên Rồng, phần 4.
*8 - Đọc bài 1403. 18 Vua Hùng : 9 Vua Hùng Bà, 9 Vua Hùng Ông, phần 4.
*9 - Đọc bài 3203. Tám Đại Lễ và Chín Lễ Dân Tộc, đoạn 2.5.
*10 - Đọc bài 3204. Lễ Làng, Lễ Họ tộc, Lễ Gia đình, và Lễ Từng người.
*11 - Vào ngày Kính Lão, nhiều nơi tế các Vị ở tuổi thọ với nghi thức Tế Thần. Tuổi thọ thường tính từ 60 tuổi. - Đọc bài 3203. Tám Đại Lễ và Chín Lễ Dân Tộc, đoạn 5.2.
*12 - Đọc bài trên, đoạn 2.8 và 2.9. - Đọc bài 3308. Văn tế kính Các Đấng Văn Thánh Hiền Nhân. - Đọc bài 3309. Văn tế kính Các Đấng Võ Thần Nghĩa Sĩ.
Về việc Thờ Anh Hùng, đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, đoạn 13.1, 13.4, và mục 14.3b.
*13 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng, mục 4.4b.
*14 - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, đoạn 13.1.
*15 - Đọc bài 2206. Chủ Tâm và Thành Quả Cuộc sống Con Người, phần 2.
*16 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đoạn 4.1 và 4.2.
*17 - Đọc bài trên, đoạn 6.1 và phần 7.
*18 - Như tự vệ trước nguy cấp, quá thiếu ăn phải trộm cắp để sống còn...
*19 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đoạn 5.1.
*20 - Đọc bài 2206. Chủ Tâm và Thành Quả Cuộc sống Con Người, đoạn 4.1.
- Về Bốn Sức Sống, cũng gọi là Thân, Trí, Tâm, Tuệ, đọc bài 2205. Bốn Sức sống Con Người.
*21 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, phần 7.
*22 - Về hai Đặc tính Xã Hội Thân Thương toàn tâm và Bình Đẳng căn cơ, đọc bài trên, đoạn 5.2.
*23 - Đọc bài 2206. Chủ Tâm và Thành Quả Cuộc sống Con Người, phần 3.
*24 - Đọc bài trên, đoạn 4.2.
*25 - Đọc bài 2205. Bốn Sức sống Con Người, đoạn 5.3.
*26 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, phần 2.
*27 - Đọc bài 2105. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước, mục 5.3a.
*28 - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, đoạn 5.1.
*29 - Việc giải thích Thế giới Siêu linh thuộc về Tôn giáo.
*30 - Về Kinh Đạo Đức, đọc bài 1111. Việt và Hoa Thời Hùng 4B-C, đoạn 1.5.
*31 - Đọc bài 1307. Nguồn gốc Việt Nam của Học thuyết Đạo và Đức, đb đoạn 3.1 và 5.2.
*32 - Đọc bài 5103. Mặt Đá Bảo Bình và Ba Nền Văn Hóa hiện nay, đb phần 6.
Nguyễn Thanh Đức 2013.
 
 

 
 
 
 
 
 

Tổng số lượt xem trang