Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Gough Whitlam và người tị nạn Việt

-Nguyen Tuan
Cựu thủ tướng Gough Whitlam mới qua đời ngày hôm qua (21/10), thọ 98 tuổi. Hôm nay, tôi mới thấy bài "Vị thủ tướng chống chiến tranh Việt Nam" trên Tuần Việt Nam (1), mà trong đó tác giả ca ngợi ông Gough Whitlam quá cỡ. Ông Whitlam là một chính khách lớn của Úc, ông nổi tiếng vì bị Tổng toàn quyền Úc truất phế khỏi ghế thủ tướng gần 40 năm trước. Bài này không đề cập đến sự kiện đó một cách công minh, mà chỉ nói đến việc ông Whitlam thiết lập bang giao với chính quyền miền Bắc. Giọng điệu ca ngợi trong bài này rất hợp gu Nhà nước. Nhưng là người Việt, tôi thấy hơi ngượng cho tác giả.

Trước hết hãy nói về chính sách đối với người tị nạn của Úc. Mấy năm gần đây, làn sóng người Bangladesh, Afghanistan, Pakistan, Iraq, v.v. đi thuyền từ Nam Dương sang Úc để xin tị nạn. Hàng trăm (hình như >500) người Việt Nam cũng vượt biên thẳng đến Úc xin tị nạn. Chính phủ Úc cảm thấy đứng trong tình trạng báo động vì số người xin tị nạn càng ngày càng nhiều, và vì áp lực của cử tri càng ngày càng cao là phải giải quyết vấn đề.
Thoạt đầu, Chính phủ Úc chuyển mấy người này sang một đảo thuộc Úc và tiến hành các thủ tục phỏng vấn và xác minh tư cách tị nạn. Nhưng giải pháp đảo này không có hiệu quả ngăn ngừa làn sóng người tị nạn, nên Úc quay sang giải pháp thứ hai là chuyển người xin tị nạn đến quốc đảo Nauru (còn gọi là Giải pháp Pacific). Dĩ nhiên, Chính phủ Úc phải chi tiền để Nauru nuôi người xin tị nạn trong thời gian chờ xét duyệt. Theo thống kê, Nauru đã đón nhận khoảng 1600 người, trong số này 700 là được cho định cư ở Úc, 400 ở Tân Tây Lan, một số nhỏ thì định cư ở Âu Châu, và gần 500 người tự nguyện hồi hương.
Chưa thấy hiệu quả ra sao, thì nay đùng một cái, Chính phủ Úc tuyên bố chuyển người xin tị nạn sang … Kampuchea, sát nách Việt Nam! Đây là kết quả của những chuyến đàm phán "đi đêm" giữa Chính phủ Úc và KPC, và mới chỉ được công bố vào cuối tháng 9 vừa qua. Theo báo chí thì Úc đồng ý chi cho KPC 40 triệu AUD để chăm lo người xin tị nạn trong khi chờ xử lí. Campuchea thì nói rằng họ muốn đóng góp một phần vào việc giải quyết vấn đề người tị nạn trên thế giới (Xem ra KPC còn nhân đạo hơn VN về cái khoản này). Thế là trong tương lai người Việt Nam vượt biên để hi vọng đến Úc sống thì sẽ được chuyển về Kampuchea.
Tình cảnh người tị nạn ngày nay làm tôi nhớ đến chuyện ông Whitlam mà tôi đề cập trong phần đầu bài này. Ông Whitlam là người chống người tị nạn Việt Nam. Khi làn sóng người tị nạn bắt đầu nổi lên sau 1975, ông Whitlam từng tuyên bố "I'm not having hundreds of fucking Vietnamese Balts coming into this country with their political and religious hatreds against us." (Tạm dịch: Tôi không muốn có cả trăm người trong cái đám người Việt chết tiệt đó vào Úc với những thù hận mang tính chính trị và tôn giáo chống lại chúng ta). Ông dùng chữ chửi thề "fucking"! May phước sau đó ông bị truất phế khỏi ghế thủ tướng, và Chính phủ của Malcolm Fraser lên cầm quyền. Nếu ông Whitlam lúc đó còn tại chức những người như tôi sẽ không có đường đến Úc.
Thái độ chống dân tị nạn của Whitlam rất nhất quán với thái độ không ưa người Việt ở miền Nam. Khi miền Nam bị sụp đổ, chính phủ Whitlam bỏ rơi 130 nhân viên người Việt làm cho tòa đại sứ và lãnh sự Úc tại Sài Gòn. Một cách cư xử xấu ra mặt.
Nếu tác giả bài viết trên Tuần Việt Nam là người đi từ miền Bắc sau này thì tôi không ngạc nhiên về giọng điệu trong bài viết. Nhưng nếu tác giả đó là người sang Úc như là người tị nạn thì tôi nghĩ bài viết đó thật … khó đọc. Thà đừng viết, chứ viết để ca ngợi một người chống lại mình hay chống lại đồng hương mình thì quả là thiếu tự trọng.
Nhưng thôi thì chuyện cũ đã qua, nay ông Whitlam đã về cõi vĩnh hằng, nên mọi "ân oán" phải bỏ qua hết. Chúc ông sớm chuyển nghiệp.
===
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/203379/vi-thu-tuong-chong-chien-tranh-viet-nam.html
Bài viết này trích dịch sai một đoạn phát ngôn của ông Whitlam ("Thưa quý ông, quý bà, chúng ta có thể hát quốc ca "Chúa Trời cứu giúp Nữ hoàng" vì không có gì có thể cứu giúp được vị Toàn quyền!"). Thật ra, nguyên văn câu nói nổi tiếng của Whitlam khi bị tổng toàn quyền John Kerr truất phế là: "Well may we say, ‘God save the Queen’, because nothing will save the governor-general" (tạm dịch: "Được rồi, có lẽ chúng ta nói 'Thượng đế cứu Nữ Hoàng', nhưng không có gì sẽ cứu được ngài tổng toàn quyền"). Câu "God save the Queen" là bài Quốc ca của Anh và một số nước trong khối Liên hiệp Thịnh vượng.

Tổng số lượt xem trang