Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Nhật Bản muốn chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho Việt Nam

VOV.VN -Nhật Bản muốn hợp tác chuyển giao nhiều công nghệ mới trong sản xuất, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 14- AgroViet 2014, chiều 14/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị giao thương Việt Nam- Nhật Bản, tham dự có trên 60 doanh nghiệp hai nước.

Tại hội nghị, doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận, tìm hiểu những cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông- lâm- thủy sản vào thị trường Nhật Bản. Đồng thời, tìm hiểu các sản phẩm máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp của các nhà cung ứng đến từ Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản trực tiếp tiếp cận, tìm kiếm đối tác cung ứng tin cậy trong lĩnh vực nông nghiệp cho Việt Nam.

Thu hoạch cỏ bằng máy tại Đơn Dương, Lâm Đồng (Ảnh:/Báo Lâm Đồng)

Hiện Nhật Bản là nước có nền công nghiệp tiên tiến hàng đầu trên thế giới và cũng là quốc gia có nền nông nghiệp rất tiên tiến được cơ giới hóa cao. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời. Do vậy, tiềm năng hợp tác của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn tại các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, cơ giới hoá nông nghiệp, nông thôn…

Ông Kennichi Takashima, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp Nhật Bản, cho biết: “Nhật Bản muốn hợp tác chuyển giao nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Hiện nay, Hiệp hội máy móc nông nghiệp của Nhật Bản có cơ sở ở Trung Quốc và Thái Lan, hy vọng trong tương lai cũng sẽ xây dựng nhà máy này tại Việt Nam. Việt Nam là một nước nông nghiệp, máy móc được áp dụng sẽ giảm sức lao động cho người nông dân và năng suất sẽ được tăng cao".

Trong những năm qua, Nhật Bản luôn giành nguồn viện trợ lớn cho Việt Nam và cũng là quốc gia hỗ trợ tích cực cho nước ta trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ trong nhiều lĩnh vực. Nhật Bản cũng là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn, nhất là ở lĩnh vực nông lâm- thủy sản – đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của nước ta.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường Nhật Bản trong 8 tháng năm 2014 đạt trên 9,7 tỷ USD, tăng gần 10,7 % so với cùng kỳ năm trước. Hiện đã có nhiều mặt hàng nông nghiệp nước ta được xuất khẩu sang thị trường Nhật với số lượng ngày càng lớn và được người tiêu dùng nước Nhật ưa chuộng. Với sự phát triển không ngừng của quan hệ chính trị kinh tế, văn hóa giữa hai nước trong thời gian gần đây sẽ đem đến sự phát triển nhanh về thương mại song phương hai nước và Việt Nam sẽ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản trong tương lai./. ...
Nông sản Việt hấp dẫn doanh nghiệp Nhật
Khai mạc triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 14
Khai mạc hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 14 ...
 -


-Tại Đà Lạt, người Nhật trồng rau sạch có lãi, ta thì sao?

(Dân trí) - Trong khi người dân nước mình loay hoay chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì thì ngay tại cao nguyên Đà Lạt, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bỏ vốn đầu tư thành công với các mô hình rau sạch công nghệ cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thế giới


Rau sạch "Làng Thần Kỳ" có thể ăn ngay tại ruộng

Người Nhật không chỉ đem máy móc, ốc vít sang đầu tư, hiện nay họ còn đem giống, phân bón, công nghệ và tiêu chuẩn trồng rau sạch, an toàn sang Việt Nam để xuất khẩu. Chỉ trong thời gian ngắn, những thành công lớn của họ đã mở ra nhiều cơ hội và nhiều những dự định táo bạo biến Việt Nam trở thành 1 “vựa rau an toàn Châu Á”.

Từ “Làng Thần Kỳ” thứ hai

Mặc dù theo thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2014 có giảm tuy nhiên, điểm tích cực là nông nghiệp đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư (NĐT) đến từ Nhật. Người Nhật không đổ quá nhiều vốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam mà họ từng bước thử nghiệm ở các dự án trồng rau sạch và chỉ trong thời gian ngắn đã thành công.

Tại Lạc Dương (Lâm Đồng) chỉ sau 8 tháng thử nghiệm từ tháng 2/2014, “Làng Thần Kỳ” rau xà lách Mỹ sản xuất theo công nghệ Nhật Bản đã xuất hiện. Người có công biến mảnh đất cằn ấy thành vựa rau sạch nổi tiếng Lâm Đồng là 1 người Nhật Bản, ông Hironosi Tsuchiya - Giám đốc đại diện Quỹ Đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH An Phú Lacue.

Hiện, lượng rau mà Công ty này hiện đang trồng, chăm sóc và thu hoạch đã được bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị và quán ăn Nhật tại Việt Nam và cả xuất khẩu trở lại Nhật nữa. Chính nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm và giống đã giúp ranh xanh công nghệ trồng Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Nhật Bản đưa ra.

Nhắc đến câu chuyện ông Hironosi Tsuchiya đưa rau xà lách vào trồng tại Lạc Dương lại là chuyện thật kỳ công. Cách đây chưa lâu, khu vườn xà lách này của Cty chỉ là một vùng đất bạc màu với lởm chởm sỏi đá, cỏ bụi rậm rạp. Sau khi thuê được đất của bà con nông dân, ông Hironosi Tsuchiya đã quyết tâm biến vùng đất khó này thành “Làng Thần Kỳ” Nhật Bản tại Việt Nam.

Sở dĩ Hironosi Tsuchiya tin tưởng vào quyết tâm của mình bởi ở quê ông, làng Kawakami (quận Minamisaku, tỉnh Nagano) nơi được mệnh danh là “Làng Thần Kỳ” Nhật Bản- vốn là vùng đất cằn cỗi, nghèo khó và lạc hậu. Sau 20 năm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên giàu có bậc nhất Nhật Bản thu nhập bình quân trên 300.000 USD/hộ/năm (6,3 tỷ đồng/năm) trong khi mỗi năm người dân chỉ làm việc 4 tháng (các tháng còn lại do tuyết phủ nên không thể canh tác được). So sánh điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Lạ Dương, rõ ràng nơi đây có những ưu thế vượt trội: sản xuất nông nghiệp được quanh năm, khí hậu ôn hòa và nhiệt độ lý tưởng.

Hiện nay, sau thời gian ấp ủ mô hình, sản xuất và phân phối thành công, mô hình rau xà lách của An Phú Lacue đã được nhân rộng ra nhiều hộ nông dân của địa phương. Các sản phẩm của làng hiện đang được cung cấp chủ yếu cho các cửa hàng bán đồ Nhật, phục vụ người Nhật.

Vừa qua, các sản phẩm này cũng được xuất khẩu ngược về Nhật Bản và được đánh giá chất lượng và an toàn đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản. Cuối năm nay, Công ty An Phú Lacue sẽ xuất rau sang Nhật Bản với sản lượng khoảng 5 tấn/tuần. Ngoài ra, rau của công ty này cũng được xuất sang Malaysia, Singapore và mở rộng sang các thị trường khác.

Theo các đánh giá, sau 8 tháng tiến hành dự án ở một vùng đất mới hoàn toàn so với điều kiện nông nghiệp tại Nhật Bản mà đã có rau đạt chuẩn về chất lượng để xuất sang các nước, trong đó có Nhật, là một thành công lớn. Từ việc áp dụng tiêu chuẩn từ giống, kỹ thuật chăm bón không thuốc trừ sâu đến quy trình thu hái và bảo quản đáp ứng đủ tiêu chuẩn đã giúp mô hình “Làng Thần Kỳ” thứ hai của Nhật Bản tại Việt Nam ngày càng hứa hẹn thành công.

Bên cạnh “Làng Thần Kỳ” ở Đà Lạt, một kỹ sư trẻ của Nhật Bản cũng trồng rau sạch thành công tại Buôn Mê Thuột. Năm 2011 mô hình trang trại 1000 m2 của anh chàng kỹ sư người Nhật bản Shiokawa trồng rau sạch, các sản phẩm rau củ quả… theo tiêu chuẩn Nhật Bản đã cung cấp số lượng lớn cho các nhà hàng, các siêu thị bán đồ Nhật. Với kỹ thuật trồng rau nghiêm ngặt của Nhật Bản áp dụng cho các cánh đồng vùng cao nguyên đã thành công, hiện mỗi ngày ông chủ trang trại rau sạch gần 5.000 m2 này đã cung cấp hơn 100kg rau sạch các loại cho các nhà hàng và siêu thị tại TP HCM.

Đến khát vọng là “vựa rau Châu Á”

Trong chuyến công tác sang Việt Nam vừa qua, ông Tadahiko Fujiwara, thị trưởng thị trấn nông nghiệp Kawakami (huyện Minamisaku, tỉnh Nagano, Nhật Bản) - nơi được mệnh danh “Làng thần kỳ” Nhật Bản, nhận định Đà Lạt có cơ hội rất lớn trở thành “vựa rau an toàn của châu Á” mà không quốc gia nào trong khu vực có thể so sánh.



Thăm quan khu ươm giống của trang trại rau "Làng Thần kỳ"



Ông Tadahiko Fujiwara khẳng định, tất cả các điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt đều ủng hộ cho kế hoạch xây dựng một “Làng Thần Kỳ” thứ hai của Nhật tại Việt Nam và nơi đây hoàn toàn đủ điều kiện cả về tự nhiên, xã hội để trở thành “vựa rau an toàn Châu Á” trong tương lai gần. Ông này cho biết, người dân làng Kawakami không tự hào vì thu nhập cao mà tự hào vì kiếm được nhiều tiền trên mảnh đất cằn cỗi bậc nhất. Về điểm này, người nông dân hai nước đều có chung đặc điểm khá giống nhau.

Mô hình liên kết của Cty An Phú Lacue với người nông dân hiện đã được triển khai nhưng nếu đạt đến thành tích lớn và có kế hoạch thì cần có sự hợp tác sâu rộng giữa chuyển giao kỹ thuật, đào tạo người lao động. Trong năm nay và đầu năm tới, những hợp tác về đào tạo lao động sẽ khởi động, cạnh đó là những nông cụ công nghệ cao sẽ được chuyển sang “Làng thần kỳ” Đà Lạt.

Việc các nhà đầu tư Nhật Bản đang làm giàu trên chính những thế mạnh của người Việt Nam sẵn có đưa đến cho chúng ta cơ hội tham gia vào chuỗi sản phẩm và liên kết xuất khẩu. Ngoài Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, tháng 5 vừa qua, hai công ty Always và Veggy của Nhật Bản cũng đã đến Vĩnh Phúc để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao

Hai nhà đầu tư này không ngần ngại chia sẻ, họ muốn phát triển một dự án chuyên cung cấp rau sạch cho hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên khoảng 1 triệu USD. Giai đoạn II, nhà đầu tư sẽ mở rộng quy mô từ 5-10 ha của giai đoạn I lên 50 ha, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo kế hoạch, Always và Veggy sẽ liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam để triển khai dự án, vừa tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm của chuyên gia Nhật Bản, vừa vẫn có thể tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có tại địa phương.

Không chỉ đến Vĩnh Phúc, một số nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã tìm đến Bình Định để tìm kiếm cơ hội để phát triển lĩnh vực đánh bắt, chế biến cá ngừ. Và mới đây, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam, nơi có nhiều tiềm năng trong phát triển các mặt hàng nông, thủy sản, như trái cây, tôm cá… để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

“Các công ty Nhật đang thận trọng tiếp cận để tiến tới hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam và tôi hy vọng rằng, họ sẽ xây dựng và phát triển được những mối quan hệ kinh doanh tốt với các đối tác Việt Nam trong thời gian tới”, ông Yasuzumi Hirotaka, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết.
-'Xuất khẩu' nông dân:Vì sao Việt Nam thất bại ở châu Phi?
(Thị trường) - "Đã từng có chương trình "xuất khẩu" nông dân sang châu Phi, tuy nhiên chỉ được 1, 2 người rồi dừng lại", GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.
PV: - Nông sản Việt những năm qua có rất nhiều "người khổng lồ", từ gạo, cà phê đến điều, cao su, hồ tiêu... với số lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bi kịch của hầu hết những "người khổng lồ" này là đều đứng trên một đôi chân quá yếu: phụ thuộc thị trường xuất khẩu, lợi nhuận thấp... Một vị chuyên gia trong ngành đã chỉ thẳng, Việt Nam nhập khẩu hầu hết, trừ đất và.... nông dân. Ông bình luận như thế nào về thực trạng này, đặc biệt đối với một đất nước luôn coi nông nghiệp là mũi nhọn trong nền kinh tế?

GS.TS Võ Tòng Xuân: - Có những thứ Việt Nam không thể không nhập vì công nghiệp cơ bản yếu. Đối với cây lúa, một "người khổng lồ" về xuất khẩu, hãy xem những gì phục vụ cho cây lúa có thể sản xuất trong nước? Thứ nhất, về giống, chỉ có miền Nam chủ động được, còn ngoài Bắc chủ yếu mua giống của Trung Quốc. Cái nãy là lỗi của nhà nước. Nhà quản lý không thiết tha chỉ đạo nghiên cứu, lơi lỏng trong quản lý tiền đầu tư cho nghiên cứu khiến nó bị xà xẻo thế nào cũng không biết. Đó là chưa kể một bộ phận nhà quản lý thích nhúng tay vào mấy công ty để kiếm lời.
Thứ hai, Việt Nam chưa làm ra được cái máy cày, máy xới nào cho ra hồn do nền công nghiệp quá yếu kém nên phải nhập của Trung Quốc, Nhật Bản...
Thứ ba, về phân bón, Việt Nam mới tự chủ được phân nửa lượng phân u rê, kali phải nhập hoàn toàn, phân lân cũng phải nhập dù có quặng apatit nhưng sản phẩm chế biến ra dùng không hữu hiệu nên đành phải mua phân DAP.
Thứ tư, về thuốc trừ sâu, Việt Nam cũng không có nhà máy nào chế biến được mà phải nhập nguyên liệu về để pha chế.
Đến khi thu hoạch, lao động làm biếng thì thuê người gặt cũng phải tốn 200 nghìn đồng/ngày. Nếu mướn máy gặt của Trung Quốc hay Nhật Bản thì chỉ gặt trong nháy mắt là xong, mất chừng 2 triệu đồng.
Một vấn đề lớn của Việt Nam là lãnh đạo không chú ý một cách căn cơ, hữu hiệu về giáo dục. Giáo dục cứ hô hào đổi mới nhưng không có người đứng ra làm những thứ vẫn nói suốt. Hệ quả là không có người thực sự tài giỏi để làm, đã vậy còn cho vào guồng máy của nhà nước bằng cấp thật nhưng học giả thì nhiều. Vì thế làm sao nông sản Việt có thể đứng trên đôi chân của mình được.
Từng có kế hoạch đưa nông dân Việt Nam sang châu Phi nhưng không thành
Từng có kế hoạch đưa nông dân Việt Nam sang châu Phi nhưng không thành
PV:- Hệ quả của những "người khổng lồ chân đất sét" là sự bấp bênh của cả nền nông nghiệp cũng như số phận bấp bênh của người nông dân với điệp khúc được mùa rớt giá, trồng chặt-chặt trồng. Nhiều chuyên gia nói một cách chua chát về phận bạc của nông dân Việt Nam vì xét về năng lực: họ cải tạo vùng đất đói nghèo hoang dại Camargue thành vựa thóc trù phú chuyên cung cấp gạo sạch cho nước Pháp, sang Lào, Israel... trồng lúa.  Ông chia sẻ ở mức độ nào với nhận định trên? Có ý kiến đề xuất đẩy mạnh "xuất khẩu" nông dân Việt để người nông dân có thu nhập và làm giàu được bằng nghề nông, ông bình luận như thế nào về tính khả thi của đề xuất trên?
GS.TS Võ Tòng Xuân: - Sự phát triển không bền vững của ngành nông nghiệp kéo theo sự bấp bênh của cả đất nước. Nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý không cần biết số phận nông dân ra sao, chỉ miễn sao đầy túi của họ.
Nông dân Việt rất giỏi, đã đi hơn 80 nước trên thế giới. Những người làm nông nghiệp chúng tôi thường nói với nhau: nông dân làm lợi cho người khác ăn. Người nông dân làm ra được hạt lúa thì các thương lái từ địa phương đến tỉnh, đến ông thương lái to nhất là Vinafood đã ăn mất rồi. Nhà nước che chắn cho hệ thống buôn bán lúa gạo từ Vinafood trở xuống mấy thương lái ở tỉnh, huyện, còn nông dân không có tiếng nói nào hết.
Về đề xuất "xuất khẩu" nông dân, tôi đã tính từ trước nhưng không làm được. Từ năm 2006, tôi đã xây dựng chương trình đưa nông dân qua châu Phi. Vào thời điểm đó, tôi hợp tác với  Sierra Leone để giúp họ sản xuất lúa. Khi qua Sierre Leone khảo sát tình hình, tôi nhận thấy người dân ở Sierra Leone rất ít kinh nghiệm trồng lúa cao sản, hệ thống thuỷ lợi gần như không có gì và phương tiện làm đất như máy cày, máy xới lại càng không có nên mùa vụ lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Vì vậy cần phải dạy họ theo kiểu cầm tay chỉ việc và để làm cách này thì nông dân mình có thể làm tốt bởi Sierra Leone đất rộng, điều kiện khí hậu khá giống với Việt Nam sẽ có thể áp dụng kỹ thuật canh tác ĐBSCL.
Tháng 8/2006, 3 kỹ sư nông học sang thử nghiệm 60 giống lúa cao sản dưới 100 ngày, chọn được 8 giống có năng suất 4,5 đến 5,2 tấn/ha (so địa phương chỉ đạt dưới 2 tấn/ha), và nhân ra được 3 tấn lúa giống. Hai kỹ sư thuỷ lợi cũng sang thiết kế hệ thống thuỷ nông hoàn chỉnh. Xong đâu đấy, tôi dự tính đưa nông dân Việt Nam sang để cùng nông dân Sierra Leone lo sản xuất, theo tỉ lệ 1 nông dân Việt Nam dạy nghề cho 4 nông dân Sierra Leone.
Kế hoạch là như vậy nhưng cuối cùng chỉ 1, 2 người đi được vì nhà nước không lo được.
Tương tự, vừa rồi ở ĐBSCL cũng lên kế hoạch đưa nông dân sang Lào trồng lúa sạch nhưng cũng chỉ làm lõm bõm vì không tổ chức được, chỉ có một số công ty tham gia. Nhà nước cứ để dân tự phát làm thì rất khó có thể làm được.
Ở Brazil có làng Nhật Bản, nông dân Nhật Bản sang đó trồng lúa. Để được như thế, chính phủ Nhật phải qua dàn xếp với chính phủ Brazil rằng đất của họ quá  rộng, dân lại thưa, làm sao có thể sản xuất đầy đủ được và đề nghị đưa nông dân Nhật sang giúp. Sau khi Brazil đồng ý, hợp tác xã nào của Nhật muốn đi thì nhà nước cho phép, tuy nhiên cũng phải đăng ký. Theo đó, những người có tuổi ở lại để lo an toàn lương thực cho Nhật Bản, còn người trẻ sau khi học hỏi xong kinh nghiệm của cha ông sẽ lên tàu sang Brazil, đem theo hạt giống, nông cụ. Họ định cư ở Brazil, giúp đỡ nông dân Brazil và giàu lên nhanh chóng.
Phải học tập mô hình của Nhật Bản xuất khẩu như thế, còn như Việt Nam, đi qua làm mướn, gặt thuê hay xúc đất thì không thể làm giàu được. Muốn xuất khẩu được nông dân, nhà nước phải đi trước, dàn xếp với chính phủ nước bạn rồi mới đưa nông dân qua. Nói xuất khẩu thì dễ nhưng làm sao có thể làm được khi không có tổ chức, không có kế hoạch. Ở Việt Nam chỉ có một cái "hay": nói là nói vậy thôi còn không ai làm.
PV: - Nhìn ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... sang Việt Nam để phát triển nông nghiệp, tận dụng đất đai và nhân công giá rẻ. Điều này đã chứng minh điểm yếu cốt tử của nền nông nghiệp Việt Nam là vấn đề quy trình sản xuất nông nghiệp, từ giống tới công nghệ, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch và phát triển thị trường. Vậy lỗi này là do ai? Chúng ta đã nhận thấy hạn chế này từ khi nào và quá trình thay đổi đã diễn ra thế nào đến mức ngày càng bị phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc?
GS.TS Võ Tòng Xuân: - Lỗi này là do quản lý điều hành vĩ mô. Nhiều người cứ đổ cho doanh nghiệp, có những doanh nghiệp rất giỏi nhưng họ lại bị kẹt bởi cơ chế, chính sách nên cũng đành chịu chết.
Ví dụ đơn giản nhất là lúa gạo, cứ nói doanh nghiệp làm không ra gì vì quản lý tồi. Nhưng có những doanh nghiệp quản lý rất tốt, họ liên kết với nông dân sản xuất gạo chất lượng cao hoặc mua gạo của nông dân với giá cao. Tuy nhiên, như trường hợp của Công ty CP TM&SX Viễn Phú vừa rồi làm rất tốt nhưng lại vướng chính sách, phải xuất ủy thác qua mấy doanh nghiệp của Vinafood thành ra không làm được gì cả.
Tất cả những nhà quản lý đều nhìn thấy hết những điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam nhưng người ta không chịu bỏ đi lợi ích nhóm của mình, thành ra nói nhiều, nói mãi cũng vẫn vậy.
Bây giờ Việt Nam không thể nào thoát lệ thuộc vì nếu không lệ thuộc sẽ chẳng có gì để sản xuất, không máy móc, không phân bón, không thuốc trừ sâu... 
PV: Tới thời điểm này, việc gia cố đôi chân của "người khổng lồ" nông sản cho vững chắc đã cần kíp đến mức nào? Là một chuyên gia nông nghiệp, ông có đề xuất gì để "người khổng lồ" nông sản Việt phát triển thật sự vững mạnh và người nông dân không còn cảnh phải chán nản rời bỏ ruộng đồng?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Cái này người ta đã nói nhiều rồi nhưng cái chính thì chưa thấy động đậy gì. Đầu tiên là công nghiệp cơ bản của Việt Nam chưa được chú ý, không có chương trình đầu tư phát triển nào. Thứ nữa là về giáo dục đào tạo người tài, Việt Nam chưa làm được. Cứ hô hào đổi mới nhưng giờ chỉ chăm chăm lo thi cử, làm sách giáo khoa trong khi cái cơ bản là phải thay đổi chương trình dạy thì không đả động.
Thành Luân

-Xuất khẩu gạo ưu đãi người ngoài?

Trợ cấp trong sản xuất lúa gạo hiện nay không đem lại lợi ích cho nông dân lẫn người tiêu dùng trong nước vì giá xuất khẩu thấp hơn cả giá nội địa

Nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp vừa công bố báo cáo “Chính sách xuất khẩu gạo hiện nay và tương lai của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”. Trong đó, vấn đề được đặt ra hiện nay là việc trợ cấp cho ngành lúa gạo thực chất là trợ cấp cho xuất khẩu hay cho sản xuất, nông dân trong nước có được nhận những trợ cấp này không?


Giá thành chưa phản ánh đúng chi phí

Theo trưởng nhóm nghiên cứu - TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách - ĐHQG Hà Nội, sản xuất gạo hiện nay được trợ cấp nhiều như về thủy lợi, hạ tầng… nên khi xuất khẩu gạo ra nước ngoài thì vô hình trung đã trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. “Thuế được sử dụng để hỗ trợ cho hệ thống thủy lợi, đường sá. Khoản hỗ trợ này không được đưa vào giá gạo. Nếu gạo được sử dụng trong nước thì phần hỗ trợ này được trả lại cho người đóng thuế nhưng nếu xuất khẩu thì sẽ không thu được các hỗ trợ này” - TS Thành phân tích.



Người tiêu dùng nội địa đang dùng gạo có giá tương đương với giá gạo cao cấp xuất khẩu Ảnh: NGỌC TRINH

Hơn nữa, ông Thành nhận định việc trợ cấp khiến ngành lúa gạo Việt Nam có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đồng thời đang phải xuất khẩu với giá thấp. Chính sách quy định giá sàn thu mua lúa gạo không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn cản trở nông dân trồng những loại lúa chất lượng cao.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng gạo Việt luôn được chào bán với giá rẻ để cạnh tranh với Thái Lan mà không tính hết đến chi phí sản xuất. Trong đó, phần khấu hao về các công trình thủy lợi là rất lớn mà mỗi năm nhà nước phải chi đến hàng trăm triệu USD để đầu tư. Việc xuất khẩu gạo với giá rẻ cũng đang đứng trước nguy cơ bị các nước kiện chống bán phá giá như bài học đắt giá từ tôm, cá tra đã từng xảy ra.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn Trường ĐH Cần Thơ, hiện nay, giá gạo xuất khẩu so với giá nội địa thấp hơn nhiều. Nếu quy ra, người tiêu dùng nội địa đang dùng gạo có giá tương đương với giá gạo cao cấp xuất khẩu. “Nếu không ưu tiên cho thị trường xuất khẩu thì ở nội địa không thể nào tiêu thụ hết số lượng lúa gạo làm ra hằng năm. Đây là bài toán kinh tế nan giải” - ông Đệ nói.

Trái với những quan điểm trên, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lập luận: Nếu cho rằng Việt Nam trợ giá gạo cho người tiêu dùng thế giới chưa hẳn đúng. Bởi thực tế, không phải muốn bán giá gạo cao là được vì tất cả phải theo giá thị trường, thị trường điều tiết theo cung cầu (!).

Thay đổi cách nào?

Theo TS Nguyễn Đức Thành, cần phải thay đổi lại cách trợ cấp và đánh thuế, phí lên hoạt động sản xuất lúa gạo. Trong giai đoạn đầu, có thể tính trợ cấp theo diện tích đất trồng lúa vì nhóm này được coi là làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng giao trợ cấp cho chính quyền địa phương để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội thiết yếu.

Nếu cần có chiến lược điều chỉnh giảm trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài thì vấn đề nên được bắt đầu từ đâu, người nông dân có vai trò, lợi ích, thiệt hại gì trong quá trình này?

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần nhìn nhận đầy đủ hơn về trợ cấp vì WTO vẫn dành 10% cho trợ cấp lúa gạo.

“Vấn đề ở đây là sự trợ cấp trong một chừng mực nào đó là cần thiết. Ví dụ như trợ cấp về thông tin, kết cấu hạ tầng, giống... Và không phải bỏ hẳn mà là dùng trợ cấp vào khâu nào, lĩnh vực nào, làm sao cho hiệu quả hơn. Các nước trong một chừng mực nào đó cũng có trợ cấp” - ông Thành nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - không có nước nào còn trợ cấp ban đầu với ngành lúa gạo như chúng ta, họ chỉ tập trung vào trợ cấp giống, công nghệ.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lâm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, nhìn nhận Việt Nam đã đặt ra mục tiêu an ninh lương thực và cứ “bám” tiêu chí đó mà sản xuất làm sao để cứ năm sau phải cao hơn năm trước về sản lượng mà không quan tâm nhiều đến chất lượng, hạ giá thành chi phí.

Điều đó đã khiến gạo Việt làm ra quá nhiều và phải xuất khẩu thì giá không thể cao. Diện tích nông hộ còn quá nhỏ nên chi phí giá thành tăng lên. Một khi vấn đề hạn điền vẫn còn đặt ra thì không thể nào tiết giảm được giá thành sản xuất mà như thế thì nông dân khó có thể tăng thu nhập.

Để lợi nhuận của nông dân được cao thì phải tìm mọi cách giảm giá thành tối đa bằng mọi biện pháp, trong đó có giảm dùng phân bón, thuốc trừ sâu…


Bất cập 5% thuế GTGT
Theo TS Nguyễn Đức Thành, các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ gạo trong nước đang phải chịu mức thuế GTGT là 5% trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu thì không phải nộp. Điều này đã tạo nên sự bất bình đẳng khiến giá gạo trong nước cao hơn. Ông Thành kiến nghị bãi bỏ thuế GTGT với tiêu thụ mặt hàng gạo trong nước để tạo công bằng.
Ông Nguyễn Hùng Linh phản bác: Không có chuyện giảm thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh gạo đều không chịu thuế đầu vào lẫn đầu ra khi xuất khẩu cũng như kinh doanh ở thị trường trong nước. Chỉ có bán gạo lẻ cho những đại lý, cửa hàng kinh doanh không có giấy phép thì mới phải bán với giá cao hơn 5% gọi là thuế.
Về vấn đề này, ông Lâm Anh Tuấn cho rằng vấn đề bán gạo cho các đại lý nhỏ lẻ, không giấy phép phải chịu 5% thuế là bất cập đã được nói từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.
-

Thị trường gạo thế giới đang cạnh tranh gay gắt
Thái Lan nỗ lực bán gạo tồn kho
“Phỏng tay” với gạo ngoại

Tổng số lượt xem trang