Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (4)



Chương 4

Kho Đen


Vua quan ở đất nhà bay
Dù xe ngựa cưỡi đến đây cũng hèn.
Nửa đêm, thuyền chúng tôi cách Hong Kong hơn hải lý mà đã nhìn thấy rõ ánh đèn màu nê-ông rực rỡ, nhấp nháy, nhảy múa trên các toà nhà cao ngất. Hong Kong! Thương cảng thế giới! Hòn ngọc của thế giới đang sừng sững trước mắt mọi người! Sống rồi bà con ơi! Nhiều người vui quá nhẩy lên như đứa trẻ. Tôi ôm lấy nhà tôi và đàn con, run giọng thì thầm: “Sống rồi! Hương Cảng đấy! Mình và các con thấy chưa?”

Tất cả lên sạp thuyền, hướng về ánh đèn nê-ông nhìn chằm chằm, nét mặt rạng rỡ, tươi tỉnh, ồn ào bàn tán. Thanh niên túm tụm từng đám, chỉ chỉ chỏ chỏ, tiếng Quảng xen lẫn tiếng Việt át cả tiếng máy nổ bành bạch. Thuyền vẫn lầm lỳ, chậm chạp tiến về ánh đèn màu. Mấy cô gái trẻ lấy lược ra chải, có cô nhanh tay múc nước nóng trong chảo trên bếp lò than đỏ lửa gội đầu, lấy trộm nước ngọt trong thùng phi ra tắm rửa.

Một chiếc xuồng cảnh sát Hong Kong rẽ sóng lướt tới, ánh đèn pha loang loáng rọi vào thuyền chúng tôi. Họ nói qua loa phóng thanh cầm tay bằng hai thứ tiếng, tiếng Quảng và tiếng Anh, yêu cầu thuyền tắt máy, thả neo. Hai viên cảnh sát lên thuyền làm việc với chủ thuyền, rồi họ về xuồng, rồ máy tăng tốc quay lại bờ.
Chủ thuyền báo cho bà con biết, thuyền thả neo, đợi sáng mai sẽ có tầu cảnh sát kéo vào bến.
Cả đêm chúng tôi thao thức mong đợi và hy vọng. Hy vọng gì cũng chưa rõ, tất cả mới chỉ là điểm bắt đầu, tương lai còn ở phía trước.
Sáng hôm sau, xuồng cảnh sát Hong Kong kéo chúng tôi vào bến Kho Đen. Trời đất! Thuyền tị nạn Việt Nam chật bến, toàn thuyền cũ nát, to nhỏ ngổn ngang vài chục chiếc không người, đậu ngang dọc sát nhau, lộn xộn, không theo hàng lối nào, buộc vào nhau bập bềnh lắc lư theo sóng nước. Đó là những thuyền bỏ không, gạo thực phẩm khô rơi vãi trong khoang, chờ tầu cảnh sát kéo ra khơi để đánh đắm. Khó khăn và vất vả lắm, thuyền chúng tôi mới ghé sát bến.
Trên sân Kho Đen hàng trăm người Việt già trẻ lớn bé, nam nữ đang tranh nhau, kẻ hứng nước vào xô, người cởi trần tắm, người giặt, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cãi nhau loạn xạ, tất cả tạo lên một không gian hỗn loạn xô bồ.
Kho Đen!
Ai đã từng ở trại tỵ nạn Hong Kong không thể nào quên trại Kho Đen. Đây là nơi đầu tiên tiếp nhận các thuyền tỵ nạn và cũng là nơi nhiều tai tiếng nhất về sự đối xử dã man, vô nhân đạo của cai ngục Hong Kong đối với thuyền nhân từ Bắc đến Nam chạy trốn cộng sản Việt Nam.
Tên thật của kho là gì có lẽ chẳng ai biết. Người ta quen gọi là Kho Đen, bởi vì nó trước kia là một tổng kho chứa hàng và sơn màu đen. Kho này gồm 7 (?) nhà kho nằm ngay sát bến, vì thế chúng tôi đều gọi là trại Kho Đen. Nhà kho rất lớn, nay bỏ không, sức chứa mỗi kho tới hàng ngàn người. Kho cuối 2 tầng, sát hàng rào, có cửa sổ, nhưng nhỏ hơn. Kho này là nơi hàng lậu tuồn vào và dân tỵ nạn trốn trại đi buôn. Chính sự lộn xộn này, nhiều đêm cảnh sát dựng chúng tôi dậy bắt xếp hàng điểm danh lúc nửa đêm.
Có khi điểm danh đến 3 lần, ngồi xếp hàng gần 2 tiếng giữa sân nắng chang chang vẫn chưa xong, trẻ con khóc váng giời vì nóng nực. Cảnh sát nổi nóng, văng tục om sòm, mặt mày bặm trợn, tay lăm lăm dùi cui, đi lên đi xuống, ngó ngó nghiêng nghiêng, nó tìm ra thủ phạm chắc nhừ xương.
Hàng ngày chúng cho chúng tôi ra sân 3 lần, sáng, trưa và tối, y như tù nhân, nhưng không đóng cửa, vì đóng cửa kho, chắc chết ngạt. Hết giờ tắm giặt, ai chậm chân nó lấy dùi cui phang ngay, nhiều người già ngã dúi dụi vì chạy không kịp, trẻ con khóc váng trời vì sợ.
Thuyền chúng tôi lên bờ, được gắn cho một tên mới, 807. Đó là số thuyền – theo thứ tự nhập cảnh – tất cả chúng tôi đều được gọi là Zdịt-nàm-nhằn, từ giờ trở đi không còn phân biệt người Hoa, người Việt, người Bắc, người Nam. Tất cả đều bình đẳng với chiếc áo mới mà cảnh sát Hong Kong khoác cho: Người Việt Nam Nhập Cư Bất Hợp Pháp.
Ngồi xếp hàng ngay trước sân Kho Đen nhìn ra biển, một sĩ quan cảnh sát thông báo những quy định của trại Kho Đen bằng tiếng Quảng và bằng tiếng Anh. Nội dung đại để như sau:
  1. Phải nộp tất cả những vật dụng nguy hiểm: dao, kéo, súng, chất nổ, chất cháy kể cả diêm và bật lửa;
  2. Cấm lửa trong mọi trường hợp. Điều này gây khó khăn cho các gia đình có cháu bé cần có chế độ dinh dưỡng riêng như bột, cháo… và dân nghiền thuốc lá, thuốc lào;
  3. Cấm trốn khỏi trại dưới mọi hình thức;
  4. Ngày 2 buổi được phát cơm do nhà thầu đưa đến;
  5. Có thể điểm danh bất thường ngày cũng như đêm;
  6. Cấm gây lộn xộn, cấm đánh chửi nhau.
Thuyền chúng tôi được chỉ định vào kho 1 sát ngay cổng chính. Sau khi tìm chỗ để đồ đạc xong, chúng tôi được lệnh ra xếp hàng ngoài sân làm thủ tục tổng vệ sinh trước khi làm thủ tục nhập cảnh bất hợp pháp.
Nhân viên y tế mặc phòng hộ che kín từ đầu đến chân. Họ chia ra từng nhóm hai người, một người cầm bình xịt thuốc, một người cầm vòi nước. Họ gọi từng gia đình đến làm tổng vệ sinh. Đến lượt gia đình tôi xếp hàng ngang trước hai nhân viên y tế. Đầu tiên, bắt chúng tôi cúi đầu xuống và nhắm mắt lại, họ vừa lầu bầu chửi quân “Zdịt-nàm bẩn thỉu, đầu tóc quần áo toàn chấy rận”, vừa đổ lên đầu chúng tôi một thứ dung dịch thuốc cảm giác như phải bỏng, rồi ra lệnh chà xát toàn đầu. Các con tôi khóc thét lên, giẫm chân đành đạch như bị dội nước sôi, mắt cay xè. Vợ chồng tôi vừa ôm chúng vừa chà thuốc vào tóc cho thuốc ngấm vừa dỗ dành, an ủi. Khoảng vài phút, họ xả vòi nước vào tất cả chúng tôi.
Khi thuốc diệt chấy đã trôi đi, họ xịt một loại thuốc sát trùng màu đục như sữa, mùi rất khó chịu lên toàn bộ người (không cởi quần áo). Sau đó họ lạI xả vòi nước cho thuốc trôi đi, xong chúng tôi về kho thay quần áo.
Cứ thế, hết gia đình này tiếp gia đình khác, cuộc tổng vệ sinh có một không hai ở Kho Đen kết thúc cũng là lúc đến giờ phát cơm bữa trưa.
Phải nói nhà thầu cơm cho trại Kho Đen đã ăn chặn cơm của chúng tôi, bởi vì số người từng thuyền khác nhau, có thuyền hơn 100 người, có thuyền gần 200 như thuyền tôi 234 người, nhưng khẩu phần các thuyền na ná giống nhau: Một thùng cơm, một nồi thịt, một nồi rau. Có nghĩa là thuyền nào đông như thuyền tôi thì đói dài dài, làm gì đủ cơm chia theo tiêu chuẩn. Cho nên chuyện đánh nhau, tranh giành nhau từ muổng cơm đến miếng thịt, cọng rau không thể tránh khỏi.
Vì sự lộn xộn này, đám cai tù càng được thể chửi chúng tôi là bọn vô liêm sỉ, tranh nhau từng cọng rau, miếng thịt. Chủ thuyền phân công, cứ 3 gia đình chịu trách nhiệm chia cơm một ngày, hết lượt tiếp tục quay lại. Một lần tôi tham gia với hai anh nữa, chúng tôi toàn dân trói gà không chặt nên chuyện chia cơm là một thử thách quá lớn. Để mọi người không dị nghị, gia đình vợ con 3 chúng tôi chia sau, nhưng khi còn gần 30 chục suất cơm nữa, thùng cơm gần hết. Chết cha rồi, làm gì còn cơm mà chia như lúc đầu. Thế là 3 thằng chúng tôi, -thằng chia cơm, thằng chia thịt, thằng chia rau-, bị bà con chửi té tát cho một trận vì chia không đều. Đến lượt vợ con chúng tôi không được đến 1/2 tiêu chuẩn, vợ tôi cằn nhằn vì đàn con đói, lại còn bị nghe chửi. Buồn quá, may tôi chỉ có làm một lần nghề chia cơm bất đắc dĩ.
Được hơn tuần, họ thay đổi chế độ ăn, sáng phát cơm, chiều phát bánh mì và thịt hộp. Tiêu chuẩn 1 người 2 lát bánh mì, 5 người 1 hộp sữa đặc, 5 người 1 hộp dzăm-bông 400 gr, 2 người 1 quả cam. Tiêu chuẩn này, ngày nay đối với chúng tôi thì no, nhưng thời ấy quả là đói.
Thuyền tôi có anh Đức, cựu cầu thủ bóng đá của đội Tổng cục Đường sắt đã từng sang Nga, Tiệp tập huấn. Anh bảo, “Bánh mỳ này ngon tuyệt, hơn hẳn thứ bánh mỳ mà anh từng được ăn.” Ấy thế khi ra tự do, tôi mới biết bánh mỳ họ phát ở Kho Đen thuộc loại rẻ tiền nhất.
Người lớn buổi sáng có thể hít không khí, còn trẻ con không thể tập thể dục để thay bữa sáng. Vì thế bữa tối, tôi và nhà tôi mỗi người ăn 1 lát bánh, để dành 2 lát và hộp sữa đặc cho 3 đứa có quà sang mai. Hầu như gia đình có con trẻ đều phải làm như vậy. Khổ nhất là trẻ dưới 12 tháng, chúng phải có chế độ dinh dưỡng khác, nhưng đây là trại tạm giam người nhập cư bất hợp pháp, nên trẻ em và người lớn bình đẳng về nuôi dưỡng. Có gia đình kế bên, bất chấp lệnh cấm, anh chị lấy bếp dầu (giấu kỹ lắm) ra quấy bột hoặc nấu cháo cho con, có lần đang nấu cảnh sát đột ngột vào kho, đành tắt lửa, hỏng cả xoong bột. Bọn buôn lậu tuồn mì ăn liền vào bán 10 gói lấy 1 chỉ vàng. Sau giá mềm hơn, 1 hộp mỳ 30 gói/1 chỉ, vẫn ngoài sức tưởng tượg. Vậy mà nhiều gia đình phải bấm bụng mua cho con ăn.
Đến chiều, chúng tôi lại ra sân xếp hàng chờ phỏng vấn. Nghe thì oai, phỏng con mẹ gì.
Hai bàn kê ngay giữa sân, ba nhân viên hải quan ăn mặc chỉnh tề và một thông dịch viên. Người ngồi chính giữa tay cầm bút, tay tập hồ sơ, gọi từng gia đình lên, hỏi họ tên và tuổi. Không hỏi ngày sinh tháng đẻ, không hỏi nghề nghiệp, nguyên quán… sau đó hất đầu chỉ sang bàn bên. Bàn bên là người làm nhiệm vụ chụp ảnh lấy ngay -ảnh đen trắng-. Chủ hộ chụp riêng, còn vợ con chung nhau một ảnh, rồi ký tên vào hồ sơ. Sau đó mỗi hộ được cấp một chiếc xô nhựa đựng nước, một chậu nhựa, mỗi người một đôi dép lê kiểu Thái Lan. Thế là xong thủ tục nhập cảnh bất hợp pháp. Chính vì chuyện này, nhiều người khi đi định cư nước thứ ba bị hụt tuổi, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi ở Hong Kong gần 10 tháng, trước khi đi định cư ở Anh nam 1980, bản hồ sơ của gia đình tôi được giữ để trình với cơ quan hữu trách chỉ ghi năm sinh -không có ngày tháng- dựa theo khai tuổi của cuộc phỏng vấn ngày nhập cảnh từ 1979. Có nghĩa là sau 1 năm, chúng tôi là con ma, vì tuổi vẫn giữ nguyên, không già đi! Cầm tờ giấy xuất cảnh mừng quá trời, hơi đâu cãi lý với Cục Di dân Hong Kong, vả lại có giấy tờ gốc gì đâu mà đối chứng. Sau sáu năm, xin nhập quốc tịch Anh, tôi điền vào mẫu khai giữ nguyên năm sinh như Cục Di dân Hong Kong ghi, chỉ điền thêm ngày, tháng và nơi sinh. Chúng tôi cũng không khai đi báo lại, sợ gây phiền hà, vả lại chuyện này cũng chẳng ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị cho nên cho qua luôn.
Tất cả đám cảnh sát ở Kho Đen hình như đều từ giới cai tù được đưa đến trông coi chúng tôi thì phải. Bởi vì họ rất ác, rất tàn bạo, bất cứ chuyện gì cũng chửi mà chửi rất độc địa. Đứng đầu là tay trung úy cảnh sát béo -tôi không biết tên-, mở mồm là “đ. m cái l. thối con mẹ mày!” Tôi nhiều lúc cố tình nhìn xem mồm thằng này ăn gì mà chửi độc địa như thế. Không những thế, hễ ai làm điều gì sai, hắn rút dùi cui tẩn liền, không kể đàn bà, người già, trẻ con. Hễ có đoàn nào đến thăm quan hắn đều bôi xấu, kể tội chúng tôi tranh nhau từng xô nước, muổng cơm như bọn chết đói mấy đời. Chúng tôi căm lắm, nhưng không thể làm gì thằng chó đẻ ấy.
Cuối tháng 8, có đoàn của Liên Hiệp Quốc phụ trách về tỵ nạn đến Kho Đen. Rất may gặp được một linh mục người Việt trong đoàn, tôi tố về sự ngược đãi của bọn cai tù này. Vị mục sư an ủi, ông bảo, “bọn này vô học (?)”, chúng coi tù đã quen, hơn nữa chúng ghen tị với chúng tôi vì một thời gian ngắn nữa chúng tôi sẽ được đi định cư ở nước thứ ba, điều mà chúng nằm mơ cũng không có! Năm 1983, tôi gặp một anh vừa từ Hong Kong sang, kể chuyện xưa và nhắc đến thằng chó đểu ấy, anh ta bảo, thằng trung úy béo ấy bị người tỵ nạn mình đâm chết năm 1982 rồi. Tìm không ra thủ phạm.
Đầu vào phải có đầu ra. Đây là chuyện khủng khiếp nhất trong 31 ngày của đời tôi.
Kho Đen là kho cho nên làm gì có nhà vệ sinh. Cảnh sát Hong Kong có sáng kiến cho nhà vệ sinh nổi, dùng những thuyền cũ của tỵ nạn làm “nhà vệ sinh.” Trời ạ! Cả Kho Đen đến vài ngàn người mà chỉ có 2 hay 3 thuyền, mỗi thuyền gần 20 hố vệ sinh. Lần đầu tiên bước chân xuống toilet boat, vừa bước xuống mấy bước đã thấy bao nhiêu “vành khăn” như những con rắn nằm dọc nằm ngang kín mít, nước tiểu lênh láng, không có chỗ đặt chân, mùi xú uế nồng nặc. Tôi theo anh em ra ngay mạn thuyền làm chức “quận công”. Kiểu này cũng rất nguy hiểm, bởi vì mỗi lần có xuồng hay ca-nô đi qua, toilet boat lại chao đi chao lại, nghiêng hẳn, vì số người làm quận công không cân hai mạn thuyền, bám không chặt tòm ngay xuống biển, hứng trọn của quý của chính mình hay của bạn bên vừa thải ra. Mỗi lần nghĩ đến là rùng mình, sởn cả da gà. Tôi ở sát cuối nhà kho, rất kín, nên lấy những tấm gỗ bỏ không, bìa cứng quây lại làm 1 hố xí cho vợ con. Vợ tôi phải tìm mãi mới kiếm được chiếc gầu múc nước của thuyền cũ làm thùng đựng. Sau khi 3 đứa con lần lượt xong, cho vào xô ngụy trang, lấy giấy che kín đi ra sân trước, nhìn trước nhìn sau không thấy cảnh sát, a-lê-hấp cho xuống biển liền. Kế hoạch này chỉ giải quyết được vào ban đêm, ấy thế mà tụi trẻ nhà tôi nó chịu được để đến tối mới trút bầu tâm sự. Hỏi ra chúng bảo sợ lão cảnh sát béo nên cố nhịn. Sau này nghe tin họ đưa nhà vệ sinh di động thay thế toilet boat.
Một hôm, tôi sang kho 2, gặp một anh là giáo viên trường Trung học Trung Hoa Hà Nội, chúng tôi nói chuyện tào lao. Chỗ gia đình anh ngồi rất gần tay thượng sĩ cảnh sát đứng gác. Chúng tôi thấy tay thượng sĩ này không đến nỗi nào, hỏi chuyện làm quen. Tôi hỏi gã, “Tại sao cảnh sát các anh lại đối xử tàn bạo với chúng tôi thế.” Gã cười, trả lời,“Tám tiếng chúng mày còn được nằm, được ngồi, đi đi lại lại, tụi tao cứ phải đứng tại chỗ nhìn chúng mày, hễ chuyện gì xảy ra xếp tao nó đì, có khi bị cúp lương. Tụi mày chỉ khổ vài tháng rồi được sang Mỹ sướng như tiên. Tao nằm mơ cũng chẳng được. Nếu đổi được, tao đổi cho mày, mày làm cảnh sát, tao xuống làm thằng tỵ nạn. Chúng mày có đồng ý không?”
Đông người, lại giữa mùa hè, ăn ở nhếch nhác, bẩn thỉu, hơn nữa sau một chặng đường dài ai ai cũng mệt mỏi, nhất là người già và trẻ em, cho nên người ốm rất nhiều. Ngay kho 2 có một buồng rộng chừng hơn 10 mét vuông -có lẽ là văn phòng cũ- được biến thành phòng khám bệnh. Trong phòng khám có hai y sĩ, một ở đảo Trà Cổ, một ở thị xã Quảng Yên, ra làm thầy thuốc tự nguyện, khám bệnh kê đơn và một y tá (?) người Hong Kong phát thuốc kiêm đón tiếp. Tôi hỏi anh giáo viên, anh ta kể, “Tội nghiệp cho hai anh này, thuyền của các anh ra trại tự do từ lâu nhưng vì không có người thay nên đành chết dí ở đây. Họ đang tìm người làm hình nhân thế mạng để các anh ra tự do.” Tôi hỏi, “Sao y tế của Hong Kong không cử người xuống khám chữa bệnh.” Anh ta bảo, “Cái này xin chịu, biết làm sao mà trả lời.” Tôi hỏi, “Anh ta có được trả thù lao không?” “Trả cái con mẹ gì, may lắm thằng a-xề béo nó cho túi cam, hộp bánh đem về cho con.” Hú vía, tí nữa tôi xung phong làm có mà hết hơi và thật may khi phỏng vấn nó không hỏi nghề nghiệp. Lại một lần nữa “Tái ông thất mã”!
Ghét thằng trung úy béo, thanh niên thuyền tôi thường xuyên giở trò trêu ghẹo, chọc quê hắn, vì chẳng có trò gì tiêu khiển. Cứ thấy y, mấy đám thanh niên nháy nhau ra đứng sát cửa kho vờ chọc ghẹo, cãi nhau, giở tiếng Quảng văng tục y hệt lời nó chửi chúng tôi. Tên trung úy uất lắm, mặt đỏ như gà chọi, cả phiên trực nó cứ đứng lên ngồi xuống đuổi đám choai choai xồ ra xồ vào ngay cửa kho chọc quê. Một lần, nó túm được cậu Sơn, nó rút dùi cui phang tới số, Sơn vừa kêu “Cứu tôi với, cứu tôi với” vừa vùng vẫy, chiếc áo rách toạc mới thoát, chạy vào kho. Chó cắn áo rách, Sơn còn mỗi chiếc áo lành lặn nhất bị rách, cả thuyền ai cũng cười.
Thằng trung úy cảnh giác, không dám đuổi theo, chui vào kho sợ dân tỵ nạn cho no đòn. Dính đòn hội đồng có mà kiện ma. Sơn bị trận đòn khá đau, toàn thân tím bầm, rên rỉ mấy hôm, chẳng ai khen. Đến bữa chia cơm, bác Sâm, kêu:
“Cứu tôi với” ra lấy cơm.
Cả kho 1 cười vang, từ đó Sơn mang biệt danh, Cứu Tôi Với.
Một buổi chiều, đang nằm khàn, mấy đứa con tôi chạy đến báo tin, chúng vừa cười như nắc nẻ vừa kể. Thằng a-sề bắt được 4 chú hút thuốc lào, nó bắt quỳ xuống, khám túi lấy hết bật lửa phong thuốc và bắt nâng điếu cầy lên đầu. Cái chú cầm điếu cầy, hai tay nghiêng nghiêng dần cho nước điếu đổ xuống, không ngờ nước điếu đổ vào chú Bình. Chú Bình mắng, chú ấy bảo không đổ nước điếu nhỡ nó bắt uống thì chết à!
Trại Kho Đen, nhà tù không ra nhà tù, trại tỵ nạn không ra trại tỵ nạn, trại cấm không ra trại cấm, vì thế cách đối xử của nhóm người cai quản chúng tôi ở đây mang đầy đủ tính cách của bọn lưu manh, đểu cáng, chúng coi chúng tôi như những kẻ tội phạm quốc tế.
Ấy thế mà thuyền chúng tôi phải ở 32 ngày (01-8 đến 03-9) tại Kho Đen. Một quãng thời gian không dài so với cuộc đời nhưng những gì trải nghiệm ở Kho Đen chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức.

Tổng số lượt xem trang