-
CHƯƠNG XI
TÁI KIẾN THIẾT VÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN
Hai tháng sau khi kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương, tình hình ở Hà Nội lâm vào cảnh hiểm nghèo gần như thảm hoạ. Gánh nặng đặt lên Hồ Chí Minh, vị trí người lãnh đạo của Đảng và chính phủ. Trong khi những người hiếu chiến trong nội bộ Đảng cộng sản Đông Dương đòi mạnh tay dẹp các nhóm đối lập, Hồ kiên trì chính sách hoà giải, thương lượng nhằm chia rẽ và cô lập kẻ thù của Đảng. Dù nhiều người Việt Nam chống đối người Pháp trở lại ở miền Bắc, ông đánh tiếng chấp nhận sự hiện diện của Pháp - miễn là họ đến như những người bạn, không phải là những kẻ xâm lược.
Chính phủ Hà Nội đang tìm kiếm một giải pháp chính trị thì cũng bắt đầu chuẩn bị chiến tranh. Chính phủ cố gắng tổ chức những đơn vị tự vệ, du kích ở Bắc Kỳ và các tỉnh Trung Kỳ. Mùa Thu, những đơn vị tự vệ, được Hồ Chí Minh ca ngợi là “bức tường thép của tổ quốc”, được tổ chức ở hầu hết thôn xóm, xã, đường phố và nhà máy khắp các vùng thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong một số trường hợp, có đơn vị gồm một hoặc hai trung đội. Đơn vị có nhiều trung đội được biên chế thành tiểu đoàn. Ở Hà Nội, dân quân tự vệ gồm toàn thanh niên ở thành phố và con số lên đến hàng chục ngàn người. Những đơn vị đó đặt dưới quyền cán bộ đảng địa phương được chính phủ huấn luyện quân sự, nhưng họ phải tự lo vũ khí và lương thực. Lực lượng bộ đội địa phương gồm những chiến sĩ xung kích tuyển chọn từ Hội Thanh Niên Cứu Quốc, chủ yếu là công nhân và sinh viên. Họ được Bộ Quốc Phòng cung cấp vũ khí, có doanh trại riêng, được huấn luyện tại Trường Huấn luyện Tự vệ Hồ Chí Minh.
Lực lượng quân đội chính quy dựa trên Việt Nam Giải Phóng Quân vừa mới đổi tên thành Vệ Quốc Đoàn. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội gồm những tiểu đoàn, trung đội. Trường đào tạo kháng Nhật được thành lập ở Việt Bắc trước Cách mạng tháng Tám bây giờ chuyển thành Trường Quân Chính Việt Nam, mặc dù nó được trá hình là chương trình huấn luyện cán bộ để xoa dịu quân Tưởng. Nhiều tháng sau khi kết thúc chiến tranh, lực lượng quân đội chính quy đã được tăng cường bằng cách tuyển những sĩ quan và binh lính từ Bảo An Binh. Sức mạnh của nó gồm những đơn vị chiến đấu ở miền Nam, ước tính khoảng tám mươi ngàn bộ đội.[470]
Một trong những vấn đề chính là thiếu vũ khí. Chính phủ có trong tay các loại vũ khí khác nhau, một số vũ khí cổ lỗ sĩ từ thế kỷ trước, một số ít mìn chống tăng, tiểu liên thu được từ quân đội Nhật Bản đầu hàng. Nhưng nhiều đơn vị chỉ có gậy, giáo hoặc súng kíp do thợ rèn địa phương tự chế. Trong một cố gắng tuyệt vọng để có vũ khí mới, Hồ Chí Minh biết phải đồng ý kế hoạch lấy tiền của nhân dân để mua vũ khí. Trong “Tuần lễ vàng” tổ chức cuối tháng 9-1945, nhân dân các tỉnh miền Bắc được vận động hiến những trang sức bằng vàng, những thứ đồ giá trị khác cho chính phủ để mua vũ khí từ quân đội chiếm đóng.
Xếp hàng đi góp vàng cứu nước trong “Tuần lễ Vàng”.
Theo Archimedes Patti, Hồ Chí Minh không tán dương về kế hoạch thu hút tiền từ quảng đại quần chúng, vì ông tin người nghèo sẵn sàng hy sinh, thể hiện lòng yêu nước, còn người giầu chỉ hiến một số lượng tượng trưng. Sự lo sợ của ông có lẽ đúng vì những người giàu có ở miền Bắc chỉ hiến một lượng tương đối ít, Hồ “cảm thấy giống như một kẻ phản bội” đã để “trò hề” diễn ra. Cuối cùng, chính phủ quyết định đánh thuế thực phẩm. Khi một quan chức chính phủ tính đến khả năng đánh thuế thịt gà, vịt, trâu, thì “công dân” Vĩnh Thuỵ có thể không có ý chống đối nhưng đế vào một câu “Ông còn quên thịt chó đấy”. Người đầu tiên cười ngặt nghẽo là Hồ Chí Minh.[471]
Để bổ xung nguồn vũ khí ít ỏi, chính phủ phát động thu gom hoặc sản xuất vũ khí bổ xung. Các thợ rèn địa phương mở lò rèn giáo, mác và mã tấu trang bị cho những đơn vị tự vệ thôn xóm. Thiếu nhi được huy động thu nhặt sắt vụn, còn người lớn góp những vật dụng gia đình, như mâm đồng, chảo gang, thậm chí đồ thờ, như lư hương và đỉnh đồng, tất cả được biến thành vũ khí. Tuy thế, Hồ Chí Minh luôn luôn vạch ra rằng vũ khí chủ yếu của quân đội là sự ủng hộ của nhân dân. Khi tới thăm các trung tâm huấn luyện ở Hà Nội, ông phát biểu về tầm quan trọng của cách ứng xử đúng đối với quảng đại quần chúng, trích lời của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn:
“Trừng mắt coi khinh ngàn lực sĩ,
Khom lưng làm ngựa trước nhi đồng”.
Hồ Chí Minh tiếp tục đeo đuổi vấn đề then chốt bảo đảm sự sống còn của dân tộc, bắt đầu đường lối ngoại giao và chính trị hơn là quân sự. Nếu quân Tưởng có thể được xoa dịu, ông tin rằng mối đe doạ từ các đảng phái dân tộc chủ nghĩa đối lập có thể được bớt đi. Cho dù việc đó xảy ra, chính phủ Hà Nội có thể dùng mặt trận thống nhất để chống lại việc Pháp quay lại miền Bắc. Vấn đề ở chỗ, hai viên tư lệnh Lư Hán và Tiêu Văn đặc biệt không những không có thiện cảm với Việt Minh, mà còn ủng hộ những phần tử dân tộc chủ nghĩa. Áp lực đòi mở rộng thành phần nội các của họ tăng lên khi tướng Hà Ứng Khâm, tham mưu trưởng của Tưởng Giới Thạch tới Hà Nội giữa tháng Mười. Thông điệp của tướng Hà Ứng Khâm cho hai viên tư lệnh Lư Hán và Tiêu Văn ngắn gọn và rõ ràng: Phải làm giảm ảnh hưởng những người cộng sản ở Đông Dương.
Để tỏ thiện chí làm việc với những phần tử dân tộc chủ nghĩa - thậm chí cả những người công khai chống cộng sản - Hồ ra lệnh thả Ngô Đình Diệm, một nhà hoạt động chính trị bị chính quyền Việt Minh bắt. Ngô Đình Diệm là con trai một viên quan yêu nước của triều đình Huế, Diệm từng là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ trong nội các Bảo Đại trước Thế chiến II, nhưng từ chức để phản đối Pháp không chấp nhận chủ quyền đầy đủ của Bảo Đại. Là con chiên ngoan đạo, Diệm tỏ thái độ công khai ghê tởm những người cộng sản, thái độ này càng tăng lên khi người anh của ông, Ngô Đình Khôi, bị Việt Minh hành quyết trong Cách mạng tháng Tám.
Việc Hồ thả Diệm (ông Diệm chỉ bị giam giữ ở Bắc Bộ Phủ, không phải trong tù) khiến một số đồng chí của ông phản ứng, trong đó có Bùi Lâm - một người bạn cũ từ những ngày sống với nhau ở Paris. Nghe Lâm trình bày, Hồ đáp, thả Diệm lý do duy nhất vì danh tiếng của ông thân sinh ra Diệm. Ông nói thêm, dù thế nào đi nữa, người Pháp lúc nào cũng tìm được một người khác để thay Diệm, vì thế làm việc này để có được sự ủng hộ của càng nhiều người càng tốt. Hồ Chí Minh có thể phần nào mới chiếm sự ủng hộ của Cộng đồng giáo dân Thiên Chúa, nhiều người trong số họ có học thức cao và có ảnh hưởng lớn trong nước. Ông bổ nhiệm một người Ky-tô giáo vào nội các và thỉnh thoảng đi lễ nhà thờ ở Hà Nội. Nhưng ông cũng gửi tín hiệu hoà giải tới các nhóm khác, đi thăm đại diện đồng bào miền núi, thắp hương nhân ngày sinh Khổng Tử ở Văn Miếu.[472]
Hồ Chí Minh cũng sử dụng quyền lực của mình để thuyết phục và lôi kéo tướng lĩnh quân Tưởng, tận dụng mâu thuẫn trong đám tướng lĩnh Tưởng ở Đông Dương. Dưới áp lực của tướng Tiêu Văn, cuối tháng Mười, Hồ tiến hành đàm phán bí mật với những lãnh tụ đảng phái dân tộc chủ nghĩa không cộng sản khác nhau, như Nguyễn Hải Thần, mang tên mới “lãnh tụ tối cao” của Đảng Đại Việt, cũng như với đại diện Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội. Nhưng những cuộc thương lượng gặp phải khó khăn ngay từ ban đầu, khi Đồng minh Hội đòi thành lập một chính phủ mới hoàn toàn, chỉ có vài bộ trưởng không phải là Việt Minh, đòi thay tên Mặt trận Việt Minh và thay quốc kỳ mới. Một số đồng chí của Hồ Chí Minh thắc mắc việc thương lượng với các kẻ thù của Đảng, nhưng Hồ cam đoan, đây đơn thuần vì những mục đích chiến thuật thôi. Một đồng chí của ông kể lại:
Chúng tôi thường đụng độ với bọn Việt Quốc (Việt Nam Quốc Dân Đảng) tay sai Tưởng Giới Thạch, tôi chính là người muốn thủ tiêu, thanh toán bọn chúng. Một hôm, trong một cuộc họp, tôi hỏi Bác: “Thưa Bác, tại sao ta lại để cho bọn ám sát và phản bội đó tồn tại? Bác cứ ra lệnh, bảo đảm cháu sẽ cho bọn nó biến sạch ngay trong một đêm”. Bác cười, chỉ vào phòng, hỏi lại “Nếu có con chuột chạy vào phòng này, chú sẽ dùng đá ném hay đặt bẫy hoặc đuổi nó ra?” “Thưa Bác, nếu ném đá sẽ vỡ mất những đồ quý trong phòng”.
Bác nói: “Bọn phản cách mạng cũng như thế. Chẳng có gì phải sợ họ, nhưng họ có những quan thầy. Để hoàn thành nhiệm vụ lớn, chúng ta cần phải biết cách nhìn xa hơn”.[473]
Hồ Chí Minh gạt bỏ hầu hết những đòi hỏi của nhóm dân tộc chủ nghĩa, nhưng ngày 11-11-1945, Đảng cộng sản Đông Dương bất ngờ tuyên bố giải thể, thành lập Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx Đông Dương. Đảng giải thích, muốn đặt yêu cầu của đất nước cao hơn cuộc đấu tranh giai cấp và lợi ích của toàn thể nhân dân cao hơn lợi ích của Đảng. Dù vậy, hành động này cũng không giảm được sự chống đối của các tổ chức chính trị ở thủ đô. Ngày hôm sau, một cuộc đụng độ lớn giữa những người ủng hộ Việt Minh và những phần tử dân tộc chủ nghĩa xảy ra trước cửa Nhà Hát Lớn dẫn đến hơn một chục người chết.
Đối với nhân dân Việt nam, động thái này hầu như không bị đánh giá thấp, rõ ràng đây mới chỉ là điểm chủ chốt nhằm xoa dịu chính quyền Trung Hoa đang chiếm đóng dẫn đến một hiệp định thỏa hiệp với các đảng phái dân tộc chủ nghĩa. Tài liệu của Đảng ở Hà Nội những năm sau này đã khẳng định, Đảng cộng sản Đông Dương thực tế không giải tán, chỉ đơn thuần rút lui vào bí mật và tiếp tục thống lĩnh những quyết định chính sách của Đảng suốt vài năm cho đến khi Đảng lại xuất hiện dưới tên mới năm 1951. Tuy thế, nguồn tư liệu nội bộ khẳng định, quyết định này là một quyết định gây tranh cãi và gây nên sự chống đối đáng kể trong nội bộ Đảng của những người đặt lợi ích đấu tranh giai cấp trên lợi ích dân tộc. Sau khi quyết định được công bố, những đảng viên nòng cốt được cử các địa phương khác nhau để giải thích với toàn thể đảng viên.[474]
Dù việc giải tán Đảng cộng sản Đông Dương gây nên những phản ứng trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo và làm các đảng cộng sản anh em trên thế giới ngạc nhiên, nhưng chính nước cờ này giúp dễ dàng những cuộc đàm phán hoà bình. Theo chỉ thị của Trương Phát Khuê, ngày 19-11-1945 tướng Tiêu Văn chủ trì cuộc họp giữa đại diện chính phủ Hà Nội với những thành viên các đảng phái dân tộc chủ nghĩa. Các đảng đồng ý về mặt nguyên tắc hình thành một chính phủ liên minh rộng rãi gồm những thành viên một số đảng phái. Họ cũng đồng ý đưa ra một cương lĩnh chung, thống nhất tất cả những đơn vị quân đội dưới quyền của chính phủ và triệu tập một hội nghị quân sự để thảo luận cách tốt nhất giúp đỡ đồng bào ở miền Nam đang bị vây hãm.
Vài ngày sau, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bí mật đánh giá tình hình chung và giải thích chính sách hiện tại. Những gì diễn ra tại cuộc họp ấy chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng những quyết định đưa ra tại cuộc họp chứa đựng trong nghị quyết đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp. Bản nghị quyết “Kháng chiến và Tái kiến thiết” phân tích những mâu thuẫn xuất hiện trong Đồng Minh, tìm cách khéo léo lôi kéo họ để có lợi cho cách mạng Việt Nam. Lúc này, nghị quyết kết luận, cả Trung Hoa và Hoa Kỳ chuẩn bị cộng tác với Pháp giúp khôi phục chủ quyền tại Đông Dương. Tuy nhiên, trước khi đồng ý rút quân, Chính phủ Quốc Dân Đảng ở Trùng Khánh chắc chắn phải đòi Pháp nhượng bộ. Chừng nào Hoa Kỳ còn dính líu, sự chống đối của họ đối với nền độc lập của Việt Nam vẫn chưa lộ mặt:
Tuy Hoa Kỳ vẫn đang giữ vai trò trung lập ở Đông Dương, nhưng bí mật giúp Pháp bằng cách cho mượn tàu chiến chở quân sang Đông Dương. Một mặt, Hoa Kỳ muốn cạnh tranh với Anh và Pháp để có lợi thế ở Đông Dương và Đông Nam Á; Mặt khác, Hoa Kỳ cũng muốn cộng tác với Anh và Pháp thành lập một liên minh để bao vây Liên Xô và do vậy sẵn sàng hy sinh một số lợi ích của họ ở Đông Nam Á”.
Nghị quyết kết luận, trước hoàn cảnh đó, nội bộ Đảng phải hành động sao để chia rẽ được bọn chống phá. Về đối ngoại, cần thêm bạn bớt thù, bọn Tưởng nói riêng, bọn này coi chính phủ Việt Nam chỉ là một lực lượng giúp họ thực hiện mục đích đánh đuổi bọn thực dân châu Âu ra khỏi biên giới phía nam của họ. Pháp vẫn là kẻ thù chính, nhưng nó cũng có thể bị lôi kéo. Có nhiều khả năng, thí dụ như Pháp có thể thừa nhận độc lập dân tộc để cứu vãn thể diện trên trường quốc tế, bảo vệ quyền lực kinh tế ở Đông Dương. Ban lãnh đạo đảng kết luận, nếu vậy họ sẽ chuẩn bị có những nhượng bộ cần thiết trong vấn đề kinh tế để tìm kiếm độc lập.[475]
Thoả thuận ngày 19-11-1945 chỉ đưa ra đường lối chung chính phủ liên hợp, về chi tiết còn phải đàm phán thêm nữa. Trong khi đó, tất cả các nhóm kêu gọi từ nay trở đi hãy dừng những cuộc tấn công lẫn nhau và cùng thống nhất chống lại kẻ thù chung. Nhưng những cuộc thương lượng kéo dài hàng tuần lễ vẫn không đi đến kết quả. Đầu tiên những phần tử dân tộc chủ nghĩa đòi chức chủ tịch nước và 6 ghế bộ trưởng. Hồ Chí Minh bác bỏ bản dự thảo, chỉ thuận cho ba ghế và đề nghị thành lập nhóm cố vấn chính trị do Nguyễn Hải Thần đứng đầu. Thế nhưng những phần tử dân tộc chủ nghĩa không đồng ý. Trong khi các cuộc thương thảo tiếp tục, căng thẳng tăng lên và báo chí của Việt Nam Quốc Dân Đảng tăng cường những bài viết đả kích chính phủ. Chính phủ cũng tấn công lại. Sau này Võ Nguyên Giáp nhớ lại, có lần ông huy động những đơn vị tự vệ và những thành viên Hội Cứu Quốc địa phương, ra lệnh cho họ mặc thường phục, mang theo vũ khí, sau đó đưa họ đến phố Hàng Đậu để phá vỡ âm mưu của những phần tử dân tộc chủ nghĩa rải truyền đơn ở chợ Đồng Xuân. Đã xảy ra những đụng độ nhỏ trước khi lực lượng của Võ Nguyên Giáp nhặt những tờ truyền đơn và khiến những phần tử dân tộc chủ nghĩa bỏ chạy. Sau những sự vụ như thế, Hồ Chí Minh bị mời đến trụ sở của quân Tưởng và bị răn đe.[476]
Một trong những trở ngại trong thương lượng là việc chính phủ công bố sắc lệnh ngày 8-9-1945 kêu gọi tổng tuyển cử hai tháng trước khi bầu Quốc Hội mới. Sau cuộc họp ngày 19-11, chính phủ tuyên bố cuộc bầu cử sẽ tiến hành ngày 23-12-1945, nhưng đại diện các đảng phái dân tộc chủ nghĩa phản đối, viện cớ họ không đủ thời gian chuẩn bị. Tướng Tiêu Văn, theo chỉ thị của Trương Phát Khuê, từng bước phá vỡ bế tắc và ngày 19-12 đi đến thoả thuận dời cuộc bầu cử lui lại mười lăm ngày cho tới đầu tháng Giêng, sẽ thành lập một chính phủ lâm thời liên hợp mới vào ngày 1-1-1946. Theo thông cáo đưa ra cuối cuộc họp, Việt Nam Quốc Dân Đảng được đảm bảo có năm mươi ghế và Đồng minh Hội có hai mươi ghế trong Quốc Hội tương lai, bất kể kết quả cuộc bầu cử ra sao. Hồ Chí Minh sẽ làm chủ tịch và Nguyễn Hải Thần phó chủ tịch. Thành phần nội các của chính phủ bao gồm Việt Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Dân chủ, Đồng Minh Hội mỗi phái hai ghế bộ trưởng và hai ghế nữa dành cho những phần tử không đảng phái. Việt Minh và những phần tử dân tộc chủ nghĩa đồng ý ngừng những cuộc tấn công lẫn nhau, giải quyết bất đồng thông qua thương lượng.
Quyết định thành lập chính phủ liên hợp gây ra cơn bão lửa tranh cãi trong nội bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh. Nghe tin Nguyễn Hải Thần sẽ được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu trong chính phủ, một cán bộ to tiếng với Hồ Chí Minh, người đã có mối quan hệ căng thẳng với Nguyễn Hải Thần từ thập niên 1920. Hồ trả lời “Phân là bẩn, đúng không? Nhưng nếu nó có ích bón lúa, tại sao ta không dùng nó?” Khi một số cho rằng Việt Minh và phe đối lập như lửa với nước, cớ sao lại nhượng bộ bảy mươi ghế, Hồ (thường hay dùng ẩn dụ) châm biếm: “Nếu lấy lửa để đun sôi nước thì lại có thể uống được đấy”.[477]
Ngày 1-1-1946, tân chính phủ ra mắt nhân dân tại Nhà Hát Lớn. Đứng trên ban công, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi hoà hợp dân tộc và công bố cương lĩnh chính phủ, kêu gọi Tổng Tuyển Cử theo những nguyên tắc dân chủ và thống nhất các lực lượng vũ trang khác nhau dưới quyền chỉ huy của chính phủ. Nguyễn Hải Thần phát biểu nhận một phần trách nhiệm về sự chậm trễ trong việc hoà hợp dân tộc, hứa hẹn sẽ hợp tác chống Pháp đang xâm chiếm miền Nam.
Tổng tuyển cử dự kiến tổ chức ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước. Dù có vài sự cố lẻ tẻ, không đáng kể, nhìn chung, cuộc bầu cử diễn ra trong hoà bình. Theo Võ Nguyên Giáp, chín mưoi phần trăm cử tri miền Nam đi bầu, mặc dù cuộc bầu cử chỉ diễn ra trong những vùng Việt Minh kiểm soát. Việt Minh tuyên bố giành được thắng lợi khi ứng cử viên của họ nhận được chín bảy phần trăm phiếu bầu. Kết quả đó lẽ ra Việt Minh phải có ba trăm ghế trong Quốc hội, nhưng đã hứa, giành bảy mươi ghế cho phe đối lập.[478]
Bản thân Hồ Chí Minh ứng cử ở một trong khu vực bầu cử Hà Nội. Các đồng chí của ông đề nghị, với tư cách chủ tịch nước ông được miễn ra ứng cử, nhưng Hồ từ chối. Theo thống kê của chính phủ, Hồ Chí Minh thu được 98,4 phần trăm phiếu bầu tại khu vực bầu cử Hà Nội.
Hồ Chí Minh hy vọng việc thành lập chính phủ liên hiệp giúp ông đại diện cho một mặt trận thống nhất đối với người Pháp. Trong cuộc họp cuối tháng 11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương hy vọng Paris có thể trả độc lập cho nhân dân Việt Nam để đổi lấy những nhượng bộ kinh tế.
Tuy nhiên, Paris có làm điều này hay không lại là chuyện khác. Tổng thống Charles De Gaulle không muốn đàm phán gì trước khi chủ quyền của Pháp ở Đông Dương được phục hồi. Trong bức thư gửi tướng Leclerc ngày 25-9-1945, ông bày tỏ tính cách độc đoán của mình:“Nhiệm vụ của ngài là khôi phục chủ quyền của Pháp ở Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên là ngài vẫn chưa làm điều đó”. Nhưng những đại diện Pháp ở Đông Dương tỏ ra có chút thực tế hơn. Sau khi gặp Hồ cuối tháng 9-1945, Leon Pignon và tướng Alessandri đã miêu tả Hồ là người “có bản lĩnh đáng tin cậy”, đồng thời Jean Cedile điện từ Sài Gòn rằng phái ôn hoà trong chính phủ dễ dàn xếp, do vậy nên thương lượng. Ngày 10-10-1945, Paris điện cho Alessandri mở cuộc đàm phán với chính phủ Hà Nội “về tất cả vấn đề của Đông Dương”.[479]
Jean Sainteny trở lại Hà Nội hai ngày trước. Ông đã đến Ấn Độ vào tháng 9-1945 để gặp Đô đốc Thierry d'Argenlieu, vừa được De Gaulle bổ nhiệm làm Cao Uỷ Đông Dương. Về vị thế, Sainteny được toàn quyền trong những cuộc thương lượng về vấn đề Đông Dương, nhưng vị thế này chưa được chính thức hoá, nên ông xin từ chức, nhưng d'Argenlieu đề nghị ông trở lại Đông Dương được toàn quyền thương lượng. Vì thế Sainteny trở lại Hà Nội với danh xưng chính thức là Uỷ Viên Cộng hoà Pháp về Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, ông trú tại Ngân Hàng Đông Dương.[480]
Sainteny gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên giữa tháng 10-1945. Dù là một nhà thương lượng cứng rắn và yêu nước Pháp (sau này ông trở nên nổi bật trong lĩnh vực thuộc ngân hàng quốc tế), Sainteny kính trọng Hồ Chí Minh và cảm thấy tự đáy lòng Hồ là một người thân Pháp. Ông đi cùng Pignon, cố vấn tối cao chính phủ, một quan chức thực dân chuyên nghiệp từng phục vụ ở Đông Dương trước Thế chiến II và được trao nhiệm vụ khôi phục chủ quyền của Pháp. Hồ đi cùng Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Minh Giám. Nhiệm vụ của Sainteny là thuyết phục Hồ đồng ý cho quân Pháp quay trở lại Bắc Kỳ, nơi còn ba mươi ngàn người Pháp đang sinh sống đổi lấy việc Pháp cam kết quân đội Tưởng ra đi. Lúc đó, tướng Leclerc đang có tám ngàn quân ở Nam Kỳ từ Sư đoàn II cơ giới nổi tiếng trong chiến dịch Normandy.
Nhiệm vụ của Sainteny rất tế nhị. Một cuộc can thiệp bằng vũ lực sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt không những từ Việt Minh mà còn từ quân Tưởng đang tiến hành giải giáp ba mươi ngàn quân Nhật. Do vậy Sainteny không những cần phải cam đoan với Hồ Chí Minh về những ý định của Pháp, mà còn phải tìm cách thoả hiệp với bọn tướng lĩnh Tưởng. Với quan điểm thực tế đó, Sainteny cương quyết khuyên chính phủ Pháp không sử dụng vũ lực, ông cảnh báo “Nếu chúng ta có ý định khôi phục chủ quyền Pháp ở Bắc Kỳ bằng vũ lực, chúng ta vấp phải sự chống cự mạnh mẽ”.[481]
Sainteny nhanh chóng hiểu được lợi thế của mình. Lực lượng quân sự Việt Minh quá yếu và Hồ rất cần sự giúp đỡ của Pháp để tống khứ quân Tưởng. Trong khi đó, hai nước Đồng Minh lớn, Liên Xô và Mỹ, chẳng quan tâm gì đến vụ việc. Moscow còn bận tâm với tình hình chính trị hứa hẹn ở Pháp, nơi mà Đảng cộng sản Pháp đang ngấp nghé nắm quyền lực và chẳng buồn cử một đại diện hoặc thậm chí một quan sát viên nào đến Hà Nội. Còn Mỹ, đang lo ngại sự thống trị của Liên Xô ở Đông Âu sau chiến tranh, cũng lo sợ viễn cảnh một chính phủ cánh tả ở Paris và cố gắng cam đoan với Pháp rằng Mỹ không phản đối Pháp quay lại Đông Dương.
Hồ Chí Minh hiểu những yếu tố đó khi ông đàm phán với Sainteny. Ngay từ đầu, ông đã hết mức thành thật bầy tỏ rằng, mặc dù mục tiêu lâu dài của ông là giành độc lập dân tộc hoàn toàn cho Việt Nam, song ông cũng chấp nhận thu xếp mục tiêu này lui lại vài năm. Ông giải thích, trong thời gian đó chính phủ ông chấp nhận sự hiện diện của Pháp ở Bắc Việt Nam và có chân trong Liên hiệp Pháp, chừng nào Pháp đồng ý mục tiêu cuối cùng là độc lập.
Dù vậy, những cuộc hội đàm không phải dễ dàng. Vấn đề bắt đầu một phần từ câu chữ, mặc dù có những vấn đề thực tế trước hiểm hoạ. Hồ và các cố vấn của ông khăng khăng đòi đưa từ “độc lập” vào văn bản cuối cùng, chữ này chắc chắn De Gaulle phản đối. Tướng Leclerc, sau khi hội đàm với Mountbatten (Tư lệnh lực lượng Anh ở Đông Nam Á) ở Ceylon, đã trở lại Sài Gòn và làm nhịp cầu mới bắc qua hố ngăn cách bằng cách đề xuất Paris khả năng đưa ra thể chế phù hợp cho Đông Dương (từ mà ông đề nghị là “tự trị”). Nhưng De Gaulle nổi giận: “Nếu tôi nghe được những từ như thế, chẳng mấy chốc Pháp sẽ không còn là đế chế nữa. Hãy đọc thật kỹ câu chữ trong tuyên bố ngày 24 tháng 3 của tôi và tuân thủ trung thành văn bản này”. Tháng 10-1945, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Trùng Khánh đề nghị Pháp ra tuyên bố mới về những ý định ở Đông Dương, De Gaulle bực dọc đáp: “Chính phủ Pháp lúc này không muốn đưa ra một tuyên bố mới về Đông Dương. Bản tuyên bố tháng Ba vẫn còn hiệu lực. Một sự lặp lại sẽ làm phức tạp thêm tình hình”.[482]
Trở ngại lớn thứ hai là thể chế tương lai của Nam Kỳ. Hồ muốn gộp chung cả vào đàm phán với Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nhưng Sainteny, theo lệnh của Paris, khăng khăng Nam Kỳ là thuộc địa cũ của Pháp, nên thể chế của Nam Kỳ phải được nhìn nhận khác với các vùng khác. Sainteny lập luận, dân chúng Nam Kỳ được phép tự quyết định số phận của chính họ.
Cả hai bên tranh cãi liên miên về từ ngữ và câu chữ suốt mấy tuần liền trong căn phòng mịt mù khói thuốc. Sainteny hút tẩu, còn Hồ hút đủ thứ thuốc lá Tàu, Mỹ và Gaulois khét lẹt của Pháp. Thỉnh thoảng, cuộc hội đàm ngừng lại để Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến chính phủ ông, hoặc với cố vấn tối cao, cựu hoàng Bảo Đại. Mối quan hệ của Hồ Chí Minh với “công dân” Vĩnh Thuỵ thực khó hiểu đối với Sainteny và những người tham dự. Hồ luôn luôn hỏi ý kiến vị cựu hoàng với thái độ lễ phép, thậm chí có lúc ông đề nghị Bảo Đại làm người đứng đầu nhà nước trong tương lai. Có lần ông khiển trách một cán bộ dưới quyền gọi Bảo Đại đơn giản là “ông cố vấn”. Ông quở trách: “Anh cần phải xưng hô “thưa Ngài” như tôi làm”.[483]
Là cố vấn tối cao của chính phủ Hà Nội, Bảo Đại thường xuyên dự các cuộc họp chính phủ và cảm thấy như ở nhà, kể cả trong quan hệ với những người mà ông cho là “lũ gác cổng thủ cựu”, hoặc với nhóm người theo đường lối hiếu chiến như Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu, nhiều năm trước đây sống ở Nga hoặc trong tù. Trong bữa tiệc ngay sau khi được bổ nhiệm, Hồ cam đoan với Bảo Đại “chúng ta sẽ cùng nhau làm việc vì độc lập của đất nước”. Thoạt đầu Bảo Đại có cảm tình với cử chỉ yếu đuối và mềm dẻo của vị chủ tịch mới, thích nói chuyện văn thơ hơn chính trị và có vẻ giống một nhà nho hay thầy đồ hơn là điệp vụ Quốc tế Cộng sản hay chủ tịch nước. Bảo Đại so sánh Hồ với những phần tử dân tộc chủ nghĩa không cộng sản mà ông coi là “những con rối nằm trong tay bọn Trung Hoa”. Hồ, trong những cuộc thương lượng với bọn tướng lĩnh Tưởng, luôn giữ bình tình. Tuy nhiên, sau này Bảo Đại nhận ra bộ mặt thật của Hồ và của chính phủ ông. Khi nghe tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của ông và Ngô Đình Khôi, anh trai Ngô Đình Diệm, bị bắt, Bảo Đại đã phản đối Hồ Chí Minh, yêu cầu thả họ cùng với những tù chính trị. Nhưng Hồ ậm ừ giải thích, nhân dân sẽ không hiểu việc này. (Như đã nói ở trên, cả hai ông này cuối cùng bị hành quyết).
Cuối cùng, Bảo Đại bắt đầu nghi ngờ, chính phủ sử dụng ông làm con cờ để tạo vẻ hợp pháp với Hoa Kỳ. Tháng 10-1945, khi căng thẳng giữa Việt Minh và những đối thủ dân tộc chủ nghĩa bắt đầu tăng cao, Bảo Đại được đưa về Thanh Hoá để lánh nạn. Ông trở lại sau khi thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời tháng 1-1946, và được bầu làm đại biểu Quốc Hội mới. Trong vài tuần lễ tiếp đó, ông cùng Hồ Chí Minh chúc Tết một số nơi “để dân chúng thấy ông vẫn còn sống”.[484]
Dưới vỏ bọc hợp pháp của chính phủ liên hiệp mới thành lập, Hồ Chí Minh nối lại thương lượng với Sainteny ngay những tuần lễ đầu tiên năm 1946. Thoạt đầu, quan điểm hai bên cách xa đến mức tưởng không thể thoả hiệp được. Trong thời gian đó Kenneth Landon, quan chức Vụ Đông Nam Á Bộ Ngoại Giao đến Hà Nội giữa tháng 1-1946 tìm hiểu tình hình thực tế, Sainteny cam đoan với Kenneth Landon chính phủ Pháp sẽ tìm cách hoà giải với Việt Nam. Nhưng khi nói chuyện với Hồ Chí Minh, Landon nhận ra Hồ Chí Minh ít lạc quan về triển vọng dàn xếp. Hồ yêu cầu sự trung thực của Pháp và vạch ra quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam giành hoàn toàn độc lập. Trước khi chia tay, Hồ nhờ Landon chuyển một bức thư tới tổng thống Truman. Thư nói rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị chấp nhận hoàn toàn độc lập cho Philippines, Hồ khẩn khoản yêu cầu Mỹ ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam để giải phóng dân tộc.
Sự hoài nghi của Hồ Chí Minh về âm mưu của Pháp là có cơ sở khi Bộ Ngoại giao Pháp nói với Đại sứ Mỹ Jefferson Caffery, dù Pháp có thái độ “tự do và tiến bộ” trước đòi hỏi của Việt Nam, nhưng việc độc lập hoàn toàn vẫn chưa được xem xét đến trong lúc này. Caffery hy vọng Pháp sẽ có quan điểm thực tiễn hơn trong việc giải quyết vấn đề và lưu ý Washington “một số viên tướng thủ cựu” đã lũng loạn đường lối của chính phủ đối với Đông Dương.[485]
Dù có dấu hiệu Pháp không nhượng bộ, áp lực tăng lên đối với Pháp khi cuộc thương lượng Pháp - Trung ở Trùng Khánh sẽ dẫn đến quân Tưởng phải rút đi và thay thế bằng quân Pháp. Để làm dễ dàng thương lượng, Hà Nội bắn tin sẽ đồng ý nhượng bộ để dẫn đến dàn xếp thoả đáng. Có những dấu hiệu tương tự về thoả hiệp ở Paris, khi Charles De Gaulle từ chức giữa tháng 1-1946 do việc thành lập chính phủ liên hiệp ôn hoà đứng đầu là Felix Gouin - người của Đảng Xã hội.
De Gaulle không đề xuất cho người kế nhiệm mình xử lý vấn đề Đông Dương như thế nào, mặc dù sau này ông trừng phạt Cao Uỷ d'Argenlieu là lẽ ra trật tự phải được khôi phục trước khi mở những cuộc hội đàm. Tháng 1-1946, d'Argenlieu trở lại Paris tham khảo chính phủ mới, đồng thời chỉ thị tướng Leclerc không được dùng từ “độc lập” khi hội đàm với Hồ Chí Minh. Nhưng Sainteny báo cáo, Hồ khăng khăng đòi có câu “độc lập trong khối Liên hiệp Pháp”. Sainteny cảnh báo, nếu không thế, có thể dẫn đến chiến tranh. Ngày 14-2, Leclerc điện về Paris nói nếu Pháp đồng ý từ “độc lập”, vấn đề thương lượng có thể được giải quyết. Leclerc cho rằng “đây là thời điểm thích hợp để chính phủ Pháp bày tỏ chắc chắn chữ độc lập”. Leclerc nói, độc lập có thể “theo những cơ sở hạn chế, trong bối cảnh Liên hiệp Pháp, đối với toàn Đông Dương”. Nhưng d'Argenlieu - một thày tu phá giới xảo quyệt với quan điểm bảo thủ được mệnh danh là “bộ óc thông minh nhất của thế kỷ XII″, đã không chấp nhận ý tưởng này.[486]
Trước khi từ chức, De Gaulle cũng cử Bộ trưởng Max Andre tới Hà Nội để thăm dò thái độ Hồ Chí Minh về thương lượng. Theo nguồn tin phía Pháp, Hồ bắn tin Max Andre biết sẵn sàng cho phép quân Pháp vào miền Bắc với những điều kiện nhất định. Nhưng Hồ cũng bị áp lực ngay chính khu vực ông ứng cử, không cho người Pháp trả lời. Những người dân tộc chủ nghĩa đả kích ông đàm phán với Pháp, đòi giải tán “chính phủ của những kẻ phản bội”, bán rẻ quyền lợi độc lập Việt Nam để giữ quyền lực cho chính mình.
Mọi xu hướng thoả hiệp ngày càng khó khăn do cuộc xung đột ở miền Nam tăng mạnh lên. Tháng 11-1945, quân Pháp đổ bộ ven biển miền Trung, chiếm thành phố nghỉ mát Nha Trang. Thành phố này sau đó bị quân đội Việt Minh bao vây. Vài tuần sau, quân Pháp do tướng Alessandri chỉ huy vượt biên giới Hoa - Việt vào Lai Châu, bắt đầu cắt đứt vùng biên giới ngăn cản Việt Minh liên hệ với những người ủng hộ ở nam Trung Hoa. Những đơn vị Vệ Quốc Đoàn ở Hà Nội được điều động để ngăn chặn hoặc làm chậm bước tiến quân của Pháp. Trong một cuộc phỏng vấn, tướng Lư Hán xác nhận quân Pháp vào Việt Nam, nhưng phủ nhận tin đồn một hiệp định cho phép quân Pháp vào Đông Dương được đưa ra tại cuộc thương lượng Pháp - Trung.
Tuy nhiên, giữa tháng 2-1946, nguồn tin của Pháp xác nhận, một hiệp định với Trung Hoa dẫn đến việc rút quân Trung Quốc chiếm đóng ra khỏi Đông Dương sắp được ký kết, cảnh báo chính quyền Hà Nội, cuộc dàn xếp chính trị giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải đạt được nhanh chóng. Nếu không, họ hé lộ, hậu quả có thể rất tai hại. Trong bức điện gửi về Paris ngày 18-2, Sainteny báo cáo cuộc đàm phán với Hồ Chí Minh hai ngày trước đó, Hồ chấp nhận từ bỏ đòi hỏi phải có chữ “độc lập” trong một thoả thuận hoà bình và đồng ý Việt Nam là thành viên trong khối Liên hiệp Pháp. Nhưng Hồ đòi đổi lấy việc này “chính phủ Pháp phải công nhận nguyên tắc chính phủ tự trị ở Việt Nam”. Ở Paris, d'Argenlieu bày tỏ sự chấp thuận của mình về mặt nguyên tắc.
Trong lúc những cuộc thương lượng đang tiến diễn, ngày 20-2-1946, hãng Reuters công bố những điều khoản của hiệp định Pháp - Trung sắp ký, theo đó Trùng Khánh cho phép quân Pháp vào miền Bắc để thay thế quân đội Tưởng. Pháp bắn tin không ngần ngại dùng vũ lực nếu Hà Nội từ chối thoả hiệp, tướng Leclerc bắt đầu chuẩn bị đưa quân Pháp đổ bộ vào Hải Phòng. Khi tin tức này đến Hà Nội, cả thành phố lo buồn. Những phần tử dân tộc chủ nghĩa, vốn căm tức về những tin tức Hồ đồng ý thoả hiệp về vấn đề độc lập, đã tổ chức những cuộc biểu tình ở những khu phố buôn bán và kêu gọi tổng bãi công chống lại chính phủ. Một số người còn đòi Hồ Chí Minh từ chức và thành lập một chính phủ mới do “Công dân” Vĩnh Thuỵ đứng đầu. Khi đám đông đến hồ Hoàn Kiếm chạm trán với những người biểu tình thân chính phủ, cuộc đụng độ nổ ra giữa hai nhóm.
Trả lời phỏng vấn ngày 22-2-1946, Hồ Chí Minh từ chối bình luận tin đồn về hiệp định Pháp - Trung, nhưng những sự kiện sau đó cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam lo lắng. Suốt mấy ngày sau, chính phủ tăng cường chuẩn bị chiến tranh, thành lập thêm những đơn vị tự vệ, yêu cầu trẻ em và người già rời thành phố. Trong khi đó, gấp rút thành lập chính phủ liên hiệp mới, triệu tập họp Quốc Hội, gồm những đại biểu được bầu hồi tháng 1-1946. Sainteny bày tỏ nguyện vọng xem xét khả năng quyền tự trị cho Việt Nam (không nhắc đến từ độc lập), nhưng ông lại đưa ra một rào cản khi tuyên bố từ chối ký hiệp định trừ khi chính phủ Việt Nam được mở rộng cho những đại diện của tất cả các nhóm dân chúng.[487]
Những cuộc hội đàm giữa đại diện Việt Minh và các đảng phái dân tộc chủ nghĩa trở nên căng thẳng, chẳng hạn Việt Nam Quốc Dân Đảng, được quân Tưởng ủng hộ, vẫn đòi chiếm đa số ghế trong chính phủ mới. Có vẻ như có lúc Hồ đã mất hy vọng đạt được một thoả thuận. Theo Bảo Đại, sáng 23-2-1946, Hồ bất thình lình đến thăm, đề nghị Bảo Đại ra nắm quyền. Hồ thở dài: “Thưa Ngài, tôi không biết làm gì hơn. Tình hình quá căng thẳng. Tôi hiểu rõ người Pháp không muốn nói chuyện với tôi. Tôi không thuyết phục được Đồng Minh ủng hộ. Cả thế giới bảo tôi đỏ quá. Tôi đề nghị ngài hãy hy sinh một lần nữa và ra nắm chính quyền”.
Thoạt đầu Bảo Đại khước từ, nhưng sau đó đồng ý thảo luận vấn đề với các cố vấn của ông, nhiều cố vấn khuyên ông nên nhận. Nhưng bây giờ đến lượt Hồ thay đổi ý kiến. Chiều hôm đó, Hồ mời Bảo Đại đến, nói:
“Thưa Ngài, hãy quên những điều tôi nói lúc sáng. Tôi không có quyền từ bỏ những trách nhiệm của mình lúc khó khăn. Trả lại quyền lực cho ngài là sự hèn nhát của tôi. Xin ngài hãy tha lỗi cho phút yếu mềm và ý định chuyển gánh nặng trách nhiệm cho ngài. Tôi có kế hoạch từ chức chẳng qua vì sự chống đối quyết liệt của các đảng phái dân tộc chủ nghĩa với hiệp định mà tôi đang thảo luận với Pháp”.
Cái gì đã làm Hồ thay đổi ý định? Chỉ biết là ngày hôm sau, chính phủ thông báo, các đảng phái đã thoả thuận thành lập chính phủ liên hiệp mới. Hai bộ quan trọng nhất là Nội Vụ và Quốc Phòng được trao cho các phần tử trung lập. Việt Minh và Đảng Dân Chủ (bù nhìn của Việt Minh), Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đồng minh Hội chia nhau tám ghế còn lại. Theo Võ Nguyên Giáp, Hồ đã thảo luận với Tiêu Văn, nhấn mạnh tầm quan trọng việc thành lập một chính phủ liên hiệp để chống Pháp. Tiêu Văn, vốn rất ghét Pháp, hình như đồng ý thuyết phục phe đối lập thoả hiệp theo đòi hỏi của họ.[488]
Ngày 27-2-1946, d'Argenlieu từ Paris trở lại Sài Gòn. Cùng ngày, ông chấp nhận bản hiệp định khung do Sainteny đề nghị, công nhận Việt nam là “Nhà nước tự do, có quốc hội, quân đội và tài chính riêng”. Nhưng d'Argenlieu từ chối đòi hỏi quyền tự trị của Việt Nam trong công việc ngoại giao, sự thống nhất về chính trị và lãnh thổ của ba miền, mặc dù ông đồng ý về mặt nguyên tắc tổ chức trưng cầu dân ý vấn đề thống nhất. Dường như để kích thích quan điểm của d'Argenlieu, cùng ngày các nhà thương lượng Pháp đồng ý bỏ yêu cầu về các lãnh thổ hải ngoại tại Quảng Châu và Thượng Hải, sẵn sàng ký hiệp định Hoa Việt. Nếu một hiệp định với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể đạt được thì con đường rộng mở cho quân Pháp thay thế quân Tưởng chiếm đóng ở Bắc Việt Nam. Paris tức tốc gửi điện Leclerc tại Sài Gòn: “Hiệp định đã đạt được, hãy giương buồm lên thẳng tiến”.[489]
Hoà bình đứng trước nguy ngập, điều quan trọng đối với Hồ Chí Minh là làm sao có được sự chấp thuận của chính phủ và nhân dân. Bẩy giờ sáng ngày 2 tháng 3, tân Quốc Hội họp lần đầu tiên tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội. Toà nhà được trang trí bằng những lá cờ đỏ sao vàng quen thuộc, vẫn còn là biểu tượng dân tộc dù những phần tử dân tộc chủ nghĩa phản đối.
Gần ba trăm đại biểu, cộng với đông đảo nhà báo và khách mời, tiến vào phòng họp. Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo ka-ki bạc mầu bước lên diễn đàn, khẩn khoản yêu cầu các đại biểu chấp nhận bảy mươi người không qua bầu cử của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng minh Hội, đang ngồi ở phòng chờ để đợi được mời vào cuộc họp. Sau khi Quốc Hội tán thành, họ vào phòng họp ngồi vào chỗ thì Hồ tuyên bố, Quốc Hội bây giờ đại diện cho toàn thể đất nước, phải thành lập được một chính phủ phản ánh và thực hiện những khát vọng của dân tộc. Quốc Hội chính thức chấp nhận chính phủ liên hiệp lâm thời từ chức, nhất trí bầu Hồ Chí Minh làm chủ tịch chính phủ liên hiệp kháng chiến và kiến quốc. Nguyễn Hải Thần, không tới dự cuộc họp viện cớ ốm, được bầu làm phó chủ tịch. Sau đó Hồ tuyên bố thành lập Uỷ Ban Dân Tộc Kháng chiến để tiến hành đấu tranh cho nền độc lập hoàn toàn và bổ nhiệm Nhóm Cố Vấn Quốc gia do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu. Phiên họp kết thúc ngay sau buổi chiều đó. Cùng ngày, hạm đội Pháp chở tướng Leclerc đang trên đường từ Sài Gòn tiến về Hải Phòng.[490]
Ngày 5-3-1946, Hồ Chí Minh họp bí mật với ban lãnh đạo đảng tại Hương Canh, ngoại thành Hà Nội. Ban Thường Vụ họp ngày 24-2-1946 đánh giá tình hình đề ra chiến lược thích hợp. Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phải làm gì. Một số muốn cầm vũ khí đánh ngay lập tức, một số khác khuyên nên yêu cầu quân Tưởng ủng hộ chống lại Pháp. Nhưng Hồ Chí Minh, biết được thực lực yếu kém của Việt Minh, cho rằng quan trọng nhất là phải đạt được một thoả thuận bằng mọi giá. Ông bực bội nói lớn: “Các đồng chí có hiểu cái gì sẽ xảy ra nếu quân Tầu ở lại? Các đồng chí đã quên hết bài học lịch sử rồi sao. Khi bọn Tầu đến, họ ở lại hàng ngàn năm. Bọn Pháp thì bất quá ở vài năm rồi cũng sẽ phải cuốn xéo”. Sau này khi nói chuyện với nhà sử học Pháp Paul Mus, Hồ dùng từ còn kinh hơn: “Thà ngửi cứt Tây một lúc, còn hơn ăn cứt Tàu cả đời”.[491]
Cuối cùng quan điểm của Hồ thắng thế. Nghị quyết cuộc họp nêu rõ: “Vấn đề bây giờ không phải là đánh hay không. Mà là phải biết người biết ta, nhận rõ một cách khách quan tất cả những điều kiện có lợi, bất lợi trong và ngoài nước, sau đó có hành động đúng”. Trên thực tế, tình hình xem ra phức tạp hơn trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Khi đó, tình hình chính trị trong nước có lợi cho Đảng và những đảng phái đối lập không có khả năng chống lại một cách công khai. Bây giờ, những phần tử dân tộc chủ nghĩa cảm thấy được khuyến khích dựa vào sự ủng hộ của quân Tưởng và có thể manh động chống lại chính phủ. Trong Cách mạng tháng Tám, Đảng có thể tận dụng những mâu thuẫn của Đồng Minh. Nghị quyết vạch rõ, bây giờ những mâu thuẫn này ít ra cũng tạm thời được hoá giải, trong khi đó, những lực lượng tiến bộ trên thế giới do Liên Xô đứng đầu không thể giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, “chiến đấu đến cùng” chẳng khác gì tự làm yếu và cô lập mình.
Nghị quyết thừa nhận, chính sách hoà hoãn với Pháp sẽ làm cho Đảng bị chửi là bán nước, giúp Pháp củng cố lực lượng tấn công miền Bắc. Nhưng hoà hoãn với Pháp sẽ làm Tưởng và bọn cơ hội dân tộc chủ nghĩa suy yếu. Hoà hoãn cũng giúp chính phủ có thời gian chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn. Cuối cùng nghị quyết yêu cầu Pháp phải công nhận các quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt nam.[492]
Ngày 5-3-1946, hạm đội của tướng Leclerc tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Cùng ngày, Sainteny nhận được bản báo cáo từ Sài Gòn cho biết quân Tưởng đã nuốt lời cam kết trong bản hiệp định ký với Pháp, không cho phép quân Pháp đặt chân lên lãnh thổ Đông Dương và cũng không có nhượng bộ thêm nữa. Trong lúc ấy, ở Hà Nội Uỷ Ban Dân Tộc Kháng Chiến mới được thành lập đã kêu gọi nhân dân chuẩn bị đứng lên bảo vệ tổ quốc. Nếu quân Pháp đổ bộ mà chưa có được một hiệp định với Trùng Khánh, họ sẽ vấp phải sự kháng cự của cả quân Tưởng và Việt Nam. Để bảo vệ binh sĩ của mình, tướng Leclerc yêu cầu Sainteny làm mọi thứ theo quyền mình để có được một hiệp định trong thời hạn ngắn nhất,“thậm chí bằng mọi giá có thể sau này vứt đi”.[493]
Cuối ngày hôm đó, cuộc thương lượng được nối lại. Sainteny lo âu chìa bản hiệp định, nhưng Hồ Chí Minh biết rõ những khó khăn hiện thời của hội đàm Pháp - Trung, đã thừa cơ đòi chữ “độc lập” trong hiệp định, cũng như Pháp chấp thuận nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Cuộc hội đàm tiếp tục đến đêm, Sainteny đồng ý vấn đề độc lập thông qua trưng cầu dân ý tổ chức tại ba miền Việt Nam, nhưng ông cươmg quyết từ chối viết từ “độc lập”. Cuộc hội đàm bế tắc. Pháp bỏ về, khiến Hồ Chí Minh phải tìm giải pháp khác.
Sáng sớm hôm sau, hạm đội Pháp tiến vào cảng Hải Phòng. Lúc 8 giờ 30 sáng, khi chiếc tàu đổ bộ đầu tiên vào cửa sông Cấm bị quân Tưởng dọc hai bờ sông nổ súng. Mười lăm phút sau, quân Pháp mới bắn trả. Cuộc đấu súng kéo dài đến tận 11 giờ trưa, vài tàu chiến Pháp bị hư hại, một kho đạn của quân Tưởng bị cháy. Đạn rơi rào rào trên những đường phố Hải Phòng như một cơn mưa.[494]
Trong khi quân Pháp và Tưởng đấu súng ở Hải Phòng, cuộc hội đàm ở Hà Nội cuối cùng cũng đến hồi kết. Hồ hỏi ý kiến Ban Thường Vụ Đảng vào buổi chiều ngày 5-3 và đồng ý chấp thuận những nhượng bộ cần thiết để đạt được một hiệp định. Trước rạng đông, Hồ cử Hoàng Minh Giám tới nhà Sainteny, tuyên bố chính phủ ông chấp nhận những điều kiện của Pháp và đồng ý Pháp công nhận Việt Nam là “một quốc gia tự do”. Bốn giờ chiều, phái đoàn Việt Nam tới một biệt thự ở đường Lý Thái Tổ, cắt chéo công viên nhỏ trước Bắc Bộ Phủ, nơi từng diễn ra nhiều cuộc họp thương lượng. Trước cử toạ Pháp và Việt Nam cũng như một số nhà ngoại giao, hiệp định được đọc to. Hiệp định đòi Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có “chính phủ riêng, Quốc hội riêng, quân đội riêng và tài chính riêng trong khối Liên hiệp Pháp”. Chính phủ Pháp đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định thống nhất ba vùng lãnh thổ. Đổi lại, Việt Nam cho phép 15.000 quân Pháp đến thay thế quân Tưởng ở miền Bắc. Hồ Chí Minh ký đầu tiên, rồi ông trao bút cho thứ trưởng bộ quốc phòng, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Vũ Hồng Khanh. Sau lễ ký, Sainteny tỏ ra hài lòng về hiệp định, nhưng Hồ đáp: “Và tôi lấy làm tiếc, ông đã thắng, ông biết rằng tôi muốn nhiều hơn thế. Nhưng tôi hiểu rằng không thể có mọi thứ ngay một lúc”. Sau đó ông trở lại bình tĩnh, đi theo Pignon và Sainteny. Ông nói với Sainteny “Tôi có một điều an ủi, đó là tình bạn giữa chúng ta”.[495]
Để Vũ Hồng Khanh ký hiệp định, Hồ Chí Minh hy vọng bịt miệng những phần tử dân tộc chủ nghĩa đả kích hiệp định. Sau lễ ký, Hồ Chí Minh gặp Ban Thường Vụ Đảng bàn cách tuyên truyền hiệp định cho nhân dân và cử đại diện đến ba miền đất nước giải thích căn nguyên sau quyết định. Hoàng Quốc Việt tới Sài Gòn, Hoàng Minh Giám tới Đà Nẵng và Võ Nguyên Giáp tới Hải Phòng, nơi quân Pháp chẳng mấy chốc sẽ đổ bộ lên.
Tin tức về bản hiệp định xuất hiện trên mặt báo Hà Nội sáng hôm sau. Theo quan sát, dân chúng phản ứng với sự thờ ơ xen lẫn ngạc nhiên và giận dữ. Dù chính phủ kêu gọi dân chúng giữ bình tĩnh, tránh những hành động khiêu khích chống Pháp kiều, tình hình thủ đô rất căng thẳng. Những phần tử dân tộc chủ nghĩa buộc tội Hồ Chí Minh bị Pháp lừa bịp, một số người thậm chí gọi ông là Việt gian. Nhằm bác bỏ những lời buộc tội đó, giới lãnh đạo đảng tổ chức cuộc mít tinh trước Nhà Hát Lớn lúc bốn giờ chiều để giải thích quyết định. Theo Jean Sainteny, những phần tử dân tộc chủ nghĩa cài người vào đám đông kích động nhân dân phẫn nộ. Một kẻ giấu mặt thậm chí đã ném một quả lựu đạn, may mà quên rút chốt. Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, vừa từ Hải Phòng về, phát biểu trước tiên, giải thích sự cần thiết phải có một hiệp định, tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp và trật tự. Ông so sánh bản hiệp định Brest-Litovsk, theo quyết định của Lenin năm 1918, chấp nhận mất một phần lãnh thổ Nga cho Đức, hứa, sự phát triển này cuối cùng dẫn tới độc lập hoàn toàn. Sau khi vài người khác phát biểu xong, Hồ Chí Minh xuất hiện trên ban công và nói ngắn gọn:
“Đất nước chúng ta trở thành tự do từ tháng 8-1945. Tuy nhiên, cho đến giờ, chưa có một cường quốc nào công nhận nền độc lập của chúng ta. Những cuộc thương lượng với Pháp đã mở đường để quốc tế công nhận và tăng vị thế Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên trường quốc tế. Chúng ta trở thành một dân tộc tự do. Theo hiệp định, quân Pháp sẽ dần dần rút khỏi Việt Nam. Đồng bào hãy giữ bình tĩnh, phải tăng cường sự thống nhất và củng cố khối đoàn kết dân tộc. Tôi, Hồ Chí Minh, đã cùng với các đồng chí của mình chiến đấu suốt đời vì độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không thể phản bội tổ quốc mình”.
Sự chân thành và xúc động trong phát biểu của Hồ đã gây ấn tượng mạnh mẽ, buổi mít tinh kết thúc trong tiếng hô vang dậy “Hồ Chí Minh muôn năm”. Nhưng nhiều người Việt Nam và không ít người trong hàng ngũ Đảng hoài nghi bản hiệp định khi đang đối mặt vấn đề một cách trực tiếp. Hai ngày sau, Ban Thường Vụ Đảng ra nghị quyết với tên gọi “Hoà để tiến”, cố gắng làm giảm bớt lo âu trong hàng ngũ cán bộ đảng, đồng thời kêu gọi cảnh giác và chuẩn bị chiến đấu, nêu rõ “Tổ quốc đang đứng trước khó khăn, nhưng con thuyền cách mạng đang băng qua đá ngầm tiến về phía trước. Hiệp định ký với Pháp cho chúng ta thêm thời gian bảo toàn lực lượng, củng cố vị trí để có thể nhanh chóng tiến tới độc lập hoàn toàn”.[496]
Chiều ngày 6-3, Võ Nguyên Giáp trở lại Hải Phòng gặp tướng Leclerc, thảo luận những điều bổ sung trong bản hiệp định sơ bộ liên quan tới tình hình quân sự. Dù đã có hiệp định, nhưng vẫn có đụng độ giữa những đơn vị Pháp và Việt Nam ở vài nơi. Cả hai bên vẫn giữ cảnh giác. Hồ Chí Minh vẫn ở Hà Nội, ông tiếp các đại biểu dân sự và quan chức quân sự tại Toà Thị Chính. Ông cũng viết thư ngỏ gửi đồng bào ở miền Nam, thông báo việc ngừng bắn nhưng yêu cầu tiếp tục chuẩn bị và củng cố kỷ luật. Nguyễn Lương Bằng - một cựu trào của Hồ từ những ngày ở Trung Hoa và Hong Kong - nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa ở Thái Nguyên, còn Hoàng Văn Hoan được cử đến Thanh Hoá cũng làm công việc này.
Ở Paris, báo chí đưa tin bản hiệp định Hồ - Sainteny nói chung với vẻ lạc quan. Ngày 9-3, Bộ trưởng Hải ngoại Marius Moutet đệ trình bản hiệp định cho Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn. Ngoại trưởng Georges Bidault ca ngợi bản hiệp định là khuôn mẫu giải quyết tình hình ở các nước thuộc địa khác của Pháp. Dù vậy, những phần tử dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam tiếp tục lớn tiếng đả kích. Một số lãnh tụ không cộng sản đòi chính phủ phải tìm kiếm ủng hộ của Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Cố vấn tối cao Bảo Đại đề nghị được tới Trùng Khánh gặp chính quyền Tưởng Giới Thạch để đưa lời yêu cầu cá nhân. Sau khi thảo luận, Hồ Chí Minh đồng ý.
Ngày 18-3, một ngàn hai trăm quân Pháp, trên hai trăm xe quân sự - phần nhiều do Mỹ sản xuất - qua cầu Long Biên tiến vào Hà Nội trong tiếng hân hoan reo hò của Pháp kiều ở thành phố này. Quân Tưởng lẻ tẻ rút về biên giới vài ngày trước đó. Theo nguồn tin từ phía Pháp, một người Việt Nam, khi nhìn thấy vũ khí hiện đại và xe cộ của quân Leclerc, thất vọng “Chúng ta thua mất, họ quá mạnh”. Nhưng Leclerc không tin như vậy, lo ngại trong trường hợp hiệp định bị phá vỡ, một sư đoàn của ông không đủ sức bình định vùng này. Tuy nhiên, nhiều Pháp kiều trong tâm trạng vui sướng vì được trấn an binh sĩ Việt Nam quá yếu.
Chiều hôm đó, Leclerc, Sainteny, Pignon cùng nhiều quan chức cao cấp Pháp tới Bắc Bộ phủ gặp Hồ Chí Minh và các thành viên chính phủ của ông. Hồ và Leclerc nâng cốc chúc tình hữu nghị Pháp - Việt, không khí trong phòng họp cũng nặng nề chẳng kém gì ngoài phố, khi quân Pháp nhậu nhẹt ăn mừng tạo nên những kỷ niệm cay đắng trong quá khứ của dân chúng. Tối hôm ấy, Hồ Chí Minh mời thiếu tá Hoa Kỳ, Frank White, đại diện mới của Cơ quan Tình báo Chiến lược ở Hà Nội, dự bữa tiệc chào mừng Leclerc. Khi Hồ gặp White lần đầu tiên sớm hơn cùng ngày, ông muốn moi tin White về quan điểm của Hoa Kỳ đối với tình hình ở Đông Dương. Hồ Chí Minh lấy làm tiếc Liên Xô quá bận rộn tái thiết nền kinh tế bị thiệt hại nặng trong chiến tranh nên không thể giúp đỡ nhiều cho chính phủ Việt Nam non trẻ, Hồ bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ cung cấp “tiền và kỹ thuật” giúp đỡ Việt Nam con đường phát triển. Nhưng ngay cả trong lúc tâng bốc vai trò của Mỹ trong tương lai Việt Nam, Hồ cũng bày tỏ chút hoài nghi Mỹ không muốn giúp Việt Nam vì Việt Nam là nước nhỏ và quá xa Bắc Mỹ.
Sau khi trao đổi, thiếu tá White về nhà, nhưng bất ngờ Hồ Chí Minh mời ông dự tiệc đãi những đại diện Pháp vừa đến Hà Nội. White ngạc nhiên khi được xếp ngồi cạnh Hồ Chủ tịch trong bữa tiệc, có lẽ khiến vài người trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp Mỹ bực tức. Khi White lúng túng việc ngồi cạnh Hồ làm nhiều khách không hài lòng, Hồ buồn rầu “Nếu không nói chuyện với anh thì tôi nói chuyện với ai”. Theo hồi ức White, bầu không khí bữa tiệc “lạnh giá”, người Pháp chẳng có gì mà nói, quân Tàu do Lư Hán đứng đầu thì “say khướt”.[497]
Hồ Chí Minh quả là đúng khi than phiền với White, Hoa Kỳ không muốn can thiệp tới cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam giành dân tộc, Nhà Trắng phớt lờ những biến chuyển nhanh chóng tình hình Đông Dương. Cuối tháng 2-1946, Hồ gửi một bức điện cho tổng thống Truman đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, theo những nguyên tắc Hiến Chương Liên Hợp Quốc. Không có sự hồi âm. Khi tin tức Hiệp định Pháp - Trung bay đến Washington, ngoại trưởng James Byrnes nói với một nhà ngoại giao Pháp, hiệp định đó “hoàn thành việc khôi phục chủ quyền của Pháp tại Đông Dương”. Bây giờ lo ngại sự nguy hiểm của làn sóng Cộng sản tràn lan, (Winston Churchill gọi là “Bức màn sắt” trong bài phát biểu nổi tiếng ở Fulton, Missouri), Hoa Kỳ không ủng hộ lời đòi hỏi công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một“quốc gia tự do” nằm trong Liên hiệp Pháp.[498]
Suốt mấy ngày sau, tình hình vẫn không cải thiện. Ngày 22-3-1946, một cuộc diễu binh chung diễn ra gần Hoàng Thành Hà Nội để hâm nóng “tình hữu nghị Việt Pháp”. Xe của Pháp toàn do Mỹ sản xuất, máy bay Spitfire của Anh. Đám đông bên nào vỗ tay hoan hô quân bên ấy. Ngày hôm sau, Leclerc rời Hà Nội, trao quyền cho thuộc hạ là tướng Jean - Etienne Valluy. Dù không có đụng độ diễn ra, nhưng lòng dân oán giận lên cao khi Pháp chiếm một số công sở, dẫn đến tổng bãi công, sau khi Pháp rút đi.[499]
Cao uỷ d'Argenlieu điện cho Jean Sainteny, nói ông ta muốn gặp trực tiếp Hồ Chí Minh. Sainteny liên lạc với Hồ và Hồ nhận lời ngay với hy vọng thu xếp một cuộc thương lượng chính thức để phê chuẩn hiệp định sơ bộ càng sớm càng tốt. Sáng 24-3-1946, Hồ Chí Minh, đội mũ rộng vành, đi cùng Hoàng Minh Giám và nhà văn Nguyễn Tường Tam, (Nhất Linh- người dịch), tân ngoại trưởng không cộng sản, đến sân bay Gia Lâm cùng Sainteny lên thuỷ phi cơ Catalina. Thuỷ phi cơ hạ cánh ở Vịnh Hạ Long, một kỳ quan với những núi đá vôi dọc bờ biển phía đông Hải Phòng. Họ lên chiến hạm Pháp Emile Bertin, được d'Argenlieu cùng nhiều đại diện Pháp đón tiếp.
Sau màn chào hỏi và nâng cốc, Hồ Chí Minh được mời thăm hạm đội Pháp đang chạy qua kỳ hạm Đô đốc d'Argenlieu. Sau đó, tại cabin kỳ hạm, hai bên trao đổi sẽ tiếp tục hội đàm ở đâu và khi nào để thi hành hiệp định 6 tháng 3. Hồ muốn họp càng sớm càng tốt, nhưng d'Argenlieu cho là nên có hội nghị trù bị để phia Pháp làm quen với những vấn đề chính, đề nghị họp ở Đà Lạt. Hồ đồng ý họp hội nghị trù bị ở Đà Lạt, nhưng ông ngại, nếu những cuộc thương lượng chính thức họp tại đó, viên Cao uỷ có thể kiểm soát tình hình, nên ông dự kiến sẽ tổ chức ở Pháp. Ở Pháp, Hồ có thể qua mặt d'Argenlieu, sử dụng vị thế của mình một nguyên thủ quốc gia để gây ảnh hưởng tới quan điểm công chúng Pháp vốn đang dao động sau Thế chiến II. Leclerc và Sainteny lại vào hùa với Hồ, cho rằng như thế Hồ sẽ đỡ bị sức ép của phe đối lập và quân Tưởng. Cuối cùng, d'Argenlieu chấp thuận.
Đối với Hồ Chí Minh, những cuộc hội đàm tại Vịnh Hạ Long là một bài học hữu ích. Dù ông không thể bắt Pháp chấp thuận nối lại những cuộc thương lượng hoà bình, ông được đối diện với một tay thực dân lõi đời như d’Argenlieu và đã đứng vững trong cuộc nói chuyện. Trên đường về Hà Nội, Hồ bình luận với tướng Raoul Salan (thuộc hạ của d'Argenlieu), người cũng dự cuộc họp: “Nếu đô đốc nghĩ rằng hạm đội của ông ta làm tôi sợ thì ông ấy lầm to. Những chiến hạm to đùng ấy làm sao chạy ngược vào các dòng sông nhỏ bé của chúng tôi”.[500]
Hội nghị trù bị Đà Lạt họp giữa tháng 4-1946, không đi đến kết quả. Đại diện Việt Nam, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tường Tam, không thể thuyết phục d'Argenlieu thảo luận tình hình ở Nam Kỳ, nơi xung đột quân sự tiếp tục gia tăng dù có lệnh ngừng bắn. Mâu thuẫn nghiêm trọng phát sinh về tương lai quốc gia tự do. Đoàn Việt Nam cho rằng Việt Nam sẽ là một quốc gia có chủ quyền trong Liên hiệp Pháp, nhưng Pháp khăng khăng Liên hiệp Pháp là một liên bang, mỗi quốc gia tự do cần phải đại diện chủ quyền theo cơ chế tổ chức liên bang và có một Cao uỷ được bổ nhiệm ở Paris. Trước ngõ cụt, các đại biểu gạt vấn đề vai trò tương lai của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp chờ đến những cuộc hội đàm chính thức, sẽ họp cuối tháng Năm ở Pháp. Ngày 13 tháng 5, Giáp thất vọng trở lại Hà Nội. Hồ Chí Minh an ủi, hai bên dù sao đã hiểu nhau hơn. Ông hy vọng các vấn đề khác biệt không phải là quá đối kháng, có thể thoả hiệp trong cuộc đàm phán sắp tới tại Pháp.
Năm ngày sau, d'Argenlieu có chuyến thăm ngắn Hà Nội để thảo luận về những cuộc hội đàm hoà bình. Ông đòi hoãn chuyến đi Paris của phái đoàn Việt Nam, viện cớ ở Pháp đang tổng tuyển cử, nhưng Hồ Chí Minh khăng khăng giữ nguyên lịch trình. Cao uỷ d’Argenlieu còn doạ hình như sắp tới sẽ thành lập Nhà nước Nam Kỳ tự trị, hoàn toàn đi ngược lại với những gì đã quy định trong hiệp định sơ bộ giữa Hồ và Sainteny ngày 6 tháng 3.
Ngày 30-5-1946, 50.000 người dân đã đội mưa đến khuôn viên Đại học Hà Nội để tiễn phái đoàn chính phủ đi Pháp đàm phán hoà bình. Phái đoàn do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Hồ và tướng Raoul Salan đi cùng chuyến bay sang châu Âu. Hồ không phải là thành viên chính thức trong thành phần đàm phán mà tham gia với tư cách “khách mời danh dự” của chính phủ Pháp. Trong lời phát biểu ngắn với dân chúng, ông tuyên bố, chỉ có một mục đích duy nhất phục vụ tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Ông kêu gọi nhân dân nghe theo chính phủ khi ông vắng mặt và tôn trọng người nước ngoài.
Sáng sớm hôm sau, đoàn đại biểu tề tựu tại Bắc Bộ Phủ trong những bộ quần áo trang trọng, trừ Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo ka-ki thường ngày cùng với giầy da đen. Tại sân bay Gia Lâm, họ lên hai chiếc máy bay quân sự Dakota, cất cách trong bầu trời đầy mây trong chuyến đi dài.[501]
Paris chỉ thị cho phi công bay lòng vòng, bảo đảm phái đoàn chỉ đến Pháp khi kết quả bầu cử đã ngã ngũ. Sau chặng nghỉ ngắn ở Burma, do thời tiết xấu, đoàn tới Calcutta ngày 1 tháng 6, lãnh sự Pháp và đại diện chính phủ Anh ra đón. Đoàn nghỉ tại khách sạn Great Eastern nổi tiếng, lưu tại đó hai ngày đi ngắm cảnh. Ngày 4-6 đoàn tới Agra viếng thăm Taj Mahal, sau đó đi Karachi, Iraq, cuối cùng đến Cairo ngày 7-6 và ở lại đó ba ngày thăm thú. Trước khi rời Ai Cập, Hồ nhận được tin d’Argenlieu đã lập nhà nước Nam bộ tự trị và được chính phủ Pháp công nhận. Hồ vờ ngạc nhiên khi nghe tin này yêu cầu Salan hành động để đừng biến Nam Kỳ thành “một Alsace - Lorraine mới”. Nếu vậy có thể dẫn đến cuộc chiến tranh trăm năm.[502]
Trong lúc ấy, cuộc khủng hoảng chính phủ nổ ra ở Pháp. Cuộc bầu cử Quốc Hội tổ chức ngày 2 tháng 6, các đảng bảo thủ đã giành thắng lợi lớn, khiến chính phủ thủ tướng Gouin (Đảng Xã hội) phải từ chức. Điều này, tất nhiên cho thấy trước những khó khăn lớn cho cuộc thương lượng, vì chính phủ bảo thủ hơn ở Paris sẽ khó chấp nhận những đề xuất hoà giải đưa ra trong những cuộc thương lượng tháng 3-1946 giữa Hồ - Sainteny. Tầm quan trọng trước mắt, nó làm phức tạp những kế hoạch sắp tới đối với đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vì chính phủ mới vẫn chưa được thành lập ở Paris, nên chính phủ Pháp sẽ không đón tiếp chính thức phái đoàn Việt Nam. Vì thế máy bay chở đoàn đại biểu rời Cairo vào ngày 11-6, dừng lại ở Algeria, ngày hôm sau tới bãi biển nghỉ mát Biarritz (Pháp) bên vịnh Biscay. Chính quyền địa phương đón tiếp, đưa đoàn tới khách sạn trong thành phố. Hồ Chí Minh ở khách sạn sang trọng Carlton, nằm ngay bờ biển, những thành viên khác ở một khách sạn ít sang trọng gần đó.[503]
Suốt mấy ngày sau, vài thành viên phái đoàn Việt Nam tiếp tục tới Paris, nhưng theo thoả thuận đôi bên Hồ Chí Minh vẫn ở lại Biarritz cho tới khi chính phủ Thủ tướng Georges Bidault, thủ lĩnh Phong trào Nhân dân Cộng hoà thuộc phái bảo thủ (MRP) lên nắm quyền. Bidault cử Jean Sainteny bay tới Biarritz ở cùng Hồ đợi khi thành lập xong tân chính phủ ở Paris. Vài ngày sau, Sainteny làm hết sức mình để chủ tịch Hồ Chí Minh khuây khỏa.
Điều này cũng chẳng phải dễ dàng. Theo tư liệu Sainteny, Hồ Chí Minh lo lắng về tình hình ở Paris, thậm chí còn lo ngại nhiều hơn về tình hình Đông Dương, nơi d'Argenlieu công khai làm mọi thứ để phá bản hiệp định sơ bộ 6 tháng 3. Hồ thậm chí đe doạ trở về Hà Nội. Nhưng Sainteny cam đoan với Hồ, Quốc Hội Pháp chưa chính thức phê chuẩn Cộng hoà tự trị Nam Kỳ chừng nào chưa có kết quả trưng cầu dân ý theo hiệp định sơ bộ Hồ-Sainteny.
Do Sainteny kiên nhẫn thuyết phục, Hồ Chí Minh bắt đầu bớt lo, vài ngày sau chuyện trò vui vẻ với Sainteny. Thỉnh thoảng hai người tới bãi biển Hendaye gần đó, nơi chị gái Sainteny có một biệt thự, Hồ chơi đùa với đàn cháu của Sainteny trên bãi biển. Họ xem đấu bò sát biên giới Tây Ban Nha, thăm giáo đường Thiên Chúa Giáo tại Lourdes. Họ tới một làng chài nhỏ Biristou, cả hai ăn bữa trưa tại một nhà hàng địa phương. Sau đấy, Hồ ký vào sổ lưu bút “Đại dương và biển cả không thể chia cắt những người anh em gắn bó với nhau”. Có hôm, họ dành cả ngày đi đánh cá trên biển ở St. Jean de Luz. Dù Sainteny sau này cho biết những ngày đó dường như ngày dài vô tận, Hồ Chí Minh tiêu khiển bằng cách câu cá và câu được vài con cá ngừ, trò chuyện thân mật với viên thuyền trưởng. Khi viên thuyền trưởng kể về phong trào ly khai xứ Basque trong vùng, Hồ đáp: “Riêng khoản này tôi có kinh nghiệm hơn anh, tôi e rằng người anh em Basque nên nghĩ rất kỹ trước khi hành động”. Những năm sau này, Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có nhắc lại, đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của đời ông.[504]
Hồ Chí Minh cũng dành thời gian giải quyết vấn đề trong nước. Trước khi dời đi Paris, ông tiếp vài đoàn đại biểu của liên hiệp lao công, những nhóm Việt kiều, báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng cộng sản Pháp. Khi tiếp khách ông vào vai “Bác Hồ”, thể hiện sự chân thật cho mọi người với phong cách cực kỳ giản dị. Tuy nhiên, theo một quan sát viên người Pháp, Hồ là người cứng rắn giấu sau vẻ ngoài nhân hậu. Khi được một đảng viên xã hội Pháp thông báo Việt Minh sát hại phần tử Trotskist Tạ Thu Thâu tại Sài Gòn, Hồ đã khóc “người yêu nước vĩ đại” nhưng sau đó nói thêm “Tất cả những người đi sai con đường do tôi vạch ra đều sẽ bị loại bỏ”.
Ngày 22-6-1946, tân chính phủ do Bidault đứng đầu đã thành lập xong ở Paris, Hồ Chí Minh cùng Jean Sainteny đi Paris, chuẩn bị những cuộc thương lượng hoà bình tại Fontainebleau. Bay trong thời tiết đẹp trên những lâu đài thung lũng sông Loire, họ tới Paris giữa chiều. Sau này, Sainteny nhớ lại, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, Hồ “tái xám mặt. Mắt chớp liên tục, khi ông cố gắng nói với tôi, cổ họng ông nghẹn lại, thậm chí không nói nên lời”. Khi máy bay đến giữa đường băng, ông túm lấy cánh tay Sainteny, nói: “Hãy ở gần tôi. Đông người quá”.[505]
Sân bay Bourger quả thật hôm đó rất đông. Cờ Việt nam và cờ Pháp tung bay trên cổng chính. Sau khi ra khỏi máy bay, Hồ được Maurius Moutet, Bộ trưởng lãnh địa hải ngoại tân chính phủ, cũng là bạn cũ của Hồ thời sau Thế chiến I đón. Sau vài nghi lễ ngoại giao, Hồ được bố trí đưa về khách sạn Royal Monceau phố Hoche. Hình ảnh lãnh tụ du kích loay hoay xoay xở với những đồ vật sang trọng của căn phòng khắc đậm trong trí nhớ của Sainteny. Sainteny ngờ rằng thể nào Hồ cũng ngủ trên sàn trải thảm chứ không phải trên giường.
Chính phủ Bidault đến tận ngày 26-6 mới chính thức nhậm chức, bởi thế đàm phán chỉ có thể bắt đầu vào tháng 7-1946. Mấy ngày tiếp theo, Hồ loanh quanh thăm thú những chỗ trước đây từng đến, ra rừng Boulogne rồi đến ngõ Compoint. Hồ còn đề nghị Sainteny đưa đến bãi biển Normandy nơi Đồng Minh đổ bộ hai năm trước. Hồ ngủ tại khu đất của gia đình Sainteny ở gần đó, dậy rất sớm, tán gẫu và hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của các nông dân Pháp.[506]
Dĩ nhiên, không phải mọi thứ đều dễ chịu. Tin Hồ Chí Minh tới đã lan khắp Paris, ông có nhiều việc phải làm. Một bài báo đăng hồi tháng 2-1946 trên tờ Le Figaro (Thợ Cạo) chỉ đích danh ông là đặc vụ Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc, một số người hăm hở tới gặp nhà cách mạng cũ. Hồ Chí Minh yêu cầu Jacques Dumaine, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại Giao Pháp, hướng dẫn ông tiếp đón các vị khách theo lối phong cách ngoại giao. Nhưng theo tính cách vốn có, ông vẫn làm việc đó một cách đơn giản. Với những người cần phỏng vấn, ông mời họ đến ăn điểm tâm lúc 6 giờ sáng, giải thích đó là thói quen dậy sớm của người dân xứ nhiệt đới. Ông ăn mặc bình thường. Ngày 4-7-1946, ông mở tiệc chiêu đãi thủ tướng Bidault. Theo phong cách lễ tân phải mặc đồ trắng, nhưng Hồ mặc bộ quần áo ka-ki quen thuộc, cúc cổ cài kín, chân đi giầy vải.
Sainteny tổ chức một bữa tiệc tại nhà riêng, trong số những chính khách tham dự có Albert Sarraut, đối thủ cũ của Hồ. Viên bộ trưởng thuộc địa một thời, kêu lên “Đây rồi! Ông tướng cướp cũ của tôi. Cuối cùng thì tôi cũng tóm được ngài. Tôi đã phải tốn gần cả đời để theo đuổi ngài!” Sau đó ông ôm chầm lấy Hồ thân mật, ca ngợi Hồ là người bạn tốt, nhưng chỉ hỏi Hồ một câu: “Trường Trung học Albert Sarraut vẫn còn ở Hà Nội chứ?”[507]
Hồ Chí Minh hy vọng gặp Charles De Gaulle, nhưng không thể, vì “Charles Đại đế” đã nghỉ hưu tại Colombey, không can dự vào công việc nhà nước. Ông cũng không gặp được tướng Leclerc, vì ông này lẩn tránh. Thái độ kỳ lạ của Leclerc khiến nhiều người lạ lùng, dù rằng hai người có vẻ rất thân nhau ở Đông Dương. Sainteny cho rằng các hoạt động của Leclerc tại Đông Dương bị giới quân sự Pháp phê phán nên ông phải né tránh để tránh phức tạp thêm. Nhưng Sainteny cũng nhận xét, Leclerc có lẽ cảm thấy Hồ Chí Minh đã lừa ông khi Hồ phủ nhận chính phủ của ông đang chuẩn bị chiến tranh.[508]
Lúc 11 giờ ngày 2-7-1946, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Dumaine tới khách sạn đón Hồ cùng mười bốn ô tô tới khách sạn Matignon dự lễ tiếp đón chính thức của Thủ tướng Bidault. Trong bài phát biểu khai mạc, Bidault xin lỗi về sự chậm trễ tiến hành đàm phán hoà bình và nhắc đến tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc. Ông miêu tả Khối Liên hiệp Pháp mới sẽ “thấm đẫm tính nhân đạo” và hy vọng hai bên sẽ đàm phán chân thành trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau.
Đáp lời, Hồ cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ông, nhấn mạnh, Paris là cái nôi của những lý tưởng cao cả của Cách mạng Pháp năm 1789. Hồ dự đoán đàm phán sẽ khó khăn nhưng sẽ thành công nếu cả hai bên phương Đông và phương Tây thấm nhuần tư tưởng “không làm với người khác những điều mà không muốn người khác làm với mình”.[509]
Ngày hôm sau, Hồ Chí Minh đi bộ trên đại lộ Champ-Elysees, đặt hoa tại Đài Chiến sĩ vô danh tại Khải Hoàn Môn. Khi nhà báo lưu ý ông có một đám đông kéo theo. Hồ mỉm cười đáp: “Tại sao ư? Dĩ nhiên, mọi người muốn xem Charlie Chaplin của Việt Nam như thế nào”. Ông cũng thăm Cung điện Versailles, nổi tiếng với tất cả người Việt Nam do lời thỉnh cầu nổi tiếng của Hồ với các lãnh tụ Đồng Minh tại hội nghị hoà bình sau Thế chiến I. Sau khi dừng ở lăng Napoleon tại Les Invalides, ông vãn cảnh núi Valerian, đồi Montmartre, nơi có đài tưởng niệm những người yêu nước Pháp bị Đức hành hình trong Thế chiến II.
Cuối cùng, những cuộc hội đàm chính thức bắt đầu ngày 6-7-1946 tại cung điện Fontainebleau. Đứng đầu đoàn đại biểu Pháp là Max Andre, người từng đến Đông Dương theo lệnh De Gaulle hồi tháng 1-1946. (Cao uỷ d'Argenlieu đã từ Sài Gòn bay về Paris với hy vọng chủ trì đoàn đại biểu Pháp, nhưng chính phủ Bidault từ chối đề nghị của d'Argenlieu vì lo ngại phản ứng chống đối của phía Việt Nam và công chúng Pháp). Đoàn đại biểu Pháp có thành phần chính trị tương đối hỗn hợp gồm cả đảng viên Đảng cộng sản Pháp, Đảng Xã hội và Phong trào Nhân dân Cộng hoà (MRP) của Bidault.
Hồ Chí Minh đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ vô danh, Paris 5-1946
Tình thế khi bắt đầu những cuộc thương lượng hoà bình thật bất lợi với Việt Nam. Trong những tuần lễ tiến hành hội nghị, tình hình ở Đông Dương xấu đi nhanh chóng. Ngày 1-6-1946, Chính phủ lâm thời Nam Kỳ do Nguyễn Văn Thinh cầm đầu nhậm chức tại Sài Gòn. Cùng tháng ấy, cũng thảo luận vấn đề Pháp hoặc Việt Nam sẽ chiếm Phủ Toàn quyền ở Hà Nội sau khi quân Tưởng rút đi. Ngày 25-6, quân Pháp bất ngờ chiếm Phủ Toàn quyền, biểu tượng quyền lực tối cao toàn cõi Đông Dương. Sau khi chính phủ Việt Nam phản đối mạnh, tướng Valluy, viên tư lệnh đứng sau d'Argenlieu, cuối cùng đồng ý, Phủ Toàn quyền sẽ được gác bởi lực lượng hỗn hợp Pháp và Việt Nam, đợi kết quả đàm phán cuối cùng ở Paris.
Sau khi Pháp khai mạc phiên họp đầu tiên bằng những lời chào mừng, Phạm Văn Đồng, trưởng phái đoàn Việt Nam, đả kích mạnh mẽ những hành động của Pháp ở Đông Dương - ông cảnh cáo những hành động đó có thể không lợi cho những cuộc thương lượng đi đến thành công. Hai bên cũng thống nhất được nghị sự gồm ba phần: thể chế Việt Nam trong Liên hiệp Pháp; Quan hệ với các nước thứ ba và thống nhất ba miền. Tuy nhiên, trong mọi vấn đề, các bên vẫn giữ nguyên ý kiến như tại Hội nghị tháng 4-1946 ở Đà Lạt.
Người Pháp đặc biệt khó chịu khi nói đến chuyện Nam Kỳ, đòi rút tất cả các quân của miền Bắc ra khỏi Nam Kỳ trước khi có ngừng bắn, họ cũng đưa ra một định nghĩa rất hẹp cho khái niệm “quốc gia tự do” Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp. Dường như để thể hiện tính ngạo mạn, nhiều đại biểu Pháp bắt đầu vắng mặt trong các phiên họp.
Phái đoàn Việt Nam chắc còn hy vọng nhận được ủng hộ nào đấy của các đồng chí Đảng cộng sản Pháp cũng như của Đảng Xã hội. Cả hai tờ báo của hai đảng ca ngợi và ủng hộ Hồ Chí Minh từ khi ông tới Paris. Trước đó đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã nối lại quan hệ với Đảng cộng sản Pháp, từng bị gián đoạn từ trước Thế chiến II. Tuy nhiều đảng viên có thiện cảm với sự nghiệp của dân tộc Việt Nam, nhưng nhiều lãnh tụ cộng sản Pháp nghi ngờ Hồ do quyết định giải tán Đảng cộng sản Đông Dương tháng 11-1945. Trong khi đó, Đảng cộng sản Pháp bây giờ cũng đang bị cuốn vào làn sóng khôi phục tinh thần dân tộc chủ nghĩa sau chiến tranh tại Pháp. Jean Sainteny nhận thức được thái độ nước đôi của Đảng cộng sản Pháp về vấn đề Đông Dương khi ông trình bản hiệp định sơ bộ 6-3-1946 cho Maurice Thorez, một thợ mỏ nay là lãnh tụ Đảng cộng sản Pháp và là phó thủ tướng. Thorez chấp thuận những điều khoản bản hiệp định, nhưng nói thêm “nếu Việt Nam không tôn trọng những điều khoản này, chúng ta phải có những biện pháp cần thiết và nếu cần hãy để súng nói chuyện thay chúng ta”.[510]
Vì không phải thành viên chính thức của đoàn đàm phán Việt Nam, Hồ không dự những cuộc hội đàm ở Fontainebleau. Ông ở lại Paris, dùng tất cả sức lực, vốn kinh nghiệm, uy tín cá nhân (có người gọi những hoạt động này là “Chiến dịch làm duyên” của Hồ) để thúc đẩy quan chức và công chúng ủng hộ sự nghiệp Việt Nam. Ông gặp gỡ đại diện của tất cả những đảng phái chính trị, những tổ chức lớn ở Pháp, cũng như một số nhà báo và trí thức nổi tiếng. Ông tận dụng mối quan hệ với Đảng cộng sản Pháp, đề nghị Maurice Thorez - lúc này là phó thủ tướng, dùng ảnh hưởng của mình tác động tới chính phủ Pháp. Không rõ Thorez đã trả lời thế nào.[511]
Mối quan hệ của Hồ Chí Minh và báo chí địa phương là chủ chốt, vì những cuộc hội đàm được tiến hành tương đối bí mật, công chúng không được biết. Đảng cộng sản Pháp và những đồng minh của họ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam, ít ra cũng là công khai, những người bảo thủ chụp mũ “phản quốc” cho những ai kêu gọi ủng hộ Việt Nam, bầu không khí quanh cuộc hội đàm căng thẳng và bị đầu độc bởi những đảng phái chính trị. Thoả hiệp càng khó khăn hơn do những sự kiện mới đây ở Đông Dương, khi những vụ tấn công của Việt Nam vào Pháp kiều và lính Pháp thường xuyên gia tăng. Theo quan điểm của Hồ, đây là lợi ích của nhân dân Việt Nam thực chất được bàn trong những cuộc thương lượng phải được truyền tải tới công chúng và ngày 12-7-1946, ông tổ chức một cuộc họp báo ở Paris trình bày sự nghiệp của chính phủ Việt Nam. Ông vạch rõ Việt Nam mong muốn độc lập dân tộc, không chấp nhận nghị quyết liên bang giải quyết vấn đề, ông nói thêm, Việt Nam sẵn sàng chấp nhận khái niệm độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp - Ông nói, hiệp định có thể đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ông tuyên bố thêm, những tỉnh của Nam Kỳ là phần không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia và không thể bị chia cắt. Đổi lại, ông hứa tất cả tài sản quyền lợi khác của Pháp sẽ được Việt Nam bảo vệ, nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cần cố vấn nước ngoài, những công dân Pháp này sẽ được ưu tiên. Khi nhà báo Mỹ hỏi có phải ông là cộng sản không, Hồ đáp, quả thực ông là học trò của Karl Marx, nhưng chủ nghĩa cộng sản đòi hỏi cơ sở nông nghiệp, công nghiệp phát triển nhưng Việt Nam chưa đáp ứng những điều kiện đó. Ông nhấn mạnh, nào ai biết được giấc mơ của Karl Marx sẽ trở thành hiện thực. Hai ngàn năm trước, chúa Jesus dạy về điều quan trọng phải biết yêu kẻ thù của mình, điều này cũng chưa thành sự thực.[512]
Tại Sài Gòn, d’Argenlieu bắt đầu các hành động nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc đàm phán. Ngày 23-7-1946 tin đồn về Paris, Cao uỷ d’Argenlieu tuyên bố ý định của ông họp một hội nghị tại Đà Lạt ngày 1-8. Mục đích cuộc hội nghị, bàn việc thành lập Liên bang các nước Đông Dương gồm Nam Kỳ, nam Trung Kỳ, Tây Nguyên, Campuchia và Lào (không bao gồm Bắc Kỳ, có lẽ do Bắc Kỳ dưới quyền kiểm soát vững chắc của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Phạm Văn Đồng cực lực phản đối, bỏ thương lượng, sau đó phía Pháp hứa trình lên chính phủ Bidault.
Hồ Chí Minh thăm Fontainebleau ngày 26-7-1946 theo lời mời của hai đoàn đại biểu. Sau khi dự tiệc đón chào, ông trao đổi với những thành viên đoàn đại biểu Việt Nam cũng như với những quan chức Pháp và trở lại Paris đêm đó. Qua sự can thiệp, Hồ đã nối lại những cuộc thương lượng hoà bình ở Pháp - dù chỉ tạm thời. Ngày 1-8, ngày hội nghị Đà Lạt họp, phái đoàn Việt Nam chính thức phản đối những hành động của Pháp ở Nam Kỳ, do không có hồi âm từ chính phủ Pháp, cuộc thương lượng tạm dừng. Hồ hết sức cố gắng, cuối cùng có thể thuyết phục người bạn cũ, Marius Moutet, tìm kiếm một công thức nối lại hội đàm. Moutet, lập luận nên bàn với Hồ tốt hơn cả, nếu muốn tiếp tục những cuộc thương lượng theo tinh thần hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Ông nói, để làm việc đó, cả hai phía cần bớt giọng chửi bới, tuyên truyền và khiêu khích. Ông tiên đoán, nếu luật pháp và trật tự không thể khôi phục ở Nam Kỳ, mọi cuộc bầu cử chắc chắn sẽ có lợi cho Việt Nam.[513]
Tuy nhiên, những điều kiện hoà bình có nhanh chóng trở lại Nam Bộ hay không vẫn là điều nghi ngờ. Mùa đông và mùa xuân năm 1945-1946, quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Henri Leclerc cố gắng quét sạch lực lượng kháng chiến ở đồng bằng sông Cửu Long. Trần Văn Giàu ráng sức ngăn chặn lính Pháp di chuyển với chính sách “vườn không nhà trống”, sử dụng chiến thuật tàn bạo và khủng bố dân chúng địa phương để ép họ phụng sự phong trào. Những khu vực dưới quyền kiểm soát của giáo phái cũng bị tấn công, những người cầm đầu một số địa phương từ chối đặt dưới sự chỉ huy của Việt Minh thỉnh thoảng bị ám sát. Leclerc đáp trả bằng chiến thuật “vết dầu loang” (sau khi bình định những huyện riêng lẻ, quân Pháp từ từ mở rộng an ninh sang khu vực bên cạnh), chiến thuật này được sử dụng thành công chống lại lực lượng khởi nghĩa vào cuối thế kỷ XIX. Những người kháng chiến bị dồn vào những khu vực cô lập nhất ở vùng trũng đồng bằng Cửu Long bao gồm Cà Mau, Đồng Tháp Mười và ở cả những đồn điền cao su dọc biên giới Campuchia.
Những cuộc thương lượng tại Fontainebleau được nối lại cuối tháng 8-1946, nhưng khi phía Pháp từ chối công nhận chính thức nền độc lập của Việt Nam và ngày tháng chính xác tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ, phái đoàn Việt Nam bỏ họp một lần nữa vào ngày 10-9-1946. Ba ngày sau, phái đoàn (trừ Hồ Chí Minh) rời Paris, đi tàu thuỷ trở về Đông Dương.
Cuộc hội đàm vào ngõ cụt, Jean Sainteny đề nghị Hồ trở về Hà Nội để dẹp bầu không khí chống Pháp ở Đông Dương, nhưng Hồ đã quyết định ở lại Paris, tuyên bố, ông không thể trở về “tay trắng” và do vậy “bị mang tiếng và mất quyền lực”. Để ép ông về nước, chính phủ Pháp ngừng trả tiền khách sạn Royal Monceau, bởi thế Hồ chuyển về ngoại thành Soisy-sous-Montmorency tá túc tại nhà ông bà Raymond Aubrac - một người quen có thiện cảm. Tuy sống trong điều kiện nghèo nàn, thiếu thốn, Hồ vẫn tiếp khách, trả lời phỏng vấn, để tìm kiếm hoà bình. Ông khẩn khoản kêu gọi người bạn cũ quen biết Marius Moutet “Đừng để tôi rời Pháp trong tình trạng này, hãy giúp đỡ tôi chống lại những kẻ muốn diệt tôi, ông sẽ không bao giờ phải hối tiếc”.
Ngày 11-9-1946, Hồ tổ chức họp báo bày tỏ khát khao tìm kiếm một thoả thuận, ông so sánh những bất đồng hiện tại với những bất đồng thường xảy ra trong mọi gia đình. Ông bày tỏ lạc quan, có thể đạt được một thoả thuận trong vòng sáu tháng, hứa làm hết sức mình để chấm dứt bạo lực ở Đông Dương. Cùng ngày, Hồ đến thăm Đại sứ Hoa Kỳ Jefferson Caffery, người phỏng đoán Hồ hy vọng lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chống lại Paris. Dù Hồ khăng khăng ông không phải cộng sản, Caffery không hứa hẹn gì (trong bức thư riêng vài ngày sau, ông nhận định, Hồ rất “có tư cách” và đúng mực trong đàm thoại). Ngày hôm sau Hồ nói chuyện với George Abbott, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hoa Kỳ, sau này là Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn. Hồ kể lể sự cộng tác với Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh, sự ngưỡng mộ của ông đối với tổng thống Roosevelt và nhấn mạnh Việt Nam cần giúp đỡ kinh tế, cái mà Pháp không đủ sức. Kết thúc trò chuyện, Hồ ngỏ ý khả năng hợp tác quân sự tương lai giữa hai nước - kể cả việc Hoa Kỳ sử dụng vịnh Cam Ranh làm căn cứ hải quân.[514]
Nhưng Washington không nhúc nhích về vấn đề này, cho dù những chuyên viên châu Á Bộ Ngoại giao bày tỏ sự lo lắng. Theo ký ức của trợ lý Vụ Trưởng Viễn Đông John Carter Vincent, Abbot Low Moffat và Vụ Đông Nam Á cảnh báo “tình hình cực kỳ nguy hiểm” ở Đông Dương do những hành động của Pháp vi phạm hiệp định sơ bộ 6 tháng 3. Căng thẳng ở Việt Nam do dân chúng căm giận thái độ của Pháp, cho rằng Pháp đang chuẩn bị tăng cường lực lượng để chiếm toàn bộ Đông Dương. Moffat đề nghị Bộ Ngoại Giao (Hoa Kỳ) phải “bày tỏ cho Pháp biết về mối quan tâm của chúng ta đối với hoà bình, trật tự của những dân tộc bị lệ thuộc và chúng ta hy vọng rằng Pháp tuân thủ tinh thần hiệp định sơ bộ 6 tháng 3”.
Tuy nhiên, chính quyền Truman không muốn mất lòng Pháp về vấn đề Đông Dương tại thời điểm khó khăn của nền chính trị Pháp. Trên thực tế, mối quan tâm chỉ tăng lên trong nội bộ Bộ Ngoại giao viện cớ những nguồn tin tình báo cho rằng chính phủ Hà Nội là công cụ của Liên Xô trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Tháng 8-1946, một bức điện gửi lãnh sự Mỹ Charles Reed tại Sài Gòn yêu cầu làm rõ về “đường lối của Hồ và những nhà lãnh đạo khác”, tương quan sức mạnh của những phần tử cộng sản và không cộng sản trong chính phủ Việt Nam.[515]
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao Mỹ tỏ ra băn khoăn về việc Hoa Kỳ gia tăng ủng hộ những chính sách của Pháp ở Đông Dương. Từ Sài Gòn, Reed báo cáo với Washington, nhiều người Việt Nam có lẽ suy nghĩ lô-gic cho rằng Mỹ đang hậu thuẫn Pháp, vì Pháp sử dụng xe Jeep, xe vận tải mua từ kho dự trữ ở Manila nên vẫn còn nguyên phù hiệu của quân đội Mỹ. Những quan chức Washington báo cáo với Nhà Trắng, Pháp đang sử dụng thiết bị quân sự của Mỹ ở Đông Dương, nhưng tổng thống Truman quyết định không rút những thứ đã có sẵn ở đó.
Quyết định của Hồ ở lại Paris sau khi cả đoàn đàm phán đã về nước gây nên tranh luận lớn. Một số quan sát viên Pháp cho rằng Hồ muốn ăn vạ chính phủ Pháp những điều mà Hồ không kiếm được trên bàn đàm phán. Một số cho lời kêu gọi Moutet là không chân thành, vì cuối cùng Hồ đã ra lệnh cho chính phủ tiến hành chiến tranh chống Pháp. Ngay cả nếu Hồ chân thành, liệu ông có thể kiểm soát nổi những người ủng hộ ông không, khi ông chỉ là “một phù thuỷ tay mơ”. Trên thực tế, Hồ Chí Minh luôn luôn bị đả kích mạnh từ cộng đồng người Việt, lo ngại ông lùi bước quá nhiều để tránh chiến tranh. Dân chúng ở Đông Dương (ngay cả Việt kiều ở Pháp) đang chống lại thoả hiệp với Pháp. Bản thân Sainteny tin rằng Hồ thật lòng, dẫn chứng những cố gắng của Hồ để giảm bớt sự chống đối Pháp ở Đông Dương trong những tháng gần đây. Nhưng thủ tướng Georges Bidault cho việc Hồ phô diễn tình hữu nghị chỉ là một mánh khoé, vì thực tế Hồ chỉ thị Hà Nội chuẩn bị chống Pháp ở miền Bắc.[516]
Bidault không phải là không có lý. Trong một cuộc phỏng vấn Hồ ngày 11-9, ký giả David Schoenbrun (tờ New York Times) đã hỏi, liệu Hồ có nghĩ chiến tranh là không thể tránh khỏi phải không. Hồ đáp “Đúng, chúng tôi sẽ phải chiến đấu. Người Pháp đã ký một hiệp định và họ đã vẫy cờ chào đón tôi, nhưng tất cả chỉ là để che mắt”. Khi Schoenbrun cho cuộc chiến tranh mà thiếu quân đội và vũ khí thì thật vô vọng, Hồ không đồng ý:
“Không, đó không phải là cuộc chiến vô vọng. Cuộc chiến có thể có khó khăn, liều lĩnh, nhưng chúng tôi có thể thắng. Chúng tôi có một vũ khí mạnh chẳng kém những cỗ đại bác hiện đại nhất: đó là tinh thần dân tộc! Đừng có đánh giá thấp điều đó. Người Mỹ chắc hẳn phải nhớ một đám nông dân chân đất Mỹ đã từng đánh thắng quân đội châu Âu trang bị tối tân và thiện chiến như thế nào”.
Schoenbrun phản bác đó chuyện xưa, còn bây giờ vũ khí đã phát triển đến mức quyết định. Nhưng Hồ khăng khăng khẳng định vũ khí hiện đại có thể kiếm được nếu cần. Ông nhấn mạnh trong bất cứ trường hợp nào, chủ nghĩa anh hùng của du kích Nam Tư chống lại Đức Quốc Xã cho thấy tinh thần chiến sĩ mạnh hơn máy móc, vì xe cộ không thể chạy được ở đầm lầy và rừng rậm. Có hàng triệu túp lều rơm có thể dùng làm “những con ngựa thành Trojan” sau lưng quân xâm lược.
Đây sẽ là cuộc chiến tranh giữa voi rừng và hùm xám. Nếu hùm xám đứng yên, chắc chắn bị voi rừng đâm chết với đôi ngà sắc nhọn to lớn. Nhưng hùm xám nấp trong rừng và chỉ xuất hiện vào ban đêm, nhẩy lên phía sau cắn một miếng rồi lại biến mất vào rừng sâu âm u. Cứ thế đêm đêm lại tái diễn như thế. Voi rừng sẽ bị chảy hết máu dần mà chết. Đó sẽ là cuộc chiến tranh Đông Dương.[517]
Khả năng Tổng Tuyển Cử ở Pháp có thể đưa Đảng cộng sản Pháp tham gia vào Chính Phủ Liên hiệp mới ở Paris, Maurice Thorez cố thuyết phục Hồ chậm lại và quyết định tìm phương sách đối phó với kẻ thù bằng giải pháp ngoại giao. Chiều ngày 14-9-1946, Hồ một lần nữa gặp Marius Moutet. Trước đó, Hồ cảnh báo Sainteny nếu không đạt được hiệp định, chiến tranh sẽ nổ ra. Hồ nói “Ông có thể giết mười người của chúng tôi trong khi chúng tôi chỉ giết được một người của ông, nhưng cuối cùng ông sẽ là những người kiệt sức”. Tại cuộc họp, Hồ đòi cả hai bên phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề Nam Kỳ, nhưng Moutet từ chối, cho rằng Việt nam tham gia vào uỷ ban theo dõi tình hình là vi phạm chủ quyền của Pháp. Moutet yêu cầu Hồ Chí Minh ký một tạm ước để tránh đổ vỡ hoàn toàn những cuộc hội đàm. Bản dự thảo kêu gọi ngừng bắn ở Nam Kỳ có hiệu lực ngày 30-10-1946 và nối lại những cuộc thương lượng vào tháng 1-1947. Hồ từ chối, bỏ cuộc họp lúc 11 giờ đêm, nói là sẽ rời Paris về nước sáng thứ hai ngày 16-9 -1946. Tuy nhiên, ngay sau nửa đêm, Hồ liên lạc với Moutet, đề nghị nối lại hội đàm. Sau đó hai người đồng ý về mặt nguyên tắc, một đại diện Việt Nam sẽ được uỷ quyền cộng tác với Cao Uỷ d'Argenlieu để thực hiện ngừng bắn ở Đông Dương. Sau đó Hồ đồng ý ký bản tạm ước.
Bản tạm ước này là một chút ít ỏi quý giá mà Hồ Chí Minh nhận được sau hai tháng hội đàm tại Fontainebleau. Sainteny miêu tả “mẩu giấy thông cảm” được thảo ra vội vàng tại chính văn phòng của ông và cho Hồ “ít hơn nhiều cái mà ông ta hy vọng khi tới Pháp”. Ở Đông Dương, Pháp kiều tỏ vẻ hài lòng, người dân Việt Nam cảm thấy dân tộc bị sỉ nhục. Hồ ngầm thú nhận, nói với Sainteny khi cuộc gặp kết thúc lúc ba giờ sáng: “Tôi vừa ký vào bản án tử hình cho chính mình”.[518]
Thậm chí sau khi ký thoả ước 14-9-1946, Hồ Chí Minh có vẻ chưa muốn trở về Việt Nam (trong một tiểu luận tiểu sử về Hồ, David Halberstam cho rằng thái độ coi thường của Pháp đối với chuyến thăm của Hồ dễ nhận thấy khi họ bỏ nghi thức trải thảm đỏ). Theo Sainteny, Hồ từ chối đi máy bay với lý do sức khoẻ, muốn đi bằng tầu thuỷ. Sainteny bất đắc dĩ phải chấp thuận đòi hỏi này, nhưng Hồ gọi trực tiếp tới Bộ Hàng Hải và được đồng ý lên tàu Dumont d’Urville đang đậu ở cảng Toulon, chuẩn bị đi Đông Dương. Ngày 16-9-1946, Sainteny cùng Hồ Chí Minh đi tầu hoả tới Toulon. Tại Montelimar, Hồ xuống tàu, phát biểu với một số sinh viên Việt Nam tụ tập tại ga, giải thích vì sao ông ký bản tạm ước, khuyên họ học tập chăm chỉ. Tại Marseilles, ông cũng làm như vậy, dù có một số sinh viên giữa đám đông gọi ông là “Việt gian”.Ngày 18-9-1946, tầu hoả tới Toulon, ông lên tàu thuỷ Dumont d'Urville. (Phái đoàn Việt Nam lên tàu chiến Pasteur rời Marseilles bốn ngày trước đó).[519]
Để thu xếp phòng riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tầu, thuyền trưởng Gerbaud ra lệnh chuyển đồ và khách đã lên tầu khi trước sang buồng khác. Đi cùng với Hồ có viên sĩ quan tuỳ tùng và bốn sinh viên Việt Nam trở về Đông Dương sau khi học xong ở Pháp. Sáng 19-9-1946, tàu thuỷ Dumont d'Urville với lá cờ đỏ sao vàng của chính phủ Việt Nam tung bay, nhổ neo tiến vào Địa Trung Hải. Hồ Chí Minh đã thông tin cho chính phủ Việt Nam về nội dung bản tạm ước bằng điện báo trước khi rời Paris, đồng thời cũng gửi một bản sao qua bưu điện. Trên tầu thuỷ ông đánh điện về Hà Nội giải thích những điều khoản bản tạm ước với nhân dân và ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng chiến tranh. Hồ cũng đề nghị cho ông biết tình hình hiện tại ở Đông Dương. Ngay ngày đầu tiên trên tầu thuỷ, ông gửi bức điện ngắn cho Marius Moutet, cám ơn đã giúp đỡ và mong ông ta cộng tác cùng thi hành hiệp định. Vài ngày sau ông nhận được bức điện ngắn của Thủ tướng Georges Bidault. Đáp lại, Hồ cám ơn Bidault về lòng hiếu khách, nhưng nhấn mạnh bản tạm ước không được nhân dân Việt Nam hài lòng. Ông còn nhấn mạnh, đó cũng là chuyện thường tình: “Tôi đã làm tất cả và sẽ thành công, nếu những người bạn Pháp ở Nam Kỳ chân thành thực thi những quyền tự do dân chủ, chấm dứt những khiêu khích vũ trang, trả lại tự do cho tù nhân, tránh những hành động và lời nói xúc phạm. Tôi hy vọng vào sự hỗ trợ tích cực của ông để tiến hành công việc vì lợi ích của hai nước”.[520]
Ngày 22-9-1946, tầu thuỷ tới Port Said, cửa ngõ phía bắc trước khi vào kênh Suez. Tại đây Hồ gửi một bức thư trả lời một phụ nữ Pháp để nghị ông đừng để nổ ra chiến tranh giữa hai nước. Hồ nhân cơ hội này nói, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Pháp đều không muốn đổ máu, nhưng nhân dân Việt Nam thiết tha độc lập và thống nhất lãnh thổ của tổ quốc. Ông kết luận, nếu Pháp đồng ý công nhận nền độc lập của Việt Nam, họ sẽ chiếm được trái tim và lòng thương yêu của toàn thể nhân dân Việt Nam.[521]
Tầu thuỷ dừng lại tại cảng Djibouti thuộc Pháp, Hồ rời tầu thuỷ thăm xã giao viên Toàn quyền. Sau đó tầu qua Colombo, Ceylon, tại đây một phái đoàn đại diện cho lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru lên tầu thuỷ đón chào ông. Hành trình của tàu chậm vì phải dừng vài ngày tại cảng để bảo dưỡng máy móc và phải bắn vài loạt đại bác thao diễn. Hồ sống đơn giản trên tầu. Ông không mang hành lý, chỉ có một bộ quần áo thay đổi và tự giặt giũ. Lúc rỗi rãi, ông trò chuyện với thuỷ thủ Pháp, sinh viên Việt Nam trên tàu và như thường lệ không quên công tác tuyên truyền. Một người đi cùng tàu với ông kể lại lời ông bình luận:
“Chúng tôi thiếu đủ mọi thứ. Chúng tôi không có mấy móc, không có nguyên liệu, thậm chí không có công nhân lành nghề. Tài chính của chúng tôi thâm hụt thảm hại. Bù lại nước tôi dồi dào sông, núi, rừng và biển, nhân dân chúng tôi mạnh mẽ, can đảm và tinh thần sáng tạo”.[522]
Không phải tất cả mọi người trên tầu ngưỡng mộ ông. Thuyền trưởng Gerbaud nhận xét mặc dù Hồ Chí Minh “thông minh và đáng mến”, nhưng “là người quá say đắm lý tưởng, hoàn toàn hiến dâng đời mình cho sự nghiệp mà ông ta tưởng tượng ra”. Theo quan điểm của Gerbaud, ông là nhà cách mạng Việt Nam quá ngây thơ tin vào những khẩu hiệu ông đưa ra hàng ngày. Theo lệnh thuyền trưởng, tầu thuỷ bắn thử một loạt đại bác trên biển, một người Việt Nam trên tầu hỏi Hồ: “Họ đang thử thần kinh ông đấy. Ông có sợ không?” Hồ Chí Minh cười ngất.[523]
Tàu Dumont d'Urville tiến vào vịnh Cam Ranh xinh đẹp ngày 18-10-1946. Tại đây, Hồ được Cao uỷ Thierry d'Argenlieu và tướng Louis Morliere, (quan chức cao cấp Pháp với chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, thay mặt Sainteny) tiếp đón trên tuần dương hạm Suffren. Đây là lần thứ hai trong vòng bẩy tháng, Cao uỷ tiếp đón chủ tịch Việt Nam theo lễ nghi chính thức trên biển. Sau khi Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự, Hồ, d'Argenlieu và Morliere thảo luận cách thức thực thi bản tạm ước. Thủ tướng Bidault đã gửi bản sao bức điện của Hồ Chí Minh về phản ứng Việt Nam cho d'Argenlieu, chỉ thị cho d'Argenlieu, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, phải phản ứng những gì ông thấy là đúng. Hai bên thống nhất một số điểm. D'Argenlieu chấp thuận bổ nhiệm một đại diện của chính phủ Việt Nam để cộng tác thực thi ngừng bắn, còn Hồ Chí Minh phản đối chính thức những hành động khủng bố ở Nam Kỳ. Nhưng Hồ cương quyết bác bỏ yêu cầu của Cao uỷ d'Argenlieu đòi tất cả binh sĩ Việt Nam ở các tỉnh Nam Việt Nam tức khắc rút về miền Bắc. Tuy thế, cuộc họp kết thúc trong bầu không khí tốt đẹp. D'Argenlieu báo cáo với Paris sự thành công phụ thuộc vào những hành động của chính phủ Việt Nam ngay khi Hồ Chí Minh trở về Hà Nội.
Hai ngày sau, tàu Dumont d'Urville tiến vào sông Cửa Cấm, cập cảng Hải Phòng. Phái đoàn Việt Nam về tới đây từ hai tuần lễ trước, Phạm Văn Đồng đã báo cáo kết quả cuộc thương lượng tại Fontainebleau cho những đồng chí của ông ở Hà Nội. Tầu thuỷ cập cảng giữa buổi chiều, đại diện chính phủ tổ chức buổi lễ ngắn tiếp đón chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước sau bốn tháng ở nước ngoài. Hồ đề nghị đám đông hát bài “Marseillaise” (quốc ca Pháp) cũng như quốc ca Việt Nam. Sau đó đoàn tới Trụ sở Uỷ ban Hành chính Hải Phòng ăn tối, đồng thời Hồ kể chuyện chuyến đi của ông.
Sáng hôm sau, Hồ lên đoàn tầu hoả đặc biệt về thủ đô. Các thị trấn và làng mạc dọc con đường được trang hoàng bằng một rừng cờ đỏ sao vàng, đám đông tập hợp vẫy chào vị chủ tịch. Khi tầu hoả vào ga Hà Nội, Hồ được đại diện chính phủ và Pháp tiếp đón, sau đó lên ô tô qua những đường phố với những người đứng nhìn về Bắc Bộ Phủ. Tại đây ông thảo luận với Trường Chinh và Ban Thường Vụ Đảng, trong khi hơn gần một trăm ngàn người tập hợp trên những con phố xung quanh Bắc Bộ Phủ đón chào ông.[524]
Tại sao Hồ Chí Minh chọn thời điểm này trở về Đông Dương? Câu hỏi này gây ra nhiều tranh cãi chưa dứt. Lời giải thích của Hồ Chí Minh cho người Pháp khó chấp nhận, vì trước đó ông chưa bao giờ để sức khoẻ của mình ảnh hưởng đến các mục tiêu chính trị. Một số nhà sử học cho rằng ông muốn Võ Nguyên Giáp có đủ thời gian để dẹp những phần tử đối lập ở Việt Nam và như vậy tăng sức mạnh chính phủ Hà Nội chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Một số người khác lập luận, ông lo ngại phản ứng bất lợi của bản tạm ước và muốn chậm trễ trở về để sự giận dữ bớt đi. Nhưng Jean Sainteny đoán là có lẽ sợ bị ám sát nếu ông đi bằng máy bay, theo các đồng chí của ông, Hồ Chí Minh khẳng định đó là mối quan tâm chính.[525]
Không hề nghi ngờ Giáp đã sử dụng thời gian Hồ vắng mặt để tăng cường sự kiểm soát của Đảng đối với với bộ máy chính phủ. Vào mùa hè, căng thẳng giữa Việt Minh và những đảng phái chính trị không cộng sản đã leo thang dẫn tới đụng độ vũ trang. Kết quả, một số nhân vật dân tộc chủ nghĩa phải rút lui khỏi chính phủ, trong đó có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh (sau này chạy sang Trung Hoa) và ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam. Những người còn lại không đủ sức đe doạ Việt Minh kiểm soát quyền lực.
Theo Giáp, chính phủ đàn áp thẳng tay các nhóm đối lập là hoàn toàn chính đáng. Đầu mùa Hè, quân Pháp đòi tổ chức một cuộc diễu binh ở Hà Nội ngày 14-7-1946, ngày phá ngục Bastille, cũng là ngày quốc khánh Pháp. Tình báo Việt Nam cho biết những phần tử dân tộc chủ nghĩa đang chuẩn bị một vụ khiêu khích lớn chống lại quân Pháp trong buổi lễ duyệt binh, mục đích khiêu khích nhằm phá vỡ cuộc thương lượng hoà bình. Bởi thế chính phủ từ chối đề nghị của Pháp, viện cớ an ninh không bảo đảm, ngày hôm sau cảnh sát đột nhập trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội, tại đây cảnh sát phát hiện một phòng tra tấn, nhiều thi thể nạn nhân và một số người bị bắt, cùng với những bằng chứng buộc tội âm mưu bắt cóc Pháp kiều ở Hà Nội. Cuộc tấn công này phá vỡ âm mưu Việt Nam Quốc Dân Đảng nhằm bôi nhọ chính phủ, nhưng những vụ đụng độ vũ trang, căng thẳng giữa những người cộng sản và không cộng sản tiếp tục suốt những tháng tiếp theo cho tới khi Hồ Chí Minh trở về Hà Nội vào tháng 10-1946.[526]
Mối quan hệ của Chính phủ với Pháp cũng tiếp tục xấu đi. Sau khi thay thế vị trí Sainteny vào mùa xuân, tướng Morlière, một người ôn hoà, lịch lãm cố gắng làm dịu tình hình, nhưng căng thẳng bùng lên sau khi cuộc thương lượng hoà bình tại Fontainebleau thất bại, những vụ tấn công Pháp kiều ở Đông Dương xảy ra thường xuyên hơn. Mỗi khi xảy ra vụ việc, Morlière phải gửi tối hậu thư đòi trừng phạt những kẻ chủ mưu, khiến người Việt Nam nhạo báng gọi ông là “viên tướng tối hậu thư”.
Cuộc xung đột ở Nam Kỳ rõ ràng cũng nẩy sinh vấn đề. Bị đả kích mạnh về chiến thuật tàn bạo, Trần Văn Giàu bị thay thế bởi viên tư lệnh lực lượng kháng chiến Nguyễn Bình. Theo nguồn tin từ phía Pháp, Nguyễn Bình, dáng người xấu xí, khó chơi, một mắt chột phải đeo kính đen. Bình sinh ở Bắc Kỳ, đã theo Việt Nam Quốc Dân Đảng cuối thập niên 1920. Sau khi nhiều năm lưu vong ở Trung Hoa, bất ngờ xuất hiện ở Việt Bắc sau Thế chiến II và tham gia lực lượng Việt Minh tại đó. Với tinh thần chống Pháp, tính cách cương quyết, Bình nhanh chóng thể hiện là một thiên tài quân sự, dù ông không phải đảng viên. Tháng 1-1946 ông được bổ nhiệm Tổng chỉ huy phong trào kháng chiến Nam Kỳ.
Ban lãnh đạo đảng hy vọng Nguyễn Bình cầm quyền sẽ hiệu quả hơn Trần Văn Giàu, sử dụng chiến thuật vườn không nhà trống và loại bỏ những phần tử đối lập một cách tàn bạo làm mọi người xa lánh. Nhưng Bình cũng tàn bạo chẳng kém. (Một số người khẳng định giới lãnh đạo đảng chưa hề tin Nguyễn Bình, thậm chí họ sử dụng Nguyễn Bình lãnh đạo phong trào Nam Kỳ, vì những phương pháp của Bình khá tàn bạo). Mạnh mẽ nhưng tàn nhẫn, đó là phong cách hành xử của Bình. Bình xây dựng những căn cứ du kích rộng ở bắc Sài Gòn (sau này gọi là Chiến khu D), ở Đồng Tháp Mười giữa đồng bằng Cửu Long, rừng U Minh ở mũi Cà Mau, nơi ông thường xuyên quấy nhiễu đồn bốt Pháp và cố gắng mở rộng căn cứ cách mạng. Tuy nhiên, Bình không những phớt lờ lời khuyên Hồ Chí Minh giảm thiểu bạo lực, thành lập mặt trận thống nhất rộng rãi ở miền Nam, mà còn tăng thủ đoạn khủng bố lên tầm cao mới. Bình ra lệnh ám sát Huỳnh Phú Sổ, mệnh danh là “nhà sư điên”, người thành lập đạo Hoà Hảo từ trước chiến tranh.[527]
Hồ phải có cảm giác buồn vui lẫn lộn về cách mà những đồng chí của ông cai quản đất nước khi ông vắng mặt bốn tháng. - Ông thường xuyên yêu cầu họ tránh khiêu khích trong mọi vấn đề, chờ đến khi ông trở về -. Việc củng cố quyền lực của Việt Minh và việc đàn áp những người đối lập chắc chắn giúp ông đưa ra những chính sách gặp nhiều khó khăn trong những tháng sắp tới. Kèm theo đó, sự ủng hộ của dân chúng bị thu hẹp lại - được sự ủng hộ này Hồ đã phải dày công vun đắp trong nhiều tháng sau Cách mạng tháng Tám - có thể khiến ông khó khăn hơn trong việc đoàn kết dân tộc khi xảy ra sự đối đầu quân sự với Pháp.
Hồ Chí Minh có thể hiểu những cố gắng của ông kiếm được một thoả ước hoà bình ở Pháp đã hạ thấp danh tiếng và uy tín trước những đồng chí trong ban lãnh đạo Đảng, nhiều người trong số này thêm hoài nghi khi ông đạt được thoả hiệp, họ muốn cầm vũ khí đánh Pháp. Vài người, như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt và Tổng bí thư Trường Chinh, có lẽ nhân cơ hội Hồ vắng mặt, thể hiện thái độ hiếu chiến trong Đảng. Trong một bài báo viết nhân kỷ niệm một năm ngày Tuyên ngôn Độc lập, Trường Chinh đã thể hiện quan điểm của chính ông về cách mạng Việt Nam. Bài báo này đả kích xu hướng “thoả hiệp vô nguyên tắc”, thiếu tin tưởng vào quần chúng, ông còn viết thêm, những người cách mạng không sợ kẻ thù, mà sợ “những sai lầm của chính các đồng chí chúng ta”. Dù không công khai phê bình Hồ, nhưng rõ ràng từ nay Hồ phải mất công thuyết phục các đồng chí của mình khi đưa ra những chính sách quan trọng.[528]
Dù cho có sự bất đồng của Hồ với những cộng sự trong đảng, chắc chắn đa số nhân dân Bắc Việt Nam vẫn ngưỡng mộ ông. Sự cống hiến của Hồ Chí Minh cho sự nghiệp độc lập dân tộc, tác phong giản dị, cách xử sự thân mật của ông đã chiếm được tình cảm của nhân dân và ông luôn luôn thể hiện vai trò huyền thoại, người nắm vận mạng dân tộc. Bất chấp nỗi lo về triển vọng hoà bình, nhiều người chấp nhận bản tạm ước ông ký. Ngày 23 tháng 10, ông tuyên bố với nhân dân, bất chấp những khó khăn hiện tại, sớm muộn Việt Nam sẽ được thống nhất và độc lập. Đối với nhân dân các tỉnh Nam Bộ ông tuyên bố, tất cả nhân dân Việt Nam cùng một dòng máu và cùng một đất nước. “Tôi trịnh trọng tuyên bố với quyết tâm của đồng bào Nam Bộ, với quyết tâm của toàn thể nhân dân trong nước, Nam Bộ yêu quý chắc chắn sẽ trở về tổ quốc”.
Hồ từ chối nói chuyện về quá khứ của mình, ông luôn luôn chỉ nhận mình là một “người già yêu nước” suốt đời phụng sự đất nước, rất ít người Việt Nam biết rằng vị chủ tịch của họ thực tế là đặc vụ Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc. Chị gái của ông, Nguyễn Thị Thanh, sống ở làng Kim Liên từ khi ra tù trước khi nổ ra Chiến tranh Thế giới II, có lẽ chỉ nhận ra ông khi nhìn thấy hình ông trên báo. Bà ra Hà Nội thăm ông ngắn ngủi ở Bắc Bộ Phủ. Một năm sau, anh trai của Hồ, Nguyễn Sinh Khiêm, bấy giờ là thầy giáo làng Kim Liên, cũng tới thăm ông, họ bí mật gặp nhau ở một ngôi nhà ở ngoại thành Hà Nội. Nguyễn Sinh Khiêm mất năm 1950, còn chị gái của ông qua đời bốn năm sau đó.[529]
Sau khi từ Pháp trở về Hà Nội, Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ để nắm tình hình và để ra những hành động tương lai. Vấn đề trọng tâm là việc quyết định có hay không ngừng bắn ở miền Nam vào ngày 30-10-1946 như dự kiến và làm sao giải quyết sự căng thẳng đang gia tăng giữa các đảng phái dân tộc chủ nghĩa đối lập. Hồ dự kiến họp Quốc Hội thông qua bản dự thảo hiến pháp, tiến tới thành lập chính phủ mới thay thế cho chính phủ liên hiệp đã bị yếu đi rất nhiều sau khi những người như Nguyễn Hải Thần từ chức và thông qua những chính sách mới cho những tháng sắp tới.
Quốc hội họp ngày 28-10-1946 thật khác xa không khí thống nhất dân tộc của kỳ họp bảy tháng trước đây. Vài ngày trước khi họp, ít nhất hai trăm nhân vật đối lập bị bắt và đưa vào trại cải tạo, trong lúc những đụng độ vũ trang ở nhiều vùng khác nhau ở Bắc Bộ khiến vài người chết, trong đó có hai nhà báo. Bầu không khí chính trị ở Hà Nội thật ảm đạm, căng thẳng tăng lên cao giữa những người thiện cảm với chính phủ và những người đối lập. Phiên họp tại Nhà Hát Lớn dầy đặc lính Vệ Quốc Đoàn đứng gác. Bên trong phòng họp, hai trăm chin mươi mốt đại biểu trong số bốn trăm bốn mươi tư đại biểu được bầu hồi tháng 1-1946 tham dự. Trong số bảy mươi đại biểu các đảng phái dân tộc chủ nghĩa được đặc cách tham dự hồi tháng 3-1946, nay chỉ còn ba mươi bảy ghế. Khi một đại biểu phe đối lập hỏi những người còn lại đâu, người ta trả lời ông, họ đã bị bắt “theo phê chuẩn của Ban Thường Vụ Quốc Hội vì tội hình sự”.[530]
Không giống như phiên họp trước, phòng họp bây giờ chia thành ba khối chứ không phải hai khối: bên trái là những đảng viên công khai của Đảng cộng sản Đông Dương và các đảng viên Đảng Xã hội mới lập, tất cả đều đeo cà-vạt đỏ, cùng với những đại biểu từ Đảng cộng sản Đông Dương núp danh Đảng Dân Chủ. Ở giữa là những nhân sĩ không đảng phái trong Mặt trận Việt Minh, còn đại biểu Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội ngồi bên phải. Cũng có một số khách nước ngoài tham dự.
Khai mạc phiên họp, đảng viên kỳ cựu, bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo, người đã từng dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928, trình bày bản dự thảo về sự tin tưởng vào “Công dân số một” Hồ Chí Minh. Bản dự thảo được thông qua trong “tiếng vỗ tay kéo dài”. Sau đó chính phủ báo cáo những hoạt động của chính phủ từ kỳ họp đầu tiên Quốc Hội hồi tháng Ba. Hồ Chí Minh bảo vệ bản tạm ước ông ký ở Paris, cam đoan với các đại biểu, nó không làm tổn hại quá trình thương lượng. Khi được hỏi liệu Pháp thực thi hiệp định không, ông đáp, đừng quên rằng ở Pháp có người tốt, người xấu và phần đông nhân dân Pháp tán thành nguyên tắc độc lập, thống nhất của Việt Nam.
Trước khi rời Paris, Hồ Chí Minh đã hứa với một quan chức Pháp, khi về Hà Nội ông sẽ mở rộng chính phủ cho nhiều đại diện các đảng phái khác nhau. Tại ngày thứ hai kỳ họp, chính phủ đệ trình Quốc hội đơn từ chức, bởi thế Quốc Hội đề nghị Hồ thành lập chính phủ mới. Ba ngày sau, danh sách chính phủ mới được phê chuẩn. Nhưng nếu người Pháp tin vào lời hứa của Hồ Chí Minh thì bây giờ họ thất vọng, vì chính phủ mới, chẳng còn ôn hoà nữa, thực chất chỉ còn cánh tả. Chính phủ gồm những Việt Minh hiếu chiến, chiếm các ghế quan trọng, Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Quốc Phòng, Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng Kinh tế. Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao và cũng giữ luôn chức thủ tướng. Duy nhất hai thành viên chính phủ mới là người không đảng phái.
Việc chuyển sang tả phản ánh phần nào sự sụp đổ mặt trận thống nhất với những phần tử dân tộc chủ nghĩa, được cấu trúc chọn lọc vào mùa Thu và mùa Đông năm 1945. Giới lãnh đạo Đảng thấy chẳng cần thoả hiệp với những đảng đối lập nữa. Nhưng nó cũng phản ánh ảnh hưởng gia tăng của những lãnh tụ hiếu chiến như Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu và Trường Chinh trong Đảng. Trong một bài báo viết vài tuần sau đó, Trường Chinh công khai đả kích chủ trương cách mạng từng giai đoạn của Hồ Chí Minh và thể hiện chủ trương tư tưởng của ông đối với cách mạng Việt Nam.
Suốt mấy ngày sau, Quốc hội thảo luận bản dự thảo hiến pháp mới của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mặc dù bị Trường Chinh ngầm phê phán, rõ ràng là nội dung bản Hiến pháp mới rất ôn hoà, đáp ứng mong ước của đại đa số dân chúng. Chương về tổ chức chính trị nhấn mạnh bảo đảm các quyền tự do dân chủ và nhu cầu liên kết rộng rãi tất cả các nhóm yêu nước chiến đấu chống việc khôi phục chế độ thực dân Pháp. Chương kinh tế bảo đảm quyền tư hữu và không đả động gì đến việc thành lập xã hội phi giai cấp. Người Pháp không bỏ qua khi bản Hiến pháp tuyên bố nền độc lập hoàn toàn cho Việt nam mà chẳng thấy đả động gì đến liên bang Đông Dương hoặc khối Liên hiệp Pháp cả. Quốc hội phê duyệt Hiến Pháp và uỷ quyền cho chính phủ quyết định ngày đưa vào hiệu lực. Ngày 14-11-1946, Quốc hội kết thúc cuộc họp, chỉ còn hai trăm bốn mươi hai đại biểu, trong đó chỉ có hai đại biểu thuộc phe đối lập.[531]
Trong khi quốc hội đang họp, điều khoản ngừng bắn của bản tạm ước có hiệu lực vào ngày 30-10-1946 ở Nam Kỳ. Thoạt đầu, cả hai bên ít nhiều tôn trọng lệnh ngừng bắn, nhưng rồi đụng độ bắt đầu xảy ra, chẳng mấy chốc, cuộc chiến được hâm nóng thêm một lần nữa, khi Pháp tung ra cuộc càn quét vào căn cứ địa du kích. Nguyễn Bình dũng cảm chiến đấu bảo vệ căn cứ. Lúc này, Pháp tin tiến trình hoà bình đã đổ vỡ, Thierry d'Argenlieu lo ngại khả năng Việt Minh bất ngờ tấn công vào quân Pháp ở miền Bắc hoặc ở miền Trung, bắt đầu tính đến tổ chức đảo chính lật đổ Hồ Chí Minh, đặt một chính phủ dễ bảo hơn ở Hà Nội. Tháng 9-1946, Pháp liên hệ với cựu hoàng Bảo Đại, lúc đó đang ở Hong Kong, bắn tin cho Bảo Đại biết khả năng ông sẽ đứng đầu chính phủ mới. Vào giữa tháng 11-1946, D'Argenlieu ra lệnh cho tướng Jean-Etienne Valluy phải tấn công chớp nhoáng trong trường hợp đàm phán tan vỡ.
Chiến tranh bây giờ sắp xảy ra, giới lãnh đạo đảng cố gắng xây dựng lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Nhu cầu cấp thiết nhất là phải có được vũ khí hiện đại. Mùa Thu 1946 chính phủ bắt đầu mua lậu súng từ Trung Quốc chở về bằng đường biển, vì đường biên giới trên bộ bị Pháp bịt kín. Hải Phòng một trong những cảng chính chuyên chở số vũ khí nhập lậu. Hải Phòng - cửa ngõ chính đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - trên thực tế, đang là điểm nóng trong cuộc thảo luận Pháp - Việt kéo dài nhiều tháng. Người Pháp đưa ra vấn đề thuế quan trong những cuộc hội đàm tại Fontainebleau, vì thuế nhập khẩu chiếm phần lớn ngân sách ở Đông Dương.
Nhưng vấn đề này vẫn không được giải quyết, bản tạm ước đơn thuần nói, vấn đề này sẽ nghiên cứu thêm. Tại Sài Gòn, d'Argenlieu sốt ruột vì những vấn đề không được giải quyết, theo thoả ước ký ở Paris, ông ra lệnh Morliere chiếm trạm thuế quan Hải Phòng ngay.
Đầu tháng 11-1946, quân Pháp chiếm trụ sở hải quan Hải Phòng, đuổi nhân viên quản trị Việt Nam. Trước khi cuộc đánh chiếm ngừng, Quốc Hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phản đối hành động này, xác định chủ quyền Việt Nam kiểm soát mọi vấn đề liên quan tới thuế quan. Tuy vậy, lúc đó vấn đề then chốt, Chính phủ dùng Hải Phòng là điểm nhập khẩu vũ khí mua từ nước ngoài. Ngày 20-11-1946, tàu chiến Pháp bắt một thuyền buồm Trung Quốc chở xăng buôn lậu có lẽ cho lực lượng vũ trang Việt Nam. Trong khi thuyền buồm được giong vào cảng, tự vệ địa phương bắn vào quân Pháp, Pháp lập tức đáp trả, cuộc chiến nhanh chóng lan khắp thành phố. Lệnh ngừng bắn được đưa ra, nhưng hai ngày sau Valluy ra lệnh viên Chỉ huy quân Pháp tại Hải Phòng phải chiếm toàn bộ thành phố, khôi phục luật pháp và trật tự. Ngày 23-11-1946, đại tá Debes ra tối hậu thư đòi quân đội Việt Nam rút khỏi khu phố Tàu và hạ vũ khí. Khi không được đáp ứng, Debes ra lệnh bắn pháo vào khu vực này, giết chết hàng trăm dân thường. Sau đó khoảng hai ngàn quân Pháp tấn công, đồng thời pháo của Pháp bắn phá các khu vực quanh thành phố. Dù vậy, người Pháp cũng phải hứng chịu sự chống cự quyết liệt của quân đội Việt Nam, cuộc chiến ở Hải Phòng tiếp tục vài ngày, cho tới khi người lính Việt Minh cuối cùng rút lui ngày 28-11-1946.[532]
Sự kiện Hải Phòng làm sốc chính quyền Truman vì thái độ lập lờ của Hoa Kỳ đối với tình hình Đông Dương. Trong bức điện gửi từ Hà Nội cùng ngày, lãnh sự Mỹ James O'Sullivan báo cáo, mặc dù Việt Nam nổ súng trước, nhưng do thái độ hống hách của Pháp khiến sự kiện nổ ra. Tại Paris, đại sứ Caffery được chỉ thị bày tỏ cho quan chức Pháp biết, Mỹ không hài lòng về tình hình Đông Dương. Nhưng điều này khiến Pháp bực tức do mối quan tâm về cục diện cộng sản của chính phủ Hồ Chí Minh. Cuối tháng 11-1946, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Paris cho biết Pháp đã “có bằng chứng rằng Hồ đã nhận được chỉ thị của Moscow”. Từ Sài Gòn, lãnh sự Mỹ Charles Reed cảnh báo, nếu Nam Kỳ rơi vào tay Việt Minh sẽ là mối nguy hiểm, họ chẳng mấy chốc bắt đầu thả cửa tuyên truyền và hoạt động khủng bố ở Campuchia và Lào, Reed cho đó là “điều sát sườn nhất”. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ diễn tả điều mà sau này gọi là “học thuyết domino”.[533]
Cuối tháng 11-1946, Bộ Ngoại giao cử Abbot Low Moffat, Vụ Trưởng Vụ Đông Nam Á, tới Đông Dương đánh giá tình hình chung, tìm hiểu bản chất chính phủ Hà Nội. Moffat, người công khai ủng hộ độc lập của Việt nam, được uỷ quyền cam đoan với Hồ Chí Minh Mỹ ủng hộ hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 và bày tỏ thiện cảm trước những nỗ lực của chính phủ ông “giành được quyền tự trị lớn hơn trong khuôn khổ thể chế dân chủ”. Nhưng Moffat cũng khuyên Hồ đừng sử dụng vũ lực để đạt được mục đích, thúc ông chấp nhận thoả hiệp về thể chế Nam Kỳ. Như một cách can ngăn những hoạt động khờ dại của giới lãnh đạo Việt Nam, Moffat cam đoan với Hồ, chính phủ Pháp sẽ phải thi hành Hiệp đinh Hồ-Sainteny đã ký, phải từ bỏ ý định phục hồi quyền cai trị thuộc địa tại Đông Dương.
Moffat đến Sài Gòn ngày 3-12-1946, sau khi thảo luận với quan chức Pháp, bay ra Hà Nội ngày 7-12. Lãnh sự Mỹ O'Sullivan báo cáo, Hồ cảm thấy “cực kỳ cô đơn”, cho rằng công khai chuyến đi thăm của Moffat sẽ làm tăng vị thế của Hồ với kẻ thù. Dù Hồ vẫn đang ốm nặng (có lẽ do bệnh lao tái phát), ông mời Moffat đến Bắc Bộ phủ thảo luận. Trong cuộc nói chuyện, Hồ cam đoan với Moffat, mục tiêu chính của ông không phải cộng sản mà là độc lập. Để khích lệ sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Hồ nhắc đi nhắc lại lời chào mời trước đây cho Mỹ sử dụng căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Dù thế, Moffat do chưa có chỉ thị về vấn đề này, nên ông “thực sự không biết nói thế nào” như về sau ông điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ, cuộc nói chuyện kết thúc chẳng đi đến đâu. Moffat hoài nghi Mỹ có quyền lợi nào đấy ở vịnh Cam Ranh, nhận xét Hoa Kỳ không thể quan hệ ngoại giao với Việt Nam nếu thể chế Việt Nam chưa được quyết định trong những cuộc thương lượng với Pháp.
Lúc Moffat trên đường tới Đông Dương, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra những chỉ thị đánh giá tương quan những nhân vật cộng sản và không cộng sản trong chính phủ Việt Nam. Một bức điện gửi tới Sài Gòn cho Moffat cho biết chính phủ Hà Nội chủ yếu là nhân vật cộng sản, xu hướng theo Liên Xô. Nhưng Moffat không nhận được bức điện này trước khi rời Đông Dương, nhưng khi nói chuyện với Hồ Chí Minh, ông cũng tự đánh giá tương quan hiện tại ở Hà Nội. Ông nhận thấy chính phủ Việt Nam dưới quyền những người cộng sản, chắc chắn có mối quan hệ trực tiếp với cả Liên Xô lẫn Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, ông cảm thấy có sự chia rẽ giữa những phần tử tương đối ôn hoà và thực dụng quanh Hồ Chí Minh với những người hiếu chiến, chẳng hạn Võ Nguyên Giáp, người căm ghét Pháp. Moffat kết luận, hiện tại cần có sự hiện diện của Pháp không những để hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô mà còn bảo vệ khu vực này trước sự can thiệp của Trung Quốc. Do vậy Moffat khuyến nghị Hoa Kỳ ủng hộ một cuộc dàn xếp trước khi tình hình xấu đi với Pháp.
Quan sát của Moffat về những phần tử ôn hoà và hiếu chiến trong chính phủ hơi khác với nhiều quan sát viên nước ngoài ở Hà Nội. Nhà báo Pháp Philippe Devillers cũng cho biết có sự chia rẽ trong nội bộ Việt Minh giữa Hồ và những người thuộc phe quân sự như Giáp và Hoàng Quốc Việt, bản thân Hồ thường xuyên đề nghị quan chức Pháp và phương Tây ủng hộ ông chống lại kẻ thù của ông. Những người nghi ngờ, nhạo báng báo cáo này, nói Hồ tung ra những đòn này để ép Pháp nhượng bộ. Dù cuộc tranh cãi chẳng đi đến đâu, nhưng có chứng cớ trong khi một số thành viên hiếu chiến của Đảng bất đồng về việc Hồ thoả hiệp thì Hồ Chí Minh khôn khéo dùng mẹo này để doạ kẻ thù. Về nhận xét của Moffat về ảnh hưởng nếu có của Liên Xô đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mối liên hệ giữa Moscow và Đảng cộng sản Đông Dương hầu như không tồn tại khi nổ ra Thế chiến II, Hồ cùng những đồng chí của ông bị hạn chế, chỉ biết quan điểm của Liên Xô thông qua Đảng cộng sản Pháp.[534]
Mối quan tâm về sự đe doạ ám ảnh của cộng sản trong vùng bất ngờ nổi lên thành vấn đề chính trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, khi nội chiến ở Trung Hoa bùng lên. Giống như nhiều chuyên gia Đông Nam Á, sự lo lắng của Moffat trước sự đe doạ của cộng sản đã đưa chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trệch khỏi con đường truyền thống xưa nay, ủng hộ những khát vọng dân tộc trong vùng, ông đã lên tiếng về những mối lo này trong Bộ Ngoại giao. Nhưng, trước những bối rối của Moffat, có một thực tế là báo cáo của ông ta quy cho chính phủ Hà Nội có đặc tính cộng sản đã có ảnh hưởng tới Washington. Trong một thông tri gửi cho những phái bộ Hoa Kỳ toàn thế giới ngày 17-12-1946, lặp đi lặp lại bình luận của Moffat về đặc tính cộng sản của chính phủ Việt Nam, kết luận, sự hiện diện của Pháp trong vùng này là quan trọng, “không những để trừ bỏ ảnh hưởng của Liên Xô, mà còn bảo vệ Việt Nam và Đông Nam Á trước chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc trong tương lai”.[535]
D'Argenlieu về Pháp ngày 13-11-1946 để kiếm thêm quân cho chiến dịch đánh phủ đầu lực lượng Việt Minh ở miền Bắc, ông nhận thấy chính phủ Pháp vẫn chưa từ bỏ giải pháp chính trị. Tổng tuyển cử đã đưa trở lại đa số cánh tả và Georges Bidault đang chuẩn bị từ chức giao chính phủ cho Đảng Xã hội mới thắng cử. Bidault đã hứa với d'Argenlieu việc tăng quân, nhưng ông cảnh báo, Đông Dương không thể giữ được chỉ bằng quân sự. Ông nói, những chỉ thị sau này, cần phải chờ đến khi thành lập một chính phủ mới. Chính phủ Pháp cử Jean Sainteny làm toàn quyền thay thế tướng Morlière. Sainteny rời Paris đi Sài Gòn ngày 23 tháng 11, vài giờ sau sự kiện Hải Phòng. Sau vài ngày tại Sài Gòn (theo yêu cầu của Valluy, muốn chia sẻ trách nhiệm với Sainteny về sự kiện Hải Phòng), Sainteny đến Hà Nội ngày 2-12-1946. Trong túi ông là bản chỉ thị của d'Argenlieu, người vẫn đang ở Paris:
“Danh dự quân sự đã được bảo vệ, uy tín của Pháp đang tăng, không nên làm tình hình căng thẳng.
Đừng ép Hồ Chí Minh và chính phủ của ông ta phải hành động liều lĩnh. Với những lý do trên, tôi cho rằng ông không nên ở trong dinh Toàn quyền, dễ bị coi là hành động khiêu khích và quay trở lại phương pháp thống trị cũ”.
Valluy cũng ủng hộ chỉ thị này, thúc giục Sainteny làm hết sức để củng cố lực lượng ôn hoà, tạo điều kiện thương lượng. Valluy nhấn mạnh “Có lẽ Hồ cũng không muốn chiến tranh”.
Do ốm, Hồ Chí Minh không đón Sainteny tại sân bay, nhưng tiếp ông ta ngày hôm sau. Quân Pháp bổ sung vừa tới cảng Đà Nẵng trong lúc tranh cãi về hiệp định giữa Pháp và Việt Nam, khiến người ta nghi ngờ Pháp đang âm mưu tấn công. Nhưng Hồ biết được sự thay đổi tình hình chính trị ở Pháp qua Hoàng Minh Giám, khuyên Hồ cứ tạm hoà hoãn chờ chính phủ mới ở Pháp thành lập. Theo Sainteny, ông và Hồ không có ý bàn luận, chỉ giới hạn hỏi thăm sức khoẻ và chuyến trở về Việt Nam của Hồ từ Paris. Sainteny không có thông tin thêm từ Hồ trong vài ngày sau, khiến ông băn khoăn liệu Hồ còn được tự do hành động để chỉ huy chính phủ theo chính sách của ông hay không. Trong khoảng thời gian này, Sainteny không nhận được chỉ thị thêm từ Paris, do thế không thể có những cuộc thương lượng với Hồ. Trong khi Sainteny chờ đợi, chính phủ mới do lãnh tụ Đảng Xã hội Léon Blum cầm đầu lên nắm quyền.[536]
Một chủ đề mà Hồ và Sainteny có lẽ thảo luận là thành phần chính phủ Việt Nam. Sainteny đòi loại bỏ những thành phần quá khích ra khỏi chính phủ, ông ghi nhận, bản thân Hồ muốn để tránh rạn nứt. Ông nói khó đánh giá ảnh hưởng của Hồ Chí Minh tới những đồng sự của ông nhiều bao nhiêu. Sainteny nói với O'Sullivan, Pháp không phản đối Hồ ở lại chính phủ, nhưng nếu không loại bỏ những phần tử quá khích, Pháp sẽ dùng “hành động cảnh binh” để tống cổ họ. Nhưng Sainteny thú nhận, triển vọng chia tách Hồ ra khỏi giới quân sự trong Đảng là rất nhỏ. Sainteny hy vọng bất cứ “hành động cảnh binh” nào của Pháp cũng có thể đem lại thành công nhanh chóng, nhưng O'Sullivan hoài nghi, báo cáo về Washington “Tôi e sợ hành động tống cổ Việt Minh sẽ vượt quá công việc của cảnh sát và cần có thời gian dài hơn không phải ngắn như Sainteny dự tính”.[537]
Giữa tháng 12-1946, Hồ Chí Minh gửi một thông điệp cho Thủ tướng Blum, đưa ra những ý tưởng cụ thể làm dịu căng thẳng giữa hai nước. Nhưng Hồ và những đồng chí của ông không hy vọng vào một giải pháp chính trị. Ông thường trao đổi với Võ Nguyên Giáp và những chỉ huy quân sự khác để chuẩn bị chiến tranh. Tháng 10-1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương - bây giờ hoạt động hoàn toàn bí mật - thành lập Uỷ Ban Quân sự Trung ương đưa đảng nắm lực lượng vũ trang. Chính uỷ được bổ nhiệm vài chức vụ then chốt trong quân đội và Quân uỷ được thành lập ở các quân khu. Toàn bộ hành động đặt dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan đầy triển vọng Văn Tiến Dũng, sau này lừng danh khi là Tư lệnh cuộc tổng tấn công cuối cùng vào Sài Gòn mùa xuân năm 1975.
Trong thời gian mùa Thu, chính phủ đẩy mạnh chuẩn bị quân sự. Quân đội, bây giờ đổi tên là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, được tăng quân số. Theo nguồn tin từ phía Pháp, cuối mùa Hè Việt Minh đã có ba mươi lăm tiểu đoàn bộ binh và ba trung đoàn pháo binh, lực lượng lên tới sáu mưoi ngàn người, cộng với mười hai ngàn quân đang chiến đấu ở Nam Kỳ. Những đơn vị tự vệ và du kích đã có quân số gần một triệu. Làng xóm dưới quyền kiểm soát của chính phủ trên toàn quốc được lệnh chuẩn bị “làng chiến đấu”. Tuy nhiên, vũ khí vẫn còn thiếu thốn (theo nguồn tin từ phía Pháp, Việt Nam có khoảng ba mươi lăm ngàn súng trường, một ngàn súng máy và năm mươi lăm khẩu pháo), vì thế phải cố gắng thành lập những xưởng công binh ở khu vực an toàn Việt Bắc. Võ Nguyên Giáp thông báo, Hà Nội chỉ có thể trụ được khoảng một tháng, Hồ ra lệnh chuẩn bị trụ sở mới tại căn cứ địa Tân Trào, chỗ xuất phát Cách mạng tháng Tám.[538]
Sau sự kiện Hải Phòng, tình hình thậm chí càng trở nên cấp bách hơn, một uỷ ban đặc biệt của Đảng vạch kế hoạch phòng thủ Hà Nội, để chính phủ có thời gian sơ tán vào khu vực rừng núi, chỉ để lại một số lính gác tại Bắc Bộ Phủ và những trại lính gần đó, còn lực lượng chính đóng ngoài thủ đô. Bù lại, có gần mười ngàn tự vệ chiến đấu và đội tự vệ thanh niên xung kích ở ngay thành phố. Những nhón này bao gồm những thanh niên hăng hái nhất ủng hộ cách mạng được trang bị vũ khí tự tạo và đeo một huy hiệu hình vuông có sao vàng ở giữa. Phía Pháp có vài ngàn lính Lê dương, chủ yếu đóng ở trong Hoàng Thành. Số còn lại đóng rải rác nhiều nơi như bệnh viện Đồn Thuỷ, Phủ Toàn quyền cũ, ga Hàng Cỏ, Ngân Hàng Đông Dương, cầu Long Biên và sân bay Gia Lâm.
Hàng ngày Uỷ ban Dân tộc Việt Minh thông qua báo Cứu Quốc kêu gọi chuẩn bị chiến đấu, các công sở chính phủ bí mật chuyển ra khỏi thành phố. Trong thủ đô, binh sĩ chính phủ bắt đầu dựng chướng ngại vật. Ngày 6-12-1946, Hồ Chí Minh yêu cầu Pháp phải rút quân về những vị trí họ đóng từ trước ngày 20-11, nhưng ông không nhận được trả lời. Ngày hôm sau, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pháp, Hồ nhấn mạnh, chính phủ Việt Nam hy vọng tránh được chiến tranh, vì nó có thể đem lại thiệt hại khủng khiếp cho cả hai nước. “Nhưng nếu bị áp đặt cuộc chiến, chúng tôi thề sẽ chiến đấu hơn là mất tự do”.[539]
Tuy nhiên, trước lúc này, tướng Valluy kết luận, Hồ Chí Minh không có ý định loại bỏ những phần tử quá khích ra khỏi chính phủ ông, Valluy xin Paris bật đèn xanh để hành động ngay khi quân tiếp viện tới, cảnh báo, nếu để chậm đến cuối năm có thể làm hại vận mệnh của Pháp ở Đông Dương. Nhưng thủ tướng mới Léon Blum chưa muốn có hành động quân sự. Ngày 12-12-1946, Léon Blum tuyên bố ý định muốn giải quyết xung khắc ở Đông Dương bằng cách cho phép Việt Nam độc lập. Ba ngày sau, Hồ Chí Minh đưa Sainteny một thông điệp để chuyển cho thủ tướng Pháp, với những đề xuất cụ thể giải quyết những mâu thuẫn như thế nào. Sainteny gửi thông điệp này bằng điện báo đến Sài Gòn, yêu cầu chuyển tiếp về Paris.[540]
Không rõ là các nhà lãnh đạo Việt Nam có thực sự hy vọng gì vào chính phủ mới thành lập do Đảng Xã hội nắm quyền có thể dẫn đến một dàn xếp chính trị hay không. Theo ý kiến cá nhân, Võ Nguyên Giáp thẳng thừng tuyên bố, mặc dù những phát biểu của Blum về bản chất là tiến bộ, nhưng ông ta thực chất là công cụ của Hoa Kỳ, bảo vệ lợi ích của giới tư sản Pháp, một đối thủ của Đảng cộng sản Pháp. Dường như để khẳng định sự ngờ vực của Giáp, Blum không đưa bất cứ những người cộng sản nào vào nội các mới, trong khi tái bổ nhiệm Thierry d'Argenlieu làm Cao uỷ Đông Dương. Mặt khác, nội các họp thảo luận yêu cầu của d'Argenlieu's về tăng quân và hành động quân sự tức khắc chống lại Việt Nam, nhưng không đi đến kết quả, trong một bức thư riêng Bidault cảnh báo Valluy, ông sẽ không ủng hộ tăng quân và cố gắng giải quyết tình hình không dùng tới bạo lực.
Valluy và d'Argenlieu muốn duy trì sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương, nên đã quyết định phải khiêu khích Hà Nội để khởi xướng thù địch, đặt Paris vào thế việc đã rồi. Ngày 16-12-1946, Valluy ra lệnh tướng Morlière phá chướng ngại vật do những đơn vị Việt Minh dựng lên ở Hà Nội. Khi thông điệp của Hồ Chí Minh gửi Blum đến Sài Gòn, Valluy thêm những lời bình luận chua cay, khuyến cáo tình hình sẽ rất nguy hiểm nếu hoãn hành động quân sự cho tới năm mới. Bức điện tới Paris ngày 19-12-1946. Đến lúc đó thì quá muộn.[541]
Ngày 17-12, xe bọc thép Pháp liều lĩnh xông vào phá những chiến luỹ do những đơn vị Việt Minh dựng lên trên đường phố Hà Nội vài ngày trước đó, đồng thời lính Lê Dương đứng đầy đường phố từ Hoàng Thành tới cầu Long Biên, trên đường tới sân bay. Quân đội Việt Nam không phản ứng, nên sáng hôm sau Pháp gửi tối hậu thư cấm dựng chiến luỹ trên đường phố Hà Nội. Một tối hậu thư thứ hai đưa ra chiều hôm đó tuyên bố bắt đầu từ ngày 20-12-1946, quân đội Pháp sẽ đảm đương công việc giữ gìn an ninh toàn bộ thủ đô. Đáp lại, tối hôm đó quân đội Việt Nam bắt đầu từ các ngả ngoại ô tiến vào thành phố. Sáng hôm sau 19-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư thứ ba đòi chính phủ Việt Nam ngưng tất cả các hoạt động chuẩn bị chiến tranh, giải tán các đơn vị tự vệ, chuyển giao toàn bộ việc bảo đảm an ninh ở thủ đô cho Pháp.
Tự vệ Hà nội đặt mìn ở Chợ Đồng Xuân 17-12-1946.
Đối với Việt Nam, tình hình làm người ta nhớ lại những hành động tương tự xảy ra tháng trước khi đại tá Debes cũng đưa ra những đòi hỏi tương tự trước khi bắn phá Hải Phòng. Sáng 18-12-1946, Hồ Chí Minh chỉ thị chuẩn bị tấn công các cơ sở Pháp ngày hôm sau. Trong khi đó, sợ thư không tới tay thủ tướng Blum, Hồ Chí Minh gửi một bức điện trực tiếp tới Paris. Sáng hôm sau, ông viết một bức thư ngắn cho Jean Sainteny, đưa thư này cho Hoàng Minh Giám chuyển đến Sainteny: “Tình hình trở nên căng thẳng mấy ngày gần đây. Thật lấy làm đáng tiếc. Trong lúc chờ đợi quyết định từ Paris, tôi hy vọng ông cùng với ông Giám, sẽ tìm cách để cải thiện bầu không khí này”.[542]
Theo giọng văn mà đoán, rõ ràng Hồ Chí Minh cũng chẳng đợi trả lời một cách nghiêm túc. Trên thực tế, cũng sáng hôm đó, Sainteny cũng gửi Hồ Chí Minh một bức thư dài, phản đối Việt Minh nổi loạn giết chết và làm bị thương mấy người Pháp, đòi phải trừng trị ngay kẻ phạm tội. Sainteny, có lẽ biết trước quyết định khiêu khích xung đột của Valluy, từ chối gặp Giám, trả lời ông sẽ tiếp ông Giám sáng hôm sau.[543]
Được thư ký riêng Vũ Kỳ thông báo Sainteny từ chối gặp Hoàng Minh Giám, Hồ triệu tập họp Ban Thường vụ Đảng. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh gặp Trường Chinh, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp, ông tuyên bố, trong hoàn cảnh này, không thể nhượng bộ thêm nữa. Các đồng chí của ông đồng ý cần huy động toàn quốc tiến hành kháng chiến lâu dài chống Pháp. Trường Chinh được giao trách nhiệm dự thảo lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”, còn Giáp được chỉ thị chuẩn bị phát động tấn công. Mọi người xem xét lại lời kêu gọi nhân dân mà Hồ Chí Minh soạn thảo chiều hôm đó, đề nghị một vài thay đổi về từ ngữ. Sau khi thống nhất thời gian tấn công lúc tám giờ tối, cuộc họp ngừng.[544]
Xẩm tối 19-12-1946, Jean Sainteny chuẩn bị rời văn phòng về nhà riêng. Cũng như mọi người ở thành phố này, ông biết căng thẳng đang tăng, những hành động thù địch có thể nổ ra giữa hai bên bất cứ lúc nào. Một điệp viên đã cảnh báo Sainteny rằng Việt Nam sắp tấn công. Nhưng khi chiếc đồng hồ ở Viện Yersin điểm chuông tám giờ, ông nói với một đồng sự, “Thế là không phải đêm nay rồi. Tôi phải về nhà”. Ngay lúc Sainteny vào xe, ông nghe một tiếng nổ lớn, đường phố lập tức chìm trong bóng tối. Sainteny vội vàng về nhà, bò vào một chiếc xe bọc thép do tướng Morliere điều tới để chở ông tới Hoàng Thành. Tuy vậy, trên đường đi, xe bọc thép trúng mìn, Sainteny bị thương nặng. Suốt hai giờ liền, ông nằm trên đường phố với vết thương chảy máu, xung quanh là những người Pháp bị chết và hấp hối.[545]
Theo kế hoạch, Việt Nam mở cuộc tấn công bất ngờ vào nhà máy điện Yên Phụ của thành phố. Sau đó những đơn vị tự vệ tấn công các cơ sở đồn bốt của Pháp khắp thành phố, đồng thời những đội khủng bố tấn công những dân thường ở khu vực người Âu châu sinh sống. Giáp có ba sư đoàn quân thường trực đóng ở ngoại thành tây - nam thành phố và cạnh Hồ Tây, nhưng ông đã quyết định không sử dụng chúng.
Phía Pháp bị sốc bởi mức độ cuộc tấn công, nhưng đến khuya quân Pháp bắt đầu thiết lập quyền kiểm soát những khu vực trung tâm Hà Nội. Một đơn vị Pháp tấn công Bắc Bộ Phủ, nhưng Hồ Chí Minh vừa kịp chạy thoát. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bắt đầu.
Những sự kiện diễn ra ở Hà Nội ngày 19-12-1946 gây nên giận dữ ở Pháp, nhiều người cho Việt Nam vô cớ tấn công vào những cơ sở của Pháp và Pháp kiều ở Đông Dương. Nhưng nhìn kỹ có thể thấy vai trò của Pháp cũng rất quan trọng. Mặc dù chính phủ Paris còn đang lưỡng lự trong việc có tiến hành chiến tranh hay không thì các đại diện Pháp ở Đông Dương đã tự cho mình quyền hành động.
Việc tướng Valluy quyết định khiêu chiến ít nhất cũng dựa một phần vào việc Hồ Chí Minh không thể hoặc không muốn loại bỏ sự kiểm soát của những phần tử quá khích trong chính phủ ông. Nếu vậy, Valluy tính toán chiến tranh không thể tránh được và phải ra tay trước khi những khả năng quân sự của Pháp bắt đầu yếu đi. Tối hậu thư của ông ngày 17-12-1946 đòi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chuyển toàn bộ quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội cho Pháp rõ ràng là một tính toán khiêu chiến.
Liệu Hồ Chí Minh thực sự muốn tránh chiến tranh hay chỉ “động tác giả” để Hà nội có thêm thời gian chuẩn bị chiến tranh? Thực ra cũng chẳng cần trả lời. Là đệ tử của nhà chiến lược quân sự thế kỷ thứ IV Tôn Tử, Hồ tin rằng chiến thắng đẹp nhất là chiến thắng không cần vũ lực. Để đạt được nó, ngoại giao và tuyên truyền là các vũ khí sắc bén làm chia rẽ và giảm năng lực chiến đấu của đối thủ. Đến ngày 19 - 12, Hồ và các đồng chí của mình hiểu, không thể thoả hiệp được nữa. Vấn đề phải được quyết định trên chiến trường.[546]
*********************
[470] Greg Lockhart, “Dân tộc cầm vũ khí: Khởi thuỷ Quân đội Nhân dân Việt Nam” (Sydney: Allen & Unwin, 1989), trang 175; Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (Paris: Destins Croises, 1992), trang 88, đưa ra con số khoảng 30.000 Việt Minh chỉ riêng ở miền Bắc.
[471] Theo Bảo Đại, đa số thành viên nội các không hiểu những lời hài hước trong bình luận, vì họ xuất thân từ miền Trung Việt Nam, nơi dồi chó không ngon như ở miền Bắc. Về Tuần lễ vàng, xem Archimedes Patti “Tại sao Việt Nam? Khúc dạo đầu cho chim hải âu của Mỹ” (Berkeley, Calif., Nhà in Đại học California, 1980), trang 337-39. Về xây dựng Lực lượng vũ trang, xem Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1975), trang 82-88.
[472] Georges Boudarel và Nguyễn Văn Kỳ, “Hà Nội 1936-1996: Màu cờ Đỏ và Xanh” (NXB Autrement, Paris, 1997), trang 103; Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày” (NXB Văn Nghệ, Westminster, Calif., 1997), trang 227. Ngô Đình Diệm, tất nhiên, về sau là Tổng thống Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt Nam), nổi lên là đối thủ chính của Hồ Chí Minh với vai trò người cứu nước.
[473] Xem K.N.T., “Một ngày làm việc của Bác Hồ”, trong “Với Bác Hồ” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1972), trang 352. Về những cuộc họp và những đòi hỏi của những người dân tộc chủ nghĩa, xem Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (NXB Sự thật, 1961), trang 130-33.
[474] Xem Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 224. Theo Nguyễn Kiên Giang, một số nhìn thấy sự tan rã công khai là “sai lầm về nguyên tắc” - xem Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (NXB Sự thật, 1961) trang 130. Bản sắc lệnh có trong Văn kiện Đảng (1945-1954), tập I (NXB Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, 1979), trang 19-20. Xem thêm Philippe Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội” (Paris: NXB Gallimard, 1988), trang 108. Theo Devillers, quyết định này có thể bị ảnh hưởng bởi Trần Văn Giàu, người kêu gọi hình thành mặt trận thống nhất rộng rãi nhất để mồi chài những người ôn hoà ở miền Nam
[475] “Kháng chiến kiến quốc” trong Văn kiện Đảng (1945-1954), Tập I, trang 21-35; Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (NXB Sự thật, 1961), trang 133.
[476] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 103-104. Về những cuộc thương lượng, xem Trịnh Kính, “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1934” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 129.
[477] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 106. Lâm Quang Thụ, “Bác Hồ tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I”, trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 184 (tháng 1 và 2-1975), trang 8; Trịnh Kính, “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1934” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 129-30.
[478] Trịnh Kính, “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1934” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 130; Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 106-107. Theo Giáp, Nguyễn Hải Thần nói tiếng Quảng Đông. Khi Hồ đề nghị cấp một ngôi nhà rộng và ô tô riêng cho Nguyễn Hải Thần, ông ta rất sung sướng và mời Hồ để ông ta bói toán, xem vận may.
[479] Lá thư De Gaulle gửi Leclerc và những trích dẫn, xem Jacques de Folin, “Đông Dương 1940-1954: Sự kết thúc của một giấc mơ” (Paris: NXB Perrin, 1993), trang 130-33, trích dẫn Hồ sơ E 166, Bộ ngoại giao Pháp. Xem Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 95
[480] Theo de Folin, De Gaulle đã chỉ thị cho d'Argenlieu không thỏa thuận với Việt Minh, hoặc chấp nhận hòa giải nước ngoài - xem Jacques de Folin, “Đông Dương 1940-1954: Sự kết thúc của một giấc mộng” (Paris: NXB Perrin, 1993), trang 112.
[481] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 54
[482] Hồ sơ E, 166-1, Bộ ngoại giao Pháp, trích trong Jacques de Folin, “Đông Dương 1940-1954: Sự kết thúc của một giấc mộng” (Paris: NXB Perrin, 1993), trang 98
[483] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 58. Bảo Đại nói, ông gặp Sainteny duy nhất một lần tình cờ, dù Sainteny rất cố gắng tìm cách gặp riêng ông. Ông xác nhận Hồ đề nghị tất cả các đồng chí của ông xưng hô kính cẩn vị cựu hoàng bằng “Ngài”. Xem Bảo Đại, “Con rồng An Nam” (NXB Plon, Paris, 1980), trang 134.
[484] Bảo Đại, “Con rồng An Nam” (NXB Plon, Paris, 1980), trang 135-50. Có một lần trong phiên họp Chính phủ, một đồng sự Việt Nam Quốc Dân Đảng đưa cho Bảo Đại một cuốn sách viết về Nguyễn Ái Quốc và chỉ vào Hồ Chí Minh. Khi Hồ nhìn thấy cuốn sách trong tay Bảo Đại, ông cười hiểm độc với Bảo Đại
[485] Caffery gửi Ngoại trưởng, ngày 6-2-1946, sách 8, trang 59; “Quan hệ Mỹ - Việt Nam 1945-1967” (Washington, D.C., Văn phòng in ấn Chính phủ Mỹ, 1971). Lá thư Hồ Chí Minh gửi Truman nằm ở Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, “Mỹ và Việt Nam, 1944-1947”, 92d Congress, 2d sess., Staff Study 2, ngày 3-4-1972, trang 10-11. Báo cáo của Landon cho Washington có trong “Quan hệ đối ngoại của Mỹ, 1946”, 8: trang 26-27. Thư của Hồ Chí Minh xuất hiện tại Cơ quan công tác chiến lược (OSS) trong điện tín gửi tới Côn Minh ngày 28-2-1946, Si-INT 32, Entry 140, hộp 53, Thư mục 427, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md). Xem thêm đoạn trích bằng tiếng Việt trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 121.
[486] Jacques de Folin, “Đông Dương 1940-1954: Sự kết thúc của một giấc mơ” (Paris: NXB Perrin, 1993), trang 137-38, trích dẫn Thierry d'Argenlieu, “Biên niên sử Đông Dương, 1945-1947” (Paris: Albin Michel, 1985), trang 148. Theo nguồn này, d'Argenlieu và Leclerc ghét nhau, và viên Cao uỷ d'Argenlieu một lần yêu cầu triệu hồi tướng Leclerc. Leclerc không đồng ý với lời khuyên của De Gaulle khôi phục trật tự ở miền Bắc trước khi mở những cuộc thương lượng, nói Pháp không đủ sức làm việc đó.
[487] Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 91.
[488] Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 143; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 147-48. Bảo Đại recalls rằng cuộc họp diễn ra ngày tháng 2 27 - xem “Bảo Đại, “Con rồng An Nam”, trang 150-51. Cũng xem Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 145. Sainteny nhớ lại Hồ thỉnh thoảng gợi ý, giá như có được một hiệp ước, một người khác có thể ký nó (trang 60).
[489] Jacques de Folin, “Đông Dương 1940-1954: Sự kết thúc của một giấc mơ” (Paris: NXB Perrin, 1993), trang 139-44. Pignon về sau nhấn mạnh, nếu Pháp muốn rõ ràng trong Hiệp ước Pháp-Trung, hầu như chắc chắn không ký được nó - xem sách đã dẫn, trang 144, trích dẫn Công hàm 4-7-1946, bởi Pignon, Bộ ngoại giao Pháp.
[490] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 159-66; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 152-53. Theo Lâm Quang Thụ, vào buổi sáng sớm Hồ và những người khác đi đến trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng để thông báo với họ cuộc họp sẽ được tổ chức sớm hơn một ngày, xem Lâm Quang Thụ, “Bác Hồ tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I”, trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 184 (tháng 1 và 2-1975), trang 9.
[491] Paul Mus, “Việt Nam: Xã hội học chiến tranh” (Paris: NXB de Seuil, 1952), trang 85. Cũng xem Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 192.
[492] “Tình hình và chủ trương”, trong Văn kiện Đảng (1945-1954), Tập I, trang 36-42. Nghị quyết ngày 3-3. Nguồn khác cho biết cuộc họp diễn ra ngày 24-2. Xem Toàn Tập I, tập 4, trang 598, và “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 148.
[493] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 62. Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên” (trang 171), tham khảo yêu cầu của Leclerc.
[494] Frank White, trong “Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, Nguyên nhân, khởi thuỷ và bài học cuộc chiến tranh Việt Nam, 91A Congress, 2d sess., 1972”, có bản kê - xem trang 148. Frank White đề thời gian sự kiện là tháng 12-1945, nhưng có lẽ nhầm. Xem bài của Joseph Kelly, một quan sát viên Mỹ tại Hội nghị Cơ quan công tác chiến lược (OSS) - Việt Minh ở Hampton Bays, N.Y., từ 21 đến 23-9-1997.
[495] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 176-177, và Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 62-64. Hai tư liệu trên tương tự nhau. Cả hai đều đưa ra sự thật, tại phút cuối cùng, Trung Quốc thuyết phục Hồ ký. Trong bức điện gửi về Washington, một đại diện ngoại giao Mỹ tham dự lễ ký đánh giá cuộc Trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ hầu như chắc chắn sẽ đóng cửa - xem Hà Nội 37, ngày 5-6-1946, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[496] “Hoà để tiến”, trong Văn kiện Đảng (1945-1954), Tập I, trang 53. Lời phát biểu của Hồ Chí Minh có trong Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 189, và Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 195; về một phiên bản khác đôi chút, xem Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 64. Một người cùng thời nhớ lại khi Hồ Chí Minh thăm Đông Dương Học Xá, Hà Nội để tìm kiếm sự ủng hộ bản hiệp định, một sinh viên bước ra từ buồng tắm tập thể, trong trạng thái hoàn toàn trần truồng với chủ ý làm ông ngượng. Hồ bình tĩnh lại và nói: “Các chú thì lúc nào cũng đùa cợt được!” - xem Bùi Diễm, “Gọng kiềm lịch sử” (NXB Houghton Mifflin, Boston, 1987), trang 40.
[497] “Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, Nguyên nhân, khởi thuỷ và bài học cuộc chiến tranh Việt Nam, 91A Congress, 2d sess., 1972”, trang 148-52. Frank White đặt bữa ăn này sớm hơn, nhưng những nhận xét của ông cho rằng nó diễn ra khi Leclerc tới, xung quanh tháng 3. Washington có lẽ đang dùng các sĩ quan Cơ quan công tác chiến lược (OSS) cung cấp tin tức về Đông Dương, vì các cơ quan ngoại giao vẫn chưa mở lại được. Về sự mô tả thành phố lúc người Pháp đến, tôi dựa vào vào những nhận xét George Wickes tại Hội nghị OSS - Việt Minh, từ 22 đến 23-9-1997.
[498] Byrnes gửi Đại sứ Pháp Henri Bonnet, ngày 12-4-1946, trong “Quan hệ Mỹ - Việt Nam 1945-1967” (Washington, D.C., Văn phòng in ấn Chính phủ Mỹ, 1971), sách 8, phần B.2, trang 64-65. Bức điện gửi Truman, ngày 28-2-1946, được gửi Cơ quan công tác chiến lược (OSS) ở Côn Minh, SI-INT 32, Entry 140, hộp 53, Thư mục 427, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md). Một bức thư của Hồ Chí Minh có thông điệp tương tự, ngày 16-2-1946, nằm ở sưu tập của Archimedes Patti. Carlton Swift, người kế nhiệm Archimedes Patti ở Hà Nội, nói ông đã bị cấp trên khiển trách vì đưa bản hiệp định dự kiến cho Hội hữu nghị Mỹ-Việt (nhận xét của Swift tại Hội nghị OSS - Việt Minh ngày 23-9-1997).
[499] Nhận xét của George Wickes tại Hội nghị OSS - Việt Minh ngày 22-9-1997. Xem thêm Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 98; Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 231; và Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 67.
[500] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 221-22. Những nhận xét của Hồ đối với Salan có trong Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 198. Theo Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 111, thì những quyết định cuối cùng tại hội nghị Đà Lạt vẫn chưa đạt được trước khi có cuộc gặp ở Vịnh Hạ Long.
[501] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 270-74; Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 168-69. Cùng với chủ tịch Phạm Văn Đồng, những thành viên đoàn đại biểu là Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, và Trịnh Văn Bình. Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam theo kế hoạch sẽ gia nhập nhóm này, nhưng từ chối ở phút cuối viện cớ ốm. Sau này ông thú nhận, ông không muốn tham gia hội đàm - xem Hà Nội gửi Bộ ngoại giao, 29 và 30-5-1946, RG 59, NXB Đại học Mỹ.
[502] Việc mất lãnh thổ phia đông Alsace và Lorraine vào tay Đức sau chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 làm tăng mối hằn thù mạnh mẽ của dân Pháp, cũng là yếu tố chính trong sự bùng nổ Chiến tranh thế giới I. Về nhận xét của Hồ, xem Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 118, người trích dẫn hồi ký của Rauol Salans. Gras vạch ra rằng chính phủ Pháp không không muốn chính thức công nhận chính phủ mới trước khi hoàn tất cuộc trưng cầu dân ý. Chuyến đi được thuật trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 216-221.
[503] Hồ có kế hoạch ban đầu ở Cannes, theo Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), trang 60. Có một số nhầm lẫn về chỗ trú chân tại Biarritz. Vài nguồn cho biết Hồ ở Carlton, nơi này bây giờ chuyển thành công quốc. Jean Sainteny ghi nhận rằng Charles Tillon, Bộ trưởng hàng không trong nội các Gouin, bí mật thăm Biarritz để “nhìn tận mắt” điều kiện sống của ông Hồ ở đó. Xem Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 80. Nhưng nguồn Việt Nam nói rằng ông ở khách sạn Le Palais - xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 226, và Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 169. Philippe Devillers nói phái đoàn ở cùng với Hồ tại Carlton, nhưng một nguồn tin của nhà ngoại giao Mỹ báo cáo rằng phái đoàn sống ở một khách sạn hạng hai - xem Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 289, và Đại sứ quán Mỹ Paris gửi Bộ ngoại giao, 5411, ngày 6 15, 1946, RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[504] Phần lớn tư liệu này trích dẫn từ Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 74-75, Sainteny nhận xét rằng toán người trên thuyền câu cá ngạc nhiên về “đôi chân đi biển” của Hồ Chí Minh trên sóng nước Vịnh Biscay, vì họ chưa biết ông có nhiều năm lênh đênh trên biển lúc trẻ tuổi. Sainteny sau này thêm câu “cuốn theo chiều gió” trong lời đề tặng Hồ tại một khách sạn ở Biristou. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 226-233.
[505] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 76. Nhận xét về Tạ Thu Thâu xem trong Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 118. Một số nguồn Việt Nam thù địch Hồ Chí Minh buộc tội ông có trách nhiệm, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong vụ hành quyết Thâu - xem bài báo trong “Biên niên sử Việt Nam” (Mùa thu 1997), trang 19.
[506] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 76-78. Trên đường tới Normandy, chiếc xe thứ hai, chở một số trợ lý của ông, bất thình lình, trượt bánh và lật xuống rãnh ven đường. Không ai bị thương nặng, nhưng cả Hồ Chí Minh và Sainteny đôi chút băn khoăn liệu đây có phải một âm mưu hại Hồ.
[507] Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 202-103 (bài báo này đăng tải trên Le Figaro được trích ở trang 165). Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 77.
[508] Leclerc có lẽ nhận được bản sao thông điệp của Hồ khuyên các đồng chí của ông “sẵn sàng với mọi tình huống” khi ông vắng mặt ở Paris. Xem Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 81-82.
[509] Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 179. Xem thêm Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 299. Hồ Chí Minh sau này kể cho những đồng sự, ông biết được Pháp cám dỗ ông bằng cách tiép đón ông trọng thể ở Paris, kể cả treo cờ Việt Nam cạnh cờ tam tài của Pháp - xem Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), trang 60-61.
[510] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 71. Việc Đảng cộng sản Pháp nghi ngờ Hồ có trong điện tín gửi Bộ ngoại giao - xem Paris gửi Bộ ngoại giao, ngày 16-6-1946, RG 59, NXB Đại học Mỹ. Nhà sử học Alain Ruscio phỏng đoán rằng, Thorez, trong lời nhận xét của mình về cuộc Đông Dương, không nhắc đến chính phủ ở Hà Nội, nhưng lại nhắc đến những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan; nói chung, ông mô tả quan hệ giữa đảng là thân ái - xem Alain Ruscio, “Những người cộng sản Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương, 1944-1954” (NXB L’Harmattan, Paris, 1985), trang 109. Nhưng sau này, Thorez giải thích với nhà báo Philippe Devillers, Đảng cộng sản Pháp không có ý định là người loại trừ sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương và đảng của ông ủng hộ mạnh mẽ hình ảnh lá cờ tam tài bay trên các vùng đất hải ngoại thuộc Liên hiệp Pháp trên thế giới, xem Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 269.
[511] “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 237-240; Alain Ruscio, “Những người cộng sản Pháp và chiến tranh Đông Dương, 1944-1934” (NXB L’Harmattan, Paris, 1985), trang 103; Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 201.
[512] Nhà báo Mỹ này tên là David Schoenbrun. Alain Ruscio, “Những người cộng sản Pháp và chiến tranh Đông Dương, 1944-1934, trang 129-31; Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 187-89. Có người băn khoăn liệu ông có chấp nhận Nam Bộ bị chia cắt, Hồ hùng biện hỏi tại sao họ không muốn gia nhập phần còn lại của đất nước, vì họ cùng ngôn ngữ, và cùng tổ tiên - xem Alain Ruscio, “Những người cộng sản Pháp và chiến tranh Đông Dương, 1944-1934, trang 131.
[513] Về quan điểm của Moutet xem điện tín trích trong Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 208-12.
[514] Caffery gửi Burns, ngày 11 và 12-9-1946, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 298-99, và Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 218.
[515] DOS 241 gửi Reed tại Sài gòn, ngày 9-8-1946, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ; Bản ghi nhớ Văn phòng : Moffat gửi JCV-FE, ngày 9-8-1946, trong tài liệu đã dẫn. Cả hai thông điệp được soạn thảo bởi Charlton Ogburn, sau này là người phê bình thẳng thắn chính sách của Pháp ở Đông Dương.
[516] Nhiều năm sau này, Hồ Chí Minh kể cho những đồng sự trẻ, trước mùa hè năm 1946 ông tin là chiến tranh không thể tránh được. Ông giải thích: “Tình hình khá căng thẳng. Họ đang tìm cách đạt được thời gian để chuẩn tấn công chúng ta. Chúng ta hiểu âm mưu của họ và tìm cách câu giờ để chuẩn bị trước”. Xem Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), trang 61. Cụm từ “phù thuỷ tập sự” trích từ Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 88.
[517] David Schoenbrun, “Nước Pháp đi” (New York: Harper & Bros., 1957), trang 234-36.
[518] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 88-89. Hà Nội 88 gửi Ngoại trưởng, ngày 26-9-1946, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ. Về cuộc họp với Moutet, xem Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 333-35, trích từ một bài báo đăng tải trên báo Franc-Tireur (Pháp). Theo Ruscio, viên thư ký của Hồ tin rằng Hồ thực sự muốn hoà bình - xem Alain Ruscio, “Những người cộng sản Pháp và chiến tranh Đông Dương, 1944-1934, trang 114.
[519] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 90; Nguyễn Thanh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp”, trang 205-206; Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 337; Stein Tonnesson, “1946: Khởi động cuộc chiến Đông Dương: Tiếng chuông chiều ở Bắc Kỳ ngày 19-12” (NXB L’Harmattan, Paris, 1987), trang 40-41. Về tấm thảm co lại lạ thường, xem David Halberstam, Hồ (New York: Knopf, 1987), in lần thứ hai, trang 89.
[520] Stein Tonnesson, “1946: Khởi động cuộc chiến Đông Dương: Tiếng chuông chiều ở Bắc Kỳ ngày 19-12” (NXB L’Harmattan, Paris, 1987), trang 41-42. Pháp thu được tất cả những thông điệp của ông từ Dumont d'Urville vì ông buộc phải dùng hệ thống điện báo quân sự của họ. Điệp viên Pháp cũng lẻn vào phòng ông chụp những tài liệu mà ông mang trong hộp đựng thư gửi đi (xem tài liệu đã dẫn). Về ngày Hồ ra đi, cũng có nhiều nguồn khác nhau. Phân đông cho rằng ông rời đi ngày 18-9, trong khi Sainteny đưa ra ngày 19-9. Theo Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), Hồ rời Paris đi Marseilles ngày 18-9 và tới Toulon ngày hôm sau.
[521] Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 132-134.
[522] “Với Bác Hồ”, trang 337-340.
[523] Bernard Fall, “Hai Việt Nam: Phân tích chính trị và quân sự” (NXB Praeger, New York, 1964), trang 82.
[524] Hồ Chí Minh về đến Hải Phòng và Hà Nội, xem Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 342-47. Chuyến trở về rùm beng và đám đông vây quanh Dinh Chủ tịch được một quan sát viên ngoại giao Mỹ xác nhận - xem Hà Nội 94, ngày 24-10-1946, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[525] Về sự khác nhau những lời giải thích, xem Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 90; Stein Tonnesson, “1946: Khởi động cuộc chiến Đông Dương: Tiếng chuông chiều ở Bắc Kỳ ngày 19-12” (NXB L’Harmattan, Paris, 1987), trang 41; và Bùi Diễm, “Gọng kiềm lịch sử”, trang 49. Về những nhận xét của chính Hồ Chí Minh, xem Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), trang 65. Hồ nói thêm, thật là thích thú khi đi trên tầu thuỷ như một hành khách..
[526] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 283-86. Trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng ở 132 đường Minh Khai. Tránh nhiệm về vụ va chạm là vấn đề phải bàn cãi. Tuy nhiên, đáng chú ý, cả nguồn ngoại giao Mỹ và Pháp đổ lỗi cho những phần tử dân tộc chủ nghĩa xúi giục gây rối - về bản báo cáo, xem Hà Nội gửi Ngoại trưởng, ngày 18-6-1946, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[527] Nguyễn Bình (tên thật Nguyễn Phương Thảo, một trong số nhân vật đen của cách mạng Việt Nam, nhưng cuộc đời chút ít gây ngạc nhiên. Về chỉ đạo của Hồ Chí Minh, “Giảm bớt chiến dịch khủng bố”, xem giải mật điện tín, Phòng Nhì (Tình báo Pháp) 2186/2, ngày 15-4-1946, trong hồ sơ nhãn “1946-1949”, SPCE, hộp 366, CAOM.
[528] Trường Chinh, “Cách mạng tháng Tám”, trong “Trường Chinh: Tuyển tập” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1977), trang 62, 73. Nguồn tình báo Mỹ cho biết một bình luận của Phạm Văn Đồng cho thấy Hồ đến Paris“bị ảo tưởng là giải phóng dân tộc có thể giành được từ tay đế quốc bằng những cuộc thương lượng” - xem To NA, Mr. Bond from SY Jack D. Neal, “Vị thế Hồ Chí Minh”, ngày 15-6-1950, RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ. Nguồn tin đương thời từ phía Pháp bây giờ bắt đầu lớn tiếng về những hành động của đối thủ trong nội bộ Đảng và lãnh đạo Việt Minh. Có một số chứng cớ trái ngược từ bản thân Hồ Chí Minh. Trong lần nói chuyện với tướng Raoul Salan trên đường tới Pháp cuối tháng 5-1946, Hồ nhấn mạnh “Giáp hoàn toàn phục vụ tôi. Ông ta chỉ tồn tại nhờ sự ủng hộ của tôi. Ông ta, giống như những người khác, chẳng làm được gì cả nếu thiếu tôi. Tôi là cha đẻ của cách mạng” - xem Jacques de Folin, “Đông Dương 1940-1954: Sự kết thúc của một giấc mơ” (Paris: NXB Perrin, 1993), trang 165, trích từ hồi ức Salan. Những lời nhận xét lỗ mãng như thế, tuy nhiên, chẳng mấy giống cách ăn nói của Hồ Chí Minh.
[529] Tin tức về chuyến thăm của chị gái ông do cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Kim Liên cung cấp. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 366-367 và “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 10, trang 490-492. Theo một nguồn thù địch, Đạt bị những đảng viên nghi ngờ trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nhưng do mối quan hệ với Hồ Chí Minh, nên những ai biết mối quan hệ này không dám động vào - xem “Phân tích tin tức Trung Quốc”, ngày 12-12-1969.
[530] Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 135.
[531] Do chiến tranh, bản hiến pháp này chưa bao giờ được ban bố chính thức. Những nhận xét của Trường Chinh có trong cuốn sách của ông “Cách mạng tháng Tám”, trang 62-63,
[532] Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 147-48. Theo Philippe Devillers, rất khó tháo ngòi nổ chiến tranh vì Đại tá Debes, tự tin được tướng Valluy tại Sài gòn che chở, có quan điểm ngạo mạn đối với Việt Nam - xem “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 240-49. Số người chết do đạn pháo bắn vào thành phố đã gây ra vấn đề tranh cãi. Nhiều nguồn đưa ra con số hàng ngàn người, nhưng một số nguồn tin từ phía Pháp đưa ra con số chừng 200 hoặc 300. Xem, Jacques de Folin, “Đông Dương 1940-1954: Sự kết thúc của một giấc mơ” (Paris: NXB Perrin, 1993), trang 179. Nhà ngoại giao Mỹ Abbot Low Moffat, đến Hà Nội vài ngày sau khi nổ ra chiến sự, ước tính 2.000 người. Trong một bức thư gửi Thủ tướng Pháp Léon Blum, Hồ Chí Minh đưa con số 3.000 người. Thảo luận vấn đề này, xem Stein Tonnesson, “1946: Khởi động cuộc chiến Đông Dương: Tiếng chuông chiều ở Bắc Kỳ ngày 19-12” (NXB L’Harmattan, Paris, 1987), trang 104-106. Về lãnh sự Mỹ O'Sullivan ở Hà Nội nhìn nhận toàn cảnh vấn đề quanh sự kiện này, xem Hà Nội Báo cáo nhanh 12 gửi Ngoại trưởng, ngày 1-12-1946, RG 59, NXB Đại học Mỹ. Về báo cáo khác, xem Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 91, và Stein Tonnesson, “1946: Khởi động cuộc chiến Đông Dương: Tiếng chuông chiều ở Bắc Kỳ ngày 19-12” (NXB L’Harmattan, Paris, 1987), trang 81-120.
[533] Confidential Reed tháng 7-11-1946, từ Sài gòn, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ, Hà Nội gửi Ngoại trưởng, ngày 23-11-1946, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ; Paris gưti Bộ ngoại giao, ngày 29-11-1946.
[534] Một người đào tẩu khỏi phong trào Việt Minh sau này nói với người thẩm vấn Pháp rằng Hồ luôn là “người rõ ràng cầm đầu Đảng” và sử dụng những phần tử cực đoan để chơi trò “hai mặt” với người Pháp và nước ngoài. Xem “Tuyên bố về cuộc sống trong vùng Việt Minh ở vùng núi Bắc Kỳ, Việt Bắc: Hồ Chí Minh” trong Bộ Quan hệ các nước liên kết, DGD, Sài gòn, ngày 9 và 15-2-1953. Báo cáo của Moffat trong Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, “Mỹ và Việt Nam, 1944-1947”, 92d Congress, 2d sess., Staff Study 2, ngày 3-4-1972, trang 41-42. Trong buổi điều trần ở Thượng viện năm 1972, Moffat bày tỏ cảm tình của mình với Hồ và coi ông là vĩ nhân - xem “Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, Nguyên nhân, khởi thuỷ và bài học cuộc chiến tranh Việt Nam, 91A Congress, 2d sess., 1972”, trang 200-201. Ông không thích Võ Nguyên Giáp, người mà ông miêu tả “cộng sản điển hình” (sách đã dẫn, trang 20.2)
[535] DOS Airgram, ngày 17-12-1946, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ. Khi nhìn lại, Moffat có thể hối tiếc ý kiến của mình, vì ông liên quan tới làn sóng kích động chống cộng sản ở Washington mùa thu năm 1946. Xem những phát biểu của ông tại “Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, Nguyên nhân, khởi thuỷ và bài học cuộc chiến tranh Việt Nam, 91A Congress, 2d sess., 1972”, trang 190-91.
[536] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam của ông” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 92-93; Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 262. Theo lãnh sự Mỹ O'Sullivan, có những bất đồng trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một bên là Hồ Chí Minh muốn nhượng bộ cho Pháp trong vụ Hải Phòng, và một bên những người cứng rắn như Võ Nguyên Giáp chống đối - xem Hà Nội 132 gửi Bộ ngoại giao, ngày 4-12-1946, RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[537] Hà Nội 134 gửi Bộ ngoại giao, ngày 5-12-1946, RG 59, NXB Đại học Mỹ; Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 266-68. Quan điểm Pháp về việc tách Hồ Chí Minh ra khỏi lực lượng hiếu chiến trong chính phủ ông được Đại sứ Caffery báo cáo trong Paris 6019 gửi Bộ ngoại giao, ngày 7-12-1946, RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ. Theo Caffery, Pháp nghi ngờ động cơ Hồ Chí Minh động cơ, nhưng cảm thấy rằng ông thực tâm hy vọng thực hiện bản tạm ước 6-3-1946, khi Caffery rời Paris. Bây giờ ông dưới áp lực những người hiếu chiến. Bidault nói với Caffery, Pháp chuẩn bị trả Nam Kỳ cho Việt Nam, nhưng chỉ trong thời gian thích hợp và dưới những điều kiện thuận lợi.
[538] Yves Gras, “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” (NXB de Noel, Paris, 1992), trang 126. Theo Võ Nguyên Giáp, những tiểu đoàn pháo binh đầu tiên được thành lập với những pháo lớn thu được từ Pháp và Nhật Bản; trước khi nổ ra chiến tranh, quân giới chỉ cung cấp cho quyết định 60 đạn chống tăng - Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 398-99.
[539] Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 270.
[540] Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 275-276.
[541] Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 291-95; Stein Tonnesson, “1946: Khởi động cuộc chiến Đông Dương: Tiếng chuông chiều ở Bắc Kỳ ngày 19-12” (NXB L’Harmattan, Paris, 1987), trang 184-85; Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 407-8. Điện tín của Hồ gửi O'Sullivan, và O'Sullivan gửi nó tới Đại sứ quán Mỹ ở Paris.
[542] Bức thư gửi Sainteny trích trong Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 413. Thư Hồ Chí Minh gửi Léon Blum, ngày 18-12-1946, được chuyển về Paris từ Sài gòn 2071, ngày 20-12-1946, 03.40 Z (AN SOM, Tel 938, 3642 A); Thư Hồ gửi Léon Blum, trong Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 295-296.
[543] Báo cáo của Sainteny có trong Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 96-97.
[544] Hội nghị này được viết trong Ngọc An, “Thêm tài liệu về hội nghị Vạn Phúc và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, trong Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 36 (tháng 12-1988). Theo nguồn này, Hồ tự tay thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào buổi chiều ngày 18-12-1946; một số nguồn Việt Nam đưa sai ngày tháng cuộc họp này. Xem thêm Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 297-299.
[545] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” được Herma Briffault dịch sang tiếng Anh (NXB Cowles, Chicago, 1970), trang 97-98. Theo Devillers, “Paris - Sài Gòn - Hà Nội”, trang 297-298, còn chút hy vọng mong manh có thể tránh được những hành động thù địch. Buổi chiều 19-12, Morliere (có lẽ thể hiện thực lòng của mình) bất ngờ đồng ý với yêu cầu của Võ Nguyên Giáp, bãi bỏ lệnh điều động quân Pháp ở thủ đô. Các nhà lãnh đạo Đảng bởi thế đã quyết định huỷ bỏ kế hoạch tấn công tối hôm đó. Nhưng khoảng 5 giờ chiều, một điệp viên hai mang của Pháp báo cho Morliere về kế hoạch ban đầu cuộc tấn công của Việt Nam, và Morliere ra lệnh binh sĩ của mình vào vị trí chiến đấu. Đáp lại, phía Việt Nam trở lại kế hoạch ban đầu.
[546] Về việc Hồ sử dụng Tôn Tử, xem những nhận xét của Hồ ngày 11-10-1946, trích trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, trang 315. Với những thí dụ khác, ông sử dụng Tôn Tử, xem tài liệu đã dẫn, trang 217, 222.