-
CHƯƠNG VI
XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH
Đối với Nguyễn Ái Quốc, việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam là sự hoàn thành của một giấc mơ, đỉnh cao tột bực của một quá trình hoạt động cách mạng kể từ khi ông rời bến cảng Sài Gòn gần hai mươi năm trước. Do cuộc Đại khủng hoảng nổ ở phương Tây và thời kỳ mới của những hoạt động mạnh mẽ ở Đông Dương, như Cộng sản Quốc tế tiên đoán, thời kỳ ổn định tạm thời trong trật tự thế giới tư bản đã đến hồi kết thúc, đưa đến một kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng toàn cầu.
Nhưng việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam lại nảy sinh những vấn đề cần có câu trả lời. Đảng mới nằm ở vị trí nào trong bộ máy tổ chức của Quốc tế Cộng sản? Đảng được đặt dưới quyền của Ban thư ký mới đóng ở Singapore hoặc - như Nguyễn Ái Quốc hy vọng - liệu có được chấp nhận là một đảng độc lập trực tiếp dưới quyền của Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải hay không? Thêm nữa, vai trò mới của chính bản ông là gì? Liệu Moscow có để ông tiếp tục làm việc với chức danh đại diện Quốc tế Cộng sản hoặc đảm đương lãnh đạo đảng Việt Nam mới? Nếu đảm đương lãnh đạo đảng mới của Việt Nam, ông sẽ sống ở đâu, không thể trở về Đông Dương vì có thể bị bắt và bị tử hình?
Tìm được lời đáp cho những câu hỏi này, cũng là để báo cáo với Hilaire Noulens - cấp trên của ông - việc thành lập tổ chức mới, ông tới Thượng Hải ngày 13-2-1930, chỉ vài ngày sau khi bế mạc hội nghị thống nhất. Mặc bộ quần áo mỏng không đủ ấm với mùa đông lạnh lẽo, giá buốt ở Thượng Hải, ông thuê một phòng của khách sạn xoàng xĩnh và tìm cách liên lạc với Noulens. Trụ sở Văn phòng Viễn Đông của Noulens toạ lạc trong toà nhà kiểu Âu nằm dọc theo phố Nam Thanh sầm uất, trung tâm buôn bán chính của thành phố.
Đối với nhà cầm quyền địa phương, kể cả người Trung Hoa và Phương Tây, theo quan điểm cấp tiến, việc gặp cấp trên rất khó. Đến ngày thứ mưới tám, quá thất vọng, Quốc gửi một bức thư chi tiết cho Noulens, báo cáo việc thành lập đảng mới và tái bút bằng tiếng Anh có đôi câu kỳ cục:
Tôi muốn gặp ông càng sớm càng tốt, 1)Bởi vì bản báo cáo đã viết xong hai ngày mà không đến tay ông. Quả là muộn. 2) Những câu hỏi chúng ta có thể giải quyết trong vài giờ, thế mà tôi phải chờ ông đã năm ngày rồi. 3) Tôi chỉ còn biết chờ đợi và chờ đợi chẳng thể được làm gì, trong khi công việc nhiều nơi đang cần tôi.
Trong thư, Nguyễn Ái Quốc cũng bày tỏ sự bất đồng mạnh mẽ về kế hoạch của Moscow đặt Đảng cộng sản Việt Nam dưới quyền tân Ban bí thư Đông Nam Á đóng ở Singapore, tranh luận, về mặt địa lý Việt Nam gần Trung Hoa và thực tế lực lượng chủ yếu của đảng ở miền bắc như vậy nó thích hợp như một tổ chức độc lập nằm trực tiếp dưới quyền Văn phòng Viễn Đông qua văn phòng thuộc cấp ở Hong Kong. Quốc tế Cộng sản muốn thành lập những đảng ở khu vực nhưng lại không quan tâm đến bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, còn Quốc muốn mỗi đảng phải mang tính cách riêng của từng sắc tộc đó.
Cuối cùng, Quốc cũng gặp được Noulens, vì vài ngày sau, ông viết cho Văn phòng Viễn Đông ở Moscow nói ông đã gửi bản báo cáo. Hiển nhiên ông được Noulens chấp thuận đặt Đảng cộng sản Việt Nam dưới quyền Văn Phòng Phương Nam sẽ thành lập dưới sự chỉ đạo của ông ở Hong Kong. Nhưng tất nhiên, không phải tất cả những câu hỏi của ông được giải đáp:
Giờ đây tôi không biết chính xác vị thế của tôi. Tôi là đảng viên Đảng cộng sản Pháp hay Đảng cộng sản Việt Nam? Cho tới khi nhận được lệnh mới, tôi sẽ chỉ đạo công việc Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng dưới chức danh nào? Tôi không trực tiếp tham gia những hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam vì tôi không thể trở về Đông Dương. Lúc này có một bản án tử hình vắng mặt đang chờ tôi. Việc tôi đại diện cho Cộng sản Quốc tế vẫn còn hiệu lực hay đã chấm dứt? Nếu đã chấm dứt, tôi còn được liên lạc với Văn Phòng khu vực ở đây không? Xin đề nghị Ban Chấp hành cho ý kiến quyết định.[235]
Trước khi đi, Nguyễn Ái Quốc gặp Nguyễn Lương Bằng, tốt nghiệp trường huấn luyện của Hội ở Quảng Châu, đang công tác ở Thượng Hải, để hướng dẫn Nguyễn Lương Bằng phương pháp tuyên truyền cách mạng cho hơn bốn nghìn binh sĩ Việt Nam dưới sự chỉ huy của các sĩ quan người Âu ở tô giới Pháp. Quốc cảnh báo Nguyễn Lương Bằng phải thận trọng khi tổ chức binh lính tham gia dưới sự lãnh đạo của đảng. Binh lính nói chung tốt nhưng dễ xốc nổi và bốc đồng. Ông cũng nhấn mạnh cần phải duy trì mối liên lạc với đại diện Đảng cộng sản Trung Quốc tại địa phương, để họ có thể giúp đỡ khi cần.
Trong lúc chờ ý kiến của Moscow về vai trò mới, Nguyễn Ái Quốc trở lại Hong Kong lập văn phòng thuộc cấp dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Viễn Đông mà ông đã nói trong thư. Theo sử gia Xô viết Yevgeny Kobelev, trá hình dưới danh nghĩa một công ty thương mại, trụ sở Văn Phòng Phương Nam nằm ở tầng hai của một toà nhà xây bằng đá ở Hong Kong. Ông trọ ở một phòng nhỏ gần sân bay Hong Kong ở bán đảo Cửu Long. Quốc hoạt động dưới vỏ bọc một nhà báo tên L. M. Vương. Ở Hong Kong, ông tìm mọi cách liên lạc với những tổ chức cộng sản khác ở Đông Nam Á. Trong một báo cáo ngày 18 tháng 2 gửi Noulens, ông đề nghị Đảng cộng sản Việt Nam nên duy trì mối liên kết chặt chẽ với Singapore và cử một đảng viên tới đó công tác. Ông cũng đề nghị được liên lạc với Đảng cộng sản Trung Quốc tại địa phương xin địa chỉ đảng viên Trung Quốc ở Xiêm để bắt mối với họ.
Cuối tháng 3-1930, Nguyễn Ái Quốc rời Hong Kong qua Đông Nam Á để tái tổ chức Đảng cộng sản Nam Dương, theo quyết định của Moscow từ năm ngoài. Sau khi đến Bangkok, trước tiên ông tới Udon Thani, ở cao nguyên Khorat, thông báo với Việt kiều về sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và việc chỉ đạo hoạt động sắp tới ở vùng này. Theo Hoàng Văn Hoan, một đảng viên trẻ của Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc theo đúng chỉ thị Quốc tế Cộng sản kêu gọi tất cả những người cộng sản nên tham gia hoạt động cách mạng tại nước sở tại để đóng góp cho phong trào cách mạng quốc tế. Quốc đề nghị các hội viên của Hội - đã giải thể - đang sinh sống tại đây nên gia nhập Đảng cộng sản Xiêm sắp thành lập để thực hiện giai đoạn đầu của cách mạng Xiêm - cách mạng dân chủ tư sản. Để giảm bớt mối lo của Việt Kiều ở đây cho rằng họ không còn được quyền tham gia đấu tranh giải phóng Việt Nam, ông đề nghị văn phòng Hội ở Udon Thani chuyển thành Ban Chấp hành cấp tỉnh thuộc Đảng cộng sản Việt Nam.
Giữa tháng 4-1930 Nguyễn Ái Quốc trở lại Bangkok, chủ trì cuộc họp thành lập Đảng cộng sản Xiêm, bầu Ban Chấp Hành lâm thời trong đó có một đảng viên Việt Nam từ nhóm Udon Thani. Sau đó ông đến Malaya và Singapore, dự hội nghị Đảng cộng sản Nam Dương vừa được lệnh chuyển thành tân Đảng cộng sản Malaysia. Cả hai Đảng cộng sản Malaysia và Xiêm dưới quyền chỉ đạo của Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải, thông qua Văn Phòng Phương Nam của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Ông trở lại Hong Kong vào giữa tháng 5-1930.[236]
Trong khi Nguyễn Ái Quốc đang bận rộn giúp đỡ những đảng cộng sản khắp vùng, tình hình Đông Dương trở nên căng thẳng. Dấu hiệu đầu tiên bất an xảy ra đầu tháng 2-1930. Cuộc bạo động do Việt Nam Quốc Dân Đảng phát động tấn công một loạt đồn bốt ở nhiều tỉnh Bắc Kỳ. Khi bắt đầu bạo động, những người lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng tỏ ra quá vội vàng. Coi thường sự học hỏi đường lối Leninist cần phải xây dựng một tổ chức quần chúng có chân rết khắp đất nước, họ lại xây dựng một nhóm người cách mạng ở tầng lớp trên thích sử dụng bạo lực lật đổ chế độ Pháp bằng khởi nghĩa vũ trang. Kế hoạch chủ chốt của họ là lôi kéo nhóm binh sĩ gốc Việt trong hàng ngũ quân đội thuộc địa.
Quân đội thuộc địa được Ly Myre de Villers, Thống đốc Nam Kỳ, thành lập năm 1879 có khoảng 30.000 binh sĩ, hai phần ba số binh sĩ này thuộc dân tộc ít người của Việt Nam. Đội quân chia thành 31 tiểu đoàn, tất cả đặt dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp. Ngoài ra còn một lực lượng dân vệ gồm 15.000 người do các hạ sĩ quan Pháp chỉ huy. Phần lớn binh sĩ Việt Nam bị bắt theo quân dịch, số tình nguyện rất ít, do quan lại địa phương bắt thực theo tỷ lệ dân số trong khu vực cai trị, họ không đếm xỉa đến cách thức tuyển dụng. Cuối thập niên 1920, rất nhiều binh sĩ Việt Nam trong quân ngũ oán giận sâu sắc, nổi lên chống lại thói hung ác của những sĩ quan Pháp, nhưng một phần cũng do ảnh hưởng tinh thần quốc gia chủ nghĩa.
Vào năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng bắt đầu tàng trữ vũ khí tại nhiều điểm bí mật rải rác trong cả nước. Nhưng phần lớn những chỗ cất giấu như thế chẳng mấy chốc bị người Pháp phát hiện và phá huỷ. Sau đó hoạt động của đảng bắt đầu leo thang. Một người Pháp mộ phu cho đồn điền bị ám sát khi rời nhà tình nhân ở một phố tại Hà Nội, nhà cầm quyền nghi ngờ Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ mưu. Hàng trăm đảng viên và những người ủng hộ bị bắt, bị buộc tội đồng loã trong vụ ám sát.
Biết chắc nếu không hành động nhanh phong trào sẽ bị bóp chết, giới lãnh đạo đảng quyết định phát động cuộc khởi nghĩa. Trước đó họ có sự ủng hộ vững chắc trong đám binh sĩ Việt Nam ở các đồn Pháp khắp Bắc Kỳ: hơn một nghìn chi bộ, mỗi chi bộ có ba đến năm người. Đầu tháng 2-1930, cuộc nổi dậy theo kế hoạch đã nổ ra ở vài đồn bốt nhỏ ở vùng núi Bắc Kỳ, kể cả đồn Yên Bái, một thị trấn nhỏ nằm dọc sông Hồng, phía tây bắc Hà Nội. Cuộc binh biến này là một thảm hoạ. Những người nổi dậy tại Yên Bái có kế hoạch đầu độc những sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp rồi sẽ nổi dậy vào nửa đêm. Nhưng một người tham gia quá hoảng sợ, tiết lộ âm mưu cho viên sĩ quan chỉ huy. Tuy lúc đầu hoài nghi, song viên sĩ quan chỉ huy này quyết định ra biện pháp đề phòng. Do vậy, khi cuộc tấn công nổ ra ngay sau nửa đêm rạng sáng ngày 10-2, người Pháp đã được chuẩn bị. Đến sáng quân nổi dậy rút lui và Pháp đã kiểm soát được tình hình. Những cuộc tấn công khác vào những tiền đồn nằm rải rác gần đó cũng bị bẻ gẫy dễ dàng. Hầu hết những người lãnh đạo đảng bị bắt. Mười ba trong số những người cầm đầu bị xử tử ngày 17 6-1930.[237]
Cuộc khởi nghĩa thất bại thảm hại. Không có kế hoạch phát động nhân dân nổi dậy, lại không có biện pháp rút lui khi thất bại. Thông tin liên lạc bị phá vỡ bất ngờ ở phút cuối cùng, đến nỗi gần như không có sự phối hợp nào giữa những người cầm đầu nổi dậy với nhau tại những đồn bốt trong vùng. Điều tệ hại nhất là cuộc khởi nghĩa chỉ được hưởng ứng yếu ớt trong nước, những đảng viên trốn thoát, vượt biên giới chạy sang Trung Hoa, ở đây họ lại chia thành hai phái - phái quyết tâm với chiến lược bạo động ban đầu - phái kia thiên về chủ trương cải cách. Chỉ sau một thời gian ngắn, người Pháp có thể thở phào nhẹ nhõm và yên tâm.
Nếu nói không có sự hưởng ứng của quần chúng đối với cuộc binh biến Yên Bái là không đúng, vì sự bất mãn trong dân chúng ở Đông Dương ngày càng tăng. Những dấu hiệu sơ bộ cho thấy hoạt động của học sinh, sinh viên ở những thành phố lớn thời kỳ giữa thập niên 1920 đang gia tăng. Dù số học sinh, sinh viên tăng đều đặn hàng năm (năm 1930, có khoảng 7.000 trường công thu hút tổng cộng hơn 340.000 học sinh), nhưng sự bất bình của thanh niên Việt Nam đã tăng lên do nhiều yếu tố thay đổi, kể cả vấn đề không có cơ hội được học lên cao. Phần lớn học sinh theo học trường tiểu học ở thôn quê. Không quá 5.000 học sinh theo học bậc trung học và chỉ khoảng 500 sinh viên học tại các trường Đại học Hà Nội, trường dạy kiến thức cao duy nhất ở Đông Dương. Sinh viên cũng nản lòng vì thiếu những cơ hội kiếm được công việc hấp dẫn sau khi tốt nghiệp. Trên thực tế, trong nhiều ngành nghề, người Việt được trả lương ít hơn người châu Âu cùng làm công việc tương tự. Vấn đề nhậy cảm như thế chắc chắn làm tăng thêm phản ứng của nhân dân ba miền chống lại sự thống trị của người nước ngoài.
Sau khi những hoạt động tuyên truyền tích cực của học sinh, sinh viên giữa thập niên 1920 đi vào thoái trào thì làn sóng mới bất mãn của công nhân lại nảy sinh. Do vốn đầu tư của tư bản Pháp gia tăng, thương mại và các cơ sở sản xuất đã phát triển mạnh ở Đông Dương, đặc biệt từ khi kết thúc Thế chiến I. Hưởng lợi chủ yếu trong việc gia tăng hoạt động kinh doanh này là hàng ngàn người Âu sống tại Đông Dương, cũng như cộng đồng Hoa Kiều. Điều này tác động mạnh đến dân bản xứ, đáng chú ý nhất là sự phát triển của một tầng lớp trung lưu thành thị tuy nhỏ nhưng tăng nhanh. Đồng thời, giai cấp vô sản với số lượng 200.000 cuối thập niên 1920 đã hình thành. Một số công nhân làm việc trong những xí nghiệp ở những thành phố lớn, sản xuất hàng tiêu dùng như diêm, vải, đồ gỗ, và thực phẩm. Một số khác làm việc ở những mỏ than nằm dọc bờ biển phía đông Hà Nội (khoảng 50.000 thợ mỏ năm 1929, gấp 4 lần số lượng vào cuối Thế chiến I), và trong các xưởng đóng tầu ở tại Sài Gòn và Hải Phòng.
Điều kiện làm việc của phu đồn điền chè và cao su ở Tây Nguyên và dọc biên giới Campuchia đặc biệt tồi tệ. Một quan sát viên miêu tả:
Tại tất cả các đồn điền cao su, công nhân phải dậy từ 4 giờ sáng… Nhiều người không có thời gian ăn điểm tâm, rồi khi tiếng cồng vang lên lúc 5 giờ sáng, sau khi giục họ để điểm danh, tất cả công nhân phải ở ngoài sân trước - không ai được phép chậm trễ. Điểm danh khoảng 20 phút, nhưng đây là 20 phút rất căng thẳng thần kinh! Lồng ngực công nhân luôn đập thình thịch do sợ hãi vì trong thời gian điểm danh, tụi cai và những ông chủ người Pháp thường cố tìm lỗi người công nhân để có lý do chửi rủa và đánh đập họ.
Sau khi điểm danh, công nhân đi đến lô đất cây cao su bắt đầu một ngày lao động cực nhọc. Một công nhân chịu tránh nhiệm chăm sóc một cụm từ 280 tới 350 cây mỗi ngày. Trước tiên phải cạo mủ từng cây, sau đó từng thùng mủ nhỏ được đổ dồn vào một thùng lớn chở tới chỗ thu nhận.
Những người ốm yếu không thực hiện đủ hạn mức thường bị đánh, trừ khi họ hối lộ cho bọn cai để lờ đi sự vi phạm. Buổi chiều họ phải làm những công việc tạp dịch cho những ông chủ, chẳng hạn nhổ cỏ hoặc quét dọn lau chùi khuôn viên vườn tược. Đến xế chiều, mặt trời sắp lặn, công nhân mới có thể trở về nơi ở. “Vì những lý do kể trên”, người quan sát nhấn mạnh, “ở đồn điền cao su người dân có một câu cửa miệng “con không nhìn thấy cha, chó không biết mặt chủ”.[238]
Tác động về mặt xã hội của thời kỳ công nghiệp hoá thời trước không được xã hội nào hài lòng - điều kiện sống của những thành phố công nghiệp châu Âu thế kỷ XIX đã chứng minh điều đó. Tình hình ở Việt Nam không ngoại lệ, đời sống và điều kiện làm việc của tầng lớp lao động mới tồi tệ như nhau, dù làm việc ở những xưởng ở Hà Nội và Hải Phòng, hoặc ở vùng mỏ than Hòn Gai dọc Vịnh Bắc Bộ, hay là ở đồn điền cao su ở Nam Kỳ họ cũng đều đẫm mồ hôi. Việc tuyển mộ phu là sự áp đặt và cách áp dụng tuyển mộ rất tàn bạo, vì bọn chủ thuê bọn du côn, mồi chài lừa đảo người dân hiền lành, dùng sức mạnh bắt ép họ lên xe tải chở tới chỗ làm việc. Đồng lương rẻ mạt chỉ đủ sống cầm hơi, giờ làm việc kéo dài, hơn 12 giờ một ngày và 7 ngày một tuần. Nhiều người trong công nhân mới là nông dân nghèo, buộc phải bỏ ruộng đất do nợ hoặc bị địa chủ thu hồi để trừ nợ. Tuy vậy, công việc mới của họ chẳng hơn gì, không những thế thường xuyên bị đánh đập, hoàn cảnh làm việc tồi tệ, thiếu ăn và hoàn toàn không có bảo hộ lao động. Đó là sự thật về tình hình lao động mà nhà văn Charles Dickens đã đau xót vạch ra.
Dòng tư bản chảy vào Việt Nam cũng tệ hại chẳng kém, chúng càng trở nên tệ hại hơn khi làn sóng Đại khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu tác động tới Đông Dương. Tư bản Pháp bỏ chạy khỏi Đông Dương, dẫn tới nạn thất nghiệp tăng nhanh. Một số xí nghiệp, quá nửa công nhân bị sa thải. Nhiều người buộc phải trở về nông thôn, nơi trước đó họ ra đi tìm cách thoát khỏi đói nghèo. Một số người khác chọn cách phản đối. Cuối thập niên 1920, đình công trở nên hiện tượng phổ biến có chiều hướng gia tăng. Mục đích đình công theo từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng phổ biến nhất là đòi giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc, yêu cầu cấm đối xử thô bạo bằng roi vọt của bọn đốc công - đánh người ốm yếu, kiệt sức bắt làm việc - yêu cầu bãi bỏ trả lương theo khoán sản phẩm. Trong một số trường hợp, họ được những nhà hoạt động chính trị của Hội Thanh Niên Cách mạng hoặc Đảng Tân Việt lãnh đạo, nhưng đa số do tự phát.
Dù những hoạt động bãi công còn rời rạc nhưng như thế cũng không làm an lòng người Pháp, tuy chưa đáng báo động, vì công nhân tổ chức còn quá kém và chưa phối hợp những hoạt động với nhau. Tuy nhiên, sự bất ổn có dấu hiệu đáng kể bắt đầu xuất hiện ở nông thôn, đặc biệt ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam. Cuộc biểu tình lớn lần cuối cùng của dân nghèo bất hạnh ở vùng này xảy ra đã hơn hai thập niên trước - cuộc nổi dậy “Cắt tóc ngắn” năm 1908. Từ đấy, điều kiện sống ở nông thôn vẫn không được cải thiện. Sưu cao, thuế nặng, cùng với quan lại tham nhũng hối lộ là những đặc thù riêng ở An Nam, nơi bọn quan lại phong kiến vẫn còn rớt lại ở chính quyền địa phương.
Sự độc quyền thật ghê tởm của người Pháp trong việc bán muối, thuốc phiện và rượu v.v… đã góp thêm sự oán giận của nông dân nghèo. Một quan chức Pháp thú nhận, dân nghèo bị buộc phải mua muối từ chính phủ với giá đắt gấp 10 lần giá gốc. Trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc trích bức thư của Toàn quyền Albert Sarraut chỉ thị cho tất cả Công Sứ Pháp chuẩn bị “những kho” rượu và thuốc phiện sẽ được xây dựng mỗi làng trong khu vực dưới chính quyền của họ. Sarraut phàn nàn, một số làng hoàn toàn không có rượu và thuốc phiện. Ông nói tiếp, “đó chỉ là sự thoả thuận hai bên giữa sự quản lý của anh và của chúng tôi, điều đó chúng ta sẽ thu được những kết quả tốt nhất, lợi nhuận tốt nhất cho Ngân khố”. Rõ ràng, Quốc mỉa mai ngài Sarrau tự nhận mình là “người cha nhỏ bé của nhân dân” và được nhân dân kính trọng.[239]
Báo cáo của quan chức Pháp thường ca tụng những cải thiện mà chế độ thực dân mang lại cho nông thôn ở Đông Dương. Đưa ra những thí dụ, xuất khẩu gạo và cao su (xuất khẩu cao su tăng từ 200 tấn năm 1914 tới hơn 10.000 tấn năm 1929) và sự tăng lên đều đặn được dẫn ra như là bằng chứng lợi nhuận của chính quyền Pháp đem lại cho nông dân. Nhưng theo những thống kê khác, chỉ một số trung nông Việt Nam có chút lợi nhuận ít ỏi từ chính sách nông nghiệp của Pháp. Với việc thương mại hoá nông nghiệp, sở hữu đất tập trung vào tay những địa chủ giàu có, đặc biệt ở những vùng đất canh tác mới khai hoang ở đồng bằng Cửu Long, trong khi những tá điền buộc phải làm thuê.
Trong nhiều trường hợp, địa chủ buộc những người làm thuê phải lao động không công cho họ vài tuần trong một năm, hoặc phải góp phẩm vật hoặc tiền bạc ngày lễ tết hàng năm. Nhiều địa chủ cũng hành nghề cho nông dân vay lấy lãi với lãi suất cắt cổ, họ vay để nuôi gia đình hoặc mua giống má cho vụ sau. Ruộng đất công điền, từ lâu như là một chiếc van an toàn chia cho dân nghèo không tấc đất cắm dùi, nay bị bọn địa chủ có thế lực chiếm đoạt bằng mọi thủ đoạn hợp pháp và phi pháp. Nguyễn Ái Quốc viết, có trường hợp, một quan chức Pháp sung công vài héc - ta ruộng của một làng này và đem cho một làng Công Giáo gần đấy. Khi dân nghèo bị cướp ruộng lên tiếng phản ứng, họ bị bỏ tù. Một số quan sát viên phê phán chế độ thuộc địa Pháp đã khẳng định, mặc dù sản lượng ngũ cốc cả nước tăng trong quý đầu tiên của thế kỷ XX, nhưng mức tiêu thụ gạo trên đầu người thực tế lại giảm đi trong cùng thời kỳ. Những đánh giá như thế có thể phóng đại, nhưng ngay cả quan chức Pháp lúc đó cũng thừa nhận, trước thập niên 1930, người dân vùng này vẫn rất nghèo khổ. Ở một số làng ở Nghệ An, quê của Quốc, tình trạng quá đông dân đã thành một vấn nạn nghiêm trọng, vì quá nửa nông dân không có ruộng.[240]
Điều kiện địa lý khắc nghiệt ngàn đời, bây giờ lại thêm ba thảm hoạ khác: những trận lụt thảm hại ở Trung Kỳ, nạn hạn hán ở vùng khác và giá gạo giảm mạnh. Gạo bị mất giá trong cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới, giá trị đất đai cũng giảm theo và nông dân đành bỏ hoang vô số ruộng đất. Pháp thừa nhận, ở một số huyện, có tới một phần ba dân làng lâm vào cảnh đói.
Xu hướng bất ổn lan tràn, dẫn đến rất bất mãn, tác động mạnh đến xã hội Việt Nam đầu thập niên 1930. Tháng 3-1930, những vụ bạo động nổ ra tại đồn điền cao su Phú Riềng, vùng đất đỏ nằm ở phía tây Nam Kỳ gần biên giới Campuchia. Vài tuần sau, công nhân đình công ở nhà máy dệt Nam Định, một trung tâm công nghiệp ở Bắc Kỳ và ở nhà máy diêm Bến Thuỷ, ngoại ô thị xã Vinh, thủ phủ tỉnh Nghệ An. Chính quyền Pháp đàn áp, một số người biểu tình bị giết, nhiều người bị thương. Vụ xô xát ở Vinh có ý nghĩa đặc biệt, vì đa số công nhân tham gia là những người vừa mới từ nông thôn ra thành thị, lại có quan hệ mật thiết họ hàng ở những làng gần đó. Khi tình hình nông thôn căng thẳng, nông dân bắt đầu tham gia những vụ bạo động với các cuộc biểu tình của công nhân. Tại huyện Thanh Chương, cách làng Kim Liên vài dặm về phía bắc - quê của Nguyễn Ái Quốc, một trong những vùng phải chịu đựng những bất ổn nhất về kinh tế ở các tỉnh miền Trung, hàng nghìn tá điền nổi giận đã đi bộ tới một đồn điền địa phương mà chủ nhân của nó đã từng chiếm ruộng công và đối xử tàn bạo với người làm công. Tài sản bị đập phá và một lá cờ búa liềm được treo lên toà nhà hành chính. Pháp đưa lính Lê dương tới đàn áp cuộc bạo động, hàng chục người biểu tình bị giết và bị thương.
Theo báo cáo của Pháp, sau khi vụ bạo động này bị đàn áp, mục tiêu của những người biểu tình thay đổi. Đa số những người lãnh đạo biểu tình là trí thức có lòng khát khao độc lập dân tộc hoặc muốn xây dựng “thiên đường cộng sản”. Nông dân tham gia phong trào là để thoát khỏi nghèo đói và vì bất mãn, căm thù người Pháp do bị kích động. Thái Văn Giai, một nhà hoạt động bị Pháp bắt và bị tra tấn, nói: “Quần chúng không phải là những người cộng sản, nhưng họ bất mãn. Bọn địa chủ bóc lột nông dân. Chính phủ không mở rộng mạng lưới tưới tiêu để tăng năng suất trồng trọt. Còn bọn quan lại sống không cần biết đến dân”.
Khi được hỏi tại sao nông dân không căm thù người Pháp, Giai đáp “Người dân không biết gì sự thống trị của người Pháp, cái đó xa vời với cuộc sống hàng ngày của họ. Họ chỉ biết bọn quan lại, kẻ đang trực tiếp đè nén, áp bức khinh rẻ họ”.[241]
Những người cộng sản đóng vai trò chính trong việc gây nên cuộc bạo động ở Trung Bộ. Cuối năm 1929, lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng cử Nguyễn Phong Sắc, quê Nghệ An, tới Trung Kỳ tổ chức công nhân ở Vinh. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông vào làm việc tại nhà máy diêm Bến Thuỷ. Tháng 2-1930, chỉ hai tuần lễ sau hội nghị thống nhất đảng ở Hong Kong, Tỉnh uỷ Nghệ An được thành lập, bắt đầu thành lập các chi bộ trong nhà máy và các nông hội ở nông thôn. Thiếu sự chỉ đạo sát sao của đảng, các cán bộ địa phương hành động theo phương cách tự phát của họ. Như Thái Văn Giai bình luận với những người bạn tù của ông vài tháng sau đó:
Đảng cộng sản đã chuẩn bị phong trào. Đảng đã thành lập những chi bộ, tuyên truyền rộng rãi và tổ chức những cuộc họp. Họ có thể toàn quyền hành động ở những làng nơi mà không bị ai cản trở. Những người giàu sợ hãi, không đủ cam đảm chống đối, còn bọn quan lại chẳng chú ý tới và người Pháp thì bàng quan trước những gì đang xảy ra.
Hỏi làm thế nào để tổ chức được cuộc biểu tình, Giai nói, những người hoạt động đánh trống tại đình làng huy động quần chúng địa phương. Những ai chần chừ hoặc chống lại sẽ bị hăm doạ bằng gậy gộc. Giai thừa nhận, một vài trường hợp, nhà cửa hoặc chùa chiền bị đốt cháy, đồng thời một số người chống lại cuộc biểu tình đã bị đánh đập hoặc bị giết chẳng theo một tiêu chuẩn nào. Những người tình nghi là Việt gian bị ám sát bí mật, vì Đảng “không muốn làm quần chúng hoảng sợ”.[242]
Trước tình hình nhiều đảng viên trẻ tuổi nôn nóng, Moscow tiên đoán châu Á đang ở ngưỡng cửa cuộc nổi dậy, có lẽ là sáng suốt. Trong lời khuyên lãnh đạo Hội Thanh Niên Cách mạng cuối năm 1929, Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh, sự yếu kém của một Đảng cộng sản cũng không cản nổi những người cách mạng ủng hộ tích cực cuộc nổi dậy tự phát của công nhân và nông dân. Moscow đặc biệt nhấn mạnh Hội phải tích cực tuyên truyền cách mạng trong quần chúng. Khi tình hình thuận lợi cho lực lượng cách mạng, Quốc tế Cộng sản có thể trợ giúp nhỏ, nhưng ban lãnh đạo địa phương phải tự quyết định vấn đề.
Quốc tế Cộng sản rất chú trọng về sự bất ổn ở Trung Quốc, nơi những nhóm nổi dậy dưới quyền Mao Trạch Đông - lãnh tụ đầy tham vọng của Đảng cộng sản Trung Quốc - trước sự điên cuồng đàn áp của Tưởng Giới Thạch phải di tản vào vùng rừng núi tỉnh Giang Tây, tây nam Thượng Hải. Tuy nhiên, đối với Đảng cộng sản Việt Nam mới ra đời, cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở Việt Nam mang đầy cơ hội và nhiều thử thách. Dù Moscow đưa ra lời khuyên “không cần thiết phải chờ” tới khi một Đảng cộng sản được tổ chức hoàn thiện trước khi phát động cuộc khởi nghĩa. Đảng mới lập chưa sẵn sàng cho những cuộc đụng độ lớn với chế độ thuộc địa Pháp. Đảng lại vừa trải qua một rạn nứt đau buồn trong nội bộ phong trào, những người lãnh đạo lại chưa qua nhiều thử thách và thiếu kiên quyết. Ban chấp hành trung ương chính thức cũng chưa thành lập, hệ thống Đảng bộ địa phương còn đang trong quá trình hình thành. Trước khi Ban chấp hành được lập ra, giới lãnh đạo đảng còn ở Hong Kong, cách xa những sự kiện trong nước. Nếu Đảng âm mưu châm ngòi cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh miền Trung, không có gì dám đảm bảo những tỉnh khác sẽ hưởng ứng. Thậm chí nếu sự chống đối và sự bất mãn ở công nhân và nông dân có thể biến thành hành động, cũng không rõ tầng lớp tiểu tư sản giao động sẽ trợ giúp hoặc đơn thuần chỉ khoanh tay đứng nhìn người Pháp đàn áp, lập lại trật tự ở những vùng nổi dậy. Đối với một người cách mạng nhậy bén lịch sử, điều kiện ở Việt Nam giai đoạn này tương tự như điều kiện ở Nga năm 1905 hơn là năm 1917.
Những đảng viên thận trọng, sáng suốt của giới lãnh đạo Đảng có cùng quan điểm đó. Ngay cả Trần Văn Cung, từng cầm đầu một nhóm ít người đã phá vỡ Hội để hình thành Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929, cũng thận trọng. Theo tình báo Pháp, khi những người lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng tiếp xúc với Cung để xin ông giúp đỡ cho kế hoạch nổi dậy của họ tháng 2-1930, Cung đã từ chối đề nghị, viện cớ, điều kiện cho một cuộc cách mạng chưa chín muồi. Khi một số đảng viên địa phương của Cung muốn tham gia cuộc nổi dậy Yên Bái, những người lãnh đạo khuyên họ nên chống lại cuộc nổi dậy đó.
Nguyễn Ái Quốc chắc chắn hoàn toàn đồng ý. Trước hết, Việt Nam Quốc Dân Đảng không có kỷ luật của một tổ chức đảng. Hơn nữa, ông khuyên Nguyễn Lương Bằng ở Thượng Hải phải hết sức thận trọng trong ý đồ vận động binh lính vì họ không đủ tin cậy. Nói với các đồng chí ở Xiêm vài tuần sau vụ nổi dậy Yên Bái, Quốc nhấn mạnh, ông và những đại biểu khác dự hội nghị thống nhất tháng 2-1930 ở Hong Kong cố gắng một cách vô ích liên lạc với lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng nhằm khuyên họ đừng nổi dậy.[243]
Cán bộ Đảng tham gia trong làn sóng nổi giận bất ổn ở Trung Kỳ, đã nghi ngờ và thiếu niềm tin về tương lai sáng lạn, do vậy họ đã không cố gắng. Bị Nguyễn Phong Sắc thúc ép, những dân quân hăng hái giờ đảm nhận trọng trách của Tỉnh Đảng bộ mới thành lập, còn những cán bộ trong vùng tiếp tục thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở nông thôn.
Đến đầu tháng 9-1930, sự bất ổn có nguy cơ vượt khỏi tầm tay. Những người biểu tình ở một vài huyện dọc sông Cả, tây bắc thị xã Vinh, do Tỉnh uỷ chỉ đạo, bắt đầu cướp chính quyền vào tay mình, đánh đuổi chính quyền địa phương cũ và lập ra những tổ chức nông hội để thành lập chính quyền của nông dân ở cấp địa phương. Những hội đồng nông dân được tổ chức vội vàng như thế, mang tên “Xô viết” theo kiểu Bolsevich và phần đông là những nông dân nghèo hoặc bần cố nông - những người cùng đinh ở làng, xoá bỏ các món nợ, thuế khóa và ra lệnh tịch thu các ruộng công trước đây bị địa chủ và “bọn chủ nợ địa phương” chiếm đoạt. Đồng thời, thành lập những đơn vị tự vệ để duy trì luật lệ và trật tự. Trong lúc ấy, những cuộc đình công của công nhân tiếp tục lan ra ở những nhà máy tại Bến Thuỷ, đồng thời học sinh sinh viên ở Vinh và Trường Quốc Học Huế cũng tổ chức những Hiệp Hội Học sinh Sinh viên và lên tiếng ủng hộ sự kiện này.[244]
Đôi khi, những người quá khích thậm chí đã có những hành động xấu, chiếm đất địa chủ và ám sát những “bạo chúa địa phương”, huỷ bỏ những phong tục truyền thống, như ma chay cưới xin tốn kém và kiên quyết đòi trừng phạt những thói quen “lạc hậu” như cờ bạc, trộm cắp, đĩ điếm. Thậm chí họ còn lập ra những “hợp tác xã” tình nguyện, kêu gọi dân chúng cùng nhau làm việc và chia nhau sản phẩm thu hoạch ở những gia đình trong làng.
Lo sợ mất toàn bộ chính quyền khắp các tỉnh miền Trung, chính quyền Pháp điều những đơn vị lính Lê dương tới giúp Bảo An binh của hoàng triều. Theo báo cáo, ngày 12-9-1930, hàng ngàn người biểu tình tuần hành từ làng Yên Xuyên tới tỉnh lỵ, cướp chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở đây. Quân đội triều đình được điều động tới để chặn con đường tới Vinh, đồng thời máy bay Pháp ném bom xuống giòng người tuần hành. Sau trọn một ngày đánh nhau - viên Toàn quyền Pháp, Rene Robin miêu tả là “ngày tồi tệ nhất” - con đường từ Vinh đến Yên Xuyên có hàng trăm người Việt Nam chết và bị thương.[245]
Khi Đảng bộ địa phương đang bận tâm với nhiệm vụ đối phó sự bất ổn ở nông thôn thì các lãnh đạo đảng chuẩn bị phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành trung ương lâm thời ở Hong Kong. Kế hoạch ban đầu được thảo ra tại hội nghị thống nhất vào tháng 2-1930, đề nghị thành lập ngay ba Xứ uỷ ở Bắc Kỳ, An Nam, và Nam Kỳ. Mỗi Xứ uỷ sẽ bầu đại diện vào Ban chấp hành trung ương lâm thời gồm chín người, dự kiến họp ở một địa điểm ở Bắc Kỳ ngay khi tất cả các đại biểu được chỉ định. Khi Trần Phú, sinh viên sáng giá Trường Stalin ở Moscow, trở lại Hong Kong vào tháng 3-1930, Nguyễn Ái Quốc đã hội ý sau đó cử ông về Việt Nam để trợ giúp những hoạt động của giới lãnh đạo đảng trong nước.
Ban đầu cuộc họp dự kiến vào tháng 4-1930, nhưng không thành, hoãn đến tháng 7-1930, địa điểm họp chuyển về Hong Kong. Do hai đại biểu bị bắt trên đường tới Hong Kong, ngày họp lại bị hoãn một lần nữa, đến tận cuối tháng 10-1930. Để chuẩn bị những công việc lần cuối, Trần Phú trở lại Hong Kong vào tháng 9-1930 hội ý với Nguyễn Ái Quốc và báo cáo về tình hình Đông Dương. Do nắm vững học thuyết Marxist - Leninist nhờ nhiều năm học ở Liên Xô, Trần Phú được bầu vào Xứ uỷ Bắc Kỳ và là uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời, được trao nhiệm vụ viết dự thảo cương lĩnh dựa trên xu hướng mới nhất của đường lối Quốc tế Cộng sản, thay cho bản dự thảo đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc soạn ra trong hội nghị thống nhất tháng 2-1930. Những khác biệt về mặt tư tưởng giữa hai bản này, báo trước những cuộc tranh cãi nẩy lửa tại hội nghị sắp tới.[246]
Sau khi Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú có chuyến đi ngắn ngày tới Thượng Hải để báo cáo cho Noulens và nhận phê chuẩn của ông đối với cương lĩnh mới của đảng, các đại biểu tới Hong Kong tham dự Hội nghị Đảng chính thức lần đầu tiên kể từ tháng 2-1930, (từ đây trở đi gọi là Hội nghị I Ban Chấp Hành Trung ương). Qua báo cáo của những đại biểu, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên nhận được những chi tiết về tình hình bất ổn mới xảy ra ở trong nước. Trong quãng thời gian tử mùa xuân tới mùa hè, ông mất khá nhiều thời gian ở Hong Kong, Đông Nam Á và Thượng Hải nên không thể theo dõi tình hình một cách chi tiết. Sau khi thu thập được tin tức, ông báo cáo Moscow những sự kiện đang xảy ra ở Đông Dương. Ông đề nghị Quốc tế Cộng sản kêu gọi tất cả đồng chí cộng sản ủng hộ quần chúng bị áp bức trong các huyện đang bị bao vây ở Trung Kỳ. Tới lúc này, những cuộc biểu tình ở đó ít thu hút báo chí thế giới, dù những tin tức bất ổn này đã lan tới Paris.[247]
Có nhiều lý do để tin Nguyễn Ái Quốc rất lo ngại về xu hướng bạo lực vũ trang trong phong trào. Dù khủng hoảng nhanh chóng leo thang ở các tỉnh miền Trung chứng tỏ tiên đoán của ông là đúng, quần chúng nông dân ở Đông Dương đang ở ngưỡng cửa cuộc nổi dậy chống lại bọn phong kiến và thực dân áp bức họ, Đảng lại đang ở tình thế khó khăn không thể có chỉ đạo cần thiết để biến nó thành mối đe doạ nghiêm trọng chế độ thực dân. Nhiều năm sống ở Quảng Đông, Nguyễn Ái Quốc đã từng chứng kiến tận mắt cái giá đắt phải trả cho sự chuẩn bị yếu kém. Trong bài báo”Sự nghiệp vũ trang của Đảng trong nông dân” ông viết ở Berlin năm 1928, đã rút ra bài học ở Hoa Nam, phân tích những điều kiện để một cuộc cách mạng thành công có thể xảy ra ở một xã hội tiền công nghiệp giống như Việt Nam. Trong bài báo đó, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng việc sống còn của một liên minh có hiệu quả giữa công nhân thành thị và nông dân. Dù ông thừa nhận, nông dân không thể thu được thắng lợi nếu thiếu sự lãnh đạo của những người vô sản và sự tham gia tích cực của công nhân, ông cũng khẳng định:
Thắng lợi cách mạng vô sản không thể có ở những nước nông nghiệp hoặc bán nông nghiệp nếu giai cấp vô sản cách mạng không được sự ủng hộ tích cực của khối quần chúng nông dân… Ở Trung Hoa, Ấn Độ, châu Mỹ La tinh và ở nhiều nước châu Âu, (các nước bán đảo Balkan, Rumania, Ba Lan, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, v.v…), giai cấp vô sản phải liên minh dứt khoát với quần chúng lao động trong cách mạng. Chỉ khi làn sóng cách mạng hướng tới quần chúng nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, cách mạng mới có thể giành chiến thắng. Kể từ đây sự ủng hộ của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt ở nông thôn.[248]
Tất nhiên, đây là chỉ một thông điệp quen thuộc, các đồng sự của Nguyễn Ái Quốc đã nghe từ trước. Và nó là một thông điệp hoàn toàn phù hợp với đường lối chỉ đạo hiện nay của Cộng sản Quốc tế, khi Moscow thông qua chúng để thâm nhập vào những Đảng cộng sản châu Á từ đầu năm đó. Theo trách nhiệm riêng, mùa hè năm 1930, Lý Lập Tam, tân Tổng Bí thư thúc ép Đảng cộng sản Trung Quốc cố gắng khuấy động nổi dậy kết hợp thành thị và nông thôn ở một số tỉnh miền Trung và Nam Trung Hoa do chính quyền nắm giữ, hòng giành được thắng lợi ở một tỉnh hay nhiều tỉnh.
Việc Moscow thừa nhận những cuộc nổi dậy ở châu Á dựa trên liên minh công - nông đã làm tăng nhiều câu hỏi cần trả lời. Trong điều kiện nào, cuộc nổi dậy theo kiểu này sẽ thành công? Và những chính sách nào nên được đưa ra để đem đến cơ hội thành công tối đa? Lenin đã luôn né được những câu hỏi như thế, nhấn mạnh, cách mạng là một nghệ thuật chứ không phải khoa học. Trong bài báo của mình viết năm 1928, như dẫn ở trên, Nguyễn Ái Quốc đồng tình, trích lời Lenin nói về tác động bạo lực vũ trang ở nông thôn, cũng như ở những thành thị, không được phóng tay “tại bất kỳ thời điểm nào”, chỉ trừ trong những điều kiện cách mạng kinh điển, khi mà “sự áp bức của những tầng lớp thống trị trở thành quá quắt, không chịu đựng nổi, khi quần chúng nông dân trong tình trạng sôi sục cách mạng và sẵn sàng chiến đấu tích cực chống lại trật tự được thành lập”. Vẫn trích dẫn lời Lenin, Quốc vạch ra, những hoạt động tự phát của nông dân chứng tỏ quần chúng bị áp bức không chấp nhận con đường cũ, đất nước đã bước vào“một tình thế cách mạng trực tiếp”.
Nhưng ngay cả Đảng cộng sản xác định được điều kiện kinh điển đang tồn tại cho một cuộc cách mạng thành công, nó còn phải được quyết định hành động như thế nào để tăng khả năng thành công. Trong bài báo, Nguyễn Ái Quốc thừa nhận, không thể áp dụng “những công thức chung và những công thức đa năng về tổ chức và chiến thuật”, bởi vì điều kiện trong từng nước rất khác nhau. Đặc biệt, đó là “nghĩa vụ của đảng vô sản luôn luôn phải nắm bắt tin tức những điều kiện cụ thể của thời khắc” và phải hiểu biết cặn kẽ tình hình chính trị và đặc điểm riêng của dân chúng địa phương và văn hoá, để đưa ra chiến thuật và chiến lược phù hợp.
Để cuộc khởi nghĩa thành công, Lenin đưa ra một trong những điều kiện tiên quyết, sự ủng hộ để lật đổ trật tự cũ phải được lan rộng trong cả nước. Nhưng Nguyễn Ái Quốc đã rút kinh nghiệm của chính ông ở Trung Hoa, cuộc nổi dậy cách mạng có thể nổ ra ban đầu ở một tỉnh, sau đó lan dần sang những khu vực khác. Để tạo ra cơ hội thành công tốt nhất, ông đề nghị một tiến trình hành động riêng, giai đoạn đầu tiên của cuộc nổi dậy nên nổ ra ở một tỉnh, nơi có một số khu công nghiệp nằm giữa nơi đông dân cư nông thôn. Tại thời điểm thích hợp, khi điều kiện cách mạng chín muồi, nông dân sẽ tổ chức những đơn vị vũ trang và sau đó cùng với công nhân và dân nghèo thành thị ở những vùng khác tham gia chiến dịch trong nước. Cuộc đấu tranh vũ trang ở nông thôn theo cách này dần dần lôi kéo khí thế quần chúng và đi từ phòng vệ sang phản công. Quốc thừa nhận, ở một số quốc gia, đa dạng về mặt địa lý, kinh tế và nhiều điều kiện chính trị khác nhau thì việc lực lượng cách mạng cướp chính quyền sẽ không xảy ra trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng, mà có thể là một thời kỳ kéo dài hoạt động cách mạng trong cả nước.
Những gì Nguyễn Ái Quốc chứng kiến ở Hong Kong, tình hình ở Trung Kỳ trong chín tháng đầu năm 1930 có một số dấu hiệu đúng như ông đã vạch ra trong bài báo ông viết cách đây hai năm. Sự bất ổn ở Trung Kỳ đã dẫn đến một liên minh chính thức giữa công nhân và nông dân, đồng thời những hành động tương tự đang xuất hiện ở những nơi khác trong cả nước. Mặt khác, ông bớt lạc quan do hoài nghi trước viễn cảnh thành công. Như trong nhiều bài báo ông đã viết trước đây, trình độ hiểu biết về chính trị và tổ chức ở Việt Nam còn sơ đẳng hơn nhiều so với những nước bán thuộc địa như Trung Hoa. Việt Nam nhỏ hơn Trung Hoa, ít có khả năng duy trì thành công được ở một khu vực. Ngoài ra, người Pháp là một đối thủ ghê gớm, khủng khiếp hơn chính phủ quân phiệt yếu ớt ở Trung Hoa. Cuối cùng, dù được Moscow tin tưởng, ông cảm thấy đảng cách mạng ông mới thành lập vẫn chưa đủ sức chuẩn bị làm chủ được tình hình.
Vì thế, cuối mùa hè năm 1930 khi Nguyễn Ái Quốc nhận được những báo cáo về bất ổn ở Trung Kỳ, ông thận trọng phản ứng trước tin tức này. Thảo luận với các đồng sự ở Hong Kong trước khi họp Hội nghị tháng Mười của Ban Chấp hành Trung ương, ông nói, vì thiếu thông tin bổ sung về tình hình, nên không dám có lời khuyên các lãnh đạo đảng ở Đông Dương ứng phó ra sao. Nhiều đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc sống ở Hong Kong, khuyên nên có hành động mạnh mẽ, chỉ ra rằng đảng của họ đã nắm bắt những lợi thế những cơ hội như vậy ở Trung Hoa. Nhưng Quốc vẫn cho hoàn cảnh ở Đông Dương chưa chín muồi để chuyển thành một giai đoạn tổng nổi dậy, dù ông công nhận nó có thể thích hợp với những tổ chức được bầu ra ở những làng nổi dậy và chia ruộng đất cho dân nghèo địa phương. Các đồng chí của Quốc đón nhận lời khuyên với thái độ hoài nghi, ngay cả một số người thận trọng hơn cũng cho hoàn cảnh này chưa đảm bảo cho bất kỳ can thiệp nào của Đảng.[249]
Dù thâm tâm Nguyễn Ái Quốc nghi ngờ về hậu quả thế nào đi nữa, ông cảm thấy Đảng bị sức ép cả về tinh thần lẫn chính trị để tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng nổi dậy ở các tỉnh miền Trung. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam - và duy nhất Đảng cộng sản Việt Nam - đứng hẳn về phía quần chúng bị chà đạp, áp bức trong cuộc đấu tranh chống lại thế lực đàn áp họ, thì Đảng mới có thể củng cố mối quan hệ của mình với nhân dân Việt Nam, chuẩn bị cơ sở cho cuộc cách mạng tương lai. Nếu tiếng vang cuộc nổi dậy được thế giới biết đến, nó sẽ chứng tỏ sự yếu kém của Pháp ở Đông Dương, thuyết phục Moscow rằng nhân dân Đông Dương có thể đóng góp quan trọng vào làn sóng cách mạng ở châu Á.
Lúc này, Nguyễn Ái Quốc có những thăm dò thích hợp để đạt được cân bằng tế nhị giữa hành động thận trọng và sự liều lĩnh dại dột, đang ủng hộ mạnh mẽ những phần tử nổi dậy ở các tỉnh miền Trung, đồng thời cố gắng giảm sự tổn thất nhất khi cuộc nổi dậy bị đàn áp. Khoảng tháng Chín, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam ở Hong Kong gửi thư tới Xứ uỷ Trung Kỳ, khuyên:
Ở Thanh Chương và Nam Đàn lúc này, Ban chấp hành Tỉnh uỷ Nghệ An tán thành bạo lực (lập những Xô viết, chia đất, v.v…); những chính sách như thế chưa thích hợp, vì sự chuẩn bị của Đảng và quần chúng của cả nước chưa sẵn sàng, cũng không phải là bạo lực vũ trang. Bạo lực đơn lẻ, cô lập với nhiều vùng là hấp tấp, là một hành động phiêu lưu mù quáng. Nhưng với những thứ họ đang làm, chúng ta cần phải ứng xử theo cách bảo vệ đảng và ảnh hưởng Xô viết để thậm chí nếu thất bại, ý nghĩa của những Xô viết sẽ thấm sâu vào ý nghĩ quần chúng và ảnh hưởng của đảng và những hội nông dân nghèo sẽ vẫn còn được duy trì.[250]
Vẫn không rõ khi nào Xứ uỷ Trung Kỳ nhận được chỉ thị để chuyển tới Tỉnh uỷ hay không. Để trả lời với phê bình đó, đầu tháng 10-1930, báo “Người Lao Khổ” (The Oppressed), tờ báo chính thức của Đảng - đăng bài xã luận nhằm vào Đảng uỷ địa phương. Bài xã luận viết “Lúc này chưa phải là lúc sử dụng bạo lực”, những ai còn duy trì điều này thì đó là sai lầm. Không những không được sự ủng hộ mức độ cao ở các vùng, mà quần chúng còn có rất ít kinh nghiệm cách mạng, đồng thời những đơn vị dân quân ở địa phương mới được thành lập gần đây còn yếu kém cả về kỷ luật lẫn vũ khí. Bài xã luận kết luận, Đảng đòi hỏi tình hình chung có thuận lợi giống như chuẩn bị một cuộc chiến lớn, để khi tiến hành nổi dậy phải thành công.[251]
Nhưng Tỉnh uỷ Nghệ An, đơn vị chính có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động Đảng tại địa phương, có cách nhìn khác. Trong một thông tư đưa ra đầu tháng Mười, Tỉnh uỷ hướng dẫn những đơn vị địa phương cấp dưới tiếp tục tiến hành chính sách bạo lực vũ trang chống lại những phần tử phản cách mạng, lập luận, nếu không làm như vậy quần chúng sẽ thoái chí và tố cáo cán bộ Đảng với nhà cầm quyền. Bản thông tư kết luận, bạo lực làm kẻ thù khiếp sợ và giúp sự nghiệp cách mạng thêm mạnh mẽ, đồng thời cuộc đấu tranh mang ý nghĩa sống còn. Thông tư của Ban chấp hành hướng dẫn tất cả những đơn vị tiếp tục tịch thu ruộng công vẫn còn nằm trong tay địa chủ và tiến hành ám sát có chọn lọc bọn quan lại phản cách mạng. Tuy nhiên, Tỉnh uỷ cũng nhấn mạnh những quyết định như thế cần phải được báo cáo rõ với cấp trên từ trước.[252]
Dưới bóng mây cuộc nổi dậy đang lan rộng ở Trung Bộ, lãnh đạo đảng ở Hong Kong vẫn tiếp tục chuẩn bị phiên họp toàn thể lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương. Cuối tháng 9-1930, đại biểu Nam Kỳ đã tới, nhưng chưa thấy tăm hơi những đại biểu Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Được Nguyễn Ái Quốc chấp thuận, những người sáng lập Đảng có kế hoạch trở về Đông Dương, nhưng ngay trước lúc họ xuất phát, vài đại biểu Bắc Kỳ từ Hải Phòng tới, vì thế họ đã quyết định tiếp tục họp hội nghị.[253]
Trước khi tiến hành hội nghị, Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú đi lần chót tới Thượng Hải báo cáo tình hình và tham khảo ý kiến Noulens về nội dung những quyết định sẽ đưa ra tại hội nghị. Trần Phú trở lại Hong Kong đầu tháng 10-1930, còn Nguyễn Ái Quốc ở lại Thượng Hải thêm vài ngày để tham khảo trước khi lên tàu thuỷ Mỹ vào giữa tháng về Hong Kong.[254]
Ngày 20-10-1930, vài ngày sau khi Nguyễn Ái Quốc trở lại Hong Kong, Ban Chấp hành Trung ương họp tại một căn hộ nhỏ ở phố Khai Nguyên, Hong Kong. Tới lúc này, đại biểu từ khắp ba miền thay mặt cho toàn thể 900 đảng viên tới dự - một đại biểu tới Hong Kong bị lạc, không tìm được nơi họp. Nguyễn Ái Quốc làm việc với cả hai chức danh - chủ tịch và đại diện Quốc tế Cộng sản. Cùng tham dự còn có một uỷ viên dự khuyết - Nguyễn Thị Minh Khai, nữ đảng viên trẻ, nước da ngăm ngăm, khá đẹp, được cử tới Hong Kong vào tháng 4-1930 làm trợ lý cho Nguyễn Ái Quốc tại Văn Phòng Phương Nam.[255]
Chủ đề đầu tiên thảo luận là thông qua cương lĩnh chính trị mới thay thế cương lĩnh tạm thời do Nguyễn Ái Quốc thảo ra tại hội nghị thống nhất tháng 2-1930. Bản cương lĩnh tạm thời do Nguyễn Ái Quốc thảo không còn hoàn toàn phù hợp với tư tưởng chiến lược đương thời ở Moscow, được vạch ra trong thư phê bình của Quốc tế Cộng sản gửi tới Paris tháng 12-1929. Thư phê bình này, không tới tay Nguyễn Ái Quốc khi ông triệu tập hội nghị thống nhất, đã chỉ ra một số thiếu sót về tư tưởng trong bản tuyên ngôn của Hội Thanh Niên Cách mạng - những thiếu sót này vẫn còn phản ánh trong bản cương lĩnh tạm thời tháng 2-1930. Theo quan điểm Moscow, bản cương lĩnh không những chưa nhấn mạnh đầy đủ vai trò chính của giai cấp công nhân trong cách mạng Việt Nam, mà nó còn giữ chủ thuyết Leninist không hợp thời về cách mạng hai giai đoạn.[256]
Đa số đại biểu dự Hội nghị toàn thể chấp nhận quan điểm Moscow về những khuyết điểm trong cương lĩnh tháng 2-1930, do vậy thông tri của Ban Chấp Hành Trung ương mới gửi cho tất cả đảng viên sau khi kết thúc hội nghị toàn thể, ngày 9-12, phê bình nặng nề chiến lược mặt trận thống nhất mà Hội nghị tháng 2-1930 thông qua. Trong khi chiến lược mặt trận thống nhất tìm kiếm sự ủng hộ của những phần tử tư sản và địa chủ nhỏ trong sự nghiệp độc lập dân tộc, thì bản thông tri, (do Trần Phú viết), giờ đây nhấn mạnh - những phần tử như thế là kẻ phản cách mạng và cuối cùng họ sẽ phản bội lại sự nghiệp cách mạng. Bản thông tri cũng phê bình một thực tế là sau hội nghị thống nhất, tất cả những phe phái thuộc phong trào cách mạng đã gộp lại với nhau một cách bừa bãi hơn là chọn lọc những người cách mạng trung thành nhất trong những phe phái đó.[257]
Bản cương lĩnh chính trị mới, được nhất trí thông qua, dứt khoát sửa chữa những thiếu sót của bản cương lĩnh trước. Đặt tên mới cho mặt trận thống nhất - “Mặt trận phản đế” - tuyên bố, liên minh của giai cấp công nhân Việt Nam với nông dân nghèo và trung nông là chính. Được phép hợp tác với tiểu tư sản trí thức và những đảng phái khác nhưng phải thận trọng, vì phần đông những phần tử đó - dựa trên kinh nghiệm xương máu của Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1927 - có thể từ bỏ cách mạng khi thoái trào và chạy sang phía đế quốc. Được phép quan hệ với những đảng đó, nếu họ không cản trở những nỗ lực của Đảng để tuyên truyền quần chúng. Phải cố gắng chống lại “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” và ảnh hưởng của họ trong quần chúng. Ngoài ra, bản cương lĩnh mới tuyên bố, tất cả những xu hướng “tiểu tư sản” như khủng bố, ám sát, hoặc làm yếu lòng tin trong quần chúng phải được Đảng loại bỏ không thương tiếc. (Lời phê bình này, thường đưa ra trong những chỉ thị mà Liên Xô gửi tới các Đảng cộng sản các nước trên thế giới, vì Moscow cho rằng trí thức hăng hái thường có xu hướng dựa vào những hành động bạo lực gây tiếng vang hơn là chịu khó nỗ lực để xây dựng phong trào cách mạng trong quần chúng. Nó cũng phản ánh sự phê bình của chính Nguyễn Ái Quốc về phương pháp ganh đua của Đảng, chẳng hạn như với Việt Nam Quốc Dân Đảng, để làm suy yếu chế độ thuộc địa).[258]
Hội nghị tháng 10-1930 cũng đã đổi tên Đảng cộng sản Việt Nam. Theo đề nghị của Moscow, đảng đổi tên thành Đảng cộng sản Đông Dương. Dù rõ ràng nguyên nhân đổi tên mang tính chiến lược của Đảng vào đường lối Quốc tế Cộng sản, tin tưởng phong trào cách mạng ở những nước nhỏ sẽ lôi kéo những nỗ lực của họ bằng sự hình thành những đảng trong khu vực để thoát khỏi ách thực dân, nó cũng nên tham khảo “Việt Nam” để chuyển sự nghiệp độc lập dân tộc - lúc này Moscow cho là mối quan tâm “tiểu tư sản” - sang đấu tranh giai cấp. Sau khi kết thúc Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đưa ra một bản thông cáo chung, công khai giải thích nguyên nhân việc đổi tên:
Dù Việt Nam, Campuchia và Lào là ba dân tộc riêng rẽ, nhưng trên thực tế họ hình thành chỉ từ một khu vực. Về kinh tế họ gắn kết chặt với nhau, đồng thời về chính trị tất cả ba nước đều bị đế quốc Pháp cai trị và áp bức. Nếu công nhân và tất cả quần chúng lao động trong ba nước này muốn để lật đổ đế quốc, phong kiến và địa chủ để khôi phục độc lập và giải phóng chính mình, họ không thể chiến đấu riêng rẽ. Vì thế Đảng cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân và người lãnh đạo tất cả quần chúng trong việc tiến hành cách mạng, không được tách rời sự hiện diện của Việt Nam, Campuchia và Lào. Nếu kẻ thù của cách mạng là một khối thống nhất, khi đó Đảng cộng sản cũng cần phải tập hợp lực lượng công nhân trên toàn cõi Đông Dương.[259]
Sau khi thay đổi cương lĩnh và tên Đảng, hội nghị tập trung vào tình hình Đông Dương. Sự bất ổn ở các tỉnh miền Trung đặt những người lãnh đạo vào tình thế khó xử. Tình thế ngày càng tăng nguy cơ bùng nổ ở những tỉnh ven biển Trung Kỳ dường như không giống một cuộc nổi dậy toàn dân chống lại cai trị Pháp. Dù vài cuộc bùng nổ bạo lực riêng biệt chống lại nhà cầm quyền đã xảy ra ở vài huyện nông thôn ở miền Nam, nông dân ở Bắc Kỳ vẫn im lặng, kể cả ở những làng nghèo đói cùng cực ở đồng bằng sông Hồng. Tình hình cũng tương tự ở khu vực thành thị. Tại Sài Gòn và Hà Nội, chỉ có một số ít công nhân bãi công ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung, còn hầu hết dân chúng ở thành phố tỏ ra thờ ơ. Tầng lớp trung lưu thành thị nhìn những sự kiện ở An Nam bằng sự mê say hoặc kính nể, nhưng không đứng dậy. Vì Việt Nam Quốc Dân Đảng đã thất bại sau bạo động Yên Bái, chẳng có nhóm tổ chức dân tộc chủ nghĩa nào ở Việt Nam đủ sức tập hợp quần chúng chống lại sự áp bức của đế quốc - ngoại trừ đảng cộng sản. Ngoài ra, hình ảnh bạo lực bí mật và đấu tranh giai cấp đang được phong trào Xô viết ở các tỉnh miền Trung tiến hành chắc chắn đã làm cho nhiều người có thiện cảm sợ hãi, khiến những người theo đường lối cứng rắn Marxist nghĩ rằng giai cấp tư sản đang dao động và không thể được xem là liên minh đáng tin cậy của lực lượng cách mạng.
Ban lãnh đạo Đảng ở Hong Kong theo dõi chặt chẽ tình hình này. Một quyết nghị đưa ra khi kết thúc Hội nghị toàn thể tháng Mười tuyên bố, phong trào cách mạng địa phương phải cố gắng mở rộng ra toàn cõi Đông Dương để tập trung sức mạnh quần chúng chống lại “khủng bố trắng” của chính quyền thực dân. Nhưng trong cùng thời gian này bản nghị quyết hướng dẫn họ khẩn trương chống lại tất cả những xu hướng bạo lực sớm, phiêu lưu mù quáng, những khuynh hướng sai lầm được đổ lỗi cho các phần tử yếu kém và không thực tế đã chui vào Đảng sau hội nghị thống nhất. Bản nghị quyết buộc tội những phần tử đó đã quá nhấn mạnh vào đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc và thiếu đấu tranh giai cấp. Ban Chấp hành Trung ương chỉ ra, điều quan trọng nhất bây giờ là củng cố gốc rễ Đảng với quần chúng bị áp bức để cuộc nổi dậy tương lai sẽ có cơ hội thành công tốt hơn. Muốn làm được điều này, công tác tuyên truyền phải tập trung vào những vấn đề ở nông thôn, như chống sưu cao thuế nặng nề, đòi giảm tô và hạn chế độc quyền.[260]
Sau đó, Hội nghị gửi một thông cáo đặc biệt tới ban lãnh đạo Đảng ở hai tỉnh đang nổi dậy Nghệ An và Hà Tĩnh, bày tỏ quan điểm của mình về những Xô viết mới thành lập:
Nếu quần chúng ở nơi nào đó hành động tự phát, Đảng không còn lựa chọn khác, nhưng phải lãnh đạo họ tức thời. Trong trường hợp như thế này, ban chấp hành (có lẽ Tỉnh uỷ Nghệ An) đang tiến hành những hành động như thế và rất sai lầm, vì:
a) Mặc dù tình hình ở một số nơi đang là cách mạng, mức hiểu biết chung và cuộc đấu tranh của công nhân và dân nghèo trong vùng không cao,
b) Dù có sự hiểu biết cao hơn và hăng hái ở một số làng, nhưng không đủ vũ khí.
Nhận định tình hình chung ở Việt Nam và sức mạnh tương quan và sự chuẩn bị giữa lực lượng cách mạng và kẻ thù, bản thông cáo kết luận, tiến hành bạo lực chỉ trong một vùng thôi cũng không phải là đường lối đúng. Ở các tỉnh miền Trung, những hoạt động của đảng nên tận dụng tình hình thuận lợi do nạn đói lan rộng và sự tàn ác của đế quốc để mở rộng đấu tranh quần chúng, nhưng không dựa vào những hành động bạo lực sớm và cô lập, đồng thời chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để thu được thắng lợi hoàn toàn trong tương lai.[261]
Kết thúc Hội nghị toàn thể lần đầu tiên, các đại biểu bầu ra Ban Thường trực Trung ương, cũng như Ban Thường Vụ gồm Trần Phú, Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà hoạt động Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc, dù Nguyễn Phong Sắc không tham dự hội nghị ở Hong Kong. Thoạt đầu, Ban Thường Vụ, hy vọng sẽ lãnh đạo Đảng trong khoảng thời gian giữa những phiên họp Ban Chấp Hành Trung ương, dự kiến đóng tại Hải Phòng, nhưng khi đại biểu Bắc Kỳ cho rằng ở Hải Phòng kém an toàn, nên quyết định lập trụ sở Đảng tại Sài Gòn, vì đường thông tin liên lạc với Pháp và Trung Hoa tương đối tiện lợi. Trần Phú, bây giờ nổi lên là nhân vật chính của đảng, giữ chức Tổng Bí Thư, đồng thời Nguyễn Ái Quốc ở lại Hong Kong là đại diện Văn Phòng Phương Nam thuộc Quốc tế Cộng sản.[262]
Nguyễn Ái Quốc nhận thức, những quyết định đưa ra tại hội nghị toàn thể là sự vứt bỏ rõ ràng, thậm chí trắng trợn một số ý tưởng của chính ông và phong cách lãnh đạo của ông. Điều làm ông đau lòng, trong một số trường hợp, sự phê bình là vô căn cứ. Trong nhiều năm lãnh đạo Hội, ông cố gắng nâng cao trình độ tư tưởng của những hội viên, đã kiên trì thúc đẩy tất cả cán bộ đang hoạt động ở Việt Nam tìm kiếm những công nhân có phẩm chất tốt cho Hội và đào tạo họ. Bị những đồng sự trẻ hơn và ít kinh nghiệm hơn cáo buộc hoàn toàn về tư tưởng yếu mềm khiến ông đau lòng.
Thực tế, đường lối mới của Quốc tế Cộng sản không chỉ đơn giản gạt bỏ bản thân Nguyễn Ái Quốc, mà còn gạt bỏ quan điểm chiến lược do chính Lenin đề ra năm 1920 tập trung vào vấn đề độc lập dân tộc và tìm kiếm sự cộng tác tích cực của những phần tử cấp tiến nằm trong tầng lớp trung lưu và Nho giáo nông thôn. Trong kỷ nguyên mới, khi việc thành lập một liên minh hiệu quả với những đảng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Hoa và Ấn Độ thuộc Hà Lan đã thất bại, thì những ý tưởng của Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng giàu kinh nghiệm nhất ở toàn cõi Đông Dương, có lẽ không còn thích hợp nữa.
Dù bị mất thể diện, ông chấp nhận lui xuống với thái độ khiêm nhường. Theo lời kể của một người tham dự hội nghị, Quốc “rất khiêm tốn, lắng nghe và tôn trọng những quan điểm của tập thể”, những quan điểm mà trong nhiều trường hợp đối lập mạnh mẽ với quan điểm của chính ông. Trong những lần trao đổi riêng với các đồng chí của mình trước hội nghị toàn thể, ông thú nhận, những quyết định tại hội nghị thống nhất là thiển cận và thông qua một cách hấp tấp, nhưng ông quy trách nhiệm về “những khoảng trống” đó cho Ban Chấp Hành khu vực của Hội ở Việt Nam, đã không cung cấp cho ông thông tin đầy đủ tình hình trong nước. Sau đấy, với chức danh đại diện Quốc tế Cộng sản ở Hong Kong, ông báo cáo những kết quả của Hội nghị cho Hilaire Noulens ở Thượng Hải.[263]
Nguyễn Ái Quốc vẫn còn mong muốn các đồng chí tiếp thu ý tưởng của ông. Giữa tháng 11-1930, Ban Thường Vụ đưa ra một chỉ thị hướng dẫn cấp dưới thành lập Mặt trận phản đế. Bản chỉ thị đã úp mở sự răn đe những quan điểm của Quốc về thành phần mặt trận thống nhất vẫn còn rơi rớt trong Đảng. Bản chỉ thị nhấn mạnh, phải xây dựng mặt trận thống nhất rộng rãi gồm các tầng lớp khác nhau trong xã hội Việt Nam - đặc biệt tại các tỉnh nóng bỏng ở Trung Kỳ. Bản chỉ thị vạch ra, gần đây nhiều cán bộ không có hiểu biết kỹ mục đích của mặt trận thống nhất, họ thành lập “những công đoàn đỏ” và “hội nông dân đỏ” mà không thấy được tầm quan trọng việc thành lập những tổ chức quần chúng cho giới trí thức, tầng lớp trung lưu và địa chủ yêu nước. Bản chỉ thị nói thêm, một số đảng viên không nhìn thấy tính chất tiến bộ của những đảng cách mạng quốc gia chủ nghĩa như Việt Nam Quốc Dân Đảng, vừa bị đàn áp tàn bạo hồi đầu năm. Những nhóm như thế thường sợ hãi, tại một số nơi trong nước đã biểu hiện đối lập với cách mạng, nhưng ở nơi khác, chẳng hạn các tỉnh Trung Kỳ, họ thường nghiêng về phía tiến bộ. Bản chỉ thị kết luận: điều quan trọng là phải nhận ra cách mạng dân tộc là một phần không thể tách rời của cách mạng giai cấp.[264]
Theo quan điểm của những đảng viên liên quan tới thành phần mặt trận thống nhất, bản chỉ thị này cho thấy dù có bất cứ động thái nào đi nữa, có thể đã phủ nhận thông tri tháng 12 của Ban Chấp hành Trung ương. Thông tri đó giải thích những quyết định đưa ra tại hội nghị toàn thể và những khuyết điểm phạm phải trước hội nghị thống nhất tháng Hai. Bản thông tri phê bình mạnh mẽ vai trò của giai cấp tư sản trong cách mạng Việt Nam. Dù một số thành viên giai cấp tư sản dân tộc chống lại đế quốc, nhưng họ không đủ khả năng để chống lại một cách mạnh mẽ. Khi cách mạng thoái trào, họ sẽ chuyển sang phe đế quốc. Ảnh hưởng của giai cấp tư sản trong quần chúng như vậy rất nguy hiểm và phải bị vạch mặt. Địa chủ cũng có quan điểm tương tự bọn phản cách mạng, ruộng đất của họ phải bị tịch thu và chia cho nông dân và trung nông.[265]
Trong thời gian từ cuối thu tới mùa đông 1930-1931, Pháp cố gắng ngăn chặn sự bất ổn đang tăng. Những cuộc biểu tình của nhân dân bị đàn áp tàn bạo, những làng từng ủng hộ cuộc nổi dậy bị quân đội chính phủ tàn phá, chiếm đóng, toà án đế quốc ra lệnh bắt giam hàng loạt những người bị tình nghi ủng hộ cuộc nổi dậy. Nhiều Tỉnh uỷ Trung Kỳ báo cáo về sự sa sút về tinh thần và quần chúng nhân dân kém ủng hộ phong trào. Trong tuyệt vọng, giới lãnh đạo Đảng phớt lờ lời khuyên của Quốc và quay sang thực hiện khủng bố, kể cả những cuộc tấn công vào bộ máy chính phủ và ám sát những nhân vật bị tình nghi thân Pháp.
Đầu năm 1931, Ban thường vụ, bây giờ đóng tại Sài Gòn, gửi một chỉ thị mới tới ba Xứ uỷ, nhắc nhở họ chống lại sự hoang mang hoặc bi quan trong phong trào cách mạng. Bản chỉ thị nhấn mạnh, mục đích đấu tranh là để tiến hành cuộc cách mạng. Chỉ khi nào đảng viên tiến hành cách mạng và thành lập chính quyền Xô viết, mới thu được lợi ích lâu dài. Bản chỉ thị nói rõ, quần chúng đang bị thoái chí, đã mất phương hướng, lịch sử đã chứng minh, nếu quần chúng là những người tham gia cách mạng, thì cuộc đấu tranh ấy không bao giờ bị dập tắt. Ban Thường Vụ gạt bỏ những yêu cầu của đảng bộ địa phương về quyền của họ làm một thứ gì đó - hoặc bất cứ thứ gì - để bảo vệ quần chúng khỏi bọn áp bức bóc lột họ, giải thích, Đảng không có phương pháp kỳ diêu, cũng không có đũa thần để phát động một cuộc cách mạng thành công. Đảng không có quân đội, không có máy bay chiến đấu. Tất cả những phương tiện mà Đảng có là thức tỉnh quần chúng tìm đường tự giải phóng mình, dùng sức mạnh của chính mình để tiến hành đấu tranh, tự tổ chức để chống lại bọn áp bức.
Bản chỉ thị kết luận bằng một loạt hướng dẫn cho các đảng bộ địa phương làm sao tránh hoang mang sợ hãi, thúc đẩy đấu tranh quần chúng, chẳng hạn tổ chức công nhân đình công và nông dân biểu tình chống khủng bố trắng của kẻ thù. Bản chỉ thị vạch ra, quần chúng có ý thức cách mạng và sẵn sàng chịu sự lãnh đạo. Nói khác đi, họ sẽ hành động theo cách riêng của họ và phớt lờ Đảng, Đảng sẽ phải theo đuôi họ. Đồng thời, Ban Thường Vụ cố gắng can ngăn việc sử dụng bạo lực vũ trang, không đồng ý với những ai, yêu cầu phong trào cần thu thập vũ khí để tự vệ trước kẻ thù. Dù quần chúng là những người cách mạng, đất nước chưa ở trong tình thế cách mạng trực tiếp, và Tự Vệ Đỏ (Xích vệ) không phải là Hồng quân. Xích vệ có thể giúp công tác tuyên truyền, thúc đẩy sự thống nhất bên trong phong trào, biểu thị tinh thần tự nguyện hy sinh. Và với những mục đích này, vũ khí không cần thiết.[266]
Trở lại Hong Kong, Nguyễn Ái Quốc cố gắng hướng dư luận thế giới vào những thử thách của nhân dân Việt Nam. Trong báo cáo gửi Moscow, ông miêu tả bản thân là người làm việc hết sức mình tại Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải để quảng bá cuộc nổi dậy và hướng dẫn những tổ chức công nhân trên thế giới ủng hộ của các đồng chí của mình ở Đông Dương. Trong bài báo nhan đề “Nghệ Tĩnh Đỏ” (Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi lực lượng nổi dậy mạnh nhất), viết đầu năm 1931, ông bóng gió nói về sức mạnh bùng nổ của sự bất mãn giữa công nhân và nông dân nghèo ở Trung Kỳ và kết luận rằng cuộc nổi dậy ở đó đáng được vinh danh “đỏ”.[267]
Nhưng Nguyễn Ái Quốc nản vì bất lực trong vai trò chỉ đạo phong trào. Căng thẳng leo thang nhanh chóng trong quan hệ giữa ông với Trần Phú, người đã phê bình Nguyễn Ái Quốc về khuynh hướng “dân tộc chủ nghĩa” và thiếu khả năng nắm bắt đường lối mới nhất của Quốc tế Cộng sản. Quốc cố nuốt giận trước đồng sự trẻ tuổi hơn mình, nhưng việc Trần Phú hăng hái đả kích ông và chiếm lấy vị trí lãnh đạo Đảng được xem là đòn tấn công mạnh mẽ.
Căng thẳng giữa hai người bắt đầu công khai từ đầu năm 1931. Trong một bức thư gửi Quốc tháng 1-1931, Trần Phú phàn nàn về việc mất đường dây liên lạc giữa Sài Gòn với Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải. Trần Phú bực mình hỏi, “Ai chịu trách nhiệm về việc gián đoạn đường dây liên lạc này? Nếu Quốc không thể đảm nhận liên lạc giữa Ban Thường Vụ với Thượng Hải và Quốc tế Cộng sản ở Moscow, thì chức năng của Quốc ở Hong Kong là gì? Chẳng lẽ không còn cách nào khác để Thượng Hải và Moscow có thể liên lạc với Ban Thường Vụ?” Trần Phú tuyên bố, ít ra Ban Thường Vụ tại Sài Gòn phải nhận được những bức thư mà Văn phòng Viễn Đông và Quốc tế Cộng sản đã hứa gửi cho họ. Cuối thư, Trần Phú với giọng kẻ cả chê bai đồng sự lớn tuổi của mình.[268]
Dù Nguyễn Ái Quốc có thể bực mình trước giọng kẻ cả của Trần Phú trong thư, nhưng ông tìm cách trả lời trung thực những phàn nàn của Trần Phú. Trong một bức thư không đề ngày tháng gửi Noulens ở Thượng Hải, ông nói “công ty chúng tôi” tại Sài Gòn “cần thư của ông”. Quốc lưu ý,“công ty” chỉ mới hoạt động và vẫn chưa nhận được bất kỳ mệnh lệnh nào tiếp theo. Không có những chỉ thị và ủng hộ chính thức từ công ty mẹ, đại diện tại Sài Gòn khó thực hiện nhiệm vụ ở tất cả những chi nhánh của họ. Vì thế, việc sống còn đối với họ là nhận được thư càng sớm càng tốt.[269]
Nhiều đồng sự trẻ của Nguyễn Ái Quốc thông cảm với những thất vọng của ông. Trong một bức thư khác gửi Noulens vài ngày sau, ông phàn nàn về việc thiếu những chỉ thị của Cộng sản Quốc tế, vạch ra, suốt vài tháng chẳng có một bức thư nào tới văn phòng ở Hong Kong từ bất kỳ tổ chức nào dưới quyền Moscow, hoặc ngay cả từ Đảng cộng sản Pháp, người đóng vai trò không chính thức đỡ đầu Đảng cộng sản Đông Dương. Ông đau xót nói, nhân dân Đông Dương, thực tế đang phải chịu đựng, trong cuộc đấu tranh hàng triệu người bị bắt và hàng trăm người bị chết nhưng hoàn toàn bị các đồng chí của họ trên thế giới phớt lờ. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng, chẳng mong chờ được gì từ đoàn kết quốc tế. Cuối thư, Quốc nói, để có thêm chỉ thị, ông yêu cầu được chuyển tới Thượng Hải.[270]
Đầu tháng 3-1931, một du khách tới Hong Kong mang đến một số hướng dẫn bổ sung tạm thời. Joseph Ducroux, đặc vụ Quốc tế Cộng sản mang bí danh Serge Lefranc, làm việc tại Ban Thư Ký Liên đoàn Lao động Thái Bình Dương thuộc Cộng sản Quốc tế ở Thượng Hải, tới Hong Kong hội ý với Nguyễn Ái Quốc trong chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi Đông Nam Á, tư vấn với giới lãnh đạo Đảng cộng sản khắp khu vực. Lefranc và Nguyễn Ái Quốc từng quen biết nhau đầu thập niên 1920, hai người có mối liên lạc với Liên đoàn Thanh Niên Cộng sản ở Paris, Nguyễn Ái Quốc nhân cơ hội cuộc gặp này muốn sẻ bớt gánh nặng bản thân đối với người khách của mình. Lefranc tức khắc chuyển những lời phàn nàn của Quốc tới Noulens. Ủng hộ những yêu cầu Nguyễn Ái Quốc về tăng quỹ hoạt động, Lefranc kết luận: “Chúng ta cũng cần xem xét cách tốt nhất sử dụng ông ta. Ông Quốc có thể làm nhiều việc hơn là công việc liên lạc, phiên dịch và ở đây ông chỉ làm việc đó thôi. Do làm nhân viên liên lạc, ông bị tách khỏi Đông Dương, vì thế ông ta có thể làm việc (công việc chính trị) không chính thức”. Xin lưu ý, Nguyễn Ái Quốc một trong những đặc vụ dầy dạn kinh nghiệm, làm việc có hiệu quả nhất trong khu vực. Lefranc dự định đưa Quốc tới Thượng Hải để nắm công việc Đông Dương dưới sự chỉ đạo trực tiếp Văn phòng Viễn Đông, cùng với một người nào đó được chỉ định làm công tác liên lạc ở Hong Kong. Lefranc xác nhận, kể từ tháng Mười, Đảng cộng sản Đông Dương chưa hề nhận được những chỉ thị từ Moscow và giới lãnh đạo Đảng gần như bị cô lập. Lefranc kết luận, giá như Nguyễn Ái Quốc ở Thượng Hải, Đảng có thể hoạt động tốt hơn.[271]
Hai tuần sau, Lefranc tới Sài Gòn. Do được Nguyễn Ái Quốc báo trước, Trần Phú cử Ngô Đức Trì, một cộng sự đã tham dự hội nghị tháng 10-1930, tới gặp Lefranc trước khách sạn Sài Gòn Palace. Ngô Đức Trì, vừa thay thế Nguyễn Phong Sắc trong Ban Thường Vụ vì Sắc đang bận trong cuộc nổi dậy ở Trung Kỳ, Trì mong gặp Lefranc vì hai người từng biết nhau khi học tại Trường Stalin ở Moscow. Ngày 23-3-1931, Trì gặp Lefranc tại buồng của Lefranc trong khách sạn, sau đó thu xếp Lefranc gặp hai uỷ viên Ban Thường Vụ tại nhà Trần Phú vào ngày hôm sau. Sau khi nhận báo cáo của họ về tình hình ở Đông Dương, Lefranc chuyển tiền vào quỹ để trợ giúp Đảng hoạt động, thông báo Noulens muốn gặp giới lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương càng sớm càng tốt. Ông cũng nói, Nguyễn Ái Quốc sẽ sớm chuyển tới Thượng Hải để có điều kiện dễ dàng liên lạc giữa lãnh đạo đảng và Quốc tế Cộng sản. Sau khi gửi một danh thiếp cho Nguyễn Ái Quốc, cho ông biết nơi ở của mình, Lefranc rời Sài Gòn ngày 27-3-1931.[272]
Lúc này, những cố gắng của Pháp lập lại trật tự và luật pháp ở các tỉnh miền Trung bắt đầu mang lại một số kết quả, dù các quan chức thuộc địa thú nhận, những người cộng sản vẫn còn có mặt trong dân chúng địa phương. Các cuộc tấn công của chính phủ vào những làng mạc do lực lượng nổi dậy chiếm giữ và những hành động bạo lực do những người ủng hộ phong trào đang bắt đầu bị tác động. Những đảng bộ địa phương hết dần cán bộ, vũ khí, tiền bạc, và cảm giác tuyệt vọng bắt đầu lan khắp nội bộ phong trào. Những điều kiện đó ảnh hưởng tới nhiều người trung lập, khiến họ bắt đầu cộng tác với nhà cầm quyền. Cảnh sát cũng có một số thành công trong việc bắt giữ những người lãnh đạo Đảng và thu được thông tin qua thẩm vấn họ (do tra tấn). Tù nhân thường bị đánh bằng bằng dùi cui, bị treo lên tường hoặc thậm chí bị gí điện vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể. Những thành công của Pháp trong việc dẹp bất ổn đã tạo ra nỗi khiếp sợ và chia rẽ trong phong trào, lo sợ gián điệp chui vào hàng ngũ đã trở thành căn bệnh địa phương. Khi Nguyễn Đức Cảnh, một cựu trào cách mạng, người đã tham dự hội nghị tháng 5-1929 của Hội, bị nhà cầm quyền thực dân ở Hà Tĩnh bắt, Tỉnh uỷ thông báo, quyết định ám sát ông trong tù để ông khỏi phản bội những người khác trong phong trào. Trong một thông báo khác, theo báo cáo Tỉnh uỷ, bất kỳ người Việt Nam nào bị nghi ngờ có quan điểm có lợi cho bọn đế quốc - chẳng hạn một thương gia, một địa chủ, hoặc thậm chí một người hầu việc trong nhà - có thể bị kết tội tử hình.[273]
Cuối tháng 3-1931, Trần Phú triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương tại Sài Gòn. Dù không có tin tức chính xác của cuộc thảo luận, nhưng khi kết thúc cuộc họp, một nghị quyết dũng cảm đưa ra tuyên bố phong trào đang có nhiều triển vọng do tình hình thế giới cũng như qua những cố gắng khẩn trương của Đảng. Nhưng bản nghị quyết thừa nhận, vẫn tồn tại những vấn đề nghiêm trọng. Phong trào ở các tỉnh miền Bắc hầu như hoàn toàn suy sụp do thiếu sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, một vấn đề mà Ban Chấp hành Trung ương quy cho tàn dư do ảnh hưởng “tiểu tư sản” (di sản Hội Thanh Niên Cách mạng) trong Xứ uỷ. Do đó, những cán bộ địa phương không tuyển lựa một cách hiệu quả từ công nhân nhà máy và dân nghèo nông thôn. Bản nghị quyết kêu gọi cố gắng mở rộng đấu tranh giai cấp trong nông dân, xây dựng nhiều chi bộ Đảng trong nhà máy, cắt đứt ảnh hưởng của những đảng phái dân tộc chủ nghĩa trong quần chúng.[274]
Vài ngày sau khi kết thúc hội nghị toàn thể, mật thám Pháp dò ra trụ sở Ban Thường Vụ tại Sài Gòn và vây ráp trong lúc Ban Thường Vụ đang họp với các uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ. Tất cả mọi người tại cuộc họp bị bắt trừ Tổng Bí thư Trần Phú. Ông tình cờ đến nhà vệ sinh trong vườn đúng lúc cảnh sát ập tới, ông cố gắng tránh bọn mật thám đuổi theo bằng cách thoát qua cổng hậu. Trong số những người bị bắt có Ngô Đức Trì, người đã phản bội các đồng chí của mình khi bị tra tấn. Đến 17-4-1931, Trần Phú là thành viên duy nhất của giới lãnh đạo Đảng vẫn còn lẩn trốn.[275]
Ngay hôm ấy, Trần Phú viết một báo cáo lộn xộn gửi Văn phòng Viễn Đông, ông thuật lại chi tiết sự kiện tại hại này. Ông đổ lỗi tai hoạ vào những phần tử nằm trong đảng, tiếp tục hành động trên cơ sở của những chính sách sai lầm được ban bố bởi sự lãnh đạo trước đây. Trần Phú phàn nàn, Đảng cộng sản Đông Dương vẫn chưa phải đảng vô sản, mà là một đảng của tất cả các tầng lớp bị áp bức. Việc thiếu công nhân trong tổ chức dẫn đến “tư tưởng tiểu tư sản” và đối lập với đường lối chính sách bởi những phần tử nằm trong Xứ uỷ Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trần Phú vẫn bày tỏ sự lạc quan vào tương lai của phong trào, đánh giá, có khoảng 2.400 đảng viên đủ tài đức, so với chỉ có 1.600 ở tháng Mười. Hơn 63.000 dân nghèo gia nhập phong trào so với 2.800 vào tháng Tám. Để đảm nhận trách nhiệm như thế, ông yêu cầu tăng tiền quỹ hoạt động.[276]
Khi Trần Phú trong vòng nguy hiểm phải lẩn tránh bàn tay mật thám, Hilaire Noulens ở Thượng Hải và Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong cùng nhau cố gắng tháo gỡ tình hình. Vào tháng 4-1931, Noulens viết cho Quốc, cho biết ông từng nhận những báo cáo của Quốc về những vấn đề nghiêm trọng ở Đông Dương và xác nhận, đang chuẩn bị một báo cáo chi tiết tình hình và sẽ nhanh chóng gửi tới Hong Kong. Trong lúc chờ đợi, ông bày tỏ sự không hài lòng trước việc thiếu tin tức mà ông nhận từ Quốc về tình hình Đông Dương.
“Chúng tôi thiếu tin tức trong những thư của anh, về tình hình nội bộ đảng và những hoạt động của các hiệp hội khác nhau. Có quá ít tin tức vì sao và những người bị bắt như thế nào, để rút ra bài học làm sao tránh bị bắt trong tương lai”. Noulens kết luận, sẽ “không thực tế” nếu Nguyễn Ái Quốc chuyển tới Thượng Hải vào lúc này. Tất cả những biện pháp chuẩn bị sơ bộ được chấp thuận trên đây, có thể sẽ được thực hiện trước khi đủ điều kiện để nói tới việc tổ chức một cuộc họp khác.[277]
Ngày 20- 4-1931, vẫn còn chưa biết về làn sóng bắt bớ mới ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc viết cho giới lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương tại Sài Gòn một danh sách những phê bình theo ý Noulens. Về đề xuất của Xứ uỷ Trung Kỳ, tên của Đảng không nên thay đổi chính thức cho tới khi nào thành lập hai tổ chức đảng riêng rẽ ở Campuchia và Lào, Quốc né tránh, giải thích, chỉ thị Cộng sản Quốc tế đề nghị đảng mới giúp đỡ thành lập các chi bộ từ những người thuộc tầng lớp lao động ở cả hai xứ bảo hộ.
Dù vậy, Nguyễn Ái Quốc lo lắng về vai trò của chính mình. Ngày 24 - 4-1931, trong bức thư thứ hai gửi về Sài Gòn, phàn nàn ông chỉ là “một hộp thư” không hơn không kém và nói, đã yêu cầu Văn phòng Viễn Đông bổ nhiệm người thay và cử ông làm nhiệm vụ mới. Trong lúc chờ đợi, ông phản ứng một cách bực dọc trước những lời phàn nàn của Trần Phú bằng một danh sách vạch rõ rằng giá như báo cáo từ Ban Thường Vụ tới Hong Kong đều đặn, ông không phải dựa vào tin tức do đảng bộ địa phương cung cấp. Ông nói, thật không may Ban Thường Vụ đã không liên lạc với Văn Phòng Phương Nam của Quốc theo quy tắc thường kỳ, và tin tức về tình hình ở Bắc và Trung bộ Việt Nam không tới được Hong Kong kể từ tháng 12. Dù Quốc thừa nhận, hoàn cảnh ở Đông Dương là khó khăn, song ông nhấn mạnh, cần phải cung cấp tin tức cho những đơn vị quản lý ở ngoài nước về tình hình Đông Dương. Nói khác đi, chẳng có cách nào đưa chỉ đạo và hướng dẫn cho những đơn vị như thế.[278]
Trần Phú không nhận được bức thư này. Ngày 18-4-1931, một ngày sau khi bức thư dài dòng do chính ông viết chưa tới Thượng Hải, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt. Vài tháng sau, Trần Phú chết trong tù. Có nhiều sự giải thích khác nhau quanh cái chết của ông. Nhà cầm quyền thuộc địa báo cáo với Paris, ông chết do lao phổi, nhưng những nguồn tin của Đảng, ông bị tra tấn đến chết. Ngô Đức Trì và Nguyễn Trọng Nghĩa, hai uỷ viên Ban Thường Vụ, cũng ở trong tù. Khi Nguyễn Phong Sắc bị xử tử vào tháng 4-1931, Đảng hoàn toàn bị mất sự lãnh đạo trong nước.[279]
Sự đàn áp của Pháp đối với những bất ổn ở các tỉnh ở Trung Kỳ vẫn tiếp tục tàn bạo. Theo báo cáo của mật thám, đến cuối mùa xuân 1931 ít nhất 2.000 người chết, và 51.000 người ủng hộ phong trào bị giam cầm. Các tài liệu của Đảng bị Pháp tịch thu cho thấy chiều hướng gia tăng sự tuyệt vọng, mất chí khí và sự ẩu đả lẫn nhau trong nội bộ, nhà cầm quyền địa phương không ngừng tấn công những người nổi dậy. Như một nhà sử học của Đảng kể lại sau này:
Ở Quảng Ngãi các cuộc biểu tình thông thường khoàng 300 đến 500 người xảy ra trong những tháng đầu năm 1931… Sau tháng 5-1931, những cuộc biểu tình bạo lực kèm theo với việc tử hình những kẻ phản bội. Cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra tại Bồng Sơn, tỉnh Bình Định ngày 23-7. Ba đoàn người biểu tình, vũ trang bằng dao, gậy và súng, đi dọc quốc lộ, đẵn cây làm chướng ngại vật, cắt dây điện thoại và đốt ô tô họ gặp dọc đường. Vài người giàu có bị giết.[280]
Cùng với sự đàn áp phong trào của chế độ thực dân, nạn hạn hán lan rộng ở các tỉnh Trung Kỳ. Một báo cáo của Pháp viết tháng 7-1931, do mất mùa, 90 phần trăm dân chúng huyện Nam Đàn (Nghệ An) bị đói. Ngay cả những người ôn hoà như Bùi Quang Chiêu cũng ghê tởm sự đàn áp hung bạo của Pháp. Dù các tỉnh Trung Kỳ bấy giờ yên tĩnh, tờ Tribune Indochinoise - Diễn Đàn Đông Dương - của ông nói, đó là “sự yên lặng của chết chóc”.[281]
Ngày 12-5-1931, Hilaire Noulens gửi Nguyễn Ái Quốc bài dài phê phán về tình hình xảy ra ở Đông Dương. Noulens phê bình giới lãnh đạo đảng đi trệch đường lối chỉ đạo của Cộng sản Quốc tế trong một số mặt. “Nổi dậy” - đảng dán nhãn cho cuộc nổi dậy còn non yếu chống lại chế độ thực dân - chẳng có giá trị gì với chủ nghĩa cộng sản và những hành động lật đổ như bắn vào cảnh sát và những hành động khủng bố cá nhân sẽ chỉ làm tổn thương phong trào, mang tính anh hùng rơm. Những cuộc họp quá dài và công tác bí mật thường lỏng lẻo, đồng thời công việc tổ chức trong quần chúng thường lôi thôi, nhếch nhác. Tuy vậy, Noulens hứa sẽ cố gắng tới mức tối đa để phong trào cách mạng thế giới chú ý tình hình Đông Dương. Trong lúc chờ đợi, ông kết luận, “bằng mọi cách, hãy viết cho chúng tôi về công việc của đồng chí kể cả thành tích và khuyết điểm v.v…”…[282]
Trong lúc chờ trả lời đề nghị của ông được chuyển đi Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc ở lại Hong Kong. Ông từng sống nhiều tháng trong một căn hộ ở Cửu Long, dính vào mối tình lãng mạn với Nguyễn Thị Minh Khai, uỷ viên dự khuyết tại hội nghị toàn thể tháng 10-1930. Cũng như bản thân Nguyễn Ái Quốc, “Duy” (bí danh của Nguyễn Thị Minh Khai) là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Sinh năm 1910 trong một gia đình danh tiếng ở Hà Đông, gần Hà Nội, Minh Khai là cháu gái một quan chức ở Bắc Giang, người đã có học vị phó bảng. Cha của cô, Nguyễn Văn Bình, từng học tiếng Pháp nhưng sau khi trượt cuộc thi tuyển công chức, quyết định làm viên chức hoả xa ở Vinh sau năm 1907. Sau khi học trường nữ sinh tiểu học ở Vinh, Minh Khai chuyển sang trường trung học khi mười bốn tuổi. Tại đây, cô được Trần Phú truyền bá tư tưởng cách mạng, Trần Phú thuyết phục cô gia nhập Đảng Tân Việt. Đẹp và thông minh, cô tới Hong Kong, đã lọt vào mắt Quốc.[283]
Người ta vẫn không biết rõ mối quan hệ lãng mạn của Minh Khai với Nguyễn Ái Quốc ra sao, họ đã làm đám cưới hay chưa cho đến nay vẫn không rõ. Mối quan hệ trước đây của Quốc với Tuyết Minh, người vợ Trung Hoa của ông ở Quảng Đông, có lẽ đã chấm dứt sau khi ông rời Trung Quốc tháng 4-1927, mặc dù có một số tin đồn, Tuyết Minh tình cờ gặp ông sau khi ông cư trú ở Hong Kong đầu năm 1930. Nếu vậy, mối tình này không được hàn gắn. Lâm Đức Thụ, đồng sự một thời của Nguyễn Ái Quốc trong Hội, kể với mật thám, Tuyết Minh chê Quốc quá già so với cô và đã đồng ý lấy ông chỉ vì túng thiếu. Cảm nghĩ của Quốc trong vấn đề này không rõ ràng, nhưng khoảng một năm sau khi rời Quảng Châu, ông viết cho Tuyết Minh một bức thư ngắn, thư này Thụ đưa cho mật thám Pháp: “Dù chúng ta xa nhau gần một năm, tình cảm của chúng ta vẫn còn, dù không nói lên lời. Anh muốn nhân dịp này gửi tới em vài dòng để em an tâm, và nhờ em chuyển những lời chúc tốt nhất tới mẹ em”.[284]
Mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với Tuyết Minh chấm dứt, mùa xuân 1931 ông có cảm tình với nữ liên lạc Việt Nam trẻ tuổi và đề nghị Văn phòng Viễn Đông cho phép cưới. Trong một bức thư gửi Quốc vào tháng 4-1931, Noulens đáp, cần biết ngày cưới trước hai tháng. Không lâu sau, Minh Khai bị cảnh sát Anh bắt ở Hong Kong vì tình nghi dính líu đến những hoạt động lật đổ. Vì cô khai là công dân Trung Hoa mang tên Trần Thái Lan, nên bị chuyển giao cho chính quyền Trung Hoa ở Quảng Châu và bị tống giam vài tháng trước khi được thả do không đủ chứng cớ.
Thái độ của Nguyễn Ái Quốc trước việc Minh Khai bị bắt và bị dẫn độ vẫn còn là bí ẩn. Trong thư gửi Noulens cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5-1931, ông coi đó là một tai nạn, nhấn mạnh một cách ngắn gọn, một trong các đồng chí làm nhiệm vụ liên lạc trong văn phòng ông đã bị nhà cầm quyền theo dõi. Ông quay lại vấn đề tình thế của chính mình và lặp lại yêu cầu của ông được chuyển đi Thượng Hải. Ông đề nghị “Hãy làm những gì mà ông có thể làm được cho tôi, dù đó là điều khó chịu”.[285]
Trong lúc Nguyễn Ái Quốc chờ tin tức phản hồi về đề nghị của mình, Serge Lefranc vẫn đang tiếp tục chuyến đi khắp Đông Nam Á. Sau khi dừng chân tại Sài Gòn, Lefranc tới một vài nước khác trong khu vực và sau đó lên tàu thuỷ President Adams tới Singapore, thuộc địa Anh. Dù đóng vai thương gia, mục đích của ông, hội ý với những người lãnh đạo Đảng cộng sản Malaysia và chuyển thông tin về hoạt động của đảng này tới Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong và Hilaire Noulens ở Thượng Hải, cả hai đang háo hức hàng tháng trời mong ngóng. Được Nguyễn Ái Quốc gửi thư báo trước chuyến đi của Serge Lefranc, lãnh tụ Đảng cộng sản Malaysia Phó Đại Khánh, Hoa Kiều, trước đây từng hợp tác với Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng cộng sản Xiêm, thu xếp gặp Lefranc bí mật ở bến cảng Collier, dọc bờ biển Singapore.[286]
Nhà cầm quyền Anh ở London từ lâu đã biết chuyến đi của Lefranc, ra sức truy tìm trong thời gian ông dừng chân ngắn ở Ấn Độ và Ceylon, nhưng họ đã mất dấu vết. Tuy nhiên, giờ đây họ gặp may. Phó Đại Khánh bị cảnh sát theo dõi ở Singapore do ông liên lạc với Tan Malaka, đảng viên Đảng cộng sản Indonesia. Khi được tin Phó Đại Khánh và một đồng sự đã gặp một người châu Âu mang tên Lefranc ở bến cảng Collier, cảnh sát địa phương kết luận, Lefranc có thể là Joseph Ducroux người mà London đã cảnh báo họ. Sau khi bắt Lefranc và những người tiếp xúc với ông, cảnh sát khám phòng ông ở khách sạn và thu giữ toàn bộ giấy tờ. Lefranc không cẩn thận đối với những tài liệu cần phải huỷ bỏ, trong mớ giấy tờ đó có những bức thư của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (với bí danh T. V. Vương), và của Noulens ở Thượng Hải. Dựa trên những chứng cớ này, Lefranc và những người tòng phạm với ông bị xử án ở Singapore và bị kết án tù, đồng thời cảnh sát địa phương đánh điện thông báo cho cảnh sát Anh ở Hong Kong và Thượng Hải.[287]
Lúc 2 giờ sáng ngày 6-6-1931, cảnh sát Anh tới căn hộ của Quốc ở khu đông dân cư ở Cửu Long. Ở đây họ phát hiện một người đàn ông trong căn hộ ở tầng hai cùng với một thiếu nữ Việt Nam. Người đàn ông nhận mình là người Trung Quốc mang tên T.V. Vương, còn người phụ nữ nhận mình là cháu gái của ông, Lý Sâm. Nhiều bài luận văn chính trị và những bản tuyên ngôn bị thu giữ tại căn hộ, khẳng định, người đàn ông này chính là Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng kỳ cựu của Quốc tế Cộng sản. Người thiếu nữ sau này được biết là Lý Ưng Thuận, vợ của Hồ Tùng Mậu. Việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt là một thiệt hại lớn lao, nó không chỉ làm gián đoạn mối liên lạc vốn đã mong manh với các đảng viên ở Đông Dương mà còn có nguy cơ giao ông vào tay người Pháp, hoặc triều đình An Nam. Nếu việc đó xảy ra, vai trò tương lai của ông là một đặc vụ Cộng sản Quốc tế và lãnh tụ phong trào cách mạng Việt Nam sẽ lâm vào hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm.[288]
***************************************
[235] Bản sao của cả hai lá thư có trong Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Về bản tiếng Việt thư gửi Văn phòng Viễn Đông, xem Toàn Tập I, tập 3, trang 9-11. Xem thêm Pierre Rousset, “Cộng sản và chủ nghĩa quốc gia Việt nam” (NXB Galilee, Paris, 1978), trang 199
[236] Thông tin về Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan có trong Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả” (NXB Ngoại văn Bắc Kinh), trang 52-54. Quốc tế Cộng sản quyết định xóa sổ Đảng Cộng sản Nam Dương, với lý do Đảng Cộng sản Trung Quốc không chịu trách nhiệm đỡ đầu. Đảng Cộng sản Nam Dương, thành lập nhằm vào những người Hoa cư trú tại Malaya và Singapore, đã quyết định đào tạo cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, vì người dân Mã Lai bị cáo buộc “lười biếng và tự mãn”. Xem “Ghi chú Định kỳ”, số 5 (tháng 3-1930) trong SLOT FOM, Series III, hộp 48, CAOM; Xem thêm Charles B. McLane, “Chiến lược của Liên Xô ở Đông Nam Á” (Princeton, NJ: NXB Đại học Princeton, 1966), trang 131-136. McLane trích dẫn nguồn tin từ chính phủ Anh, Nguyễn Ái Quốc không tin tưởng Đảng Cộng sản Nam Dương, vì sự bất lực của họ trong việc giải quyết các câu hỏi về chủng tộc
[237] Báo cáo chính thức của Pháp về cuộc nổi dậy, có trong hồ sơ 2614, SPCE, hộp 322, CAOM. Tài liệu tóm tắt về cuộc nổi loạn, xem Thomas Hodgkin, “Việt Nam: Con đường cách mạng” (New York: St Martin, 1981), trang 240-242. Quan điểm của người Việt, xem Hoàng Văn Diệu, “Việt Nam Quốc Dân Đảng” (Sài Gòn, Khai Trí, 1970), trang 89-104
[238] Diệp Liên Anh, “Máu trắng - máu đào: Đời sống đọa đày của phu cao su miền đất đỏ” (NXB Lao Động mới, Sài Gòn, 1965), trang 35-40; trích dẫn của Ngô Vĩnh Long, “Trước Cách mạng: Nông dân Việt nam dưới sự đô hộ của Pháp” (NXB Đại học Columbia, New York, 1991), trang 109-112
[239] Nguyễn Ái Quốc, “Quá trình thực dân hoá của Pháp”. Bản tiếng Anh Bernard Fall, “Hồ Chí Minh với cách mạng, Tuyển tập 1920-1966”, trang 81. Xem Báo cáo của M. Favre, biệt phái viên mật thám tại Vinh, ngày 27-6-1931, hồ sơ 2686, hộp 333, SPCE, CAOM
[240] Xem báo cáo của M. Billet, 27-6-1931, trong SPCE, hồ sơ 2686, hộp 333, CAOM. Về việc phân tích tác động các chính sách của Pháp đối với thu nhập vùng nông thôn, xem Robert L. Sansom, “Kinh tế nổi bật ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam” (Cambridge, Mass: NXB MIT, 1970); Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp, “Câu hỏi của người nông dân (1937-1938)” (Ithaca, NY: Chương trình Đông Nam Á, Đại học Cornell, 1974), không ghi ngày tháng, số 94, trang 35-37. Về báo cáo của Nguyễn Ái Quốc việc thu hồi đất đai, xem “Người nông dân An Nam đi kiện”, xem Bernard Fall, ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập, 1920-1966”, trang 37
[241] Cuộc thẩm vấn Thái Văn Giai, ngày 28-6-1931, trong SPCE, hồ sơ 2686, hộp 333, CAOM. Giai, người Hà Tĩnh, tốt nghiệp trường Quốc học Huế và là cựu giáo viên. Tài liệu chính thức khác của sự kiện có trong hồ sơ 2628, hộp 323 và hồ sơ 2641, hộp 327; hồ sơ 2684, hộp 332, tất cả có trong CAOM. Xem thêm Trần Huy Liệu, “Xô Viết Nghệ Tĩnh” trang 19-21 (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1960)
[242] Cuộc thẩm vấn Thái Văn Giai, ngày 28-6-1931, trong SPCE, hồ sơ 2686, hộp 333, CAOM
[243] Xem Nguyễn Lương Bằng trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 63, và “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” trong Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2 (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 1998), trang 34. Bình luận của Nguyễn Ái Quốc ở Xiêm, xem Lê Mạnh Trinh, “Từ Quảng Châu đến Xiêm”, trang 117. Báo cáo tình báo Pháp, trong “Ghi chú Định kỳ”, số tháng 2 và 3-1930, trong SLOTFOM, Series III, hộp 48, CAOM. Lịch sử Đảng mô tả cuộc nổi loạn của Việt Nam Quốc dân Đảng như một “tiếng sét” quang vinh, nhưng theo nhà sử học Việt Nam Quốc Dân Đảng Hoàng Văn Đạo, Cộng sản đã khuấy động sự kiện, phân phát tờ rơi cảnh báo Pháp về việc trả đũa
[244] Chỉ thị Tỉnh ủy có trong Trần Huy Liệu, “Lịch sử tám mươi năm chống thực dân Pháp”, tập 2 (NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958), trang 66-67
[245] Báo cáo chính thức của Pháp về sự kiện ngày 31-12-1930, có trong SPCE, hồ sơ 2634, hộp 325, CAOM
[246] Chi tiết về sự hình thành các uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời có trong TC, “Các cơ sở bí mật của cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 37 (tháng 4-1962); Nguyễn Nghĩa, “Góp thêm một ít tài liệu về công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt nam và vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tài liệu đã dẫn, số 59 (tháng 2-1964); Nguyễn Nghĩa, “Công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước sau hội nghị Hương Cảng và việc tổ chức ban Trung ương lâm thời đầu tiên”, tài liệu đã dẫn, số 62 (tháng 5-1964). Nhiều nguồn tài liệu không giải thích lý do vì sao hội nghị không diễn ra vào tháng Tư như dự kiến ban đầu. Trong tất cả các khả năng, Đảng Cộng sản ở địa phương không thể lựa chọn đại biểu của mình theo cách như trước
[247] Báo cáo không đề ngày Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản viết vào cuối tháng Chín. Một bản có trong Toàn Tập I, tập 3, trang 27-28
[248] Bài viết đăng tải trong A. Neuberg, “Vũ trang khởi nghĩa” (NXB NLB, London, 1970), trang 255-271 (nhấn mạnh trong bản gốc). Theo Pierre Rousset, bài này được Ossip Piatnitsky đặt mua, người đứng đầu mới của Quốc tế Cộng sản, sau này bị Stalin thanh lọc. Erich Wollenberg giúp biên tập các bài viết và nhận xét, Nguyễn Ái Quốc cực lực phản đối quyết định của lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc phát động cuộc nổi dậy ở Quảng Châu, nói sẽ bị thất bại - xem Rousset, “Cộng sản…”, trang 62-63. Rousset nghi ngờ Quốc đã viết bài báo, vì lâu không đề cập đến Việt Nam, nhưng sau này ông nói với người quen, chính ông đã viết bài báo về chủ đề cách mạng Trung Quốc. Về quan điểm của Quốc, xem “Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, 1924-1927”, trang 159-161
[249] Về ý kiến của Nguyễn Ái Quốc trong các cuộc thảo luận với cộng sự, xem “Tuyên bố của Ngô Đức Trì”, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Trong báo cáo tháng 3- 1930 gửi Quốc tế Cộng sản, Quốc chỉ trích cán bộ đảng quá vội vã thành lập tổ chức “Xô viết” trong làng mà không thuộc quyền kiểm soát - xem “Bảo cáo gửi Quốc tế Cộng sản”, trang 35-36
[250] Tài liệu này có trong Văn kiện Đảng (1920-1945) tập 1 (Hà Nội: Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, 1977), trang 58-60. Tác giả của chỉ thị không nêu đích danh. Một bản duy nhất có trong kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản, với ký hiệu viết tắt “Thư gửi Uỷ ban CC của An Nam có liên quan đến Xô viết, tháng 9-1930”. Chỉ thị đã được “Trung ương” ký. Vào thời điểm đó, không có Uỷ ban Trung ương chính thức trong nước nên tôi cho rằng chính Nguyễn Ái Quốc là người viết với sự hỗ trợ của Trần Phú hay thành viên khác của Uỷ ban Trung ương lâm thời, những người đã đến Hong Kong dự Hội nghị lần thứ nhất. Danh từ Trung ương đã trở thành thuật ngữ phổ biến để nói về ban đảng lãnh đạo cấp cao nhất
[251] Trích trong Trung Chính, “Tính chất tự phát của Xô viết Nghệ Tĩnh” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 31 (tháng 10-1961), trang 4. Nơi xuất bản tạp chí không rõ địa điểm
[252] Bản dịch tiếng Pháp của thông tư này có trong SPCE, hồ sơ 2637, hộp 326, CAOM. Có thể thông tư này được ban hành trước khi lời cảnh cáo của Uỷ ban địa phương đã được nhận. Tỉnh ủy thừa nhận phong trào bị thiệt hại nghiêm trọng trong vài tuần gần đây, đó là kết quả của sự thiếu kỷ luật và kế hoạch kém. Tôi không thể xác định bất kỳ thông tin chính xác nào về số lượng những vụ ám sát diễn ra vào thời điểm đó
[253] Tuyên bố của Ngô Đức Trì, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Có sự khác biệt về ngày tháng trong hồi ức của những người tham gia, có lẽ vì một số người đã sử dụng ngày âm lịch. Xem hồi ký của Bùi Lâm về cuộc họp, trong Tạp chí Cộng sản, số 9 (tháng 9 năm 1982), và tuyên bố của ông Nguyễn Văn Sáu trong SPCE, hộp 365, CAOM
[254] Tuyên bố của Nguyễn Văn Sáu, trong SPCE, hộp 365, CAOM. Hàng loạt các sự kiện xảy ra trong thời gian này hơi khó hiểu, có thể là chuyến đi Thượng Hải được thực hiện trước khi quyết định cuối cùng để tổ chức hội nghị
[255] Tuyên bố của Ngô Đức Trì trong SPCE, hộp 367, CAOM. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, trang 268. Người tham dự là Trần Phú (Lý Quý), Lê Mão (Cát), Nguyễn Trọng Nghĩa (Nhất), và Ngô Đức Trì (Văn) đại diện cho Nam Kỳ, Hồ Tùng Mậu (Ích), Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Trần Văn Lâm (Giáp) là các đại biểu bị lạc tại Hong Kong. Xem Bùi Lâm, “Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng Mười)” trong Tạp chí Cộng sản, số 9 (tháng 9-1982), bản dịch trong JPRS, số 82.610
[256] Báo cáo có tựa đề “Quyết tâm hành động của Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng cộng sản quốc gia An Nam”, Phụ lục 1 (“Phê phán công việc”) trong SPCE, hộp 367, CAOM
[257] “Thơ của Trung ương gửi cho các cấp đảng bộ”, trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 1, trang 189-200. Bản bằng tiếng Pháp, xem “Thư gửi Uỷ ban Khởi nghĩa về những điều khác biệt” ngày 9-12-1930, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Cuộc thảo luận thú vị về vấn đề “sự lớn mạnh” của cuộc cách mạng, xem Rousset, “Chủ nghĩa Cộng sản”, trang 108
[258] Trần Văn Cung, “Bước ngoặt vĩ đại của cuộc cách mạng Việt Nam”. (Hà Nội: Ban Nghiên Cứu lịch sử Đảng), trang 78-79. Chương trình này được ghi lại trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 1, trang 61-77. Tất nhiên Nguyễn Ái Quốc đã chỉ trích Tâm Tâm Xã khi ông đến Quảng Châu cuối năm 1924 với khuynh hướng đúng đắn
[259] Xem “Truyền đơn giải thích việc đổi tên Đảng” trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 1, trang 177-178. Xem thêm “Thông cáo cho các xứ ủy”, tài liệu đã dẫn, trang 182-186
[260] “Nghị quyết Trung ương toàn thể hội nghị về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng” đề ngày tháng 10 năm 1930, trong sách đã dẫn, trang 78-92. Những quan điểm này được chuyển đến cho các đảng viên trong khu vực Đông Dương trong một báo cáo không ghi ngày tháng mang tên “Thư gửi cho Đảng cộng sản Đông Dương” trong Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, trang 284-314. Tôi phỏng đoán tác giả là Trần Phú
[261] “Thông cáo cho đồng chí”, trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 1, trang 169-171
[262] Tuyên bố của Ngô Đức Trì trong SPCE, hộp 367, CAOM. Tên của các thành viên khác của Ủy ban Trung ương, cũng như các thành viên chủ chốt của các Uỷ ban trong khu vực, được đặt tại T.C, “Các cơ sở”, trang 21-23; Hồ sơ 18, “Ghi chú Định kỳ” (Tháng 4- và 5-1931), trong SLOTFOM, Series III, hộp 48, CAOM
[263] Xem Tuyên bố của Ngô Đức Trì trong SPCE, hộp 367, CAOM. Xem Bùi Lâm, “Nguyễn Ái Quốc”. Một số nhà quan sát ở Việt Nam và nước ngoài cho rằng Nguyễn Ái Quốc không tham dự Hội nghị tháng Mười. Nhưng với những bằng chứng, rõ ràng ông có tham dự
[264] Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 1, trang 175-181. Nghị định này là khó hiểu, vì có mâu thuẫn do phe Trần Phú đưa ra trong tháng Mười. Một số học giả ở Hà Nội cho rằng thông tư Tháng Mười Một, có thể do chính Nguyễn Ái Quốc viết, đúng ra phải do Uỷ ban thường vụ soạn thảo. Xem I.N. Ognetov, “Quốc tế Cộng sản và phong trào cách mạng Việt nam” trong “Quốc tế Cộng sản và Đông Phương” (Moscow: 1969), trang 435
[265] “Thơ của Trung ương gửi”, trang 189-200. Ý kiến phản hồi giống nhau của giai cấp tư sản, xem “Thư gửi cho Đảng Cộng” trang 284-314. Để xác định việc thống nhất các mặt trận, Ủy ban Thường vụ chỉ thực hiện theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản - xem thư của Noulens ngày 13-11-1930, gửi Đảng Cộng sản Đông Dương, trong Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 2, trang 274-283
[266] “Thông cáo các xứ ủy”, Văn kiện Đảng (1930-1945), trang 201-11. Bản bằng tiếng Pháp, xem “Thư gửi các bí thư xứ ủy” trong SPCE, hộp 367, CAOM
[267] Toàn Tập I, tập 3, trang 29-31
[268] Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Văn phòng Viễn Đông, 29-1-1931, trong SPCE, hộp 367, CAOM
[269] Thư không ghi ngày tháng, sách đã dẫn. Bối cảnh cho thấy thư có thể được viết vào ngày 12-2 và gửi kèm bản sao của thư của Trần Phú gửi trước kia
[270] Hồ sơ 127, Series III, trong SLOTFOM, hộp 44, CAOM. Xen thêm SPCE, hộp 368, CAOM
[271] Thư Serge Lefranc gửi Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải, ngày 7-3-1931, trong SPCE, hộp 364, CAOM
[272] Thông tin từ “Nga” (Ngô Đức Trì) trong Giải mật số 1967, ngày 29-5- 1931, trong SPCE, hộp 365, CAOM. Bưu thiếp của Serge Lefranc gửi Quốc ở Hong Kong trong tài liệu đã dẫn: “Anh bạn cũ của tôi. Hiện nay mình khỏe, mọi việc sắp xếp trôi chảy, ổn định ở ngay tại thành phố Sài gòn xinh đẹp này nhưng nóng quá. Mình đã gặp hai người anh em họ của cậu và mình rất vui để thông báo với cậu một tin, những công việc của họ làm đều rất trứ danh. Hôm Chủ nhật mình cũng vào trường đua nhưng chẳng thắng bất cứ giải gì. Tất cả mọi việc đều tốt đẹp, mình nghĩ sẽ hoàn thành công việc sớm. Mình sẽ trở lại Hong Kong như đã dự kiến. Hy vọng sẽ gặp cậu sớm, khi nào tới nơi mình sẽ tin cho cậu biết. Chúc cậu may mắn, Ferrand”
[273] Thư của Ban chấp hành Trung ương An Nam gửi xứ uỷ Bắc Kỳ, ngày 3-3-1931, và quyết định của Uỷ ban tỉnh Hà Tĩnh, từ 25 đến 31-3-1931, cả hai đều có trong “Ghi chú Định kỳ”, 5-1931, trong series III, SLOTFOM, hộp 49, CAOM. Nguyễn Đức Cảnh đã bị Pháp xử tử vào 7-1932
[274] Nghị quyết có trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 1, trang 227-249
[275] Theo hồ sơ 3, “Ghi chú Định kỳ”, tháng 5-1931, trong SLOTFOM, Series III, hộp 115, Trí bị bắt vào ngày 2-4. Trong cuộc tra khảo, ông có bí danh là “Nga” Một số cán bộ lãnh đạo khác, trong đó có Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Phong Sắc, đã bị bắt giữ trong “tuần lễ thắng lợi” (của viên cựu cảnh sát Anh ở Hong Kong). Hồ Tùng Mậu sau đó được thả nhưng Sắc, người đã chỉ đạo phong trào ở các tỉnh miền Trung vài tháng sau bị xử tử
[276] “Thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đông Dương” ghi ngày 17-4-1931, trong kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản, hộp 495, thư mục 154, tài liệu 462. Nguyễn Ái Quốc đã chia sẻ rất nhiều những quan điểm, mặc dù ông phụ trách vấn đề khác. Người viết là “Viktor” gửi Noulens ngày 28-4, Quốc phàn nàn, nhiều đảng viên là công nhân và nông dân bị mù chữ. Mặc dù họ can đảm, nhưng hiệu quả làm việc kém và nhận thức tư tưởng của họ thấp. Kết quả là, họ phụ thuộc hoàn toàn vào người có trí thức và có khuynh hướng ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố và “bạo động.” Xem thư Viktor trong tài liệu đã dẫn, hộp 495, thư mục 154, tài liệu 462. Trong lá thư này, ông tin Trần Phú đã trốn thoát khỏi nhà tù Pháp vào đầu tháng tư
[277] Bức thư đóng dấu ngày 2-4-1931, trong Kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản, hộp 495, thư mục 154, tài liệu 462. Noulens đã hiểu được một số vấn đề trong Đảng Cộng sản Đông Dương bắt nguồn từ những mâu thuẫn cá nhân giữa Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú. Trong thư gửi Serge Lefranc 20-5-1931, ông nói, mối quan hệ giữa Quốc và Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đặc biệt không tốt, nhưng những người sáng lập có thể hoà giải sự khác biệt trong các cộng sự. Xem thư từ Thượng Hải gửi Ducroux, ngày 20-5-1931, trong SPCE, hộp 364, CAOM
[278] Thư của Viktor, 20 và 24-4-1931, trong SPCE, hộp 365, CAOM
[279] Về cái chết của Trần Phú, xem thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, 22-3-1933, trong SPCE, cặp hồ sơ 640, hộp 55, CAOM, và Tôn Quang Phiệt, “Một vài ý kiến bổ sung về lịch sử hai đồng chí Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 139 (tháng 7 và tháng 8-1971)
[280] Trần Huy Liệu, “Xô viết Nghệ Tĩnh”, trang 40. Báo cáo sự thoái trào trong phong trào cách mạng, SLOTFOM, Series III, hộp 49, CAOM
[281] Các thông tin về hạn hán có trong Báo cáo của M. Favre, 27-6-1931, SPCE, cặp hồ sơ 2686, hộp 333, CAOM
[282] Kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, thư ngày 12-5-1931, tập 495, thư mục 154, tài liệu 569
[283] Tôn Quang Phiệt, “Một vài ý kiến bổ sung về lịch sử hai đồng chí Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 139 (tháng 7 và 8-1971)
[284] Ý kiến cuả Lâm Đức Thụ về tình cảm của Tuyết Minh đối với Nguyễn Ái Quốc có trong cuộc thẩm vấn của Lê Quang Đạt (Lesquendieu) ngày 28-10-1931, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Những tin đồn về cuộc gặp gỡ của cô với Quốc ở Hong Kong, xem tài liệu đã dẫn. Theo Lâm Đức Thụ, vào thời điểm đó cô ta đã tái hôn. Thư Nguyễn Ái Quốc gửi Tuyết Minh bày tỏ nỗi buồn với Tuyết Minh về chuyện hai người xa cách có trong kho lưu trữ của Pháp - xem Daniel Hemery, “Hồ Chí Minh: Việt nam Đông Dương” (NXB Gallimard, Paris, 1990), trang 145
[285] Cả hai thư không ghi ngày tháng có trong kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản, hộp 495, thư mục 154, tài liệu 469. Thông tin về vụ bắt giữ Minh Khai tại Hong Kong (dưới tên Duy), có trong Tuyên bố của Nguyễn Văn Sáu, ngày 3-9-1931, SPCE, hộp 367, CAOM
[286] Thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Malaya, ngày 9-5-1931. Thư của Lý Phát (Nguyễn Ái Quốc) gửi Joseph Ducroux, ngày 15-5-1931. Xem SPCE, hộp 364, CAOM. Sau này việc liên lạc không còn, Quốc báo cáo việc liên lạc với Đông Dương vẫn bị trục trặc, do người của Đảng Cộng sản Xiêm gây ra. “Các đường dây khác” liên lạc với Malaya cũng đã bị phá hủy, kể từ khi chúng tôi bị mất liên lạc với “người bạn Trung Hoa”. Tác giả yêu cầu Ducroux làm việc với Đảng Cộng sản Xiêm mà lâu nay “bị lãng quên quá lâu”. Trong thư gửi Serge Lefranc vào ngày 20-5, Noulens yêu cầu ông chuyển thông tin về các hoạt động của Đảng Malaya kể từ khi mất liên lạc với họ. “Nơi ấy có Uỷ ban Trung ương không? Hay bất kỳ một tổ chức nào đang hoạt động?” Ông hỏi Serge Lefranc tìm một người nào đó là người Hindu đang làm việc tại Đông Ấn Hà Lan thay thế là khả dĩ nhất. Xem tài liệu đã dẫn
[287] Bức điện từ Singapore ngày 2-6-1931, và thư, Lãnh sự quán Pháp, Hong Kong, ngày 10-6-1931, cả hai có trong SPCE, hộp 365, CAOM. Xem thêm Jean Onraet, “Singapore: Hậu trường cảnh sát” (London: Dorothy Crisp, 1941), trang 110-115
[288] Người Pháp phát hiện Quốc ở Hong Kong khi họ bắt được thư ông gửi Trần Phú vào tháng 4-1931. Xem Đặng Hòa, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài”, trang 91. Lãnh sự Pháp cho biết địa chỉ của ông ở Hong Kong: 104 đường Tân Trường. Onraet lại đưa ra địa chỉ 49 đường Khải Diệp, có thể đó là địa chỉ văn phòng của ông. Trong hồi ký, Hồ Chí Minh nói, ông đã bị bắt giữ tại 186 đường Tam Long, bán đảo Cửu Long, Hong Kong - xem T. Lan, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, trang 40. Về trường hợp ông bị bắt, xem bức điện tín, mật thám ở Sài Gòn gửi Dirsurge (Giám đốc Sở Mật thám), Hà Nội, ngày 2-6-1931, và thư, Lãnh sự quán Pháp ở Hong Kong, ngày 10-6-1931, cả hai có trong SPCE, hộp 365, CAOM; Xem điện báo của Thanh tra Mật thám Hà Nội gửi Tô giới Pháp ở Thượng Hải ngày 26-9-1931, trong SPCE, hộp 368, CAOM