Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

HỒ CHÍ MINH - CHÂN DUNG MỘT CUỘC ĐỜI (9)

CHƯƠNG IX

 TRIỀU DÂNG

Sau hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương tại Pác Bó tháng 5-1941, giới lãnh đạo ra về. Tổng bí thư Trường Chinh, cùng Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ, trở lại Hà Nội để lập một trụ sở mới Ban Chấp hành ở ngoại thành Hà Nội. Các đảng viên khác được cử tới những huyện gần đó để tổ chức những chi đội du kích và bắt đầu xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng núi Việt Bắc. Những người khác vượt biên giới sang Trung Hoa để được huấn luyện tiếp tục cố gắng xây dựng liên minh mỏng mảnh với những nhóm dân tộc chủ nghĩa không cộng sản ở nam Trung Hoa. Bản thân Nguyễn Ái Quốc tạm thời ở lại Pác Bó chuẩn bị việc mở rộng xuống phía nam trong tương lai.

Vài tháng tiếp theo, lặp lại kinh nghiệm trước đây ở Xiêm, ông lại trở thành người thầy và người cha của đám tín đồ của ông. Ông tổ chức khoá học cho những cán bộ truyên truyền địa phương về chủ nghĩa Marx - Lenin, giúp họ hiểu biết quân sự cơ bản để trở thành người chiến sĩ và cán bộ tuyên truyền cách mạng. Sau bốn ngày học, học viên bắt đầu thực hành làm người tuyên truyền. Nguyễn Ái Quốc theo dõi cách làm việc, sau đó góp ý những thiếu sót của họ. Ông cũng là người giảng dạy khoá học, nói chuyện tình hình thế giới, thảo luận tình hình trong nước, nhiệm vụ sắp tới của phong trào cách mạng. Từ khi ký Hiệp ước Xô - Đức tháng 8-1939, các cán bộ đảng luôn đặt ra những câu hỏi yêu cầu giải thích tại sao Stalin lại ký liên minh với Đức Quốc Xã, kẻ thù không đội trời chung của cách mạng thế giới. Cuối tháng 6-1941, Đức tấn công Liên Xô dọc theo biên giới. Điều này tạo thuận lợi cho những cố gắng của Nguyễn Ái Quốc phối hợp những hoạt động Đảng cộng sản Đông Dương với cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa phát - xít. Như ông có lần giải thích: “Bọn phát - xít đã tấn công Liên Xô, quê hương cách mạng thế giới, nhưng nhân dân Xô viết nhất định sẽ chiến thắng. Nhân dân Việt Nam chúng ta cũng đứng bên cạnh lực lượng Tân Dân Chủ, ủng hộ Liên Xô chống lại bọn phát - xít”.[363]
Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu mỏng nói về chiến thuật chiến tranh du kích, cuốn sách như tư liệu chỉ dẫn cho từng phần của khoá học quân sự. Tư liệu chắc chắc được rút ra từ kinh nghiệm bản thân khi ông quan sát lực lượng cộng sản ở Trung Hoa, cũng như từ những khoá đào tạo du kích mà ông đã tham dự ở Hoành Dương hai năm trước. Sau chương mở đầu mô tả tóm tắt chiến tranh du kích, nội dung còn lại thảo luận cách thức tổ chức cũng như chiến thuật rút lui, tấn công và xây dựng căn cứ địa. Sau đó, cuốn sách được xuất bản dùng cho chương trình đào tạo ở khu vực Việt Bắc.[364]
Nguyễn Ái Quốc dành thời gian viết nhiều đề tài khác nhau. Ông đóng góp tích cực cho báo Việt Nam Độc Lập, tờ báo ra đời năm ngoái in litô tuyên truyền, hướng dẫn cho các thành viên mới gia nhập. Báo in trên giấy bản làm từ bột nứa, gồm nhiều thể loại, lối viết đơn giản giúp dân chúng địa phương dễ đọc. Thời ấy rất ít người dân địa phương biết đọc biết viết, nên ông mở lớp bình dân học vụ, không những dạy chữ quốc ngữ còn dậy Sơ lược Lịch sử Đảng và cách mạng thế giới. Những bài báo, phần nhiều do chính Nguyễn Ái Quốc viết, đề cập nhiều đề tài nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau, nhưng tất cả đều cùng mục đích phổ biến thông điệp của Việt Minh và chuẩn bị cho người đọc về sự đối đầu sắp tới với kẻ thù. Một bài thơ “Phụ nữ” in trong số báo 104:
Việt Nam phụ nữ ra đời
Nhiều người vì nước vì nòi hy sinh.
Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.
Bà Triệu Ẩu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.
Mấy năm cách mệnh khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai
Bị làm án tử đến hai ba lần.
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà
Chị em cả trẻ đến già,
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu Tiên con Rồng.[365]
Từ đầu thập niên 1930, công cụ cơ bản của Đảng là cố gắng tổ chức quần chúng, đại diện cho lợi ích những nhóm xã hội đặc biệt ở Đông Dương. Cách thức lôi kéo những người ủng hộ mức thấp bằng cách dùng những thành viên tiến bộ hơn tuyên truyền sau đó chuyển họ lên những tổ chức mức cao hơn. Đây là chiến thuật do Lenin đưa ra, sau đó được Đảng cộng sản Trung Quốc hoàn thiện. Trong một bài báo nhan đề “Chiến tranh thế giới và nghĩa vụ của chúng ta”, Nguyễn Ái Quốc vạch ra sự cần thiết đối với tất cả các nhóm yêu nước trong xã hội Việt Nam - dù dân nghèo, thanh niên, phụ nữ, trẻ em, công nhân, binh lính hoặc ngay cả nhà Nho - gia nhập tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Trong những bài viết sau hội nghị Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn nhắc đến nghĩa vụ thiêng liêng giải phóng tổ quốc. Trong một cuốn sách mỏng viết dưới dạng thơ nhan đề “Lịch sử nước ta”, ông mở đầu bằng một lời tuyên ngôn:
“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt nam”
Rồi ông nhấn mạnh bài học lịch sử lớn:
“Dân ta xin nhớ chữ đồng,
Đồng lòng, đồng sức, đồng tình, đồng minh”.
Cuối sách, ông liệt kê một danh sách ngày tháng quan trọng trong lịch sử nhân dân Việt Nam. Ngày tháng cuối cùng trong danh sách là 1945, “năm Việt Nam độc lập”. Khi các đồng chí của ông hỏi tại sao ông biết chính xác thời gian giải phóng sẽ xảy ra, ông đáp một cách bí ẩn, “Cứ chờ xem”.[366]
Trong khi Nguyễn Ái Quốc đang huấn luyện cán bộ và khích lệ những người ủng hộ sự nghiệp thiêng liêng giải phóng tổ quốc thì các đồng chí của ông cố gắng xây dựng vùng căn cứ giải phóng ở Việt Bắc làm sở chỉ huy cho việc cướp chính quyền sắp tới. Một thời gian ngắn sau khi kết thúc hội nghị Pác Bó, Quốc chỉ thị Phùng Chí Kiên xây dựng một căn cứ như thế ở phía nam hướng về đồng bằng sông Hồng. Cuối cùng, Kiên lập một trụ sở quân sự mới trong vùng núi giữa làng Nguyên Bình và Hoà An, sát ngay phía tây thủ phủ Cao Bằng. Cao Bằng nằm trên Quốc lộ 4, ngoằn ngoèo uốn khúc theo hướng đông nam biên giới, cuối cùng nối với những con đường dẫn tới cùng đồng bằng, nơi có trụ sở Ban Chấp hành Trung ương gần Hà Nội. Một sở chỉ huy mới nằm ở một lòng chảo nhỏ bao quanh bởi những tảng đá lớn màu đỏ, khiến Võ Nguyên Giáp đặt tên “lô cốt đỏ”. Trụ sở là một túp lều nhỏ nằm bên sườn núi, được những cánh rừng xanh mướt che chở. Tuy còn đơn sơ, nhưng so với hang Pác Bó, chỗ ở mới này sang trọng, trong thời gian vài tháng tiếp theo, các cán bộ tại căn cứ xây dựng chương trình đào tạo cho chính họ để chuẩn bị tung ra những hoạt động du kích.
Vào một ngày tháng 1-1942, mặc quần áo bạc mầu dân tộc Nùng, đeo một túi vải nhỏ chứa đồ tuỳ thân (gồm cả máy chữ và dụng cụ tập thể dục), Nguyễn Ái Quốc rời Pác Bó cùng vài đồng sự, đến căn cứ mới của Việt Minh. Có lần nhóm này lạc đường, Nguyễn Ái Quốc dùng sự kiện đó để hài hước: “Thế lại hóa ra hay, trong tương lai chúng ta phải biết rõ nhiều hơn những con đường như thế này để biết cách thoát thân”.[367]
Khi tới sở chỉ huy mới của mình ông đặt tên Lam Sơn, (tưởng nhớ căn cứ kháng chiến của Lê Lợi chống quân Minh thế kỷ XV), Nguyễn Ái Quốc mở khoá huấn luyện chính trị mới cho cán bộ địa phương. Để giữ bí mật, chương trình học tiến hành ngoài trời vào ban đêm và không có tài liệu huấn luyện. Vì trình độ hiểu biết của học viên cao hơn những người ở Pác Bó, tài liệu học tập cũng cao hơn, gồm những cuộc thảo luận về học thuyết Marxist, điều lệ Đảng và lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Để khích lệ tinh thần các đồng chí của mình, còn lo về sự thắng lợi của cuộc chiến đấu kéo dài trước kia chống Pháp, bây giờ lại thêm chống Nhật, Nguyễn Ái Quốc đôi khi kết thúc bài giảng, chỉ ra căn cứ địa rất cần thiết, là cơ sở phát động cuộc tổng khởi nghĩa tương lai. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng cốt lõi xây dựng sức mạnh phong trào qua việc kết nạp những người ủng hộ đáng tin cậy. Ông vạch rõ “Cuộc cách mạng giống như thuỷ triều đang dâng và những người đáng tin cậy giống như rễ cây chìm xuống đáy sông, nó sẽ giữ lại đất khi thuỷ triều rút xuống”.
Tuy nhiên, chỗ mới đến dễ bị lộ so với khu vực biên giới gần Pác Bó khi địch tấn công. Đôi khi, những cán bộ đảng tại sở chỉ huy buộc phải tìm cách lẩn trốn vào trong dân chúng địa phương để thoát khỏi sự phát hiện của lính tuần tra Pháp trong vùng. Để khắc phục, họ lập trại ở giữa cánh rừng, ít người qua lại. Để sống, họ buộc phải ăn ngô, gạo, hoặc hoa chuối rừng. Dù các đồng chí của ông lo ngại, Nguyễn Ái Quốc khăng khăng đòi chia sẻ những khó khăn với đồng đội. Tinh thần lúc lên lúc xuống, ông khuyên: “Kiên trì, bình tĩnh và cảnh giác, đó đức tính mà người cách mạng không bao giờ được quên”.[368]
Trong hoàn cảnh này, mối quan hệ tốt với dân thiểu số trong vùng là điều hết sức cần thiết. Đảng bắt đầu xây dựng sự ủng hộ ở Việt Bắc vào thời kỳ giữa thập niên 1930, tại hội nghị Macao 1935, Đảng hứa quyền tự quyết cho tất cả các dân tộc thiểu số ở liên bang Đông Dương độc lập trong tương lai. Bây giờ, với sự khích lệ của Quốc, các cán bộ cố gắng lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng địa phương bằng cách học tiếng và phong tục của họ. Cán bộ dự các buổi lễ do nhân dân những làng gần đó tổ chức, thậm chí một số bọc răng vàng hoặc lấy vợ người địa phương, cuộc sống gia đình được xây dựng.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, quân đội Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Hôm sau, Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản. Trong một bài xã luận ngắn in trên báo Việt Nam Độc Lập, Nguyễn Ái Quốc tuyên bố, cuộc chiến ở Thái Bình Dương đã chuyển thành xung đột lớn thế giới, làm tăng sự cấp bách đối với nhân dân Đông Dương, huy động mọi cố gắng của họ để đáp ứng những thách thức sắp tới. Trở lại Pác Bó vào tháng 7-1942, Quốc chỉ thị các đồng chí của ông gần Cao Bằng mở rộng hoạt động để liên kết với các đồng chí đang hoạt động tại Bắc Sơn và Võ Nhai, xa hơn về phía nam, tạo một hành lang chính trị ổn định từ Cao Bằng chạy về phía nam tới đồng bằng. Phong trào “Nam tiến” (trùng với thuật ngữ dùng cho cuộc di dân trong lịch sử từ đồng bằng sông Hồng xuống phía nam sau khi giành được độc lập từ Trung Quốc ở thế kỷ X), sẽ tiến theo cách này.
Tại Bắc Sơn, Chu Văn Tấn, cán bộ đảng gốc dân tộc Nùng, đã cố gắng tổ chức những người sót lại của lực lượng nổi dậy, từng chiến đấu chống lại Pháp và Nhật Bản mùa Thu năm 1940, thành những chi đội du kích dưới tên rất kêu Cứu Quốc Quân. Vì căn cứ địa gần tỉnh Lạng Sơn, những đơn vị này luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm bị lực lượng an ninh Pháp gần đó thường xuyên tung ra những đợt càn quét quanh vùng, bắt những người tình nghi và đốt phá làng mạc. Trong một trận càn quét, Phùng Chí Kiên, một trong số những đồng chí được tin tưởng nhất của Nguyễn Ái Quốc và là uỷ viên Ban chấp hành Trung ương từ 1935, hy sinh trong chiến đấu. Chính Quốc đã cử Kiên đến Bắc Sơn để tiến hành những khoá đào tạo, mở rộng hoạt động du kích, Quốc tự an ủi, sự hy sinh người đồng chí của ông là tất yếu. Ông thường nhắc nhở nhiệm vụ thông tin liên lạc là “nhiệm vụ quan trọng nhất” cho công tác cách mạng, vì nó quyết định duy trì nguyên tắc chỉ huy thống nhất và triển khai thích ứng lực lượng, đảm bảo thắng lợi cuối cùng.
Đối phó với những hoạt động gia tăng của lực lượng du kích, nhà cầm quyền ra sức đàn áp, đặt lệnh giới nghiêm khắp các tỉnh của Việt Bắc và tăng cường tuần tra để đánh đuổi những lực lượng chống đối. Để giảm thiểu khả năng bị bắt, Nguyễn Ái Quốc rời Lam Sơn tháng 6-1942 và trở lại Pác Bó. Cải trang thành một thầy cúng địa phương, mang theo áo choàng đen cùng tất cả những đồ cúng tế, gồm bùa, hương và một con gà sống (máu của nó được coi là thuốc chữa được bệnh), ông và đoàn hộ tống trải qua vài chuyện khó khăn khi đi qua những trạm kiểm soát của địch. Có lần viên sĩ quan an ninh tại một trạm kiểm tra địa phương yêu cầu thầy tới cúng cho vợ y đang bị ốm. Một đồng sự của Quốc phải nài nỉ viên sĩ quan rằng nhóm của ông rất vội, vì mẹ vợ thầy cúng cũng đang ốm nặng. Thấy thế, viên sĩ quan thông cảm, nói, khi nào thầy cúng trở về xin mời ghé qua làng.[369]
Cương Lĩnh hoạt động trong nước bây giờ đã nắm trong tay, Nguyễn Ái Quốc quan tâm tìm sự ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp. Ngày 13 tháng 8 năm 1942, ông đi bộ sang Trung Hoa cùng với đồng sự Lê Quảng Ba. Để bớt nguy hiểm bị tuần tra Pháp bắt, ban đêm đi, ban ngày nghỉ. Quốc mang thẻ nhà báo Trung Quốc với tên Hồ Chí Minh. Tại Ba Mủng, thị trấn nhỏ biên giới Trung Hoa ngày 25 - 8, ông nghỉ hai ngày tại nhà ông Hứa Vĩ San, nông dân địa phương có thiện cảm với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Hai ngày sau, ông ra đi cùng với một thanh niên dẫn đường, nói với anh ta, ông muốn đi bộ tới một chợ ở thị trấn Bình Mã gần đó để đi xe đò tới thủ đô kháng chiến Trùng Khánh, còn Lê Quảng Ba ở lại Bá Mủng. Cả hai người bị cảnh sát Trung Hoa ở làng Nhai Trường bắt trên đường đi, cách huyện lỵ Thiên Bảo không xa, khoảng 20 dặm đông bắc Tĩnh Tây. Sở dĩ nhà cầm quyền địa phương nghi ngờ, vì ngoài việc mang giấy tờ chứng nhận ông là đại diện một nhóm mang tên “Chi Hội Việt Nam Chống Xâm Lược”, Hồ cũng mang một thẻ đặc biệt của Hãng Thông Tấn Quốc tế (Guoji Xinwenshe), một chứng minh thư quân đội do Văn phòng Bộ tư lệnh Chiến khu 4 cấp. Tất cả những giấy tờ này cấp năm 1940 không còn giá trị. Vì nghi người mang khá nhiều giấy tờ giả là gián điệp Nhật, họ nhốt ông và người thanh niên dẫn đường vào nhà giam.[370]
Mục đích Hồ Chí Minh tới Trung Hoa cho đến nay vẫn còn là chủ đề tranh cãi. Trong hồi ký, mục tiêu của ông bắt liên lạc với tổng thống Tưởng Giới Thạch và những nhân vật cầm quyền Quốc Dân Đảng yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Hoa để đuổi Nhật ra khỏi Đông Dương. Vài nguồn tài liệu khác của Việt Nam đã đồng tình. Nhưng một số khác cho rằng mục đích thực là bắt liên lạc với đại diện Đảng cộng sản Trung Quốc tại văn phòng liên lạc ở Trùng Khánh. Rất có khả năng, cả hai đều đúng. Có những lý do chắc chắn đúng là Hồ Chí Minh muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với những nhân vật quen biết trong Đảng cộng sản Trung Quốc, nhiều nhân vật trong số này ông từng quen biết trong chuyến dừng chân ngắn ngủi ở Diên An gần bốn năm trước. Dù Hồ Chí Minh dự định gặp Chu Ân Lai, người bạn cũ, lúc này đang ở Trùng Khánh, nhưng mục tiêu chính của ông chắc chắn tìm sự ủng hộ từ Chính phủ Quốc Dân Đảng và muốn họ công nhận Mặt trận Việt Minh là đại diện hợp pháp của những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa. Lúc này, tin tức Hải Quân Mỹ chiến thắng tại Midway đã lan tới lục địa châu Á, sự ủng hộ của Đồng Minh cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch giúp ông ta sống sót vào cuối chiến tranh Thái Bình Dương có vẻ tăng lên. Hồ cũng mới liên lạc với bà Tống Khánh Linh (vợ goá Tôn Dật Tiên) đang cầm đầu chi Hội Phản đế Quốc tế ở Trung Hoa. Phong trào cách mạng Việt Nam bây giờ cần sự giúp đỡ vật chất, vì thế điều cốt yếu là Chính phủ Quốc Dân Đảng phải nới tay cho những hoạt động của Việt Minh ở nam Trung Hoa, ủng hộ vai trò của mặt trận nhân dân bằng cách giúp đỡ để đánh bại Nhật Bản.[371]
Cho rằng người mang khá nhiều giấy tờ giả không những là người nguy hiểm mà còn là một nhân vật chính trị quan trọng, nhà cầm quyền địa phương quyết định liên lạc với toà án quân sự Quế Lâm, thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Toà án quân sự đề nghị giải Hồ đến Quế Lâm để thẩm vấn và xử án tại đó nếu có thể. Chặng đường phải qua huyện lỵ Thiên Bảo và Tĩnh Tây, nơi Hồ Chí Minh từng hoạt động ngay trước hội nghị Pác Bó. Ông bị giam tại nhà tù Quốc Dân Đảng ở Tĩnh Tây ngày 29 tháng 8. Lúc này, các đồng chí ở vùng biên giới mới biết ông lâm nạn, họ tức khắc gửi một bức thư cho quan toà Tĩnh Tây, người quen của Hứa Vĩ San. Nhưng vị quan chức này từ chối thả Hồ, báo cáo việc bắt giam bằng điện báo lên cấp trên.[372]
Hồ Chí Minh nằm lại ở nhà tù Tĩnh Tây vài tuần lễ đồng thời chính quyền địa phương chờ chỉ thị xử lý ông. Theo ông miêu tả, điều kiện sống trong nhà tù rất tồi tệ và dã man. Tù nhân ban ngày bị nhốt vào một nhà kho, ban đêm bị xích vào tường nhà lao đầy chấy rận bò lổm ngổm. Ăn uống chỉ có một bát cơm và nửa chậu nước vừa dùng để rửa vừa để uống. Dù vậy, không biết bằng cách nào Hồ Chí Minh vẫn kiếm được giấy bút, trong thời gian rỗi rãi ông luyện tập trí não bằng cách làm thơ, miêu tả những cảm tưởng của ông và tình trạng bị giam cầm. Nhiều năm sau, những bài thơ này được xuất bản mang tên “Nhật ký trong tù”. Những bài thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán theo thể Đường luật:
Mở đầu tập nhật ký
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng ngồi trong ngục biết làm chi đây
Ngồi buồn ngâm vịnh cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do
Người tù bày tỏ sự đau xót thân phận mình:

Đường đời hiểm trở
Đi khắp đèo cao, khắp núi cao,
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao!
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao?!

Ta là đại biểu dân Việt Nam
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quý” ở nhà giam!

Ta người ngay thẳng lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian;
Xử thế xưa nay không phải dễ
Mà nay xử thế thật gian nan.

Nhưng với bản tính lạc quan vốn có, ông không bao giờ mất niềm tin và lôi kéo bạn tù phải tin sẽ sống sót:

Buổi sớm
Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc,
Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài;
Trong ngục giờ đây còn tối mịt,
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.

Sớm dậy, người người đua bắt rận,
Tám giờ chuông điểm, bữa ban mai;
Khuyên anh hãy gắng ăn no bụng,
Bĩ cựu rồi ra ắt thái lai.[373]
Ngày 10 tháng 10, kỷ niệm 31 năm ngày cách mạng đầu tiên của Trung Hoa, Hồ Chí Minh được giải từ Tĩnh Tây trở lại huyện lỵ Thiên Bảo. Chuyến đi rõ ràng đã làm thay đổi chút khỏi cảnh đơn điệu cuộc sống trong tù:
Đi đường
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Mới đến nhà lao Thiên Bảo
Năm mươi ba dặm, một ngày trời,
Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi;
Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ,
Ngồi trên hố xí đợi ban mai.

Tại huyện lỵ Thiên Bảo, ông nghe tin Wendell Willkie, phái viên đặc biệt của tổng thống Roosevelt về Trung Hoa, đã tới Trùng Khánh để thảo luận với Tưởng Giới Thạch. Những báo cáo mới về chuyến thăm đã làm ông thất vọng:
Các báo đăng tin: Đại hội hoan nghênh Willkie
Cũng là đi Trùng Khánh,
Cũng là bạn Trung Hoa;
Anh, làm khách trên sảnh,
Tôi, thân tù nhà pha.
Cùng là đại biểu cả,
Khinh trọng sao khác xa?
Thói thường chia ấm lạnh,
Về đông nước chảy mà.
Từ huyện lỵ Thiên Bảo, Hồ được giải qua Đồng Chánh và Long An đến Nam Ninh khoảng 120 dặm, (220 km) về phía tây, trên đường tới Quế Lâm. Do bị giam giữ lâu ngày ông rất căng thẳng.
Đêm lạnh
Đêm thu không đệm cũng không chăn,
Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an;
Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh,
Nhòm song, Bắc Đẩu đã nằm ngang.
Dù vậy, ông không mất tính hài hước và món quà hài hước đã đánh dấu phong cách viết của ông từ những ngày trước đây khi còn là một người cách mạng ở Paris:
Pha trò
Ăn cơm nhà nước, ngủ nhà công,
Lính tráng thay phiên đến hộ tùng;
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng!
Trên thực tế, tình hình của ông được cải thiện. Ngày 9 tháng 12 năm 1942, ông được giải từ Nam Ninh bằng tàu hoả đến Liễu Châu, nơi Bộ chỉ huy Chiến khu 4 Tưởng Giới Thạch đóng. Hồ Chí Minh chắc chắn hy vọng sự hiện diện của ông sẽ được báo cáo với tư lệnh vùng, Trương Phát Khuê, một tư lệnh cựu trào Quốc Dân Đảng, người không tán thành Tưởng không tin Đảng cộng sản Trung Quốc và là người có thiện cảm với cuộc đấu tranh của người Việt Nam để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, Hồ thất vọng vì họ bắt ông phải chờ đợi, và rốt cuộc, sau đó ông bị giải đến Quế Lâm ngày hôm sau.

Giam lâu không được chuyển
Thuốc đắng cặn liều càng thấy đắng
Đường gay cuối chặng lại thêm gay
Dinh quan chỉ cách đây chừng dặm
Sao mãi giam ta ở chốn này.

Bốn tháng rồi
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”,
Lời người xưa đâu có sai;
Sống khác loài người vừa bốn tháng,
Tiều tuỵ còn hơn mười năm trời

Bởi vì:
Bốn tháng cơm không no,
Bốn tháng đêm thiếu ngủ,
Bốn tháng áo không thay,
Bốn tháng không giặt giũ.
Cho nên:
Răng rụng mất một chiếc,
Tóc bạc thêm mấy phần,
Gày đen như quỷ đói,
Ghẻ lở mọc đầy thân.

Lúc này thân thể ông gày đét, lở loét, tóc ông bắt đầu bạc dần và rụng răng. Nhưng ông không tuyệt vọng:
May mà:
Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần
Ốm nặng
“Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh,
“Nội thương” đất Việt cảnh lầm than;
Ở tù mắc bệnh càng cay đắng,
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.

Sau vài tuần lễ chậm trễ, sĩ quan chánh án toà án quân sự ở Quế Lâm xử vụ án Hồ Chí Minh. Khi thẩm vấn, Hồ thú nhận đã có quan hệ với phong trào cộng sản ở Đông Dương, nhưng chối ông không có mối quan hệ nào với Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông tuyên bố mình là một tù chính trị. Toà ra lệnh giải ông quay lại đại bản doanh Bộ chỉ huy Chiến khu 4 ở Liễu Châu để xử. Khi ông tới Liễu Châu đầu tháng 2-1943, Trương Phát Khuê chuyển vụ án này sang Phòng Chính trị.[374]
Nghe tin Hồ Chí Minh bị bắt, Lê Quảng Ba tức khắc rời Ba Mủng đến Tĩnh Tây. Hồ nhờ ông chuyển một bức thư cho Ban Chấp Hành Trung ương Đảng ở Việt Nam. Khi tin tức Hồ bị bắt về tới Cao Bằng cuối tháng 10, giới lãnh đạo đảng quyết định phát động phản đối công khai chống lại việc bắt ông. Họ cũng quyết định viết thư gửi tới những hãng thông tấn lớn như UPI, Reuters, TASS (Thông tấn xã Liên Xô) và AFP báo động về tình hình, yêu cầu họ can thiệp với chính phủ Trung Hoa để thả Hồ. Bức điện gửi cho đại diện TASS ở Trùng Khánh, ngày 15 tháng 11, đơn giản xác nhận Hồ Chí Minh là “một trong những người lãnh đạo Chi Hội Việt Nam của Hội Phản đế Quốc tế”, người có “uy tín cao” trong nhân dân. Bức điện nói, Hội có 200.000 thành viên. Trong thời gian này, những báo động tương tự cũng được thu nhận bởi tất cả những cơ quan điện báo ở Trùng Khánh, tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn đang ở nhà tù Quế Lâm.
Trong lúc đó, Hoàng Đình Giong, cán bộ đảng người dân tộc thiểu số, được cử tới Trung Hoa để đưa bức điện nhân danh Chi Hội Việt Nam của Hội Phản đế Quốc tế tới Tôn Khoa yêu cầu thả Hồ. Tôn Khoa là con trai Tôn Dật Tiên và là Chủ tịch đương thời Viện Lập Pháp ở Trùng Khánh. Tôn Khoa công khai phát biểu ủng hộ việc giải phóng những nước thuộc địa ở châu Á sau khi kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương, thiện cảm với bức thư này:
Kính gửi Tôn Viện trưởng,
Đại diện của chúng tôi Hồ Tự Minh bị bắt ở Tĩnh Tây trên đường tới Trùng Khánh yết kiến Tưởng tướng công để kính tặng cờ kỷ niệm. Chúng tôi đề nghị ông đánh điện cho chính quyền địa phương thả ông ta lập tức.
Tôn Khoa, có lẽ không biết Hồ Tự Minh là ai, liền chuyển bức điện cho Ngô Thiết Thành, Tổng bí thư Quốc Dân Đảng. Ngày 9 tháng 11, Ngô Thiết Thành gửi điện báo cho chính quyền tỉnh ở Quế Lâm, cũng như tới Bộ chỉ huy Chiến khu IV của Trương Phát Khuê ở Liễu Châu, yêu cầu họ điều tra vấn đề, nếu đúng, ra lệnh thả Hồ. Tuy nhiên, không thể thực hiện được việc đó vào lúc này, Hồ Chí Minh đang bị giải trên đường từ huyện lỵ Thiên Bảo đến Nam Ninh, vẫn chưa tới Liễu Châu.[375]
Trong lúc giới lãnh đạo đảng ở Đông Dương làm hết sức để Hồ Chí Minh được thả, thì họ nghe được tin sốc. Vào một ngày mùa đông 1942-1943, một đảng viên trẻ của Đảng, người được cử tới nam Trung Hoa để tìm Hồ, đã về đến Cao Bằng báo cáo Hồ Chí Minh đã chết. Khi ở Liễu Châu ông ta nghe tin Hồ chết trong tù. Sau khi gửi một bức thư báo động Ban Chấp hành Trung ương tại đóng gần Hà Nội, giới lãnh đạo đảng ở Việt Bắc cử Phạm Văn Đồng tổ chức lễ truy điệu.
Tuy nhiên, vài tuần sau một tạp chí từ Trung Quốc gửi tới. Trên mép bìa tạp chí có một số chữ Hán viết tay: “Các bạn yêu quý của tôi - hãy giữ sức khoẻ và dũng cảm trong công tác. Mình sức khoẻ tốt”. Kèm theo một bài thơ ngắn:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa.
Quá vui mừng, giới lãnh đạo đảng mời người cán bộ kia đến giải thích. Ông này giải trình “Chính tôi cũng không hiểu. Ông tỉnh trưởng người Trung Hoa nói rõ ràng với tôi rằng Bác Hồ đã chết”. Tuy nhiên, khi người cán bộ này thuật lại chính xác lời tỉnh trưởng, mọi người mới té ngửa rằng ông ta nghe nhầm từ “shile, shile” (tốt, tốt) thành “sile, sile” (chết, chết).[376]
Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh vẫn còn bị giam tại một nhà tù quân đội thuộc doanh trại của Phòng Chính trị. Thời gian này - ông làm thơ - cảm thấy mình giống như một quả bóng bị đá đi đá lại giữa các nhà tù và hiện đang ở giữa Quế Lâm và Liễu Châu. Trong năm tháng cuối cùng, ông bị giải qua mười tám nhà tù ở mười ba huyện khác nhau ở nam Trung Hoa. Dù Hồ vẫn còn buồn bực trước tình cảnh mất tự do, nhưng là một tù chính trị ông được đối xử tử tế hơn. Thức ăn đầy đủ, không vị cùm về ban đêm, thậm chí ông còn được phép đọc sách báo. Định kỳ ông được phép rời buồng giam để tản bộ giãn xương cốt, khuây khoả bản thân, thỉnh thoảng còn được cắt tóc và tắm nước nóng. Ông cũng có điều kiện tốt hơn để giữ liên lạc với các đồng chí ở Việt Nam và thông báo tình hình của ông, vì thế ông thường xuyên gửi cho họ sách, báo chí chứa những thư ngắn viết bằng nước cơm vào lề trống. Đối với những người Trung Quốc cầm tù mình, ông thể hiện hình ảnh một học giả già, nhã nhặn và điềm tĩnh. Để giết thời gian, ông dịch cuốn sách nổi tiếng “Chủ nghĩa Tam Dân” của Tôn Dật Tiên sang tiếng Việt.[377]
Một ngày mùa xuân 1943, tướng Trương Phát Khuê biết được danh tính thực của vị tù nhân rắc rối, hoặc ít nhất cũng xác định được ông là một người cộng sản. Đúng hơn, Trương Phát Khuê cũng chỉ phỏng đoán điều này. Hoàng Văn Hoan, một đồng sự của Hồ Chí Minh, nói danh tính Hồ là đặc vụ Quốc tế Cộng sản bị tiết lộ do Trần Báo, theo chủ nghĩa quốc gia sống trong vùng, hy vọng người ta sẽ xử tử Hồ Chí Minh. Nhưng tướng Lương Hoa Sinh, khi đó là chủ nhiệm Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Chiến khu 4, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau này, trong những cuộc nói chuyện với Hồ, ông biết chắc người tù là cộng sản và đề nghị thủ tiêu. Tuy nhiên, theo Lương Hoa Sinh, đề nghị của ông bị chính quyền trung ương ở Trùng Khánh bác bỏ, mặc dù chính chính quyền Trùng Khánh lúc đó cũng biết danh tính thực của Hồ, nhưng ra lệnh “cảm hoá” Hồ nếu có thể được.[378]
Quyết định của chính phủ về vấn đề này thoạt đầu có thể do chịu ảnh hưởng của Chu Ân Lai, người đứng đầu văn phòng liên lạc Đảng cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh. Mùa thu năm 1942, khi Chu Ân Lai biết Hồ Chí Minh đã bị bắt, ông đặt vấn đề với tướng Phùng Ngọc Tường, viên tướng nổi tiếng của Trung Hoa, một trong kẻ thù của Tưởng Giới Thạch trong thập niên 1920 và 1930. Phùng Ngọc Tường, thường ve vãn những người cộng sản, nhưng bây giờ là nhân vật có thế lực của giới lãnh đạo Chính phủ Quốc Dân Đảng, tư vấn với cố vấn Xô viết ở Trùng Khánh và sau đó ông nói chuyện với phó tổng thống Lý Tôn Nhân. Họ cùng nhau gặp Tưởng và đề nghị thả Hồ Chí Minh. Theo một người Trung Hoa kể lại, Phùng Ngọc Tường ủng hộ Hồ, lý giải, ngay cả Hồ Chí Minh là thành viên phong trào cộng sản Việt Nam, thì điểm này cũng không liên quan. Sau cùng, ông lập luận, những đại diện cộng sản nước ngoài, gồm cả Liên Xô, cũng không bị cản trở. Điểm chính, Phùng Ngọc Tường khẳng định nhân dân Việt Nam ủng hộ nhân dân Trung Hoa kháng chiến chống Nhật. Nếu Hồ Chí Minh là một người bạn mà bị trừng trị như một tội phạm, điều đó sẽ làm cho Trung Hoa mất sự ủng hộ, mất thiện cảm của quốc tế và không thật lòng với cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Hoa. Lý Tôn Nhân đồng tình với Phùng Ngọc Tường, đề nghị chính phủ trung ương trao vấn đề này cho chính quyền tỉnh Quảng Tây giải quyết. Tưởng Giới Thạch miễn cưỡng đồng ý, gửi điện cho Bộ chỉ huy Chiến khu IV ra lệnh thả Hồ dưới sự theo dõi, đồng thời cố gắng thuyết phục Hồ cộng tác với những mục tiêu của Trùng Khánh.[379]
Không rõ bức điện có tác động gì đến tướng Trương Phát Khuê ở Liễu Châu hay không. Trong những cuộc phỏng vấn bởi Mỹ nhiều năm sau chiến tranh, Trương Phát Khuê phủ nhận hành động trong vấn đề này là do lệnh từ cấp trên. Như ông giải thích, ngay khi phát hiện tù nhân đúng là Nguyễn Ái Quốc, một người có ảnh hưởng trong phong trào cộng sản Việt Nam, ông ra lệnh viên chủ nhiệm chính trị mới ở Phòng Chính trị, tướng Hầu Chí Minh, gạ Nguyễn Ái Quốc hợp tác với Đệ Tứ Chiến khu để đổi lấy tự do. Trong những cuộc nói chuyện với Hồ, Trương Phát Khuê nhận ra năng lực đáng nể, nhiệt huyết chống Pháp của Hồ, tin chắc mặc dù Hồ là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương, nhưng mục tiêu trước mắt là tự do và độc lập cho đất nước ông. Có lẽ Hồ đề nghị giúp đỡ Trương Phát Khuê tái tổ chức phong trào kháng chiến Việt Nam ở nam Trung Hoa và đảm bảo với Trương Phát Khuê một xã hội cộng sản sẽ không thành lập ở Việt Nam ít nhất là sau 50 năm.[380]
Những lý do Trương Phát Khuê quyết định trả tự do người tù rõ ràng gắn liền với những mục tiêu chính trị lâu dài của chính ông. Quê ở Quảng Đông, cựu trào Bắc Phạt giữa thập niên 1920, Trương Phát Khuê, tư lệnh quân đội đáng kính, người tránh xa những mưu toan chính trị của cả Tưởng Giới Thạch và Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông căm ghét cả Nhật Bản lẫn chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và chắc chắn có thiện cảm với sự khát khao của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc. Là tư lệnh Chiến khu 4 ở Liễu Châu, ông có trách nhiệm chuẩn bị tấn công vào quân đội Nhật Bản ở Đông Dương trước khi chiến tranh kết thúc. Chạy tới chạy lui, cuối cùng ông đã tìm cách tổ chức được những lực lượng người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa ở nam Trung Hoa trong thời gian đầu thập niên 1940 và đào tạo họ để sử dụng cho những hoạt động tương lai ở Đông Dương.
Tuy nhiên, kế hoạch của Trương Phát Khuê tổ chức lực lượng người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa thành một công cụ hiệu quả đã gặp nhiều khó khăn. Sự cộng tác giữa những nhóm dân tộc chủ nghĩa và Đảng cộng sản Đông Dương thông qua việc hình thành Uỷ Ban Giải Phóng Dân Tộc Việt Nam đã kết thúc cuối năm 1941, giới lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng phát hiện được danh tính thực của Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp khai trừ họ ra khỏi tổ chức. Ngay sau đó, chủ nghĩa bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo những người dân tộc chủ nghĩa như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần, Nghiêm Kế Tổ dẫn tới sự sụp đổ nội bộ Hội. Trương Bội Công, một trong những người tài trợ Uỷ ban, bị nhà cầm quyền địa phương bắt giam vì tội tham nhũng.
Mùa hè năm 1942, Trương Phát Khuê quyết định thử một lần nữa, chỉ thị cho những người lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa thành lập tổ chức mới, chưa có sự tham gia của cộng sản, mang tên Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, gọi tắt là Đồng Minh Hội. Tướng Hầu Chí Minh, cấp dưới của Trương Phát Khuê được cử giữ chức cố vấn Trung Hoa cho tổ chức này, cuộc họp đầu tiên diễn ra ở Liễu Châu đầu tháng 10-1942. Đồng Minh Hội cũng không thu hái được những thành công gì hơn tổ chức tiền nhiệm trước đó, khi kế hoạch do tướng Trương Phát Khuê hậu thuẫn, triệu tập Đại hội toàn quốc đầu tháng 9-1943 bị thất bại do sự bất đồng phe cánh trong giới lãnh đạo.
Hy vọng Hồ Chí Minh có thể tạo ra nguồn sinh lực tiếp sức phong trào đấu tranh của những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa tại nam Trung Hoa, Trương Phát Khuê quyết định trả tự do cho ông. Ngày 10 tháng 9, Hồ được thả khỏi nhà tù nhưng bị hạn chế tự do đi lại. Một uỷ viên Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Chiến khu 4 sau này nhớ lại, vào một ngày mùa thu, tù nhân này đột nhiên vào nhà ăn của Phòng Chính trị, ngồi xuống cùng Hầu Chí Minh và những quan chức Trung Hoa khác. Từ lúc đó, người cựu tù này, được những người quen biết gọi là “Bác Hồ”, không còn bị giam giữ nữa, được phép tự do đi lại trong doanh trại, thậm chí còn đi bộ bên ngoài khuôn viên.[381]
Mùa thu 1943, Hồ Chí Minh dần dần bắt đầu nhấn mình vào những hoạt động chính trị địa phương. Bằng cách thúc đẩy hồi sinh những nhóm dân tộc chủ nghĩa Việt Nam cố gắng cho tổ chức hoạt động có hiệu quả, Trương Phát Khuê tuyên bố, trực tiếp nắm Đồng Minh Hội, thay Hầu Chí Minh bằng tướng Tiêu Văn, làm cố vấn Trung Hoa cho Hội. Tiêu Văn, sinh ở Quảng Đông, cha là Hoa kiều, bản thân có thiện cảm với cộng sản. Để mở rộng cơ sở của tổ chức, Trương Phát Khuê chỉ thị, tất cả những người Việt Nam tốt nghiệp lớp đào tạo tại Liễu Châu đều được trở thành Hội viên.
Hồ Chí Minh bây giờ bắt đầu đóng một vai trò tích cực trong Đồng Minh Hội. Tháng 11-1943, theo yêu cầu của tướng Trương Phát Khuê, Hồ được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội. Nguyễn Hải Thần lúc này là chủ tịch Hội, kẻ thù của Hồ từ những ngày hoạt động ở Quảng Châu trong thập niên 1920. Việc bổ nhiệm làm Nguyễn Hải Thần khó chịu, nhưng phải nuốt giận vì không muốn mất lòng người đỡ đầu của mình. Tháng 12-1943, tướng Hầu Chí Minh mở tiệc chiêu đãi, trong bữa tiệc Nguyễn Hải Thần ra câu đối “Hồ Chí Minh, Hầu Chí Minh, hai đồng chí cùng quyết chí minh”. Không kém một ly, Hồ Chí Minh lập tức đối lại: “Anh cách mạng, tôi cách mạng, hai chúng ta cùng nhau cách mạng. Chúng ta chắc chắn sẽ thay đổi số phận của mình”.[382]
Được Trương Phát Khuê ưu ái, cuối mùa thu, Hồ tích cực nhúng tay tái tổ chức Đồng Minh Hội. Bây giờ ông chuyển khỏi doanh trại Phòng Chính Trị, được phép sống tại trụ sở Hội. Ông thường xuyên tham gia giảng dạy về các vấn đề quốc tế và địa phương cho người nghe khắp thành phố cũng như cho lớp đào tạo người Việt Nam dưới dự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến khu IV. Ông hứa với khán giả, sau khi đánh bại Nhật Bản, chắc chắn một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ sẽ xuất hiện ở Đông Nam Á. Có lần, ông ca ngợi Trung Hoa là một lực lượng mạnh cho hoà bình, người anh cả của nhân dân Việt Nam. Ông tiên đoán Đồng Minh sẽ hoàn toàn chiến thắng Nhật trong vòng một năm hoặc chừng đó, Trung Hoa khi đó có thể giúp Việt Nam khôi phục hoàn toàn nền độc lập bằng cách hoà bình và xây dựng một xã hội mới.[383]
Dựa vào Hồ Chí Minh như một công cụ để hồi sinh Đồng Minh Hội, Trương Phát Khuê đề nghị Hồ cố gắng tổ chức Đại hội lần thứ II. Hồ nhận lời. Một hội nghị trù bị được tổ chức tại Liễu Châu cuối tháng 2-1944. Tại Hội nghị, Hồ đề xuất, Hội phải mở rộng phạm vi, có sự tham gia của đại diện Mặt trận Việt Minh và những tổ chức quần chúng cũng như những nhóm khác ở Đông Dương cùng chung sự nghiệp chống phát xít. Có người lo khối liên minh sẽ bị Đảng cộng sản Đông Dương chiếm ưu thế. Hồ vạch rõ, tất cả các đảng phái và tổ chức trong nước biết Đảng cộng sản Đông Dương là đảng có tầm nhìn và ảnh hưởng mạnh nhất. Ông tuyên bố, nhân dân Việt Nam chẳng việc gì phải sợ chủ nghĩa cộng sản, vì chủ nghĩa cộng sản dần dần đưa lại ý tưởng bình đẳng kinh tế khắp thế giới, như nền dân chủ truyền bá khái niệm bình đẳng chính trị khắp châu Âu sau Cách mạng Pháp năm 1789. Kết quả sẽ là thế giới đại đồng. Hồ nói thêm, trong quá khứ, luôn có sự cạnh tranh giữa những đảng phái chính trị Việt Nam. Bây giờ các đảng phái này sẽ thống nhất để đấu tranh chống lại áp bức, đạt được mục tiêu duy nhất là thúc đẩy tất cả các đảng phái để giải phóng đất nước và dân tộc. Làm được điều đó sẽ theo kịp xu thế chung của nhân loại, vì Trung Hoa với chủ nghĩa Tam Dân, đế quốc Anh, cộng sản Nga và tư bản Mỹ hiện nay đang liên minh chống lại kẻ thù chung. Tướng Trương Phát Khuê đồng ý với những ý kiến lớn đó, giao Hồ đặt kế hoạch triệu tập hội nghị Đồng Minh Hội vào cuối tháng 3-1944.[384]
Nhưng ý định của Hồ Chí Minh tính đến đại diện của Mặt trận Việt Minh tại hội nghị không được nhiều thành viên không cộng sản của Đồng Minh Hội tán thành, họ nghi ngờ Hồ âm mưu chi phối hội nghị bằng cách nhét người của ông vào. Để xua tan những lo âu đó, Hồ đề nghị với Trương Phát Khuê, cuộc họp sẽ đơn giản mang tên hội nghị những đại diện hải ngoại của Đồng Minh Hội. Trương Phát Khuê đồng tình, tại một cuộc họp của ban chấp hành Hội, đi đến thoả thuận, hội nghị bao gồm những đại diện của tất cả các nhóm Việt Nam đang hoạt động ở nam Trung Hoa. Tại một bữa tiệc diễn ra giữa tháng 3-1944, Trương Phát Khuê tán thành kế hoạch này, những người chống đối việc mở rộng tham dự của tất cả các nhóm yêu nước tại Hội nghị, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận.
Hội nghị những đại diện hải ngoại Đồng minh Hội khai mạc ở Liễu Châu ngày 25-3-1944. Mười lăm đại biểu tham dự, bao gồm những đại diện Đảng cộng sản Đông Dương, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt dân tộc chủ nghĩa. Vài đại biểu, gồm Phạm Văn Đồng và Lê Tống Sơn, tham dự dưới tên Việt Minh hoặc những tổ chức khác có quan hệ với Đảng. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị, vạch rõ tình hình hiện tại ở Đông Dương, hoạt động của Mặt trận Việt Minh và chúc mối quan hệ lịch sử gần gũi lâu dài giữa nhân dân Việt Nam và Trung Hoa. Trương Phát Khuê tham dự phiên khai mạc và phiên kết thúc, theo dõi mọi sự kiện sát sao như gà mẹ chăm sóc đàn con mới nở, tin tưởng cuộc họp thành công. Trước khi kết thúc vào ngày 28-3-1944, hội nghị thông qua hai nghị quyết và bầu ban chấp hành gồm bẩy uỷ viên và một ban kiểm tra. Hồ Chí Minh lúc đầu được bầu là uỷ viên dự khuyết, nhưng sau trở thành uỷ viên chính thức. Trương Phát Khuê biểu thị sự hài lòng của mình bằng cách tặng cho các đại biểu một khoản tiền bổ sung.[385]
Trong thời gian vài tháng sau đó, Hồ Chí Minh dấn thân cố gắng hồi sinh Đồng Minh Hội và chuẩn bị trở lại Việt Nam. Tháng Bẩy ông tới Nam Ninh nói chuyện với học viên, những người được Việt Minh gửi tới học tập tại Trường đào tạo ở nam Trung Hoa. Lúc này Trương Phát Khuê khẳng định, Hồ Chí Minh là sự lựa chọn tốt nhất để lãnh đạo phong trào Việt Nam kháng chiến chống Nhật. Ông nói, trong lúc Hồ làm việc chăm chỉ, thì những người khác lười biếng, cẩu thả và lộn xộn khiến ông đau đầu. Đầu tháng Tám, bất chấp những lời phàn nàn của những người không cộng sản, Trương Phát Khuê cho phép Hồ Chí Minh hoàn toàn tự do hành động và hứa, Hồ có thể sớm trở lại Việt Nam. Hồ vạch kế hoạch hành động khi về nước. Trong bản kế hoạch, ông muốn truyền tải tới nhân dân Việt Nam rằng Trung Hoa đang thúc đẩy độc lập của đất nước họ, phát triển và thúc đẩy Đồng Minh Hội, chuẩn bị điều kiện để quân đội Trung Hoa tiến vào bắc Việt Nam, đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Hứa cố gắng phát triển Đồng Minh Hội, Hồ liệt kê những đảng phái chính trị mà ông hy vọng thu hút dưới ngọn cờ của nó: không những chỉ có Đảng cộng sản Đông Dương và những tổ chức quần chúng khác nhau mà còn có cả những đối thủ lâu dài của Đảng, như Việt Nam Quốc Dân Đảng và ngay cả Đảng Lập Hiến, những đảng viên làm công tác tuyên truyền đã ra khỏi đảng, biến chất thành những kẻ phản động làm bù nhìn cho Pháp. Hồ hứa sẽ mở hai căn cứ địa du kích giáp phía nam biên giới, yêu cầu tướng Trương Phát Khuê cung cấp vũ khí, tài chính cùng một thư tay để giới thiệu với những tổ chức khác nhau ở Việt Nam và một bản đồ quân sự Việt Nam. Trương Phát Khuê đồng ý cung cấp Hồ một hộ chiếu ra vào Trung Hoa nhiều lần, thuốc tây và tiền để ông sử dụng cá nhân, nhưng sự ủng hộ tài chính bổ sung cho hoạt động chống Nhật ở Đông Dương sẽ xét vào lúc khác.[386]
Trước khi rời Liễu Châu, Hồ Chí Minh tới thăm lần cuối tướng Tiêu Văn, cố vấn Đồng Minh Hội của Trương Phát Khuê, người đã có những giúp đỡ đáng kể trong những chuẩn bị cuối cùng cho chuyến trở về Việt Nam. “Chín mươi chín phần trăm những gì tôi nói với ông về Việt Nam và phong trào cách mạng Việt Nam là thật”, Hồ quả quyết với vị khách Trung Hoa, “Chỉ còn có một phần trăm tôi chưa nói với ông thôi”. Trước đó, ông đã hứa với tướng Trương Phát Khuê, chủ nghĩa cộng sản sẽ không thực hiện ở Việt Nam trong vòng năm mươi năm.[387]
Một ngày cuối tháng 8-1944, cùng mười tám người Việt Nam vừa tốt nghiệp trường đào tạo của Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh rời Liễu Châu, trở lại Đông Dương qua Long Châu và Tĩnh Tây. Để giảm nguy cơ bị lực lượng an ninh địa phương nhòm ngó, tất cả đều mặc quân phục Quốc Dân Đảng. Tại biên giới, họ thay phục trang, mặc quần áo dân địa phương, nhưng vẫn gặp những rắc rối với lính biên phòng, Hồ phải yêu cầu những quan chức địa phương ở Long Châu can thiệp, cho phép họ tiếp tục lên đường. Khi tới Bình Minh - thị trấn biên giới, ông phải ở lại vài ngày trong một túp lều tranh gần thị trấn để phục hồi sức khoẻ và lập nhóm bảo vệ hộ tống ông trở lại Pác Bó. Ngày 20-9-1944, ông về đến Pác Bó.[388]
Trong thời gian Hồ Chí Minh vắng mặt ở nam Trung Hoa, cuộc chiến ở Thái Bình Dương đã xoay chuyển vững chắc có lợi cho Đồng Minh. Thoạt đầu, tổng thống Roosevelt đưa ra kế hoạch tập trung nỗ lực quân sự chủ yếu vào chiến trường Trung Quốc - Miến Điện - Ấn Độ, dựa trên suy luận, lực lượng quân sự Quốc Dân Đảng sẽ đóng một vai trò chính trong chiến tranh. Song Washington vỡ mộng và vứt bỏ kế hoạch này vì Tưởng Giới Thạch không thiện chí dùng quân đội của mình tấn công chống lại Nhật. Năm 1943, một chiến lược mới của Mỹ được vạch ra nhằm chiếm những quần đảo Nhật Bản ở Thái Bình Dương, đã bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu thành công. Lực lượng Đồng Minh đã chiếm một số quần đảo do Nhật chiếm giữ ở Thái Bình Dương, đồng thời những đơn vị quân đội dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ, Douglas MacArthur, đã giao chiến trên những đảo của họ suốt từ New Guinea tới Philippines.
Tại Đông Nam Á, quân đội Nhật ở Đông Dương kiểm soát tương đối vững chắc, nhưng việc lật đổ chính phủ Vichy ở Pháp sau chiến dịch đổ bộ vào Normandy tháng 6-1944 khiến hàng ngũ quan chức quân sự và dân sự Pháp ở Đông Dương muốn ngả sang phía phong trào Nước Pháp Tự do của Charles de Gaulle, vì thế Tokyo nghi ngờ hơn về lòng trung thành trong tương lai của Toàn quyền Jean Decoux trong liên minh với Nhật Bản. Chính quyền chiếm đóng Nhật Bản ở Đông Dương tăng cường tranh thủ lòng trung thành dân chúng địa phương với chế độ của họ.
Trong lúc ấy, các đồng chí của Hồ Chí Minh cố gắng mở rộng căn cứ phong trào cách mạng khắp miền phía bắc Đông Dương. Năm 1942 và đầu 1943, cán bộ Việt Minh bắt đầu xây dựng những căn cứ du kích, mở rộng ảnh hưởng chính trị của Mặt trận ở các tỉnh miền núi bao quanh đồng bằng sông Hồng. Trong lúc ấy, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về hình thành Mặt trận Việt Minh đã tới tay các đảng viên miền nam khoảng năm 1942 hoặc 1943. Họ bắt đầu xây dựng lại phong trào một cách cần mẫn ở các tỉnh khác nhau dọc duyên hải Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Những cán bộ đảng khác cố gắng xây dựng “an toàn khu” nhỏ cho Ban Thường Vụ, (gồm Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ), ở Bắc Ninh, cách đông bắc Hà Nội 25 km. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Pháp đã bắt gần hết những cán bộ đảng trong vùng, nhưng khi họ trở lại thì Ban Chấp hành đã lập ra được một “đơn vị tác chiến” nhỏ ở Hà Nội để khởi đầu công tác tuyên truyền trong phong trào người lao động ở đây. Cho đến cuối năm 1942, hơn một ngàn công nhân đã gia nhập Hội Cứu Quốc địa phương. Những tổ chức tương tự cũng được lập ra cho thanh niên và phụ nữ. Một đơn vị du kích nhỏ được thành lập ở sân bay Gia Lâm, sát ngay phía bắc thành phố, như là bước đầu tiên để tạo ra an toàn khu cho giới lãnh đạo đảng trong vùng.
Từ những căn cứ ngoại thành Hà Nội, Ban Thường vụ theo sát tình hình chung trong vùng và tình hình thế giới, đồng thời duy trì liên lạc với tất cả những tổ chức đảng khắp Đông Dương. Ngay sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng tháng 12-1941, Tổng bí thư Trường Chinh đưa ra một thông cáo phân tích tình hình thay đổi cục diện trên thế giới có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của nhân dân Việt Nam như thế nào, đảng phải ứng phó ra sao. Trong bài “Chiến tranh Thái Bình Dương và nhiệm vụ cấp bách của Đảng”, ông tuyên bố, trong trường hợp quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa can thiệp vào Đông Dương, lực lượng Việt Minh sẽ đón tiếp và giúp đỡ họ, đồng thời cảnh báo, họ không nên đến như một kẻ xâm lược. Ông nghĩ điều tương tự khi Anh và Mỹ cũng quyết định xâm chiếm Đông Dương, trong trường hợp đó Đảng sẽ vui lòng có những nhượng bộ về nguyên tắc để có được sự giúp đỡ của họ. “Nếu họ đồng ý giúp đỡ cách mạng ở Đông Dương”,ông nói, “chúng ta có thể chấp nhận cho họ những ưu đãi kinh tế”. Nhưng nếu họ đến để trợ giúp phong trào Nước Pháp Tự do của Charles de Gaulle khôi phục quyền cai trị của Pháp tại khu vực này, “chúng ta sẽ phản đối mãnh liệt và tiến hành cuộc chiến đấu của chúng ta để giành độc lập”. Nếu quân đội Anh và Mỹ kéo tới địa phương, ông chỉ thị, cán bộ đảng huy động sự ủng hộ của nhân dân tạo được chính quyền cách mạng, bước vào những cuộc thương lượng với Lực lượng Đồng Minh vừa kéo đến. Ông cảnh báo “Chúng ta phải cảnh giác chống lại ảo tưởng cho rằng Tưởng Giới Thạch và quân đội Anh - Mỹ sẽ mang lại tự do cho chúng ta. Trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, hiển nhiên chúng ta cần tìm kiếm đồng minh - thậm chí đồng minh tạm thời, dao động hoặc có điều kiện - cuộc đấu tranh phải đạt được kết quả không ít hơn những cố gắng của chính chúng ta”.
Để kết luận, Trường Chinh phê bình những toan tính của những phần tử “cánh tả” hăng tiết vịt trong Đảng, những người này muốn phát động nổi dậy toàn dân khi Trung Hoa kéo quân vào. Ông cảnh báo “Những điều kiện cho một cuộc nổi dậy ở Đông Dương vẫn chưa chín muồi”. Phong trào ở khu vực nông thôn phát triển mạnh mẽ hơn ở thành phố và ở Việt Nam mạnh hơn ở Lào và Campuchia. Trường Chinh nhấn mạnh, trong trường hợp những điều kiện chín muồi ở một địa phương nào đấy, một chính quyền nhân dân lâm thời có thể được thành lập ở đó trước khi tổng khởi nghĩa.[389]
Đầu năm 1943, triển vọng can thiệp vào Đông Dương của Lực lượng Đồng Minh tăng lên. Để chuẩn bị cho khả năng này, cuối tháng 2-1943, Trường Chinh triệu tập cuộc họp Ban Thường Vụ tại làng Võng La, phía tây bắc Hà Nội. Theo quan điểm của Ban Chấp hành, mặc dù phong trào cách mạng vẫn còn một số thiếu sót, nhưng cũng có những tiến bộ lớn. Do vậy, Ban Chấp hành quyết định bắt đầu kế hoạch tổng khởi nghĩa. Tăng cường nỗ lực ở tất cả các vùng để xây dựng lực lượng chính trị và quân sự của phong trào. Mở rộng phong trào công nhân, bởi vì thiếu sự tham gia của nhân dân thành thị khó có thể thành công ở khu vực sinh tử của kẻ thù. Ban Chấp hành kêu gọi mở rộng các tổ chức công nhân, mở rộng mặt trận dân chủ thu hút kiều dân Pháp có thiện cảm với phong trào Nước Pháp Tự do và Hoa Kiều, cũng như tất cả những người Việt Nam yêu nước.[390]
Trong khi Ban Thường vụ đang thu xếp công việc, những người lãnh đạo đảng ở hai căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai tổ chức hội nghị riêng tại Lũng Hoàng, huyện Hoà An, sát tây bắc Cao Bằng. Để chống lại việc Pháp tăng cường đàn áp phong trào, họ quyết định ghép hai căn cứ địa và mở một đường giao liên về đồng bằng sông Hồng coi như giai đoạn đầu tiên trong việc kết hợp Việt Bắc với phong trào cách mạng ở nơi khác trong nước, cũng như thành lập những phương tiện liên lạc vững chắc với Ban Thường vụ. Sau khi kết thúc hội nghị, những đơn vị du kích - từng rút về phía biên giới để tránh càn quét của Pháp - được lệnh trở về căn cứ ban đầu tại Bắc Sơn - Võ Nhai. Họ bắt đầu kéo quân xuống phía nam tới Tuyên Quang và Vĩnh Yên, một thị trấn sát vùng đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội 40 km về phía tây bắc. Để tạo thuận lợi cho việc tiến về phía nam, những đơn vị Cứu Quốc Quân của Chu Văn Tấn trong vùng, bây giờ chia thành hai đội, tiến dọc hai bên bờ sông Cầu, con sông chảy vào đồng bằng sông Hồng từ vùng núi phía bắc.
Trong lúc ấy, những chi đội du kích ở Cao Bằng theo hướng Bắc Cạn và Lạng Sơn kéo về phía nam. Tháng 8-1944, những nhóm nhỏ tinh nhuệ do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tiến lên “như vết dầu loang” (lời Võ Nguyên Giáp) tạo thành những căn cứ địa mới, tiến hành công tác tuyên truyền ở phía nam và vùng rừng núi giáp phía bắc Thái Nguyên, sát đồng bằng sông Hồng. Ở một hẻm núi giữa rừng gần làng Cốc họ liên kết với những chi đội Cứu Quốc Quân của Chu Văn Tấn đang kéo về phía tây Bắc Sơn - Võ Nhai. Những đội viên đầu tiên của căn cứ giải phóng tương lai cuối cùng cũng đã gặp nhau.
Hoá ra, niềm tự tin phản ánh trong những quyết định đó quả là hơi sớm. Đến mùa hè năm 1943, chính quyền thực dân Pháp rất lo ngại khi biết khả năng một cuộc can thiệp sắp tới của quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa vào vùng này, họ biết rõ mức độ phát triển của sự cộng tác giữa chính quyền Trung Hoa và những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đang sống lưu vong ở nam Trung Hoa. Mùa thu năm 1943, Toàn quyền Decoux tung ra một chiến dịch quân sự tiễu trừ lực lượng kháng chiến ở Việt Bắc, đưa lực lượng Pháp đến vùng này. Pháp tăng cường tuần tra, đặt giải thưởng lớn cho ai cung cấp tin tức về vị trí của những người lãnh đạo kháng chiến. Để dễ dàng kiểm soát, Pháp dồn dân địa phương vào khu vực giám sát. Vài chục cán bộ cộng sản bị bắt, đồng thời những người khác buộc phải chạy tới những vùng hẻo lánh xa hơn.[391]
Những vấn đề tương tự cũng gặp phải khi xây dựng phong trào ở Hà Nội. “Đơn vị tác chiến” của Ban Thường Vụ có nhiệm vụ thúc đẩy tuyên truyền cách mạng trong nhân dân thành thị, cũng dừng hoạt động vào mùa xuân 1943. Giới lãnh đạo đảng cố gắng thành lập một Ban Chấp Hành riêng cho thành uỷ Hà Nội, nhưng nỗ lực này cũng bị cơ quan an ninh Pháp phá ngang. Suy thoái kinh tế trong chiến tranh dẫn tới giảm bớt lực lượng lao động trong tất cả các thành phố, khiến hoạt động của Đảng gặp khó khăn. Việc buôn bán kém đi do chiến tranh, trong khi thuế má cao, chính quyền nặng tay trưng thu hàng hoá. Dù nhiều công nhân Việt Nam khốn đốn bởi kỷ luật lao động khắc nghiệt của Nhật, tuy có thiện cảm với sự nghiệp cách mạng, nhưng sợ tham gia biểu tình và lãn công. Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ bị Pháp bắt do điệp viên hai mang phản bội, bị xử tử tháng 5-1943. Trường Chinh suýt bị bắt tại một trạm kiểm tra của Pháp may nhờ cải trang thành đốc công trực tiếp sai khiến nông dân trong những cánh đồng lúa gần đó.
Tuy nhiên, giữa năm 1944, điều kiện nổi dậy bắt đầu cải thiện. Ở Việt Bắc, Pháp cũng đạt được một số thành công, làm giảm bớt hoạt động của Việt Minh. Nhưng cuối cùng lại đưa đến sự tập trung lực lượng du kích trong các căn cứ địa kháng chiến, cán bộ Đảng bắt đầu thành lập những chi bộ bí mật, tìm mọi cách tránh sự theo dõi của kẻ thù. Các chi bộ này trở thành cơ sở phát triển phong trào nhanh. Sự phát triển tương tự cũng đang xảy ra ở nông thôn tại Trung Kỳ và Nam Kỳ. Cùng thời gian này, tình hình kinh tế tồi tệ khắp Đông Dương dẫn đến bất mãn tăng cao ở thành thị, các vụ đình công tăng lên. Dù những mục đích đình công đơn thuần kinh tế hơn chính trị, nhưng sự xáo động này tạo thuận lợi cho công tác tuyển mộ của Đảng, đồng thời sinh viên và tầng lớp trung lưu có thiện cảm cùng thúc đẩy sự nghiệp.[392]
Lòng tin bùng phát, Đảng cộng sản ba tỉnh ở vùng biên giới mở một cuộc họp vào tháng 7-1944 để thảo luận đề nghị của Võ Nguyên Giáp phát động chiến tranh du kích, nhằm tạo ra một căn cứ địa giải phóng. Một số người tham dự lo ngại, liệu căn cứ địa này có chống nổi cuộc phản công mạnh của Pháp hay không. Họ cũng đưa câu hỏi liệu lực lượng du kích đã sẵn sàng chuẩn bị tiến hành một cuộc kháng chiến lâu dài chống lại cả Pháp và Nhật chưa. Cuối cùng hội nghị tạm thời đồng ý với đề nghị của Giáp, đồng thời bảo lưu ý kiến, liệu những hoạt động du kích nên tung ra ngay bây giờ hay để chậm lại cho đến thời gian sau. Cuộc họp chưa nhất trí việc có nên bắt đầu xây dựng một quân đội giải phóng chính quy hay không? Ban đầu Giáp đề xuất quy trình theo sáng kiến riêng của ông, Vũ Anh (một uỷ viên ưu tú Ban chấp hành) gạt bỏ đề xuất đó.
Giữa tháng 9-1944, Vũ Anh và Võ Nguyên Giáp đến Tĩnh Tây đón Hồ Chí Minh rồi cùng trở về Pác Bó. Giáp báo cáo những nghị quyết đưa ra tại hội nghị tháng 7-1944, phác thảo một kế hoạch. Hồ Chí Minh chỉ rõ, ý kiến đề xuất tung ra chiến dịch tiến công ở Việt Bắc chỉ dựa vào tình hình địa phương và đã không tính đến tình hình những nơi khác trong nước. Ông cho rằng ném tất cả lực lượng vào một cuộc khởi nghĩa quy mô rộng lớn sẽ đưa đến rủi ro thoái trào lớn hơn cuộc khởi nghĩa cuối 1943. Dù phong trào đang phát triển mạnh, nhưng chưa có khu vực nào trong nước mà lực lượng của Đảng sẵn sàng tung ra đấu tranh có vũ trang để ủng hộ cuộc nổi dậy ở Việt Bắc. Vì thế kẻ thù có thể tập trung lực lượng chống lại các chiến sĩ của ta ở vùng biên giới, mà lực lượng của chúng ta, trong mọi trường hợp, còn thiếu những đơn vị vũ trang thường trực đủ mạnh để làm điểm tựa. Ông kết luận “Thời kỳ cách mạng hoà bình đã qua, nhưng thời cơ tổng khởi nghĩa vẫn chưa tới”. Hồ Chí Minh cảm thấy đấu tranh chính trị không còn hiệu quả, nhưng khởi nghĩa vũ trang vẫn còn khá nguy hiểm. Cuộc đấu tranh phải bắt đầu chuyển hướng từ giai đoạn đấu tranh chính trị sang giai đoạn bạo lực, nhưng tại thời điểm này, những hoạt động chính trị vẫn phải tiếp tục ưu tiên.[393]
Hồ Chí Minh động viên đồng chí trẻ tuổi. Tuy bác bỏ đề nghị của Giáp thành lập quân đội giải phóng nhân dân, Hồ Chí Minh đồng ý thành lập những đơn vị đầu tiên của quân đội tương lai đó. Ông nhấn mạnh “nếu không đủ mạnh, chúng ta sẽ bị tiêu diệt không kịp trở tay,”như Giáp hồi tưởng. Ngày hôm sau, Hồ đề xuất thành lập những đơn vị mới tạm thời mang tên “Đội Tuyên Truyền Giải Phóng Quân”, vì nhiệm vụ trước tiên là tuyên truyền chính trị cho quần chúng để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tương lai.
Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh ở lại hơn một ngày tại Pác Bó để nghiên cứu tình hình, vạch kế hoạch cho những đội tuyên truyền vũ trang mới. Hồ khuyên: “Bí mật, luôn luôn bí mật. Địch nghĩ ta ở đằng tây thì ta đang ở đông. Đánh bất ngờ, rút ngay khi địch chưa kịp trở tay”. Khi trở lại căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, Giáp bắt đầu thành lập đơn vị đầu tiên mới. Ba mươi tư chiến sĩ của đơn vị đầu tiên được cán bộ lãnh đạo lựa chọn kỹ càng và gồm một số chiến sĩ tốt nghiệp chương trình đào tạo ở Hoa Nam. Từ Pác Bó, Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng, thư viết trên mẩu giấy nhỏ giấu trong bao thuốc lá:
Đội tuyên truyền Việt Nam Giải Phóng Quân là người anh em thân thiết của toàn dân tộc. Tôi hy vọng nhiều đơn vị khác sẽ sớm ra đời. Dù bây giờ còn non trẻ nhưng tương lai rực rỡ đang chờ đón. Đây là hạt nhân của đoàn giải phóng quân trong tương lai, chiến đấu trên các chiến trường từ bắc xuống nam của đất nước Việt Nam.
Việc thành lập đơn vị đầu tiên của đội vũ trang tuyên truyền ngày 22-12-1944, lực lượng vũ trang cách mạng tương lai - Việt Nam Giải phóng Quân - bắt đầu thành hình. Đội vũ trang tuyên truyền đại diện cho những đơn vị quân đội thường trực mới non trẻ đầu tiên của phong trào. Nó sẽ cung cấp những lực lượng du kích được tổ chức và chỉ đạo tại cấp huyện, cũng như những đơn vị dân quân tự vệ được tuyển mộ tại địa phương dưới sự kiểm soát của Đảng. Đúng hai ngày sau, những đơn vị mới thành lập đã chiến thắng trong trận tấn công vào những đồn Pháp ở làng Phai Khắt và Nà Ngần khiến kẻ thù phải sửng sốt trước sức mạnh của cuộc tấn công và địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Những người chiến thắng không những tự hào về thắng lợi mà còn thu được một số vũ khí, trong khi 70 lính địch thương vong. Tin tức chiến thắng lan nhanh khắp Việt Bắc như đám cháy rừng.
Trở lại Pác Bó, Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy phong trào theo cách riêng. Tháng Mười, ông viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc”,trong đó phân tích tình hình hiện tại và nói “cơ hội giải phóng nhân dân đang đến gần, chỉ trong vòng một năm hoặc một năm rưỡi. Thời cơ đang thuận lợi. Chúng ta cần phải nhanh chóng hành động!”[394]
Ngày 11-11-1944, một máy bay trinh sát Mỹ do trung uý Rudolph Shaw lái, bất ngờ trục trặc động cơ khi bay trên vùng núi dọc biên giới Trung - Việt. Shaw nhảy dù an toàn, chính quyền Pháp đóng gần đó theo dõi tai nạn này, điều động lính tuần tra tìm kiếm Shaw. Tuy nhiên, những đội viên một đơn vị Việt Minh tìm được Shaw, quyết định giải Shaw tới chỗ Hồ Chí Minh. Lực lượng Việt Minh dẫn viên phi công Mỹ vượt núi rừng tới Pác Bó, ban đêm đi, ban ngày nghỉ trong hang để tránh địch. Cuối cùng phải mất một tháng mới tới, với khoảng cách chỉ khoảng 75 cây số.
Trong toán hộ tống Shaw, không có ai biết tiếng Anh để nói chuyện với Shaw - theo lời kể của Shaw, ông nói “Việt Minh! Việt Minh!” Người Việt Nam đáp “America! Roosevelt!” Nhưng khi ông tới Pác Bó, Hồ Chí Minh đón tiếp nồng nàn bằng tiếng Anh: “Ngài có khoẻ không, ngài phi công! Ngài là người nước nào?” Theo lời kể, Shaw bị xúc động đến mức ôm chặt Hồ và nói “Khi tôi nghe tiếng nói của ông, tôi cảm thấy dường như tôi đang nghe tiếng nói của cha tôi ở Mỹ”.[395]
Đối với Hồ Chí Minh, việc viên phi công Mỹ bị bắn rơi là ngẫu nhiên. Ngay từ khi Hoa Kỳ bước vào chiến tranh tháng 12-1941, ông đã thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho phong trào như là một con bài có thể sử dụng trong cuộc đấu tranh chống lại đội quân chiếm đóng Nhật Bản và thực dân Pháp. Sau khi được thả khỏi nhà tù ở Liễu Châu mùa thu năm 1943, ông dùng nhiều thời gian đọc sách tại thư viện Văn phòng Thông tin Chiến tranh (OWI), ý thức được những tin tức Tổng thống Roosevelt không dính đến chủ nghĩa thực dân châu Âu và đang tìm cách trả lại những thuộc địa Đông Nam Á nền độc lập của họ sau khi kết thúc chiến tranh. Roosevelt rõ ràng có ý định chống lại vai trò của Pháp ở Đông Dương, có lần ông nhấn mạnh: “Pháp đã bòn rút Đông Dương suốt một trăm năm. Nhân dân Đông Dương có quyền được hưởng những gì đó tốt hơn thế”. Dù Hồ Chí Minh ý thức được Hoa Kỳ là xã hội tư bản, ông luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ về lời cam kết của Hoa Kỳ đối với những nguyên tắc dân chủ và cảm thấy bản thân Roosevelt có thể dẫn dắt nước Mỹ theo đường lối kinh tế lớn lao và công bằng xã hội.[396]
Về phần mình, quan chức Hoa Kỳ tại Trung Hoa hiểu về Hồ Chí Minh trong một thời gian dài trước khi được thả khỏi tù. Mùa thu 1942, tin tức tuyên bố trên báo chí Trung Hoa, (rò rỉ do những nguồn tin gần gũi với Đảng cộng sản Đông Dương ở Trung Hoa), đã nói đến vụ bắt giam một người An Nam tên là “Hồ Chih-chi”, có quan hệ với “chính phủ lâm thời” thân Đồng Minh ở Đông Dương, được thành lập ở Liễu Châu với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Hoa. Khi quan chức sứ quán Mỹ liên lạc với đại diện địa phương của phong trào Nước Pháp Tự do, vị đại diện người Pháp hạ thấp sự thật của câu chuyện và phủ nhận một chính phủ như thế tồn tại. Tuy vậy, đại sứ Mỹ Clarence Gauss đánh điện cho Bộ Ngoại Giao ngày 31-12-1942, báo cáo vụ bắt giam, chỉ thị nhân viên tòa sứ quán xem xét kỹ vấn đề. Tuy nhiên, do thiếu sự cộng tác của chính quyền Trung Hoa họ không thu được mấy kết quả. Tháng Sáu, Washington yêu cầu cập nhật tình hình, Đại sứ quán Mỹ báo cáo đơn giản, mức độ chừng mực, xác định phong trào kháng chiến ở Đông Dương không có tầm quan trọng đặc biệt.
Nhưng nếu Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Trùng Khánh không muốn làm gì cả đối với một “người An Nam” không tên tuổi thì những quan chức Mỹ khác ở Trung Hoa có quan điểm khác. Mùa hè năm 1943, Chu Ân Lai, trưởng Văn phòng Liên lạc Đảng cộng sản Trung Quốc gặp Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (OSS) ở địa phương đề nghị giúp đỡ thả Hồ với lý do Hồ có thể giúp đỡ Đồng Minh. Những quan chức Văn phòng thông tin chiến tranh (OWI) - nơi Hồ Chí Minh từng đề nghị làm phiên dịch cho cơ quan này - thảo luận với những quan chức Đại sứ quán Hoa Kỳ, đã đồng ý đặt vấn đề với chính phủ Trung Hoa tìm cách thả và thu xếp để ông cộng tác.
Không rõ người Mỹ có đề xuất việc này không, và nếu có, liệu có tác động đến quyết định của Trương Phát Khuê thả tự do trong giới hạn cho Hồ Chí Minh, vẫn còn chưa có câu trả lời. Dù sao đi nữa, việc này chưa dẫn đến bất cứ sự thu xếp tức khắc nào để Hồ cộng tác với những quan chức Mỹ ở Hoa Nam. Tháng 11-1943, chi nhánh Việt Nam của Hội phản đế quốc tế, từ Tĩnh Tây, viết thư đề nghị Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Trùng Khánh giúp đỡ trả hoàn toàn tự do cho “Hu Chih-ming” để tham gia hoạt động chống Nhật và, nếu cần thiết, giúp ông trở về Việt Nam.
Philip D. Sprouse, cán bộ Đại sứ quán ghi nhận tên này là “một người bị bắt” năm trước. Nhưng Sprouse hình như đã bị thuyết phục bởi những đại diện “Nước Pháp Tự do” ở Trùng Khánh rằng cái gọi là “chính phủ lâm thời Đông Dương” thành lập ở Liễu Châu chỉ đơn giản là một mánh khoé của chính phủ Trung Hoa để thúc đẩy lợi ích của chính họ trong vùng này. Đại sứ Gauss chuyển lời yêu cầu tới Washington, bằng một bức thư chỉ rõ, do Pháp phủ nhận sự tồn tại một tổ chức như thế, nên ông “không trả lời” bức thư đó. Báo cáo của đại sứ Gauss được cất vào kho lưu trữ và bị lãng quên ở Washington.[397]
Mùa xuân năm 1944, miếng mồi giúp đỡ của Hoa Kỳ đã khêu gợi sự quan tâm của những đại diện Việt Minh đang sống ở nam Trung Hoa. Tháng 4-1944, đại diện Việt Minh ở Côn Minh gặp quan chức Pháp tại lãnh sự quán “Nước Pháp Tự do” để thu xếp một cuộc gặp nhằm thảo luận chính sách hậu chiến của Pháp ở Đông Dương, nhưng sau những tiếp xúc ban đầu, họ đã thất bại. Bị Pháp cự tuyệt, họ quay sang phía Mỹ, gặp những quan chức địa phương của Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ và Văn phòng thông tin chiến tranh, tìm sự giúp đỡ bằng cách viết một bức thư gửi đại sứ Mỹ Gauss ở Trùng Khánh. Bức thư khẩn khoản yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ cho cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam giành độc lập đồng thời đề nghị sát cánh với Đồng minh chiến đấu chống lại quân đội chiếm đóng Nhật ở Đông Dương. Ngày 18-8, sĩ quan Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ gửi bức thư này tới tướng William Langdon, lãnh sự Mỹ tại Côn Minh, kèm lời bình, sẽ có “rắc rối đáng kể ở Đông Dương sau chiến tranh nếu không có một phương án mạnh mẽ của chính phủ tự trị có hiệu lực tại quốc gia này từ những ngày đầu”. Langdon đồng ý gặp nhóm này ngày 9-9. Ông hứa sẽ chuyển thư tới đại sứ Hoa Kỳ, bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với những khát vọng nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh “người phát ngôn cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố đảm bảo sự quan tâm của chính phủ Mỹ về an sinh chính trị và tiến bộ của những dân tộc bị áp bức ở phương Đông, nhân dân An Nam có thể tự tin về điều đó”. Nhưng Langdon thận trọng về mặt ngoại giao khi trả lời đòi hỏi sự thông cảm của Mỹ, nhấn mạnh “nhân dân An Nam là công dân thuộc Pháp, nước đang chiến đấu sát cánh với Hoa Kỳ… chống lại phe Trục. Sẽ không khôn ngoan… nếu Hoa Kỳ một mặt hy sinh sinh mạng, của cải cứu giúp Pháp thoát khỏi cảnh làm nô lệ Đức Quốc Xã và mặt kia lại làm xói mòn đế chế của Pháp”.
Phạm Việt Tú, thủ lĩnh phái đoàn Việt Nam, hứa với Langdon, Việt Minh không có ý định đánh Pháp mà chỉ đánh Nhật và đề nghị Mỹ giúp đỡ cho mục đích này. Nhưng ông hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ quyền tự trị cho nhân dân Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh. Langdon không hứa, nhấn mạnh, Charles de Gaulle khi tới thăm Washington, D.C., vào tháng Bẩy, đã nói với báo chí, chính sách của Pháp là đưa những dân tộc thuộc địa Pháp tới chính phủ tự trị. Nếu người Việt Nam có phàn nàn gì chống lại người Pháp, họ nên trực tiếp gặp Pháp.[398]
Mưu mẹo của những đại diện Việt Nam ở Côn Minh tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ vì thế một lần nữa bất thành. Quan chức Mỹ còn ít hiểu biết về những nhóm dân tộc chủ nghĩa Việt Nam hoạt động trong vùng, một số tỏ vẻ hoài nghi về tính hiệu quả do chủ nghĩa bè phái kinh niên luôn đi kèm hoạt động của họ. Dù nhân viên Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ đệ trình một báo cáo thiện ý trong cuộc họp, Langdon và đại diện Văn phòng thông tin chiến tranh vẫn rất nghi ngờ. Đại diện Văn phòng thông tin chiến tranh nhấn mạnh, những nhóm dân tộc chủ nghĩa Việt Nam ở nam Trung Hoa tỏ ra có ít kinh nghiệm trong việc điều hành một chính phủ hiện đại (ông thừa nhận không phải lỗi của họ). Ngay cả Langdon còn phản đối, bằng cách gửi thông điệp tới Washington báo cáo, những nhóm Việt Nam ở nam Trung Hoa “không có tầm quan trọng thực tế” ở Đông Dương. Tháng 12-1944, một báo cáo của Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ, trích nguồn tin của Pháp, nhấn mạnh, Hội Vì Độc Lập Đông Dương (Mặt trận Việt Minh) “thiếu sự ủng hộ của nhân dân” và “chỉ được mẽ ngoài to lớn gồm một số ít trí thức Đông Dương và những phần tử bất mãn khác ở thuộc địa”.[399]
Hồ Chí Minh không trực tiếp dính vào những sự kiện này, nhưng có lẽ cũng liên lạc với Phạm Việt Tú và các đồng sự của ông. Có thể ông đã đề xuất gặp những quan chức Mỹ ở Côn Minh. Nhiều tháng sau khi được thả khỏi tù hồi tháng 9-1943, Hồ thận trọng vun đắp tình bạn và sự tin tưởng với những sĩ quan Mỹ tại chi nhánh Văn phòng thông tin chiến tranh ở Liễu Châu. Tháng 8-1944, cơ quan này có lẽ tìm cách thu xếp cho Hồ Chí Minh tới San Francisco. Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Côn Minh đòi hỏi ý kiến chỉ dẫn từ Bộ Ngoại giao về yêu cầu của Văn phòng thông tin chiến tranh cấp visa cho Ho Ting-ching nào đó (được miêu tả là một người Trung Hoa sinh ở Đông Dương) tới Mỹ để thông báo tin tức ở Việt Nam. Philip Sprouse, bây giờ được chuyển về Washington, thụ lý vấn đề và viết một bản ghi nhớ về “Mr. Hồ”, miêu tả những hoạt động của ông. Sprouse phỏng đoán rằng “Mr. Hồ” cùng là một người đã được Quốc Dân Đảng ở Côn Minh thuê để tuyên truyền bằng tiếng Việt vào Đông Dương. Yêu cầu đó được Chi nhánh Viễn Đông Bộ Ngoại giao ủng hộ, nhưng lại bị những người thân châu Âu phản đối, những người này đủ khôn ngoan hiểu rằng điều đó sẽ gây những rắc rối với Pháp. Văn phòng Thông tin Chiến tranh tranh cãi về tư cách đại diện của Hồ, cho rằng những hoạt động của ông ở Mỹ sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nhưng cuối cùng, yêu cầu đó cũng bị bác bỏ.[400]
Tại sao Hồ Chí Minh muốn tới Mỹ ở thời điểm đặc biệt này vẫn còn chưa rõ ràng. Mùa hè năm 1944, tình hình chung ở chiến trường Thái Bình Dương đã tăng lợi thế cho Đồng minh, như Hồ đã tiên đoán trước đây, thời điểm kết thúc chiến tranh có dấu hiệu vào năm tới. Lẽ ra trong tình thế này, Hồ muốn ở trong nước để chỉ đạo cuộc chiến đấu chống lại người Pháp. Trương Phát Khuê không chấp thuận để ông trở lại Đông Dương, Hồ nhìn thấy visa như một dịp may để gây ảnh hưởng tình hình ở Mỹ, có thể qua yêu cầu trực tiếp gửi tới Nhà Trắng, chuẩn bị cho ông về nước vào một thời điểm thích hợp.
Nếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho Mặt trận Việt Minh là cái giá tối hậu, thì sự xuất hiện trung uý Shaw tại ngưỡng cửa nhà Hồ Chí Minh cuối năm 1944 là một tấm vé của ông tham gia sổ số. Khi Shaw đề nghị Hồ giúp ông đến được biên giới Trung Hoa, Hồ đồng ý và nhấn mạnh ông cũng dự định tới Trung Hoa vì công việc. Shaw lúc này mời Hồ đi cùng ông tới Côn Minh, nơi đặt đại bản doanh Không Lực Hoa Kỳ số 14. Vài ngày sau, Hồ Chí Minh và hai đồng sự trẻ hộ tống Shaw vào Trung Hoa, Hồ vẫn còn mặc bộ quân phục Quốc Dân Đảng đã sờn, mang theo giấy tờ tuỳ thân mà Trương Phát Khuê đã cấp trước khi ông rời Liễu Châu. Sau khi vượt qua biên giới Trung Hoa, Shaw báo cho văn phòng Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất (AGAS) ở Côn Minh, một chi nhánh đảm trách việc giúp đỡ tìm kiếm phi công Đồng Minh bị rơi trong vùng, để cứu hộ và đưa đi tiếp. Quan chức Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất gửi điện cho Shaw, mời ông và Hồ Chí Minh cùng tới Côn Minh. Chính quyền Trung Hoa ở địa phương quyết định đưa Shaw tới Côn Minh bằng máy bay, gạt Hồ ở lại, nhưng Hồ Chí Minh quyết tâm sử dụng dịp may hiếm có để gặp quan chức Mỹ ở Côn Minh, vì thế ông quyết định tiếp tục đi bộ, cải trang là viên thanh tra đi dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Côn Minh do Pháp xây dựng.[401]
Trên đường tới Côn Minh, Hồ và hai người tháp tùng dừng chân tại Di Lương, một thị trấn nhỏ trên tuyến đường sắt, nơi Hoàng Quang Bình, một trong các đồng chí ông gặp bốn năm trước trong thời gian trú ở Côn Minh, hiện vẫn làm nghề cắt tóc. Trong hồi ức, Bình nhớ lại, Hồ Chí Minh trông ốm yếu, gày gò hốc hác và ăn uống kém. Bộ quân phục của ông có nhiều chỗ vá và sờn, đôi giày vải mỏng cũng đầy lỗ thủng. Cả nhóm đi bộ suốt ngày, ban đêm ngủ nhờ chỗ những người tốt bụng và thường ngủ ngoài trời hoặc những chỗ bẩn thỉu. Hồ vừa bị lây bệnh từ những người đi đường, tới nhà Bình ông dường như hoàn toàn suy sụp. Chỉ có đầu óc ông vẫn còn tỉnh táo. Khi nghe kể, Bình và các đồng sự khước từ lời mời gia nhập tổ chức của cơ quan Đồng Minh Hội - nhiều người trong tổ chức là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hồ trách Bình, khuyên ông nên gia nhập Đồng Minh Hội, sau đó lôi kéo những người ủng hộ trở thành đảng viên của Đảng.[402]
Sau vài ngày tá túc tại Di Lương, để Hồ Chí Minh hồi sức, cả nhóm tiếp tục đi chặng cuối của chuyến đi. Tuy nhiên, ngay khi họ đến Côn Minh, khoảng những tuần đầu năm 1945, họ biết tin trung uý Shaw đã về tới Mỹ bằng máy bay. Hồ Chí Minh trọ ở nhà Tống Minh Phương, một trong những đại diện Việt Minh ở địa phương, người viết thư cho Đại sứ Gauss tháng Tám trước đó. Cựu sinh viên Đại học Hà Nội tới Côn Minh năm 1943, Phương mở một quán cà phê cạnh trụ sở Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ, dùng quán này che giấu những hoạt động bí mật của Đảng. Bây giờ chắc ông đã thông báo cho Hồ đề xuất tiếp cận với Mỹ bị thất bại.[403]
Hồ quyết định liên lạc với văn phòng địa phương của Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất hy vọng những quan chức ở đó, như để trả ơn việc ông đưa Shaw tới Trung Hoa, sẽ thu xếp cho ông gặp tướng Claire Chennault, tư lệnh Tập đoàn Không lực số 14 ở Côn Minh. Ông cũng liên lạc với văn phòng địa phương Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ, vì những quan chức tại đó hứa giúp đỡ Phương và đại diện Việt Minh trong việc soạn thảo thư gửi đại sứ Gauss. Có lẽ bấy giờ Hồ Chí Minh hy vọng việc ông giúp đỡ người Mỹ có thể khiến Mỹ công nhận phong trào của ông và giúp đỡ quân sự cho Việt Minh.
Hồ Chí Minh đến Côn Minh thật là đúng thời điểm may mắn như được trời phù hộ. Suốt vài tháng gần đây, văn phòng địa phương Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất có quyền mở rộng hoạt động cứu phi công Đồng Minh, thu thập tin tức tình báo hoạt động của Nhật Bản ở Đông Dương. Trong số những nguồn có giá trị nhất là một nhóm nhỏ công dân Phương Tây (gọi tắt GBT, nhóm bao gồm L. L. Gordon, người Canada; Harry Bernard, người Mỹ và Frank Tan, người Mỹ gốc Trung Quốc). Cả ba người trước đây từng làm ở một công ty xăng dầu tại Sài Gòn và có thể sử dụng mối quen biết để thu thập những tin tức có giá trị về hoạt động của Nhật Bản ở Đông Dương. Tuy nhiên, ngày tháng 9 tháng 3 năm 1945, nguồn tin này bị cạn đi do Nhật nghi ngờ lòng trung thành của Pháp ở Đông Dương, đột ngột tuyên bố bãi bỏ chính quyền Vichy ở Đông Dương, chuyển giao quyền kiểm soát đất nước cho chính quyền bù nhìn của vua Bảo Đại. Hầu hết người nước ngoài ở Đông Dương bị bắt giam hoặc phải chạy đi nơi khác và nhóm GBT chạy sang nam Trung Hoa.
Bị mất nguồn tin tình báo quan trọng ở Đông Dương, quan chức Mỹ ở Trùng Khánh chỉ thị những đơn vị tình báo ở nam Trung Hoa tìm kiếm những kênh thông tin mới, thậm chí từ những nhóm Việt Nam chống Pháp. Trước đây, người Mỹ được lệnh từ chối tiếp xúc những nhóm như thế do lệnh của Nhà Trắng cấm quan chức Mỹ dính líu tới những hoạt động chính trị ở Đông Dương. Tuy nhiên, bây giờ lệnh mới từ Washington cho phép họ làm việc với bất cứ nguồn tin nào có thể.
Giữa tháng Ba, đại uý thủy quân lục chiến Charles Fenn, người mới được thuyên chuyển từ Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ sang Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất để điều hành nhóm GBT, được tin một “ông già người An Nam” (lúc đó, Hồ mới 54, nhưng trông già trước tuổi) đến Côn Minh sau khi cứu phi công Mỹ bị rơi, có lẽ đã liên lạc với một nhóm yêu nước, có khả năng hữu ích tiến hành những hoạt động tình báo ở Đông Dương. Charles Fenn sinh ở Ireland, cựu nhà báo, được cử tới Côn Minh do kiến thức cũng như sự hiểu biết về châu Á và biết tiếng Trung. Fenn hăm hở tìm nguồn mới cung cấp tin tức tình báo Đông Dương để thay thế nhóm GBT. Fenn đề nghị thu xếp một cuộc họp giữa ông với Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh lúc này dùng nhiều thời gian ở Cơ quan Thông tin Chiến tranh đọc mọi thứ trên đời từ tạp chí Thời Báo tới Bách khoa toàn thư Mỹ. Dù Fenn được báo trước Hồ có quan hệ với cộng sản, cuộc họp được thu xếp ngày 17-3. Như Fenn ghi lại trong nhật ký:
Hồ đi cùng một người trẻ hơn tên là Fam. Hồ không như tôi mong đợi. Thứ nhất ông không thực sự “già”: chùm râu bạc gợi đến tuổi tác, nhưng gương mặt ông hoạt bát, có đôi mắt sáng và hàm răng trắng bóng. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Hình như ông từng gặp Hall, Blass, và de Sibour (những sĩ quan của Cơ quan Tình báo Chiến lược ở Côn Minh), nhưng chẳng giải quyết được gì. Tôi hỏi ông ta cần gì ở họ. Ông nói - chỉ cần công nhận nhóm ông (Hội Việt Minh hoặc Hội Độc lập). Tôi nghe loáng thoáng Hội này là cộng sản và hỏi Hồ về điều đó. Hồ nói người Pháp gán tất cả những người An Nam nào muốn độc lập là cộng sản. Tôi nói với ông ta về công việc của tôi, hỏi liệu ông có vui lòng giúp đỡ chúng tôi không. Ông nói họ có thể làm được nhưng không có điện đài và người vận hành. Chúng tôi thảo luận dùng một điện đài, một máy phát điện và một điện báo viên. Hồ nói máy phát điện khá ồn - bọn Nhật luôn ở quanh đấy. Liệu chúng tôi có thể sử dụng kiểu máy chạy bằng pin, như người Trung Quốc đang dùng không? Tôi giải thích những máy đó khá yếu khi làm việc ở khoảng cách xa, đặc biệt khi pin yếu. Tôi hỏi ông muốn gì để trả ơn giúp đỡ chúng tôi. Ông nói cần vũ khí và thuốc chữa bệnh. Tôi nói với ông, vũ khí khó đấy, vì đụng đến người Pháp. Chúng tôi thảo luận vấn đề Pháp. Hồ khẳng định Hội Độc Lập chỉ chống Nhật. Tôi ấn tượng cách nói chuyện dứt khoát của ông, sự điềm tĩnh giống kẻ tu hành, trừ những chuyển động của những ngón tay màu nâu nhăn nheo. Fam ghi chép. Chúng tôi thoả thuận sẽ gặp nhau lần tới. Họ viết tên bằng chữ Hán, dịch ra chữ La Mã là Fam Fuc Pao và Ho Tchih Ming.
Fenn hội ý với những đồng nghiệp của ông tại Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất và tất cả họ đồng ý chuẩn bị đưa “già Hồ” (ông chính thức mang bí danh “Lucius”, nhưng người Mỹ thân mật gọi là “già Hồ”) trở lại Đông Dương cùng với nhân viên điện đài người Trung Quốc. Ba ngày sau họ gặp lại:
Cuộc gặp thứ hai với những người An Nam tiến hành ở quán café “Indo - China” trên đường Thanh Bộ. Hình như chủ quán là bạn của họ. Chúng tôi ngồi ở tầng lầu, uống cafe phin kiểu Pháp, đậm và khá ngon. Căn phòng không có người nhưng Hồ nói khách hàng có thể sẽ vào bất chợt. Chúng tôi thoả thuận dùng những thuật ngữ: người Trung Quốc gọi là “bạn”, người Mỹ “anh em”, người Pháp “trung gian”, người Nhật “chiếm cứ”, người An Nam “thổ dân”. Hồ lưu ý tới việc nhận hai người Trung Quốc rất khó khăn, vì một trong hai người là Trung Quốc gốc Mỹ dễ bị nhận diện. Nhóm của Hồ tỏ ra nghi ngờ người Trung Quốc này. Vì không có nhân viên điện đài người An Nam, phải cử nhân viên điện đài người Trung Quốc tất nhiên không tránh được. Nhưng thay vì lấy Frank Tan, ông chỉ nhận một người, sau đó chúng tôi sẽ thả dù một sĩ quan Mỹ xuống. Liệu chính tôi đi được chứ? Nếu đồng ý, tôi sẽ đi. Hồ bảo, nhóm ông sẽ nồng nhiệt đón tiếp tôi. Sau đó chúng tôi thảo luận vấn đề tiếp tế. Fam gợi ý “thuốc nổ mạnh” mà Hall đã từng nói với ông ta. Tôi cố gắng giải quyết mọi chuyện dần dần, nhưng chúng tôi thoả thuận, sẽ thả vũ khí nhẹ, thuốc chữa bệnh và thêm điện đài nữa. Nhân viên điện đài của chúng tôi có thể đào tạo một số người của Hồ sử dụng máy. Hồ cũng muốn gặp Chennault. Tôi đồng ý thu xếp việc này nếu ông đồng ý không đề nghị Chennault một thứ gì khác: tiếp tế hoặc lời hứa ủng hộ. Hồ đồng ý. Ông già lần này mặc quần vải kiểu Trung Hoa và áo cài cúc ở cổ, màu vàng nhạt chứ không phải màu xanh da trời. Đôi săng - đan da của ông thường thấy ở Đông Dương. Râu ông điểm bạc, nhưng lông mày nâu nhạt, xám ở đuôi mắt, tóc ông vẫn còn đen nhưng thưa, bắt đầu hói. Fam mặc âu phục, gò má cao, cằm bạnh. Cả hai người nói nhỏ, thỉnh thoảng cất lên tiếng cười. Chúng tôi cảm thấy hài lòng vui vẻ với nhau.[404]
Sau cuộc gặp mặt, Fenn kiểm tra với đồng nghiệp về Việt Minh, phát hiện mặc dù người Pháp gán cho họ cái nhãn cộng sản, nhưng người Trung Hoa chỉ đơn thuần coi họ là bọn người lắm mưu nhiều mẹo. Khi Fenn đề nghị tổng hành dinh ở Trùng Khánh một lời khuyên, ông nhận được chỉ thị: “Hãy tạo một mạng lưới, bất chấp mọi chuyện”, nhưng cảnh báo những hoạt động tình báo không được dính líu vào hoạt động chính trị giữa Pháp và dân bản xứ.
Vài ngày sau, Fenn thu xếp để Hồ Chí Minh gặp tướng Claire Chennault tại đại bản doanh Không Lực số 14, nhưng cảnh báo Hồ một lần nữa không gợi ý một yêu cầu giúp đỡ chính thức. Hồ tới gặp, mặc bộ quân phục ka - ki cũ sờn, mặc dù Fenn để ý thấy ông đã thay một chiếc khuy bị khuyết ở cổ áo. Theo thói quen, Chennault ăn mặc chỉnh tề trong bộ quân phục đẹp, ngồi sau chiếc bàn lớn. Chennault bảnh bao, tự phụ về tướng mạo của mình. Chennault nổi tiếng với vai trò tư lệnh đoàn “Phi Hổ” gồm những phi công tình nguyện giúp đỡ quân đội Quốc Dân Đảng chống lại bọn xâm lược Nhật cuối thập niên 1930. Chennault cám ơn Hồ Chí Minh đã cứu trung uý Shaw. Theo Fenn, không có trao đổi về vấn đề chính trị. Hồ giữ lời hứa không yêu cầu giúp đỡ và - theo lời khuyên của Fenn, ông ca ngợi tinh thần trách nhiệm của Chennault với đoàn “Phi Hổ”, nhưng lúc cuối chuyến thăm ngắn ngủi, Hồ đề nghị Chennault tặng bức ảnh có chữ ký. Fenn nhớ lại:
Không có cái gì mà Chennault thích hơn là tặng ảnh mình. Vì thế ông ấn chuông và Doreen (thư ký của Chennault) bước vào. Lúc ấy có một cô gái khác mang tập ảnh cỡ 8x10. Chennault nói “Ông chọn đi”. Hồ lấy một tấm ảnh, đề nghị Chennault vui lòng ký tên vào bức hình. Doreen đưa chiếc bút Parker 51 và Chennault viết phía dưới bức ảnh “Bạn chân thành của ông, Claire L. Chennault”. Và tất cả chúng tôi ra về trong bầu không khí tươi mát của Côn Minh.[405]
Như thế, Hồ Chí Minh đã xây dựng mối quan hệ với những quan chức quân sự quan trọng ở Côn Minh. Nhưng ông vẫn còn muốn được Hoa Kỳ công nhận chính thức tính hợp pháp Mặt trận Việt Minh, đại diện hợp pháp của nhân dân Việt Nam, để nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ cho phong trào. Khi ông chuẩn bị về nước, ông đề nghị Charles Fenn cho sáu khẩu súng tự động Colt.45 mới còn trong bọc giấy, những khẩu súng này Fenn nhận được từ những người bạn ở Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ.
Cuối tháng 3-1945, Hồ Chí Minh cùng với một nhân viên điện đài mới bay trên một máy bay nhỏ của Mỹ tới thị trấn Bài Tây. Bài Tây cách thị trấn Tĩnh Tây tỉnh Quảng Tây chừng 110 km về phía bắc, tại đây có đại bản doanh mới Bộ chỉ huy Chiến khu 4 của Trương Phát Khuê kể từ khi Nhật chiếm Liễu Châu trong “cuộc tấn công số 1” ở Nam Trung Hoa tháng 11 năm 1944. Mục tiêu của Hồ tại Bài Tây là bắt liên lạc lại với những thành viên Đồng Minh Hội rèn nó thành một vũ khí hữu ích phục vụ cho Mặt trận Việt Minh. Sau khi Hồ rời Liễu Châu tháng 8-1944, Đồng Minh Hội gần như tan rã vì Trung Quốc không quan tâm và do vài thành viên không cộng sản cầm đầu trở về tỉnh Vân Nam. Với sự giúp đỡ của Lê Tống Sơn, đại diện Việt Minh, theo Bộ chỉ huy Chiến khu IV về Bài - Tây, Hồ cố gắng tái tổ chức Đồng Minh Hội bằng cách lập ra một “Uỷ ban hành động” mới do những người ủng hộ ông nắm quyền. Để làm giảm bớt nghi ngờ của những người lãnh đạo tổ chức dân tộc chủ nghĩa, ông cho họ xem bức hình có chữ ký của Chennault và tặng mỗi người một khẩu Colt tự động. Tuy nhiên, vài ngày sau, tướng Tiêu Văn, ngày càng không tin Việt Minh, đã giải tán “Uỷ ban hành động” của Hồ và bầu ra một ban chấp hành mới lẫn lộn cả những thành viên cộng sản và không cộng sản, kể cả Hồ Chí Minh. Hồ bây giờ rời Bài Tây đi Tĩnh Tây trên đường tới Pác Bó.[406]
Trong khi Hồ Chí Minh ở Bài Tây cố gắng hồi sinh Đồng Minh Hội, một sĩ quan tình báo Mỹ đến Côn Minh gia nhập một đơn vị thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ. Đại uý Archimedes “Al” Patti đã phục vụ ở chiến trường châu Âu đến tận tháng 1-1944, sau đó ông thuyên chuyển về Washington, D.C., được bổ nhiệm về Tổ chuyên trách Đông Dương trực thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ. Vẻ ngoài một người đàn ông phóng khoáng, tự tin, Patti có những hiểu biết sâu về lịch sử, không tin Pháp và cádi sản hợp pháp ở các thuộc địa. Đọc những tài liệu lưu trữ ở Washington, D.C, trước hết ông ý thức được những hoạt động của Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ bí ẩn của nó, Hồ Chí Minh. Tháng 4-1945, ông đến Côn Minh làm phó cho đại tá Paul Helliwell, cầm đầu Cơ quan Tình báo Chiến lược địa phương, chỉ đạo những hoạt động tình báo ở Đông Dương. Ông nhanh chóng nhận thấy chính sách của Mỹ đối với Đông Dương luôn thay đổi, quan chức Mỹ tại đây rất bối rối trước việc liệu có nên trợ giúp “Nước Pháp Tự do” hay không và trợ giúp bao nhiêu, quan chức Mỹ được quyền dính líu với những nhóm kháng chiến Việt Nam ở mức độ nào. Tại cuộc họp diễn ra ngay sau khi Patti tới, hoạt động phong trào Việt Minh được đem ra bàn, đại diện Cơ quan Trợ giúp Không lực kể rằng “ông già” Hồ Chí Minh đồng ý giúp đỡ cơ quan ông tổ chức một mạng lưới tình báo ở Đông Dương. Một người khác nói thêm, Hồ có chút hiểu biết công việc chiến tranh tâm lý với cơ quan tuyên truyền Trung Hoa khi cộng tác với Văn phòng Thông tin Chiến tranh.[407]
Với Patti, phong trào Hồ Chí Minh dường như là một cỗ xe tự nhiên cho hoạt động của ông ở Đông Dương. Bất cứ cố gắng nào của Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ sử dụng tích cực Việt Minh có thể gặp phải những vấn đề với cả Trung Hoa và Pháp, Patti cảm thấy được che chở bởi những chỉ thị mới đây của Washington cho phép dùng bất cứ nguồn tình báo nào để thu thập tin tức hoạt động của Nhật Bản ở Đông Dương. Điều ông bây giờ cần là cơ hội gặp được Hồ Chí Minh, vừa rời Côn Minh về nước. Tình cờ, vài ngày sau khi tới Côn Minh, Patti tiếp vị khách Vương Minh Phương. Sau những chào hỏi ban đầu, Phương tự giới thiệu mình là thành viên Mặt trận Việt Minh do “tướng” Hồ Chí Minh lãnh đạo, tế nhị mời chào giúp đỡ sự nghiệp Đồng Minh đổi lấy giúp đỡ quân sự và công nhận mặt trận là tổ chức chính trị duy nhất đại diện cho lợi ích của nhân dân Việt Nam. Khi Patti hỏi có cách nào tìm tướng Hồ, Phương trả lời Patti có thể liên lạc với Tĩnh Tây, Hồ Chí Minh đang dừng chân tại đó trên đường trở về Đông Dương.
Patti thảo luận với đại tá Richard Heppner, cấp trên của ông, Trưởng đại diện Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ ở Trùng Khánh. Trong thời bình, đại tá Richard Heppner là một luật sư giỏi giang, có những mối quan hệ với nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Roosevelt. Heppner thoạt đầu lưỡng lự. Patrick Hurley, một chính trị gia cựu trào bang Oklahoma, người vừa thay thế Clarence Gauss, làm đại sứ Mỹ tại Trung Hoa, đã thành người ủng hộ Tưởng Giới Thạch và bị những sĩ quan Cơ Quan Tìmh Báo Chiến Lược ở Diên An làm bực mình trong việc dàn xếp hợp tác giữa Tưởng và phe cộng sản Trung Hoa. Hurley cũng cảnh báo Heppner, cả Pháp và Trung Hoa sẽ khó chịu khi phát hiện tình báo Mỹ tiếp xúc với Việt Minh, đặc biệt với Hồ Chí Minh, người mà tình báo Pháp đã xác định chính xác là Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, ngày 26 tháng 4, Heppner nhận được bức điện của tướng Albert C. Wedemeyer, tư lệnh lực lượng Mỹ tại chiến trường Trung Hoa, cho phép ông đưa điệp viên của Cơ quan Tình báo Chiến lược vào Đông Dương thu thập tin tức tình báo và tiến hành công tác phá hoại kho tàng Nhật trong vùng này. Heppner thông báo cho Patti, vấn đề tranh thủ Hồ Chí Minh vào nỗ lực Đồng Minh vẫn còn bỏ ngỏ để xem xét, đồng thời cảnh báo Patti đừng xa lánh Pháp hoặc Trung Hoa.
Ngày hôm sau, Patti đến sân bay huyện Thiên Bảo, phía bắc Tĩnh Tây, sau khi hội ý với đại diện Cơ Quan Trợ Giúp Không Lực địa phương, ông đi đến Tĩnh Tây, tại đây ông gặp một liên lạc Việt Minh tại một nhà hàng địa phương và được đưa đến gặp Hồ Chí Minh tại một làng nhỏ cách tỉnh lỵ khoảng 10 cây số. Sau khi nhã nhặn giới thiệu với khách danh tính và quan điểm của mình, Hồ miêu tả tình hình Đông Dương và vạch ra phong trào của ông có thể giúp đỡ nhiều dịch vụ hữu ích cùng tin tức cho Đồng Minh nếu tổ chức của ông được cung cấp vũ khí hiện đại, đạn dược và phương tiện thông tin liên lạc. Tại thời điểm này, Hồ thừa nhận phong trào chỉ dựa vào một lượng nhỏ vũ khí cướp được từ kẻ thù. Patti không có bất cứ cam kết nào, nhưng hứa sẽ xem xét vấn đề. Theo ý kiến bản thân, Patti rất vui.[408]
Một tuần sau, Hồ Chí Minh trở lại Pác Bó sau chuyến đi vất vả qua những khu rừng dọc biên giới. Nhóm đi cùng ông toàn bộ 40 người, kể cả nhân viên điện đài Mỹ, Mac Shinn và Frank Tan, thành viên nhóm GBT bị thui chột. Được Fenn lựa chọn, cả hai người hy vọng, là người Mỹ gốc Á, họ bớt được những con mắt thu hút của gián điệp hơn là người Mỹ chính gốc. Từ Pác Bó, Mac Shinn bắt đầu báo cáo về Côn Minh và Cơ quan Tình Bao Chiến lược Hoa Kỳ bắt đầu thả đồ tiếp tế, bao gồm thuốc tây, một bộ điện đài và nhiều vũ khí xuống vùng hoang vu quanh Pác Bó. Đổi lại, Hồ và các đồng chí của ông cung cấp cho Mỹ những dịch vụ hữu ích, gồm tin thời tiết, cứu vài phi công Mỹ bị rơi ở bắc Đông Dương, đưa họ trở lại Trung Hoa. Cuối cùng, Hồ đã xây dựng được sự nối kết - tuy mỏng manh - với quân Đồng Minh.
Lúc này, thắng lợi của Đồng Minh trên chiến trường Thái Bình Dương chỉ còn là vấn đề thời gian. Quân đội Mỹ đang tiến sát những hòn đảo Nhật Bản, những cuộc không kích bằng máy bay ném bom B-29 phá hoại tan tành những thành phố lớn của Nhật Bản. Đồng Minh cũng đang hình thành kế hoạch can thiệp vào Đông Dương, phối hợp với lực lượng Quốc Dân Đảng Trung Hoa đang di chuyển về phía nam. Quan điểm này được Nhà Trắng ủng hộ mạnh mẽ.
Tại Đông Dương, tình hình tiến triển quá nhanh chóng. Thời tiết không thuận lợi một số vùng rộng lớn trong nước làm cho mất mùa đáng kể trong vụ thu hoạch lúa thu năm 1944, dẫn đến các đầu nậu đầu cơ và tích trữ thóc gạo. Chính quyền chiếm đóng Nhật Bản lại làm vấn đề thêm tồi tệ hơn khi họ chở gạo về Nhật và bắt nông dân ở Bắc Việt Nam nhổ lúa trồng cây có dầu, lạc, bông và đay. Giờ đây khi nạn đói hoành hành, bọn Nhật không chịu mở kho thóc quốc gia cứu trợ hoặc tăng việc chở gạo từ đồng bằng Cửu Long mầu mỡ tới những khu vực đang bị đói kém ở Trung Bộ và Bắc Kỳ. Chính quyền Jean Decoux tỏ ra thờ ơ và vô trách nhiệm nên chẳng giúp đỡ được bao nhiêu.
 Nạn đói tháng 3-1945 tại Bắc kỳ và Trung Kỳ, ảnh Võ An Ninh

Mùa đông năm ấy, chính quyền từ chối cắt giảm thuế, tăng hạn mức gạo bắt buộc mỗi nông dân phải bán cho chính phủ. Dù nông dân đã chuyển sang trồng những cây lương thực, như khoai lang hoặc sắn, nhưng nguồn lương thực cạn nhanh chóng. Khi giá cả toàn bộ nhu yếu phẩm bắt đầu tăng chóng mặt, nạn đói cũng bắt đầu đe doạ khu vực thành thị. Đến giữa mùa đông, hàng ngàn người chịu cảnh đói, số người chết đói tăng lên nhanh chóng. Nông dân phải chống đói bằng cách ăn rễ cây, cỏ dại, thậm chí cả vỏ cây, đồng thời dân thành thị phải bán những thứ đồ quý giá trong gia đình để mua gạo và rau với giá cả cao chót vót do lạm phát. Xác người chết bắt đầu xuất hiện dọc quốc lộ, những nông dân đói đi lang thang ăn xin hoặc tụ tập gần những kho thóc được quân đội Nhật canh giữ nghiêm ngặt.
Dù bi kịch này tác động đến nhân dân Việt Nam như thế nào đi nữa thì cuộc khủng hoảng là một cơ hội trời cho đối với Việt Minh. Họ lập luận, bây giờ do mâu thuẫn, nên chính quyền Pháp hoặc Nhật không đếm xỉa gì đến lợi ích của nhân dân Việt Nam. Giữa mùa đông năm ấy, cán bộ Việt Minh xúi giục nông dân phá các kho thóc ở khắp các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ, chiếm kho thóc chia cho những người bị đói. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều đó cũng quá muộn, con số người chết đói lên tới hàng trăm ngàn. Xác người chết nằm la liệt ven đường ở nông thôn, trong khi những người thân còn lại trong gia đình chỉ còn da bọc xương.[409]
Mùa đông này, Pháp cố gắng quét sạch những căn cứ du kích Việt Minh ở vùng núi phía bắc đồng bằng sông Hồng. Sau những chiến thắng ban đầu trong trận Phai Khắt và Nà Ngần, những đơn vị tuyên truyền vũ trang của Võ Nguyên Giáp bây giờ hành quân về phía bắc tới biên giới Hoa - Việt, chiếm những làng bản của người thiểu số dọc đường. Khi người Pháp đưa lực lượng tuần tra tới, quân nổi dậy rút về căn cứ Hoàng Hoa Thám giữa Cao Bằng và Bắc Cạn, ở đó Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng trong Ban Chấp hành liên tỉnh, vạch kế hoạch hành quân về phía nam để giải phóng Hà Nội và đồng bằng sông Hồng khỏi tay quân đội chiếm đóng Nhật Bản.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, chấm dứt nửa thế kỷ thống trị của Pháp tại Việt Nam. Nhật huỷ bỏ chính quyền thuộc địa, thay thế nó bằng chính quyền bù nhìn triều đình do hoàng đế Bảo Đại đứng đầu dưới sự thống trị vững chắc của họ. Việc làm của Nhật ngẫu nhiên đã mở ra toàn bộ khu vực bắc đồng bằng sông Hồng trước cuộc nổi dậy cách mạng. Tổng bí thư Trường Chinh đã lường trước nước cờ, tổ chức cuộc họp một ngày trước đó với một số uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương ở làng Đình Bảng, cách đông bắc Hà Nội 25 cây số, thảo luận tình hình. Trong khi đảo chính đang diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương chỉ thị ra lệnh chuẩn bị cao độ cho một cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới. Bản chỉ thị tuyên bố, có một số yếu tố thuận lợi để khởi nghĩa thành công, bao gồm khủng hoảng chính trị do đảo chính, nạn đói tăng mạnh và khả năng Đồng Minh can thiệp, rồi kết luận đấu tranh vũ trang bây giờ sẽ được coi là ưu tiên cao nhất. Do vậy, bản chỉ thị kêu gọi mở rộng căn cứ du kích, mở rộng cơ sở chính trị Mặt trận Việt Minh, tập hợp những lực lượng vũ trang cách mạng khác nhau vào Việt Nam Giải Phóng Quân.
Tuy thế, Trường Chinh vẫn thận trọng cho rằng Đảng phải chờ đợi cho tới khi nào điều kiện trong nước và thế giới chín muồi, vì bản thân lực lượng cách mạng vẫn còn chưa được chuẩn bị đầy đủ để tiến hành khởi nghĩa thành công. Chỉ khi nào những yếu tố đó chín muồi, những người ủng hộ ông sẽ được chuẩn bị hành động. Ban Chấp hành Trung ương giả định Đồng Minh sẽ can thiệp. Lực lượng của đảng được lệnh tấn công hậu cứ địch, tiến hành tổng khởi nghĩa ngay khi lực lượng Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương và bắt đầu tiến quân. Nhưng bản chỉ thị nhấn mạnh, ngay cả khi chính phủ Nhật đầu hàng trước khi cuộc can thiệp xảy ra, “tổng khởi nghĩa của chúng ta có thể nổ ra và thành công”.[410]
Trước khi rời Côn Minh, Hồ Chí Minh gửi phía Hoa Kỳ bản giải thích sự kiện đảo chính 9 tháng 3. Trong bản giải thích ký tên“Lực”, hiện nay còn trong Cục lưu trữ Mỹ, ông tuyên bố, điều này đã đặt dấu chấm hết sự thống trị của Pháp ở Đông Dương, sự thống trị bắt đầu từ 87 năm trước đây. Ông kết luận, “Như thế, con sói thực dân Pháp cuối cùng bị con linh cẩu phát - xít Nhật nuốt chửng”. Lực thú nhận, trong tình hình thế giới, đây là “sự kiện thời khắc” duy nhất, nhưng ông tuyên bố nó sẽ có “một sự chịu đựng nghiêm trọng trong chiến tranh thế giới nói chung, ở Đông Dương, Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc nói riêng”. Mục đích của Hồ viết báo cáo, để thuyết phục chính quyền Roosevelt tấn công Nhật ở Đông Dương, cái mà ông gọi là “Nhật chỉ còn con đường duy nhất là rút lui”. Theo lối diễn đạt màu mè, ông phát biểu “từ Nhật tới New Guinea, quân đội Nhật trông giống như một con rắn dài mà cổ của nó ở Đông Dương. Nếu Đồng minh đánh mạnh vào cổ nó, con rắn sẽ bị tê liệt”.[411]
Tại một nơi ở Cao Bằng, bắc Đông Dương, những người lãnh đạo các đảng khác, rút ra kết luận từ sự thay đổi chính phủ ở Đông Dương. Nghe tin đảo chính, họ ra lệnh du kích tăng cường tấn công khắp vùng biên giới Cao Bằng, đồng thời những đơn vị tuyên truyền vũ trang của Giáp bắt đầu di chuyển về phía nam, đánh chiến nhiều làng và tuyển mộ nhiều tân binh cho lực lượng vũ trang giải phóng dọc đường. Qua Chợ Chu, cuối cùng họ tới Kim Lũng, một làng nhỏ ở giữa cánh rừng rậm rạp nắm giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tại đây họ gặp lực lượng Cứu Quốc Quân của Chu Văn Tấn, từ phía đông đang di chuyển tới. Với việc hội quân tại Kim Lũng, liên kết của lực lượng cách mạng hoạt động ở Việt Bắc đã thu được kết quả, con đường đi tới đồng bằng sông Hồng đã mở ra.
Đầu tháng 4-1945, Ban Chấp hành Trung ương triệu tập hội nghị quân sự tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang cách Hà Nội vài chục cây số về phía tây bắc để thảo luận thực hiện chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương họp đêm đảo chính. Hội nghị này khẳng định những kết luận đưa ra hồi tháng 3, dựa trên giả định rằng Lực lượng Đồng Minh có thể can thiệp vào Đông Dương trước khi kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương. Hội nghị chính thức ra lệnh thành lập Việt Nam Giải phóng quân và chỉ thị cho cán bộ Việt Minh toàn quốc thành lập Uỷ Ban Giải Phóng Dân Tộc để chuẩn bị việc cướp chính quyền sắp tới. Nhưng hội nghị cảnh báo, tổng khởi nghĩa chưa được phép xảy ra chừng nào quân đội Nhật chưa giao chiến hoàn toàn chống lại quân đội Đồng Minh - điều này có nghĩa trừ khi Tokyo quyết định đầu hàng trước khi Đồng Minh can thiệp. Trong sự kiện đó, khi chế độ Nhật Bản ở Đông Dương bị “cô lập và hoang mang”, cuộc khởi nghĩa có thể được tung ra. Tại cuộc họp, một đồng chí của Võ Nguyên Giáp báo tin vợ của ông đã chết trong tù ba năm trước.[412]
Vài ngày sau khi từ hội nghị trở về Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp nhận được tin Hồ Chí Minh vừa từ Trung Quốc trở về, đang chuẩn bị khởi hành dọc con đường lực lượng Việt Minh mới chiếm để gặp các đồng chí của ông. Giáp lập tức đi lên phía bắc đón ông dọc đường. Hồ trở lại Pác Bó vào cuối tháng Tư, gửi ngay báo cáo tình báo đầu tiên cho Archimedes Patti. Kèm với báo cáo là hai cuốn sách nhỏ, một cuốn gửi cho những người lãnh đạo Đồng Minh, cuốn thứ hai gửi tới Liên Hợp Quốc vừa mới thành lập, cả hai cuốn kêu gọi Đồng Minh công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tác giả của những tài liệu này là “Đảng Dân Tộc Đông Dương (An Nam)”, được miêu tả là một trong năm đảng hình thành Đồng Minh Hội năm 1942, sau này sát nhập với Mặt trận Việt Minh. Patti chuyển những cuốn sách nhỏ đó cho nhà cầm quyền Mỹ ở Trùng Khánh.[413]
Ngày 4-5-1945, Hồ Chí Minh trong bộ áo chàm người Nùng, đội nón, chống gậy, rời Pác Bó, đi về phía nam hướng tới Kim Lũng, nơi lực lượng cách mạng hội quân một tuần trước đó. Ông đi cùng vài vệ sĩ và một toán thuộc Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất. Vài ngày sau, chíến đấu với sức nóng mặt trời, leo qua những con đường mòn lởm chởm đá tai mèo và đầy vắt, nhóm tới làng Lam Sơn, họ gặp Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh và Phạm Văn Đồng từ Cao Bằng tới. Sau khi gửi một thư ngắn cho Charles Fenn ở Côn Minh để cám ơn đã đồng ý đào tạo một số đồng chí của ông sử dụng điện đài, ngày 9 tháng 5 Hồ và những người còn lại của nhóm đi về phía nam hướng tới Ngân Sơn. Ngày 17-5-1945, họ tới Na Kiên, gặp Võ Nguyên Giáp vừa từ phía nam tới.[414]
Giáp chưa được gặp Hồ Chí Minh từ hội nghị ở Pác Bó từ mùa thu năm trước để vạch kế hoạch hình thành những đội tuyên truyền vũ trang. Ông báo cáo tình hình hiện tại ở Đông Dương, kết quả hội nghị quân sự tại Hiệp Hoà. Hồ cũng cho Giáp biết về tình hình quốc tế. Hai người thảo luận vị trí đặt Sở Chỉ huy mới của phong trào. Họ chọn Kim Lũng. Kim Lũng, một vị trí chiến lược gần đường trực tiếp nối từ biên giới Trung Hoa tới đồng bằng sông Hồng, nhưng do nằm tách rời trong những dãy núi hiểm trở giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang, nên nó cách xa những trục giao thông, tạo sự bảo vệ an toàn khi địch tấn công. Trong khi đó, dân địa phương có thiện cảm nồng nhiệt với cách mạng và có thể tin tưởng họ không làm lộ căn cứ. Ý thức được tầm quan trọng của làng này cho vận mệnh của cách mạng Việt Nam, Hồ đổi tên làng thành Tân Trào (trào lưu mới).[415]
Suốt mấy ngày sau, nhóm tiếp tục đi về phía nam. Ngày 21-5, họ qua sông Phó Đáy tới Tân Trào. Để tránh gián điệp theo dõi, Hồ Chí Minh cải trang làm cán bộ bình thường, ngủ tại nhà sàn của người trong làng có thiện cảm với cách mạng. Hai nhân viên điện đài Mỹ lắp đặt thiết bị điện đài của họ trong một khu vực gần đó rất nhiều cây cối nguỵ trang. Sau đó Hồ và ông chủ nhà tìm kiếm một chỗ mới để Hồ ở, cuối cùng họ chọn một đồi đất trên đó tre nứa mọc um tùm sát con suối nhỏ. Đồng thời dân làng dựng những lán mới theo kiểu địa phương để làm chỗ làm việc cho lãnh đạo cách mạng. Hồ bây giờ chú tâm tới kế hoạch tổng khởi nghĩa, triệu tập hội nghị cán bộ đảng đầu tháng Sáu thảo luận tình hình. Sau khi nghe báo cáo về kết quả hội nghị Hiệp Hoà, ra lệnh thành lập một vùng giải phóng mới gồm bẩy tỉnh ở Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số khu vực của tỉnh liền kề), Hồ Chí Minh nhấn mạnh, lực lượng quân sự trong từng tỉnh hành động theo những tên riêng rẽ quá rắc rối, nên tất cả đơn vị quân đội khắp vùng giải phóng phải được tập trung lại dưới tên mới “Việt Nam Giải Phóng Quân”. Bản thân vùng giải phóng cũng có hơn một triệu dân, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành lâm thời. Nghị quyết đưa ra sau khi kết thúc hội nghị kêu gọi bầu cử ở tất cả các cấp để hình thành bộ máy hành chính dựa trên những nguyên tắc dân chủ, kêu gọi cải cách xã hội và kinh tế, chia lại ruộng đất, giảm thuế, thúc đẩy học hành. Hồ hy vọng triệu tập hội nghị cán bộ toàn quốc trong tương lai gần để thực hiện những chỉ thị của hội nghị, nhưng chẳng mấy chốc ông nhận ra, trong hoàn cảnh này một hội nghị như thế là không thực tế, vì thế đã quyết định Giáp - sau cuộc hội ý với Hồ Chí Minh - sẽ điều phối công việc từ đại bản doanh tại Tân Trào.[416]
Trong suốt thời gian hai tháng tiếp theo, Hồ Chí Minh và các đồng chí vất vả theo sát bước tình hình biến chuyển nhanh chóng. Bây giờ có những dấu hiệu tăng lên cho thấy lực lượng Đồng Minh bỏ qua Đông Dương, tấn công trực tiếp các đảo Nhật Bản. Chiến tranh có thể sắp kết thúc. Để chiếm được sự ủng hộ dân chúng địa phương, những mệnh lệnh đưa ra thực hiện tịch thu ruộng đất của bọn địa chủ phản cách mạng trong vùng giải phóng và chia ruộng công cho người nghèo. Bãi bỏ lao động khổ sai, thành lập những Uỷ ban nhân dân cách mạng tại làng xóm thông qua bầu cử dựa trên phổ thông đầu phiếu. Hồ cố gắng bao quát toàn bộ hoạt động, giao liên xuất phát hàng ngày mang thông điệp của ông hoặc của Võ Nguyên Giáp đến những đơn vị cách mạng khắp khu vực.
Một trong những nhiệm vụ cần lưu ý, phải đảm bảo thông tin liên lạc dễ dàng hơn với những người Mỹ đỡ đầu Hồ Chí Minh ở nam Trung Hoa. Trong một thông điệp gửi Côn Minh, Hồ đề xuất sử dụng một ngàn du kích được huấn luyện đang đóng gần Chợ Chu để chống lại Nhật. Một số sĩ quan Mỹ ở Côn Minh và Trùng Khánh lo ngại những hậu quả chính trị có thể xảy ra do mối quan hệ chính thức của Mỹ với Việt Minh. Sau đó mọi việc trở nên rõ ràng khi những đơn vị quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Gabriel Sabbatier, chạy sang nam Trung Hoa sau đảo chính tháng 3-1945 là vô dụng. Patti lôi kéo sự đồng ý của cấp trên, đại tá Helliwell, theo đuổi vấn đề đến cùng. Để tạo thuận lợi cho việc chuyên chở người và quân trang, Patti điện cho Hồ Chí Minh, đề nghị ông cho làm một sân bay nhỏ có thể dùng để đưa người và trang thiết bị tới căn cứ địa Việt Minh tại Tân Trào. Hồ sống ở một chỗ gần đó thuận tiện cho việc xây dựng một đường băng cất cánh và hạ cánh nhỏ. Ngày tháng 30-6, ông điện cho Patti, chấp nhận một toán người Mỹ và yêu cầu cho biết thời gian họ tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo trước rằng không người Pháp nào được tham gia hoạt động. Trong khi đó, Cơ quan trợ giúp không lực mặt đất thả dù trung uý Dan Phelan xuống Tân Trào gây dựng mạng lưới tạo thuận lợi việc cứu phi công Đồng Minh bị rơi đồng thời cũng là đại diện Mỹ cho tới khi toán quân nhân Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ tới.
Ngày 16-7-1945, thiếu tá Allison Thomas, chỉ huy toán “Con Nai” được Cơ Quan Chiến lược Hoa Kỳ cho phép liên hệ với Việt Minh, đã nhảy dù theo từng nhón nhỏ vào Tân Trào với nhiệm vụ đánh giá tình hình và giúp đỡ Việt Minh tiến hành những hoạt động chống Nhật. Hai quân nhân của nhóm Con Nai mắc dù trên ngọn cây được đưa xuống đất và cả toán được 200 du kích trang bị các loại vũ khí khác nhau tịch thu của địch, nồng nhiệt đón chào. Thomas cảm động:
Tôi được hộ tống đến gặp ông Hoè, một trong những người chỉ huy cao cấp của Việt Minh. Ông nói tiếng Anh tuyệt vời nhưng thân thể ông trông ốm yếu vì ông vừa đi bộ từ Tĩnh Tây trở về. Ông chân thành tiếp chúng tôi. Họ đưa chúng tôi tới đại bản doanh dành cho chúng tôi. Đại bản doanh là những lán hầm làm bằng tre bương, sàn bằng bương vầu cách mặt đất hơn một mét, mái lợp lá cọ. Chúng tôi ăn bữa tối có bia (vừa tịch thu được), cơm, măng và thịt bò nướng. Họ vừa mới giết một con bò để đón chúng tôi.
Tuy thế, không phải tất cả thành viên toán Con Nai được đón tiếp nồng nhiệt,. Một trong hai quân nhân được cứu từ trên ngọn cây là trung uý Pháp Montfort. Khi Thomas gặp Hồ sáng hôm sau, ngày 17-7-1945, Hồ nói là nếu những người gác biết Montfort là người Pháp, họ đã bắn. Ông nhấn mạnh “Tôi ưa người Pháp, nhưng nhưng không thích binh sĩ Pháp”. Ông nói, dù có mười triệu người Mỹ cũng sẽ được đón tiếp, nhưng người Pháp thì không. Montfort và hai công dân Pháp khác được lệnh phải dời khỏi trại. Cuối cùng họ theo những người tị nạn tới Trung Hoa. Để những người khách Mỹ thoải mái, Hồ chỉ thị một thủ lĩnh địa phương làm món gà quay mà người Mỹ ưa chuộng và cử người kiếm champagne và rượu Dubonnet cho bữa tiệc đón tiếp.[417]
Hồ Chí Minh ở cạnh lán người Mỹ. Một ngày sau khi người Mỹ tới, Hồ đề nghị Thomas thông báo nhà cầm quyền Mỹ, “Việt Minh sẵn lòng đàm phán với sĩ quan Pháp cao cấp nào đấy (tướng Sebotier, chẳng hạn) và người Pháp sẽ đưa ra vấn đề gì”. Ở Côn Minh, Patti chuyển thư này cho thiếu tá Jean Sainteny, người đứng đầu phái bộ quân sự “Nước Pháp Tự do” vừa mới tới để chuẩn bị tái lập quyền cai trị của Pháp ở Đông Dương sau chiến tranh. Vài ngày sau, Hồ có nguyện vọng nói chuyện với một đại diện Pháp, tại Đông Dương hoặc tại Trung Hoa và chuyển lời đề nghị những cải cách trong tương lai sau khi kết thúc chiến tranh. Trong số những điểm được đưa ra có bầu cử nghị viện phổ thông đầu phiếu, trả lại nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhân dân Việt Nam, cấm bán thuốc phiện, Pháp phải cam kết mọi quyền tự do trong Hiến Chương Liên hiệp Quốc phải được đảm bảo đối với nhân dân Đông Dương và nhân dân Việt Nam phải được được độc lập sau năm năm hoặc không quá mười năm.[418]
 Phía Pháp không trả lời ngay. Nhưng Hồ Chí Minh bắt đầu gây ấn tượng với những khách Mỹ. Thomas ấn tượng về chất lượng lực lượng vũ trang Việt Minh. Được Côn Minh chấp thuận, toán của ông bắt đầu huấn luyện những đơn vị quân đội địa phương cách sử dụng vũ khí Mỹ (súng trường M-1, tiểu liên carbin, bazooka) và chiến thuật du kích. Họ lựa chọn một trăm người lính tốt nhất tham gia chương trình đào tạo ở một làng cách Tân Trào chừng bốn cây số. Henry Prunier, một thành viên toán Con Nai, hồi tưởng, họ là những người tiếp thu nhanh.
Hồ Chí Minh cũng tìm cách giảm bớt sự nghi ngờ của những người khách Mỹ về xu hướng tư tưởng của phong trào. Như Thomas nhấn mạnh trong một báo cáo gửi Côn Minh: “Hãy quên con ma cộng sản đi. Việt Minh không phải là cộng sản. Họ đứng dậy giành tự do và cải cách sự thống trị tàn ác của Pháp”. Bản thân trung uý Phelan thuộc Cơ quan Trợ giúp Không lực Mặt đất, lúc đầu miễn cưỡng tham gia hoạt động vì cảm thấy Hồ Chí Minh có khuynh hướng cộng sản, nhưng chẳng mấy chốc Hồ đã đánh tan sự nghi ngờ của viên sĩ quan Mỹ trẻ tuổi. Có lần nói với Phelan, phần mở đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ, Hồ sẽ dự định đưa vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam. Phelan báo cáo “Nhưng thực tế ông ta biết việc đó hơn tôi”. Trong bức điện gửi từ Pác Bó cho Côn Minh, Phelan miêu tả Việt Minh “không phải là những người chống Pháp đơn thuần, mà họ là những người hoàn toàn chân thật và đáng ủng hộ”. Phelan có lẽ chưa hề thay đổi ý nghĩ. Nhiều năm sau này, khi nói chuyện với nhà báo Robert Shaplen miêu tả Hồ là “một người quá dịu dàng. Nếu tôi phải chọn lựa phẩm chất tốt nhất của ông già nhỏ thó đang ngồi trong rừng, đó là bản tính hiền lành của ông”.[419]
Những gian khổ trong chuyến đi dài ngày từ Trung Quốc về bắt đầu làm cơ thể ông vốn yếu ớt càng bị suy yếu. Dù ông mới chỉ 54 tuổi, nhưng ông mắc phải bệnh lao trong thời gian nhiều tháng bị giam ở Trung Hoa, nhiều người quan sát nhấn mạnh, trông ông rất ốm yếu sau khi được thả. Đáng lẽ ông gục ngã vì bệnh tật một lần nữa trên đường từ Tĩnh Tây trở về Đông Dương, nhưng ông cố gắng vượt qua. Võ Nguyên Giáp kể lại câu chuyện:
Sự căng thẳng và gian khổ đã ảnh hưởng đến sức khoẻ bác. Bác bị ốm. Suốt vài ngày liền, cho dù sốt và mệt, ông vẫn lao vào làm việc. Hàng ngày phải đến báo cáo, tôi lo ngại sức khoẻ của bác. Bác luôn luôn đáp lại: “Sẽ qua thôi. Cứ đến và cập nhật tin tức với tôi”. Nhưng rõ ràng thấy bác đang yếu đi và gày đi trông thấy. Một hôm, tôi thấy bác trong trạng thái hoảng loạn, mê sảng do sốt. Chúng tôi lúc đó không có thuốc, chỉ có mấy viên aspirin và ký ninh. Bác uống thuốc nhưng chẳng suy giảm. Nói chung, trừ lúc nghỉ ngơi, bác chưa bao giờ nằm. Thế mà bấy giờ bác nằm trên võng mê sảng nhiều giờ. Trong số những người thường xuyên làm việc bên cạnh bác, lúc này chỉ còn mình tôi tại Tân Trào. Bác mệt đến mức một đêm tôi đề nghị sẽ ở cùng với bác, năn nỉ rằng tôi không bận, bác mở mắt và khẽ gật đầu đồng ý.
Chiếc lán nhỏ bé của chúng tôi bên sườn đồi chìm trong đêm đen của rừng sâu. Mỗi lần Bác Hồ chợt tỉnh, bác lại bàn tình hình hiện tại: “Hoàn cảnh bây giờ thuận lợi cho chúng ta. Chúng ta cần phải giành được độc lập bằng mọi giá. Chúng ta phải sẵn sàng hy sinh, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.
Trong đầu bác luôn luôn chỉ duy nhất một điều khiến bác bận tâm: “Trong chiến tranh du kích, phong trào phát triển, cần phải tận dụng cơ hội thúc đẩy nó đi xa hơn, mở rộng và xây dựng căn cứ địa vững chắc, chuẩn bị cho thời khắc bùng nổ”. Lúc đó, tôi không tin đó là lời bác trăng trối với tôi, nhưng sau này suy nghĩ lại, tôi tự nhủ, ông cảm thấy quá yếu nên nói với tôi những lời cuối cùng. Về đêm ông đôi lúc tỉnh táo và lo âu. Vào một buổi sáng, tôi khẩn cấp thông báo cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sức khỏe bác. Sau đó tôi hỏi dân làng xem có ai biết cây thuốc rừng nào chữa được bệnh không. Họ cho tôi biết một người đàn ông… biết cách làm thuốc chữa bệnh sốt. Tôi cử một liên lạc viên lập tức tới gặp ông ta. Người đàn ông này, dân tộc Tày, bắt mạch, đốt một rễ cây mà ông vừa nhổ trong rừng, tán nhỏ cho vào bát cháo, đưa cho bệnh nhân. Điều kỳ diệu xảy ra. Thuốc có hiệu lực. Hồ Chí Minh hết mê sảng. Ngày hôm sau cơn sốt cũng bớt đi, bác uống thuốc này hai ba lần một ngày. Sức khoẻ ông dần tốt lên. Sau khi cơn sốt dứt hẳn, bác dậy được và trở lại công việc hàng ngày của mình.[420]
Nhưng tài liệu của Mỹ lại kể khác hẳn. Một nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ nhảy dù xuống vùng giải phóng, là một y tá, ông nhanh chóng chuẩn đoán Hồ Chí Minh mắc bệnh sốt rét và kiết lỵ, tiêm cho ông thuốc ký ninh và uống sulfamit. Không rõ có phải cách điều trị này cứu ông hay không. Thomas sau này bình luận mặc dù Hồ còn yếu, song “không tin Hồ sẽ chết nếu không có sự giúp đỡ của chúng tôi”.[421]
Một nhiệm vụ chính của những người lãnh đạo tại Tân Trào là đáp ứng chỉ thị mới đây của Ban Chấp hành Trung ương triệu tập càng sớm càng tốt Hội nghị toàn thể Đảng và Hội nghị Đại biểu Việt Minh toàn quốc. Do lực lượng Đồng Minh nhanh chóng tiến sát những đảo Nhật Bản, Hồ thúc giục các đồng chí của ông thu xếp không chậm trễ triệu tập hai hội nghị trên. Tuy nhiên, không thể tổ chức hội nghị vào tháng 7, vì các đại biểu không thể đến đúng thời gian, hội nghị phải hoãn đễn giữa tháng 8-1945.
Đầu tháng 8-1945, Hồ trở nên nôn nóng hơn bao giờ hết. Nghe đài nói bom nguyên tử thả xuống Hiroshima ngày 6-8, ông chỉ thị cho tất cả của tổ chức Việt Minh trong nước cử đại biểu đến Tân Trào càng sớm càng tốt. Bốn ngày sau, ông gặp Trường Chinh và những uỷ viên khác của Ban Chấp Hành Trung ương, từ Hà Nội tới. Một số đại biểu cảm thấy Đảng không cần phải triệu tập hội nghị đại biểu và đơn giản chỉ nên cướp chính quyền theo cách riêng, nhưng cuối cùng đa số theo quan điểm của Hồ. Về thời gian hội nghị, có một số khó khăn đưa ra, Hồ phản bác: “Chúng ta phải tổ chức hội nghị ngay tức thì và không được để lỡ. Chúng ta phải đấu tranh để làm việc đó tức thời. Tình hình đang biến đổi rất nhanh chóng. Chúng ta đừng để lỡ dịp may này”. Cuối cùng Hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc dự kiến họp ngày 16-8-1945. Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tổ chức hội nghị toàn thể trước ba ngày.[422]
Suốt mấy ngày sau, dù còn yếu sau khi ốm dậy, Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới bên chiếc radio của Thomas. Việc thành lập Liên Hợp Quốc ở San Francisco, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản và quả bom nguyên tử thứ hai ném xuống Nagasaki tất cả đưa đến chiến thắng nhanh chóng, rõ ràng chiến tranh sắp kết thúc. Sau một thoáng ngần ngừ (có thể do ốm), Hồ đồng ý gặp đại diện phong trào “Nước Pháp Tự do” ở Côn Minh. Đầu tháng 8-1945, Hồ tới đường băng chờ máy bay đón ông, nhưng máy bay từ Trung Quốc sang không hạ cánh do thời tiết xấu. Khi tin tức về Hiroshima tới, Hồ huỷ bỏ kế hoạch, quyết định ở lại Tân Trào. Ngày 12-8-1945, giới lãnh đạo đảng đã quyết định trực tiếp phát động tổng khởi nghĩa trên toàn quốc - dù vài đại biểu vẫn chưa tới - tổ chức đại hội Đảng ngay ngày hôm sau, sau này các nhà sử học Việt Nam gọi là Hội nghị IX.
Hội nghị Đảng họp tại một căn nhà nhỏ ở làng Tân Trào. Tham dự có 13 đại biểu, gồm Tổng bí thư Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng (đại biểu Bắc Kỳ), Nguyễn Chí Thanh (đại biểu Trung Kỳ), Hà Huy Giáp, em trai Hà Huy Tập, (đại biểu Nam Kỳ), Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan (đại biểu Việt Bắc) và thêm nữa là đại biểu từ Thái Lan và Lào, cũng như bản thân Hồ Chí Minh.
Do ốm, Hồ Chí Minh không dự buổi khai mạc, nhưng ông có mặt tại những phiên họp chính Hội nghị IX. Ông phát biểu tổng quát về tình hình quốc tế, nhấn mạnh quân đội Nhật Bản sắp đầu hàng khắp châu Á, tiên đoán quân đội Đồng Minh chẳng mấy chốc vào Đông Dương. Ông thú nhận, sự hiện diện quân đội chiếm đóng nước ngoài, chẳng hạn Anh, Pháp, Quốc Dân Đảng, sẽ là một yếu tố làm tình hình thêm phức tạp, nhưng Đảng không có sự lựa chọn trừ khi tiếp xúc với họ. Với quan điểm đó, điều quan trọng phải ở thế mạnh để bàn với họ bằng cách cướp chính quyền, giành độc lập từ nhà cầm quyền Nhật Bản đang đầu hàng. Ngay sau khi Tokyo tuyên bố đầu hàng, ông thúc Đảng phát động tổng khởi nghĩa cướp chính quyền trên toàn quốc.[423]
Đề nghị của Hồ Chí Minh nổ ra cuộc tranh luận mạnh mẽ. Một số người, (có cả Trường Chinh), ngần ngại với ý kiến phát động cuộc khởi nghĩa sớm, viện cớ lực lượng vũ trang cách mạng còn yếu ớt. Họ lập luận, dù Việt Nam Giải Phóng Quân đã phát triển từ con số 500 vào tháng 3-1945 lên đến 5.000 người vào giữa tháng 8-1945, nhưng nó vẫn chưa tương ứng với quân đội Nhật ở Đông Dương, ít hơn lực lượng chiếm đóng Đồng Minh. Trong trường hợp đó, tốt hơn hết Đảng yêu cầu độc lập thông qua thương lượng với chính quyền Đồng Minh hoặc Pháp. Nhưng Hồ Chí Minh kiên quyết, nếu Đảng hy vọng đương đầu với Đồng Minh trên thế mạnh, sẽ không có còn cách nào khác trừ việc cướp chính quyền vào tay mình. Ông tuyên bố, quyền lực không phải là cái gì xa xôi, vì chúng ta có quần chúng ủng hộ trên toàn quốc. Nếu củng cố uy thế cách mạng, sau đó việc sống còn là phải giải phóng nhiều khu vực trước khi quân đội nước ngoài kéo tới và chuẩn bị một cuộc chiến đấu lâu dài, đồng thời khai thác những mâu thuẫn nội bộ Đồng Minh để giành lợi thế.
Nhưng cuối cùng, Hồ Chí Minh làm theo cách của ông. Hội nghị kêu gọi phát động tổng khởi nghĩa cướp chính quyền trên toàn quốc, bầu ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc do Trường Chinh chỉ đạo lực lượng vũ trang của Đảng. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc lập tức ra mệnh lệnh cho toàn thể quân đội:
Hỡi binh lính và đồng bào toàn quốc. Giờ tổng khởi nghĩa đã điểm. Cơ hội hiếm có đã đem tới toàn thể quân đội chúng ta và toàn thể nhân dân Việt Nam để phát động cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc. Chúng ta cần phải hành động mau lẹ bằng hết sức mình nhưng cực kỳ thận trọng. Tổ quốc đòi hỏi tất cả chúng ta sự hy sinh lớn lao. Thắng lợi hoàn toàn nằm trong tay chúng ta![424]
Ngày 16-8-1945, ngay sau tin Nhật đầu hàng bay khắp Đông Dương, ban lãnh đạo Mặt trận Việt Minh (bấy giờ gọi là Tổng Bộ Việt Minh) triệu tập Hội nghị Quốc Dân ở Tân Trào. Sáu mươi đại biểu từ khắp các miền đất nước và hải ngoại tham dự, một số phải đi bộ hàng tuần lễ để đến đó. Những đại biểu mang gạo và thịt làm quà. Một đại biểu người Tày thậm chí còn dắt theo một con trâu. Hội nghị diễn ra ở gian cuối một ngôi đình làng ba gian, trên bờ một con suối nhỏ. Chân dung Lenin, Mao Trạch Đông và tướng Claire Chennault được treo trên tường. Phòng giữa có một ban thờ và xếp đầy vũ khí tịch thu của Nhật. Phòng cuối bên kia là một thư viện sách báo cách mạng, tạm thời dùng làm phòng ăn cho các đại biểu. Sau khi Trường Chinh khai mạc, Hồ Chí Minh phát biểu. Thật kinh ngạc, một số đại biểu tham dự biết danh tính thật của ông, vì ban tổ chức Hội nghị chỉ đơn giản giới thiệu ông là Hồ Chí Minh, một lão thành cách mạng. Nhưng một số khác không rõ danh tính ông bắt đầu xì xào “ông Ké Tân Trào”, tên thân mật tại Hội nghị, thực sự là Nguyễn Ái Quốc.[425]
Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều thông điệp mà ông đưa ra tại Hội nghị IX ít ngày trước đó về tình hình chung ở Đông Dương và thế giới. Ông lặp đi lặp lại tầm quan trọng việc nhanh chóng cướp chính quyền để đón lực lượng Đồng Minh trên thế mạnh. Bọn Nhật phải bị đánh bại hoàn toàn bằng mọi cách nếu có thể. Nhưng ông cảnh báo trước các đại biểu, Pháp có thể quay lại can thiệp mạnh vào Việt Nam với sự ủng hộ của lực lượng Đồng Minh, ông nói thêm, nếu điều đó xảy ra, cần phải tiến hành thương lượng với Pháp bằng một thoả hiệp dẫn tới độc lập hoàn toàn trong vòng năm năm.
Sau khi Hồ Chí Minh kết thúc bài phát biểu, các đại biểu thông qua một danh sách “mười chính sách lớn” do ban lãnh đạo Việt Minh soạn thảo và kêu gọi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà độc lập trên cơ sở của tự do dân chủ với những chính sách mềm dẻo để đạt được công bằng xã hội và kinh tế. Uỷ ban giải phóng dân tộc, gồm năm người do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, được bầu để lãnh đạo tổng khởi nghĩa và chính phủ lâm thời. Sau khi thông qua lá cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bài quốc ca, hội nghị kết thúc. Sáng hôm sau, Hồ đưa các đại biểu dự lễ tuyên thệ bển ngoài ngôi đình trên bờ suối gần đó. Cùng ngày, “Lời kêu gọi Tổng Khởi nghĩa” được phát ra:
Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.
Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!
Lời kêu gọi này được ký với tên Nguyễn Ái Quốc, đó của là lần cuối cùng ông ký với tên này.[426]


***************************************




[363] Quang Trung, “Đốm lửa chiến khu”, trong “Pác Bó quê tôi” (NXB Quân đội Nhân dân, 1967), trang 69-78, trích trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 130. Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trong “Những kỷ niệm về Hồ Chí Minh”, trang 129-31
[364] Cuốn sách nhỏ này trong Toàn Tập I, tập 3, trang 163-209
[365] Toàn Tập I, tập 3,. Xem thêm Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 188-89. Trong dịp Tết, Nguyễn Ái Quốc thường cho mừng tuổi dân làng một ít tiền, sau đó đề nghị dùng số tiền trên để mua báo. Một số bài báo ký tên Hồ Chí Minh. Xem Stein Tonnesson, “Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh, và De Gaulle trong chiến tranh thế giới” (NXB Sage, London, 1991), trang 34
[366] Toàn Tập I, tập 3, trang 214-24. Ban đầu được viết vào khoảng năm 1941, cuốn sách nhỏ xuất bản năm 1942. Về “Chiến tranh thế giới và nhiệm vụ chúng ta”, xem tài liệu đã dẫn, trang 160-61. Xem thêm Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trang 167
[367] Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trang 169
[368] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trang 192. Trích dẫn về cách mạng, xem tài liệu đã dẫn, trang 195, và Bằng Giang, “Bác Hồ ở Việt Bắc, trích trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 147
[369] Lê Quảng Ba, “Bác về thăm lại Pác Bó, Uống nước nhớ nguồn (NXB Quân đội Nhân dân, 1973), trang 153, trích trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 157. Xem thêm Võ Nguyên Giáp, “Một mảnh đất tự do”, trong “Bác Hồ về nước” (NXB Cao Bằng, 1986), trang 78, trích trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 153. Về Phùng Chí Kiên, xem “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trang 193. Về chỉ thị của Hồ Chí Minh để thực hiện cuộc hành quân về phía nam và những di chuyển liên quan đến đông và tây, xem “Những sự kiện lịch sử Đảng, tập 1 (NXB Sự thật, 1976), trang 552-553
[370] Báo cáo của Tướng Trương Phát Khuê, ngày 23-1-1944, trích trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 82-83. Theo báo cáo này, Hồ bị bắt ở làng Jiezhang, huyện lỵ Thiên Bảo. Xem Trương Phát Khuê, “Câu chuyện truyền khẩu”, Thư viện Đại học Columbia, New York. Tin tức thêm về chuyến đi của Hồ có trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 161-65, và Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. NXB Ngoại văn Hà Nội, 1958, trang 47
[371] Trong hồi ký của mình, Hoàng Văn Hoan nói Hồ có ý muốn diện kiến Tưởng Giới Thạch và Tống Khánh Linh - xem Hoàng Văn Hoan “Giọt nước trong biển cả” (NXB Ngoại văn, Bắc Kinh), 1988), trang 193. Tuy nhiên, Christiane Pasquel Rageau cho rằng mục đích thực của Hồ là tiếp xúc với các đồng chí của mình trong Đảng cộng sản Trung Quốc - xem Christiane Pasquel Rageau “Hồ Chí Minh” (NXB Universitaires, Paris:, 1970), trang 103. Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trang 168. Một lý do để nhấn mạnh quan điểm ông có ý định liên hệ với Tưởng Giới Thạch, tất nhiên, là để nhấn mạnh mong muốn của ông thiết lập mối quan hệ tốt với Trùng Khánh. Bình luận về vấn đề này là chính của Hồ Chí Minh trong Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. NXB Ngoại văn Hà Nội, 1958, trang 47
[372] Trên đường từ huyện lỵ Thiên Bảo đến Tĩnh Tây dưới sự áp giải của toán lính Quốc Dân Đảng, Hồ tình cờ gặp em gái bà Tô Vị Đan, trên đường trở về nhà để báo cáo tin tức cho gia đình - xem cuộc phỏng vấn Vương Tây Nghĩa, ngày 24-6-1981, trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 83-84
[373] Bản dịch của tác giả từ cuốn “Nhật ký trong tù” có trong Toàn Tập I, tập 3, trang 242-371. Hồ gặp may khi một người canh tù quen biết gia đình bà Tô Vị Đan và cố gắng làm cho mọi việc dễ dàng hơn cho ông - xem cuộc phỏng vấn Vương Tây Nghĩa, trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 83-84
[374] Sự phức tạp của trường hợp của Hồ Chí Minh được chỉ ra trong một báo cáo từ trụ sở Trương Phát Khuê của ngày 23-1-1944. Như tài liệu này mô tả, các trường hợp đã được gửi từ chính quyền địa phương Nhai Trường đến văn phòng huyện Thiên Bảo, và từ đó gửi cho chính quyền tỉnh Quế Lâm, sau đó chuyển tiếp đến văn phòng ủy viên đặc biệt thành phố này. Cơ quan này chuyển nó lên chi nhánh địa phương của Hội đồng Quân sự Quốc gia, bởi thế nó được chuyển tiếp đến Bộ chỉ huy Chiến khu 4 của Trương Phát Khuê ở Liễu Châu. Trương Phát Khuê, “Câu chuyện truyền khẩu”, trang 684. Xem thêm Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), trang 148, và Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 84. “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 180, cho thấy Hồ đến Quế Lâm đầu tháng Giêng - có thể đây là một sai sót. Xem báo cáo Trương Phát Khuê gửi Vũ Thế Cường, ngày 27-12-1942, trích trong Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”, trang 146
[375] Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), trang 147-149. Hồ mang tên Hồ Chí Minh ở Trung Quốc trong bức điện ngày 9-11. Xem Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 193-197; Xem “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao” (NXB Sự thật, 1990), trang 28; Nhóm Cao Bằng bao gồm trong cuốn sách có tựa đề “Độc lập Đặc san” trong thông điệp của họ gửi đến các cơ quan thông tấn, cuốn sách nói rằng “đại diện Hồ là một nhà lãnh đạo vĩ đại của cách mạng Việt Nam và là một đại diện của Liên đoàn chống xâm lược”
[376] Người cán bộ này là Đặng Văn Cáp. Xem Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam” trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 196-197. Vũ Anh kể lại hơi khác: sau khi nghe tin về cái chết của Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng cử một sứ giả thứ hai để xác nhận tin tức, người này trở về báo cáo rằng Hồ vẫn còn sống - sự hiểu lầm là do Cáp hiểu sai “bạn đồng hành của tù nhân đã chết” thành “tù nhân đã chết”
[377] Về phòng ở của ông, xem cuộc phỏng vấn với Peng De, trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 93. Về giao tiếp của ông với những đồng sự, xem Vũ Anh, “Từ Côn Minh đến Pác Bó”, trang 168-69. Trong một lần ông nói đơn giản, “tiếp tục làm việc, tôi thấy ổn” - xem Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), Hu Chih-ming, trang 147
[378] Trương Phát Khuê, “Câu chuyện truyền khẩu”, trang 685; Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 198. Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”, trang 150) cho rằng Trùng Khánh không phải là ngay lập tức biết rằng ông thực sự là nhà cách mạng kỳ cựu Nguyễn Ái Quốc
[379] Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 95. Thông tin về Phùng Ngọc Tường là từ Feng Hongda và Xu Huaxin, “Tướng Phùng Ngọc Tường - Linh hồn của Trung Quốc”, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tài liệu tham khảo lịch sử, 1981, trích trong tài liệu đã dẫn, trang 94. Tưởng Vĩnh Kinh không tham khảo vai trò của Phùng Ngọc Tường và nói rằng Tưởng Giới Thạch quan tâm đến trường hợp này do tướng Hầu Chí Minh yêu cầu - xem Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), trang 150. Trong cuốn hồi ký chưa xuất bản, cựu nhân viên Cơ quan công tác chiến lược (OSS) Charles Fenn nhớ lại cuộc đàm luận với một lãnh tụ Quốc Dân Đảng Chen Lifu gợi ý tướng Trương Phát Khuê nên hợp tác với Hồ, Tưởng Giới Thạch đã bác bỏ ý kiến này. Tưởng nhấn mạnh: Hồ là “người chào hàng tốt, nhưng không có gì để bán”. Xem Charles Fenn, “Chạy thử đến ngày tận số”, trang 87 (bản thảo do Charles Fenn cung cấp)
[380] Trương Phát Khuê kể rằng ông đơn thuần thông báo cho chính phủ Trung ương về quyết định của mình, và họ tán thành. Ông nhận xét thêm “Hồ Chí Minh là người rất tốt, nói chuyện thận trọng đồng thời vuốt ve bộ râu của mình. Ông ta có vẻ rất ‘sâu sắc’. Ông có đầu lạnh và làm việc chăm chỉ”. Chắc chắn Hồ nói tiếng Trung Quốc tạm được. Xem Trương Phát Khuê “Câu chuyện truyền khẩu”, trang 68
[381] Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), trang 151; bản dự thảo lịch sử được tặng cho chuyến đi thăm của phái đoàn Bắc Việt Nam đến Liễu Châu, tháng 7-1964, trích trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 95-96
[382] Một cách chơi chữ tài tình theo kiểu Trung Hoa. Tên của Hầu Chí Minh và Hồ Chí Minh, cả hai cùng mang một nghĩa: ý chí để soi sáng. Trong khi đó, từ “cách mạng” theo tiếng Trung Hoa là tổ hợp của những ký tự khác nhau với cùng cách phát âm. Bằng cách thay đổi khéo léo những ký tự, Hồ đã gạt được mũi nhọn. Để tham khảo, xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 193, chú thích 1
[383] Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 101-102, trích dẫn hai bản thảo: “Hồi ức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc”, ngày 11-4-1979, và Ye Ruiting, “Phác hoạ hoạt động của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội ở Liễu Châu vào cuối cuộc kháng chiến”, ngày 23-8-1980
[384] Hồ Chí Minh, “Báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Đại hội Quốc tế chống xâm lược”, tháng 3-1944. (Báo cáo này chưa được xuất bản, thuộc sở hữu của tôi)
[385] Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 200. Trong những năm qua, một số học giả phương Tây cho rằng hội nghị đã lập ra một chính phủ lâm thời cho một nước cộng hòa Việt Nam trong tương lai, nhưng điều này dường như không phải. Vấn đề đã được thảo luận giữa các thành viên của Đồng Minh Hội, nhưng bị từ chối vì nhiều lý do. Để tham khảo, xem Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), trang 167-168 (đặc biệt lưu ý trang 95). Theo Tưởng Giới Thạch (trang 169), sau hội nghị một số “người cộng sản Việt Nam” hình như thúc ép thành lập một chính phủ, nhưng bị Trùng Khánh bác bỏ, một phần do lo ngại Đồng minh phản đối. Tôi không có bằng chứng rằng Hồ Chí Minh dính dáng trong dự thảo đó. Lời phát biểu của Hồ tại hội nghị được nhận xét ngắn trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 103
[386] Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 201-2; Trương Phát Khuê, “Câu chuyện truyền khẩu”, trang 691-692
[387] Trương Phát Khuê, “Câu chuyện truyền khẩu”, trang 692. Xem thêm Lưu San, “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hoa Nam”, Văn Hối Báo (Hong Kong), ngày 9 7, 1953
[388] Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 106. Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 202. King Chen nói rằng chỉ có mười sáu người đi cùng Hồ từ Liễu Châu - Xem King Chen, “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1954” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 85. Nếu như vậy, thêm hai thành viên của nhóm trở lại Việt Nam có thể Vũ Anh và Võ Nguyên Giáp gặp Hồ gần Tĩnh Tây và gia nhập cùng Hồ trên đường tới Pác Bó.
[389] Bản thông cáo có trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 3 (NXB Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, 1977), trang 289-299. Bản tóm tắt, xem “Lịch sử Cách mạng tháng Tám” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1972), trang 37-38. Xem thêm Hoàng Tùng, “Đồng chí Trường Chinh” (NXB Sự thật, 1991), trang 123-124
[390] Nghị quyết hội nghị có trong Văn kiện Đảng (1930-1945), trang 313-362
[391] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam” trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 198-199; Philippe Devillers, “Lịch sử Việt Nam, 1940-1952” (NXB du Seuil. Paris, 1952), trang 107-108; Tưởng Vĩnh Kinh, “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” (NXB Truyện ký Văn học Đài Bắc, 1972), trang 184-185
[392] Trần Văn Giàu, Giai cấp công nhân Việt Nam (1939-1945), tập 3 (NXB Sự thật, 1963), trang 143-171
[393] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam” trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 201-202. Những ý kiến của Hồ chỉ trích kế hoạch nổ dậy của Giáp có trong Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 187-188
[394] Các trích dẫn là từ Toàn Tập I, tập 3, trang 375-76. Xem thêm Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 203-204. Trịnh Kính trích dẫn một báo cáo của Trung Quốc, lực lượng Việt Minh đóng giả thành lính Việt trong quân đội Pháp và do đó có thể sử dụng yếu tố bất ngờ; Giáp thông báo cho Hồ Chí Minh điều quan trọng là những đơn vị mới thu được thắng lợi trong trận đánh đầu tiên của họ - xem Trịnh Kính “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1934” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 89. Xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 212
[395] Tư liệu riêng của Shaw trong bài báo chưa xuất bản “Đông Dương chân thực”, đệ trình khi ông trở về Mỹ. Xem thêm Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 203, và “Nguyễn Ái Quốc”, bản rút gọn bằng tiếng Pháp cuốn Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. NXB Ngoại văn Hà Nội, 1958 trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 93-94. Theo nguồn này (của chính Hồ Chí Minh), lính Nhật tới chỗ tai nạn sau toán tuần tra của Pháp và cáo buộc Pháp giúp viên phi công chạy thoát. Quân Nhật treo giải thưởng bằng tiền mặt cho ai trao lại viên phi công và đe doạ có hình phạt với những ai giúp đỡ viên phi công này. Shaw nói them, người Pháp ở địa phương đồng ý cộng tác với Nhật Bản và treo giải lấy đầu anh ta.
[396] Nhận xét của Roosevelt về Đông Dương, cùng với quan điểm chung của ông về tình hình ở đây, được thảo luận trong William Duiker, “Chính sách ngăn chặn của Mỹ và cuộc xung đột ở Đông Dương” (NXB Đại học Stanford, California, 1994), chương 1.
[397] Thư của đại sứ Mỹ Clarence Gauss gửi Ngoại trưởng, ngày 23-12-1943, trong tư liệu của Archimedes Patti. Điện tín ngày 30-12-1942, nhắc đến việc bắt giữ “Hồ Chi-chi” trong tài liệu đã dẫn. Xem thêm Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam? Khúc dạo đầu cho chim hải âu của Mỹ” (Berkeley: Nhà in Đại học California, 1980), trang 46-50. Xem thêm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang 29. Theo Archimedes Patti (trang 56), Phạm Văn Đồng gửi kiến nghị đến Đại sứ quán Mỹ.
[398] Thư của Đại sứ Hoa Kỳ Gauss ngày 18-8-1944, trong lưu trữ của Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 53.
[399] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 53-54. Về báo cáo của Langdon rằng các nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Việt Nam sống lưu vong ở Hoa Nam là “ngây thơ về chính trị”, xem “Những điều kiện chính trị ở Đông Dương, tháng 8-1944”, trong thư gửi 2945, ngày 9-9-1944, từ Đại sứ quán Mỹ Trùng Khánh, trong lưu trữ của Archimedes Patti. Xem thêm Stein Tonnesson, “Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh, và De Gaulle trong chiến tranh thế giới” (NXB Sage, London, 1991), trang 137, fns 129 và 130
[400] Điện của Langdon gửi Cục, ngày 9-10-1944, trong lưu trữ Archimedes Patti. Biên bản ghi nhớ của Philip D. Sprouse nhan đề “Những hoạt động tại Côn Minh của ông Hồ trong kết nối với chương trình phát sóng Quốc Dân Đảng tới Đông Dương”, ngày 11-12-1944, trong tài liệu đã dẫn. Vấn đề vẫn còn là một chút khó hiểu. Archimedes Patti nói, Hồ được tiếp cận vào giữa năm 1944 bởi Cơ quan công tác chiến lược (có lẽ ở Liễu Châu) trong một nỗ lực vô ích để tổ chức một mạng lưới tình báo ở Đông Dương, nhưng không cung cấp nguồn cho các thông tin. Yêu cầu thị thực do Langdon đệ trình từ Phòng thông tin chiến tranh ở Côn Minh. Có một số bằng chứng gián tiếp để hỗ trợ cho giả thuyết, các quan chức Mỹ đã quan tâm đến Hồ, vì tướng Trương Phát Khuê sau này nhớ lại, một cố vấn Mỹ đã thông báo cho ông biết quan chức Mỹ muốn mời Hồ đến Côn Minh để huấn luyện. Xem nhận xét của Trương Phát Khuê trong “Câu chuyện truyền khẩu”, trang 696.
[401] Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 203. Việc Cơ quan Phục vụ Trợ giúp Mặt đất Không quân (AGAS) hoặc một cơ quan đại diện Mỹ ở Côn Minh thực tế có mời Hồ Chí Minh tới Trung Hoa để cảm tạ ông về những nỗ lực của ông vẫn chưa rõ ràng. Nguồn Việt Nam cho rằng Shaw đã tiếp xúc với Côn Minh và quan chức Mỹ đã mời Hồ tới, nhưng bằng chứng cho thấy điều này là không đúng, về những tư liệu khác cho biết tướng Claire Chennault và quan chức Cơ quan công tác chiến lược ở Côn Minh không nhận ra sự có mặt của Hồ. Nếu cơ quan Mỹ nào đó ở Côn Minh biết ông, chắc chắn phải là Cơ quan Phục vụ Trợ giúp Mặt đất Không quân, nhưng Charles Fenn tuyên bố thẳng thừng ông không biết danh tính của Hồ trước khi Hồ đến Côn Minh. Trong cuốn sách tiểu sử của mình, Hồ chỉ chú thích vắn tắt rằng người Mỹ đến gặp ông để cảm tạ ông cứu Trung uý Shaw. Nếu ý kiến của Trương Phát Khuê người Mỹ muốn Hồ đến Côn Minh để huấn luyện (Trương Phát Khuê “Câu chuyện truyền khẩu”, trang 696) là chính xác, thì ngược lại quan chức Cơ quan công tác chiến lược ở đó lại không hay biết việc này. Có thể là cuộc hội đàm mà Trương Phát Khuê nêu ra xảy ra sau khi Hồ rời Côn Minh về Đông Dương và trong điểm dừng chân ngắn ngủi ở Đại Kiều, ông có thể gặp lại Trương Phát Khuê
[402] Hoàng Quang Bình, “Ở Vân Nam”, trong “Với Bác Hồ” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1972), trang 239-240
[403] Quán cà phê mang tên nhà hàng Quảng Lạc số nhà 39 Tai Ho Gai
[404] Charles Fenn “Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh” (NXB Scribner, New York, 1973), trang 76-77. “Fam” không được xác định, nhưng theo cách mô tả một người đàn ông có “đôi gò má rất lớn và cằm bạnh”, chắc chắn là Phạm Văn Đồng. Archimedes Patti cũng đồng ý, xem “Tại sao Việt Nam?”, trang 544, chú thích 52. Xem thêm Fenn, “Chạy thử đến ngày tận số”, trang 211. Việc Cơ quan công tác chiến lược Côn Minh không tiếp Hồ Chí Minh hình như khó hiểu, vì họ ngay từ đầu tỏ ra quan tâm sử dụng ông. Có lẽ họ phải thực hiện việc cấm tiếp xúc với những nhóm kháng chiến ở Đông Dương. Theo Charles Fenn, một quan chức hàng đầu Văn phòng ở Trùng Khánh có xu hướng ủng hộ Pháp (phỏng vấn Fenn, ngày 22-9-1997)
[405] Fenn, “Hồ Chí Minh”, trang 78-79. Xem thêm “Chạy thử đến ngày tận số”, trang 233. Theo nhà báo Robert Shaplen, Chennault đã được những người Quốc Dân Đảng quen ông cảnh báo nên cách xa Hồ Chí Minh - xem Robert Shaplen, “Cuộc cách mạng đã mất”, (NXB Harper & Row, New York, 1966), trang 34.
[406] Việc Tiêu Văn mất lòng tin với Việt Minh, xem Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), trang 41. Xem thêm Trịnh Kính, “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1934” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 95-96. Việc Hồ Chí Minh di chuyển không thấy có tài liệu trong thời kỳ này. Theo Hoàng Văn Hoan, Hồ dừng chân ở Đại Kiều, trước khi trở về Pác Bó; nếu vậy, ông phải dừng chân trên đường tới Tĩnh Tây. Nếu thông tin của King Chen là chính xác, Hồ vẫn ở Đại Kiều muộn nhất là 12-4. Tài liệu của Charles Fenn không đả động gì cuộc dừng chân ở Đại Kiều, và nói Hồ trở về Pác Bó một tuần sau khi đến Tĩnh Tây. Nhưng ông cũng trích dẫn cuộc nói chuyện của mình với một giao liên của Hồ Chí Minh sau khi trở lại Đông Dương sau này. Người giao liên kể rằng Hồ gặp một nhóm đối thủ lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa, những người này nghi ngờ Hồ có liên hệ với người Mỹ. Dù người giao liên ngụ ý rằng cuộc gặp diễn ra ở Việt Nam, nhưng có lẽ đây là cuộc gặp của Hồ với Đồng minh Hội ở Đại Kiều. Xem cuộc phỏng vấn với Fenn, ngày 22-9-1997
[407] Kế hoạch này mang tên Chiến dịch Quail được Chi nhánh tình báo đặc biệt thuộc Cơ quan công tác chiến lược ở Trung Quốc chuẩn bị. Xem “Dự án Quail”, báo cáo ngày 26-2-1945, Cơ quan công tác chiến lược, Entry 154, hộp 202, Thư mục 3431, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md). Xem thêm Heppner gửi Bird, ngày 19-4-1945, Hồ sơ chiến trường, Entry 154, hộp 199, Thư mục 3373, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md). Dù Archimedes Patti ngụ ý rằng quyết định tuyển dụng Hồ là của chính ông, Fenn nhớ lại một người quen nói với ông rằng William Donovan - Giám đốc Cơ quan công tác chiến lược - nghe tin Hồ và muốn dùng ông cho những hoạt động của Cơ quan công tác chiến lược ở Đông Dương. Nếu đúng như vậy, Archimedes Patti chắc chắn được lệnh tìm Hồ khi ông tới. Xem Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 67 và Fenn, “Chạy thử đến ngày tận số”, trang 265
[408] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 69-71, 79-88. Về những chỉ dẫn của Wedemeyer, xem Đại bản doanh Cơ quan công tác chiến lược ở Trung Quốc, Wedemeyer gửi Heppner, ngày 26-4-1945, trong NR CFBX 36313, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md)
[409] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?” trang 86 nói Hồ Chí Minh cho ông một cuốn “sách đen” gồm những bức hình bằng chứng thảm hoạ; Archimedes Patti đã gửi cuốn sách này đến Đại sứ quán Mỹ, nhưng sau chiến tranh không thể tìm được bản sao này ở hồ sơ Bộ ngoại giao. Theo nguồn Việt Nam, sản lượng ngũ cốc giảm trung bình khoảng 1,1 triệu tấn. Năm 1944, nó chỉ hơn 800.000 tấn, Pháp Nhật trưng dụng 125.000 tấn, chỉ để lại 700.000 tấn tiêu thụ trong nước. Về miêu tả này, xem Marr, “Việt Nam 1943”, trang 96-107 và Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (NXB Sự thật, 1961), trang 138-150
[410] “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” trong Văn kiện Đảng (1930-1943), tập 3, trang 383-393. Những nhà sử học cộng sản thường mô tả cuộc họp ngày 8-3 là cuộc họp của Ủy Ban Thường vụ, nhưng một số thành viên khác của Ủy ban Trung ương cũng tham dự, trong đó có Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, và Nguyễn Văn Trân - xem Stein Tonnesson, “Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh, và De Gaulle trong chiến tranh thế giới”, trang 356, và “Những sự kiện”, Tập I, trang 601-602
[411] Stein Tonnesson, “Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh, và De Gaulle trong chiến tranh thế giới”, trang 238, 337, trích dẫn “Cuộc tranh cãi Nhật - Pháp tại Đông Dương”, chú thích không đánh dấu ngày 19-3-1945, số liệu của Cơ quan công tác chiến lược, Soc. 124840, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md). Tonnesson nhận thấy tiếng Anh trong báo cáo là thông tục do Hồ Chí Minh tự viết, và có thể được ai đó viết giúp (trang 356, fn 17). Thực tế, ở thời điểm đó tiếng Anh của Hồ là khá tốt.
[412] Stein Tonnesson, “Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh, và De Gaulle trong chiến tranh thế giới”, trang 226; Võ Nguyên Giáp, “Từ nhân dân mà ra” (NXB Quân đội Nhân dân, 1964), trang 207. Dự cuộc họp có Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Chu Văn Tấn, và Lê Thanh Nghị
[413] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 102. Những cuốn sổ tay được gửi về Washington, với chú thích của Langdon - quan chức Đại sứ quán Mỹ - rằng tác giả là những thành viên của cùng một nhóm đã gửi lời yêu cầu tới đại sứ Gauss tháng 8-1944 dưới tên Hội Độc lập Đông Dương. Langdon nhân xét, cuốn sổ tay phản ánh “sự hận thù nước Pháp”. Báo cáo của Langdon gửi Bộ ngoại giao, không đề ngày tháng, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ
[414] Nhận xét của Kim Hiền và Mac Shinn tại Hội nghị Việt Minh - OSS ở Hampton Bays, Long Island, ngày 22-9-1997. Hành trình về phía nam của Hồ Chí Minh ghi trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 229-39. Lá thư gửi Fenn có trong Fenn, “Hồ Chí Minh”, trang 80. Theo Trịnh Kính, cả nhóm cuối cùng gồm hơn năm mươi người - xem Trịnh Kính, “Việt Nam và Trung Quốc, 1938-1954” (NXB Đại học Princeton, N.J., 1969), trang 102.
[415] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam” trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 207.
[416] Có một số sự nhầm lẫn về hội nghị này. Một nghị quyết chi tiết trong Văn kiện Đảng (1930-1943), tập 3, trang 545-49, và hội nghị này được kể đến trong “Lịch sử cuộc cách mạng”, trang 101-102, do Việt Minh triệu tập. Trong “Từ nhân dân mà ra”, trang 201, Võ Nguyên Giáp kể ông và Hồ Chí Minh gặp Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Lương Bằng để soạn thảo kế hoạch lập vùng giải phóng và quyết định triệu tập hội nghị các cán bộ Đảng diễn ra ngày 4-6. Xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 244. Nhưng ở một cuốn khác (“Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trang 209) Võ Nguyên Giáp ngụ ý, cuộc họp chưa hề diễn ra. Cuối cùng, một điện thoại thu được khi tấn công một làng đã giúp liên lạc giữa Sở chỉ huy của Giáp với văn phòng Hồ Chí Minh ngoài làng - xem Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam” trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 209. Làng Tân Trào khoảng 26 km đông nam tỉnh lỵ Tuyên Quang và chút phía bắc Quốc lộ 13 (Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 550)
[417] Allison Thomas, trong Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, “Mỹ và Việt Nam, 1944-1947”, Quốc hội 92, tiểu ban 2, Staff Study 2, ngày 3-4-1972, trang 285-287. Trong báo cáo của Thomas ngày 17-9-1945, ông miêu tả trại nơi họ tới: “Trại nằm ở sườn đồi tre hẻm Kim Lũng, cách làng Kim Lũng chừng 1 ki-lô-mét. Kim Lũng cách Tuyên Quang về phía đông 27 km, cách tây bắc Thái Nguyên 47 km” (tài liệu đã dẫn trang 257). Xem thêm nhận xét của Henry Prunier, thành viên của đội tại Hội nghị Việt Minh-OSS, ngày 23-9-1997. Việc bếp núc của Hồ được Kim Hiền kể trong tài liệu đã dẫn, ngày 22-9-1997
[418] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 127-29. Về việc Pháp có biết danh tính Hồ Chí Minh và định hướng chính trị Mặt trận Việt Minh, xem Alain Ruscio, “Những người cộng sản Pháp và chiến tranh Đông Dương, 1944-1934, trang 54-61. Một số quan chức Pháp ngờ rằng Hồ là Nguyễn Ái Quốc, nhưng những người khác khẳng định ông đã chết trong nhà tù Hong Kong đầu thập niên 1930. Trên thực tế, mật thám bấy giờ cũng biết Hồ sống sót sau khi bị giam ở Hong Kong và chủ trì cuộc họp tại Pác Bó năm 1941. Xem Sở Mật thám Bắc Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ, 11914-S, ngày 6-6-1941, trong hồ sơ nhãn “1106 Nguyễn Ái Quốc”, SPCE, hộp 369, CAOM. Nguyễn Khánh Toàn - Một đảng viên lão thành Đảng cộng sản Đông Dương - thông báo cho Ruscio, không có ai ở Trùng Khánh vào thời kỳ cuối chiến tranh Thái Bình Dương biết Hồ. Về quan điểm khác nhau, xem Marr, “Việt Nam 1945”, trang 337.
[419] Trích dẫn trong Robert Shaplen, “Cuộc cách mạng đã mất”, (NXB Harper & Row, New York, 1966), trang 29. Xem thêm Charles Fenn “Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh” (NXB Scribner, New York, 1973), trang 81. Báo cáo của Thomas trong Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, “Mỹ và Việt Nam, 1944-1947”, Quốc hội 92, Tiêu ban 2, Staff Study 2, ngày 3-4-1972, trang 245. Phelan dường như ít ấn tượng với một số những đồng sự của Hồ Chí Minh “chỉ biết chạy xung quanh, nhiệt thành hô lớn 'độc lập', nhưng bảy lăm phần trăm số người này chẳng hiểu nổi ý nghĩa của từ này” (tài liệu đã dẫn, trang 207).
[420] Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha đẻ Quân đội cách mạng Việt Nam”, trang 210-211
[421] Marr, “Việt Nam năm 1945”, trích từ William Broyles Jr, “Những anh em cầm vũ khí: Hành trình từ chiến tranh đến hòa bình” (New York: np, 1986), trang 104. Xem Richard Harris Smith, “Cơ quan công tác chiến lược: Những chuyện bí mật của Cục tình báo Trung ương Mỹ đầu tiên” (Nhà in Đại học California, Berkeley, 1972), trang 332. Paul Hoagland - nhân viên y tế, người khám bệnh cho Hồ - sau này cho biết chính ông chữa chạy, cứu sống Hồ, và nguồn Việt Nam ngày nay thừa nhận sự thật này - xem The Washington Post, ngày 13-12-1969, nhận xét của Triệu Đức Quang tại Hội nghị Việt Minh - OSS ngày 22-9-1997.
[422] Nguyễn Lương Bằng, “Gặp Bác ở Tân Trào” trong “Tân Trào, 1943-1983” (NXB Hà Tuyên, 1985), trang 52, trích trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 258. Xem thêm Trần Trọng Trung, “92 ngày đêm: Bác Hồ ở Tân Trào” (Tạp chí Lịch sử Quân sự, tháng 4-1995).
[423] Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả”, trang 213.
[424] “Lịch sử một cuộc cách mạng”, trang 119-120. Một phiên bản khác hơi dài hơn trong Văn kiện Đảng (1930-1943), tập 3, trang 410-11. Một trong những mưu kế của Hồ để giành sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Đảng có lẽ là đưa ra vấn đề Đồng minh ủng hộ. Theo Archimedes Patti (Tại sao Việt Nam?, trang 551), Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc gồm Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn. Về cuộc tranh luận chiến lược tại cuộc họp, xem Nguyễn Lương Bằng, “Tôi gặp Bác Hồ” trong “Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1967), trang 97-99. Xem “Tường trình kháng chiến Việt Nam” (1923-1943) (NXB François Maspero, Paris, 1966), trang 19-22
[425] Trần Trọng Trung, “92 ngày đêm”, trang 15-17. Nguyễn Lương Bằng, “Tôi gặp Bác Hồ”, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 76. Có đôi chút hơi khác bài báo “Chủ tịch của chúng ta” trong chú thích trước đây. Về những người tham gia hội nghị, xem Trần Huy Liệu, “Đi dự Tân Trào”, trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 17 (tháng 8-1960). Henry Prunier nhớ lại những người Mỹ có mặt tại phòng họp trên đường tới Thái Nguyên, chú ý những bức chân dung trên tường phòng họp. Trong số này có chân dung tướng Claire Chennault, nhưng không có chân dung Hồ (Prunier nhận xét tại Hội nghị Việt Minh-OSS ngày 23-9-1997). Xem thêm Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 134.
[426] Lời yêu cầu hoàn chỉnh có trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 3, trang 404-405. Về buổi lễ, xem Nguyễn Lương Bằng, “Tôi gặp Bác Hồ”, trang 77.

Tổng số lượt xem trang