Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (19)

-Chương 19
Nhập tịch

Sau vài năm cuộc sống ổn định, nhiều gia đình sinh thêm con. Thật kỳ lạ, hầu hết các cháu mới sinh là gái, ai cũng đặt tên con là Hương. Thu Hương, Ngọc Hương, Thanh Hương, Lan Hương, Xuân Hương… Xa Việt nam thấm thoát đã hơn 7 năm, ai cũng nhớ miền quê của mình, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có bờ tre, đình làng, cây đa, bến đò, dòng sông, ao cá, khoảng trời xanh, nơi mùa mưa tiếng ễnh ương ộp oạp vang xa, nơi mùa thu xào xạc lá vàng bay, nơi xuân về, giao thừa hái lộc trong mưa phùn rét ngọt. Thèm nghe tiếng gà gáy sáng, tiếng cục ta cục tác con gà nhảy ổ, thèm cả gầu nước giếng mát rượi giữa trưa hè oi ả, sân kho… tất cả, tất cả vẫn không phai mờ trong ký ức chúng tôi.


Năm 1981 vợ chồng chú Thịnh sau khi ở trại Wishaw ra nhà riêng, thêm cháu gái, năm 1985 lại thêm cháu gái nữa sau khi rời nhà Jimmy. Vợ chồng Sinh, Phú, cũng thêm 2 tố nữ. Lúc đầu ai cũng mừng, sang nước người thế là lãi, thêm con thêm của, nhưng cái gì nhiều cũng chán, khi nhìn đâu cũng toàn lũ “vịt trời”. Bạn bè khuyên vợ tôi “tăng tốc” vài đứa cho bằng chị bằng em, nhưng với tôi ba là đủ, hơn nữa có những “hai gậy chăn vịt”, không những thế trời lại cho sinh đôi. Tuyệt quá còn gì, hơn đứt nhiều người! Chẳng cần tăng tốc, mấy ai đã đuổi kịp!


 Nhớ lại thuở nào, thị xã tôi nhỏ bé thế mà cũng nhiều chuyện bi hài về con trai con gái. Nhà anh chị Hồng có 9 thằng con, gần một tiểu đội lính. Anh làm công nhân nhà máy điện, chị ở nhà lột nứa cùng đàn con đan cót kiếm thêm.
Thời bấy giờ mọi thứ theo tem phiếu, đứa lớn chưa tròn 15, đứa bé chưa đến tuổi lên hai, đang tuổi ăn như tằm ăn rỗi, chạy hai bữa cơm độn ngô cũng đủ mệt người.
Nhà anh ba gian hai chái, ở sát bìa rừng, phên tre nứa lá, khá rộng. Tất cả giường, bàn, ghế… đều làm bằng bương tre, riêng có chiếc sập gụ kê giữa nhà của cụ cố để lại là đáng tiền. Sát sân trước cửa, một gian nhà ăn, bàn ghế cũng bương tre nứa, như lán quân đội.
Giờ cơm, anh dùng chiếc bù-loong gõ lên mảnh bom làm kẻng gọi “đàn lính.” Đứa lớn giúp mẹ đan cót, đứa bé tha thẩn chơi quanh, hễ nghe tiếng kẻng, chúng ào ào như chim về tổ, ngồi xuống hai hàng ghế bên bàn. Hai đầu bàn, hai nồi cơm độn, anh chị quản lý, ngô xay nhiều hơn cơm. Giữa bàn thường ba đĩa rau muống luộc chấm mắm cua đồng hay canh măng nấu muối, cà pháo muối xổi, hôm nào sang có thêm nồi đậu phụ kho cà-chua hay dăm con tép, cá vụn mà chúng tát suối bắt được. Anh chị thay nhau xới cơm không kịp, ào ào một chập, như tằm ăn rỗi lá dâu. Có hôm thiếu, thằng lớn bê nồi vào bếp còn cố cạo miếng cháy dính đáy, tiếng cạo nồi xồn xột đến nỗi chị Hồng phải quát yêu, “Cạo vừa thôi, thủng nồi bây giờ, ông tướng ạ!”
Chủ Nhật anh dẫn đàn con vào rừng chặt nứa, kiếm củi, kiếm măng. Nghèo nhưng gia đình anh đầm ấm. Đông con như thế mà anh chị vẫn ước ao có thêm cô gái rượu, chị bảo, “Mai kia già yếu, con gái mới chăm mẹ, giường cứt chiếu đái, chứ trông nhờ gì mấy thằng quỷ sứ. Còn con dâu, á? Sức mấy nó chăm nom mẹ chồng.”
Cầu được ước thấy, cuối năm 1976, chị sinh cháu gái. Mừng ơi là mừng! Anh chị đặt tên con Lê Kim Chi, cành vàng lá ngọc của anh chị, đón cô gái rượu từ nhà hộ sinh về, anh gọi 9 lính con xếp hàng, ra hẹn:
- Đứa nào làm con gái rượu của tao thức giấc hay đánh ngã nó thì chết đòn, nghe rõ chửa?
Nói xong, anh vừa cầm cái roi song bằng ngón tay, vụt đét một cái xuống chiếc sập gụ giữa nhà. Chín “quỷ sứ” giật mình thót một cái, sợ xanh mặt. Quát mắng, dộ nạt thế thôi chứ anh chị thương con lắm, chưa bao giờ anh đánh con, nhưng chúng sợ anh một phép.
Tôi chỉ có 2 thằng con ấy thế mà nhiều lúc thót tim, anh chị Hồng có những 9 đứa đang tuổi nghịch, quậy phá, cho nên anh chị cũng bị nhiều lần suýt “tim đứng”.
Mùa lũ 1978, nước sông Đà mênh mông chảy xiết cuốn theo củi, gỗ từ thượng nguồn đổ về cũng là mùa người vạn chài ven sông đua nhau bơi thuyền vớt củi đắp đổi qua ngày. Mỗi năm ít cũng vài thuyền đắm, dăm đứa trẻ rơi xuống bờ sông đục ngầu làm mồi cho thủy thần Đà Giang. Trên bờ người rỗi việc ra ngắm lũ tràn về, xem thuyền vướt củi.
Hai thằng sinh đôi của tôi năm ấy mới hơn 3 tuổi, hàng ngày sau đi nhà trẻ chúng thường chơi với bạn quanh quẩn trong khu tập thể. Chiều ngày 8-9, đến giờ cơm, không thấy chúng. Vợ tôi đi khắp các nhà trong khu tập thể, không thấy hai quỷ sứ, ra đường hỏi, có người bảo, “có phải hai thằng khoảng 3, 4 tuổi không?” -“Vâng, phải” – “Tôi thấy chúng ra bờ sông.” Vợ chồng tôi nháo nhào ra đê.
Trời xẩm tối, nước sông Đà ầm ầm đổ về giận dữ, đục ngầu, mấp mé bờ đê. Trên đê lác đác bóng người, trên sông dăm thuyền vớt củi đang chồm lên, chìm xuống theo dòng nước chảy xiết.
Chúng tôi đi lên đi xuống quãng đê gần cây số nhiều lần, réo tên con trong nước mắt. Trời ơi, nếu mệnh hệ nào, chắc gì vợ tôi sống nổi. Gần 9 giờ đêm, chúng tôi đành về, lòng cháy như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Chưa biết phải làm gì, đột nhiên thằng anh lù lù thập thò trước cửa. Vợ tôi mừng quá, òa khóc ôm chặt lấy, không dám phát đít, hỏi, “Thằng em đâu?” Nó bảo, “Lân sợ, đang nằm ghế đá bên vườn hoa bệnh viện.” Hóa ra, hai quỷ sứ mải đuổi bắt con cồ-cộ theo sang tận bệnh viện, đến lúc tối trời sợ bị phạt, chúng nằm “cố thủ” ở ghế đá vườn hoa, đói quá thằng anh mới dám liều về nhận tội.
 Lần thứ hai, ở Hong Kong, giữa tháng 9-1979 chúng tôi được ra tự do, Chủ Nhật sang trại Tuen Mun thăm gia đình chú thím cách trại Khải Đức khá xa, chuyển 2 xe bus. Hôm ấy, gần trại Tuen Mun, có phiên chợ trời, trước khi về chúng tôi ghé vào.
Chợ đông kịt, quầy hàng bầy chật cứng hai bên, người nọ chen chân người kia, tôi dắt đứa lớn, 2 thằng cầm tay mẹ. Đi khoảng nửa giờ, vợ tôi nhìn ra, ôi thôi, con mình không dắt lại cầm tay con người. Hăi thằng quỷ sứ biến mất tiêu.
Lần đầu tiên đi chợ trời Hong Kong, tiếng Quảng, tiếng Anh ú ớ, nay lạc hai thằng con biết đâu mà tìm, biết hỏi ai. Trẻ con người Việt người Hong Kong giống nhau, mũi tẹt, da vàng, tóc đen. Đi lên đi xuống dọc theo chợ, gọi rát cả cổ, tìm mãi không thấy, hỏi quản lý chợ, cảnh sát, đều lắc đầu.
Hết hy vọng, vợ chồng tôi quay về nhờ ông chú giỏi tiếng và chữ Tầu đưa lên đồn cảnh sát trình báo. Ai ngờ, lên tầng 20, nhìn vào buồng đã thấy hai quỷ sứ đang ăn xôi với ông bà trẻ. Hỏi, nó bảo, cầm nhầm tay người khác cứ tưởng mẹ, nhìn lên thấy người lạ, mới nháo nhào đi tìm bố mẹ. Không thấy, chúng chạy về trại ông bà trẻ chờ. Vừa tức, vừa mừng, vợ tôi ứa nước mắt, ôm chặt lấy quỷ sứ, cũng không đành phát đít.
Năm 1982, mùa hè xứ Scotland, mười giờ đêm mặt trời vẫn chưa lặn. Từng giải nắng dát vàng trên vùng đồi trước mặt. Đêm hè, trẻ con nô đùa trước cửa đến tận khuya, giờ ngủ thường 11 giờ. Như thường lệ, không thấy hai thằng quỷ sứ về ngủ. Khu Knightsridge rất vắng, nhiều đất bỏ hoang, cỏ mọc ngập đầu, có con mương khá sâu và rộng cách nhà gần 500 mét.
Sợ bọn trẻ hư lớn tuổi xúi dại, chúng tôi hộc tốc ra tìm. Đi hết đoạn mương, đi tiếp đồi này sang đồi khác, chui cả rào vào khu sân golf hy vọng hai thằng sang nhặt bóng, cũng không thấy. Gọi điện báo cảnh sát, họ bảo, sau 24 giờ mới tìm kiếm. Mất tích sau 24 giờ mới đi tìm, có khi thành người thiên cổ còn gì!
Gần 2 giờ sáng, tìm đâu cũng không ra. Vợ tôi bắt đầu khóc. Chúng tôi rơi vào tuyệt vọng. Không ngờ xa xa có tiếng người từ đỉnh đồi vọng xuống. Hóa ra hai thằng con tôi đi cùng một thằng bạn sang trại nuôi bò sữa làng bên. Cả ba vừa đi vừa kể chuyện con bò có “hú” to lắm, bóp vào chảy ra nhiều nhiều sữa là.
Mừng ơi là mừng! Vợ chồng tôi đều chảy nước mắt, đưa về tắm giặt kỳ cọ, quần áo giày dép toàn phân và nước đái bò. Chủ Nhật tuần sau, cả nhà đi thăm trại bò có “hú to” nhiều sữa, dặn hai quỷ sứ, lần sau muốn xem gì phải hỏi bố mẹ đưa đi, cấm đi một mình, nghe chửa. Chúng gật. Từ nhà tôi đến trại bò hơn ba cây số qua ba bốn qủa đồi, cỏ ngập đầu, ấy thế ba quỷ sứ 7, 8 tuổi dám đi một mình giữa đêm khuya!
Trở lại chuyện anh chị Hồng, khi cô gái rượu được 7 tháng, ở nhà với 9 ông anh, mẹ đi chợ. Chả biết trông em thế nào, mẹ về, trán Kim Chi sưng vù bằng quả sung non, tím bầm. Vừa ôm con, chị vừa chì chiết:
- Bố mày về thì toét đít.
Chả là thằng thứ ba tranh nhau quả ổi xanh, giằng giật nhau làm Kim Chi trên tay thằng thứ hai đánh rơi em, đầu đập xuống đất.
Nhớ đến chiếc roi song đét xuống phản, hai thằng mặt cắt không còn tí máu, nháy nhau chạy trốn vào rừng.
Bữa cơm chiều, thiếu hai thằng, anh biết nó sợ, trốn quanh đâu đó, thôi kệ, cứ ăn, nó về mò nồi ăn sau cũng được. Tối khuya không thấy chúng về, anh chị bắt đầu lo, cả nhà nháo nhác đi tìm.
Sau một hồi gọi khản cả tiếng, anh gọi bảy lính còn lại xếp hàng ngay giữa sân, anh hỏi:
- Lũ quỷ sứ, có biết thằng Nhị, thằng Tam trốn đâu không?
Tất cả đều lí nhí trong mồm:
- Con không biết ạ.
Đến 10 giờ đêm vẫn bặt tin, anh chị lo cuống cuồng, nhờ hàng xóm đốt đuốc vào rừng đi tìm. Tìm đâu ra, rừng xanh huyền bí, màn đêm dày đặc, chẳng ai dám vào sâu, chỉ tìm quanh quanh ven rừng. Bây giờ anh chị mới bắt đầu sợ, chị khóc sướt mướt, cả đêm anh chị trằn trọc, thao thức.
Sáng sớm tinh mơ, hai quỷ sứ lù lù dẫn xác về, đứng ngay trước sân. Anh chị mừng quá, ôm chặt lấy con mà khóc. Hóa ra, đêm qua, sợ quá, hai thằng cứ thế chạy một mạch vào rừng, rồi lạc lối. Đêm khuya, không biết đường về, chúng trèo lên cây ngủ, mờ sáng mò về, vừa đói vừa khát, mặt mày nhem nhuốc, trông thật tội. Anh chị quên luôn cái tội đánh ngã “công chúa”, bảo lần sau không được vào rừng đêm.
Anh Tính, công nhân nhà máy cưa lại khác, có năm tố nữ, anh bảo, con anh toàn lũ vịt giời, mai kia chúng bay ráo, trơ lại hai cái thân già, ai người nuôi dưỡng? Khi chết, đến đứa chống gậy đưa ra đồng cũng không có, nhục không? Hết ca làm, anh thường ngồi la cà quán cóc, hút thuốc lào vặt, đánh rắm rong, chứ nhất định không muốn về. Năm 1975, vợ anh sinh được thằng cu. Nhân đầy cữ, anh mổ ngay con lợn gần 40 kí khao bạn bè, hàng xóm. Anh hỉ hả lắm. Men rượu làm anh phấn khởi, tâm sự, trước kia mỗi khi hết ca, chẳng muốn về. Hễ về đến nhà đi ra đi vào, nhìn đâu cũng rặt đàn bà, nhà toàn mùi lờ là mùi lờ. Chán lắm!
Trong đời sống mới, theo quy định của chính phủ Anh, những người tỵ nạn Việt Nam định cư trên 5 năm, không vi phạm pháp luật, không có tiền sự tiền án đều có quyền nhập quốc tịch. Vì thế, từ năm 1986 chúng tôi ồ ạt làm đơn xin nhập tịch. Thời kỳ ấy, người tỵ nạn Việt Nam nhập tịch thật dễ. Từ 18 tuổi trở lên, điền form, kèm theo hồ sơ của Liên Hiệp Quốc cấp ở Hong Kong -United Kingdom Visa. Ngoài ra, chính phủ Anh không đòi hỏi bất cứ giấy tờ nào, kể cả giấy “từ bỏ” quốc tịch Việt Nam, chỉ cần ký xác nhận lời khai trong form đúng Sự Thật. Đợi từ ba đến sáu tháng, nếu hội đủ điều kiện, Bộ Nội vụ gửi giấy đi tuyên thệ.
Chúng tôi có thể đến văn phòng luật sư hay nhà thờ để tuyên thệ, lệ phí rất tượng trưng, vợ chồng tôi chỉ phải trả £5 bảng cho văn phòng luật sư gần nhà. Có lẽ số người nhập tịch đông, gia đình tôi phải đợi thêm gần 6 tháng mới có quyết định của Bộ Nội vụ được nhập tịch -Certificate of registration as a British Citizen. Mừng lắm, từ nay chúng tôi đã là công dân chính thức, là thần dân của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, có đất nước để tự coi đó là tổ quốc thứ ba sau những năm tháng tha phương. Cũng từ nay, chúng tôi, các con các cháu tôi sau này có thể tự hào, mình là người Anh gốc Việt như những người Anh sắc tộc khác, định cư tại Vương quốc Anh, hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như người dân bản xứ.
Sau 4 tuần điền form gửi đi, chúng tôi nhận được hộ chiếu -United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland Passport. Hồi ấy, hộ chiếu màu đen, tên tuổi, nơi sinh… đều viết tay, có giá trị 10 năm. Những lần đổi sau, hộ chiếu có màu đỏ, nhỏ gọn, người Việt rơm gọi là sổ đỏ, phân biệt với Travel Document hay hộ chiếu Việt Nam màu xanh gọi la sổ xanh.
Trong tay có hộ chiếu, các bà vợ người Việt gốc Hoa bắt đầu nghĩ chuyện về thăm thân nhân. Thời bấy giờ, đường bay từ Anh về Việt Nam rất nhiêu khê. Việt Nam vẫn trong tình trạng bị bao vây kinh tế, chưa bang giao với các nước ASEAN nên không có hãng hàng không Thái -Thai Airway hay Singapore… bay sang Việt Nam, muốn về, buộc phải qua các nước cộng sản Đông Âu hoặc Liên Xô, chuyến bay nghỉ nhiều chặng. Từ phi trường Heathrow về Nội Bài khoảng 20 đến 24 giờ bay, rất mệt.
Hãng hàng không Liên Xô Aeroflot giá khá rẻ so với các hãng Tiệp Khắc. Chị Hương than, chỉ vì tham rẻ £450 bảng/vé khứ hồi, hãng Tiệp £650 đến £700 mà thấy dại. Của rẻ là của ôi, chị bảo:
- Nhân viên hàng không Aeroflot kiểm tra hộ chiếu của khách xong, ném ngay vào thùng, không trao tận tay cho khách.
- Máy bay rất xóc.
- Nghỉ quá nhiều chặng.
- Thái độ phục vụ và bữa ăn rất kém.
“Có cầu tất có cung”, khi số người muốn về Việt Nam tăng lên, dịch vụ bán vé máy bay, xin visa bắt đầu hoạt động. Nhiều người làm dịch vụ này, nhưng chỉ có hai gia đình làm ăn có uy tín nên đông khách. Đó là anh chị Liêm Phương và Nguyễn Thị B.
Anh chị Liêm Phương, mấy năm đầu, anh chị mở dịch vụ tại nhà, Acton Town, South West London, sau này trở thành East-West Travel Limited. Năm 2004, anh làm đại diện cho Vietnam Airlines, ở Hammersmith, London.
Dịch vụ của chị Nguyễn Thị B. lại khác. Chị đến tận nhà phục vụ, theo đường điện thoại. Vì nhiều người chưa có hộ chiếu cũng muốn về Việt Nam nên trở thành loại khách hàng béo bở, có lời nhiều. Chị B. lập hẳn một danh sách người chỉ có sổ xanh -Travel Document, nộp cho đại sứ quán Việt Nam, 12 Victoria Road, Kensington, W12, London, xin visa tập thể. Những người này dưới danh nghĩa, đoàn du lịch Châu Âu do chị B. hoặc người thân của chị làm trưởng đoàn, đưa đi đưa về. Ban đầu, dịch vụ khá kín đáo, nhằm vào những gia đình người Việt miền Bắc. Người nọ truyền tai người kia bằng đường dây điện thoại, thì thào to nhỏ, tìm mọi cách tránh sự tò mò những người làm việc trong cộng đồng và người miền Nam.
Vợ chú Sơn, cô Bình, cô Thu, vợ anh Hòa phôn cho vợ tôi, hỏi, “Có về Việt Nam không?”- “Chưa có passport đi sao được.”- “Yên tâm, khu nhà em mấy chị đi về rồi, an toàn lắm.” Họ kể con đường bí mật về Việt Nam qua chị B. như sau “Gọi điện thoại theo số xxxx , chị B. sẽ đến tận nhà trao đổi cụ thể. Nộp tiền, sổ xanh -Travel Document- được hẹn ngày giờ cụ thể đến điểm hẹn. Tại đó sẽ có người đưa ra phi trường Heathrow, hết hạn trở về, người nhà ra phi trường đón. Đã có nhiều chuyến “du lịch” đi về an toàn. Đi không? Đăng ký ngay chứ tết ta này, 1987, đông lắm, hết chỗ.”
Năm 1987, bố vợ tôi bị ung thư, bệnh tình nặng dần. Tuy vậy chúng tôi từ chối, không về theo đường dây chui, chờ có hộ chiếu sẽ tính sau, dù vợ tôi rất nóng ruột. Chúng tôi không muốn vi phạm pháp luật dù nhỏ nhất.
Dịch vụ du lịch Việt Nam đã giúp Đại Sứ quán Việt Nam vươn bàn tay bẩn thỉu tới cộng đồng người tỵ nạn Việt Nam ở Anh. Ngày lễ, ngày tết, nhiều gia đình được tòa đại sứ kín đáo gửi giấy mời. Gọi là đến dự liên hoan do tòa đại sứ chiêu đãi, nhưng hầu hết người tỵ nạn mang đồ ăn và đóng tiền “hụi chết” cho chúng. Ít cũng 20 bảng, nhiều 100 bảng, kẻ mắc bệnh sĩ còn đóng cao hơn. Nhân ngày 02-9-1988, Đại sứ quán Việt Nam mời “Vịt cừu yêu nước” đến dự lễ, không ngờ người đến dự bị người chống cộng la ó, chửi mắng, ngăn cản. Có người ném cả chất bẩn (phân người) vào đám “Vịt Cừu” đang khệ nệ bưng cơm, bia lạnh… cống nộp. Một cuộc ẩu đả lộn xộn xảy ra ngay trước tòa đại sứ. Không có cái ngu nào giống cái ngu nào, tên bí thư thứ 2 cầm khẩu súng ngắn, đứng trước cửa tòa đại sứ, giơ ra dọa bà con biểu tình. Nó làm như London này là Hà Nội của nó không bằng, muốn dọa nạt, muốn bắn ai thì bắn chắc. Một hành động côn đồ không thể tha thứ ở xứ tự do, dân chủ. Hôm sau, tất cả báo chí trong nước cũng như các đài truyền hình BBC 1, BBC 2, ITV, Channel 4 trong bản tin thời sự nhất loạt đưa tin và bình luận. Ảnh bí thư đại sứ quán Việt Nam, mặt mày bặm trợn, giơ súng đe dọa người biểu tình chống Cộng tại London được bêu trên trang nhất với lời bình luận, châm biếm sâu cay. Đại sứ quán Việt Nam bị triệu tập, phải giải trình vụ việc, nguồn gốc khẩu súng với Bộ Ngoại Giao Anh. Ban đầu viên đại sứ bào chữa hài hước là “súng giả”, nhưng khi phân tích bức ảnh trên máy vi tính, cãi láo không xong. Tuần sau, tên bí thư bị trục xuất, mấy tháng sau viên đại sứ Việt Nam bị triệu hồi, thay ngựa khác.
Cũng vì chuyện ném phân vào người, vào sân đại sứ quán, chính phủ Anh ra thông báo, từ đó đoàn biểu tình chống cộng không được đi ngang qua Victoria Road.
Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra.
Chuyện người tỵ nạn về Việt Nam bằng Travel Document gây sốc cho cộng đồng, nhất là những người chống cộng cực đoan. Họ tìm mọi cách ngăn cản, tố cáo với nhà chức trách bằng mọi cách, chờ những đoàn người từ Việt Nam về, đem theo biểu ngữ tiếng Anh và tiếng Việt tại phi trường Heathrow tố cáo sự gian lận, hô khẩu hiệu đả đảo… Tất cả những cuộc biểu tình lẻ tẻ, không làm cho Nguyễn Thị B. chùn bước. Kinh doanh là kinh doanh, tiền là tiên là Phật… Không chỉ Nguyễn Th. B. mà Đại sứ quán Việt Nam liên kết với một gia đình ở Camberwell Green làm dịch vụ này, nhưng làm ăn thiếu chữ tín, cơ sở này sập tiệm sau một thời gian ngắn.
Tháng 11-1987, cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hồi ấy định cư London, sống trong căn nhà cũ của cán bộ nhân viên tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa khu Wimbledon, triệu tập một số sĩ quan VNCH, đa số cấp úy, khoảng trên dưới 30 người họp tại số nhà 7/72 Crytal Palace Park Road, South East London. Nội dung thảo luận là thành lập chính phủ lâm thời hải ngoại. Trước ngày họp, chúng tôi, trung tá bác sĩ Nguyễn Xuân Cẩm cùng ông chủ tịch cộng đồng Trần văn Tòng và tôi đang ngồi tại văn phòng cộng đồng quận Croydon tán gẫu. Đại úy Hưng đến, đưa giấy mời trung tá bác sĩ Cẩm và ông chủ tịch Tòng tới dự, đại úy Hưng còn nói thêm, “Được gặp tổng thống là điều vinh hạnh”. Cả hai đều từ chối tham dự, bác sĩ Cẩm, bảo“Cám ơn, tôi không muốn vinh hạnh này”. Ông nói tiếp “Ông Thiệu không còn là vị tổng thống của tôi, ổng đã từ chức trước khi ông đào tẩu.” Bác sĩ Cẩm nói với tôi, “Tốt nhất ông Thiệu nên đứng phía sau, ủng hộ lớp trẻ thành lập tổ chức, số vàng 17 tấn, ông nên trao lại cho tổ chức chống cộng chân chính khác”.
Chuyện 17 tấn vàng ồn ào từ lâu. Nhiều người tin rằng trước khi đào tẩu, ông Thiệu đã chuyển số vàng sang Đài Loan. Mãi đến năm 2007 chuyện mới sang tỏ khi chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xác nhận, cố tổng thống Thiệu không (kịp) chuyển đi, 17 tấn vàng vẫn trong ngân khố quốc gia.
Tiếng oan chỉ được giải khi ông đã trở về cát bụi.
Kinh thành London, nơi có rất nhiều các chính trị gia, vua chúa, thủ tướng, tổng thống… thất thế, sống lưu vong ở khu Kensington, Wimbledon, cũng là nơi có nhiều cuộc vận động chính trị của những chính trị gia đó. Hè 1988, khi Hội chợ Việt-Miên-Lào tổ chức tại vườn hoa quận Lambeth, London, vô tình tôi đã gặp và nói chuyện với cựu Quốc Vương Norodom Sihanuok. Thời ấy ông đang sống lưu vong tại Pháp. Báo chí miền Bắc đưa tin, năm 1969, khi ông Hồ qua đời, Sihanuok thắp 79 ngọn nến và cầu siêu 79 ngày để lấy lòng Bắc Việt. Vậy mà tháng 5-1970, trong khi viếng thăm Paris, ông bị người cậu ruột đảo chính, lật đổ ngai vàng. Theo như cụ Nguyễn Văn Hoàng Đạo kể, ông từng ăn chực nằm chờ tại nhà khách của Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thời bấy giờ, nhờ giúp đỡ, nhưng bị từ chối. Gặp và nói chuyện, tôi thấy đôi mắt Sihanuok thường xuyên đảo nhìn tứ phía. Không biết có phải ông cảnh giác sợ bị ám sát hay vì lý do nào đó không rõ, nhưng tôi thật sự không có cảm tình với người có đôi mắt đảo nhiều như vậy.
Người ta bảo, gia đình ông Thiệu sống trong một biệt thự ở Wimbledon từ năm 1982 sau đó chuyển sang Hoa Kỳ cho đến khi ông qua đời 2001.
Sau cuộc họp do cố tổng thống Thiệu chủ trì, phong trào đấu tranh chống cộng lan rộng, bùng phát ở một số quận ở London. Nhiều cuộc họp kín, quyên góp, những tin đồn về tổ chức A, tổ chức B… đã về Việt Nam yểm trợ phong trào trong nước lan rộng. Nhiều tờ báo, tập san ra đời ủng hộ phong trào chống cộng. Trong khi đó, Nguyễn thị B., vẫn tổ chức những chuyến du lịch về Việt Nam qua hệ thống “sổ xanh” và “visa chui” vẫn phát triển, không chỉ ở những thành phố đông người Việt như London, Birmingham, Leed… mà lan đến cả Scotland.
Hầu hết cộng đồng tỵ nạn Việt Nam ở các quận công khai phản đối những người về Việt Nam, họ không cần biết vì sao, lý do gì, tại sao phải về. Cứ về Việt Nam là bị chửi rủa, lên án, bằng nhiều hình thức, viết thư nặc danh đe dọa, chửi bới cá nhân, qua đường bưu điện hay trực tiếp bỏ vào nhà. Họ không dám công khai, luật pháp Anh không cho phép bất cứ ai xâm phạm, can thiệp đời tư của người khác. Việc này có thể bị truy tố trước pháp luật.
Chị Tòng năm 1988 về Việt Nam đón cha già sang định cư. Anh chị xin bảo lãnh cho cha mẹ từ năm 1977, sau hơn 10 năm mới được chính phủ Việt Nam cho xuất cảnh. Cụ ông đã ngoài 80, rất yếu. Cụ bà qua đời ba năm về trước, không đủ sức chờ ngày đoàn tụ. Chị phải về Sài Gòn đón cha già.
Vậy mà chồng chị, anh Tòng, chủ tich cộng đồng quận tôi, đi đến đâu cũng bị đồng hương chống Cộng xua đuổi với những lời khiếm nhã. Họ không cần biết tại sao chị về Việt Nam, chỉ neu nghi vấn “đã là tỵ Nạn Cộng Sản sao lại về Việt Nam?” Họ coi những người về Việt Nam là người xấu, con cừu đen trong đàn cừu trắng.
Năm 1988, bố vợ tôi mất nên vợ tôi về chịu tang.
Mấy tháng sau, một tối Thứ Bảy sau tết âm lịch 1989, chúng tôi đang xem film khuya, cạch một tiếng, như ai đụng cửa. Tôi vén rèm che cửa sổ phòng khách, nhìn thấy cô H. chui vội vào chiếc xe Ford màu đỏ, động cơ rít lên lao vụt đi. Một lá thư nặc danh vất vào nhà. Thư chỉ là những lời lẽ khiếm nhã chửi vợ chồng tôi thậm tệ, vì vợ tôi đã về Việt Nam.
Cô H. là ai?
Là vợ thiếu úy Z cách nhà tôi không xa. Vợ chồng từ Brixton chuyển xuống quận tôi từ năm 1988, làm nghề may tại gia. Vợ tôi cũng may, hai nhà cách nhau con phố nên khá thân thiết.
Chính tôi là người giúp hai đứa con lớn cô chú học võ thuật, nhiều lần cô chú bận, tôi đón hai cháu đến võ đường cùng con tôi. Cô chú vượt biên, định cư ở Anh năm 1978. Theo như tự kể, Z. là thiếu úy không lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau cuộc vượt biên hai người lấy nhau nhưng chưa đăng ký. Tháng Sáu 1988, chính hai người nhờ chúng tôi đến dự buổi kết hôn tại phòng Đăng Ký kết hôn quận Croydon. Thế mà chỉ vài tháng sau, nỡ nào cô H. ném thư nặc danh vào nhà sỉ vả chúng tôi!
Để khỏi ngờ oan, làm như vô tình, tôi đã kiểm tra được nét chữ và xác nhận lá thư nặc danh, nét chữ nguệch ngoạc, chưa hết cấp I của cô H., chứ không phải thiếu úy Z. Vợ tôi uất lắm, định khởi kiện, nhưng tôi cho qua, không chấp.
Không biết có phải do áp lực của các cộng đồng, của cựu chiến binh VNCH, của những người chống cộng cực đoan hay không, anh Lương Tấn Tước thay mặt Cộng đồng Tỵ nạn Việt Nam Vương quốc Anh, viết đơn lên Bộ Nội vụ tố cáo những người tỵ nạn về Việt Nam theo ngả chui do Nguyễn Th. B. tổ chức, yêu cầu tước quyền tỵ nạn của họ. Thay mặt cho Bộ Nội vụ, ông C. Marsh trả lời bằng văn bản, trong đó có đoạn như sau “I must stress that Vietnamese who do visit Vietnam are in no way breaking any law in this country.”
Bức thư này được sao làm nhiều bản, gửi tới tất cả văn phòng cộng đồng tỵ nạn Việt Nam ở Anh. Chuyện vỡ lở, gây chia rẽ khối đoàn kết cộng đồng tỵ nạn người Việt ở London. Những năm 1980, 1990 người tỵ nạn Việt Nam ở Anh trên 60% là người miền Bắc, trong đó đa số là người Việt gốc Hoa.
Vì thế một vài quận tách ra, thành lập Cộng đồng tỵ nạn người Việt gốc Hoa, xin kinh phí và tài trợ riêng của Council.
Từ cuối thập niên 1990, số người tham gia cộng đồng Việt Nam giảm dần, trong khi cộng đồng Hoa kiều tăng nhanh và sát nhập với Hội Hoa Liên ở China Town. Lý do, người Hoa có truyền thống đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau từ lâu đời, hơn nữa có nhiều hình thức sinh hoạt hấp dẫn hợp với mọi lứa tuổi. Thanh thiếu niên tập võ Thiếu Lâm, người già tập Thái cực quyền, chơi mạt-chược, cờ tướng… và hầu như không tham gia, bàn tán chuyện thời sự chính trị.
Ngày nay, đại sứ quán Việt Nam, vươn bàn tay tới nhiều nước, nhưng tại London này, họ chỉ mới “túm tóc, sờ gáy” được du học sinh, dăm mống hội viên “Vịt cừu yêu tinh”, một số doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam… con số này rất nhỏ so với >40 ngàn người Việt định cư tại Vương quốc Anh, còn chuyện đại sứ quán gây phiền hà cho mọi người thì khó kể hết.
Cuối năm 1988, chúng tôi nhận được điện khẩn, bố vợ tôi qua đời, chúng tôi lên Đại Sứ quán Việt Nam xin visa gấp. Theo hẹn, đúng 10 giờ sáng Thứ Bảy, tôi bấm chuông. Một người đàn ông trên dưới 50, “đặc sệt” nông dân, quần dài, áo may ô ba lỗ, dáng ngái ngủ, mở cửa đi ra sân. Tôi lên tiếng qua cổng sắt:
- Chào bác, theo hẹn, hôm nay tôi đến gặp ông Ngô Học Phiếu
Vừa làm động tác tập thể dục, tay đưa lên đưa xuống, vừa vặn lưng kêu răng rắc, ông vừa đi dần ra cổng, giọng ngái ngủ, bảo:
- Anh Phiếu đi vắng.
Tôi không tin vào tai mình, hỏi lại:
- Ông Phiếu hẹn tôi 10 giờ, sao lại đi vắng?
- Ừ, thế vầy đấy!
Mấy chục năm, bây giờ mới được nghe “thế vầy”, câu cửa miệng của người làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định, quê hương của Tổng bí thư Trường Chinh. Anh chàng nông dân thứ thiệt này, dân Hành Thiện cũng được sang London làm caretaker cho tòa đại sứ. Phải chăng vì ông là đồng hương của tổng bí thư?
Hẹn khách mà lại đi vắng, không một lời nhắn lại, có cán bộ sứ quán nước nào làm ăn cà-chớn như thế không? Tôi hỏi:
- Bác biết ông Phiếu bao giờ về không?
- Chịu, tôi không biết. Hay thế vầy, lát nữa anh chị quay lại.
Chúng tôi rất thất vọng, chửi thầm, đi ra xe. Vừa lúc đó, chiếc xe Ford cà-tàng màu đỏ, cửa mở, một người đàn ông Việt khoảng 40 tuổi bước ra, tươi cười, hỏi:
- Có phải anh chị Mạnh không?
- Vâng, anh là anh Phiếu?
- Xin lỗi, tôi có chút việc, nên về muộn. Xin mời anh chị vào.
Anh đưa chúng tôi vào phòng khách. Phòng trang trí đơn giản. Một bộ sô-pha, bàn uống nước, cốc chén, giữa phòng sát tường treo cờ đỏ và bức tượng thạch cao bán thân hình ông Hồ. Tôi đưa anh xem bức điện tín. Vợ tôi nộp hai đơn xin về Việt Nam kèm 2 ảnh và tờ bạc mệnh giá £50. Thái độ anh vui vẻ, cởi mở, sau vài câu hỏi xã giao rồi bảo chúng tôi ngồi chờ, anh lên gác đóng dấu, ký tên cấp visa cho vợ tôi. Theo quy định, lệ phí visa 1 lần 25$ Mỹ kim, khẩn cấp 30$/lần, nhưng ở London, họ thu £25 Anh kim hay 30 Anh kim, mặc dù có thời kỳ hối đoái, 1 bảng = 2 Mỹ kim, họ cứ tỉnh bơ như không biết quy định. Anh ta cũng tỉnh bơ khi trả hộ chiếu cho vợ tôi. Trước khi ra về, vợ tôi nhắc khéo:
- Anh chưa thối lại tiền thừa!
Hơi đỏ mặt, rút ví, anh bảo:
- Xin lỗi, mải nói chuyện tôi quên khuấy. Xin lỗi chị nhé.
Ra ngoài đường, vợ tôi bảo:
- Không nhắc, nó có trả khối ra đấy. Hai chục, chứ đâu có ít.
Năm 2001, chúng tôi lại đến xin visa vì mẹ vợ tôi ốm nặng, lần này vào chiều Thứ Tư, khách nước ngoài rất đông. Sau khi dán tem visa -không đóng dấu nữa-, ký tên, người bí thư thứ 3 ra tận ngoài trao hộ chiếu cho vợ tôi và hỏi chuyện thân mật. Chị tâm sự, sắp hết hạn, phải về nước nhận nhiệm vụ khác, nhưng có thằng con đang học, nếu có thể được, giúp chị cho cháu tá túc đến nghỉ hè (gần 6 tháng), mọi chi phí chị xin thanh toán đầy đủ. Tôi từ chối, nói “Nhà chật, không có dư buồng, muốn giúp lắm nhưng “lực bất tòng tâm” mong chị thông cảm.”
Mấy năm trước, cán bộ viên chức toà đại sứ, cuối tuần thường đi Car Boot Sale mua đồ second hand như máy giặt, tủ lạnh, ti vi màu… đóng hòm gửi về kiếm chác. Theo quy định, mỗi quý -3 tháng- toà đại sứ được gửi 1 container miễn thuế. Vì thế bí thư Phiếu đi chợ về chậm, tí nữa làm chúng tôi lỡ việc.
Sau này, các bà các chị làm việc tòa đại sứ có chiêu mới là gửi con ở lại, nhờ tạm giúp nơi ăn chỗ ở, lý do hết hạn phải về nước. Nhiều người bùi tai và nhẹ dạ cả tin đã giúp miễn phí.
Có lẽ trên thế giới này chỉ có riêng Việt Nam đi du lịch phải làm đơn xin. Về Việt Nam thăm thân nhân hay du lịch đều phải điền Đơn Xin. Chế độ Xin-Cho đã quá lỗi thời, trong đơn xin còn có những câu hỏi như: “Lý do rời Việt Nam? Lý do về Việt Nam? Nghề nghiệp cũ và hiện nay?..” Ngoài ra còn hỏi họ tên tuổi thân nhân còn ở Việt Nam.Tờ đơn xin visa chẳng khác gì Bản Sơ yếu Lý lịch, kể lai lịch người đi du lịch!
Tôi tin là khắp thế giới hiện nay không có nơi nào phải làm đơn xin du lịch như Việt Nam. Một thủ tục quái đản vẫn chưa được xóa bỏ.
Phìền toái không chỉ có thế. Qua phần thủ tục giất tờ là phần mua vé máy bay. Chúng tôi đến các đại lý bán vé máy bay High Street quận Croydon đều không có vé đi Việt Nam. Vào một đại lý Pakistan đầu phố, sau gần 1 giờ bấm computer, cô nhân viên bán vé, báo giá £500/vé khứ hồi. Tôi hỏi lộ trình bay, ngày giờ cất cánh… mụ Pakistan làm tôi muốn lộn ruột:
- Từ Heathrow bay đến Seoul, đến Seoul mua vé đi về Việt Nam”.
Thế có điên không chứ. Nhìn tấm bản đồ thế giới to đùng dán trên tường, hình chữ S ghi An-Nam, chả trách mụ ta định bán vé cho vợ tôi bay sang Nam Hàn rồi đi mua vé tiếp bay về Việt Nam.
Cuối cùng cũng mua được vé về Nội Bài. Vé của hãng hàng không Tiệp, giá £650/khứ hồi, qua Praque, Karachi, Bombay. Sau gần 20 giờ bay, mệt lử, đến sân bay Nội Bài lại bị hải quan Việt Nam gây khó dễ. Hai chiếc va-li bị nhân viên hải quan cất (hay giấu?) vào văn phòng. Vợ tôi tìm vàng mắt không thấy ở băng dây chuyền. Mọi người đã ra hết, băng chuyền không còn hành lý nào. Còn trơ lại một mình, vợ tôi đành hỏi một nhân viên hải quan. Anh ta tủm tỉm cười, rồi dẫn vợ tôi vào văn phòng, chỉ vào 2 chiếc va-li, hỏi:
- Có phải của chị không?
- Sao lại ở đây?
- Chúng tôi quan tâm cất hộ vì sợ bị thất lạc, chị không cám ơn mà lại còn hỏi.
Vừa mệt, vừa tức lộn ruột, nhà tôi buông thõng:
- Cám… ơn…!
Hồi ấy “Vịt Cừu” về Việt Nam ít lắm, danh sách chắc đã được báo trước nên mới có chuyện này. Cả chuyến bay qua ngả Tiệp Khắc có mỗi vợ tôi từ Anh quốc.
Kéo hành lý ra khu kiểm tra, vợ tôi không kẹp tờ 20 dollar xanh, vì không quen hối lộ. Vả lại chẳng có hàng gì phạm pháp, quá quy định mà phải đút lót.
Nhân viên kiểm tra hàng hóa, buông một câu vu vơ:
- Bồi dưỡng cho anh em uống cà-phê chứ.
Bực mình và tức đến nổ ruột vì hơn tiếng đồng hồ tìm hành lý, nhà tôi nói:
- Các anh thông cảm, về chịu tang nên không kịp mua quà!
Con mẹ này láo, sẽ biết tay chúng ông!
Sau 4 tuần, vợ tôi ra sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh, nộp đủ 3 tờ khai cho nhân viên hải quan mà lần trước đã gặp. Y nhìn hộ chiếu, nhìn trừng trừng như coi có đúng con mẹ này không? Vợ tôi không vừa, cũng chằm chằm nhìn lại ba nhân viên hải quan. Tay nhận giấy nói:
- Chị thiếu giấy chứng nhận tạm trú. Chúng tôi phạt chị mỗi ngày 10 đô, 28 ngày cứ thế mà nhân lên.
Nói xong, y thủng thẳng đứng lên, đút tay túi quần, đi bách bộ xung quanh quầy kiểm tra.
Nhà tôi đáo để nói lớn:
- Tôi nộp đủ 3 tờ giấy cho anh. Anh giấu đi đâu, bây giờ định phạt tôi. Xin lỗi nhé, tôi chả có đồng xu dính túi nào mà cho các anh. Tôi nói thật, chuyến máy bay này thiếu tôi cũng không thể bay được. Cho tôi gặp người lãnh đạo sân bay.
Rồi nhà tôi làm ầm lên, bao nhiêu người xúm lại xem. Một vài du khách nước ngoài thấy to tiếng cũng lại gần. Cảnh tượng có lẽ khiến y sợ con mẹ tai quái này làm bọn ý thua trắng bụng nên y giả vờ cúi xuống:
- Đây rồi, giấy của chị rơi xuống sàn!
Thực ra còn nhiều chuyện nữa. Ơ Việt nam, mọi thứ hang háo dịch vụ ođ61i với Việt kiều đều bị “chém đẹp”, các cửa hàng, nhà ga, bến xe họ công khai niêm yết giá cả gấp đôi. Vì Việt kiều thời ấy vẫn khoác áo “bọn lưu vong phản quốc”, chưa được khoác áo gấm “Việt kiều yêu nước”, không được đón tiếp rầm rộ, có cả còi hụ dẹp đường đưa về khách sạn như ngày nay.
Chuyến bay trở về từ Nội Bài – Praque toàn thanh niên Việt Nam lao động xuất khẩu sang Tiệp trả phép. Va-ly túi xách của họ căng phồng hàng mỹ phẩm như son, phấn… buôn lậu của Thái Lan, Singapore.
Vợ tôi kể, khu ngồi chờ lên máy bay để một số chai nước suối cho hành khách, các thanh niên này hò nhau vơ hết, có đứa lấy 4 cha. Ai khát nước đành chịu. Ngồi cùng hàng ghế, hai thanh niên nói với nhau những mẩu chuyện buôn lậu, hàng gì ăn khách, bán cho ai… và chuyện bẩn thỉu trai gái, đĩ điếm.
Một tên trên 30 tuổi, nói nhỏ:
- Vừa rồi tao lừa được con vợ già nhà quê, làm giấy ly hôn giả, kỳ này sang, tao sẽ lấy con Tây để ở lại!
Nói xong, nó cười đắc ý.
Chuyến đi Việt Nam năm 1988, đã để lại cho vợ tôi nhiều cảnh tượng chỉ gợi nhắc các hành vi tởm lợm khiến không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài những trò đểu giả, gian manh của đám quan chức Cộng Sản cùng sự tham lam chộp giật của không ít người gần như không còn chút lương tâm hay lý trí nào.
Thực tế này ập ngay đến ngay khi bắt đầu bước xuống khỏi máy bay và tiếp tục kéo dài.

Bởi ở khắp nơi, từ đám hải quan làm thủ tục xuất nhập cảnh, đám kiểm tra hành lý ở băng chuyển đến Ủy Ban Nhân Dân Xã và nhiều hàng quán, khi đến trình báo tạm trú hoặc cần mua bán một thứ gì đều khó tránh khỏi những sự việc chỉ luôn gây ấn tượng dập xóa hẳn mong mỏi còn có thêm một ngày trở lại.

Tổng số lượt xem trang