Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Hậu Formosa: Tìm lối thoát cho 3.900 tấn cá

-Hậu Formosa: Tìm lối thoát cho 3.900 tấn cá
30/08/2016-

TTO - Bộ Y tế lấy mẫu, kiểm tra đánh giá, nếu cá đạt tiêu chuẩn thì giao Bộ Công thương tổ chức cho lưu thông, nếu cá tồn dư các chất độc hại thì giao Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức tiêu hủy.


Một trong những vấn đề rất được quan tâm là 3.900 tấn cá đã được mua tạm trữ thời điểm mới xảy ra sự cố môi trường hiện đang tồn kho


Hôm 29-8, các bộ ngành đã có cuộc họp bàn về hỗ trợ các nhóm đối tượng bị thiệt hại trong sự cố môi trường do Formosa cần được bổ sung vào danh sách được hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sẽ bổ sung người làm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm, chủ cơ sở và người lao động trong các cơ sở mua cá có kho đông, kho lạnh, chủ cơ sở nuôi hải sản bị ngừng công việc do sự cố môi trường, chủ tàu và người lao động trên các tàu cá từ 90 CV trở lên vào danh sách được đền bù từ phần bồi thường thiệt hại của Formosa.

Một trong những vấn đề rất được quan tâm và cũng đã tìm được lối ra sau cuộc họp này, theo ông Oai, là 3.900 tấn cá đã được mua tạm trữ thời điểm mới xảy ra sự cố môi trường hiện đang tồn kho.

Ông Oai cho biết Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Y tế lấy mẫu, kiểm tra đánh giá, nếu cá đạt tiêu chuẩn thì giao Bộ Công thương tổ chức cho lưu thông, nếu cá tồn dư các chất độc hại thì giao Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức tiêu hủy.

Đồng thời đền bù cho chủ cơ sở thu mua bằng 70% chi phí mua cá.

“Người nuôi trồng thủy sản có thể nuôi trồng trở lại bình thường. Chủ các tàu thuyền đánh cá cũng có thể đánh bắt trở lại bình thường nhưng khuyến cáo chưa khai thác tại 3 khu vực là hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), cách bờ 1,5km và diện tích khu vực khuyến cáo là 300km2; cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cách bờ 1,5km và diện tích khu vực khuyến cáo là 360km2; hòn Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế) diện tích khuyến cáo ngừng đánh bắt là 160km2 nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngư dân cũng tạm thời chưa khai thác các nghề lưới kéo, lồng bẫy tại các khu vực cách bờ 2 hải lý trở vào” - ông Oai nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, từ tháng 5 đến nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kiểm tra chất lượng muối 1 tháng/lần về các chỉ tiêu như dư lượng kim loại nặng (chì, cadimi, asen...), cyanua, phenol.

Theo thông tin của ông Oai, đến nay chưa ghi nhận mẫu muối có hàm lượng vượt ngưỡng an toàn.

--VASEP: Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hủy vì thủy sản nhiễm kim loại nặng

Cùng với tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động khi đối tác nước ngoài hủy hợp đồng do quan ngại thủy sản miền Trung nhiễm độc.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đại diện cho 270 doanh nghiệp trong ngành kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thiệt hại sau thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, sự cố ô nhiễm đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống, việc làm cũng như sức khỏe củangười lao động. Ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt.

"Khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn", VASEP nhấn mạnh.

Trước đó, một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty Trang (Mã CK: TFC) cũng bất ngờ ghi nhận thua lỗ 14,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi lớn. Một trong những lý do được ban lãnh đạo công ty đưa ra là sự kiện cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam đã ảnh hưởng đến uy tín ngành thủy sản, nhiều đối tác nước ngoài đơn phương huỷ hợp đồng.

"Sản lượng thu mua của doanh nghiệp giảm 60% so với cùng kỳ. Nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng trong khi đầu ra của sản phẩm cũng bị co lại, nên doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong 8 tháng chỉ đạt khoảng 40%và doanh số bán ra cũng bị giảm mạnh", VASEP thống kê thiệt hại.

Chẳng hạn, Công ty Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh thu mua được 228 tấn sau 8 tháng, trong khi cùng kỳ 2015 được 580 tấn (giảm đến 60%). Công ty xuất khẩu chỉ được 160 tấn, kim ngạch 1,4 triệu USD trong khi cùng kỳ là 2,4 triệu USD.

Trước thực trạng uy tín ngành thuỷ sản lao dốc trên trường quốc tế, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành khẩn trương đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng nước ngoài không bị quan ngại và vẫn tin vào hình ảnh thủy sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, Hiệp hội này mong Chính phủ có sự can thiệp đối với Tậpđoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung; đưa ra những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây ra.

Không chỉ gặp khó trên thị trường quốc tế, về thị trường nội địa, người dân trên cả nước cũng có tâm lý hoang mang, lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản miền Trung. Các doanh nghiệp và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho. Dođó, doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh như tiền điện, thuê kho...

Theo báo cáo của doanh nghiệp, đến giữa tháng 8/2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại, khiến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.

Dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác. Nhiều công ty báo thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Với những thiệt hại và ảnh hưởng nêu trên, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để duy trì sản xuất, trong đó có hỗ trợ thủ tục, cước phí tại cảng nhập khẩu... tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và mặt hàng mới.


Bạch Dương

VASEP lo nhà máy giấy Trung Quốc 'bức tử' sông Hậu / VASEP muốn hoàn thuế nhập khẩu thủy sản trước





-Hàng nông, thủy sản xuất khẩu bị trả về: Đi đâu?

Bên cạnh nguyên nhân như sai bao bì, quy cách đóng gói, các sản phẩm còn bị thị trường nhập khẩu chối từ do không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định.

"Luộc lên là ăn được"



Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2015, các lô hàng vi phạm bị phát hiện qua kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK (xuất khẩu) tăng cao. Năm 2014, có 159 lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm và 68 lô bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất kháng sinh.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, con số các lô hàng vi phạm lần lượt là 165 và 78 lô. Đối với hàng XK, theo cảnh báo của các thị trường, 9 tháng đầu năm đã có 181 lô hàng bị cảnh báo về chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng, kháng sinh hạn chế sử dụng, vi sinh và các cảnh báo khác (cả năm 2014 có 817 lô bị cảnh báo).

Không chỉ đối với mặt hàng thủy sản, thời gian qua một số mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam như chè, hồ tiêu cũng bị nhiều thị trường cảnh báo, trả về do không đảm bảo chất lượng.

Các mặt hàng thực phẩm sản xuất tiêu thụ trong nước hay XK đều phải đáp ứng các chỉ số về đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.



Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết: Suốt thời gian qua, tổng số lô hàng nông, thủy sản bị trả về khó kiểm soát một cách cụ thể, chính xác.

Tính chung 9 tháng đầu năm, nông, thủy sản XK của Việt Nam bị một số thị trường gia tăng cảnh báo nhưng cũng có một số thị trường lại giảm cảnh báo. Tuy nhiên, hiện tại tình trạng hàng XK bị cảnh báo, trả về tương đối nguy cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PNT): Báo cáo của cơ quan Thú y ở cửa khẩu cho thấy, hầu hết hàng nông, thủy sản XK bị trả về do đóng gói sai quy cách, nhãn mác, sai thông tin… Một trong những phương án giải quyết đối với hàng trả về là đem vào tiêu thụ nội địa.

Trước băn khoăn của phóng viên về một số mặt hàng bị trả về do không đáp ứng yêu cầu chất lượng của nước NK lại được đem về tiêu thụ trong nước, ông Tiệp lý giải, các mặt hàng thực phẩm sản xuất tiêu thụ trong nước hay XK đều phải đáp ứng các chỉ số về đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Do vậy, khi hàng trả về tiêu thụ trong nước cũng không có vấn đề gì. “Một số mặt hàng thủy sản như tôm nếu bị trả do vấn đề chỉ tiêu vi sinh thì chỉ cần luộc lên là có thể ăn được”, ông Tiệp nói.
Tái xuất sang thị trường khác

Trên thực tế, hàng nông, thủy sản XK bị trả về ngoài tiêu thụ trong nước còn được tái xuất sang các thị trường khác. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, trong các lô hàng bị trả về một số là bởi sai quy cách đóng gói và cũng có những trường hợp do không đáp ứng tiêu chí chất lượng, chỉ số an toàn thực phẩm của nước NK.

Quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường NK không giống nhau nên khi hàng bị thị trường này trả về lại được thị trường khác chấp nhận. Ví dụ, có những mặt hàng bị khách hàng tại thị trường EU trả về, song hoàn toàn có thể tái xuất sang các nước khu vực Trung Đông.

Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, tình hình hàng nông, thủy sản XK bị trả về nếu xử lý vấn đề chưa tốt và sự cải thiện không rõ nét thì rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả bị thị trường NK tăng cường kiểm soát thông qua hình thức mọi lô hàng đến cửa khẩu đều phải lấy mẫu kiểm nghiệm, thậm chí nghiêm trọng hơn là bị một số thị trường đình chỉ NK.

“Tuần trước, Nafiqad cùng một số đơn vị như Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y đã làm việc với các địa phương cũng như đại diện DN về vấn đề này. Trước tình hình nguy cấp, đặc biệt là hàng thủy sản XK bị trả về nhiều, cần có kế hoạch để cải thiện tồn dư kháng sinh trong thủy sản nói chung và hàng thủy sản XK nói riêng.

Nafiqad đang chủ trì, thúc đẩy các giải pháp để tình trạng cảnh báo giảm đi, tránh trường hợp bị các thị trường áp dụng kiểm soát chặt, thậm chí đình chỉ NK”, ông Tiệp nhấn mạnh.


Theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm, có 27 lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị thị trường Nhật Bản cảnh báo nhiễm hóa kháng sinh, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014 (21 lô). Số lô hàng bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh cấm tăng nhiều nhất 3,66 lần. Với thực tế này, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt đối với các chỉ tiêu bị cảnh báo và có thể sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ NK nếu tình hình không được cải thiện.

Tương tự, tại thị trường EU, Việt Nam cũng có 27 lô hàng thủy sản XK bị cảnh báo nhiễm hóa chất kháng sinh trong 9 tháng đầu năm, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014. Phía EU đã có văn bản gửi Nafiqad nêu rõ 24 DN chế biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm, đồng thời cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện rõ rệt sẽ áp dụng các biện bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng châu Âu.

Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng 6 lần so với năm 2014.

Australia cũng cho biết sẽ ngừng NK thủy sản Việt Nam nếu tỉ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng


-


--Vì sao 32.000 tấn tôm, cá Việt bị trả về?

(PL) - Nếu thủy sản Việt Nam tiếp tục nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép, nhiều thị trường sẽ ngưng nhập khẩu.

Việt Nam là nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường. Tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32.000 tấn hàng bị trả về. Riêng chín tháng đầu năm nay, Việt Nam có đến 582 lô hàng bị 38 nước trả hàng về, trung bình mỗi công ty có năm lô hàng bị trả về. Cá biệt có một công ty có đến 54 lô hàng bị trả về, một công ty khác số lô hàng bị trả về lên tới 70.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tam đã báo động đỏ như trên đối với thủy sản Việt Nam tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” ngày 29-10 tại TP.HCM.



Minh Phú là một trong những DN xây dựng được vùng nuôi, đảm bảo được nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu. Trong ảnh: DN giới thiệu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu tại một hội chợ. Ảnh: QUANG HUY


Mất nhiều thị trường vì sản phẩm bẩn



Tại hội nghị, các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản thừa nhận các lô hàng bị trả về chủ yếu do nguồn nguyên liệu không sạch và hiện nay kiếm con tôm, con cá nuôi sạch còn… khó hơn tìm con tôm, cá bẩn.


Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), phải thốt lên: “Chưa bao giờ môi trường ở ĐBSCL lại tệ như bây giờ. Môi trường quá bẩn, sông ngòi đều nhiễm chất thải. Đặc biệt là con tôm, từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Họ dùng thuốc kháng sinh tá lả không kiểm soát khiến DN thu mua đều dính nguồn nguyên liệu bẩn”.


Theo ông Lực, hiện nay phần lớn cá tra đều do DN tự nuôi nên có thể kiểm soát được thức ăn, thuốc kháng sinh, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Còn con tôm thì chủ yếu nuôi nhỏ lẻ vì vốn đầu tư cao, mất nhiều diện tích nên DN không đủ tiền. Vì vậy tôm nguyên liệu nhiễm kháng sinh, mầm bệnh nhiều.


“Thuốc thú y được quảng cáo, bán tràn lan khiến người nuôi không biết đâu là thuốc có thể sử dụng được và không để lại tồn dư kháng sinh cấm trong con tôm” - ông Lực ca thán.


Tiếp lời, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nói kết luận của cơ quan quản lý rằng do khâu nuôi trồng (khiến sản phẩm bị bẩn - PV) là không thuyết phục.


Ông Lĩnh chỉ ra nguyên nhân: “Kháng sinh bán tràn lan, cộng thêm tôm bệnh… nhưng không ai hỗ trợ nông dân. Dịch bệnh tôm đã xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều thuốc phòng trị nên tỉ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ được 30%-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%. Giá thành tôm Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1-3 USD/kg. Và để giảm giá thành, nhiều DN tăng cường sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm”.


Hệ quả, theo ông Lĩnh, dù giảm được một phần nhỏ giá thành nhưng lại khiến chất lượng tôm Việt Nam giảm đi rất nhiều, rủi ro bị trả về lớn hơn. Thậm chí DN mất nhiều thị trường quan trọng.


“Tôm thu mua thì nhiễm chất cấm, ngày càng khan hiếm nguyên liệu. Vì thế chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ Ấn Độ về chế biến xuất khẩu” - ông Lĩnh cho biết thêm.


Thưởng cho người phát hiện chất cấm


Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện nay những DN kiểm soát được nguyên liệu thủy sản xuất khẩu là nhờ xây dựng vùng nuôi. Cụ thể với các hộ nuôi nhỏ lẻ, DN chủ động liên kết lại thành những tổ hợp tác với vùng nuôi 50-70 ha trở lên, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).


“Đến giờ chúng tôi đã có 10 tổ hợp, qua đó không chỉ kiểm soát được chất kháng sinh mà còn tăng được năng suất. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng nhiều hơn mô hình này” - ông Lực nói.


Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt-Úc, nói mỗi năm nuôi tôm được ba vụ, tổng năng suất có thể lên đến 100 tấn/ha/năm.


“Không chỉ năng suất cao mà tôm thương phẩm còn đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn do quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất trên thế giới” - ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh để có thủy sản sạch thì chính DN phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi. Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển những mô hình sản xuất sạch của DN.


“Đề nghị Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương, DN lập danh mục những DN bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài. Từ đó phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với DN có nhiều lô hàng bị cảnh báo, trả về” - ông Tám chỉ đạo.


Ông Tám cũng cho hay Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an lập đoàn thanh tra tập trung xử lý nghiêm một số đường dây buôn lậu vật tư nông nghiệp, kháng sinh cấm.


“Bộ cũng sẽ treo giải thưởng cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về đường dây buôn lậu và kinh doanh chất cấm, kháng sinh xuống các vùng nuôi, đồng thời công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin” - Thứ trưởng cho biết.


Nhiều nước “dọa” ngưng nhập thủy sản Việt



Chín tháng đầu năm nay, có 27 lô hàng xuất sang Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng sáu lô so với năm 2014. Số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2,5-3,7 lần so với năm 2014 (tùy từng chất cấm). Nhật đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.


EU cũng cảnh báo 27 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh và đã có văn bản nêu rõ 24 DN nếu không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt.


Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng sáu lần so với năm 2014.


Úc cũng cho biết sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỉ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng.


Tiêu điểm





Chín tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 34.000 tấn tôm nguyên liệu từ 20 nước để chế biến xuất khẩu, hơn 80% từ Ấn Độ.





-

-Thương lái Trung Quốc mua tôm tạp chất: Âm mưu hiểm?
Tôm được chích tạp chất theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc, đằng sau yêu cầu này ẩn chứa những toan tính hết sức nguy hiểm.
Hàng loạt cảnh báo hết sức đáng lưu ý liên quan đến việc bơm tạp chất vào tôm đã được các đại biểu lên tiếng tại hội nghị góp ý cho đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Hội nghị do Bộ NN&PTNT, Bộ Công an tổ chức ngày 19/12 tại TP.HCM.

“Buôn tôm tạp chất lời như buôn ma túy”

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết hiện nay tình trạng bơm tạp chất chủ yếu là chất agar (bột rau câu) nhằm tăng trọng lượng tôm đang diễn ra tràn lan.



Cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đang kiểm tra một vụ tôm bơm tạp chất.


Theo ông Quang, trước đây nạn bơm tạp chất chỉ diễn ra nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng nhưng giờ đây đã diễn ra ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lên tới TP.HCM, Bình Thuận và tận một số tỉnh ngoài miền Bắc. Thậm chí có những nhà máy chế biến cá ở trong khu công nghiệp nay chuyển sang chế biến tôm, họ đầu tư hẳn dây chuyền hiện đại để bơm tôm tạp chất.

Theo ông Quang, hiện nay đa phần người nuôi, cơ sở chế biến nước ta bơm tạp chất theo yêu cầu của chính thương lái Trung Quốc. Tôm chứa tạp chất hiện xuất lọt được sang Trung Quốc nhiều nhất, một số sang các thị trường khác nhờ lượng tạp chất bơm vào thấp hơn khoảng 5%-10%.

“Siêu lợi nhuận trong sự vụ này như buôn ma túy vậy. Tôm bơm tạp chất sẽ tăng trọng lượng 15%-20%, mỗi ký tôm bơm tạp chất họ lãi 80.000-85.000 đồng. Khổ nhất là nó làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm xấu hình ảnh tôm Việt Nam” - ông Quang cho hay.


Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp nông thôn (Tổng cục An ninh 2), cho biết trong quá trình ngăn chặn, xử lý tình trạng trên đã có nhiều trường hợp đe dọa cán bộ làm công tác kiểm tra tạp chất. Đối tượng còn manh động dùng hung khí để chống đối. Thậm chí các cơ sở bơm tôm tạp chất còn thuê người đóng giả xe ôm canh gác ngay trụ sở cơ quan chức năng tại địa phương.

Theo tướng Thế, hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa dối khách hàng (theo Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999).

Tuy nhiên, đến nay chưa có đối tượng nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính. Để có hướng xử lý hình sự hành vi này, tới đây Bộ Công an sẽ chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn Điều 162 đối với hành vi trên.


Âm mưu phá hoại kinh tế?

Theo báo cáo của Cục An ninh nông nghiệp nông thôn, xuất hiện yếu tố nghi ngờ phá hoại kinh tế từ nước ngoài thông qua hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Tình hình cho thấy nhiều nhà máy trực tiếp tiến hành bơm chích tạp chất theo yêu cầu từ khách hàng Trung Quốc.

Khi mặt hàng này về nước, chế biến, xuất khẩu sang nước thứ ba, nếu bị phát hiện tạp chất, họ sẽ công bố rộng rãi với đối tác do mua tôm tạp chất từ Việt Nam.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng uy tín hàng hóa Việt Nam mà còn phá hoại chính sách ngăn chặn giảm thiểu tình trạng này trong những năm qua của cơ quan chức năng, Chính phủ Việt Nam.


Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết đây là thông tin có cơ sở, xuất phát từ cách thức giao thương đặc thù của thương lái Trung Quốc.

Nhiều trường hợp gây thiệt hại cho người dân, làm mất an ninh kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp như hoạt động ồ ạt thu mua tôm nguyên liệu cuối năm 2013 khiến doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Hay như gần đây là việc thu mua lá khoai lang, rễ tiêu…


Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng thực trạng bơm tạp chất vào tôm tràn lan vì cơ chế xử lý chưa đảm bảo tính răn đe. Vì vậy để ngăn chặn tình trạng này, ông Lân đề nghị cần tăng mức xử phạt hành chính lên cao và hướng truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa dối khách hàng đối với hành vi này là chính xác.
Cách nhận biết tôm bơm tạp chất
Loại tôm bơm tạp chất này nhìn bằng mắt sẽ thấy bóng mướt, nặng cân, màu sắc tươi nguyên như lúc vừa đánh bắt, chỉ khác là toàn thân căng phồng, cảm giác béo nứt vỏ.

Chỉ khi người tiêu dùng mua về chế biến mới phát hiện do tôm bị teo lại, chảy hết nước và hỗn hợp chất phụ gia. Loại này thịt thường bở hoặc rữa, không chắc, ăn nhạt hơn so với bình thường.

Người tiêu dùng khi mua tôm cần lưu ý một số đặc điểm cảm quan như sau: Tôm bị bơm tạp chất thường bị phù đầu, giãn đốt, nhô đầu, gai vểnh, xòe đuôi.


Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep)

Báo động tôm, cá Việt nhiễm kháng sinh

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong năm 2014, Thương vụ Việt Nam tại EU, Nhật Bản và Mỹ liên tục nhận được nhiều thông tin cảnh báo về các lô hàng thủy sản của nước ta do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức cho phép. Chiếm đa số trong các lô hàng bị cảnh báo là chỉ tiêu oxytetracycline và nitrofurazone. 


Cụ thể số lô hàng nhiễm hóa chất, kháng sinh sang thị trường EU đã tăng gấp bảy lần, từ năm 2013 chỉ có bảy lô hàng bị cảnh báo nhưng đến năm 2014 đã lên con số 51 lô hàng. 


Tính tổng cả thị trường Nhật Bản và EU có tới 72 lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Tại thị trường Mỹ, năm nay số lô hàng bị cảnh báo cũng tăng 1,6 lần lên 58 lô. Mặt hàng thủy sản bị cảnh báo nhiều nhất là tôm và cá tra, một số ít là cá rô, lươn, ếch.

Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

(Trích Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999)
Theo Pháp luật TP.HCM



Tổng số lượt xem trang