Du Hý Lạng Sơn
Chuẩn bị cho chuyến đi Lạng Sơn, tối 25-4 tôi đến cửa hàng tạp phẩm đối diện với hotel Cát Dài mua bia, Bò Húc, (Red Bull), bánh ngọt. Thấy mua nhiều mà không hỏi giá, bà chủ quán, ngoại ngũ tuần, nhìn tôi từ đầu đến chân, lại từ chân lên đầu, hỏi: “Ông anh là Việt kiều Mỹ hả?”
Tôi vừa trả tiền vừa bảo: “Bà coi tướng nhầm rồi.”
Bà nguýt tôi một cái, nói: “Ông anh hay sang mua bia, em thấy ở hotel Cát Dài mà.”
“Tôi ở Sài Gòn ra chơi.”
Cười thật tươi, bà ta nói: “Việc gì ông anh phải giấu. Việt kiều càng sang chứ sao.”
Lấp lửng, tôi bảo: “Bà tinh ý thật.”
“Da dẻ hồng hào, phong độ thế kia, chỉ có Việt kiều mới có làn da ấy.”
“Thôi tôi xin bà, ‘thất thập cổ lai hy’ rồi.”
Bà nịnh: “Ông anh còn tráng kiện lắm. Ông anh ở Cali hả?”
“Không.”
“Thế ở đâu? London hả?”
Tôi khẽ gật.
“Ông anh cho em đi theo với.”
“Bà có người nhà ở London?”
“Không, em sang trồng cỏ cho ông anh.”
Tôi phì cười: “Chết, nhà tôi làm gì có vườn mà trồng cỏ.”
“Ông anh cứ đùa.”
“Đùa? Trồng cỏ tù mọt xương.”
“Ông anh cứ dọa em. Em quen khối người, chỉ sau vài năm, giàu ú ụ. Họ bảo, bên Anh, ai cũng trồng cỏ. Trúng mánh lắm!”
Bà ta chỉ tay sang một tòa nhà 5 tầng mới xây, cách cửa hàng không xa: “Đấy, nhà vợ chồng Nguyễn Ngọc An, Việt kiều London, không trồng cỏ, tiền đâu ra?”
“Họ khoe với bà?”
Nhìn trước nhìn sau, thấy vắng khách, bà nói nhỏ: “Thì bà vợ khoe, em mới biết.”
Bà thì thầm: “Em lạ gì họ. Hồi xưa, vợ chồng tã lắm, chạy vạy mãi mới đủ tiền cho chồng sang Tiệp lao động, chả biết thế nào, chạy được sang Anh, trồng cỏ vài năm, bây giờ có bạc tỷ.”
Bà kể tên một lô xích xông Việt kiều Anh mua nhà ở Hải Phòng, ở 6 tháng, lại về London, vài tháng sau lại sang. Đâu đâu cũng kháo nhau, cứ trốn sang được Anh, người ta thuê trồng cỏ, lương cao ngất ngưởng, ăn ở miễn phí. Vì thế, biết tôi định cư ở Anh, bà ta nửa đùa nửa thật, hỏi sống sượng, xin tình nguyện sang trồng cỏ thuê cho tôi!
Thế có chết không! Việt kiều Anh mang tai mang tiếng, không những ở Anh quốc, còn ở Việt Nam, nhất là ở thành phố Cảng thân yêu này. Của đáng tội, đó cũng là sự thật. Những năm gần đây, trên báo chí, các hãng truyền hình Anh thường xuyên loan tin phá vỡ nhiều ổ trồng cần sa của người Việt, trong đó dân Hải Phòng chiếm tỷ lệ rất cao. Năm 2008, tòa án Anh tuyên phạt một bác sĩ người Việt, chuyên viên phẫu thuật, 5 năm tù với tội danh trồng cần sa, rửa tiền. Y chuyển hai triệu rưỡi bảng Anh về Việt Nam đầu tư bất động sản.
Sáng hôm sau, trên đường đi Lạng Sơn tôi kể cho anh chị Nguyễn Học chuyện tối qua. Nguyễn Học bảo: “Dân Hải Phòng đua nhau tìm mối sang Anh trồng cỏ là có thật. Gần nhà em có người vượt biên từ năm 1988, định cư ở London, thế mà từ năm 2001 đến 2004 bà ta đã đưa được 7 thân nhân sang Anh trồng cần sa.”
Chị Liên hỏi: “Nước Anh là quốc đảo, trốn sang đâu có dễ.”
Nguyễn Học lên tiếng: “Bà chả biết gì, phải có đường dây móc nối, không bị tóm cổ sớm.”
Nguyễn Học thêm: “Dịch vụ buôn người đâu có rẻ, ít nhất cũng 25, 30 ngàn đô, gần ba bốn trăm triệu chứ ít gì. Số tiền ấy ở Việt Nam buôn bán cũng đủ sống.”
Nguyễn Học quay sang hỏi tôi: “Anh chị ở Anh đã 30 năm có lẻ, chắc biết đường dây nhập lậu?”
“Nghe người ta kể, bản thân mình cũng gặp rất nhiều người Việt rơm. Biết ăn nói làm sao, họ là thân nhân của người mình quen. Chả nhẽ tố?”
Tôi kể cho anh chị về người rơm nhập cư lậu vào Anh như thế nào, theo như người ta kháo nhau bấy lâu nay.
Theo bản tin của Ban Việt ngữ BBC, “hiện có 30.000 người Việt sống hợp pháp tại Anh, nhưng cảnh sát ước tính số người Việt sống bất hợp pháp lên tới 35.000 người”[1], họ xâm nhập bằng nhiều ngả, hợp pháp và bất hợp pháp.
1- Du học, du lịch, thăm thân nhân, hôn thuê…
2- Đường dây buôn người đưa qua khối Đông Âu, (Nga, Tiệp, Hung, Ba Lan, Đức…) sang Pháp, vượt cảng Dover bằng 3 cách:
A- Hộ chiếu giả do nhân viên đại sứ quán Việt Nam tiếp tay.
B- Bọn buôn người thuê hộ chiếu Việt kiều 500 bảng/ngày, chúng lái xe sang Pháp đón, chờ tối, đưa người rơm qua cảng Dover. Mánh này qua mặt hải quan Anh dễ dàng, trong lúc tranh tối tranh sáng, ánh sáng đèn pin hải quan không đủ nhận dạng chính xác người trong xe và ảnh trong hộ chiếu.
C- Trốn trong các xe chở hàng.
3- Lao động xuất khẩu. Năm 2002, 2003, 2004 (?) chính phủ Anh chấp nhận khoảng 100 người Việt Nam sang lao động phổ thông (dịch vụ hotel). Nhưng hết hạn, đến 90% những người này “mất tích”, vì thế Anh quốc xóa hợp đồng xuất khẩu lao động với Việt Nam.
Người rơm hầu hết có thân nhân định cư ở Anh, họ là bình phong che chắn nơi ăn chỗ ở, giúp đỡ tiền bạc và việc làm. Trước kia, người rơm làm trong các tiệm nails, bồi bếp, bồi phòng của thân nhân. Năm 2005, Cục Di trú Vương quốc Anh gửi thông báo tới từng cửa tiệm người Việt bằng Anh ngữ và Việt ngữ, cảnh báo, nếu sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp sẽ bị phạt 5000 bảng/người (năm 2009 tăng lên 10 ngàn) và bị truy tố trước pháp luật. Những năm đầu, các tiệm người Việt coi thường giấy cảnh báo của Bộ Nội vụ, từ năm 2007, cảnh sát tăng cường kiểm soát, nhiều tiệm nails, nhà hàng bị phạt, truy tố, chủ tiệm bắt đầu “rét”, không dám chứa chấp. Người rơm chuyển sang trồng cỏ rải rác trên toàn UK, một số mua được thẻ lao động giả, vẫn tiếp tục làm tiệm nails, nhà hàng.