-Báo Nhân Dân: Về một "thần tượng" rác rưởi (ND 6-3-15)
-Nah : Tiếng hát của một loài chim tuyết-Nguyệt Quỳnh
-Nah Sơn, một du học sinh, rapper bất đồng chính kiến
-Nah : Tiếng hát của một loài chim tuyết-Nguyệt Quỳnh
"Tự do bắt đầu ở
nơi sự ngu dốt kết thúc". Victor Hugo
Tôi nghĩ có lẽ chẳng cần viết gì
về em, mà chỉ mong được cùng bạn lắng nghe tâm hồn của một thế giới tuy rất lạ
nhưng tiếng nói của nó có thể chạm đến những rung động từ đáy tâm hồn chúng ta.
Em gọi tên mình là Nah Chó Điên để tưởng nhớ tới một người thầy, một người bạn đã
khuất. Nah có nghĩa là Không, và em bảo em đã đi hết vòng tròn của chữ không
trong đạo phật rồi. Đối với tôi, em là một loài chim lạ, con chim tuyết trong bài
hát Snowbird của ca nhạc sĩ xứ Quebec, Gene MacLellan. Em là lớp cỏ nằm sâu
trong đất, chờ một ngày biến lớp tuyết lạnh giá kia trở thành một đồng cỏ xanh.
Và con chim tuyết ấy sẽ luôn hát bài hát của chính nó – bài hát nói với chúng
ta rằng hoa rồi sẽ lại nở trong mùa xuân.
Nah là một rapper nổi tiếng của
làng rap VN, một thanh niên trẻ chưa đầy 24 tuổi. Tên đầy đủ của em là Nah Aka
Nguyễn Vũ Sơn. Bài nhạc rap mới nhất của em mang đầy tính chất nổi loạn, là cách
diễn đạt sự căm phẫn của một người trẻ qua văn hoá của nhạc rap. ĐMCS nhịp điệu
bằng những câu văng tục, những câu chửi thề nhưng ngược lại tâm hồn của Nah thì
xanh đầy ước mơ - Nah ước mong âm nhạc của em sẽ đánh thức được các bạn trẻ
trong nước. Hãy nghe Nah nói với các bạn bằng thứ ngôn ngữ của riêng em:
“Tao thề với
trời đất, với vũ trụ và thượng đế, nếu tao không làm được nhiệm vụ thức tỉnh
giới trẻ Việt Nam, nếu tao làm sai và để đất nước của tổ tiên rơi vào tay kẻ
ác, tao sẽ tự thiêu, như tất cả những người yêu nước đã từng tự thiêu. Tự thiêu
vì hổ thẹn khi mình bất lực trước cái ác. Ăn chay ngồi thiền làm gì, khi thấy
cuộc đời và đạo đức dân tộc mình suy tàn mà vẫn dửng dưng?”
Nah bảo rằng khi còn ở VN em luôn
nhìn thấy những vấn đề nhức nhối chung quanh đời sống. Em tự nhận rằng mình là
một kẻ hèn nhát! Em tức giận khi thấy công an giao thông vô cớ thổi phạt người đi
đường để kiếm tiền hối lộ, rồi em tức giận khi thấy người dân đành chấp nhận số
phận và cũng coi đó là một điều bình thường. Nah phản kháng bằng cách không đội
mũ bảo hiểm; tuy nhiên, khi bị bắt vào đồn công an em lại vẫn phải hối lộ cho họ.
Trong em luôn có sự đấu tranh, giằng co mâu thuẫn. Và sự đè nén đó có thể tìm
thấy trong ngôn từ của ĐMCS:
“Từ
ngày mai tao sẽ không đưa công lộ một cắc nào. Tao không hối lộ, tao không luồn
cúi. Tao không hèn như những con cừu mày nhốt trong chuồng cũi.”
Nah gọi những bạn trẻ trong VN và
chính bản thân em là những con zombie, những con người mà thần trí bị mê muội “cả một thế hệ bị tẩy não như những con zombie
bắn vào chỉ tốn đạn.”
Trong cái thế giới im lặng cam chịu đó, những người
trẻ của chúng ta bị bỏ rơi! Cha mẹ, thầy cô, học đường đã vô tình bỏ rơi cả một
thế hệ thanh niên. Họ muốn tuổi trẻ nhiệt huyết cũng phải cúi đầu sống cam chịu
như họ. Nah không muốn vậy, tôi chắc nhiều thanh niên cũng không muốn vậy. Và điều
này đã đưa đến cái chết đau thương của một thanh niên Pháp Luân Công mà tôi sẽ
nói đến sau này.
Nếu chúng ta nhìn tuổi trẻ Hồng Kông với lòng khâm
phục vì cả một thế hệ có tư tưởng độc lập và tự tin thì chúng ta phải nhìn như
thế nào về tuổi trẻ VN? Cho dù chưa thành công, Joshua Wong và các bạn của em đã
chứng tỏ với Bắc Kinh về ước vọng dân chủ và nội lực của người dân Hồng Kông.
Riêng về tuổi trẻ VN, chỉ cần xem qua cuộc phỏng vấn của BBC nhân đánh dấu 85 năm
đảng CSVN lãnh đạo sẽ thấy chạnh lòng với tầng lớp thanh niên được coi là “ưu tú”
của đất nước. Nhìn các em lúng túng với mớ lý luận Mác Lê đã phá sản cùng các câu
trả lời thiếu tính lý luận kiểu “chỉ biết còn đảng còn mình” khiến người xem không
giận mà chỉ thấy thật buồn, tiếc, và thương cảm cho một thế hệ bị bỏ rơi! Tự hỏi
chúng ta có trách nhiệm gì đối với tâm hồn những người trẻ hôm nay.
Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa, điển hình
như Nguyễn Doãn Kiên và một số thanh niên Pháp Luân Công. Chúng ta thấy gì phía
sau kế hoạch cầm búa đến đập lăng Hồ Chí Minh của Nguyễn Doãn Kiên? Có lẽ không
ai đồng tình với việc làm dại dột của các em, tuy nhiên tôi kính trọng suy tư của
những người trẻ này. Nguyễn Doãn Kiên đã chia sẻ với các bạn của mình trước lúc
em thực hiện kế hoạch: “Con ma lớn nhất
không phải là tên đại ma đầu Hồ Chí Minh mà là sự sợ hãi trong lòng mỗi người
dân Việt chúng ta.”
Đúng sáng mùng bốn Tết tức là ngày 03/02/14, bốn
thanh niên Pháp Luân Công đã đến lăng Hồ Chí Minh trên hai chiếc honda và họ bị
bắt ngay khi tiếp cận gần sát chân lăng. Có đến sáu người đã bị bắt trong vụ này,
trong đó có hai người chụp hình và quay phim. Họ là Nguyễn Doãn Kiên, Vũ Hồng
Tố, Nguyễn Văn Kiệm, Trịnh Minh Khánh, Nguyễn Văn Lượng và Phạm Văn Hảo. Không
ai biết thêm gì về họ cho đến khi nghe được thông tin từ tù nhân Trương Minh
Tam. Anh Tam kể rằng trong trại giam các thanh niên này đã bị đánh đập rất tàn
nhẫn. Nhưng cứ sau một cú đấm đá đau điếng của quản giáo, sau mỗi lần họ ngã xuống,
anh lại nghe câu: “đả đảo cộng sản” từ những thanh niên Pháp Luân Công này. Thông
tin cuối cùng được biết về họ là một trong sáu thanh niên này đã tự tử và qua đời
trong trại giam.
Trước hàng loạt những vô lý của xã hội, hàng loạt
những đau thương như vậy, ĐMCS là thứ ngôn ngữ mà những người tuổi trẻ như Nah
muốn dùng. Hơn nữa bản thân nhạc rap vốn là thể loại âm nhạc xuất thân và phát
triển ở những khu tập trung của những người nghèo khổ, người da màu tại Hoa Kỳ;
nơi gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng. Có thể coi nhạc rap là thứ
âm nhạc giúp những người sống dưới đáy xã hội dùng để tố cáo thực trạng kỳ thị,
bất công đối với bản thân mình. Nếu ai đã từng coi một số video về dân oan, điển
hình là đoạn mới nhất của gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương tại chợ Tuyên
Nhơn, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long
An thì sẽ thấy cái điệp khúc đó cũng được lập đi lập lại trong các câu nhắm vào
lãnh đạo CS và lực lượng công an. Kiểu như: “ĐM mày không ra đánh lấy Hoàng Sa,
Trường Sa, mày giật chén cơm của tao” hoặc “Thằng nào muốn làm liệt sỹ, nhào
vô! Tao bây giờ tao điên rồi”
Đó là một gia đình dân oan gồm bốn
người. Họ mất đất, mất nhà từ năm 2009, kiếm sống duy nhất bằng một chiếc xe đẩy
bán nước mía. Khi công an đến giăng dây cô lập cấm buôn bán, em Nguyễn Mai
Trung Tuấn 15 tuổi, đã bảo vệ mẹ và chỗ bán bằng cách tròng một sợi dây vào cổ
và nói với lực lượng công an rằng: cứ giết em đi, đừng hủy hoại nguồn sống duy
nhất của gia đình em. Một gã công an đã giật sợi dây trên tay em và siết cổ em
đến ngất lịm. Với bằng ấy những sự uất ức, tôi nghĩ ĐMCS là tiếng nói của sự căm
phẫn, là lời tố cáo thật nhất của những con người bị dồn đến chân tường.
Bằng một cách nhìn, cách nghĩ bộc
phát, Nah và các bạn em đang thách thức thực trạng xã hội bằng những hành động có
chủ đích, có ý thức và chấp nhận hy sinh. Bằng cung cách riêng, Nah và nhóm của
em cũng đang làm cái việc mà nhà cách mạng Vaclav Havel gọi là “cuộc nổi loạn
tuyệt vời của con cái” và chính ông đã trải nghiệm những năm tháng nổi loạn đó.
Khi các sinh viên, học sinh Tiệp Khắc tham gia biểu tình trên đường phố thì cha
mẹ họ vẫn còn sợ hãi. Các thanh niên này đã giúp các bậc cha mẹ vượt qua sự sợ
hãi và buộc họ phải đứng về phía sự thật cùng với mình. Chính những người trẻ này
đã giúp đưa đất nước Tiệp Khắc đến mùa xuân dân chủ năm 1989. Hãy nghe Nah tâm
sự về những mất mát của em. Nah bảo rằng em đã đánh cược những gì mình đang có:
“Cha mẹ tôi đã nói trước rằng họ sẽ không còn coi tôi là con, và tôi sẽ
tự cắt đứt mọi liên hệ với gia đình, nếu như tôi tiếp tục làm chính trị. Em
trai tôi còn bé, không hiểu chuyện, nên hổ thẹn vì tôi. Người yêu tôi, một
người đã gắn bó với tôi 6 năm, và gia đình của cô ta, cũng đã chối bỏ tôi.
Nhiều bạn bè anh em thân thiết đã quay lưng với tôi…”
Và hãy đọc một đoạn thư em viết cho cha mẹ:
“Con xin lỗi bố
mẹ vì đã không làm tròn được chữ hiếu, vì con mà gia đình mình phải điêu đứng.
Bố mẹ sinh tồn qua chiến tranh, của cải bố mẹ khó khăn dành dụm một cách lương
thiện, công ơn sinh thành và lo cho tương lai của hai anh em tụi con, nhưng rồi
gia đình mình đổ vỡ hết vì những chuyện con làm. Mẹ đòi ly dị bố, bé Sao thì
đòi bỏ học. Nguy hiểm luôn rình rập. Bố mẹ đã trải qua nhiều khổ đau trong quá
khứ, nay đến khi đã già mà vẫn không được an vui cùng con cái. Có thể lúc này
bố mẹ giận con lắm. Có thể con vẫn chỉ là thằng nhóc ngông cuồng và dại khờ.
Nhưng con biết, không có tự do nào mà không phải trả giá. Con chỉ có một cuộc
đời, con không thể phí hoài nó như những kẻ khác được…”
Bài hát ĐMCS ra đời cùng với thời gian mà các
blogger VN đang tham gia vào phong trào “Tôi Không Thích Đảng Cộng Sản”. Có thể
nói một cách nào đó bài hát này đã cổ vũ và giúp các blogger trong nước đẩy
phong trào này thêm lớn mạnh. Ngoài ra nếu theo dõi sẽ thấy Nah và nhóm của em
cũng giúp phân phát các đường link của tác phẩm Từ Độc Tài Đến Dân Chủ của tác
giả Gene Sharp. Các hoạt động của họ chứng tỏ các bạn trẻ này đang theo đuổi phương
thức Đấu Tranh Bất Bạo Động.
Khi được hỏi về logo Zombie của nhóm, tác giả
Khang Kanny Nguyễn chia sẻ rằng bức hình chỉ mang một ý nghĩa đơn giản là “Open
Mind, Open Eyes”. Cũng như Nah, Kanny cho rằng những người trẻ VN hiện nay như
những con zombie đang không còn là mình. Và Zombie Nguyễn là thông điệp - Hãy mở
mắt, thông não, nhìn cho rõ sự việc và lên đường đi tìm lại chính mình. Ngày VN
thật sự dân chủ là ngày cả dân tộc, cả thế hệ trẻ không còn là những con
zombie nữa.
Nah và cả nhóm cho rằng mọi thay đổi chính trị đều
xuất phát từ thay đổi trong nhận thức, em bảo: “Nếu người da đen dùng nhạc rap
để đòi quyền bình đẳng chủng tộc, thì tôi xin mượn nhạc rap của các bạn để đấu
tranh phi bạo lực đòi nhân quyền cho dân tộc Việt Nam”.
Xin cám
ơn Nah và nhạc rap. Cám ơn tiếng hát của loài chim tuyết. Mặc dù tôi chưa quen được
với cách diễn đạt của các em, nhưng xin nghiêng mình trước những nỗ lực và hy
sinh của các bạn trẻ. Hãy luôn hát bài hát của chính em. Bài hát đã cho chúng tôi
một niềm tin - hoa rồi sẽ lại nở khi mùa xuân đến.
-Nah Sơn, một du học sinh, rapper bất đồng chính kiến
Một thử thách lớn cho tương lai
Mới đây một du học sinh đang theo học tại Oklahoma tung lên mạng ca khúc thể loại Rap và một bức thư có nội dung chống lại độc tài hà khắc của cộng sản Việt Nam. Nhạc phẩm này được cư dân mạng dè dặt lẫn bỡ ngỡ đón nhận vì nó được sáng tác theo phong cách rap của những nghệ sĩ đường phố, cách thể hiện có vẻ dung tục vì nhiều tiếng chửi thề kèm theo. Tuy nhiên không ít người thích thú cho rằng đây là một cách tiếp cận mới của người trẻ đối với hiện tình đất nước theo cách nhìn của họ.
Điều khá đặc biệt người trẻ này là một du học sinh và cả gia đình anh đều còn ở lại Việt Nam. Việc trở thành người đấu tranh tại nước ngoài là một thử thách lớn cho tương lai của anh.
Người nhạc sĩ sinh viên ấy là Nguyễn Vũ Sơn với bút danh khi sáng tác là Nah Sơn có những thổ lộ với chúng tôi về bản thân anh và nguyên nhân khiến anh chấp nhận từ bỏ mọi thứ để tiên phong làm một du học sinh bất đồng chính kiến, trước tiên anh chia sẻ:
Em tự tìm hiểu thêm trên Google, tự mình đúc kết lại và thấy rõ ràng là đất nước mình đang lâm nguy và nó có quá nhiều vấn đề nên em làm những điều này mong góp phần thay đổi đất nước.
-Nah Sơn
Nah Sơn: Em tên đầy đủ là Nguyễn Vũ Sơn em sang đây học hồi cuối năm 2013. Hè vừa rồi em có về Việt Nam. Học thì đi du học thôi chứ không có ý định ở lại nhưng khi qua đây học rồi thấy nó có nhiều khác biệt với mình quá. Cách giảng dạy rất mới và đây là lần đầu tiên đi học mà em thấy thích. Em học những vấn đề xã hội, chính trị, lịch sử… nó làm cho mình nhận ra, mình ngộ ra được nhiều thứ hay lắm. Em tự tìm hiểu thêm trên Google, tự mình đúc kết lại và thấy rõ ràng là đất nước mình đang lâm nguy và nó có quá nhiều vấn đề nên em làm những điều này mong góp phần thay đổi đất nước.
Thật sự cái nền văn hóa của mình, mình đã sống với nó từ nhỏ rồi, nó làm thành tình yêu nhiều khi mình nhớ nó, trăn trở về nó có thể do đó nó cũng là một động lực.
Mặc Lâm: Khi còn ở trong nước Sơn có bao giờ để ý tới những người hoạt động tranh đấu cho tự do dân chủ nói chung là những hình thức chính trị hay không?
Nah Sơn: Thật ra về cái chuyện chính trị khi qua tới đây em mới có được rõ ràng như vậy. Ở Việt Nam em chỉ cơ bản có tính hơi phản kháng với chính quyền nhưng em không cập nhật về chính trị hay bất cứ gì hết. Khi qua đây và đọc nhiều thông tin hiều được nguồn gốc cội nguồn của tất cả vấn đề của bộ máy thì mình mới hiểu à thì ra đây là cốt lõi của mọi vấn đề.
Mặc Lâm: Qua bản nhạc rap mà Sơn vừa giới thiệu thì cách dàn dựng hay mix nó có thể nói là hấp dẫn tuy nhiên rất nhiều người cho rằng những tiếng chửi tục trong bản nhạc đã làm cho nó mất giá trị, nó có vẻ đường phố, bụi đời và dung tục quá… là một sinh viên Sơn có ý đồ gì khi xây dựng tác phầm trên cái nền rất bụi bặm như vậy?
Nah Sơn: Dạ em cũng biết trước là có nhiều người hơi phản cảm đối với những tiếng chửi thề nhưng mặc dù em xuất thân gia đình trung lưu gia đình ba mẹ em cũng dạy dỗ em đàng hoàng nhưng khi đi học thì bạn bè chửi thề rất nhiều. Ngay cả mấy chú xe ôm hồi đó chở em đi học cũng chửi thề… nói chung tiếng chửi thề riết rồi thấy nó cũng bình thường.
Thêm nữa nhạc rap nó giống như loại hình nghệ thuật hiện thực không thể nào viết nó quá bóng bẩy mà đôi khi cũng phải dùng những từ nó dùng trong đời sống mình đem vô. Ngoài ra theo em khi người ta có một cái gì đó khi mà người ta khó chịu, phản cảm thì người ta chú ý tới nó hơn.
Nếu nhìn ra thì cả Việt Nam bây giờ người ta chú ý tới Kenny Sang hay những scandal, những tin đồn này nọ người ta chú ý nhiều hơn. Em dựa vào những suy nghĩ như vậy cho nên em sáng tác bài hát có nhiều tiếng chửi tục nhưng nó là cảm xúc tức giận, nó là cảm xúc thật.
Vượt qua nỗi sợ hãi
Mặc Lâm: Là một du học sinh Sơn nhận xét thế nào về những du sinh từ Việt Nam sang Mỹ cũng như giới trẻ trưởng thành tại Mỹ về những hoạt động mang tính chính trị của họ?
Nah Sơn: Em nghĩ đối với du học sinh thì ai cũng có nỗi sợ mang từ Việt Nam qua. Ai cũng rất sợ vấn đề chính trị nên không ai dám nói điều gì liên quan tới chính trị hết. Đó là những vấn đề nhạy cảm. Giống như được dạy từ nhỏ là không được chơi ma túy vậy.
Em nghĩ đối với du học sinh thì ai cũng có nỗi sợ mang từ Việt Nam qua. Ai cũng rất sợ vấn đề chính trị nên không ai dám nói điều gì liên quan tới chính trị hết. Đó là những vấn đề nhạy cảm. Giống như được dạy từ nhỏ là không được chơi ma túy vậy.
-Nah Sơn
Bạn bè em hầu như không có ai nghĩ về chính trị hay có tư tưởng về xã hội lắm chỉ là đi học, đi chơi vây thôi. Ngay cả giới trẻ Việt kiều, nói chung là cũng có người ghét cộng sản, muốn thay đổi nhưng em thấy giới trẻ Việt kiều thì một là họ không quan tâm còn nếu có quan tâm thì họ rất cực đoan. Họ hay đặt mối thù dân tộc khi Việt Nam Cộng hòa bị thất bại thì họ coi như một mối hận lớn. Em thấy cái chuyện đó nó hơi không phù hợp vì nó là chuyện quá khứ có đem ra nói đi nói lại nó cũng không tác dụng lắm. Em nghĩ bây giờ nên tập trung vào hiện tại, cộng sản ngay lúc này nó sai cái gì. Mối thù đó mình nên dẹp qua một bên.
Thí dụ như có nhiều người ghét người Bắc nhưng người Bắc lúc này họ cũng đã nhận ra nhiều vấn đề của cộng sản và rất muốn thay đổi chỉ có điều là bộ máy họ không muốn thay đổi thôi.
Mặc Lâm: Là một du học sinh dù sao khi học xong thì cũng phải về nước, khi ấy thì đón Sơn tại phi trường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài không những là thân nhân, gia đình mà còn cả cán bộ an ninh của bộ máy cầm quyền. Sơn đã nghĩ tới những viễn ảnh như thế hay chưa?
Nah Sơn: Em cũng suy nghĩ vấn đề đó rất kỹ trước khi em làm. Nếu như mọi chuyện đi theo hướng tốt thì biết đâu mình có thể làm được những ý tưởng thay đổi gì đó trong giới trẻ. Có thể vài năm thì mình lại có thể về. Nếu trong trường hợp đi theo hướng xấu thì em sẽ tìm cách ở đây để tiếp tục tranh đấu.
Một khi đã quyết định làm thì phải chấp nhận hậu quả, em nghĩ vậy. Nếu em như những bạn du học sinh khác, sợ không về được thì nó sẽ không đi tới đâu hết tại vì em cảm thấy mình cũng có một chút tiếng nói trong giới trẻ vì nhiều bạn trẻ có nghe nhạc của em mình nên dựa vào điều đó để làm việc gì tốt hơn chứ suốt ngày cũng chỉ đi học, rồi về, đi chơi hay làm nhạc linh tinh thì nó phí hoài cái tuổi trẻ, khả năng và một chút tên tuổi của mình.
Mặc Lâm: Sau khi biết Sơn chọn con đường tranh đấu tại hải ngoại gia đình, bạn bè người thân của Sơn có phản ứng ra sao và những phản ứng ấy có làm Sơn đau buồn lắm hay không?
Nah Sơn: Ba mẹ em khi thấy em có những cái chuyển biến mang tính chính trị thì ba mẹ em có vẻ rất tức giận, như cảm thấy là mình mất một đứa con vậy. Ba mẹ em la em dữ lắm. Ba em có nói nếu bây giờ con còn tiếp tục làm chính trị như vậy thì cắt đứt mọi liên hệ gia đình. Em cũng trăn trở vì chuyện đó nhiều lắm.
Mặc dù em thích nhạc ráp em chơi với bạn bè đường phố nhưng em cũng rất thích học. Em đã có một bằng cử nhân bên Singapore học trường RMIT cũng do muốn đi nhiều nước học hỏi thêm nên ba mẹ cho đi Mỹ học. Em học cũng rất tốt em lấy điểm A không, từ khi qua Mỹ tới giờ không có lúc nào bị B hết em chỉ lấy A thôi vì em rất thích học. Cũng vì tính thích học nó làm cho em muốn tìm tòi cái này cái kia, càng tìm càng thấy bất mãn.
Em rất trăn trở, bây giờ mình học tiếp mình có tấm bằng, đi ra đi làm rồi mọi thứ cũng như cũ nó chẳng thay đổi được gì, nó cứ bế tắt. Còn nếu bây giờ mình làm chuyện này mình phải đánh đổi nhiều thứ. Bạn em thấy em cũng liều! (đúng là em làm chuyện này cũng hơi điên thiệt) Sau khi đắn đo em nghĩ nếu bây giờ mình không làm thì cũng không ai làm. Không bao giờ có ai làm chuyện này hết thành ra có được thì mừng còn nếu không được thì coi như mình đã cố gắng rồi, nếu không cố gắng làm sao biết được hay không? Vì vậy em cứ làm còn ba mẹ có nói thì em cũng... phải nói là em rất buồn, em rất là buồn nhưng mà biết sao được?
Người thân của em, bạn gái em, gia đình bạn gái em, rồi bạn bè em những người chơi với em 7 – 8 năm luôn vẫn quay lưng với mình.
Mặc Lâm: Sơn đã từng trình diễn trong một live show tại Hà Nội và nhiều bạn trẻ bây giờ vẫn còn nhắc đến trên Facebook. Chương trình ấy diễn ra vào lúc nào và do ai tổ chức vậy?
Nah Sơn: Cái show đó tên là CAMA Festival của Đại sứ quán Mỹ tổ chức ở Hà Nội hàng năm, nó mới bắt đầu mấy năm thôi. Hằng năm họ mời nhạc sĩ ca sĩ từ nhiều nước Đông Nam Á lại biểu diễn ở Hà Nội. Đầu năm 2013 em có ký hợp đồng với công ty Làng Văn bên Cali lúc họ về Việt Nam họ mở chi nhánh thì họ có ký hợp đồng với em nên em được đi diễn chương trình đó ở Đại sứ quán Mỹ. Em diễn ba bài, em remix bài “Sài gòn đẹp lắm” của nhạc sĩ Y Vân. Em diễn bài Đi bụi... Sau khi em diễn xong có một tờ báo tên Lao Động Online có đăng một bài rất dài chửi em và bạn em đã diễn những bài mang tính kích động, nói chung là lời lẽ phản cảm kích động phê phán xã hội ở ngay giữa đất Hà Nội và rất là buồn cười là lại được giới trẻ hưởng ứng trong khi những tiết mục khác của các nhóm nhạc khác thì ít được hưởng ứng hơn.
Nói chung là em thấy mình làm được những chuyện ấy thì mình vui thôi chứ em không nghĩ nó có yếu tố chính trị gì. Bây giờ nghĩ lại thấy có sự sắp xếp sao đó, cai duyên nên chuyện đó nó chọn mình... em cũng không biết...
Mặc Lâm: Cám ơn Sơn.
Quý vị vừa theo dõi cuộc trao đổi với du học sinh Nguyễn Vũ Sơn, cũng là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhạc Rap chống lại bất công xã hội và độc tài Đảng trị của cộng sản Việt Nam. Hy vọng rằng anh sẽ tự điều chỉnh dòng nhạc rất hấp dẫn giới trẻ này để phù hợp hơn với xu thế đương đại và nó có thể giúp anh thực hiện được những hoài bão mà anh đang theo đuổi.
https://www.youtube.com/channel/UCB_E3_qPQj0WqK_WQwwK63g
https://www.facebook.com/officialnah?fref=ts
http://www.triethocduongpho.com/…/thu-gui-dang-cong-san-va…/
--