Đến nhan sắc cũng tìm mọi cách quản theo khuôn phép của Đ sao?-Người đẹp thi chui có thể bị cấm xuất cảnh
(PL)- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng bao nhiêu cuộc thi người đẹp trong nước, sao người mẫu không đi thi để lấy danh hiệu rồi đường đường xin phép đi thi các cuộc thi người đẹp ở nước ngoài mà phải đi thi trái phép.
Sáng 20-1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ VH-TT&DL cho biết trong năm vừa qua có tới sáu người mẫu ra nước ngoài dự thi nhưng không xin phép cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, về vấn đề này.
Sáu người đẹp thi chui trong một năm
. Phóng viên: Thưa ông, con số sáu người mẫu ra nước ngoài dự thi chui trong năm 2014 nói lên điều gì so với năm ngoái (2013)?
+ Ông Nguyễn Đăng Chương: Năm ngoái chúng tôi chưa ghi nhận hiện tượng này.
. Có ý kiến cho rằng một trong những lý do để các người mẫu “xé rào” đi thi vì quy định pháp luật hiện nay không thông thoáng?
+ Tôi phải khẳng định rằng trong những năm gần đây các quy định của pháp luật hết sức thông thoáng, cởi mở nhằm tạo điều kiện cho các công dân, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham dự các hoạt động NTBD trong quá trình hội nhập nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tượng các cá nhân vi phạm vẫn còn, thậm chí có cá nhân đã biết thế này, thế kia mà vẫn vi phạm là bất chấp các quy định của pháp luật.
. Ông có thể nói rõ hơn về sự thông thoáng này?
+ Theo quy định hiện nay, ở trong nước chúng ta có hai cuộc thi quốc gia, một cuộc thi quốc tế, ba cuộc thi vùng miền và ở các đoàn thể trung ương; còn ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh có thể tổ chức cuộc thi mỗi năm một lần. Tức là chúng ta hết sức cởi mở trong tổ chức thi. Rõ ràng sự cởi mở này đã huy động được tất cả đối tượng tham dự, thêm vào đó thông tin truyền thông ngày nay cũng rất rành mạch, công bằng. Công dân Việt Nam đủ điều kiện hoàn toàn có thể tham gia các cuộc thi này để đạt được các danh hiệu, qua đó được cơ quan chức năng cấp giấy phép dự thi ở nước ngoài.
Người mẫu Cao Thùy Linh tại cuộc thi “Miss Grand International 2014” tại Thái Lan và lọt vào tốp 20 thí sinh có trang phục dân tộc đẹp nhất khi về nước đã bị cấm diễn trên toàn quốc. Ảnh: H.BÌNH
Người mẫu không được thi người đẹp
. Thưa ông, theo quy định tại Nghị định 79/2012 về biểu diễn nghệ thuật quy định: “Điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế là đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước…”. Theo đó, có thể hiểu người mẫu không được phép thi cuộc thi của người đẹp (hoa hậu) và ngược lại.
+ Đúng như thế. Với quy định như trên, người mẫu trong nước không được dự thi cuộc thi người đẹp ở nước ngoài.
. Cô người mẫu Diệu Linh vừa đi thi Hoa hậu du lịch quốc tế 2014 nhận được hai danh hiệu là trình diễn “Trang phục dân tộc đẹp nhất” và giải thưởng phụ “Hoa hậu khối Đông Nam Á” về đã phải chịu nộp phạt 22,5 triệu đồng vì đi thi chui. Nếu chiếu theo quy định này thì ngay từ đầu cô ấy có xin phép chắc chắn cũng không được cấp phép đi thi. Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người mẫu “xé rào” đi thi người đẹp. Ông bình luận gì về quy định này?
+ Hai cuộc thi người mẫu và người đẹp hoàn toàn khác nhau. Như trên tôi đã nói quy định hiện hành cho phép có nhiều cuộc thi người đẹp ở nhiều cấp, nhiều mức độ, tại sao người mẫu không đi dự thi người đẹp để được công nhận?
. Vậy theo ông, quy định như trên hướng tới mục đích gì?
+ Tôi cứ tạm dùng từ như thế này, đơn cử ở đất nước chúng ta có bao nhiêu triệu cô gái đẹp, cứ mỗi khi nước ngoài họ mở cuộc thi lại đi thi mà không theo quy định của pháp luật thì sẽ loạn mất. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước ta. Như bạn thấy đấy, các cuộc thi vừa rồi mà các người mẫu đi thi thì không phải do các tổ chức quốc tế chính danh hay có thương hiệu tổ chức, thậm chí cuộc thi Hoa hậu Đông Nam Á ở Thái Lan chỉ có tám thí sinh dự thi. Tôi nghĩ những người đẹp được tôn vinh ở những cuộc thi như thế khi về Việt Nam không có giá trị gì cả. Điều này xét trên hai góc độ, một là không được Nhà nước và pháp luật công nhận, hai là các cuộc thi không có thương hiệu.
. Nhưng có người mẫu cho rằng họ không đại diện cho đất nước hay hình ảnh phụ nữ Việt Nam, họ chỉ đại diện cho cá nhân họ hoặc đơn vị của họ thì sao, thưa ông?
+ Thực tế khi người mẫu của chúng ta tham dự ở các cuộc thi người đẹp như thế, người ta cũng có đơn thuần gọi thí sinh là cô A, cô B đâu mà người ta thường gọi là đại diện Việt Nam, đến từ Việt Nam.
. Xin cám ơn ông.
Không để thi chui tiếp diễn
. Quy định đặt ra nhưng xem ra khó khả thi vì các người mẫu vẫn đi thi chui rồi về tình nguyện nộp phạt. Tới đây Cục NTBD sẽ có động thái gì để xử lý vấn đề này, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Đăng Chương: Dứt khoát là Cục NTBD sẽ hướng các Sở VH-TT&DL xử lý quyết liệt và triệt để việc này. Chúng ta đã phân cấp cho các đơn vị, địa phương, xảy ra ở nơi nào địa phương ấy phải chịu trách nhiệm.
Sắp tới đây, Bộ VH-TT&DL sẽ rà soát lại các cá nhân đi thi chui, nếu không chấp hành các quy định của pháp luật thì sẽ có văn bản gửi sang Bộ Công an và tạm dừng xuất nhập cảnh đối với đối tượng này. Chúng ta phải ngăn chặn kịp thời chứ không để tình trạng như thế tiếp tục diễn ra.
______________________________________
318 triệu đồng là số tiền xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực NTBD trong năm qua. Cũng trong năm qua, Cục NTBD khẳng định đã giải quyết triệt để vấn nạn chạy huy chương, giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật. (theo báo cáo tổng kết công tác năm 2014 của Cục NTBD)
|