Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần II. Chương 9

-

Chương 9

Trong những năm đầu tiên phục vụ Mao, tôi thấy ông mắc những bệnh thông thường như cảm sốt, viêm phế quản, ngứa, chai chân và ăn không ngon miệng. Do mắc chứng táo bón cứ hai hay ba ngày các vệ sĩ lại phải tháo thụt cho ông, vì thế chuyện đại tiện của Mao là chủ đề của các cuộc giao ban hàng ngày của chúng tôi. Ngày nào tiêu hoá của ông bình thường ngày đó thực sự là ngày lễ đối với những người làm việc quanh Mao.
Đối với tôi, chứng mất ngủ của Mao làm tôi lo lắng nhất.


Mao là người có nghị lực phi thường. Bản chất ương ngạnh, ông tỏ ra không chấp nhận những thói quen thông lệ, thậm chí chống lại sự độc quyền khắc nghiệt của đồng hồ thời gian cơ thể. Theo ông, tắm táp và ngủ nghê chỉ làm tiêu tốn thời gian một cách vô ích. Cơ thể của Mao không thừa nhận nhịp sống sinh học ngày đêm, ông có thể thức nhiều hơn người khác, đồng thời mọi hoạt động chính của ông đều diễn về ban đêm. Ví thử nếu ông đi ngủ vào lúc nửa đêm, tối hôm sau ông cũng chẳng hề nhớ và đến ba giờ sáng ông mới lại lên giường, đêm tiếp theo ông cũng không thể nhắm mắt trước 6 giờ sáng. Chứng mất ngủ của ông ngày một nặng, có lúc ông thức liền vài ngày. Khi quá mệt, ông nằm vật xuống giường, ngủ mê mệt 10-12 tiếng liền mặc mọi tiếng ồn ào xung quanh. Tôi không biết chứng mất ngủ, lối sinh hoạt của Mao bắt đầu từ bao giờ. Có thể, nhịp sống sinh học lệch lạc của ông có từ lúc cha sinh mẹ đẻ. Vì rằng Phó Liêm Chương kể cho tôi, ông đã chữa cho Mao chứng mất ngủ từ đầu những năm 30. Tất nhiên, hai thập kỷ kháng chiến trước khi lập nên nước Cộng Hoà Nhân Dân và nhiều năm nội chiến đã làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng tới giấc ngủ của ông.

Trong những giờ mà Mao không thể ngủ được, ông phải sử dụng phương cách hoạt động thân thể: bơi, khiêu vũ, đi dạo. Nhưng cuối cùng ông đành phải dùng thuốc ngủ thường xuyên hơn 20 năm trước khi tôi về phụ trách sức khỏe của chủ tịch. Trong những năm 1930, Phó Liêm Chương cho ông dùng thuốc veronal, nhưng sau 1949 thì dùng dạng thuốc sodium amytal, một loại thuốc ngủ mạnh thuộc barbiturate, viên nhộng hàm lượng 0,1 gam. Nếu một viên không tác dụng, ông cho Mao dùng 2 hay 3 có khi tới 4 viên, nhưng nhiều khi vẫn không tác dụng. Càng ngày ông càng mệt mỏi vì thiếu ngủ, tăng ảo giác và chân bắt đầu có hiện tượng run rẩy đi không vững. Những người quanh ông rất lo rằng Mao có thể gục ngã, thậm chí có thể đột quỵ.
Trước khi tôi nhận nhiệm vụ, Phó Liêm Chương bắt đầu sợ rằng Mao có thể bị quá liều barbiturate, đã bí mật không cho Mao biết, thay hàm lượng viên từ 0,1 gam xuống 0,05 đến 0,075 gam, nhưng quen thuốc, vẫn phải tăng liều uống.
Tôi rất lo khi biết Mao dùng quá nhiều thuốc ngủ dạng barbiturate. Tôi chưa bao giờ kê đơn cho bệnh nhân cũng như cho bản thân mình liều lượng thuốc ngủ cao như thế, rất lo ông sẽ ngộ độc vì liều cao và kéo dài. Lần đầu tiên biết tất cả việc này, tôi khuyên Mao bỏ thuốc ngủ.
- Nghĩa là đồng chí muốn tước giấc ngủ của tôi phải không?
Ông phản ứng và vẫn yêu cầu thuốc ngủ. Tôi chẳng có cách nào để buộc Mao ngừng thuốc. Tôi là thuộc cấp và ông chẳng thèm đếm xỉa tới ý kiến của tôi.
Một lần ông gọi tôi vào buồng, hỏi:
- Theo đồng chí một năm có bao nhiêu ngày?
Mao thích đặt các câu hỏi bất thướng dường như nó chứa một ẩn ý nào đó. Tôi trả lời:
- Tất nhiên rồi, thưa chủ tịch, ba trăm sáu nhăm ngày.
Mao bảo:
- Đối với tôi một năm cả thảy chỉ có 200 ngày thôi, vì rằng tôi ngủ ít.
Thoạt đầu tôi không hiểu, nhưng sau đó mới biết rằng ông tính số lần ngủ và thức trong thời gian một năm.
- Nếu tính cả số giờ không ngủ, thức trắng và quy lại thành ngày, một năm của Chủ tịch sẽ là 400 ngày đấy. Từ quan điểm này, thưa chủ tịch, tiến gần đến bất tử rồi đấy, có một bài thơ nói về việc này: “Mặt trời và mặt trăng không hiện ra, núi không thể nhận ra hàng nghìn năm đã qua”.
Mao cười phá lên và nhận xét:
- Nghĩa là, theo đồng chí, cơn mất ngủ của tôi – đó là con đường đến bất tử phải không?
Tất nhiên ông nói đùa, tôi hiểu ông muốn tôi giúp ông giảm bớt căng thẳng, chữa cho ông bệnh mất ngủ.
Tôi khuyên ông thay đổi cách chữa. Dù rằng chất amital natri mà Phó Liêm Chương kê đơn vẫn tương đối có hiệu quả, giúp Mao giấc ngủ sâu, nhưng tác dụng chậm.
Vì thế tôi gợi ý Mao trước bữa cuối cùng hai mươi phút, uống hai viên hàm lượng 0,1 gram, nó sẽ có tác dụng nhanh. Ngay sau khi ăn, tôi khuyên Mao uống một viên amital natri để đảm bảo giấc ngủ kéo dài. Tôi không đồng ý cách điều trị của Phó Liêm Chương khi ông giấu Mao hạ liều lượng thuốc. Tôi cho rằng bệnh nhân cần phải biết liều lượng họ uống. Thuốc đưa cho Mao từ tay các nhân viên bảo vệ, họ xuất thân từ nông dân nghèo, ít học, không hiểu biết về y học, hơn nữa bây giờ tôi chịu trách nhiệm về sức khoẻ của Mao, vì thế để tránh bất cứ trường hợp không may nào xảy ra, đích thân Mao phải kiểm tra được lượng thuốc uống và họ không đưa quá liều cho chủ tịch.
Phó Liêm Chương là thủ trưởng, tôi phải báo cho ông ta biết tất cả lý do. Ông không phản đối. Nhưng khi tôi vui mừng thông báo phương pháp điều trị mới có hiệu quả, Phó Liêm Chương tỏ ra hoài nghi nhắc lại một câu châm ngôn Trung Hoa: “Một bác sĩ hay khoe khoang, chẳng qua vì không có thuốc hay”, nhưng dù vậy ông vẫn đồng ý cho thử.
Đợt điều trị tỏ ra có hiệu quả, tôi giảm dần lượng thuốc ngủ thay vào đó là glucoza. Kết quả cũng không tồi. Khi tôi kể cho Mao, ông nhận xét:
- Chẳng lâu nữa, đồng chí điều trị cho tôi chỉ bằng glucoza phải không?
Cũng có những ngày, khi Mao quá lo lắng, cách điều trị của tôi cũng không có tác dụng. Thực ra cơn mất ngủ của Mao do hai nguyên nhân. Ngoài nhịp điệu sinh học còn có suy nhược thần kinh.
Mặc dù đã từ lâu suy nhược thần kinh không bị coi là bệnh ở Hoa Kỳ, bản thân nó chỉ là triệu chứng, với nhiều tên khác nhau, nhưng rất phổ biến ở Trung Quốc, kể cả Mao và Giang Thanh thường xuyên mắc phải. Chứng suy nhược thần kinh thường do tình trạng tâm sinh lý quá căng thẳng gây nên trầm cảm. Đối với người Trung Hoa nếu chấp nhận mình bị trầm cảm là điều thật nhục nhã và đáng xấu hổ vì bản chất sự trầm cảm biểu lộ bằng thực thể. Chứng mất ngủ là triệu chứng thường thấy và thường xảy ra của chứng suy nhược thần kinh, nhưng ngoài ra nó còn biểu hiện những triệu chứng khác như cơn đau đầu, tức ngực kéo dài, hay lo lắng, tăng áp huyết, phiền muộn, giảm tình dục, bệnh ngoài da, rối loạn tiêu hoá, chán ăn, dễ bực tức và nhiều chứng khác.
Dần dần tôi nhận thấy chứng suy nhược thần kinh phổ biến nhiều nhất từ khi đất nước chuyển sang chế độ cộng sản do sự hạn chế tự do cá nhân và cảm giác tuyệt vọng không tránh khỏi. Tôi nhận ra triệu chứng này từ 1952, khi anh trai tôi mắc chứng suy nhược thần kinh với dấu hiệu tăng huyết áp, cộng thêm những triệu chứng khác xảy ra trong những năm đấu tranh khốc liệt của chiến dịch “ba chống”: hối lộ, lãng phí, quan liêu. Sau chiến dịch “chống hữu khuynh trong đảng” năm 1957, hậu quả làm hàng triệu người vô tội bị quy kết sai lầm, hội chứng suy nhược thần kinh tăng lên đột biến. Trong những năm dưới thời chính phủ Quốc Dân Đảng tôi không nhận thấy có dấu hiệu suy nhược thần kinh như vậy. Dưới chế độ đó, xấu dở gì người ta cũng còn có lối thoát, chạy đi nơi khác nhưng dưới thời cộng sản, người ta không còn lựa chọn nào, không thể đi đâu. Số người bị rối loạn tâm thần rất nặng như tâm thần phân lập, trầm cảm do hoang tưởng dưới chế độ cộng sản tăng lên, một số rơi vào tình trạng “khủng hoảng tư tưởng”. Đối với người Trung Hoa, người ta định kiến, coi chứng rối loạn tâm thần như là do trắc trở cá nhân và được xem như chuyện đáng xấu hổ và nhục nhã. Vì thế người ta không đi khám và chữa bệnh, thường giải quyết riêng trong nội bộ. Cách giải quyết này tiếp diễn cho đến khi Mao qua đời. Tất cả các bác sĩ đều biết, những người mắc chứng suy nhược thần kinh đều gặp những chuyện bất ổn lớn về tinh thần, nhưng bác sĩ chỉ kê đơn điều trị triệu chứng chứ không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để trị tận gốc bệnh đó.
Đàm luận với Mao về cơn mất ngủ của ông và những chứng bệnh lặt vặt khác, tôi thậm chí không dám đả động đến từ “suy nhược thần kinh”, bởi vì biết điều này làm Mao nổi cơn thịnh nộ, tôi có thể bị mất việc. Ngay cả Mao cũng không đả động đến từ này. Khi nào đi ngủ bị ức chế, ông nói với tôi, ông cảm thấy bất ổn và nhờ tôi giúp. Tôi cho ông nhân sâm và vitamin B và C. Chứng suy nhược thần kinh của Mao biểu hiện: mất ngủ thường xuyên, choáng váng, ngứa da và liệt dương. Bệnh trở lên nghiêm trọng mỗi khi quá lo lắng vì cuộc đấu đá nội bộ. Một lần trong buổi đi dạo trên cánh đồng, bỗng nhiên đầu óc ông quay cuồng, choáng váng các vệ sĩ đã phải đỡ cho ông khỏi ngã. Những trường hợp như thế sau này xảy ra thường xuyên. Trong buổi giao tiếp với đoàn đại biểu Châu Phi, khi các vị đại biểu xúm quanh Chủ tịch, đột nhiên tôi thấy họ lúng túng, chỉ chỉ chỏ chỏ. Tôi nhận thấy Mao lảo đảo, lập tức chạy lại đỡ ông. Từ đó bất cứ ông ở đâu, đi dạo hay tiếp khách đều có đoàn vệ sĩ đi kèm đề phòng ông mất thăng bằng. Nhưng khi nào ông nghỉ ngơi, vui vẻ những dấu hiệu trên biến mất, tôi đã cho làm tất cả các xét nghiệm cần thiết về tim mạch, não đồ, kiểm tra tai mũi họng nhưng không thấy gì lạ, tất cả đều bình thường.
Nguyên nhân gây ra chứng suy nhược thần kinh của Mao chủ tịch khác hẳn với người dân bình thường. Là một vị lãnh tụ đầy quyền lực của quốc gia, chính ông là nguyên nhân gây bất hạnh cho người khác. Chứng suy nhược thần kinh của ông là do quá đa nghi, thiếu niềm tin vào sự trung thành của các chiến hữu trong đảng, ông có rất ít bạn đáng tin cậy. Các triệu chứng tăng mỗi khi có cuộc đấu tranh chính trị dữ dội trong nội bộ. Trong thời gian đề ra sách lược tranh giành quyền lực chính trị quyết liệt với phe đối lập, hầu như ông mất ngủ cả tuần, thậm chí cả tháng. Nhưng tôi lại không hiểu khi tôi nhận chức vụ đảm nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho Chủ tịch đúng lúc ông đang trong cuộc đấu tranh giải quyết những vấn đề về phát triển nông thôn, tôi phải điều trị chứng mất ngủ trong vô vọng vì ông đang vật lộn trong cuộc đấu đá nội bộ.
Mao rất muốn đẩy mạnh cải cách trong nước, càng nhanh càng sớm càng tốt, không cần đến điều kiện khách quan. Tiến độ chậm chạp của cuộc cải cách ở nông thôn làm ông điên tiết, dù rằng từ đầu những năm 50 ngay sau khi thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, ông đã tịch thu ruộng đất và tài sản của địa chủ chia cho nông dân. Tuy ruộng đất vẫn còn nằm trong tay sở hữu tư nhân, nhưng Mao muốn tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không chờ cơ giới hoá nông nghiệp, vì ông cho rằng Trung Quốc quá nghèo, nếu chờ quá trình cơ khí hoá thì quá lâu.
Những hợp tác xã nông nghiệp được chỉ đạo tiến hành rất sớm ở nông thôn từ năm 1953, đẩy nhanh xu hướng xây dựng hợp tác kinh tế nông nghiệp lớn khác thường và việc tước đoạt từ tay nông dân phương tiện sản xuất và gia súc đã gây ra sự chống đối mạnh mẽ, không những từ phía các lãnh tụ chính trị đối lập mà còn từ phía nông dân. Ở một số vùng kinh tế tập thể bị tan rã nhanh ngay sau khi nó được thành lập. Mao trút tội xuống đầu không chỉ vào lãnh đạo Ban nông nghiệp Ban chấp hành trung ương đảng Đặng Tử Huy mà còn tới cả nhiều cán bộ trong đảng. Ông buộc tội họ chậm chạp, thiếu cương quyết, thậm chí cả tội phá hoại ngầm. Đặng Tử Huy bị mất chức, cơ quan do ông lãnh đạo bị giải tán. Thật ra, người ta không gạt Đặng Tử Huy ra khỏi guồng máy, mà thuyên chuyển ông sang cương vị nhỏ hơn. Về sau Mao tâm sự với tôi:
- Đặng Tử Huy đã sát cánh với chúng tôi trong những năm cách mạng. Tuy nhiên sau khi giải phóng, ông ta đã đi chệch đường.
Sự chia rẽ của Mao với chiến hữu trở nên gay gắt từ mùa hè 1955, khi những người lãnh đạo đảng cộng sản họp hội nghị ở Bắc Đới Hà. Tại đây, Mao đã phớt lờ sự khuyên can, ngăn cản ông bơi ra biển, dù biết thất bại nhưng họ vẫn làm.
Trong những năm đầu tiên cạnh Mao, tôi cố gắng tránh mọi chuyện liên quan đến chính trị mà chỉ quan tâm tới lượng bạch cầu tăng, giảm tình dục, chứng mất ngủ của Chủ tịch. Lúc đấy tôi không biết gì về cuộc đấu tranh mạnh mẽ mà Mao tiến hành chống những phe bảo thủ trong đảng. Mặc dù thất bại, nhưng thời gian từ mùa đông 1955 đến mùa xuân 1956, Mao tổ chức một loạt các cuộc họp, ông trình bày chương trình cải cách chủ nghĩa xã hội trong nước. Cuối mùa thu 1955, ông bắt đầu viết cuốn: “Sự đi lên chủ nghĩa xã hội của nông thôn Trung Quốc”, chọn lọc những bài diễn văn, phát biểu của mình về vấn đề tập thể hoá, sửa chữa và bổ sung, viết lời mở đầu và kêu gọi đẩy mạnh cuộc cải cách nông thôn. Ông chỉ trích nặng nề Ban chấp hành Trung ương đảng, đưa ra đường lối cho đảng đẩy mạnh tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nông thôn. Trong thời kỳ căng thẳng và kích động này ông thường xuyên mất ngủ.
Một ngày vào cuối năm 1955, trong thời kỳ ông đang viết sách, có lần 3 ngày liền ông ngủ thất thường, có khi thức trắng hơn 36 giờ đồng hồ. Những viên thuốc ngủ tôi đưa, ông uống nhưng hầu như chẳng tác dụng gì. Để bớt căng thẳng và mệt mỏi ông thường đi bơi và gọi tôi.
Khi tôi đến bể bơi, Mao nằm trên ghế bố. Trên khuôn mặt đỏ ửng của ông lộ vẻ kích động mạnh, trông rất mệt mỏi. Ông bảo tôi cùng bơi, nhưng tôi lịch sự từ chối, nói, chưa kịp ăn sáng, thời gian ấy tôi vẫn còn kiêm nhiệm công việc trong bệnh viện Trung Nam Hải. Mao cười và nói:
- Tôi cũng chưa ăn và chưa ngủ, nhưng cũng đã kịp nhảy xuống nước bơi được một giờ rồi. Tôi uống toa thuốc của đồng chí ba lần, nhưng không thể ngủ được. Đồng chí, có lẽ, lại giảm đô phải không?
- Đâu có thưa chủ tịch, đô thuốc vẫn như trước đây thôi – Tôi trả lời.
- Thế thì đồng chí làm cái gì đó để tôi ngủ được chứ.
Tôi kê đơn cho Mao dung dịch chloralhydrade, Phó Liêm Chương đã nói với tôi rằng Mao không thích uống thuốc dạng nước. Vì thế tôi báo trước cho Mao thuốc sẽ đắng và hơi cay.
Mao trả lời:
- Không sao đâu, tôi thích tất cả các thứ cay đắng.
Tôi đến kho dược do Phó Liêm Phương phụ trách, chuyên chứa thuốc dành cho Mao và các lãnh tụ cao cấp khác. Thuốc mua từ một hãng nào đấy ở Hong Kong, nhập từ Anh, Mỹ và Nhật. Tất cả thuốc được kiểm tra, bảo quản cẩn thận. Để tăng cường biện pháp an toàn, tất cả toa thuốc kê cho Mao đều mang tên Lý Đăng Sơn. Tên “Lý” năm 1947 là bí danh của Mao, do phải đối mặt với sự tấn công của quân Quốc dân đảng, những người cộng sản buộc phải rút khỏi Diên An. Trong khi dược sĩ đang pha chế, Phó Liêm Chương đến lưu ý tôi rằng Mao không thích thuốc nước, và cũng nhận xét rằng chloralhydrade làm cho Mao rất khó chịu về mùi, Chủ tịch có thể cáu. Tôi nói, Chủ tịch đã được báo trước và đồng ý, yêu cầu nhanh lên, ông đang đợi tôi.
- Sau này tôi sẽ thông báo cho đồng chí kết quả.
Tôi trả lời và đi ra cổng.
- Đồng chí đã tự ý hành động chẳng hỏi ý kiến tôi gì cả!
Phó Liêm Chương bỏ đi, vẻ khó chịu.
Phó Liêm Chương cho rằng tôi là thuộc cấp của ông và bắt tôi phải cung cấp tin tức tất cả những gì liên quan tới sức khoẻ của lãnh tụ. Phó Liêm Chương rất tự hào, có nhiều năm quan hệ tốt với Mao, tin rằng Chủ tịch sẽ nghe lời khuyên của ông ta. Nhưng thời thế đã đổi thay, giờ đây Mao lại tin tôi hơn.
Chủ tịch chờ tôi ở bể bơi, mời tôi ăn trưa với ông. Tôi bảo:
- Thuốc nên uống trước khi ăn.
Sau đó tôi rót 15 phân khối dung dịch 10% chloralhydrade vào chén đưa cho Mao. Ông uống một hơi, nói, cũng không khó uống, thậm chí còn giống rượu vang mà Mao hiếm khi dùng. Ông nói thêm:
- Bây giờ xem nó tác dụng ra sao!
Chúng tôi còn chưa kịp ăn xong bữa, thuốc đã bắt đầu ngấm. Mắt Mao đờ đẫn, ông bắt đầu thẫn thờ. Cuối bữa ông gần như không còn biết gì nữa. Tôi dìu ông vào phòng ngủ bên cạnh bể bơi, hai giờ chiều ông đã chìm trong giấc ngủ và ngủ một mạch hơn 10 tiếng đồng hồ.
Đến nửa đêm một vệ sĩ gặp tôi và với giọng ngưỡng mộ gọi tôi là phù thuỷ.
Khi tôi đến, ông vẫn còn nằm trên giường, mắt nhắm nghiền. Khi mở mắt, lấy thuốc lá và hỏi:
- Đồng chí cho tôi thuốc gì hay thế?
- Đây là một loại thuốc ngủ. Người ta biết nó từ thế kỷ thứ 12, tác dụng của nó đối với cơ thể đã được biết cặn kẽ. Không có chống chỉ định nào cả.
- Vì sao đồng chí không đưa thuốc này cho tôi từ trước?
Tôi giải thích:
- Người ta nói cho tôi rằng Chủ tịch không thích thuốc nước, ngoài ra, vị của nó khá đắng, khó uống, và gần đây trong kho chưa có thuốc này.
Thực ra giữa sodium amytal và chloralhydrade chẳng có gì khác nhau đáng kể. Đơn giản, Mao bị kích thích bởi những cơn mất ngủ đến nỗi trò quảng cáo thuốc của tôi, có thể, gây nên hiệu quả tâm lý thuần tuý.
Tôi cảm thấy Mao biết rõ chứng suy nhược thần kinh của ông do nguyên nhân tâm lý, ông tin vào hiệu quả của tác dụng thuần tuý tâm lý. Khi Mao còn nhỏ bị ốm nặng, mẹ ông đưa lên chùa, thắp hương quỳ lạy, cầu Trời Phật phù hộ độ trì cứu giúp đứa con bệnh tật của bà. Chẳng bao lâu sau, Mao hồi sức và khỏi bệnh.
Mao nói với tôi:
- Tôi luôn luôn chống lại việc phá đền phá chùa.
Trong khi đó những lãnh tụ cộng sản khác ra lệnh triệt phá chùa chiền trong cả nước. Chủ tịch nói tiếp:
- Những người nghèo khi đau ốm cần tìm sự giúp đỡ của trời phật mà họ tin tưởng. Họ cầu cứu Phật để chữa khỏi bệnh, nhưng thay vì thuốc men, họ chỉ cần được một nhúm tàn nhang làm thuốc thánh. Tuy thế thậm chí chỗ tàn hương đó cũng làm giảm bớt đau đớn, buồn phiền bởi họ đặt tất cả niềm tin vào nhúm tàn nhang đó, giúp họ vượt qua bệnh tật của chính mình, trả lại sức khoẻ cho họ. Chẳng lẽ thuốc ngủ lại không giống tàn nhang hay sao? Chẳng lẽ nó không làm tôi khỏi bệnh? Tôi cảm thấy rằng trong tủ thuốc của đồng chí hãy còn không ít thuốc thần diệu.
Sau cuộc độc thoại lạ lùng này, Mao tuyên bố:
- Bây giờ đồng chí có thể về nhà và ngủ một lúc đi. Tôi lại bắt tay vào công việc.
Từ đó Mao chỉ chấp nhận chloralhydrade và thường uống nó với seconal natri. Đến lúc này ông đã bắt đầu quen thuốc. Chúng không những giúp ông ngủ được, còn kích thích khẩu vị, thậm chí nó có tác dụng như ma tuý. Ông chuộng trạng thái lâng lâng gây ra bởi thuốc, ông thường dùng nó khi cần tiếp khách hay họp hành. Ông cũng không quên chúng cả trong các buổi dạ hội khiêu vũ.

Tổng số lượt xem trang