Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Tạp văn Lâm Hoàng Mạnh: Thật giả khôn lường

Bên gánh hoa tươi lộng lẫy

Yêu kiều nhan sắc cô hàng

Khách ở đâu đến đầy dẫy
Yêu hoa hay yêu cô nàng?
         (Hanoi 1962 L.H.M.)

Đầu thế kỷ XX có câu chuyện về cô hàng hoa, chuyện kể như sau. Sinh ra ở làng hoa Ngọc Hà, ngày ngày cô quẩy gánh hoa đi chợ, đẹp người đẹp nết bên những bông hoa sặc sỡ thơm hương nên gánh hoa của cô bao giờ cũng hết sớm. Thế rồi những ngày vui ấy cứ giảm dần khi gánh hoa của cô mỗi ngày một ít khách, không chỉ cô mà nhiều bạn hàng cũng chịu chung số phận.


Tìm hiểu nguyên nhân, hóa ra có người làm hoa giấy. Hoa giấy tuy không hương, ít sắc nhưng bền và rẻ hơn nhiều. Công nghệ hoa giấy phát triển mỗi ngày một tăng vì người ta bây giờ bắt đầu chuộng đồ giả.
Đến cuối thế kỷ XX, khi hoa nhựa ra đời, nghề trồng hoa dần dần tàn lụi, chả thế làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân “hân hạnh” được chính phủ CHXHCNVN lấy đất giao cho các nhà đầu tư trục lợi, kiếm lời nhiều hơn. Những vườn hoa và các gốc đào từ thời dựng nước nay được thay dần bằng những dẫy nhà cao, cao cao mãi… của các nhà tư bản Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Lùn và người làng hoa bây giờ chỉ còn biết ngồi chơi xơi nước và than thở dài dài, chờ ngày tiêu hết tiền đền bù rồi kiếm thêm chiếc gậy và cái bị, rủ nhau làm nghề cái bang cho xã hội ta thêm một giai cấp mới. Giai cấp Cái bang, nói một cách khác là Giai cấp ăn mày của thế kỷ XXI dưới chế độ Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam tươi đẹp! Chả thế ngày nay trên nhiều phố phường Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác ngoài những người nghèo khổ thực sự ngày ngày ngửa tay xin những người hảo tâm bữa cơm bát cháo sống lay lắt, còn có những kẻ bảo kê chăn dắt cụ già trẻ con đi ăn xin, nhiều đến nỗi năm 2014 chính quyền thành phố Đà Nẵng, nay lại tiếp đến chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ đầu năm 2015 Tây lịch đã phải ra lệnh “không cho tiền kẻ ăn mày”, hiểu một cách nôm na “không được giúp đỡ kẻ khốn cùng, mặc cho chết…. càng lẹ càng tốt”. Có nghĩa, từ nay những kẻ khốn cùng ở Sài Gòn hết đường kiếm miếng ăn bằng tình thương của đồng loại, nếu không chịu chết, họ chỉ còn con đường móc túi, cướp giật người đi đường để tồn tại. Và lúc ấy, xã hội Việt Nam lại có thêm giai cấp mới. Giai cấp cướp giật, móc túi! Vinh quang thay đất nước Việt Nam anh hùng đã từng “đánh thắng hai đế quốc to”!
Ngày nay hàng giả hàng nhái đầy rẫy trên mọi lĩnh vực, từ cái kính râm, cái túi xách tay, đồng hồ, đôi giầy, quần jean cho đến bộ ngực, cái mũi của các bà các cô cũng thành giả. Tìm của thật bây giờ khó quá.
Ngày xưa, cô gái trên sông Hương, được thi sĩ Tố Hữu than hộ:
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát, còn lành được không
?
Nhưng ngày nay, xin thưa, rách nát đến thế nào đi nữa, cũng chỉ cần có từ 3 đến 5 triệu Việt Nam đồng, đến phòng khám và chữa bệnh phụ khoa tư nhân ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, các bác sĩ sẽ “vá” lại như nguyên xi hay các cô tự vào cửa hàng thuốc tây bỏ ra 1 triệu đồng mua cái “màng trinh giả” tự gắn vào là trở thành “con gái nhà lành, đảm đang, ngoan ngoãn” hơn hẳn mấy cô hoa hậu, hoa hôi, hoa cứt lợn, người mẫu thời trang… chân dài tận nách vẫn thường chụp ảnh khoe vú, khoe đùi, khoe mông được các nhà báo, nhiếp ảnh mất nết, mất nhân phẩm, đứt thần kinh xấu hổ tung hô họ lên báo mạng, báo giấy và các đài truyền hình từ địa phương đến trung ương của đảng ta ngợi ca như anh hùng dân tộc Việt Nam thế kỷ thứ 21 này. Thế mới lạ cho cái văn hoá của nền Kinh tế thị trường “gắn đuôi” định hướng XHCN giống con khỉ đột! Và “cái trinh bây giờ chỉ đáng giá một chầu chữa Kẹt Nẹt cho các em” là OK. Đâu có đắt như cụ Nguyễn Du ra giá những “ngàn vàng” lá ở thế kỷ XVIII!
Thế kỷ XXI đã giúp cho các bà các cô một công nghệ tự lăng-xê mình bằng cách, cái gì tạo hóa ban cho mà không ưng theo ý thì cứ việc sửa, sửa cho đến khi hoàn mỹ theo ý muốn. Nâng vú, sửa cằm, xâm mắt xâm môi, sửa cả sẹo lồi sẹo lõm… như những mỹ viện ở Hồ Thành và Hà Thành quảng cáo trên truyền hình trong và ngoài nước (VTV4), nghe phèng phèng hơn cả mấy tay bán thuốc ê ngoài bến tầu bến xe thời mở cửa những năm 1980s, 1990s cuối thế kỷ 20 của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tuổi mới lớn, khi con tim bắt đầu có những nhịp đập bất thường, không bùm… tắc mà tự nhiên bùm bùm… tắc, có nghĩa là trái tim bắt đầu có thêm nhịp đập của tình yêu. Các bác sĩ gọi đó là nhịp (tim) ngoại tâm thu, nhịp tim này bình thường đối với lứa tuổi dậy thì. Nhưng các thiếu phụ hay các bà xồn xồn hay các ông tứ ngũ lục thất bát tuần… mà có nhịp tim bùm bùm… tắc này là phải đi khám chuyên khoa tim mạch ngay, không chừng mắc bệnh tim đấy, mặc dù bà đang thuê phi công trẻ hay ông đang ôm bồ nhí thì nhịp (tim) ngoại tâm thu cũng không dành cho quý bà quý ông thừa tiền rửng mỡ ở tuổi gần đất xa trời kia!
Mùa hè năm ấy ở tuổi đôi mươi, lần đầu tiên đến thăm người bạn gái cùng lớp trường y, vô tình gặp nàng đang nấu cơm, ra về tôi ao ước một ngày nào đó gặp nàng mà trong tim nàng có nhịp ngoại tâm thu để rồi nàng loạng choạng làm nồi cơm bị bén lửa:
Anh đến thăm em,
Em đang nấu cơm
Anh về
Cơm vẫn thành cơm.
Biết đến bao giờ
Anh về
Cơm bén.

(Hanoi 1963. LHM)
Sinh viên là thời kỳ vàng son của tuổi thanh niên và cũng là tuổi “chập chững buớc vào con đường tình ái”. Hè 1964, cô bạn gái lớp dưới giao hẹn “Về Hải phòng nghỉ hè khi lên anh nhớ mua quà tặng em đấy”.
Lời giao hẹn hay chính là mệnh lệnh của người đẹp? Nhất định rồi, nhất định phải có quà trao tận tay người đẹp sau 30 ngày xa cách. Mua gì tặng nàng đây? Ba mươi ngày nghỉ là 30 ngày bồn chồn lo lắng bởi “phận nghèo năm tháng muối dưa”.
Một sớm Chủ nhật, ghé qua Hiệu sách Ngoại văn phố Hoàng Văn Thụ, Hải phòng, thấy bày bán bưu ảnh trong đó có bức ảnh Bông Hồng Vàng tuyệt đẹp. Đột nhiên truyện ngắn Bông Hồng Vàng của nhà văn Nga Konstantin Paustowsky trở lại trong tâm trí. Truyện kể về môt người làm nghề hốt rác ở các tiệm vàng, sau 25 năm gạn lọc những đám bụi chứa vàng, anh ta đã gom góp được số lượng bụi vàng đủ để trả công và đánh thành một bông hồng vàng tặng cho người anh yêu. Truyện ngắn ấy còn có một nội dung sâu xa hơn, nhắc nhở về công việc của nhà văn, nhà thơ phải biết chắt chiu từng hạt bụi vàng rơi vãi trong cuộc sống để tạo lên những tác phẩm tặng cho Đời. Tôi tự nhủ, bưu ảnh này chắc nàng sẽ ưng ý nếu như phía sau bưu thiếp có bài thơ đề tặng.
Thế là bài thơ tình đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Bông Hồng Vàng
Biết em thích hoa hồng
Anh tìm hái một bông
Dấu trong tận đáy lòng
Để tìm em trao tặng
Đến sớm,
sợ thày me em mắng
Chờ khuya,
sợ hàng xóm họ bàn
Em ơi!
Hoa có lúc tàn
Trăng vàng có lúc úa
Không nói ra,
biết đến thuở nào đây.

(Hanoi hè 1964. LHM)
Bưu thiếp giá có 1 hào, nhưng vì có bài thơ đề tặng đã trở thành vô giá của món quà tình yêu. Thời ấy tình yêu của lũ sinh viên chúng tôi còn “hoang sơ” lắm, ban giám hiệu nhà trường biết sẽ bị cảnh cáo hoặc đuổi học, chẳng như ngày nay, sinh viên tự do sống thử vô tư như vợ chồng trong suốt 5 năm thời kỳ đại học.
Ngày nay, học sinh lớp 6, lớp 7 ở Việt Nam đã biết viết thư trách bạn cùng lớp “chồng ơi/vợ ơi” và vẫn áo quần đồng phục đưa nhau vào nhà nghỉ mà không ai chất vấn. Nhiều hoa hậu, người mẫu… lứa tuổi mười tám, đôi mươi được các đại gia tuổi bậc ông cha bảo kê, ôm eo đưa vào nhà nghỉ 5 sao, dạy cách bước vào đời hoan lạc!
Nếu một ngày đẹp trời, đôi tình nhân dựa vào vai nhau thủ thỉ tâm tình và lúc nào đó chàng vô tình phát hiện tất cả cái gì trên người nàng đều là của giả thì chàng nghĩ sao? Đôi môi chín mọng kia là do thứ dung dịch nàng bơm vào, đôi gò bồng đảo căng phồng có nhịp tim bùm bùm… tắc tắc đang ép sát vào ngực chàng là túi silicon, cái mũi dọc dừa là do vành sụn của tai nàng tạo thành. Cái ngàn vàng của nàng cũng đã vá lên vá xuống vài bận… tóm lại tất cả, tất cả cái gì mà nàng có đều là của giả… thì chàng trai, đứng bật dậy, ngửa mặt lên trời, hai tay nắm chặt, giơ lên cao, thét lên rằng:

“Than ôi! Thời lương thiện nay còn đâu!”

Tổng số lượt xem trang