Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Bài viết đặc biệt: Đảng Cộng sản Trung Quốc vùng vẫy trước nguy cơ sụp đổ đang đến gần

-Bài viết đặc biệt: Đảng Cộng sản Trung Quốc vùng vẫy trước nguy cơ sụp đổ đang đến gần Trần Trung Đạo: Trung Cộng sẽ đổ và bài học Latvia cho người Việt Nam
Ngân sách quốc phòng của Trung Cộng khác nhau tùy theo nguồn ước lượng. Theo công bố chính thức của Trung Cộng, ngân sách quốc phòng năm 2014 là 131.5 tỉ đô la nhưng theo Stockholm International Peace Research Institute năm 2013 Trung Cộng đã dành 188 tỉ đô la cho chi phí quốc phòng. Trung Cộng có quân đội hiện dịch 2.3 triệu quân với 500 ngàn quân trừ bị. Trung Cộng có kho vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân và hiện đại hơn tất cả các quốc gia khác ở Á Châu. Cho dù tối tân và đông đảo bao nhiêu cũng không thể so với 27 ngàn đầu đạn nguyên tử, các hạm đội hùng mạnh và 250 sư đoàn bộ binh trang bị tận răng của Liên Xô trước ngày 25 tháng 12 năm 1991. Nhưng Liên Xô đã đổ, rồi Trung Cộng cũng phải đổ. 


Bao giờ Trung Cộng đổ?

Gordon Chang, nhà phân tích kinh tế chính trị đã làm việc 20 năm tại lục địa Trung Quốc, trong tác phẩm The Coming Collapse of China xuất bản 2001 tiên đoán Trung Cộng sẽ đổ vào năm 2011. 

Lý do, theo Chang trong phần hỏi đáp về tác phẩm của ông, đã viết: “Mao Trạch Đông, người sáng lập ra Trung Cộng, xây dựng một xã hội bất bình thường và cô lập chính nó từ các quốc gia khác. Hệ thống đó có thể tồn tại mãi cho đến khi Trung Cộng biệt lập từ thế giới, nhưng những người kế tục Mao đã tìm cách mở cửa ra thế giới bên ngoài. Khi một quốc gia trở nên hội nhập nhiều hơn với các quốc gia khác, một lực đẩy áp dụng cho toàn thế giới – chính trị, kinh tế và xã hội – cũng ảnh hưởng Trung Cộng. Tại một điểm trong tiến trình này, hệ thống bất bình thường của Mao sẽ bị bỏ rơi vì về căn bản không thích hợp với vai trò mà Trung Cộng tìm kiếm trong hệ thống quốc tế. Một thời gian ngắn, chính phủ Trung Cộng sẽ không còn khả năng để đáp ứng với các thách thức của một xã hội mở rộng và năng động”.
Trung Cộng không đổ như Gordon Chang đoán. 

Thận trọng hơn Gordon Chang, công ty Strafor, một công ty thông tin tình báo chiến lược toàn cầu hiện do George Friedman làm Chủ tịch Chấp hành, trong Dự đoán Thập niên công bố ngày 21 tháng Giêng, 2010 cho rằng nền kinh tế Trung Cộng sẽ đổ trong vòng 10 năm tới. Trả lời thay mặt cho Strafor, Peter Zeihan, phó chủ tịch công ty, giải thích lý do: “Chúng tôi đã phân tích vấn đề này trước đây về một hệ thống kinh tế Trung Quốc bất ổn và chúng tôi nghĩ sự bất ổn đó đạt điểm vỡ khi các mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc bùng ra và tan nát”.

Bước vào năm thứ năm của thập niên, Trung Cộng vẫn chưa đổ theo ước tính của Strafor.

Tuy nhiên, dù không xảy ra như Gordon Chang dự đoán hay chưa xảy ra như Strafor ước tính, cả hai và rất đông các nhà phân tích kinh tế chính trị, đều có một nhận xét căn bản rất giống nhau rằng Trung Cộng sớm muộn cũng sẽ đổ vì phải đương đầu với những khó khăn không thể vượt qua.

Những vấn đề của Trung Cộng

Dân số già nua

Dân số tại các quốc gia tiên tiến có khuynh hướng tăng chậm và điều này có nghĩa tỉ lệ người cao tuổi ngày tăng cao so với thế hệ vừa sanh. Thế nhưng, tại Trung Cộng mức độ chênh lệch đó cao nhất trên thế giới. Giai đoạn hòa bình sau năm 1949 với chính sách kiểm soát dân số còn tương đối lỏng lẻo là cơ hội cho một số rất đông dân được sinh ra. Lớp người này sau đó trở thành lực lượng lao động chính trong giai đoạn hội nhập vào thế giới đầu thập niên 1980, giúp thúc đẩy nền kinh tế và giữ chi phí y tế an sinh xã hội thấp. Người dân trong giai đoạn này làm nhiều nhưng tiêu ít. Điều kiện đó đang bị đảo ngược. Hiện nay Trung Cộng là xã hội tiêu thụ nhưng có ít trẻ con hơn người già. 

Theo ước tính của đề án PewResearch Global Attitues Project, năm 2050 Trung Cộng sẽ chỉ tăng 25 triệu so với 400 triệu của Ấn Độ. Các phân tích dân số ước tính Trung Cộng đang trở nên quốc gia không chỉ già nhất thế giới mà còn già nhanh nhất thế giới. Trong thời gian vài năm nữa, Trung Cộng sẽ là viện dưỡng lão khổng lồ. Một quốc gia già nua có nghĩa các chi phí an sinh xã hội, dịch vụ y tế cũng gia tăng một cách tương ứng và là một gánh nặng không chịu nổi cho đất nước 1.4 tỉ dân. Lực lượng lao động phần lớn được dùng trong giai đoạn sản xuất dây chuyền, thiếu sáng tạo kỹ nghệ mang tính tiên tiến và khai phá. Phần lớn hàng hóa, dù tiêu dùng hay kỹ thuật cao cấp cũng được phát minh, sáng chế từ nước khác. 

Tham nhũng

Tham nhũng xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới nhưng tại các nước do đảng CS cai trị tham nhũng không chỉ trầm trọng mà còn có tính đảng. 

Gọi là tính đảng bởi vì tình trạng tham nhũng phát sinh ngay trong lòng cơ chế chính trị, do cơ chế nuôi dưỡng, tràn lan sang các bộ phận của hệ thống và dần dần làm hư thối toàn xã hội. Từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào đều đưa mục tiêu chống tham nhũng lên hàng đầu nhưng cả hai đều biết tham nhũng sẽ tồn tại cùng với sự tồn tại của đảng CS. Các chương trình chống tham nhũng “đầu voi đuôi chuột” được phát động ồn ào và đầu hàng chỉ sau 18 tháng. Lý do, bịnh ung thư tham nhũng lan quá rộng và quá sâu đến các bộ phận sinh tử của đất nước, nhất là trong quân đội. 

Sự phân cách giàu nghèo xảy ra tại hầu hết các nước phát triển, trong đó, một vài phần trăm người dân sở hữu một nguồn lớn của cải xã hội. Tại Trung Cộng, chỉ một phần trăm trong tổng số trên một tỉ người sở hữu 40 phần trăm của cải. Điều khác giữa Trung Cộng và các quốc gia tư bản là số tài sản mà một phần trăm nắm giữ tại Trung Cộng là do tham ô, hủ hóa, là máu xương, mồ hôi nước mắt của người dân làm ra.

Thiếu tính chính danh lãnh đạo đất nước

Theo tác giả Ross Terrill trong tác phẩm The New Chinese Empire tại Trung Cộng chủ quyền của con người không tồn tại ngay cả trong lý thuyết chứ đừng nói chi là thực tế. Mọi quyền hạn đều tập trung trong tay đảng nhưng không ai bầu đảng CS, không ai trao cho đảng quyền lãnh đạo. Trong thời kỳ mới mở cửa, người dân tập trung xây dựng cuộc sống sau khi vừa bước ra khỏi thời tem phiếu nên có khuynh hướng chấp nhận hay không quá quan tâm đến việc ai lãnh đạo mình nhưng thái độ đó đang thay đổi nhanh chóng. 

Tại Trung Cộng không có một cơ quan, đoàn thể xã hội nào mà không đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CS. Mặc dù quốc gia có nhiều ngàn tờ báo nhưng không có tờ báo nào đưa vấn đề chính sách ra bàn cãi. Khi mức độ hội nhập vào thế giới gia tăng sự bất mãn trong quần chúng đối với đảng và nhà nước CS cũng gia tăng. Theo giáo sư David Shambaugh, đại học George Washington, mức độ trấn áp hiện nay tại Trung Cộng lên cao nhất kể từ năm 1989.

Bất ổn xã hội

Theo Gini Index, tiêu chuẩn đo lường mức độ mất cân xứng trong việc phân phối lợi tức gia đình, Trung Cộng là một trong số mười phần trăm mất cân xứng nhất trên thế giới. Hiện nay các sinh viên tốt nghiệp đại học không có công ăn việc làm tốt như các thế hệ sinh viên trước đây. 

Các thành phần giàu có đang tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài để mua tài sản cố định và tìm cách định cư. Theo thống kê của Shanghai ‘s Hurun Research Institue thực hiện vào tháng Giêng, 2014, có đến 64 phần trăm trong số 393 người giàu có được thăm dò đang tính hay sẽ tính di chuyển ra nước ngoài. Mỗi năm tại Trung Cộng có 200 ngàn cuộc biểu tình trong các mức độ và hình thức khác nhau, từ những cuộc biểu tình đẫm máu ở Tây Tạng, Xinjiang cho đến các đình công nhỏ trong các công ty. 

Xã hội bưng bít Trung Cộng không thể thích nghi với thế giới luôn đổi thay và sinh động. Các chính sách tự diễn biến trong suốt 25 năm qua của các lãnh đạo Trung Cộng đều có tính cách chiến thuật, phòng thủ, vá víu từng giai đoạn. Trung Cộng gặp ít nhiều may mắn về cung ứng hàng hóa rẻ cho thị trường thế giới trong giai đoạn đầu của toàn cầu hóa nhưng về lâu dài khi mức cung cầu được bão hòa, mức độ phát triển kinh tế sẽ chậm lại. Các lãnh đạo Trung Cộng biết điều đó nhưng biết là một chuyện mà vượt qua được hay không là chuyện khác. Đổi mới quá xa Trung Cộng sẽ trở thành Liên Xô năm 1991 mà không đổi mới cách mạng cũng sẽ bùng vở từ trong lòng quần chúng. 

Ô nhiễm

Đây là lãnh vực mà Trung Cộng giữ kỷ lục hàng đầu thế giới trong nhiều năm chưa có đối thủ tranh giành được. Điều kiện an toàn hầm mỏ, Trung Cộng cũng được vào mức tệ hại nhất thế giới. Nước, không khí, kỹ nghệ bị ô nhiễm là nguồn của các bịnh ung thư và các bịnh liên quan đến bộ phận hô hấp. Tuy che đậy, chính phủ Trung Cộng phải thừa nhận 70% sông, hồ bị ô nhiễm. Năm 2007, World Bank trong một tổng kết đã tố cáo tình trạng ô nhiễm tại Trung Cộng là lý do cho 760 ngàn trẻ em chết non và các bệnh hô hấp khác. 

Hai tác giả Joseph Kahn và Jim Yardley của New York Times trong bài điều tra năm 2007 cho rằng tình trạng ô nhiễm đe dọa vai trò lãnh đạo của đảng CSTQ. Cũng theo bài điều tra này, 500 triệu người dân Trung Quốc không có nước uống an toàn vệ sinh. Chỉ vỏn vẹn 1 phần trăm dân chúng thở không khí với mức độ trong lành tương tự như một người dân Âu Châu thở. Đảng và nhà nước CSTQ công bố hàng loạt các chương trình bảo vệ môi trường nhưng không đạt kết quả bởi vì người dân không có quyền góp ý và báo chí không được phép phê bình.

Chủ trương của Mỹ trước viễn ảnh Trung Cộng đổ: một chính sách hai phương cách (dual-track policy) 

Vì có nhiều ẩn số chưa giải đáp nên không ai có thể có một câu trả lời dứt khoát Trung Cộng sẽ chuyển hóa qua tự do dân chủ trong hòa bình hay sẽ trở thành một hay nhiều nước tự do sau một cuộc chiến tranh đẫm máu. Để đáp ứng cả hai tình huống, Mỹ áp dụng một chính sách hai phương cách (dual-track policy) đối với Trung Cộng. 

Giáo sư Aaron L. Friedberg, thuộc đại học Princeton và nguyên Phụ tá An ninh Quốc gia tại văn phòng Phó Tổng Thống vào năm 2005, giải thích chính sách này gồm hai mặt: vừa hợp tác xuyên qua ngoại giao, mậu dịch, khoa học kỹ thuật và văn hóa giáo dục nhưng đồng thời cũng tăng cường quân sự để đáp ứng với sự gia tăng quân sự của Trung Cộng trong vùng Đông Á qua các hợp tác quân sự với Úc, Nhật, Nam Hàn và Philippines. 

Khả năng tốt đẹp nhất cho Mỹ và nhân loại là thông qua mậu dịch và hợp tác, Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Cộng từng bước chuyển hóa sang xã hội tự do. Tuy nhiên, sau mấy chục năm theo đuổi từ Nixon đến Obama, mục đích giải phóng chính trị trong hòa bình cho Trung Cộng ngày càng xa thêm. 

Sự thất bại của chủ trương một chính sách hai phương cách (dual-track policy)

Chủ trương chính sách hai phương cách (dual-track policy) với Trung Cộng đã chứng tỏ không thành công. Mặc dù không công khai tuyên bố, mục đích của Trung Cộng là làm bá chủ biển Đông, và điều đó đi ngược lại quyền lợi tối quan trọng của Mỹ và đông minh tại Á Châu.

Về mặt đối nội, cải cách chính trị sẽ diễn ra tại Trung Cộng trước mắt cũng như lâu dài. Kinh nghiệm đổi mới tại Liên Xô trước năm 1991 cho lãnh đạo CSTQ biết đổi mới quá đà sẽ dẫn đến những phản ứng xã hội ngoài tầm kiểm soát của đảng. 

Về mặt bang giao quốc tế, Trung Cộng không hành xử với tư cách một cường quốc có trách nhiệm, cụ thể qua việc Bắc Hàn thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa và việc Iran thí nghiệm nguyên tử. Ngoài ra, trong lúc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng, Trung Cộng lại gia tăng với mục đích nắm phần ưu thế, ít nhất tại vùng Đông Á Châu. Lãnh đạo Trung Cộng mặc dù mạnh về kinh tế nhưng luôn sống trong nỗi bất an bị Mỹ bao vây và lật đổ. 

Cách mạng bạo động

Lịch sử Trung Quốc cho thấy rất ít khi một biến cố chính trị diễn ra trong êm đẹp. Khả năng rất thấp cho một cuộc cách mạng nhung, cách mạng da cam, hoa lài diễn ra tại Trung Cộng. Cách mạng tại Trung Cộng sẽ là cách mạng máu. Vũ khí của giới cầm quyền dù có hiện đại bao nhiêu cũng không thể ngăn chận được sức mạnh của toàn dân khi họ đã quyết tâm đứng dậy.

Một yếu tố mà lãnh đạo Trung Cộng không dự đoán được là sự phẩn uất bùng nổ của 1.4 tỉ dân. “Năm nọc độc” như bộ máy tuyên truyền Trung Cộng gọi gồm Đài Loan, Tây Tạng ly khai, thiểu số Uighurs, Falun Gong, các nhà tranh đấu dân chủ, trong đó bốn “nọc độc” nằm ngay trong lục địa và sẽ trở thành lực lượng quyết định số phận của đảng CSTQ. 

Mặc dù phong trào CS trên phạm vi thế giới không còn tồn tại, sự cách ngăn về ý thức hệ giữa Mỹ và Trung Cộng quá lớn để đặt qua một bên bởi vì ý thức hệ ảnh hưởng đến sự tin tưởng giữa hai chính phủ. Điều rõ ràng rằng nếu Trung Cộng là một quốc gia dân chủ, sự xung đột quyền lợi sẽ không trầm trọng như xung đột giữa Mỹ dân chủ tự do và Trung Quốc độc tài CS. Khi cách mạng bùng nổ, Mỹ và Tây Phương, vị lợi ích kinh tế chính trị, sẽ ủng hộ các lực lượng dân chủ. 

Phản ứng của lãnh đạo Trung Cộng trước thời điểm đổ

Sinh mạng của chế độ CSTQ gắn liền với phát triển kinh tế. Từ 1980 đến 2011 nền kinh tế Trung Cộng tăng trưởng trung bình 10 phần trăm mỗi năm. Mức phát triển đó không bao giờ trở lại. Nhà phân tích Bob David của tờ The Wall Street Journal nhận định trong mười năm tới kinh tế Trung Cộng chỉ phát triển từ 3.9 phần trăm. Một số nhà phân tích khác bi quan hơn khi cho rằng kinh tế Trung Cộng chỉ tăng 1.6 đến 1.7 phần trăm. Mức phát triển đó là một mức chậm tại các nước kỹ nghệ nhưng là một tai họa nếu xảy ra tại Trung Cộng. 

Điều gì sẽ xảy ra? Trung Cộng theo lý thuyết buộc sẽ giảm cường độ các xung đột và tranh chấp với các nước láng giềng để tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, theo Andy Morimoto phân tích trong Can China Fall Peacefully? đăng trong The National Interest ngày 19 tháng 11, 2014, lúc đó Trung Cộng sẽ phát động chiến tranh để hợp thức hóa vai trò lãnh đạo của đảng CS. 

Bằng chứng, trong thập niên 1950, Trung Cộng thay vì tập trung tái thiết kinh tế sau cuộc chiến tranh dài, đã phát động chiến tranh Triều Tiên để củng cố vai trò của đảng. “Sự xúi dục của nước ngoài” thường là bình phong để thanh trừng nội bộ đảng. Edward Wong, sử gia về Trung Quốc, trên New York Times ngày 11 tháng 11, 2014 trong bình luận In New China, ‘Hostile’ West Is Still Derided, Tập Cận Bình trong khi trải thảm đỏ chào đón TT Mỹ Barack Obama, cùng lúc đã ca ngợi blogger Zhou Xiaoping như có “tinh thần tích cực” vì blogger này đã viết bài chống Mỹ. 

Cũng theo Andy Morimoto, làm việc tại Hội Đồng Chicago Về Các Vấn Đề Thế Giới, “viễn ảnh hòa bình tại Á Châu không nhiều hứa hẹn” và ông đề nghị chính phủ Mỹ thay vì dùng hai phương cách nên tập trung vào việc tăng cường quân sự tại Á Châu bởi vì tiên đoán hợp lý nhất vẫn là chiến tranh sẽ bùng nổ trong tương lai.

Lối thoát của Việt Nam

Để giới hạn hay giảm nhẹ mức ảnh hưởng của chiến tranh, chọn lựa duy nhất của Việt Nam là phải thoát ra khỏi quỹ đạo Trung Cộng trước khi Trung Cộng đổ. Không có cánh cửa nào khác hơn là dân chủ. Tuy nhiên lãnh đạo CS Việt Nam không có khả năng đưa đất nước ra khỏi quỹ đạo Trung Cộng bằng con đường dân chủ. 

Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại Moscow giữa tháng Giêng 1950, đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng. Từ đó, CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả cách nói, cách ăn, cách mặc. Đọc các tài liệu quốc tế trong thời kỳ chống Pháp để thấy Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn ngày, chọn tháng cần phải chiếm cho được Điện Biên Phủ. Máu xương của bao thanh niên Việt Nam đổ xuống trong chiến tranh chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh có thể phát xuất từ lòng yêu nước chân thành nhưng đã bị CSVN và CS quốc tế lợi dụng từng nắm xương, từng giọt máu. 

Và hôm nay, Trung Cộng là mảnh ván duy nhất còn lại để lãnh đạo CSVN bám vào. Dù thỉnh thoảng vẫn giả giọng hát bài ca yêu nước, thương dân, lãnh đạo CS biết không có mảnh ván Trung Cộng, chế độ CSVN sẽ chìm. Chọn lựa duy nhất cho một Việt Nam dân chủ vẫn thuộc về các thành phần Việt Nam yêu nước và không Cộng Sản.

Bài học Latvia độc lập dân chủ trước khi Liên Xô đổ

Latvia là quốc gia nhỏ, hiện theo thể chế Cộng Hòa vùng Baltic, thủ đô Riga, có dân số thống kê năm 2010 là 2 triệu người, có chung biên giới với Estonia, Lithuania, Belarus và Nga. Latvia độc lập năm 1918, nhưng bị Liên Xô chiếm năm 1940, bị Đức Quốc Xã chiếm năm 1941, bị Liên Xô chiếm lần nữa năm 1944 và sau đó trở thành nước CS trong hệ thống Liên Xô mãi cho đến khi chính thức độc lập năm 1991. Trước khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, Latvia là quốc gia có mức phát triển kinh tế nhanh nhất Châu Âu. GPD trên đầu người năm 2013 của Latvia là 15,375 đô la. Hiện nay, Latvia hội viên của NATO, Liên Hiệp Châu Âu (EU), WTO, UN, IMF và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Bằng việc chấp nhận Tuyên Bố về Tái Lập Nền Độc Lập của Cộng Hòa Latvia (The Declaration on Restoration of Independence of the Republic of Latvia), Latvia chính thức thoát ra khỏi quỹ đạo Liên Xô ngày 4 tháng 5 năm 1990, hơn một năm rưỡi trước khi Liên Xô đổ. 

Lãnh đạo của nền cộng hòa Latvia khẳng định họ không phải là một nước cộng hòa tân lập mà kế tục chế độ cộng hòa được thành lập từ 1918. Mặc dù đại đa số thành viên bỏ phiếu hay chấp nhận bản tuyên bố chưa sinh ra trong giai đoạn lịch sử 71 năm trước đó, họ biết rằng lịch sử Latvia là một giòng sông, có lúc êm đềm, có khi gềnh thác nhưng liên tục chảy. Giọt nước Latvia của thời điểm 1990 đã bắt đầu từ thượng nguồn Latvia năm 1918 đầy hy sinh gian khổ qua tay Hitler và Stalin, hai lãnh tụ độc tài tàn ác nhất trong lịch sử loài người. 

Mặc dù hiện nay Latvia có nhiều đảng, tổ chức chính trị nhưng trong thời điểm 1990, các lãnh đạo phong trào dân chủ Latvia theo đuổi các mục tiêu hết sức cụ thể và sáng suốt: 

(1). Tập trung mọi thành phần dân tộc dưới một mặt trận duy nhất là Phong Trào Dân Tộc Latvia (Latvian People’s Front) nhằm theo đuổi chỉ một mục tiêu là loại bỏ chế độ CS tại Latvia và thoát khỏi quỹ đạo Moscow.

(2). Kế tục nền Cộng Hòa đã ra đời năm 1918 thay vì thành lập quốc gia mới.

(3). Dứt khoát đứng về phía Tây Phương dân chủ ngay từ ngày đầu tuyên bố độc lập để sau đó được trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu (European Union) và thành viên của NATO.

(4). Vận dụng nhưng không bị gạt gẫm trước mọi cải tổ kinh tế chính trị của Mikhail Gorbachev.

(5). Từ chối đề nghị của Boris Yeltsin tham gia vào Khối Thịnh Vượng chung cùng với 11 quốc gia cựu Liên Xô trong hội nghị tại Kazakhstan để rồi khối này bị cuốn vào vòng kiểm soát của Nga cho đến hôm nay. 

Trong số 138 đại biểu bỏ phiếu chấp thuận bản Tuyên Bố về Tái Lập Nền Độc Lập của Cộng Hòa Latvia buổi sáng ngày 3 tháng 5 năm 1990 không phải đều có một quá khứ giống nhau nhưng cùng chia sẻ một ước vọng tương lai tươi đẹp cho dân tộc họ. Dân số Latvia chỉ vỏn vẹn 2 triệu người nhưng đã thắng Liên Xô hùng mạnh gấp ngàn lần hơn bởi vì không có sức mạnh nào mạnh hơn sức mạnh của đoàn kết dân tộc. 

Mọi chế độc chà đạp lên quyền con người sớm hay muộn đều phải đổ. Ismail Enver Pasha của Ottoman, Hitler của Đức Quốc Xã, Lenin, Stalin và các lãnh đạo CS Liên Xô, Mengistu Haile Mariam của Ethiopia v.v.. đã đổ, các quốc gia toàn trị còn lại như Trung Cộng, CSVN rồi cũng sẽ phải đổ. Một người yêu nước, khôn ngoan, thức thời là người biết chọn một chỗ đứng, một hướng đi về phía dân tộc để tranh đấu và nếu cần để chết vì tương lai tự do, dân chủ và thịnh vượng cho con cháu mai sau.

Trần Trung Đạo

Tham khảo:

1. Yang Kuisong, Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 1949-1973, Woodrow Wilson International Center for Scholar, 2002
2. Jung Chang and Jon Halliday, Mao: The Unknown Story, Anchor Books, November 14, 2006 
3. Gordon Chang, The Coming Collapse of China. Author Q&A, why will China Collapse?
4. STRATFOR'S TOP PREDICTIONS FOR THE NEXT DECADE: China Collapse, Global Labor Shortages, New American Dominance.(http://www.businessinsider.com/stratfor-predictions-for-the-next-decade-2010-1)
6. David Shambaugh, China at the Crossroads: Ten Major Reform Challenges, George Washington University, October 1 2014(http://www.brookings.edu/~/media/research/files/papers/2014/10/01%20china%20crossroads%20reform%20challenges%20shambaugh%20b.pdf)
7. Pollution in China, Wikipedia.org
8. Steven Metz, U.S. Military Must Prepare for China’s Rise—and Fall , World Politics review, April 23, 2014
9. Bucking Beijing, An Alternative U.S. China Policy (http://www.foreignaffairs.com/articles/138032/aaron-l-friedberg/bucking-beijing)
10. Chinese Military , The Lowy Institute.(http://www.lowyinstitute.org/issues/chinese-military)
12. List of countries by military expenditures(http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_military_expenditures)
13. How Democracy is Latvia, Commission of Strategic Analysis, Latvijas Universitate, 2005(http://www.szf.lu.lv/fileadmin/user_upload/szf_faili/Petnieciba/sppi/demokratija/Demokrat_en.pdf)
14. On the Restoration of Independence of the Republic of Latvia(http://en.wikipedia.org/wiki/On_the_Restoration_of_Independence_of_the_Republic_of_Latvia)
15. Latvia 1990-2010 Twenty years of independence(http://latvianhistory.com/2010/05/05/latvia-the-20-years-of-indep/)

Tổng số lượt xem trang