Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 27


-

Chương 27

Trong lúc chúng tôi lưu lại Thành Đô chiến dịch làm trong sạch đảng được tăng cường. Ông bạn Lâm Khắc của tôi, người có nhiệm vụ báo cáo nội dung Bản tin Nội bộ ra hàng ngày và kèm thêm Mao học tiếng Anh, một trong những người đầu tiên nằm trong tầm ngắm. Khi vừa biết bị tố cáo, Lâm Khắc liền rời Thành Đô. Ông phải có mặt ở Bắc Kinh để đích thân bào chữa.

Trong thời kỳ này, người ta biết vụ “Những lá cờ đen”, một sự kiện đáng lưu ý nhất, rối rắm nhất tôi được chứng kiến từ trong nội bộ. Sự kiện này đã làm hại thanh danh, sinh mạng của nhiều người nhưng nó đã giúp tôi rút ra bài học xương máu.

Một trong những nguyên nhân gây ra việc kéo bè kết cánh trong đảng đã làm Mao tức giận là cách thức bổ nhiệm những chức vụ về chính trị. Đó cũng là lý do dẫn đến những mưu đồ chính trị phức tạp, sinh ra vụ Lá cờ đen. Vấn đề là trách nhiệm của từng cán bộ. Nếu một cán bộ đảng ở Trung Quốc, đề cử một người nào đó giữ một chức vụ, mặc nhiên người đó phải chịu trách nhiệm về những việc làm của người đã đề cử. Thể thức này chỉ có tác dụng khi người được bổ nhiệm tuyệt đối trung thành với cấp trên, phải chấp hành mệnh lệnh ngay cả khi họ là người hiểu biết hơn. Đối với đảng viên, điều lệ quan trọng nhất là kỷ luật, tuyệt đối phục tùng cấp trên, chấp hành sự lãnh đạo của đảng và chỉ thị của cán bộ cấp cao hơn. Đảng và cấp trên luôn luôn đúng. Phê bình cấp trên là vi phạm toàn bộ các điều lệ, đảng viên nào cũng phải nhớ. Công kích cấp trên của mình cũng tệ hại như công kích đảng. Trung thành là đức tính tối cần thiết.
Sự phục tùng sẽ được trả giá bằng sự bao che. Vì cấp dưới phải thi hành mệnh lệnh của cấp trên, nên cấp trên phải bảo vệ cấp dưới trước sự công kích. Hậu quả, tất cả những phản ứng hướng vào các quan chức cao cấp trong đảng lại nhắm vào cấp dưới. Nếu một cán bộ đảng cấp dưới bị chỉ trích về những sai lầm, dĩ nhiên cấp trên của người đó cũng bị liên luỵ. Những cuộc đấu đá chính trị triền miên tôi được chứng kiến nhiều năm ròng luôn luôn bắt đầu từ lớp cán bộ trung cấp – theo hệ thống phân cấp trong đảng. Nếu muốn đả kích những cán bộ đảng cao cấp, trước tiên người ta tấn công cấp dưới của họ.
Mao kịch liệt bác bỏ cách thức này, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu cảnh giác, thiếu dũng cảm đấu tranh trong đảng. Ai cũng tìm cách đẩy trách nhiệm cho cấp cao hơn và vì sai lầm nào cũng đều bị xử lý nghiêm khắc, nên tinh thần sáng tạo, tính độc lập và lòng quả cảm bị hạn chế. Ai bị hạ bệ, sẽ kéo theo cả thủ trưởng, cấp dưới của người đó và nhiều người khác. Một cán bộ đảng để cho một cấp dưới phạm sai lầm thì những cấp dưới khác của người đó cũng phạm sai lầm như vậy.
Mùa thu năm 1957. Mao phục hồi chiến dịch làm trong sạch đảng để đập tan lối kết bè kéo cánh này. Ông khuyến khích những cán bộ đảng cấp dưới hãy vạch ra những sai lầm của cấp trên, đặc biệt sự bảo thủ vốn được coi là “hữu khuynh”.
Lời hiệu triệu khác thường đã làm những đảng viên cấp thấp lo ngại. Điều gì sẽ xảy ra nếu việc phê bình của họ không được ủng hộ, nếu vị lãnh đạo đảng bị phê bình kia vẫn được tại chức? Ông ta có thể sẽ trả thù với chức vụ, quyền hạn trong tay. Ông ta sẽ đẩy những người phê bình ông xuống địa ngục. Người ta đã rút ra được bài học từ chiến dịch “chống hữu khuynh”, vì thế đa số các đảng viên không dám lên tiếng.
Dĩ nhiên, tôi cũng im lặng. Tuy tôi có vấn đề với Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều nhưng cũng chẳng bao giờ phản ứng lại họ.
Một số nhân viên ở Trung Nam Hải đã lên tiếng phê bình. Tám thư ký chính trị làm việc trong Văn phòng trung ương của Dương Thượng Côn đã liên kết với nhau chỉ trích Hà Tài, phó phòng của họ. Họ đã lên án Hà Tài thường vơ hết công trạng và đổ mọi tội lỗi cho cấp dưới khi thất bại. Ngoài ra, còn buộc tội ông ta nịnh trên nạt dưới. Nhưng Hà Tài đã đổ trách nhiệm cho cấp trên, quả quyết người quyết định mọi việc không phải ông, mà là Dương Thượng Côn, thủ trưởng, người có chức vụ cao hơn ông rất nhiều theo cấp bậc trong đảng.
Lâm Khắc, nhân vật chủ chốt trong nhóm 8 người phê bình cấp trên.
Khi quy cho Hà Tài có tư tưởng hữu khuynh, theo lối lý luận như đã nói ở trên, chẳng khác nào buộc tội Dương Thượng Côn. Và như vậy rất nguy hại về chính trị. Hà Tài cũng quả quyết, phê bình cá nhân ông cũng đồng nghĩa với việc lên án đảng và chính tám người phê bình kia mới thực là những kẻ hữu khuynh. Ông kêu gọi những nhân viên khác của Văn phòng thư ký chính trị lên tiếng chống lại tám người đối nghịch đó và tung tin đồn, Điền Gia Anh, bạn tôi, một trong những thư ký của Mao và phó Văn phòng của Hà Tài đã xúi giục những người này lên tiếng phê bình. Tháng ba, trong lúc chúng tôi đang ở Thành Đô, Hà Tài đã tập hợp quanh mình nhiều người ở Văn phòng trung ương, đến nỗi tám người phê bình kia công khai bị coi là Nhóm hữu khuynh đối nghịch với đảng và chủ nghĩa xã hội.
Mãi tới khi hội nghị ở Thành Đô kết thúc, Lâm Khắc trở về Bắc Kinh, tôi mới biết được mức độ nghiêm trọng của những lời buộc tội. Tôi và Mao rời Thành Đô đến Trùng Khánh, sau đó đi tàu thuỷ dọc theo sông Dương Từ, nghỉ lại ở Vũ Hán, nơi đã có lần người ta nói về dự án đập thuỷ điện. Đầu tháng tư chúng tôi đi tiếp đến Quảng Châu. Diệp Tử Long và Điên Gia Anh đã chờ chúng tôi ở đó. Tôi biết, Dương Thượng Côn đã quyết định đình chỉ công tác của tám vị thư ký, ra lệnh cho họ phải viết bản “tự kiểm điểm”, trong đó có Lâm Khắc. Người ta tiếp tục điều tra những hoạt động chống đảng của họ.
Điền Gia Anh lo lắng. Biết những lời buộc tội chắc chắn sai, nhưng ông lâm vào tình trạng khó xử. Là một trong những phó Văn phòng thư ký chính trị, chức vụ của ông ta ngang với Hà Tài. Như vậy tám nhân viên kia cũng là cấp dưới. Người ta xì xầm ông đứng đằng sau 8 người, ông lo có thể sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra. Tuy muốn trình bày vấn đề này với Mao, nhưng sợ rằng như vậy sẽ còn gặp nhiều phiền phức hơn. Cũng như tất cả các nhân viên của Nhóm Một, Điền Gia Anh phục vụ hai chủ. Một, ông làm việc trực tiếp với Mao, nhưng đồng thời cũng phải phục tùng chỉ thị chung của Văn phòng trung ương đảng. Nếu trực tiếp nói những tâm tư riêng cho Mao biết, sẽ bị kết tội dám qua mặt Dương Thượng Côn và Văn phòng trung ương.
Tôi lo ngại cho Lâm Khắc. Tôi cũng quen biết tám người bị buộc tội, nhưng đặc biệt gần gũi với Lâm Khắc hơn. Trong những năm qua, chúng tôi đã cộng tác chặt chẽ với nhau và trong các chuyến đi chúng tôi thường ở chung một phòng. Là thư ký của Mao, Lâm Khắc đang giữ chức vụ mà đã có lần Mao đề nghị tôi làm. Tôi hoàn toàn có thể đảm nhận được nhiệm vụ của ông, nếu tôi nhận lời. Tính cương trực của Lâm Khắc đôi khi cũng dễ làm mếch lòng người khác, nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy ông hé một lời chống đảng. Buộc tội ông có những hoạt động “chống đảng” thật phi lý.
Ở Quảng Châu, những câu chuyện của các thành viên Nhóm Một lúc nào cũng xoay quanh vụ này. Cuối cùng tôi ra sức bênh vực Lâm Khắc, tuyên bố, tôi không thể hình dung nổi ông ta lại làm cái gì đó chống đảng. Có phải những người buộc tội ông chỉ muốn thanh toán những mâu thuẫn cá nhân? Thế là tôi bị Diệp Tử Long công kích:
- Đồng chí không có mặt ở Bắc Kinh làm sao đồng chí lại khẳng định như vậy được?
Tôi đáp:
- Nếu đồng chí Lâm Khắc là kẻ thù của đảng, chắc chắn đồng chí ấy đã phản bội rồi. Theo tôi biết, đồng chí ấy luôn luôn trung thành. Tại sao bỗng nhiên đồng chí ấy lại có thể trở thành kẻ thù của đảng được?
Tôi vốn giữ im lặng, không ngờ lại buột miệng phản ứng.
Vương Kính Tiên ra hiệu, tôi theo ông vào phòng bên cạnh, Vương cảnh cáo tôi nói mà không cân nhắc. Quyết định đã có rồi, ý kiến của tôi cũng chẳng có trọng lượng chính trị. “Nếu đồng chí còn tiếp tục nói như vậy, có nghĩa là đồng chí muốn bao che cho hắn. Người ta sẽ buộc tội đồng chí chống lại quyết định của đảng, lúc đó sẽ đến lượt đồng chí”.
Diệp Tử Long, rất khoái trá về việc Lâm Khắc bị thất sủng, đã báo báo cho Mao về quyết định này. Nếu tôi còn tiếp tục bênh vực Lâm Khắc có lẽ Diệp Tử Long sẽ hại cả tôi.
Vương nói có lý. Tôi không thể làm gì được.
Mặc dù vậy tôi cảm thấy rất khó chịu. Những lời buộc tội thật sai, chẳng cao thượng chút nào khi không ai dám đứng ra bảo vệ Lâm Khắc.
Tôi tin Mao biết rõ mọi chuyện, sẽ bảo vệ Lâm Khắc. Khi Diệp Tử Long báo cáo, Mao không nói gì, chỉ thở dài như thể không tán thành. Nhưng Diệp hiểu nhầm, tưởng Mao im lặng là đồng ý. Nhưng nếu tôi nhẩy vào bảo vệ Lâm Khắc, Diệp Tử Long sẽ lên án tôi ngăn cản quyết định của đảng. Tôi chỉ còn hy vọng vào Mao giải quyết mà thôi.
Đến chiều tối hôm đó, Mao cho gọi tôi tới, ông đang nghỉ ngơi trên boong của chiếc tàu thả neo gần nhà khách, trên người chỉ mặc quần bơi và khoác áo choàng tắm. Ông đề nghị tôi dạy tiếng Anh. Chúng tôi vừa bắt đầu, Diệp Tử Long đi tới. Ông ta muốn báo cáo những tin tức mới nhất về “Nhóm chống đảng” ở Trung Nam Hải. Tôi đứng dậy định cáo lui vì việc này không phải phận sự, nhưng Mao yêu cầu tôi ở lại.
- Không có gì bí mật cả. Chúng ta sẽ tiếp tục học tiếng Anh ngay.
Mao hỏi tại sao người báo cáo về những kẻ thù của đảng lại là Diệp. Việc điều tra là nhiệm vụ của Dương Thượng Côn và cấp phó của ông ta. Lẽ ra họ phải báo cáo cho Mao nhưng người phó của Dương Thượng Côn lại cử Diệp đi.
Mao im lặng nghe báo cáo, sau đó Diệp Tử Long cáo lui.
Tôi thấy Mao có vẻ khó chịu với chuyện vừa rồi, nên tôi cũng không dám gợi chuyện đó. Tôi thuộc Ban y tế trung ương của Bộ y tế, còn vụ xung đột này lại xảy ra trong Văn phòng thư ký chính trị. Vì vậy, theo kỷ luật đảng không cho phép tôi dính vào. Nếu không, người ta có thể vu cho tôi cùng một giuộc với Lâm Khắc. Tôi không thể nói chuyện bí mật riêng với Mao, vì đám vệ sĩ luôn luôn ra vào. Họ mang trà tới, lau mặt cho Mao bằng khăn ấm, ghi lại từng lời hoặc đứng nghe lỏm ngoài cửa mỗi khi họ ra khỏi phòng. Nếu tôi gợi chuyện sẽ đến tai Diệp Tử Long và các đối thủ của Lâm Khắc ở Nhóm Một sẽ quay sang tấn công tôi. Vì vậy tôi không được phép gợi chuyện, phải đợi đến lúc Mao chuyển sang đề tài này.
Tôi quay sang bài học Anh ngữ. Chúng tôi đọc bản tiếng Anh báo cáo chính trị mà Lưu Thiếu Kỳ phải đọc ở phiên họp lần thứ hai của Đại hội đảng VIII dự định tổ chức vào tháng 5. Bài diễn văn dành cho Mao nhiều chỗ để bình luận và được viết hoàn toàn theo ý ông “tiến nhanh, tiếng mạnh, tiến vững chắc, đạt năng suất cao…”. Mao ngắt lời tôi, im lặng, đăm chiêu suy nghĩ, hỏi:
- Đồng chí có biết chuyện ở Văn phòng thư ký chính trị không?
- Tôi cũng có nghe chuyện này, nhưng không biết chi tiết. Tôi rất ngạc nhiên khi đồng chí Diệp cho biết, Lâm Khắc đang gặp rất rắc rối vì dính dáng vào chuyện này.
- Đồng chí quen cả tám người đó chứ?
- Dạ, tôi chỉ biết sơ thôi. Lâm Khắc là người mà tôi biết rõ nhất.
- Đồng chí nghĩ Lâm Khắc là người như thế nào?
Cơ hội đã đến với tôi. Tôi phải thận trọng. Trong khi những kẻ khác đang vểnh tai lên nghe ngóng, tôi phải trình bày những điểm yếu, điểm mạnh của Lâm Khắc.
- Trong ba, bốn năm qua, chúng tôi đã có nhiều thời gian sống cùng, thường tâm sự với nhau. Tôi không tin đồng chí Lâm Khắc có thể chống đảng. Đồng chí ấy hơi ích kỷ, thế thôi, chẳng có ý gì khác.
- Bây giờ không phải lúc nói chuyện này. Tôi hỏi, theo đồng chí, Lâm Khắc có phải là kẻ chống đảng hay không?
Tôi trả lời theo những gì tôi biết, Lâm Khắc chưa bao giờ nói điều gì chống lại đảng cả. Có lẽ ông ta chỉ phê bình cá nhân hoặc cán bộ đảng nào đó, nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy ông ta nói một lời chống đảng hay chống Chủ tịch. Tôi bảo đảm với Mao, thậm chí Lâm Khắc còn đặc biệt trung thành.
- Thôi được. Trong thời kỳ chiến dịch chống hữu khuynh năm ngoái, thậm chí Lâm Khắc và bảy nhân viên kia rất tích cực. Sao bây giờ bỗng nhiên họ trở thành kẻ thù của đảng?
Tôi đáp:
- Tôi không nắm được chi tiết cụ thể, nhưng đồng chí Điền Gia Anh mới tới đây, đồng chí ấy biết rõ hơn tôi về chuyện này.
Mao muốn nói chuyện với Điền Gia Anh.
Điền Gia Anh và Vương Kính Tiên như rơi từ trên mây xuống khi tôi kể cho họ nghe về cuộc đối thoại giữa tôi và Mao. Vương khen tôi can đảm, nhưng Điền Gia Anh vẫn lo ngại. Dương Thượng Côn cũng là cấp trên của Điền, ông không muốn tỏ ra chống lại hay qua mặt Dương.
Nhưng Mao muốn biết rõ chuyện, Điền quyết định sẽ kể hết cho Mao. Cuộc đối thoại cũng đã diễn ra trong buổi tối hôm đó.
Vào lúc 4 giờ sáng khi tôi đang ngủ say, một vệ sĩ của Mao đánh thức. Chủ tịch muốn học thêm tiếng Anh nữa. Tôi xoa nước lạnh lên mặt rồi vội vã vào phòng ngủ của Mao:
- Tôi muốn đánh thức đồng chí cách đây hai tiếng, nhưng thấy quá sớm.
Một vệ sĩ mang tới cho tôi một cốc trà đặc.
Tôi biết Mao muốn nói chuyện về Lâm Khắc, nhưng đầu tiên chúng tôi đọc vài đoạn văn tiếng Anh. Sau đó Mao nói:
- Tôi nghĩ bây giờ tôi đã nắm được tình hình. Tám nhân viên đã buộc tội cán bộ lãnh đạo của Văn phòng thư ký chính trị là hữu khuynh. Rồi Hà Tài và Dương Thượng Côn tìm cách cứu nhau, cùng phản công tám người này, thành ra vụ này đã xoay ngược lại hoàn toàn. Tôi nghĩ tám người này đúng, một số cán bộ lãnh đạo có vẻ hữu khuynh, điều này thấy được qua cách thức họ dùng để chống lại tám người. Họ đã lạm dụng kỷ luật đảng để uy hiếp cấp dưới một cách tàn nhẫn. Tám người kia không còn cơ hội nào chống lại.
Mao so sánh vụ này với một vụ tương tự trong đời nhà Đường. Hồi đó có tám người cải cách trẻ tuổi đã can đảm đề nghị cải tổ bộ máy hành chính và như vậy đụng chạm đến các lãnh chúa và quan lại. Bọn này đã phản ứng đưa những người này đi đày.
- Tôi đã lệnh cho Điền Gia Anh trở về Bắc Kinh. Chúng ta cũng sắp lên đường.
Ba ngày trước lễ kỷ niệm ngày 1 tháng 5, chúng tôi trở về Bắc Kinh. Mao nói chuyện ba tiếng liền với Lâm Khắc và dò hỏi nhận xét của ông ta về vụ này. Việc Mao trở về đã làm thay đổi hẳn bầu không khí ở Trung Nam Hải. Dương Thượng Côn đã chuẩn bị một hiệp đấu dữ dội chống lại tám người khi Điền Gia Anh xuất hiện, thông báo vụ án này chỉ kết thúc sau khi đích thân Chủ tịch điều tra – Mao không đồng ý với quyết định của Văn phòng Trung ương. Bây giờ Hà Tài và Dương Thượng Côn lại trở nên bối rối, khó xử.
Ngay sau ngày 1 tháng 5, Mao mời Điền Gia Anh, Lâm Khắc, Hà Tài và hai đảng viên nữa của Văn phòng trung ương là Hoa Phong và Tiểu Lan đến gặp riêng. Tôi cũng phải đến làm người dự thính.
Mao nằm trên giường, chỉ khoác áo choàng. Bằng giọng nói ôn tồn, hoà giải, ông tìm ra một thoả hiệp. Văn phòng thư ký chính trị đã thực hiện chiến dịch không đúng quy định, tám nhân viên này đã từng ủng hộ chiến dịch chống hữu khuynh, họ không phải những người thiên hữu. Không được phép giải quyết những vấn đề của giai cấp vô sản bằng phương thức của giai cấp tư sản – ai đụng đến ta, ta sẽ thủ tiêu người đó.
Nếu tất cả những người có mặt đều nhất trí với Mao, chắc chắn vụ án xét xử tám kẻ chỉ trích này sẽ bị huỷ bỏ ngay lập tức. Nhưng Tiểu Lan, một nữ nhân viên chạc 40 tuổi của Văn phòng trung ương đã phản đối. Bà dẫn ra rằng, tám người này đã phê phán chánh Văn phòng trung ương và Văn phòng trung ương đã quyết định coi thái độ của họ là chống đảng. Họ đã bị đình chỉ công tác, buộc phải viết bản tự kiểm điểm.
Tiểu Lan đã khiêu khích Mao. Mặc dù tôi không đồng ý với quan điểm, nhưng tôi phục lòng can đảm của bà. Nhưng bà thật ngây thơ, dại dột không hiểu được lý do Mao phát động chiến dịch làm trong sạch đảng. Mao không hài lòng với thái độ bảo thủ của các nhà lãnh đạo đảng, ông muốn họ bị phê phán. Theo suy nghĩ của ông, lẽ phải thuộc về tám người kia.
Tiểu Lan quá ngây thơ cho rằng đảng là tối cao, đảng đã ra quyết định coi như mọi chuyện kết thúc. Bà không hiểu trên đảng còn có vị hoàng đế, Tiểu Lan đã dám chống lại hoàng đế.
Mao đột ngột thay đổi thái độ. Ông nhỏm dậy, quăng chiếc khăn tắm sang một bên, nhìn quanh. Ông đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lạnh lùng, ông bảo:
- Được rồi, cả hai bên đều giữ lập trường của mình. Tôi không thể hoà giải được. Chúng ta sẽ triệu tập một cuộc họp để giải quyết vụ này. Tất cả đều phải có mặt. Chúng ta sẽ thảo luận kỹ lưỡng, chấm dứt hẳn vụ này. Ngày mai sẽ bắt đầu. Tất cả nhân viên của Trung Nam Hải đều phải tới. Bây giờ các đồng chí có thể về.
Mao đã châm ngòi nổ quả bom, không thể đập tắt được nữa. Ông ủng hộ những cán bộ đã phê bình thủ trưởng của mình, hy vọng những nhân viên khác sẽ đứng về phía họ.
Dương Thượng Côn, Chủ nhiệm kiêm bí thư đảng của Văn phòng trung ương và đồng thời cũng là bí thư đảng của đại bản doanh của Uỷ ban trung ương là một kẻ xảo quyệt. Hà Tài là thuộc hạ tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của ông. Vì Dương Thượng Côn biết Mao chống Hà Tài, nên ông đã viết một bản “tự kiểm điểm” trong đó cho biết ông không dính dáng gì đến những việc làm của Hà Tài và nhận lỗi không quan tâm chu đáo đến những hoạt động của Hà, của phong trào làm trong sạch đảng trong Văn phòng thư ký chính trị. Trong cuộc họp lần thứ nhất, ông tuyên bố: “Tôi yêu cầu tất cả những đồng chí có mặt hãy kể tên những người muốn hạ bệ những người tả khuynh của chúng ta. Và nếu ai cho rằng, cả tôi cũng phạm sai lầm thì hãy nói ra”. Đó là một nước cờ cao.
Tiểu Lan vẫn buộc tội tám người kia, mặc dù đã biết quan điểm của Mao. Trong cuộc họp lần này và tất cả các cuộc họp tiếp theo, bà đều nhắc đi nhắc lại lời buộc tội nhóm Lâm Khắc không treo cờ đỏ của đảng cộng sản, mà lại treo lá cờ đen của phe đối lập.
Họp hành kéo dài tới hơn một tháng trời. Thần kinh của tôi không thể chịu được những cuộc họp đó. Không ngoài sự mong đợi, nhờ sự can thiệp của Mao, cuối cùng tám người kia đã được giải thoát. Nhưng mãi sau này trong cuộc Cách mạng văn hoá, tôi mới hiểu rõ chiến thuật của Mao trong vụ “Những lá cờ đen”. Dương Thượng Côn đảng viên cao cấp nhất đã dính vụ này, Đặng Tiểu Bình đứng phía sau, thủ trưởng của Dương là những người bị Mao nghi ngờ nhiều nhất. Vụ này đối với Mao chỉ là một trong nhiều kế hoạch Mao thử thách lòng trung thành của Dương – một sự thử thách mà cuối cùng Dương Thượng Côn đã không qua được. Năm 1958 ông ta vẫn giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng trung ương. Nhưng đại bản doanh của Uỷ ban trung ương mà ông làm bí thư đảng đã bị giải tán – một tổn thất lớn lao về uy tín, nhưng ông vẫn giữ được thể diện. Trong Cách mạng văn hoá, vụ Lá Cờ Đen được lôi ra, một trong hai tội bị lên án, ông bị phế truất.
Những cán bộ trung cấp, thuộc hạ trực tiếp của Dương cũng bị vạ lây. Lý Đông Diệp, Lưu Hoa Phong người đã làm theo chỉ thị của Dương Thượng Côn và Tăng San thành những con tốt thí, bị đưa đi cải tạo, số phận khắc nghiệt đang chờ đến họ. Cho tới năm 1980, sau khi Mao chết. Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn quay lại nắm quyền, họ mới được phục hồi.
Hà Tài người bị các nhân viên phê bình đầu tiên còn thê thảm hơn. Ông bị đuổi ra khỏi đảng, đi cải tạo, làm những công việc thấp kém. Việc phục hồi danh dự cho ông cũng phải đến năm 1980 mới được thực hiện.
Tiểu Lan người phụ nữ ngây thơ, dại dột khiêu khích Mao, làm sai lệch đường lối chính thống của đảng, bị diệt hoàn toàn. Bà mất chức, bị khai trừ ra khỏi đảng, tống vào trại cải tạo lao động khổ sai. Bà không được phục hồi danh dự, chết vì lao động quá sức.
Dường như không có chuyện gì xảy ra không có căn cứ. Những lời đồn đại Điền Gia Anh đứng đằng sau tám nhân viên của mình để chống lại Hà Tài ngày xưa đúng sự thật. Hà Tài và Dương Thượng Côn là mục tiêu công kích chính của Điền Gia Anh. Nhưng trong quá trình xét xử, Điền Gia Anh lại bảo vệ cho Dương Thượng Côn khỏi mất chức bằng cách ông quả quyết Dương Thượng Côn không biết gì về những việc làm của Hà Tài. Sau khi Hà Tài bị cách chức, Dương Thượng Côn đã thăng chức cho Điền Gia Anh để thưởng công.
Vụ Lá cờ đen đã cho tôi thấy những cuộc đấu đá chính trị ở Trung Nam Hải thật phức tạp, nguy hiểm tới mức nào. Mao yêu cầu những cán bộ cấp dưới hãy phê bình thủ trưởng của họ để đập tan khối bảo thủ trong hàng ngũ lãnh đạo. Vì những người lãnh đạo này có phương tiện, có quyền lực trong tay chống trả, nên những người phê bình có nguy cơ bị chụp mũ hữu khuynh hoặc phản cách mạng. Chỉ có sự can thiệp của cá nhân Mao mới có thể cứu một người cấp dưới khỏi cảnh tù tội. Nhưng Mao vẫn chưa sẵn sàng đích thân tấn công và phế truất những nhà lãnh đạo đảng không làm vừa lòng ông. Những cuộc thanh toán chính trị luôn có một lối thoát vô định và một số người luôn đứng về bên những người thua cuộc, chẳng hạn như những cán bộ trung cấp, những người như tôi hoặc Lâm Khắc. Chúng tôi rơi vào một tình thế khó xử. Lòng trung thành đối với đảng đòi hỏi sự phục tùng và tuân lệnh. Ai hưởng ứng lời kêu gọi của Mao và phê bình cấp trên, người đó có nguy cơ bị quy là hữu khuynh. Một lần nữa tôi lại vui mừng vì không giữ chức vụ của Lâm Khắc. Tôi tự răn mình, phải im lặng, đừng dính dáng vào những chuyện tranh giành quyền lực chính trị.

Tổng số lượt xem trang