Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 30


-

Chương 30

Ngày 31-7-1958, Khrushchev bí mật đến Bắc Kinh. Trong dịp này, Mao đã đáp lại lòng hiếu khách của Liên Xô ở Moscow với một thái độ khinh thường như một cái tát vào mặt Khrushchev. Mao đón tiếp Khrushchev bên bờ bể bơi, chỉ mặc độc một chiếc quần bơi trên người. Mao đề nghị Khrushchev mặc quần bơi và cùng xuống bơi. Khrushchev nhận lời, trước sự ngạc nhiên của tất cả chúng tôi, cùng Mao xuống nước. Khrushchev không biết bơi nên phải mặc áo phao. Một số vệ sĩ, tôi và người thông dịch bơi cạnh ông.




Khrushchev không để ý thái độ lăng nhục của Mao, nhưng cuộc đối thoại giữa hai người không đi đến kết quả nào. Trong hồi ký của mình, Khrushchev tỏ ra khinh bỉ cách đối xử không tôn trọng của Mao. Lúc đầu ông định lưu lại một tuần nhưng ba ngày sau ông đã cáo từ. Chủ tịch cố tình đóng vai một vị hoàng đế, cư xử với Khrushchev như một kẻ chư hầu đến cầu khẩn ông ban ơn. Trên đường trở về Bắc Đới Hà, Mao cho tôi biết, bằng thái độ này, ông muốn “chọc giận” Khrushchev.
Những bất đồng của Mao về Liên Xô ngày càng tăng, chung quy ông lo ngại về mục đích chính của Liên Xô. Mao nói:
- Thực ra mục đích của họ khống chế, tìm cách trói tay trói chân chúng ta. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của thằng ngốc kể chuyện giấc mơ của nó.
Liên Xô đề nghị thành lập một hạm đội chung, xây dựng một đài radar có công suất lớn tại Trung Quốc. Ngoài ra, Mao còn lên án Khrushchev định dùng Trung Quốc làm con bài cải thiện quan hệ với Mỹ. Khrushchev đòi Trung Quốc phải bảo đảm sẽ không tấn công Đài Loan. Khrushchev lại phê phán chương trình hợp nhất các hợp tác xã nông nghiệp thành công xã nhân dân ở Trung Quốc. Mao nói:
- Tôi đã bảo ông ta, chúng tôi có thể hợp tác xây dựng một đài radar tầm xa, nhưng phải cung cấp mọi trang thiết bị và công nghệ cao. Chúng tôi cũng có thể thành lập một hạm đội chung, những chiến hạm của Liên Xô nhưng đô đốc phải là người của ta. Tôi cũng nhấn mạnh với ông ta, chúng tôi có tấn công Đài Loan hay không là việc riêng. Ông ta không nên sốt sắng can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Còn về chuyện công xã nhân dân, tại sao chúng tôi không nên thử xem sao?” Tôi đã trả lời tất cả để ông ta hiểu. Chúng ta có thể tham gia hạm đội, xây dựng dàn radar tầm xa nhưng với điều kiện của tôi đưa ra. Còn vấn đề Đài Loan và công xã nhân dân chúng ta không phụ thuộc bất cứ điều gì của Liên Xô yêu cầu.
Dư luận thế giới và phương Tây xa xôi không biết xung đột giữa Trung Quốc và Liên Xô đã bắt đầu.
Trên đường đến Bắc Đới Hà, Mao vẫn còn bực tức. Ông phàn nàn:
- Khrushchev không hiểu ông ta đang nói gì, nói với ai. Ông ta muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ à? Được, chúng ta sẽ chúc mừng ông ta bằng vũ khí của chúng ta. Bom đạn của chúng ta cất giữ đã lâu đến nỗi trở thành vô dụng. Tại sao chúng ta không sử dụng chúng vào ngày ăn mừng buổi lễ của họ? Có thể chúng ta sẽ kéo cả Mỹ vào cuộc. Mỹ có thể điên khùng ném một trái bom nguyên tử vào Phúc Kiến, sẽ có mười hay hai muơi triệu người chết. Từ lâu Tưởng Giới Thạch mong Mỹ dùng bom nguyên tử chống chúng ta. Cứ để xem chúng có dám làm không? Hãy chờ xem Khrushchev nói gì. Một số đồng chí của chúng ta không hiểu tình hình. Họ muốn vượt qua eo biển, đánh chiếm Đài Loan. Tôi đã bác bỏ, cứ để yên, đừng đụng đến Đài Loan. Đài Loan đang gây sức ép với chúng ta, vì thế nội bộ chúng ta đoàn kết. Hết sức ép bên ngoài, có thể nội bộ ta sẽ mất đoàn kết.
Những điều Mao thổ lộ làm tôi bối rối. Tôi chẳng biết gì về đài phát thanh hay hạm đội chung và biết rất ít về Đài Loan. Khi ông phân tích vấn đề Đài Loan, tôi thầm hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ có những cuộc đàm phán về hoà bình giữa hai bên. Tôi cũng chưa biết tí gì về kế hoạch thành lập công xã nhân dân. Chúng tôi chỉ vừa mới qua thời kỳ chuyển các hợp tác xã nông nghiệp lên một bậc cao hơn.
Phải mất vài tuần tôi mới hiểu được ý nghĩa thực tế của thái độ của Mao về vấn đề Đài Loan. Ngược lại, bằng quan sát của mình, tôi đã sớm hiểu được công xã nhân dân.
Ngày 2-8-1958, ngày chúng tôi từ Bắc Đới Hà trở về, vào lúc ba giờ sáng, một vệ sĩ của Mao đánh thức khi tôi đang ngủ say. Chủ tịch muốn học tiếng Anh. Tôi vội tới phòng ông và chúng tôi bắt đầu đọc “Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ viễn tưởng đến khoa học” của Engels. Bên cạnh Tuyên ngôn cộng sản, đó là một cuốn sách được ưu ái, chúng tôi thường xuyên bận rộn với cả hai cuốn sách này. Mao không bao giờ học tiếng Anh một cách nghiêm túc. Ông chỉ lợi dụng những giờ học này để thư giãn và tán gẫu. Khoảng sáu giờ sáng chúng tôi nghỉ. Mao mời tôi ăn điểm tâm.
Trong bữa ăn Mao cho tôi xem số mới nhất của tờ Bản tin Nội bộ. Nó cung cấp thông tin cho những cán bộ cao cấp nhất về những sự kiện mà đảng muốn giữ bí mật trước công chúng. Việc thông báo thường mang tính phê bình, phân tích những vấn đề thời sự hoặc những mâu thuẫn giữa lý tưởng của đảng và thực tế trong đời sống thường ngày. Trong thời kỳ phong trào Trăm hoa đua nở năm 1957, khi mà ai ai cũng đều được khuyến khích nói lên suy nghĩ của mình, thì Bản tin là chiếc loa truyền thanh những lời phê bình đảng không thương tiếc. Thi thoảng người ta cũng tìm được một số bài đưa những tin giật gân về các vụ cướp của, giết người mà chưa bao giờ thấy trên phương tiện thông tin đại chúng.
Khi chiến dịch chống hữu khuynh vào mùa hè năm 1957 bắt đầu, tờ Bản tin cũng thay đổi tính chất. Một số phóng viên đã phơi bày mảng tối của xã hội Trung Quốc, như Lý Thẩm Tri đã bị quy hữu khuynh, nên bị mất chức, thậm chí có người còn bị đày tới những vùng hẻo lánh xa xôi. Đầu năm 1958, khi chiến dịch làm trong sạch nội bộ đảng và thử nghiệm của Mao đưa đảng đi theo con đường của mình được làm sống dậy, tờ Bản tin Nội bộ đã quay ngoắt 180 độ. Bấy giờ nó lại ca tụng những thay đổi diễn ra ở Trung Quốc đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Bản tin Mao cho tôi xem sáng hôm đó đã tường thuật về buổi thành lập một công xã nhân dân – tổ hợp nhiều hợp tác xã nông nghiệp nhỏ thành một tổ chức khổng lồ duy nhất – ở Chay A Sơn thuộc tỉnh Hồ Nam.
Mao nói: “Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng. Nhiều hợp tác xã ở nông thôn đã thống nhất lại để thành lập một công xã nhân dân lớn. Công xã nhân dân sẽ là chiếc cầu nối từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản. Thế nhưng có nhiều điều chúng ta vẫn chưa biết, như tổ chức một công xã nhân dân thế nào, công xã nhân dân làm việc, phân chia lợi tức ra sao và làm thế nào để biết được khối lượng công việc của mỗi người? Bằng cách nào thực hiện được gắn sản xuất nông nghiệp với huấn luyện quân sự trở thành thực tế”.
Vào khoảng thời gian Xuân-Hè 1958 khi đại công trường xây dựng đập triển khai, đã làm nông thôn thiếu lực lượng lao động trầm trọng, trong khi đó một số nơi đã bắt đầu hợp nhất lên Công xã nhân dân. Ban đầu công xã có rất nhiều tên gọi khác nhau, Mao chưa có điều kiện đi kiểm tra thực tế, bộ chính trị cũng chưa thông qua kế hoạch, nhưng ông muốn nó phát triển sâu rộng và kêu gọi mang tên Công xã nhân dân.
Mao muốn tôi đi kiểm tra một vài công xã nhân dân mới thành lập. “Đồng chí hãy quan sát tất cả. Hãy ở đó một tháng, thu thập tình hình đầy đủ, chính xác, về báo cáo tôi. Đồng chí đã làm xong những công việc cần thiết ở đây rồi chứ?”
Trong dịp hè yên tĩnh và kéo dài ở Bắc Đới Hà, theo đề nghị của Mao, tôi và ông cùng bắt tay dịch cuốn sách từ tiếng Anh sang tiếng Trung, cuốn sách bàn về quá trình lão hoá. Trong khi dịch, chúng tôi thường trao đổi với nhau, ông rất thú vị với mấy chương đầu, nhưng đến đoạn nói về ảnh hưởng của quá trình lão hoá đến các tế bào và cơ thể, ông bắt đầu chán. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục dịch để thời gian được tận dụng vào một công việc có ý nghĩa đồng thời giữ mối quan hệ với các tài liệu y học. Nhưng tôi hứa với ông có thể tạm hoãn lại việc dịch sách, dành thời gian cho chuyến công du này.
Mao nói:
- Cuốn sách này chẳng có ý nghĩa thật đặc biệt. Sau này đồng chí cũng vẫn có thể dịch tiếp. Ngược lại, công xã nhân dân là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến cơ chế chính trị của nước ta. Năm 1949, khi quân đội chúng ta vượt sông Dương Tử, một người Mỹ đã viết một cuốn sách có tựa đề “Trung Quốc làm chấn động thế giới”, đại loại như vậy. Giờ đây, mười năm sau, với việc thành lập các công xã nhân dân, một lần nữa Trung Quốc lại làm chấn động thế giới. Vì vậy đồng chí hãy đi thị sát xem sao. Nhưng đừng đi một mình, hãy đề nghị Diệp Tử Long và Hoàng Thụ Tắc đi cùng.
Sự hiểu biết về một nước Trung Quốc nông nghiệp của tôi chỉ đóng khung trong các cuộc dạo chơi vào các xóm làng, mỗi khi con tàu của Mao dừng lại đôi chút ở đâu đó. Và những gì tôi được chứng kiến lại toàn là những cảnh ghê sợ, sự nghèo đói cùng cực và những người nông dân còn sống được nhờ những chiếc bánh bao làm bằng ngũ cốc xay xát qua loa. Họ là những con người thật thà, chất phác. Có lần, tôi mua hai chiếc bánh bao, nhưng họ đã biếu, không lấy tiền. Tôi ăn một chiếc, một chiếc tôi đưa cho Mao. Ông chẳng mấy ngạc nhiên khi tận mắt thấy cảnh cơ cực như tôi tưởng. Thế mà ông khuyến khích tôi, những người khác nên có những cuộc “điều tra xã hội” như vậy, mỗi khi chúng tôi có dịp.
Trong khi đang nói về việc biệt phái tôi đi thanh tra công xã nhân dân, ông thiếp dần trong giấc ngủ, lời nói nhỏ dần và gần như không thể nghe thấy được nữa. Ngay trước bữa ăn, ông đã uống thuốc ngủ. Ông nảy ra ý nghĩ kiểm tra công xã nhân dân khi đã ngấm thuốc, đưa ông vào trạng thái mơ màng. Tôi không rõ, đề nghị của ông nghiêm túc hay đó chỉ trong cơn mộng dưới tác dụng của những viên thuốc ngủ.
Tôi đáp:
- Tôi sẽ bàn với những người khác. Trong vòng từ hai đến ba ngày, chúng tôi có thể lên đường.
Vừa chợp mắt một lát, ông mở mắt nói to:
- Chẳng có gì phải bàn nữa. Đồng chí bảo với họ, hôm nay phải chuẩn bị xong, ngày mai lên đường ngay.
Rồi Chủ tịch lại thiếp đi. Lúc đó là 8 giờ sáng. Lập tức tôi thông báo cho Diệp Tử Long về nhiệm vụ mới nhất Mao vừa giao cho.
Một tháng ở nông thôn – một chuyến công du không có Mao và chỉ đi bằng xe lửa loại thường, phải ngủ trong những nhà trọ bình dân và ăn những thức ăn có chất lượng thấp của nông dân. Tất cả những điều đó khác hẳn với một nhiệm vụ dễ chịu như Diệp Tử Long tưởng bở. Ông chẳng thèm quan tâm đến chính sách quốc gia. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản đối với ông cũng như nhau, nếu như cuộc sống xa hoa của ông không bị ảnh hưởng.
Diệp Tử Long ca cẩm:
- Chủ tịch vẫn ăn ngon, thảnh thơi chả phải làm gì. Chúng ta làm trò trống gì theo phát rắm của ông trong chuyến đi này.
Tôi bảo chúng ta phải đi, đây là lệnh của Chủ tịch. Diệp nói:
- Đồng chí báo cho Hoàng Thụ Tắc biết. Sau đó chúng ta sẽ gặp nhau và bàn về việc này. Nhưng ngày mai chưa thể đi được, tôi phải cần vài ngày thu xếp.
Lời của ông làm tôi rất lo. Chúng tôi không được phép lần chần. Tôi cự lại:
- Chủ tịch ra lệnh ngày mai phải lên đường, chúng ta không được cưỡng lại chỉ thị của Chủ tịch.
Tôi đề nghị Diệp Tử Long trực tiếp lên nói chuyện với Mao trong khi tôi đi báo cho Hoàng Thụ Tắc, phó Ban y tế trung ương.
Hoàng, một môn đồ sùng tín của Mao. Lời của Chủ tịch đối với ông thật thiêng liêng. Tất nhiên, Hoàng cảm thấy tự hào khi được Mao giao nhiệm vụ, sẵn sàng lên đường ngay ngày hôm sau.
Tôi vẫn lo mệnh lệnh của Mao. Mệnh lệnh đưa ra khi ông ngấm thuốc trong tình trạng nửa thức nửa ngủ. Cũng có thể do ông ngẫu hứng. Tôi quyết định đem chuyện này bàn với Giang Thanh.
Vào lúc gần trưa, tôi được dẫn vào phòng của bà. Bà vẫn ở trên giường, đang ăn sáng gồm sữa chua hạnh nhân, bánh mì nướng. Tôi trình bày tình thế khó xử, bà trả lời:
- Tôi không tin Chủ tịch nói rồi để đó đâu, nếu lời nói đó liên quan đến một việc hệ trọng như vậy Nhưng khi nào Chủ tịch dậy tôi sẽ nói chuyện với ông.
Tôi đến gặp Điền Gia Anh, bí thư chính trị của Mao, bạn thân sẵn sàng tiếp tôi bất cứ lúc nào. Ông luôn luôn biết rõ mọi tin tức, không phải chỉ từ tờ Bản tin, mà từ các tài liệu mật do các bạn ông và những thư ký chính trị cấp dưới khắp nơi ở Trung Quốc thông báo. Ông biết hết các công xã nhân dân mới thành lập. Tuy nhiên ông vẫn tỏ ra nghi ngờ sự thành công.
Điền lấy thí dụ, năm 1956, nông dân đã kêu ca quá vội vã trong việc triển khai hoạt động của các hợp tác xã cấp cao. Trong khi việc quản lý hợp tác xã ở các cơ quan cấp thấp vẫn chưa quản lý tốt, người ta đã nâng cấp hợp tác xã. Bây giờ chúng ta lại tìm cách áp dụng một cơ cấu tổ chức cao hơn nữa là công xã nhân dân. Theo ý ông, người ta chưa biết công xã nhân dân sẽ có hiệu quả kinh tế hay không, nhưng những người lãnh đạo đảng ở các tỉnh vẫn lợi dụng công xã để lấy lòng Chủ tịch. Do Mao phát động trong cuộc họp ở Thành Đô, Nam Ninh, các vị lãnh đạo các tỉnh cố tỏ ra họ triệt để thực hiện nghị quyết. Họ nghĩ ra đủ mọi mánh khóe để thu hút được sự chú ý từ Bắc Kinh, phát động một chiến dịch ganh đua cuồng dại nhằm đạt tỉ lệ tăng trưởng sản xuất cao nhất. Ai cũng muốn mình dẫn đầu. Điền Gia Anh khuyên tôi hãy trực tiếp theo dõi việc này.
Sau bữa trưa, tôi gói ghém đồ đạc chuẩn bị cho chuyến công du hôm sau, rồi chợp mắt một chút vì đã dậy từ lúc ba giờ sáng cho đến giờ.
Bẩy giờ tối, anh vệ sĩ Tiểu Lý của Mao đánh thức tôi dậy. Chủ tịch muốn gặp tôi. Cả Diệp Tử Long cũng như Giang Thanh đều đã nói chuyện với Mao. Mao nói:
- Tôi đã quyết định đích thân đi thị sát tình hình. Đây là vấn đề lớn, tại sao tôi không trực tiếp đi kiểm tra. Vài ngày nữa chúng ta sẽ khởi hành. Tôi muốn đi thăm rất nhiều nơi. Đồng chí hãy chuẩn bị và đưa theo một trợ lý, nếu đồng chí cần người giúp đỡ.
Mao bảo, thôi “tha” Hoàng Thụ Tắc, không cần đi. Thay vào đó, Mao cần một nữ y tá. Ông vẫn thường dùng nhân sâm do tôi kê đơn để ông khỏi bị liệt dương. Nhân sâm được các y tá sắc theo phương pháp cổ truyền, tức là nấu với nước thành một loại thuốc uống. Tôi đề nghị đưa theo Ngô Tự Tuấn, người đã từng cùng đi với chúng tôi sang Moskova.
Mao nhắc tôi, chuyến đi này phải được giữ tuyệt đối bí mật. Nhiệm vụ của tôi không phải chỉ là bác sĩ riêng, ông còn cho rằng:
- Đối với những nhân viên y tế, không nên chỉ trói buộc họ trong việc chữa bệnh.
Ông không muốn tôi sống cách biệt với xã hội bên ngoài, nhất là khi trong xã hội đang có một biến cố quan trọng như thế. Phải tìm hiểu xem biến cố này sẽ làm con người thay đổi như thế nào. Chúng tôi sẽ xem xét mỗi công xã nhân dân có những đặc điểm mang tính nguyên tắc xã hội chủ nghĩa như thế nào. Hai ngày sau, chúng tôi rời Bắc Đới Hà trên tàu hoả sang trọng dành riêng cho Mao. Phần vì thách thức Khrushchev, phần do ngẫu hứng bởi tác dụng của thuốc ngủ, nhưng cũng do cả bàn tính hiếu kỳ bẩm sinh của Mao, nên “chuyến thanh tra” kỳ thú mà Mao thực hiện bắt đầu như vậy.
Con tàu của chúng tôi xuôi về phía Nam “Cuộc thăm dò xã hội” này từ đầu đã được hiểu như vậy thật đặc biệt. Thế là chiến dịch Đại nhảy vọt bắt đầu.

Tổng số lượt xem trang