Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 33

-
Chương 33
Người ta bắt đầu phê phán Mao. Tuy nhiên, lúc đầu chỉ mang tính chất ngấm ngầm.
Chu Tiểu Châu, bí thư thứ nhất tỉnh Hồ Nam, người mà Mao vẫn nghi ngờ, vì đã nhắc nhở cần có sự thận trọng khi tăng sản lượng nông nghiệp, lại là người đầu tiên chỉ trích Chủ tịch. Giữa tháng 12, khi chúng tôi rời Vũ Hán, dừng lại nghỉ ít lâu giữa chặng đường ở Trường Sa. Chu Tiểu Châu đã mời Mao xem một vở kinh kịch Hồ Nam có tựa đề “Sinh Tử Bài”. Đó là một câu chuyện rắc rối về một người phụ nữ trẻ bị buộc tội oan giết người. Hải Thuỵ (1513-1587), vị quan ngay thẳng đời nhà Minh (1368-1644), nhân vật chính của vở kịch. Ông làm việc trong triều vua Gia Kính và vào phút cuối cùng đã can ngăn việc xử trảm người phụ nữ đó. Bành Đức Hoài, vị bộ trưởng quốc phòng nổi tiếng của Trung Quốc, người thẳng thắn nhiều lần dám chỉ trích trích Mao, đã xem vở kịch này vào tháng 11 khi đến thăm Trường Sa. Ông đã đánh giá cao vở kịch. Hải Thuỵ, nổi tiếng vì sự công bằng, đức tính liêm khiết, vì những mong muốn đổi mới, thần tượng trong nhiều vở kinh kịch dân gian ở các địa phương. Tất cả những vở kịch đó đều đề cao sự quả cảm, nhân cách cao quí của vị quan đã cống hiến cả cuộc đời cho hạnh phúc của đất nước và nhân dân, chống lại nhà vua ưa nịnh, nghe lời sàm tấu. Chu Tiểu Châu chọn vở kinh kịch này không phải ngẫu nhiên, phải có chủ ý. Chắc rằng ông tự ví mình là một quan chức trung thực, vì hạnh phúc của nhân dân và đất nước, nhưng ông bị một vị hoàng đế điên khùng triệt hại.

Hình như Mao có nhận ra ngụ ý ngầm chỉ trích này, nhưng không thấy ông phản ứng. Ông yêu kinh kịch và bị nhân vật Hải Thuỵ trong vở lôi cuốn. Ngay trong đêm đó ở Trường Sa, ông yêu cầu Lâm Khắc sưu tầm một số chuyện khác đã từng xảy ra trong triều đại nhà Minh nói về lòng dũng cảm và đức tính liêm khiết của Hải Thuỵ. Trong những tháng sau đó, ông thường khuyến khích các nhà lãnh đạo đảng hãy noi gương Hải Thuỵ.

Chúng tôi ở lại Trường Sa không lâu. Giang Thanh đang chờ ở Quảng Châu. Mao vẫn hứng thú nói về những con số thống kê sản lượng vừa qua. Lúc này ông lại quan tâm đến tác phẩm của nhà kinh tế học Liên Xô Leontief và muốn so sánh phương pháp tổ chức về kinh tế ở Liên Xô với cơ chế mới ở Trung Quốc. Thế là ông gọi Trần Bá Đạt, Điền Gia Anh và Đặng Lý Thuấn tới Quảng Châu gặp để cùng với họ đọc cuốn sách Kinh tế chính trị của Leontief.
Tại đây, Điền Gia Anh báo cáo tình hình thị sát thực tế ở Hà Nam. Lúc đó tôi không có cơ hội nói chuyện với Điền, chỉ biết rằng tình hình ở Hà Nam rất nghiêm trọng do có nạn đói. Trong những cuộc nói chuyện ban đêm với Mao, tôi nhận ra vẻ lo lắng hoàn toàn mới có ở ông. Thỉnh thoảng ông tự hỏi có thật là có thể thu hoạch được mỗi mẫu (Trung Quốc) mười nghìn cân thóc không? Ông cũng không tin vào chất lượng thép của những lò luyện kim gia đình nữa. Nhưng cứ khi Mao băn khoăn điều gì đấy thì những băn khoăn đó lại bị chiến dịch Đại nhảy vọt lấn át. Chiến dịch đã làm cho nhân dân Trung Quốc trở nên hăng say, trong khi Mao không muốn làm giảm đi tinh thần hăng say đó. Ông đứng về phía quần chúng, đại diện cho quyền lợi của họ. Điểm mạnh trong phong cách lãnh đạo của ông là khả năng kích động mọi người, thức tỉnh sức sáng tạo của họ. Theo ông, chính sách Đại nhẩy vọt đã xoáy mạnh vào khía cạnh này. Sự tự tin vào năng lực lãnh đạo của mình, vào chiến dịch Đại nhảy vọt, vào quần chúng không có gì lay chuyển nổi.
Ngày 26-12-1958, ngày sinh nhật lần thứ 65 của ông. Chúng tôi nghỉ tại Quảng Châu. Đào Chú bí thư thứ nhất tỉnh Quảng Đông, đã tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật Mao. Nhưng Mao từ chối:
- Hồi còn trẻ tôi cũng thích làm lễ sinh nhật. Nhưng bây giờ, mỗi lần sinh nhật lại nhắc nhở tôi đã sắp già thêm một tuổi, thời gian còn sống bớt đi một năm.
Đó là một câu nói lịch sự, vì thời gian đó vẫn là những năm tháng huy hoàng của Mao, không nghĩ bữa tiệc của Đào Chú có ý doạ ông sắp chết. Chiến dịch “đại nhảy vọt” không thu được kết quả như mong đợi, ông mất mặt và cố gắng tìm ra nguyên nhân.
Mao sử dụng đêm sinh nhật lần 65 trên giường. Ông cử tôi và các nhân viên khác của Nhóm Một đến dự tiệc của Đào Chú. Như thường lệ, Mao yêu cầu sau đó tôi báo cáo tỉ mỉ với ông về buổi lễ. Bữa tiệc thật xa xỉ, tốn kém, phung phí, nhất là các món ăn. Tất cả nâng cốc chúc sức khỏe Chủ tịch. Tôi say đến nỗi khi trở về, leo ngay lên giường, chứ không đến báo cáo với Mao như mọi khi.
Đến nửa đêm, Lý Ẩm Kiều đến đánh thức tôi dậy. Chúng tôi phải lên đường về Bắc Kinh ngay.
Giang Thanh còn dậy sớm hơn tôi. Cơn mất ngủ hành hạ, bà quyết định uống một cốc nước, uống thêm viên thuốc ngủ. Giang Thanh gọi y tá, nhưng cô này không thấy đâu. Bà tới buồng trực, y tá vẫn không có ở đó. Bà đâm nghi ngờ, lẻn vào phòng ngủ của chồng. Khuôn mặt yêu kiều của cô y tá “mất tích” đang ngon giấc trên chiếc gối kề bên Mao. Thì ra cô y tá đã để mặc mệnh phụ phu nhân trên giường và quyết định ôm ấp vị lãnh tụ kính yêu nhất.
Lý Ẩm Kiều kể cho tôi mọi chuyện xảy ra. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến Giang Thanh to tiếng với Mao. Cơn giận như giọt nước tràn ly, tất cả sự nghi ngờ về Mao bà tuôn ra hết. Nào là gần đây Mao đến thăm con gái nhân viên cũ, hai người vẫn thường xuyên liên hệ, cho 300 tệ để con gái cô ta nộp lệ phí nhập trường. Người thiếu phụ đã đến thăm Mao tại buồng riêng trong vụ nghỉ đông năm 1958. Không những thế cô ta cũng lại đến thăm Mao vào tháng 11 và tháng 12 khi Mao nghỉ ở Vũ Hán. Giang Thanh kể tuốt, không những Mao chỉ quan hệ với các y tá, hầu gái trẻ đẹp của bà, mà còn quan hệ cả những người đã có chồng con như cô nhân viên cũ. Tất cả được phơi bầy rõ ràng sau cái đêm hai người to tiếng.
Mao trả đũa chuyện lôi đình của vợ bằng cách ra lệnh quay về Bắc Kinh ngay lập tức bỏ mặc Giang Thanh chìm trong cơn căm phẫn.
Chúng tôi khởi hành về thủ đô trước rạng đông. Tất cả mọi việc xảy ra bất ngờ đến nỗi tôi chỉ có vài phút chuẩn bị.
Giang Thanh nhanh chóng hối tiếc về sự nông nổi của mình. Bà đã chuyển lời xin lỗi Mao ở Bắc Kinh bằng một cách rất hài hước. Giang Thanh đưa cho chồng đọc quyển “Tây du ký”, tác phẩm của Vương Thừa Ân nổi tiếng ở Trung Quốc thế kỷ 14. Truyện này kể về Đường Tăng nhận sứ mệnh đi vào Tây Thiên thỉnh kinh phật, giúp dân chúng tìm ra chân lý và nhẫn nhục chịu đựng. Trên đường đi, Đường Tăng lôi thêm con khỉ Tôn Ngộ Không. Trong cơn giận dữ, nhà sư đã đuổi Tôn Ngô Không về Thuỷ Liêm động. Ngộ Không lâm vào nỗi cô đơn và thất vọng, liền nói với Đường Tăng: “Thân thể con ở trong Thuỷ Liêm động, nhưng tim con theo sư phụ đi khắp nơi”. Mao rất mừng khi đọc những dòng thư này của Giang Thanh. Mao là Đường Tăng ngày nay của chúng tôi, ông đang thực hiện một sứ mệnh gian nan nguy hiểm đi tìm chân lý chủ nghĩa cộng sản. Những vụ bê bối của ông tương tự như những hiểm nguy của Đường tăng trên con đường đi đến chủ nghĩa cộng sản.
Giang Thanh đã gián tiếp cho phép Mao tiếp tục những cuộc phiêu lưu tình dục của ông.

Tổng số lượt xem trang