-
Bệnh viện từ chối cho xe cấp cứu, Việt kiều Ðức chết oan -SÀI GÒN (NV) - Một Việt kiều Ðức bị đột quỵ giữa đường, nhiều người dân gọi, thậm chí đến tận bệnh viện nài nỉ xin xe cấp cứu nhưng bị từ chối, để rồi nạn nhân phải chịu chết oan ức.Theo báo điện tử Một Thế Giới, đã nhiều ngày xảy ra sự việc, nhưng người dân phường Thảo Ðiền, quận 2, vẫn chưa hết uất ức trước thái độ vô trách nhiệm của bệnh viện đa khoa Bưu Ðiện Sài Gòn (cơ sở 2), đóng tại địa phương.
Bệnh viện đa khoa Bưu Ðiện cơ sở 2, nơi bỏ mặc không cứu người bệnh. (Hình: Một Thế Giới) |
Ông Lê Văn Tư (56 tuổi), bảo vệ chợ tạm Thảo Ðiền, một trong 3 người dân trực tiếp tới bệnh viện này gọi xe cứu thương thuật lại: Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 21 tháng 3, khi ông thấy một người đàn ông đứng tuổi dựng xe đạp vào gốc cây rồi lảo đảo, té ngửa ra sau. Ðoán nạn nhân bị đột quỵ, mọi người chia nhau gọi hơn 20 cuộc điện thoại đến bệnh viện Bưu Ðiện nhờ đưa xe đến cấp cứu nhưng không được.
Quá sốt ruột, ông cùng hai người khác chạy xe máy tới thẳng phòng cấp cứu gọi cho bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện này nhưng đều bị từ chối. “Tôi vào khoa cấp cứu gặp một nhân viên nữ. Tôi trình bày sự việc và nhờ cho xe cứu thương ra hiện trường cứu người, nhưng cô này tỉnh bơ kêu gọi xe taxi chở vào,” ông Tư bực tức nói.
Ông Nguyễn An Ninh, (65 tuổi), ngụ phường Thảo Ðiền, quận 2, là bạn ông Huỳnh Văn Ngài, người bị đột quỵ xác nhận: “Bệnh viện không điều xe cấp cứu, cũng không cử người xuống hỗ trợ, dù bệnh nhân chỉ cách bệnh viện chưa đầy 1 cây số. Rõ ràng chúng tôi thấy xe cứu thương vẫn đang đậu ngay trước sân bệnh viện, nhưng khi đến kêu cứu, họ vẫn làm ngơ như không có chuyện gì.”
Không được bệnh viện này giúp đỡ, người dân mới liên lạc với bệnh viện quận 2 và được xe cấp cứu đến ngay sau đó. Tuy nhiên, do bệnh viện quận 2 xa hơn chục km, trong khi chờ xe cấp cứu đến thì ông Ngài cũng đã đột quỵ hơn 30 phút. Các bác sĩ sơ cứu tại chỗ rồi đưa về bệnh viện. Nhưng không lâu sau, người dân nhận hung tin ông Ngài đã chết do không được cấp cứu kịp thời.
Trả lời phóng viên Một Thế Giới, bà Phan Thị Kim Hoa, phó giám đốc bệnh viện thừa nhận, sáng ngày 21 tháng 3, có tới 3 người dân lần lượt đến gặp nhân viên bệnh viện để xin điều xe cấp cứu ra cứu người bị đột quỵ. Khi đó, xe cứu thương đang để không.
Tin cho biết, ông Huỳnh Văn Ngài là Việt kiều Ðức về Việt Nam mở công ty tư vấn. Nhiều năm nay ông là thành viên tích cực trong ban liên lạc cựu học sinh Pétrus Ký.
Bệnh viện đa khoa Bưu Ðiện thuộc tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông, đã có thâm niên hơn 30 năm thành lập. (Tr.N)
-Bệnh viện từ chối điều xe cấp cứu, bệnh nhân tử vong ở TP.HCM
Phát hiện một người bị đột quỵ giữa đường, người dân gọi điện thoại cho xe cấp cứu nhưng bệnh viện không điều xe đến. Người dân chạy thẳng đến bệnh viện nài nỉ từ điều dưỡng đến bác sĩ xin điều xe. Bệnh viện vẫn từ chối. Kết cục là bệnh nhân tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Chuyện xảy ra ở Bệnh viện Đa Khoa Bưu Điện TP.HCM.
Đã nhiều ngày xảy ra sự việc, người dân phường Thảo Điền, Q.2, TPHCM vẫn chưa hết uất ức trước thái độ của bệnh viện này.
Bỏ mặc người bênh?
Ông Tư, bảo vệ chợ tạm Thảo Điền, một trong ba người dân trực tiếp tới bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM (cơ sở 2, thuộc phường Thảo Điền, quận 2) gọi xe cứu thương thuật lại:
Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 21/3, khi ông thấy một người đàn ông đứng tuổi dựng xe đạp vào gốc cây rồi lảo đảo, té ngửa ra sau. Ông cùng một số người xung quanh chạy tới thì thấy người này đang thoi thóp. Đoán nạn nhân bị đột quỵ, mọi người chia nhau lấy điện thoại gọi vào số điện thoại cơ sở 2 của bệnh viện Bưu điện TPHCM gọi xe cấp cứu nhưng bệnh viện không liên hệ được. “Những người chung quanh tập trung rất đông, gọi hơn 20 cuộc điện thoại đến Bệnh Viện đa khoa Bưu Điện nhưng không được” - ông kể. Quá sốt ruột, ông cùng hai người khác chạy xe máy tới thẳng phòng cấp cứu gọi cho bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện này nhưng đều bị từ chối.
“Khi tôi vào khoa cấp cứu, tôi gặp một nhân viên nữ, đang ngồi nhập liệu bên máy tính. Tôi trình bày sự việc và nhờ cho xe cứu thương ra hiện trường cứu người nhưng nhân viên này lại tỉnh bơ nói “gọi xe taxi chở bệnh nhân vào bệnh viện” - ông Tư bức xúc kể.
Ông Nguyễn An Ninh, (65 tuổi, ngụ tại phường Thảo Điền, Q.2) là bạn của ông Huỳnh Văn Ngài (người bị đột quỵ) kể thêm: Sáng đó ông đi tập thể dục. Khi người dân xúm lại đông, ông đến hỏi thăm thì biết bạn mình bị đột quỵ. “Tôi hỏi có ai gọi cấp cứu chưa thì nghe nhiều người dân nói đã có hai ba người trực tiếp chạy lên tới bệnh viện Bưu Điện nhưng chờ mãi mà xe vẫn chưa tới”. Bệnh viện không điều xe cấp cứu, cũng không cử cán bộ y tế nào xuống hỗ trợ cả. “Rõ ràng chúng tôi thấy xe cứu thương của bệnh viện vẫn đang đậu ngay trước sân nhưng khi đến kêu cứu, họ vẫn làm ngơ như không có chuyện gì” - ông bức xúc nói.
Không được Bệnh viện đa khoa Bưu Điện giúp đỡ, người dân mới liên hệ với Bệnh Viện Q.2 và được xe cấp cứu đến ngay sau đó. Đáng nói, Bệnh viện Q.2 cách hiện trường hơn chục km vẫn điều xe tới cấp cứu. Trong lúc đó bệnh viện Bưu điện TPHCM cách chưa đầy 1km thì không ứng cứu. Khi xe cấp cứu Bệnh viện Q.2 đến thì ông Ngài đã đột quỵ chừng 30 phút. Các bác sĩ bắt đầu được sơ cứu tại chỗ rồi chuyển lên băng ca vào bệnh viện. Nhưng không lâu sau, người dân nhận hung tin ông Ngài đã qua đời do không được cấp cứu kịp thời.
Ông Ninh rất đau xót và phẫn uất trước cái chết của bạn mình
“Lúc đó chú còn thở, nhìn mệt tội nghiệp lắm, còn sống mà. Nếu cấp cứu kịp thì chắc chú ấy không chết đâu. Mấy người chạy lên về tức quá nói là bệnh viện nó nói không có xe mà xe chình ình trước cửa. Chú ấy đột quỵ nên người thường đâu dám đưa lên taxi. Bệnh viện gì mà vô cảm với tín mạng con người ta. Nếu là người thân của họ thì có vậy không”- Chị Thuý Hằng - một tiểu thương của chợ tạm Thảo Điền nói. Lúc đó có cả anh trai chị chạy lên bệnh viện đa khoa Bưu Điện. Nhưng dù nhiều người nài nỉ thế nào bệnh viện nói không xuống là không xuống.
Xe cấp cứu rảnh nhưng điều dưỡng…lu bu
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Kim Hoa, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Bưu Điện TPHCM cơ sở 2 thừa nhận, sáng ngày 21/3, có tới 3 người dân lần lượt đến gặp nhân viên bệnh viện để xin điều xe cấp cứu ra cứu người bị đột quỵ. Khi đó, xe cứu thương đang … để không. Tuy nhiên, nhân viên điều dưỡng của bệnh viện trực cấp cứu thay vì báo lại lãnh đạo bệnh viện để giải quyết thì đã tùy tiện bảo người dân đưa người bệnh tới bằng Taxi. “Như vậy là sai, đáng tiếc hơn là hậu quả nó lại quá nghiêm trọng” - bà Hoa nói.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu kíp trực hôm đó phải giải trình. Điều dưỡng viên Lê Thúy Cẩm, người trực cấp cứu hôm đó giải trình lại: Vào thời điểm đó, có tất cả 19 bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện. Trong đó có 2 trường hợp bệnh nặng (là do ngộ độc thức ăn và một ca tụt huyếp áp) và 4 trường hợp vào cấp cứu (trong đó có 2 trường hợp bị tai nạn giao thông). Điều dưỡng viên này xác nhận có ba người vào nhờ điều xe cấp cứu nhưng cô hướng dẫn chở bằng taxi đến. “Công việc cấp cứu cứ lu bu liên tục. Rồi còn nhiều việc cần giải quyết cho bệnh nhân khác cho đến tua trực sau” - điều dưỡng Cẩm viết trong giải trình.
Tuy nhiên, theo những người dân trực tiếp liên hệ với bệnh viện khẳng định khi đó phòng cấp cứu rất vắng vẻ. Không có chuyện nhiều ca cấp cứu như điều dưỡng Cẩm nói.
Phó giám đốc Phan Kim Hoa cho biết: Có thể do bệnh nhân đông mà cấp cứu chỉ có một bác sĩ và 3 điều dưỡng, nên có thể cô điều dưỡng bệnh viện đã chủ quan, tự quyết định bằng cách bảo người dân đưa vào bằng taxi thay vì báo cho bác sĩ giải quyết. “Do trong bản tường trình còn có một số điểm chưa khớp với nội dung bệnh nhân phản ánh nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc lại với kíp trực để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể và sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời bệnh viên cũng sẽ coi đây là bài học yêu cầu nhân viên toàn bệnh viện chấn chỉnh và rút kinh nghiệm” - bà Hoa nói.
Không phải lần đầu Bà Nguyễn Thị Dung, ngụ tại khu phố 1, phường Thảo Điền, quận 2 ấm ức kể: Trước đây chồng bà bị xuất huyết bao tử nặng (do ung thư di căn). Người nhà bà tôi vội chạy đến bệnh viện Đa khoa Bưu điện gọi xe cấp cứu nhờ chuyển viện thì nhân viên ở đây buộc phải đóng tiền thì mới điều xe cứu thương tới. Do phải làm thủ tục nên chừng 30 phút sau xe cứu thương của bệnh viện này mới tới dù khoảng cách chỉ chừng 1km. Khi điều xe tới thì bệnh viện cũng không cử điều dưỡng hay bác sĩ đi cùng mà chỉ có tài xế. Trên đường chuyển tới bệnh viện truyền máu huyết học TPHCM thì chồng bà qua đời.