Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 40


-

Chương 40

Lý Liên, Thạch Thụ Hán và Cơ Túc Hoa ra đón tôi ở sân bay. Trước khi vào bệnh viện trình diện, tôi và Lý Liên về nhà thăm mẹ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đang gia tăng khiến cho hoàn cảnh gia đình tôi thật tồi tệ. Sức khỏe mẹ tôi suy giảm trông thấy. Chứng cao huyết áp vẫn không đỡ, bây giờ cụ lại mắc thêm bệnh tim mạch. Hàng ngày cụ chỉ ăn một bữa, không phải vì thiếu thốn mà cụ chẳng muốn ăn. Đã thế cụ lại phải trông nom hai cháu nội, vợ tôi đi làm từ sáng sớm, về nhà rất muộn còn tôi thường vắng nhà.

Mẹ tôi lo lắng cho bệnh tình của tôi. Là đứa con trai duy nhất nên cụ rất thương, lúc nào cũng lo cho tôi. Thấy tôi ốm đau, gầy yếu chỉ làm cụ thêm lo buồn. Không muốn cụ phải bận lòng, tôi chỉ ngồi lại vài phút rồi vào viện.

Vết loét ở dạ dày của tôi không quá nguy hiểm. Ngô Tiếp, giáo sư cũ của tôi, sau khi khám xét kỹ, khẳng định không cần phẫu thuật, thực hiện đầy đủ phác đồ điều trị, ăn kiêng, uống thuốc đều đặn, bệnh sẽ chóng bình phục. Chỉ sau ba ngày tôi đã cảm thấy những dấu hiệu tốt hơn. Dạ dày đã hết chảy máu, sức khỏe cảm thấy khá hơn. Nhưng một phu nhân ở phòng bên cạnh, vợ thứ trưởng Bộ y tế, làm tôi rất khó chịu. Khi biết tôi là bác sĩ riêng của Mao, tìm đủ mọi cách để moi bằng được những chi tiết về mối quan hệ giữa Mao và Giang Thanh. Người đàn bà này quấy rầy tôi đến nỗi cuối cùng Cơ Túc Hoa, giám đốc bệnh viện, phải chuyển tôi sang phòng khác.
Trong khi sức khỏe của tôi đang dần dần phục hồi, mẹ tôi lại phải vào bệnh viện Đồng Nhân gần đó cấp cứu vì cơn đau tim. Cơn đau không nghiêm trọng, tuy đã qua cơn nguy hiểm, nhưng cụ phải nằm hàng tuần trong bệnh viện để dưỡng sức. Một bà cô trông coi hai đứa con trai tôi, còn Lý Liên hết đạp xe đến bệnh viện thăm tôi, lại đạp xe đến thăm mẹ. Tôi cảm thấy đã khỏe, đủ sức thỉnh thoảng ra ngoài bệnh viện cùng Lý Liên đi thăm cụ.
Bệnh viện trở thành nơi an dưỡng của tôi. Chiến dịch chống bọn “cơ hội hữu khuynh” vừa được phát động, tôi chẳng muốn bị cuốn hút vào. Bành Chân, thị trưởng thành phố Bắc Kinh hăng hái hưởng ứng chiến dịch này. Ông cho treo khắp các phố phường những lá cờ đỏ to tướng, những khẩu hiệu chính trị mới: “Mao chủ tịch muôn năm!”, “Đường lối chung muôn năm!”, “Công xã nhân dân muôn năm!”, “Đại nhảy vọt muôn năm!”
Anh trai tôi, con bà cả, làm việc ở Bộ y tế đã trở thành nạn nhân của phong trào này. Trong phong trào “ba chống” anh đã bị cách chức từ đầu thập niên 1950, tuy vậy vẫn giữ chức giám đốc Viện kiểm tra An toàn dược phẩm. Anh rất trung thành với đảng, nhưng hễ có chiến dịch nào được phát động, anh vẫn bị nghi ngờ. Đã lâu tôi không liên lạc với anh. Lý Liên muốn tôi dò hỏi tình hình anh ấy trong Bộ y tế xem sao. Nhưng làm thế, chỉ tổ làm người ta để ý đến tôi. Tôi không muốn dính vào chính trị một tí nào.
Tôi muốn rời khỏỉ Nhóm Một. Ở đó không chỉ có Mao, người làm cho tôi không chịu đựng nổi, còn có Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều. Họ là những kẻ thô lỗ, hèn hạ. Càng làm lâu trong Nhóm Một, họ càng trở nên đồi bại. Vụ bê bối mới của Diệp Tử Long với một người bạn gái cũ ở tỉnh Vũ Hán năm 1958. Còn Lý Ẩm Kiều cũng bắt đầu lao vào một mối tình chớp nhoáng.
Tôi không ủng hộ cách đối nhân xử thế của họ, khinh bỉ cả hai, coi họ là những kẻ thấp hèn về tư cách. Nhưng họ luôn sai khiến tôi như ông tướng, yêu cầu, bắt ép tôi không chỉ chăm sóc sức khỏe cho Mao, còn phải quan tâm đến cả khẩu vị của Mao. Tôi còn phải làm người hoà giải các cuộc cãi cọ xảy ra liên miên, vô nghĩa giữa Giang Thanh và các cô y tá. Ở tuổi tứ tuần, tôi thấy mình đang lâm vào ngõ cụt của nghề nghiệp. Từ lâu tôi vẫn muốn trở thành phẫu thuật viên.
Cơ Túc Hoa hứa dành cho tôi chỗ làm ở Bệnh viện Bắc Kinh, trưởng phòng Y vụ của bệnh viện, theo dõi hồ sơ sức khỏe các cán bộ cấp cao. Nhưng điều này có nghĩa, thay vì ở Trung Nam Hải tôi sẽ phải đương đầu với những mưu mô chính trị ở bệnh viện, vì tình hình ở bệnh viện cũng chẳng khác gì. Tôi chờ thời cơ, tìm việc ở Thượng Hải hay Nam Kinh.
Đầu tháng 9 Mao về Bắc Kinh, ít lâu sau Lý Ẩm Kiều và La Quảng Lộ, một thư ký riêng của Mao, đến thăm tôi. Họ thuyết phục tôi nên ra viện. Sắp đến lễ quốc khánh Trung Quốc lần thứ mười. Có lẽ ngày lễ lần này sẽ được tổ chức rất lớn. Trong mười tháng qua, hàng triệu người đã bỏ công sức thực hiện nhiệm vụ mà Mao giao phó, phải hoàn thành mười công trình lớn đúng vào dịp kỷ niệm ngày đại lễ. Toàn dân Bắc Kinh đã phải làm phu phục dịch cho vị hoàng đế Trung Hoa ở thế kỷ XX. Cũng như Tần Thuỷ Hoàng đã cho xây Vạn lý trường thành, về sau mỗi một ông vua đều cho xây cho riêng mình một công trình vĩ đại, Mao đã buộc phải xây xong mười công trình lớn để chào mừng mười năm lên ngôi. Quảng trường Thiên An Môn với Nhân Dân Đại Lễ Đường khổng lồ và Viện bảo tàng Lịch sử Trung Quốc được mở rộng cả hai bên, đến nỗi hiện nay nó có thể chứa được nửa triệu người. Cuộc diễu binh, bắn pháo hoa sẽ được làm rầm rộ nhất trong lịch sử Trung Quốc cận đại. Lý Ẩm Kiều và La Quảng Lộ không muốn tôi bỏ lỡ sự kiện vĩ đại này, nhưng tôi lại không muốn.
Tôi không theo Mao ra quảng trường Thiên An Môn. Ngày quốc khánh lần thứ mười đã tới và trôi qua khi tôi vẫn còn ở trong viện.
Trong khi mẹ tôi nằm bệnh viện Đồng Nhân, vào một ngày cuối tháng 11 khi bà đang tắm hơi như thường ngày, bỗng nhiên cụ bị bất tỉnh nhân sự. Khi tôi đến khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, tình trạng của cụ xấu đi rất nhanh, huyết áp tụt, cực kỳ nguy hiểm. Các bác sĩ đã bó tay. Vài giờ sau cụ ra đi, không kịp gặp mặt hai đứa cháu nội.
Chúng tôi không hung táng cụ. Với sự giúp đỡ của Phòng y tế trung ương sau khi cụ mất ba ngày, chúng tôi đã hoả táng. Đem bình tro về nhà, để trên bàn làm việc của tôi, vì tôi không muốn chôn bình tro ở nghĩa trang Bắc Bảo Sơn. Nếu tôi xin được việc tại một bệnh viện nào đó ở Nam Kinh hoặc ở Thượng Hải, tôi sẽ mang theo bình tro.
Sau khi mẹ tôi mất, việc giữ lại 5 căn phòng trong ngôi nhà ở trong thành phố đối với chúng tôi trở nên khó khăn hơn. Tôi muốn rời Trung Nam Hải, chuyển về ở trong ngôi nhà của mẹ tôi. Nhưng La Đạo Nhương, người phụ trách mới của Ban An ninh không đồng ý, tưởng tôi muốn bỏ Nhóm Một. Là bác sĩ riêng của Mao, tôi phải sống ở Trung Nam Hải. La đề nghị tôi chuyển cả gia đình vào ở trong Trung Nam Hải, hứa sẽ cho thêm một phòng cho hai đứa con trai tôi.
- Đồng chí nghĩ kỹ đi, bác sĩ Lý ạ. Khi đồng chí về Nhóm Một, đồng chí phải đi công tác liên miên. Cho nên nếu vợ con đồng chí ở lại ngôi nhà cũ, đồng chí sẽ chẳng còn cuộc sống gia đình nữa đâu.
La nói đúng. Tôi và Lý Liên chẳng còn cách nào khác, chuyển cả nhà vào Trung Nam Hải. Đứa con lớn có thể đạp xe đi học, đứa bé hồi đó mới ba tuổi hàng ngày sẽ gửi nó tại nhà trẻ nội trú ở Bắc Hải, cuối tuần đón về. Chúng tôi và đứa lớn ăn ở nhà ăn tập thể Trung Nam Hải.
Theo đề nghị của Lý Liên, tôi ra viện một thời gian ngắn để giúp gia đình chuyển nhà, rồi sau đó lại vào viện. Lý Liên thường đến thăm, đưa theo hai thằng con vào những ngày cuối tuần. Tôi sắp phải quay về Nhóm Một, vợ tôi muốn tôi hoàn toàn bình phục trước khi phải chịu đựng những căng thẳng của công việc.
Sở nhà đất Bắc Kinh phát hiện ra ngay các căn phòng của mẹ tôi bỏ không, đòi chúng tôi nhượng lại toàn bộ ngôi nhà. Không còn cách nào khác. Sau mười năm thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và sau hơn một thập kỷ, từ khi tôi còn là một thanh niên có lý tưởng trở về để phục vụ đất nước, sau khi nhà nước sung công toàn bộ tài sản gia đình, tôi đã trở thành gia cấp vô sản, không nhà đất.
Tinh thần tôi dường như bị suy sụp. Đối với một người có lý tưởng, việc phải từ bỏ ngôi nhà thừa kế từ thế hệ này sang thế hệ khác rất đỗi thân thiết của gia đình không phải dễ dàng. Sau khi Nhật xâm lược, tôi và mẹ tôi đã phải chạy đến Tô Châu, xa quê hương suốt 17 năm. Nhưng tôi đã sống thời thơ ấu trong ngôi nhà này, sau khi trở về Trung Quốc ngôi nhà này đã chứng kiến rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ trong đời. Pháo đài cuối cùng của sự ấm cúng, bình yên và hoà thuận, nơi duy nhất chúng tôi được tự do nói cười, đùa nghịch, đã vĩnh viễn không còn nữa.

Tổng số lượt xem trang