Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Trót dùng, nên tốn tiền giữ thi thể công nhân Trung Quốc

-Trót dùng, nên tốn tiền giữ thi thể công nhân Trung Quốc

HÀ NỘI (NV) - Công ty Tư vấn Xây dựng Ba Đình ở Hà Nội đã phải trả chi phí bảo quản thi thể ông He Mao Xian suốt từ cuối năm ngoái tới nay sau một tai nạn lao động hầm mỏ.

Lối vào mỏ chì – kẽm tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai. (Hình: Tuổi Trẻ)


Hôm 23 tháng 12 năm ngoái, ông He Mao Xian, 30 tuổi, cư dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Ayun Pa, tỉnh Gia Lai do đa chấn thương, khi đang khai thác quặng chì – kẽm thì mỏ bị sập.

Mỏ chì - kẽm mà ông Xian làm việc, tọa lạc tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Mỏ này từng được nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai giao cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai khai thác, sau đó tỉnh Gia Lai đã thu hồi giấy phép khai thác mỏ, song lại xảy ra chuyện, ông He Mao Xian lại bị thương rồi tử nạn vì “đất đá trong khu vực khai thác bất ngờ rơi xuống trúng người.”

Theo công an tỉnh Gia Lai thì khi khám nghiệm hiện trường, họ phát giác có ít nhất bốn công nhân Trung Quốc làm việc tại mỏ chì – kẽm Chư Mố. Ông He Mao Xian làm việc tại mỏ Chư Mố cùng với một người em ruột. Cả ông He Mao Xian lẫn những công nhân khác không có giấy phép làm việc tại Việt Nam.

Vào thời điểm đó, ông Phạm Anh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai, bảo rằng, những công nhân Trung Quốc hiện diện tại mỏ chì – kẽm Chư Mố “đang chờ hoàn tất thủ tục nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam”. Cũng chính ông Hùng bảo rằng, Tập đoàn Đức Long Gia Lai không biết gì về ông Xian và “có thể ông Xian lai vãng đến khu vực này rồi gặp tai nạn”.

Trong thực tế, Tập đoàn Đức Long – Gia Lai chỉ đứng tên xin phép rồi “chuyển nhượng” quyền khai thác mỏ cho Công ty Tư vấn xây dựng Ba Đình. Sau biến cố vừa kể, Công ty Tư vấn xây dựng Ba Đình bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai phạt 75 triệu đồng vì đưa người ngoại quốc vào Việt Nam làm việc mà không xin phép.

Ông He Mao Xian vào Việt Nam với tư cách du khách nhưng chuyện ông tử nạn khi làm việc tại mỏ chì – kẽm Chư Mố đến nay vẫn còn nhùng nhằng. Gia đình ông Xian đòi Công ty Tư vấn xây dựng Ba Đình phải bồi thường 4 tỉ đồng. Yêu cầu đó được Đại sứ quán tại Trung Quốc hỗ trợ. Thương lượng về chi phí bồi thường chưa ngã ngũ nên Công ty Tư vấn xây dựng Ba Đình phải trả toàn bộ chi phí bảo quản thi thể ông Xian.

Điều đáng nói là trong biến cố vừa kể, Tập đoàn Đức Long – Gia Lai hoàn toàn vô can và chuyện điều tra về việc đưa công nhân Trung Quốc vào Việt Nam làm việc trái phép chỉ ngừng lại ở việc phạt Công ty Tư vấn xây dựng Ba Đình 75 triệu. Trong khi chạy giấy phép khai thác mỏ rồi bán quyền khai thác theo giấy phép vốn là một vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam.

Hồi đầu năm ngoái, tại cuộc gặp đại diện những doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản ở miền Nam, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam, từng nhấn mạnh rằng, cơ quan này biết rất rõ là người Trung Quốc đang đứng phía sau, điều hành gần như toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam. Riêng miền Bắc, ít nhất cũng có 60% mỏ mang “dấu vết” của doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Thuấn khẳng định, nhiều giấy phép khai khoáng đã được bán cho doanh nghiệp Trung Quốc và thừa nhận, trước đây, việc khai thác khoáng sản “nở rộ như hoa”. Theo một thống kê vào năm 2010, chính quyền các cấp đã cấp khoảng 5,000 giấy phép khai khoáng cho hơn 2,000 doanh nghiệp và “rất nhiều doanh nghiệp đã bán lại giấy phép”

Lúc đó, viên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản bảo rằng, tiếp tục đào bới khoáng sản khắp nơi như vừa qua sẽ là thảm họa cho quốc gia. Chính quyền sẽ xiết chặt việc khai thác khoáng sản.

Trong thập niên vừa qua, hoạt động buôn lậu giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân Trung Quốc đã chuyển sang lĩnh vực khoáng sản. Đó cũng là lý do khiến thăm dò, khai thác, buôn lậu khoáng sản tại Việt Nam càng ngày càng trầm trọng và đã được xác định là có sự thao túng của các thế lực ngầm.

Hồi tháng 8 năm 2013, lần đầu tiên, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường của Việt Nam chính thức thừa nhận, hơn 50% giấy phép đã được cấp để thăm dò, khai thác khoảng sản, vi phạm những qui định hiện hành. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đó là vì “những người trong cuộc” tìm đủ mọi lý do để lách luật!

Vào thời điểm vừa kể, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường của Việt Nam cho biết, sau khi kiểm tra việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc, bộ này phát giác, 57 trong số 63 chính quyền tỉnh, thành phố đã cấp 957 giấy phép liên quan tới khoáng sản. Bao gồm 275 giấy phép thăm dò khoáng sản và 682 giấy phép khai thác khoáng sản.

Điểm đáng lưu ý là trong khi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thiếu nguyên liệu để sản xuất nên chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa thì sau khi khai thác, khoáng sản thô lại ùn ùn chảy sang Trung Quốc.

Vào tháng 5 năm 2013, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (viết tắt là PAN) công bố một nghiên cứu về tương quan khoáng sản - phát triển - môi trường. Theo đó, tuy khoáng sản được xem như tài sản toàn dân song trên thực tế, phần lớn lợi nhuận đang chảy vào túi các doanh nghiệp, để mặc cộng đồng dân chúng địa phương gánh chịu thiệt thòi. Cách quản lý, điều hành công việc khai khoáng chính là nguyên nhân khiến khai khoáng giống như hủy diệt.



Trong biến cố Chư Mố, dường như công an Gia Lai nói riêng và công an Việt Nam nói chung không bận tâm đến những “đại sự” như thế. (G.Đ)

Tổng số lượt xem trang