-
Chương 73
Mao ngồi trên ghế sofa, khó thở, mặt tím tái.
- Kỳ này nguy to rồi! – Ông nói một cách khó nhọc – Tôi ốm quá, đành phải gọi anh trở về. Bảo y tá trưởng đưa phim chụp tim phổi của tôi để anh xem. Mai khám, rồi cho tôi biết mắc bệnh gì.
Tôi báo cáo sơ qua công việc ở Ninh Hằng. Tôi nói, rất vui được thực hiện trách nhiệm “bác sĩ chân đất”, cuộc sống không đến mức khó khăn lắm. Sau đó đi ngay, tôi cần xem qua phim X-quang.
- Có một cái gì đó khá nghiêm trọng đấy, giám đốc Lý ạ! – Ngô Tự Tuấn nói khi đưa phim cho tôi.
Tôi ngượng, không hiểu. Giám đốc Lý? Vì sao cô ta gọi tôi như vậy?
- Người ta bổ nhiệm đồng chí làm Giám đốc Bệnh viện 305 – cô ta giải thích – Hoàng Hữu Sơn, tham mưu trưởng (Giải phóng quân) đã thông báo việc bổ nhiệm.
Trong khi tôi đang bị lưu đày, Tổng tham mưu trưởng, Tổng cục Cục chính trị và Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng quyết định bổ nhiệm tôi làm giám đốc Bệnh viện 305. Tôi hỏi Ngô Tự Tuấn:
- Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Cái gì đó rất nghiêm trọng nghĩa là gì? – tôi hỏi.
Vấn đề ở Lâm Bưu. Sự rạn nứt giữa Lâm và Mao mỗi ngày một trầm trọng xảy ra trong phiên họp toàn thể Ban chấp hành trung ương lần thứ 2 khoá IX, diễn ra ở Lư Sơn trong tháng 8 và 9 năm 1970. Tôi lúc ấy còn ở Hắc Long Giang. Lâm Bưu muốn phục hồi chức vụ Chủ tịch nhà nước – chức vụ này Lưu Thiếu Kỳ đã giữ từ năm 1959, sau khi Mao từ chức. Từ khi Lưu Thiếu Kỳ bị thanh trừng, chức vụ bị bãi bỏ. Lâm Bưu muốn khôi phục, gợi ý đề nghị Mao lại trở thành Chủ tịch nhà nước. Lâm Bưu biết Mao sẽ từ chối, hy vọng người ta sẽ chọn ông. Đồng thời Lâm Bưu đã thăm dò ý kiến nhiều người khác.
Trong số những người ủng hộ, Lâm Bưu muốn có Uông Đông Hưng. Sau này Uông kể với tôi, Diệp Quần trước hội nghị ở Lư Sơn yêu cầu Uông ủng hộ chồng bà chức vụ chủ tịch nước. Diệp Quần cho rằng nếu người ta không giao cho Lâm Bưu nắm chức vụ cao cấp, như chức Chủ tịch nước, chuyện Lâm là người thừa kế của Mao trở nên vô nghĩa.
Diệp Quần biết rằng Mao không ưa ý tưởng này. Nhưng nếu đa số đứng về phía Lâm Bưu, buộc Chủ tịch phải chấp nhận.
Tại Hội nghị Lư Sơn, những người cùng cánh thân cận nhất của Lâm Bưu – Tư lệnh Không quân Vương Phát Trần, Tư lệnh Hải quân Lý Thế Bằng, Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Khưu Hội Tác, thay mặt Lâm Bưu, đã công khai thăm dò ý kiến đại biểu ngoài hội nghị. Cựu giám đốc “Tiểu tổ trung ương Cách mạng văn hoá” và Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị Trần Bá Đạt ủng hộ Lâm Bưu. Ông viết tiểu phẩm “Với thiên tài”, ca ngợi Mao và thiên tài của ông đã đưa Trung Quốc lên bậc thang tiến bộ, đồng thời đi đến kết luận về sự cần thiết phục hồi chức vụ chủ tịch nước. Tiểu phẩm được phân phát cho từng nhóm coi như một phần tài liệu của hội nghị trung ương trong Bản tin số 2 Bắc-Nam Trung Quốc.
Nhiều người tham gia Hội nghị Trung ương đảng hiểu nhầm, cho rằng Bản tin phản ánh quan điểm của Mao.
Nhưng Mao chống thẳng thừng. Đầu năm 1970 trong cuộc họp thường vụ Bộ chính trị, Mao tuyên bố không lại trở lại giữ chức chủ tịch nước. Hầu hết người dự hội nghị không hiểu thâm ý, lại cho rằng cần thiết phải khôi phục chức danh Chủ tịch nước, nếu Mao khước từ, người duy nhất có khả năng giữ chức vụ này chỉ còn lại Lâm Bưu. Đó là chiến lược của Lâm.
Lâm Bưu lại phạm phải sai lầm như Lưu Thiếu Kỳ đã mắc. Lâm Bưu muốn có hai chức vụ chủ tịch ở Trung Quốc, Mao chỉ là một trong số đó. Dưới mắt Mao, điều này là tội không tha thứ được. Để mọi người hiểu ý, Mao triệu tập phiên họp Thường vụ Bộ chính trị mở rộng ngày 25-8-1970. Phiên họp quyết định tịch thu Bản tin số 2, Trần Bá Đạt bị thanh trừng, chiến dịch phê bình Trần Bá Đạt bắt đầu.
Uông Đông Hưng cũng vướng. Uông nghe theo đề nghị của Diệp Quần, ở Lư Sơn ông đã phát biểu ủng hộ Lâm Bưu. Mao nổi xung, buộc tội Uông phản bội, đứng sang phe cánh của Lâm. Quyết định trừng phạt Uông, tuy nhiên, Mao không muốn thải hồi. Người ta tạm thời chuyển Uông sang chức vụ mới, ngồi chơi xơi nước để có thời gian “nghĩ về hành động của mình”. Uông, người vẫn còn thần phục Mao, đã thú nhận tất cả, kể cho Chủ tịch nghe về quyết tâm của Diệp Quần đưa chồng lên chức vụ cao nhất trong nước. Chu Ân Lai muốn tống khứ Uông, bổ nhiệm Giang Đăng Trung làm người kế vị Uông trong Ban bảo vệ trung ương. Còn Khang Sinh, hành động theo chỉ thị của Chu, đề nghị Vương Lẵng Nha giữ chức giám đốc bộ phận tổng hợp. Chu Ân Lai âm thầm tiến hành việc bổ nhiệm không cho Uông Đông Hưng biết.
Uông vẫn kiên nhẫn, chờ đợi. “Tôi mắc khuyết điểm lớn” – Uông than thở với tôi – “Tôi đã viết bản kiểm điểm tường trình mọi hành động, xin được phê bình trong nội bộ. Lời phát biểu trong hội nghị của tôi đã vượt quá giới hạn nhiệm vụ và quyền hạn, khiến Chủ tịch nổi giận. Bây giờ tôi rất hối tiếc, sự sám hối này không cho phép tôi mắc khuyết điểm tiếp theo”. Nhưng Uông vẫn căm những người tìm cách lật đổ, chiếm vị trí của ông. Đó là Chu Ân Lai, Khang Sinh, Giang Đăng Trung và Vương Lẵng Nha.
- Họ sẽ biết tay tôi, hãy đợi đấy! – Uông thề với tôi.
“Khuyết điểm” của Uông được thông báo cho tất cả Nhóm Một. Thậm chí Mao buộc tội Ngô Tự Tuấn thuộc nhóm Uông Đông Hưng, hạn chế vai trò của cô, chỉ cho phép làm công việc duy nhất phục vụ y tế.
Người ta cũng thải hồi cả những cô gái trong Đội văn công Không quân – kể cả Lưu và hai người em gái họ, người mà, như một số người đồn đại, đang nuôi con nhỏ của Mao. Lý do, ba cô khá gần gũi thân thiết với Diệp Quần và Lâm Bưu. Mao ngờ rằng họ làm nội gián.
- Bọn họ không đáng tin cậy. Sau này ông nói với tôi.
Trương Ngọc Phượng, cô gái phục vụ trước đây trên đoàn tàu hoả của Mao, thay thế những người bị thải hồi, chuyển vào Trung Nam Hải. Cùng với cô còn có hai cô ở Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ lễ tân Vương Hải Dung – về sau trở thành thứ trưởng Bộ ngoại giao và phó vụ trưởng Vụ các vấn đề Châu Mỹ – Thái Bình Dương, Tăng Vĩnh Xương – người thường xuyên phiên dịch cho Mao. Họ trở thành người liên lạc giữa Mao với các nhà lãnh đạo cao cấp, lập một hệ thống kiểm soát chặt chẽ với bất kỳ ai muốn gặp Chủ tịch, đến mức cả Chu Ân Lai muốn gặp Mao cũng buộc phải thông qua họ.
Người ta chẳng quyết định một cái gì cụ thể tại phiên họp ở Lư Sơn trong tháng 8 và tháng 9. Cuộc đấu đá giành quyền lực trong đảng vẫn tiếp diễn.
Trong quá trình làm giảm quyền lực Lâm Bưu, vai trò của Giang Thanh tăng lên. Ngô Tự Tuấn kể, điều tôi dự đoán từ lâu, cuối cùng đã hiện rõ tại hội nghị Lư Sơn. Nếu Giang Thanh im lặng, không tố cáo sự không chung thuỷ của Mao bao nhiêu, ông ủng hộ khát vọng nắm quyền của Giang Thanh tăng bấy nhiêu. Giờ đây, tháng 11, điều này đang xảy ra và trong thời gian đấu đá chính trị nóng bỏng như trước đây, trong khi kết quả chưa rõ ràng, Mao ngã bệnh.
Trong khi hội nghị đang họp, Mao cảm thấy khó chịu trong người. Vẫn chứng bệnh cảm, dẫn đến viêm phế quản, ông từ chối gặp bác sĩ, đến khi tình trạng bệnh của ông mỗi ngày một nặng. Cuối tháng 10, thấy ông bệnh khá nặng, Chu Ân Lai gọi 3 bác sĩ đến khám, họ cho chụp tim phổi, dùng kháng sinh, vì ông bị viêm phổi.
Sự đa nghi của Mao muôn màu muôn vẻ, ông nghi ngờ có âm mưu lật đổ. Lâm Bưu, người mà Chủ tịch tin tưởng, đang mong ông chết. Mao biết thuốc cũng không phải thật ghê gớm mỗi khi tôi chữa trị. Ông tin bệnh viêm phổi có thể gây chết người khi phổi bị sưng nặng. Mao cũng đồ rằng, Lâm Bưu đứng đằng sau ba người bác sĩ, đến khám bảo ông mắc bệnh viêm phổi. Mao không tin họ, dù rằng Chu Ân Lai cử họ đến.
Nhưng sức khoẻ của ông xấu dần, cuối cùng Trương Ngọc Phượng đề nghị gọi tôi từ Hắc Long Giang trở về. Uông Đông Hưng muốn gọi tôi từ lâu, nhưng không dám, lo rằng bất cứ ai ông nhắc đến sẽ bị quy kết, người của nhóm ông.
Thực tế Mao mắc bệnh viêm phổi. Các phim X-quang đều xác định đúng như thế. Nhưng tôi không dám nói thật, e khi bảo ông bị viêm phổi, người ta gắn tôi vào nhóm Lâm-Uông. Tôi bảo ông vẫn bị chứng viêm phế quản cũ, không có gì trầm trọng, chỉ cần tiêm dăm mũi kháng sinh ông sẽ khỏe ngay.
Khi nghe chẩn đoán này, Mao lấy nắm tay đấm đấm vào ngực.
- Lâm Bưu muốn tôi thối phổi – Mao kêu lên – Anh chỉ những bức phim X-quang này cho bác sĩ của ông ta, xem họ nói ra sao. Họ là những người khôi hài, ba chàng trai ấy mà. Người khám tôi, không thốt ra lời nào. Người thứ hai nói nhiều, nhưng chẳng khám. Còn người nữa đeo khẩu trang, không nói cũng không khám. Nếu bọn họ vẫn còn nghĩ sưng phổi, tôi sẽ cấm tiêm. Và anh xem, liệu tôi có chết không.
Tôi nói chuyện với cả ba bác sĩ, giải thích cho họ rằng vì sao chúng tôi giấu Mao bệnh viêm phổi. Chủ yếu để Mao nhận điều trị thích hợp.
Họ đồng ý, nhưng giám đốc bệnh viện Trung Nam Hải không hài lòng. “Chúng tôi làm sao biết được những gì xảy ra ở Lư Sơn” – ông nói – “Làm sao chúng tôi biết chính trị và sức khoẻ của Chủ tịch lại liên quan với nhau đến thế? Chúng tôi thật kém may mắn, dù đã làm tất cả như thủ tướng Chu Ân Lai khuyên bảo”.
Mao vui mừng, biết rằng các bác sĩ giờ đây đồng ý bệnh ông chỉ viêm phế quản. Mao cám ơn tôi đã cứu sống ông, mời tôi dự bữa trưa như một khách quý.
Chuỗi ngày làm “bác sĩ chân đất” kết thúc. Mao không muốn tôi quay về Hắc Long Giang. Mao bảo:
- Ở đây có nhiều chuyện tôi cần đến anh.
Một tuần sau Uông Đông Hưng thu xếp cho Lý Liên quay về Bắc Kinh. Gia đình tôi cuối cùng đoàn tụ.
***
Đến ngày 18-12-1970 sức khoẻ Mao hoàn toàn hồi phục, ông tiếp phóng viên Mỹ, Edgar Snow, người đã từng phỏng vấn Chủ tịch năm 1936 ở Bảo An (Thâm Quyến, Quảng Đông), sau đó xuất bản cuốn “Ngôi Sao Đỏ trên bầu trời Trung Hoa” rất nổi tiếng. Từ đó ông trở thành người bạn của nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm qua. Khi tôi đến thăm, Mao bảo:
- Tôi nghĩ, Snow đang làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ. Chúng ta cần phải cho ông biết tin tức nội bộ.
Tin Edgar Snow sẽ chia sẻ thông tin với CIA, Mao dùng cuộc gặp với ông để đề cập đến sự phát triển mối quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai, thông báo rằng, ông sẵn sàng tiếp Richard Nixon hoặc bất cứ nhân vật hữu trách cao cấp nào ở Bắc Kinh. Ông cũng tận dụng cơ hội để người Mỹ sáng tỏ thêm về tình hình chính trị Trung Quốc. “Có ba loại người thường xuyên hô vang khẩu hiệu “muôn năm” với tôi. Loại thứ nhất họ thật lòng, nhưng không nhiều. Loại thứ hai a dua theo người khác, số người này rất đông. Loại thứ ba, miệng hô muôn năm, nhưng họ chỉ mong tôi chết càng sớm càng tốt. Tuy số người này không nhiều, nhưng có thật sự”.
Chỉ khi sống qua một thời gian ở Mỹ, tôi mới hiểu rằng Edgar Snow, khi thăm Trung Quốc năm 1970, cũng chỉ thuộc tầng lớp thấp trong chính trường trên đất Hoa Kỳ. Tin tức của ông cho chính phủ Mỹ thông báo quá muộn, mãi đến khi xác lập kênh liên hệ trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ. Và Snow, có lẽ, chưa bao giờ đoán được Mao muốn ám chỉ ai khi Mao nói rằng một số người muốn Mao chết mặc dù miệng hô “muôn năm”. Mao ám chỉ Lâm Bưu nhưng Edgar Snow không để ý.