Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Xã hội gì, nhặt được vàng bị mất việc, ai dám làm người tốt?

-Xã hội gì, nhặt được vàng bị mất việc, ai dám làm người tốt?

Một nữ công nhân nhặt được vàng trong bãi rác, đem trình báo công an thì bị nhà máy xử lý rác Cà Mau sa thải.

Câu chuyện của chị công nhân Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, tạm trú khóm 3, P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau) vì nhặt được 5 lượng vàng trong khi đang phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau mà bị mất việc đang khiến mạng xã hội xôn xao.
Cách đây 1 năm, chị Mai nhặt được 1 chiếc ví chứa đầy nhẫn, vòng với tổng cộng 5 lượng vàng khi đang phân loại rác. Chị đã thông báo cho mọi người biết về chiếc ví này, lãnh đạo nhà máy đến lập biên bản để giữ lại vàng.
Chị Mai không đồng tình với cách xử lý này và đi trình báo công an để trả lại cho người bị mất. Sau 1 năm thông báo, công an Cà Mau không tìm được chủ nhân số vàng, và cuối cùng, Nhà máy xử lý rác thải quyết định xung số vàng vào công quỹ.
Trong suốt 1 năm qua, chị Mai bị nhà máy cho nghỉ việc, chồng thì bệnh nặng, gia cảnh rất khó khăn. Giờ thì chị Mai làm đơn đi đòi lại số vàng và cho rằng nó thuộc về sở hữu của mình- là người nhặt được.
Ông Nguyễn Tiến Tân - Giám đốc điều hành Nhà máy rác thải Cà Mau tuyên bố với báo chí: “Tài sản trong khuôn viên nhà máy là của nhà máy. Chúng tôi quy định rõ điều này trong nội quy công ty và cả trong hợp đồng với người lao động. Do đó chúng tôi không chấp nhận yêu cầu được nhận số vàng này của chị Phạm Tuyết Mai, người trực tiếp nhặt số vàng”.
Câu chuyện đang khiến dư luận tranh cãi rất nhiều. Người thì bảo nhà máy nên trả số vàng cho chị Mai vì chị là người nhặt được. Người thì bảo số vàng thuộc về nhà máy là đúng, vì theo lời ông giám đốc, tài sản trong khuôn viên nhà máy là của nhà máy.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật, trong trường hợp này nên áp dụng khoản 2, điều 239 Bộ Luật Dân sự, nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thì số vàng đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật.
Rõ ràng nếu đặt 2 cách ứng xử của chị Mai và lãnh đạo nhà máy xử lý rác thải Cà Mau cạnh nhau, thì lẽ phải thuộc về phía chị công nhân. Khi nhà máy yêu cầu phải giao nộp số vàng nhặt được, chị không đồng tình và quyết định phải báo công an để trả lại cho người mất.
Đó là một quyết định rất đúng đắn với lương tâm và đạo đức. Tuy nhiên không hiểu vì sao, thay vì khen thưởng chị Mai vì quyết định này, thì chị lại nhận được quyết định cho thôi việc?
Đó có phải là “phần thưởng” cho nữ công nhân có việc làm tốt của nhà máy nơi chị Mai công tác? Đây là một “quả đắng” không ai ngờ tới.
Có người đã bình luận, làm người tốt thời nay là khó nhất. Từ vụ chị ve chai Ánh Hồng tới chị công nhân Tuyết Mai, có thể thấy ngày càng nhiều ví dụ làm nản lòng những ai muốn làm điều tốt.
Bằng sự cứng nhắc trong việc áp dụng điều khoản luật pháp, thay vì áp dụng những điều khoản “có lý có tình” cho người nhặt được tài sản (mà tài sản ấy không có người đứng ra nhận là chủ sở hữu), cơ quan công quyền lại máy móc áp dụng một điều luật khác, khiến cho dư luận bất bình.
Hãy cổ vũ cho những người muốn làm điều tốt. Xã hội phải khuyến khích những người làm điều tốt, điều đó mới thực sự có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, khi ngày càng có nhiều người đang “ngại” làm người tốt.
Hãy cho lòng tốt một cơ hội, như gieo một hạt mầm tốt cho tương lai.
Mi An/Đất Việt-


-'Tỉ phú ve chai' sắp được nhận 5 triệu yen
Thanh Niên
(TNO) Chiều nay, 19.5, Công an Q.Tân Bình, TP.HCM, đã mời “tỉ phú ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng lên thông báo cơ quan này đã chính thức bác đơn của bà Phạm Thị Ngọt Ngọt về việc yên cầu nhận lại số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng nhặt trước đó.
Công an Tân Bình bác đơn bà Ngọt, sẽ giao trả 5 triệu yen cho chị ...PLO
"Tỷ phú ve chai" sẽ nhận lại 5 triệu YenTin Mới


-Lật mặt “chồng hờ” của bà Ngọt trong vụ tỷ phú ve chai

Cho rằng số tiền 5 triệu yen Nhật là của chồng mình, bà Phạm Thị Ngọt đã đến Công an Q.Tân Bình cung cấp thông tin về ông Afolayan Caleb và nguồn gốc số tiền để "quên” trong loa. 

Tuy nhiên qua tìm hiểu, phóng viên Báo CA TP đã tìm ra được sự thật về người đàn ông gốc Phi có trình độ “cử nhân giáo dục” này và “cơ sở giáo dục” mà ông từng dạy học như trên giấy tờ bà Ngọt cung cấp. Tất cả chỉ là... “ảo”.
Công ty trường học “ma”
Theo hồ sơ mà bà Phạm Thị Ngọt cung cấp, trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, chồng bà là ông Afolayan Caleb làm giáo viên, công tác tại Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi (từ tháng 6.2010 đến tháng 6.2013). Bà Ngọt cũng đã cung cấp “giấy phép lao động” của chồng mình, trong đó có ghi về trình độ chuyên môn của người đàn ông gốc Nam Phi này là “cử nhân giáo dục”.
 Sáng 14.5, phóng viên Báo CATP đã xác minh tại sở Kế hoạch đầu tư TPHCM và được biết Công ty TNHH Úc Đại Lợi có đăng ký địa chỉ trụ sở tại số nhà 289 Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, Q.12. Tuy nhiên khi xác minh tại địa chỉ này, không hề có công ty nào hoạt động với tên gọi như trên.
Trong hồ sơ quản lý của công an địa phương, được biết căn nhà số 289 Trường Chinh do vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng T. (SN 1980) - Nguyễn Tri Th. (SN 1976) làm chủ sở hữu. Trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 20.5.2013, Cty Dịch vụ bảo vệ 007 thuê làm trụ sở hoạt động. Từ ngày 8.8.2013, bà C.T.H (SN 1989) thuê lại.
Tại căn nhà này, hiện có Công ty TNHH MTV Samshin Vina hoạt động (chuyên mua bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác, giấy phép kinh doanh số 0312369949 do Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM cấp ngày 15.7.2013, đăng ký thay đổi lần 1 vào ngày 4.5.2015) do bà Trần Bảo Thanh H. (SN 1990, ngụ TP.Phan Thiết, Bình Thuận) làm giám đốc. Ngoài CAP Tân Thới Nhất, ông Nguyên Đình Lạc là người sống lâu năm tại đây cũng xác nhận, địa chỉ nêu trên từ trước tới nay hoàn toàn không có Cty TNHH MTV Úc Đại Lợi trú đóng hoạt động trên địa bàn.
Ngoài ra, theo thông tin từ giấy phép kinh doanh của Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi, đại diện pháp nhân làm giám đốc là ông Trần Quang Minh (ngụ hẻm 133 Quang Trung, phường 10, Q.Gò Vấp). Tuy nhiên, lai lịch của vị giám đốc này cũng thật “mơ hồ”. Xác minh tại địa phương nơi vị giám đốc này đăng ký tạm trú, được biết ông Minh trước đây có mua căn nhà trong hẻm 133 Quang Trung để ở. Tuy nhiên vào thời điểm đầu năm 2013, ông Minh đã bán căn nhà này và chuyển đi nơi khác sinh sống.
Như vậy, có thể khẳng định Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi, nơi Afolayan Caleb làm giáo viên thực chất chỉ là một cơ sở “ma”.
“Cử nhân giáo dục” xài giấy tờ giả
Tìm hiểu thêm về người đàn ông gốc châu Phi này, phóng viên tiếp tục có thêm được những thông tin đầy bất ngờ. Ngay cả tên gọi Afolayan Caleb cũng chỉ là cái tên hư hư thực thực.
Vào năm 2010, Afolayan Caleb nhập cảnh vào Việt Nam và được Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi đứng ra bảo lãnh. Với vỏ bọc là “cử nhân giáo dục” làm việc tại Cty Úc Đại Lợi, Afolayan Caleb được Sở LĐTB và XH TPHCM cấp giấy phép lao động với thời hạn 3 năm (từ 14.6.2010 đến 14.6. 2013), chức danh công việc là “giáo viên”. Thực tế vào thời điểm này, như chúng tôi đã đề cập, tại địa chỉ số 289 Trường Chinh (phường Tân Thới Nhất, Q12) không hề có Công ty Úc Đại Lợi hoạt động.
Nghi vấn về tên gọi của “cử nhân giáo dục” Afolayan Caleb, chúng tôi đã đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TPHCM) và được biết thực tế người đàn ông này đã từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2007 và sinh sống tại nhiều địa điểm, khác nhau. Tại thời điểm giữa năm 2010, với tấm giấy phép lao động mang chức danh giáo viên, Afolayan chuyển về đăng ký lưu trú tại ấp Xuân Thới Đông 2, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Đây cũng chính là địa chỉ sinh sống của bà Phạm Thị Ngọt - người đàn bà tự nhận là vợ của Afolayan Caleb - ông chủ “bỏ quên” 5 triệu yen Nhật trong thùng loa.
Khi đến Công an Q.Tân Bình cung cấp thông tin về người chồng gốc Phi của mình để chứng minh về nguồn gốc của 5 triệu yen Nhật, bà Phạm Thị Ngọt chỉ cung cấp được những giấy tờ photocopy là thẻ lưu trú và giấy phép lao động của người chồng mang tên Afolayan Caleb. 
Thực tế trước đó, khi nghi ngờ về tấm hộ chiếu của người đàn ông gốc châu Phi này, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đề nghị đại diện nước bạn Nam Phi xác minh. Kết quả, phía Nam Phi cho biết tấm hộ chiếu mang tên Afolayan Caleb là hộ chiếu giả. Tuy nhiên, lúc này vị “giáo viên” mang tên Afolayan Caleb đã xuất cảnh, rời khỏi Việt Nam từ ngày 14.6.2013 qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất - đúng vào ngày hết hạn của tấm thẻ lưu trú và giấy phép lao động của người này.
Nhập cảnh và cư trú với tấm hộ chiếu giả, làm việc cho một công ty “ma”, vói những thông tin khuất tất như trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi người đàn ông Nam Phi có tên Afolayan Caleb phải chăng là chủ nhân đích thực của số tiền 5 triệu yen Nhật “bỏ quên” trong loa. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời.
Theo Đăng Hòa – Nguyễn Hiếu/Công an TP.HCM


-Công an đã nhận đơn khiếu nại về vụ 5 triệu yen
13/05/2015 TTO - Trong đơn, bà Huỳnh Thị Ánh Hồng - người phát hiện 5 triệu yen trong chiếc loa ve chai khiếu nại việc Công an Q.Tân Bình kéo dài thời gian giải quyết vụ việc là không đúng thẩm quyền.
Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Sáng 13-5, bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, tạm trú hẻm 84 Trần Văn Quang, P.10, Q.Tân Bình), người phát hiện 5 triệu yen Nhật trong thùng loa cũ khi thu mua ve chai cách đây hơn một năm cho biết 9g cùng ngày, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) đã tiếp nhận đơn khiếu nại của bà đối với công văn số 2782 của Công an quận.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sau khi phát hiện 5 triệu yen Nhật trong thùng loa, bà Hồng đã bàn giao số tiền này cho công an quận Tân Bình để thông báo tìm chủ sở hữu, quá 1 năm không có người nhận thì bà Hồng sẽ được sở hữu số tiền này.
Tuy nhiên, 12-5, bà Hồng đã nhận công văn 2782 của công an Tân Bình cho rằng vụ việc có tình tiết mới là bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi) cho rằng số tiền trong thùng loa là của ông Caleb Afolayan (quốc tịch Nam Phi, chồng của bà Ngọt). 
Vì vậy, công an Tân Bình cần có thời gian làm rõ, không thể cho biết bao giờ giải quyết xong vụ việc của bà. 
Đơn khiếu nại của bà Hồng có ba nội dung. Bà Ngọt không phải là đương sự, không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản, vậy Công an Q.Tân Bình căn cứ vào cơ sở pháp lý nào vẫn thụ lý vụ việc, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà?
Dựa vào cơ sở pháp lý nào Công an Q.Tân Bình tiếp tục xác minh chủ sở hữu tài sản trên, đặc biệt khi thời hạn một năm đã hết? Dựa vào căn cứ pháp lý nào mà quá thời gian một năm theo quy định của pháp luật, Công an Q.Tân Bình tự ý gia hạn thời gian tìm kiếm chủ sở hữu? 
Trong đơn, bà Hồng cũng trình bày theo qui định tại Điều 239, Bộ luật dân sự; Điều 103 và 119, Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 58, Bộ luật tố tụng dân sự thì cơ quan công an không có trách nhiệm điều tra ai là chủ sở hữu của tài sản.
Việc Công an Q.Tân Bình kéo dài thời gian giải quyết vì cần xác minh đơn của bà Ngọt là không đúng thẩm quyền.


-5 triệu Yen vợ chồng ve chai nhặt được: Luật sư 'mổ xẻ' quyền sở hữu
VOV.VN - Theo Luật sư Lê Luân, đến nay đã hết thời hạn 1 năm từ ngày thông báo, nên theo quy định 5 triệu Yen phải trở thành tài sản của chị Hồng mới hợp lý
Sau 1 năm nhặt được 5 triệu Yen trong chiếc loa thùng cũ, số tiền 5 triệu yên vẫn chưa thuộc về chị Huỳnh Thị Ánh Hồng. Lý do là xuất hiện nhân vật lạ ở "phút 89" là bà Phạm Thị Ngọt có đơn trình báo công an nhận đây là số tiền của mình. Hiện hồ sơ vụ việc đã được công an Tân Bình (TP HCM) chuyển lên toà án giải quyết.


Sai lầm khi quan niệm 5 triệu Yen là vật?

Luật sư Lê Luân, Đoàn Luật sư Hà Nội Về vụ việc này, đã có nhiều ý kiến phân tích của các luật sư. Trong phân tích trên báo Tuổi trẻ, Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) dẫn ra các điều luật liên quan và cho rằng, tiền yen hay bất kỳ ngoại tệ nào hoàn toàn không được xem là tiền theo luật Việt Nam vì nó không phải là phương tiện thanh toán. Mà nếu nó không phải là phương tiện thanh toán (tiền) thì chỉ xem nó như một loại tài sản theo khoản 2 điều 174 Bộ luật dân sự. Do đó không thể áp dụng điều 163 Bộ luật dân sự xem nó là “tiền”.



Luật sư Lê Luân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là một cách lập luận và suy diễn nguy hiểm, sai lầm nghiêm trọng tư duy logic, vì những mệnh đề tương đương không khớp nhau: A tương đương B, B tương đương C, C không phải D nên suy ra: A không phải D. Tuy nhiên, dù C không phải D nhưng D lại là một tập giao với C. Nên đương nhiên trong A vẫn có một phần tính chất của D.

Luật sư Lê Luân, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quan niệm trên lãnh thổ Việt Nam thì chỉ dùng đồng tiền Việt Nam để thanh toán, giao dịch, còn ngoại hối không được phép là không đúng quy định pháp luật.

Luật sư Lê Luân dẫn chứng, Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2003 (đã sửa đổi năm 2013) quy định rằng không được phép giao dịch bằng ngoại hối trừ các trường hợp do Ngân hàng Nhà nước quy định. Mặt khác Pháp lệnh cũng giải thích rõ Ngoại hối là đồng tiền nước ngoài.

Tiếp đó, Thông tư 32/2013/TT-NHNN đã quy định rõ các trường hợp được giao dịch bằng ngoại hối tại Điều 3, Điều 4.

Trong khi đó, Điều 163 Bộ luật Dân sự chỉ ghi tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tức chỉ quy định là tiền chứ không phải chỉ tiền Việt Nam mà là một đồng tiền bất kỳ gọi tên và được hiểu là tiền. Mà về tập hợp, vật bao gồm tiền, tiền lại bao hàm tiền Việt Nam hoặc các loại tiền riêng lẻ khác... “Nên không ai tranh cãi việc tiền là vật cả. Mà chỉ cần áp dụng cụ thể việc 5 triệu Yen Nhật là tiền đã đủ rồi chứ không cần phải bảo nó là vật. Vì đủ điều kiện là cái nhỏ hơn thì áp dụng theo cái mà nó phù hợp nhất”- luật sư Lê Luân cho biết.

5 triệu Yen phải thuộc về vợ chồng đồng nát?

Theo Luật sư Luân, ngoại hối, ngoại tệ là tiền, chỉ là cách gọi pháp lý để phân biệt đồng tiền trong nước với đồng tiền của một quốc gia khác. Và vì là đồng tiền nên nó được thực hiện thanh toán quốc tế cũng như trong khu vực. Vì là tiền bởi nó là phương tiện trung gian thanh toán, trao đổi (vàng cũng là một loại tiền). Và tiền, về mặt vật chất, cũng là vật. Nhưng đối chiếu với Điều 163 Bộ Luật Dân sự 2005 thì thấy rõ ràng, tiền và vật là hai loại tài sản khác nhau, có hệ quả pháp lý khác nhau. Nên đến nay, để khắc phục, để hiểu đúng và đảm bảo khoa học pháp lý, Dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 (sửa đổi) đã bỏ quy định như Điều 163, mà quy định tài sản chỉ bao gồm: Vật và Quyền. Được chia thành Động sản và Bất động sản.


Đôi vợ chồng mua ve chai nói dù giàu hay nghèo họ vẫn lao động, vẫn yêu thương nhau (ảnh: KT)


Luật sư Lê Luân cũng cho rằng, ngoại tệ, nó không phải là đồng tiền được lưu thông rộng rãi, nhưng nó được dùng để thanh toán, giao dịch dân sự trong đời sống hàng ngày, được cá nhân cất giữ, trao đổi, sử dụng hoặc tiết kiệm, hoặc phục vụ thanh toán các giao dịch vãng lai... nên nó phải là tiền chứ chẳng thể khác được. Tên gọi khác không phải để hiểu nó khác nhau khi nó là một loại. “Con bò Nhật Bản với con bò Việt Nam thì vẫn là con bò mà thôi. Chứ không cần bảo con bò Nhật Bản là động vật”- Luật sư Lê Luân giải thích.

Luật sư Lê Luân dẫn điều 239, Bộ Luật dân sự quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu quy định: Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.

Khoản 2, Điều này cũng quy định “Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp. Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Lê Luân cho rằng, 5 triệu Yen sẽ trở thành tài sản của chị Hồng nếu không có ai nhận làm chủ sở hữu và chứng minh được là chủ sở hữu số tiền đó. Đến nay đã hết thời hạn 1 năm từ ngày thông báo, nên theo quy định tại Điều 239, Bộ Luật Dân sự, 5 triệu Yen sẽ trở thành tài sản của chị Hồng. Đó là cách làm hợp pháp./.
Minh Hòa/VOV.VN

Tổng số lượt xem trang