Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Người không chân dung- Chương 7


-

Chương 7. Giải pháp bê-tông

Khi Chiến tranh Lạnh được nhắc đến như là một trong những xung đột của những đế quốc lớn, và nước Cộng hoà Dân chủ Đức đã trở thành một lời ghi chú nhỏ trong các sách lịch sử, đất nước của tôi có lẽ sẽ được ghi nhớ là một nước đã dựng một bức tường để giữ chính công dân của mình không cho họ đào thoát. Hình ảnh của Bức tường Berlin không những chia cắt một thành phố lớn mà cả hai ý thức hệ và hai khối quân sự tranh đua nhau vì tương lai của nhân loại, bức tường luôn mãi là biểu tượng hùng hồn nhất của sự chia rẽ hậu chiến của châu Âu và của sự tàn bạo và vô nghĩa của chính cuộc Chiến tranh Lạnh.

Đối với tôi, một người đã sống và làm việc đằng sau bức tường sau khi nó được dựng vào ngày 13-8-1961 và cống hiến sức lực cho nền an ninh và sự phát triển của hệ thống đã xây dựng nên nó, Bức tường luôn luôn là biểu tượng của sức mạnh và sự yếu kém. Chỉ có một hệ thống với sự tin tưởng mãnh liệt vào hệ tư tưởng chỉ đạo mới có thể thu xếp để chia cắt một thành phố và tạo nên một biên giới gần kề giữa hai phần của một nước. Và chỉ có một hệ thống yếu kém và hư hỏng từ căn bản như hệ thống của chúng tôi mới phải làm như vậy trước tiên.
Vì vậy tôi biết trong thâm tâm, nước Cộng hoà Dân chủ Đức đã đến ngày tàn khi, vào đêm ngày 9-11-1989, tôi bật máy truyền hình và nghe tin các công dân CHDC Đức được phép đi lại qua biên giới và thấy đám người đầu tiên đổ dồn về ngã biên giới thình lình được mở ngỏ. Một nước như nước chúng tôi, mà sự sống còn lệ thuộc hoàn toàn vào sự ổn định nội bộ, không thể nào tồn tại với biến cố chấn động này. Làm thể như thực tại đã ngưng động. Bàng hoàng, tôi ngồi với vợ tôi nhìn hình ảnh người Đông và Tây Đức ôm chầm lấy nhau trên vùng đất vô chủ (no man’s land) tại biên giới Berlin. Có vài người đi dép ngủ, làm như họ mộng du trong một đêm quyết định cho định mệnh của nước Đức và của châu Âu trong những năm tới.
Lẽ cố nhiên biên giới chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn. Nó được mở ngỏ cho những du khách Đông Đức thi hành công vụ. Họ là những người đã được rà soát và thích hợp với vai trò “cán bộ du lịch”. Điều này có nghĩa là họ đáng tin cậy về mặt chính trị, họ không có thân nhân ở Tây Đức. Kể từ khi có sự nới lỏng những hạn chế vào thập niên 1970, vào lúc mối dây liên lạc giữa hai nước Đức đã cải thiện, những người về hưu được phép du lịch dựa trên lý luận, tuy là lô-gíc nhưng không thiếu phần cay độc, nếu họ ở lại Tây Đức họ không phương hại đến nền kinh tế của Đông Đức và ngay cả việc từ bỏ tiền hưu trí. Và đương nhiên, các điệp viên của tôi làm việc tại chỗ và các tiếp liên trao đổi thư tín cho những nguồn cung cấp được phép du lịch sang Tây Đức với lý lịch giả.
Những ai có phép đi ra ngước ngoài rất được quần chúng thèm muốn; cơn sốt du lịch lên cao trong một quốc gia không có khách du lịch. Tôi đã du lịch không vì thú vị bản thân như phần đông các sinh viên trung lưu Hoa Kỳ. Mặc dù tôi có mọi đặc quyền, tôi chưa bao giờ viếng thăm Viện bảo tàng Prado, Viện bảo tàng Anh, hoặc Viện Le Louvre. Tất cả chúng tôi sống một cuộc đời thu hẹp, mặc dù cuộc sống của tôi ít hẹp hòi hơn vì công tác gián điệp đưa tôi đến Đông Phi, các vùng hoang dã của Sibir, những bờ biển Hắc Hải, những cánh rừng Thuỵ Điển và sự dịu dàng của vùng nhiệt đới Cuba. Vì được ưu đãi nên tôi có một căn phòng xinh xắn, một chiếc xe hơi và một tài xế, và được những ngày nghỉ thoải mái qua lời mời của các cơ quan tình báo khác trong khối Đông Âu. Những biệt đãi này luôn liên hệ đến công việc và trách vụ của tôi; xét ra cuối cùng thế giới rộng mở bên ngoài nhưng đối với tôi cũng như khép kín.
Mặc dù bọn chúng tôi không hưởng được sự thoải mái và tinh thần độc lập của một công dân tương đối khá giả của Tây Âu, tôi hoàn toàn cách biệt với những công việc cực nhọc chi phối một công dân thường ở nước tôi. Chúng tôi thụ hưởng từ nhóm Xô viết hệ thống đặc quyền đặc lợi của tầng lớp Nomenklatura. Sự việc khởi sự vào năm 1945, khi các công chức, các khoa học gia và những kẻ hữu dụng cho lý tưởng Cộng sản nhận được một số ít phụ trội về lương thực, mà chúng tôi gọi là payoks, mượn từ tiếng Nga để chỉ phần chia lương thực. Sau đó thành thói quen, như mọi sự việc, và trở thành một định chế dưới danh nghĩa một phân cục gọi là “an ninh cá nhân” và đã đương nhiên trở thành một đội ngũ năm ngàn người. Rồi những đặc quyền của chúng tôi được hợp thức hoá trong hệ thống liên lạc với Bộ Ngoại thương, để đảm bảo các đầy tớ tối cao của quốc gia không bị thu hẹp trong mớ sản phẩm thường là hạng nhì của chính quốc gia mình. Tất cả đều được phân chia tuyệt đối theo thứ bậc. Có những cửa hàng đặc biệt dành những món hàng của phương Tây để cung cấp cho Bộ Chính trị. Sau khi họ đã chọn lựa, phần còn lại được giao cho chúng tôi ở trong những cơ quan tình báo và tại đây các bộ khác và cơ quan thương mại khác nhận phần của mình. Cuộc sống thật là đơn giản và thoải mái. Tôi quá yếu đuối để từ chối những đặc quyền này, và những năm sau tôi thú nhận điều này khi sinh viên hỏi tôi. Họ hài lòng với câu trả lời của tôi, vì họ hiểu những yếu đuối của con người trước những đặc quyền như vậy. Lẽ cố nhiên, nếu tôi không được sủng ái, những thứ này biến mất chỉ trong một đêm.
Ngoài những món ưu ái này và những nơi dừng chân đặc biệt, tôi sống một cuộc đời bàn giấy, kẻ thi hành lệnh của những chủ nhân ông chính trị của tôi. Đầu tiên chúng tôi làm việc về đêm - giờ làm việc của Stalin - giống hệt các thượng tầng cơ sở của giới thư lại Xô viết. Sau khi Stalin chết, Mielke làm việc suốt ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng và thường kết thúc vào 10 giờ đêm, tuy nhiên sau này tôi nghĩ ông ta cố làm vẻ như ở trong văn phòng nhưng ông ta không ở. Tôi thường thèm muốn sự độc lập của những người làm việc trong cơ quan của tôi. Họ có thể đi công tác một cách thong dong và tự mình quyết định lấy giờ làm việc của họ, nhưng ngày làm việc của tôi dính liền với thời khoá biểu của cấp trên của tôi.
Tôi thức giấc vào lúc 6g30 sáng hoặc 7 giờ và tập thể dục cho cái lưng - tôi có vấn đề khi còn nhỏ - và đến sở làm việc lúc 8g15 sáng. Trước tiên, tôi có tài xế và một thư kí và sau này hai thư kí và một người phụ tá đặc biệt, tiếng Đức gọi là người chỉ định. Các nhân viên trong văn phòng riêng của tôi rất gần gũi với tôi và hiếm khi thay đổi; người thư ký chính của tôi bắt đầu làm việc với tôi năm 1954, vào năm thứ ba tôi làm Giám đốc Tình báo hải ngoại, và ở lại đó ba mươi ba năm cho đến khi tôi về hưu.
Tôi khởi sự ngày làm việc của tôi với những giấy tờ quan trọng, những báo cáo từ các chủ nhiệm ngành và đôi khi từ các điệp viên. Vào mười năm cuối, giấy tờ trở nên quá nặng nề và tôi phải trông cậy vào bản tóm tắt của ban nghiên cứu trong đó gồm có những hồ sơ mật, tóm lược về những sự cố thường nhật và tài liệu của các thông tấn xã.
Cơ quan HVA được chia vào khoảng hai mươi ban, trong đó có cả những nhóm riêng biệt để giám sát các điệp viên và những thông tin tại các Bộ, các đảng phái chính trị, các công đoàn, các giáo phái và các định chế khác của Tây Đức; tình báo quân sự, Hoa Kỳ, Mexico và phần còn lại của thế giới; Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các Tổng tham mưu của Cộng đồng châu Âu tại Brussels; phản gián; phản thông tin; thông tin khoa học và kinh tế của Tây Đức; ban gián điệp kỹ thuật chuyên về các hạ tầng cơ sở kỹ nghệ, những dụng cụ điện tử và khoa học, và hàng không học và không gian vũ trụ học; các sứ quán, các biên giới, huấn luyện và dịch thuật, và một ban để điều nghiên và đánh giá những thông tin thô đổ về từ các ban khác.
Cứ bốn hoặc ba ngày tôi họp với các phụ tá của tôi và với giám đốc của mỗi ban dưới sự điều khiển trực tiếp của tôi để thảo luận về những tiến triển của công tác và những dự án quan trọng. Tôi phải đọc tất cả những báo cáo gửi lên ban lãnh đạo. Mielke không cắt xén những báo cáo của tôi, nhưng giữ lại một vài bản không đưa cho Honecker, nói rằng “Họ không lấy gì làm thích thú lắm đọc những thứ này”. Tôi thường ăn trưa với các phụ tá của tôi cùng với thư ký của Đảng tại sân của văn phòng bộ trên đường Normannenstrasse, quận Lichtenberg. Chúng tôi trao đổi tin tức và những mẩu chuyện, nhưng ngay trong nơi kín đáo nhất của bộ chúng tôi nói đến điệp viên của chúng tôi và ngay cả “người thường trú hợp pháp” trong Toà đại sứ của chúng tôi, chúng tôi đều dùng bí danh để không tiết lộ danh tánh thật của họ và như vậy gây nguy hiểm cho họ nhiều hơn.
Phạm vi to lớn của công việc này rất là nhàm chán. Tình báo chỉ là việc buôn bán bình thường để sàng lọc mớ thông tin hỗn độn và tìm ra một viên đá quý hoặc một sợi dây liên lạc đáng giá, vì vậy tôi thay đổi lề thói hằng ngày của tôi bằng cách điều khiển mười hoặc mười hai điệp viên do tôi điều động trực tiếp. Theo như tôi được biết, tôi là một giám đốc duy nhất trong tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới làm điều này. Việc này cho phép tôi đi ra ngoài và đôi khi gặp gỡ họ tại các nhà an toàn ở ngoại ô Berlin hoặc - điều mà tôi ưa thích - tại Dresden và các nơi khác, nơi không có nhiều người phía Tây để có thể chạm mặt với điệp viên đến đây.
Những tập quán này đương nhiên bị gián đoạn vì những sự việc bất ngờ, đặc biệt là việc bắt giữ những điệp viên của chúng tôi tại hải ngoại. Thông thường những tin tức mới nhất do báo chí loan tải, họ ít khi cho biết tên tuổi chính xác của điệp viên, vì vậy chúng tôi phải đoán mò có phải là điệp viên của chúng tôi hay là ai khác. Đôi khi tôi phải đến gặp giám đốc ban để đón nhận tin không tốt, đặc biệt nếu đó là một hành vi đào thoát. Chúng tôi phải tự huấn luyện nhắm mắt làm ngơ những mất mát này qua từng giai đoạn và cố gắng không loan truyền sự hoảng hốt; nỗi lo sợ đã quá đủ khi ông bộ trưởng đòi hỏi lời giải thích.
Thay vì khiển trách, điều quan trong hơn là tìm kiếm hoặc xét xem ai khác có thể bị đe doạ vì việc bắt giữ hoặc đào tẩu. Chúng tôi phải thông tin vô tuyến nhanh chóng cho điệp viên của chúng tôi bằng mật hiệu, nhưng vì điệp viên không phải lúc nào cũng bật máy vô tuyến để nghe mỗi ngày, chúng tôi có thể dùng điện thoại để trực tiếp báo động cho họ bằng mật hiệu. Nếu trong trường hợp điệp viên của chúng tôi là một doanh nhân, lời báo động có thể là “Cuộc gặp gỡ tới của chúng ta được rời sang ngày khác”. Chúng tôi tránh những chỉ dấu quá lộ liễu như “Bà cô ở Dresden bị bệnh nặng”. Chúng tôi có một số tín hiệu, chẳng hạn như đinh đóng trên thân cây hoặc dấu thập trên một hộp thơ mà điệp viên đi qua mỗi ngày để anh ta kiểm chứng, nhưng không phải tất cả các điệp viên đều dùng cách này.
Trong thời gian mười năm cuối trong nghề, tôi thường làm việc đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần lễ, chỉ có Chủ Nhật là ngày nghỉ. Cuộc sống xã hội của tôi rất ít, mặc dù tôi cố gắng đi xem kịch hoặc dàn hoà tấu ít nhất hai lần trong một tháng. Những thăm viếng trao đổi với các cơ quan tình báo tại các nước bạn, hoặc phái đoàn của họ đến thăm viếng Berlin, cho chúng tôi những cơ hội hiếm có mà chúng tôi vui vẻ đón nhận để đi thăm viếng các viện bảo tàng và nhà hát. Vào những ngày cuối tuần, tôi tìm cách về nhà nghỉ của tôi trong một ngôi làng nhỏ Prenden, cách xa Berlin hai mươi dặm về phía đông bắc. Và ở đây tôi tìm đủ mọi cách để bảo vệ đời tư của tôi để không bị công vụ xâm nhập. Khi những bạn bè tuổi thiếu thời ở Moscow, George và Louis Fischer ghé thăm Berlin năm 1985, họ lấy làm ngạc nhiên khi khám phá tôi không có người hộ vệ bám sát theo tôi và đi lại thong dong tự do. Mielke có người hộ tống bảo vệ và một lần ra lệnh bắt tôi phải có một người hộ tống, nhưng rồi tôi xoay sở để đuổi anh này đi. Anh tài xế của tôi được huấn luyện đặc biệt để bảo vệ tôi nhưng đương sự chẳng mang đeo súng. Súng của tôi tôi cất trong tủ kín.
Cho dù tôi có mối nghi ngờ về hệ thống tôi đang phục vụ, một cuộc đời được ưu đãi, có trách nhiệm và có lúc choáng ngộp sẽ khó lòng cho bất cứ ai từ bỏ việc vận động để thay đổi, đặc biệt một người như tôi tin rằng thay đổi chỉ đến từ cấp cao. Điều này nghe có vẻ lạ lùng đối với một người ở trong vị thế của tôi, tưởng chừng như có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng của tôi chỉ giới hạn trong cơ quan của tôi, nơi đây phạm vi không gian không thuộc về tôi.
Günter Gaus, Đại sứ Tây Đức đầu tiên tại Đông Đức, một người rất thông minh, hiểu biết rất rõ những vấn đề của chúng tôi, gọi nước CHDC Đức là một cộng đồng những hang hốc. Phần lớn quần chúng không màng đến những vấn đề của đời sống công cộng, không để ý đến những vấn đề của chính sách nhà nước, miệt mài thực hiện những mục tiêu cá nhân và bảo vể không gian của bản thân. Tôi cũng có không gian riêng của tôi, và, xem như có vẻ mâu thuẫn, không gian riêng này chính là cơ quan của tôi. Tôi không thể làm khác hơn.
Việc mô tả đời sống của chúng tôi có thể tạo nên cảm tưởng là tôi sống một cuộc đời tồi tàn của một anh nô chức, chỉ thi hành nhiệm vụ để có những đặc quyền hiếm hoi. Thưa không phải như vậy. Tôi hài lòng với nhiệm vụ lãnh đạo cơ quan tình báo. Tôi thâm tín rằng công việc này cần thiết và tôi cống hiến bản thân tôi cho công việc này. Tôi đã thành công cố tình tránh né mọi cơ hội để leo lên những cấp bậc cao hơn và gần gũi với trung tâm quyền lực hơn. Tôi cũng đã từ chối lời đề cử tôi trở thành cấp lãnh đạo về truyền thông đại chúng, một chức vụ trông coi về tuyên truyền. Ngay cả các con tôi cũng xin tôi từ chối việc thăng chức này, vì việc này sẽ đưa tôi đến gần kề chức vụ lãnh đạo chính trị và chắc chắn sẽ tạo nên những mâu thuẫn.
Những ngày trước khi Bức tường Berlin được dựng lên vào ngày 13-8-1961, tôi cảm nhận có một biến cố quyết liệt sẽ diễn ra. Không khí của phía Đông thành phố xem ra ảm đạm. Công ăn việc làm và thực phẩm mỗi tuần một khan hiếm. Một hôm, đi ngang qua một nhóm người xếp hàng trước một cửa hàng, tôi nghe một bà già nguyền rủa trong tiếng địa phương của Berlin “chúng phóng được vệ tinh Sputnik, nhưng ngay giữa mùa hè chúng ta không có một cọng rau tươi. Đấy là xã hội chủ nghĩa”.
Ai có thể khiển trách những thanh niên nếu họ đem tài năng của mình để làm việc bên kia biên giới, nơi đây họ có thể kiếm ra tiền và mua những sản phẩm mà những người ở lại mơ tưởng? Trong thâm tâm của họ, họ không phản bội một quốc gia, họ chỉ di chuyển sang phần bên kia của nước Đức, nơi đây phần lớn có bạn bè hoặc thân nhân sẵn sàng giúp họ lập nên sự nghiệp.
Từ ngày thành lập Đông Đức vào năm 1949, 2,7 triệu người đã bỏ trốn sang Tây Đức, hơn một nửa dưới 25 tuổi. Tôi cũng tự hỏi mấy đứa trẻ trong gia đình cũng bỏ đi nếu chúng không nằm trong nhóm nhừng người sống chết với xã hội chủ nghĩa. Ngày 9-8-1961, con số tị nạn ghi trong sổ tiếp nhận của các trại ở Tây Berlin lên đến 1926 người, con số cao nhất trong một ngày. Nhà nước đang mất đi nhân lực, mất đi những người mà nhà nước đã bỏ tiền ra huấn luyện, không có sự đóng góp của họ mức sống sẽ xuống thấp hơn nữa. Tôi cảm nhận chúng tôi đang bơi lội trong bùn.
Nhà nước của chúng tôi tố cáo phương Tây hút máu của phương Đông. Lột bỏ luận điều bệnh hoạn này, tôi biết điều này có nghĩa là sức thu hút của Tây Đức đang gia tăng vì những thịnh vượng mới và quần chúng sẵn sàng hy sinh những mối liên hệ huyết thống và nền an ninh êm ấm của nhà nước xã hội chủ nghĩa để đi đổi lấy những lời hứa hẹn bâng quơ của chủ nghĩa tư bản. Lẽ cố nhiên tôi chảng bao giờ tin lời giải thích của nhà nước về Bức tường - rằng việc đóng biên giới của chúng ta là một biện pháp để chống lại sự tấn cộng hoặc xâm nhập của các điệp viên ngoại bang. Nhưng việc xây dựng cái mà Đông Đức gọi là “hàng rào bảo vệ chống phát-xít” và phương Tây gọi là “bức tường ô nhục” đã làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi trong một đêm.
Tôi không những hiểu những nguyên nhân thật sự xây Bức tường mà còn đồng tình ủng hộ chúng. Tôi tin rằng không có phương cách nào khác để cứu nước chúng tôi vào thời buổi đó. Chúng tôi thừa hưởng theo lịch sử phần yếu kém kinh tế của nước Đức và chúng tôi khởi sự từ một căn bản thật thấp, chưa kể những cách quản lý sai trái tạo nên những khó khăn. Thêm vào đó Tây Đức đã bị các lực lượng Xô viết tước đoạt các máy móc kỹ nghệ và ngay cả những dụng cụ nằm ở hạ tầng cơ sở chẳng hạn như đường sắt xe hoả mà họ xem là lợi phẩm đền bù chiến tranh. Tây Đức ngược lại đã có khả năng xây dựng lại đất nước nhờ vào tiền của Kế hoạch Marshall. Tôi vẫn nuôi mộng tưởng - bây giờ tôi mới rõ là mộng tưởng - với những thay đổi tình hình quốc tế và những cải cách cần thiết trong nước, mức sống của chúng tôi sẽ từng bước một bắt kịp phương Tây. Tôi tin giá trị của chủ nghĩa xã hội, trong một nền kinh tế chỉ định, sẽ xác định chỗ đứng của mình cũng như chúng tôi thường nói với nhau, rồi sẽ có một ngày phương Tây sẽ chiếm đóng Bức tường để đuổi không cho quần chúng tới gần! Thực ra vào cuối những thập niên 1970 và 1980, một vài điệp viên và cảm tình viên ở phương Tây đặt câu hỏi liệu chúng tôi thực sự có cần hạn chế du lịch không bởi vì mức sống đã cải thiện đến độ những người du lịch từ CHDC Đức đã quay trở về. Nhưng vào năm 1961, chúng tôi phải lựa chọn giữa Bức tường hay là đầu hàng.
Tôi phải thú nhận, với nguy cơ mất uy tín là người hiểu biết rõ những gì xảy ra tại Đông Berlin, việc xây dựng Bức tường Berlin cũng gây ngạc nhiên cho tôi giống như mọi người bình thường vào tháng 8-1961. Tôi chỉ đoán chừng Eric Mielke, người điều khiển kế hoạch bí mật này, không thông báo cho tôi vì muốn tinh nghịch chọc ghẹo tôi. Như hàng triệu người khác, tôi nghe tin một bức tường đã được dựng ngang Berlin trên đài phát thanh vào sáng ngày 13-8-1961. Phản ứng đầu tiên của tôi là giận dữ vì nghề nghiệp. Đáng lý ra tôi phải được báo trước về việc này vì tôi phải tiếp tục điều khiển các điệp viên ở bên kia biên giới. Bản chất của biên giới này đã thay đổi toàn diện chỉ qua một đêm. Kế hoạch xây dựng bức tường quá bí mật nên chúng tôi không kịp phối hợp trước với Tổng tham mưu quân đoàn biên giới để đảm bảo liên lạc viên vẫn tiếp tục qua được Tây Berlin để thu thập những tài liệu mật của các điệp viên qua một biên giới thinh lình trở nên khó xuyên thủng.
Những ngày kế tiếp tôi bỏ hầu hết thời gian để kiểm soát xem nhân viên của tôi đã nhận giấy tờ được vội vã thảo và đưa qua các trạm kiểm soát để cho họ kịp thời nhận công tác bên Tây Đức. Đây không phải là một vấn đề tiện nghi. Mối dây liên lạc trong điệp vụ đặt căn bản trên sự tin tưởng tuyệt đối. Một khi sợi dây bị đứt, những điệp viên yếu đuối sinh ra lo sợ và guồng máy thu thập tình báo sẽ ngưng hoạt động.
Bây giờ chúng tôi phải dựng những câu truyện nguỵ trang cho những trạm tiếp liên để họ cung cấp những lời giải thích thích hợp cho lính gác ở bên kia biên giới để nói lý do tại sao họ được quyền đi qua phía Tây trong khi số còn lại không làm được. Đối với các cơ quan phương Tây, biên giới khép kín là một quà tặng bất ngờ vì nó ngăn lọc một số đông thường dân và cho phép phản gián của đồng minh tập trung sức lực vào một số nhỏ công dân bây giờ được phép qua biên giới, thường với tư cách là doanh nhân nhà nước, chẳng hạn như những viên chức thương mại nhà nước, các giáo sư hàn lâm và công dân bình thường lâu lâu được phép qua biên giới vì có việc gia đình khẩn cấp.
Khi tôi đi quanh Đông Berlin trên chiếc công xa, tôi đánh lạc hướng anh tài xế để tôi có thể nhìn việc xây dụng bức tường trong lòng pha lẫn khâm phục và kinh hãi. Tất cả gia đình thân thuộc nhất của tôi đều ở bên Đông, vì vậy tôi không mang vết đau thương của sự xa cách. Nhưng Bức tường tạo nên vố số sự việc lạ lùng, một trong những sự việc này liên quan đến tôi và tên tuổi của cha tôi.
Trên một dải của con sông Spree, một đoàn những chiếc thuyền du ngoạn đi từ Treptow Park cho đến tận biên giới sát với vùng Neukölln của Tây Đức rồi sau đó ngoan ngoãn trở về bến tại Đông Đức. Những chiếc thuyền mang tên của các văn sĩ người Đức trong đó có cha tôi. Một hôm, đúng sau ngày Bức tường được dựng, con thuyền Friedich Wolf vui vẻ đi về hướng Tây trong một trong những câu chuyện vượt biên lạ lùng vào thời đó. Nhân dịp một đêm chiếc thuyền rời bến, ông đầu bếp và gia đình đã phục rượu ông thuyền trưởng và xúi ông xả hết tốc lực đâm thuyền sang Tây Berlin trước sự kinh ngạc của lính gác. Đến đây họ nhảy tàu và bơi vào bờ để tìm tự do. Ông thuyền trưởng say gục trên boong tàu. Khi ông tỉnh giấc, ông thiểu não lái tàu trở về khiến cho lính gác biên giới càng ngạc nhiên hơn. Ông sẽ phải bị trừng phạt. Người vợ tuyệt vọng của anh thuyền trưởng điện thoại cho mẹ tôi, lúc ấy bà phụ trách Công khố Friedich Wolf, và van xin mẹ tôi giúp đỡ.
“Con có giúp được gì không?” mẹ tôi hỏi tôi trong bữa cơm tối hôm đó. Tôi biết cha tôi sẽ xem câu chuyện phiêu lưu của chiếc thuyền là một chuyện khôi hài, vì vậy tôi kêu gọi khoan hồng cho ông thuyền trưởng. Ông không bị vào tù nhưng tôi không cứu gỡ ông khỏi nỗi nhục nhằn bị thuyên chuyển ra khỏi Berlin. Cuối cùng ông làm việc trên một chiếc tàu hơi trong một vùng kỹ nghệ nằm ở vùng an toàn cách xa biên giới.
Tình hình thay đổi cũng gia tăng căng thẳng giữa cơ quan tình báo hải ngoại của tôi (Aufklarüng) và cơ quan phản gián (Abwehr) trách nhiệm về an ninh biên giới. Mối liên hệ giữa hai ngành tình báo không bao giờ đằm thắm cả, cũng như những ai theo dõi lịch sử cạnh tranh giữa CIA và FBI đều biết. Trường hợp của chúng tôi, mối liên hệ cũng lạnh lùng không ít. Tôi từ chối trao cho họ danh sách các điệp viên và các thông tín viên cần phải qua biên giới, vì điều này có thể gây tổn thất cho chúng tôi nếu không may các sĩ quan trong các cơ quan mà tôi không kiểm soát phản bội.
Chúng tôi phải mất nhiều tuần - có khi hàng tháng trong một vài trường hợp đặc biệt khó khăn - để đạt được một thoả ước sống chung mới. Chúng tôi ở trong một vị thế mâu thuẫn là những kiểm soát bên phía chúng tôi có phần gắt gao và khó dàn xếp hơn là bên phía Tây Đức. Một trường hợp làm cho tôi nhức đầu là trường hợp của Freddy (không phải tên thật), một nguồn tin tức quan trọng nhất của chúng tôi nằm trong giới lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội tại Berlin. Tôi không gọi đích danh tên ông để tránh tai tiếng cho gia đình ông, nhưng các đảng viên Dân chủ Xã hội vào thời đó sẽ nhận ra ông. Là một nhân vật khác thường, thích hưởng thụ, ông có giọng nói lớn và thuyết phục trong giới lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và có những mối dây liên lạc thân thiện với Bonn - một người phò vua hơn vua, nhưng không phải vì vậy mà kém phần hữu dụng đối với chung tôi. Ông trở về Đức mãi sau này khi chiến tranh chấm dứt sau thời gian bị Hoa Kỳ giam giữ. Ông không có một kỷ niệm tốt về việc này. Vào lúc thiếu thời ông đã là đảng viên, ông được đưa vào ngành tình báo. Thật ra, ông xâm nhập đảng SPD năm 1950 theo lệnh của một trong những giới chỉ huy kỳ cựu của chúng tôi, Paul Laufer, và sau này chính ông cũng điều khiển Günter Guillaume, gián điệp nằm trong Văn phòng của Thủ tướng Willy Brandt.
Freddy bảo vệ hăng say lý tưởng của SPD, và thất vọng vì những sự cố bên Đông Đức, không coi chủ nghĩa xã hội là biểu tượng nữa. Trong một thời gian dài, hầu như chúng tôi mất liên lạc với đương sự. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với những người chúng tôi muốn giữ. Tôi đặc biệt chú trọng đến trường hợp của đương sự trong mục đích gặt hái những tin tức có chất lượng cao mà tôi biết đương sự nắm giữ trong những cuộc bàn thảo nội bộ của SPD về chính sách của họ đối với Đông Đức. Tuy nhiên, đương sự một mực từ chối ghi âm hoặc nói bất cứ điều gì về các bạn đồng nghiệp làm việc tại Văn phòng nghiên cứu Đông Đức của đảng SPD, một tổ chức tại Tây Berlin với mục đích tái lập dân chủ xã hội bên Đông Đức - đối với chúng tôi đây là một cơ quan hắc ám nhất hoạt động ở bên kia Bức tường. Những cố gắng để dẫn dụ đương sự vào những cuộc thảo luận chính trị hầu như luôn luôn kết thúc trong hãi hùng vì Freddy chửi Ulbricht là một thằng ngốc theo chủ nghĩa Stalin.
Trước tiên Freddy và tôi có ý định gặp gỡ nhau tại những căn phòng nhỏ dùng làm nhà an toàn cho cơ quan của chúng tôi tại vùng Bohnsdorf nằm về phía nam của Đông Berlin. Nhưng tình thế lúc đó căng thẳng và năm 1955, tôi nảy sáng kiến thay đổi nơi gặp gỡ tại những căn nhà nhỏ kín đáo của những người quen khi tôi sống tại Moscow. Tôi lợi dụng tinh thần lạc quan do Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thứ XX thổi tới để điều chỉnh mối liên hệ giữa chúng tôi. Freddy rất có ấn tượng với những lời bài bác của Khrushchev lên án Stalin và tội ác của ông. “Anh thấy chưa”, y nói với vẻ đắc thắng, “tôi có lý. Tôi đã nói với anh là tình thế phải thay đổi”. Tôi cũng chia sẻ nỗi vui với y về “Con đường mới” của Moscow - bây giờ chúng tôi được tự do nói về quá khứ và bàn thảo về những vấn đề của đảng, về tự do văn hoá, về kinh tế, vân vân… - và chúng tôi có thể ngồi hàng giờ trong căn phòng đầy khói thuốc thảo luận về tương lai của Liên Xô và đồng minh. Cuối cùng tôi đạt được một kết quả nào đó. Đối với tôi, Freddy chỉ chấp nhận vai trò điểm chỉ viên nếu mối liên hệ của chúng tôi đặt trên căn bản tình bạn. Đương sự cũng không từ chối việc lâu lâu nhậu nhẹt. Vì vậy trước ngày sinh nhật thứ 50 của y, tôi mời y đến gặp gỡ tôi tại một biệt thự nhỏ ở Rauchfangswerder bên cạnh một cái hồ, cái hồ mà chúng tôi đã dùng để dàn dựng cuộc du ngoạn malina một cách vô tích sự. Tại đây, không ai dòm ngó chúng tôi, chúng tôi buổi trưa ngồi nhâm nhi ly rượu long lanh với đá lạnh và, khi chiều về, một két bia. Tôi phải uống nhiều để bắt kịp anh bạn của tôi và báo cho người phụ tá của tôi, có trách nhiệm đưa chúng tôi tới đây và trở về, và bảo đảm chúng tôi không bị quấy rầy, phải tỉnh táo như một quan toà để khi chúng tôi đưa Freddy trở về Tây Đức, ít nhất có một người trong chúng tôi biết rõ đường đi nước bước của ông bạn.
Lúc này Freddy nói không ngừng và thổ lộ hết những bực tức về tình trạng Mỹ hoá của Cộng hoà Liên bang Đức và chửi rủa thậm tệ các chính trị gia và bới móc đời tư của ngôi sao sáng đang lên tại Tây Berlin, Willy Brandt. Chúng tôi trở về thủ đô vừa đúng trước 12 giờ đêm. Tôi kêu anh tài xế đậu xe khá xa và hai đứa chúng tôi chập choạng đi ngang qua Công viên Treptow đến gần cửa biên giới. Chúng tôi tiến gần đến tầm tai của anh lính gác thì Freddy thình lình nổi hứng hát những bài cách mạng và hát to “Khi chúng ta cùng nhau lên đường” và bài “Quốc tế Ca”. Tôi tỉnh cơn say tức khắc, nói Freddy im miệng với giọng không thân thiện và kêu anh tài xế đưa chúng tôi tới điểm kiểm soát biên giới kế tiếp, nơi đây chúng tôi thả y xuống. Sau khi dặn dò y phải cúi đầu và nói tối thiểu khi qua biên giới, tôi nấp trong bóng tối nhìn y đi qua biên giới.
Tôi hầu như đứng tim, vì y đã say đến giai đoạn bất chấp hậu quả những gì mình nói hay mình làm. Mối lo sợ lớn nhất của tôi là một trong những cảnh sát bên phía Tây Đức sẽ nhận ra hắn là một nhân vật nổi tiếng trong vùng và để ý hắn đi qua biên giới trong lúc say tuý luý vào lúc giữa đêm - một vụ tai tiếng đủ để chấm dứt sự nghiệp mặc dù đương sự không bị tình nghi làm gián điệp. Bóng dáng lảo đảo của đương sự tiến về hướng trạm kiệm soát. Vào giờ phút chót, y quay ngược trở lại, vẫy tay hùng dũng và la lớn về phía tôi: “Chúng ta sẽ uống cạn một ngàn ly với nhau, anh và tôi!”
Tôi chửi thầm, nhưng không làm gì khác hơn được nữa. Những ngày sau đó, tôi lo âu rà soát báo chí xem có âm hưởng gì không. Nhưng kẻ say sưa lại có trời độ và uy tín của Freddy vẫn còn nguyên vẹn.
Đối với những nhân vật có tiếng tăm, việc tham dự những buổi họp bên Đông Đức qua trung gian của chính quyền luôn luôn là một việc làm phiêu lưu. Freddy lần hồi xét lại ý kiến của y đối với Willy Brandt và trở nên một cộng tác viên thân cận của ông thị trưởng trẻ. Đương sự không thể mạo hiểm đến gặp gỡ chúng tôi một cách công khai, dù say hay tỉnh táo. Chúng tôi buộc phải tìm ra một giải pháp mới và áp dụng một kế hoạch dàn xếp tỉ mỉ và phức tạp để chúng tôi trao đổi quan điểm: Con đường thông qua của đồng minh phải đi ngang qua lãnh thổ của Đông Đức để tới Berlin.
Chúng tôi ước tính phản gián Tây Đức kiểm soát chặt chẽ con đường này, cũng giống như chúng tôi. Các sĩ quan kiểm soát ở cả hai phía ghi sổ ngày giờ mỗi chiếc xe đi vào và đi ra khỏi xa lộ, hoặc ở bên Tây Berlin hoặc ở biên giới Tây Đức. Vận tốc bị giới hạn ở 100 cây số một giờ một cách triệt để, do đó thời gian phỏng định đi hết con đường có thể tính ra khá chính xác, và không thể có khả năng ngừng lại để làm bất cứ chuyện gì ngoài trừ việc trao đổi mau chóng những tài liệu.
Hơn nữa, cảnh sát lưu thông kiểm soát các trạm dừng và đặt máy quay phim trên những tuyến đường ngoằn ngoèo. Tôi không thích cho cơ quan phản gián biết về những chi tiết công tác của tôi, vì vậy tôi quyết định không làm thủ tục xin họ ngưng quan sát khi tôi gặp gỡ điệp viên của tôi. Với sự đồng ý của Freddy, chúng tôi bày một phương kế hào hứng và thoải mái để gặp nhau. Tôi hồi hộp chờ đón việc này, và cho dù tôi có kinh nghiệm, một điệp viên vẫn luôn là một người phiêu lưu, và tôi vẫn thích thú xắn tay áo để đôi lúc mạo hiểm. Chúng tôi đồng ý với nhau là Freddy sẽ rời Tây Berlin vào xế trưa để khi chúng tôi gặp nhau trời đã chạng vạng. Y sắp xếp chuyến đi cho ăn khớp với buổi dạ tiệc kinh doanh tại Bonn để phù hợp với nguỵ trang.
Trước khi y rời Tây Berlin, tôi rời Đông Berlin trên một chiếc xe Mercedès xanh dương đậm với bảng số tỉnh Cologne và một anh tài xế với giấy tờ Tây Đức giả. Vì không ai bên Tây Đức biết rõ mặt mũi của tôi, tôi không cần phải cải trang và tôi đơn giản mặc y phục của một thương gia. Tại trạm xăng đầu tiên ngoại ô trên con đường thông quá Berlin - Munich, tôi kêu anh tài xế ngưng xe để đổ xăng và uống một ly cà-fê Đông Đức tại trạm xãng. Tôi ngồi ở đây chờ cho đến khi xe của Freddy đi ngang.
Việc này xem ra rất là thú vị. Các anh tài xê xe vận tải, nhìn lầm tưởng tôi là một người phương Tây sau khi tôi tặng họ thuốc lá phương Tây, bắt đầu than phiền tình thế ở bên Đông Đức. Đây là cơ hội hiếm có để nghe người bình dân thực sự nghĩ gì trong khi tôi ngồi cao chót vót trên cấp bậc kỳ cựu của Đông Đức. Nếu họ biết họ đang trực tiếp than phiền với một sĩ quan cao cấp của Stasi, họ sẽ hốt hoảng. Tôi nhớ một anh tài xế vận tải chửi rủa những đặc quyền của giới lãnh đạo Đông Đức sau khi tôi bịa chuyện tôi là một thương gia chào hàng dạo khá thành công xuất xứ từ vùng Ruhr. “Bọn đảng lại của chúng có lẽ cũng sống thoải mái như ông, sự khác biệt là ông thực hiện được một việc gì đó còn họ chẳng làm gì cả”. Markus Wolf chính hiệu cảm thấy hơi nhột vì lời nhận xét này, nhưng tôi gật đầu đồng ý.
Khi Freddy đi ngang qua trạm dừng với vận tốc giới hạn 100 cây số một giờ, chúng tôi móc một dấu hiệu đặc biệt cho phép chúng tôi, những giới chức cao cấp mà anh bạn tài xế vừa mới chửi rủa, chạy nhanh hơn vận tốc ấn định. Chúng tôi chạy vào khoảng tốc độ 150 cây số/giờ, thời gian và khoảng cách đã tính sẵn để phù hợp với tốc độ xe của Freddy chúng tôi đến một ngã rẽ trên xa lộ dành riêng cho xe vận tải gỗ rừng và cảnh sát. Chúng tôi lái xe vào trong rừng để tránh tai mắt của những ống kính kiểm soát quay phim và những tài xế khác. Lặng lẽ và nhanh nhẹn như thể xác đồ sộ của anh cho phép, Freddy chui vào xe của tôi và tài xế của tôi chạy qua của anh. Cả hai xe đều lên đường chạy ra khỏi nơi trốn, đèn tắt để tránh ống kính kiểm soát hoặc một đội tuần đi ngang. Chúng tôi cảm thấy sung sướng khi chúng tôi biết rằng chúng tôi đã thành công trong trò chơi này. “Việc này hay ho hơn cả chính trị” Freddy bâng qươ nói.
Có được giấy phép chạy nhanh cho phép chúng tôi có đủ thời gian để nói chuyện. Chạy xe trên xa lộ, chúng tôi nói chuyện thoải mái và Freddy trao cho tôi một vài tài liệu. Tôi cũng có cơ hội đưa ra một số chỉ thị hoàn toàn bí mật. Trước khi rẽ vào một lối ra xa lộ, chúng tôi ngừng tại một trạm dừng xe trong bóng tối và chờ xe của Freddy (có tài xế của tôi) đến. Freddy trở lại xe của mình. Điều phiền với mánh khoé này là chúng tôi không phải là những người duy nhất khám phá ra nó. Với thời gian, các cơ quan phương Tây cũng sử dụng nó và hàng chục những tổ chức giúp người Đông Đức, giúp người trốn trong những vận tải cũng dùng đến nó. Những ngõ ra xa lộ bất hợp pháp và các trạm xăng trở thành trọng điểm kiểm soát của chính cơ quan phản gián của chúng tôi. Họ bắt đầu xiết mỗi lúc một chặt chẽ hơn và tôi lo ngại một ngày nào đó các bạn đồng nghiệp trong cơ quan phản gián sẽ khám phá một trong những cuộc gặp gỡ của tôi. Tôi phải duyệt xét lại những quyết định trước đây của tôi và yêu cầu các ống kính kiểm soát được tắt trong lúc chính tôi hoặc sĩ quan của tôi thi hành công tác với các điệp viên nước ngoài.
Việc này tiến hành một thời gian, nhưng tôi lo ngại tình báo Tây Đức đã khám phá ra phương cách kiểm soát chúng tôi, vì vậy nếu các ống kính bị tắt trong vòng mười phút hoặc hơn, điều này có nghĩa là một số hoạt động đáng nghi đang tiến hành và việc kiểm soát biên giới trở nên gắt gao hơn. Tôi trở lại với phương pháp cũ và liều làm việc không thông báo cơ quan phản gián. Vì tôi lanh lẹ và chuẩn mực nên tôi chưa hề bị hai bên bắt gặp. Phương pháp này thành công không những với Freddy mà cả với một thông tín viên chính trị ở Bonn, một chính trị gia thuộc phe cấp tiến tên là William Borm. Đương sự cung cấp tin tức trong quốc hội Bonn.
Freddy qua đời một vài năm sau, tim của đương sự không làm việc một vài ngày sau khi chúng tôi gặp nhau trên xa lộ. Tôi đoán chừng thể lực của đương sự không theo kịp cuộc sống chính trị sôi động, lối ăn uống vương giả và những cố gắng quá mức trong công tác nguỵ trang với chúng tôi của đương sự. Đương sự say mê với những kích thích và cảm giác đương sự đang tạo nên những ảnh hưởng đặc biệt. Với cương vị của một chủ nhân ông, chúng tôi luôn luôn giành tiền hưu trí cho những người vợ của các điệp viên, mặc dù là, trong trường hợp của Freddy, bà không được thông báo về việc làm của y. Bây giờ chúng tôi nằm trong một vị thế khó xử phải phái một sĩ quan đến báo cho bà biết là bà có quyền hưởng tiền hưu trí bởi vì chồng của bà đã làm việc cho Đông Đức. Tôi không rõ bà ấy có nghi ngờ chồng mình không, nhưng bà tiếp nhận tin tức rất là bình thản. Có một điều nghề nghiệp dạy tôi là đàn bà biết rõ về chồng mình nhiều hơn là các ông tưởng.
Ngay sau khi Bức tường được dựng, một vài dải đất biên giới nằm trong vùng thôn quê vẫn còn dễ thâm nhập. Nhân cơ hội này tôi thúc đẩy các điệp viên khoa học và kỹ thuật, có một vài người chưa được huấn luyện kỹ lưỡng, sang Cộng hoà Liên bang Đức, nhưng chúng tôi mỗi lúc một khôn ngoan hơn trong việc giả mạo căn cước. Các giới chức phương Tây bẳt đầu đòi hỏi chứng cớ căn cước và những chi tiết về đời tư. Việc sử dụng các máy vi tính giúp cho họ kiểm soát tin tức dễ dàng hơn khi họ đem so với những hồ sơ lưu trữ ở nơi khác hoặc do các cơ quan chính quyền lưu giữ.
Nhưng cùng lúc Tây Đức nhanh chóng tìm phương pháp kiểm soát những người xâm nhập, chúng tôi tìm ra những phương pháp mới để đánh lừa họ. Đây là một cuộc chạy đua tuyệt vời và nhiều hào hứng. Chúng tôi có lợi thế trong việc này, tôi lấy một ví dụ, dùng căn cước của những người đã chết trong trận bom tại Dresden để làm bình phong cho các điệp viên định cư bên phương Tây, nhưng luôn luôn có cái rủi là một người sống sót tình cờ xuất hiện và phá hỏng nguỵ trang của điệp viên. Điều này mỗi lúc càng xảy ra thường xuyên hơn vì hệ thống máy vi tính của phản gián Tây Đức được mở rộng và đào sâu, vì vậy chúng tôi cuối cùng phải đình chỉ trò dựng xác chết dạy.
Nhưng tôi cũng gặp khó khăn với chính phe của tôi. Họ tìm cách tập trung hồ sơ. Erich Mielke, cấp trên của tôi trong chức Bộ trưởng Công an, nhất quyết buộc tôi cung cấp danh sách tập trung các điệp viên của tôi. Tôi dứt khoát từ chối. Sự giằng co này kéo dài mãi cho đến ngày tôi từ chức. Tôi hãnh diện nói rằng dưới sự chỉ đạo của tôi không có một nơi nào trong cơ quan của tôi lưu trữ danh sách của tất cả những điệp viên. Tôi quyết định không lưu giữ một thẻ hoặc đĩa vi tính nào ghi lại tất cả các chi tiết hoạt động của chúng tôi. Trái lại, tôi khai triển một phương pháp qua đó danh tính của người cung cấp tin chỉ có thể biết nếu ba trên năm chi tiết được tiết lộ. Để có thể tiếp tục tìm kiếm, mỗi một chi tiết cần phải được kiểm chứng với chi tiết khác. Chúng tôi có những thẻ của hàng trăm ngàn cá nhân, trong đó có rất nhiều tên của phương Tây, từ dân biểu Quốc hội cho đến những giám đốc kỹ nghệ, những thành viên của Uỷ ban Kiểm Soát Đồng minh. Những danh thẻ riêng biệt của nhân viên chúng tôi được lưu giữ tại mỗi cục; một cục quản lý nhiều nhất là từ sáu chục cho đến một trăm nguồn tin, điệp viên, giao liên, vân vân. Mỗi một thẻ ghi bí danh, địa chỉ, vùng và số hồ sơ. Con số quy chiếu về một hồ sơ chứa đựng tên thực của cá nhân điệp viên. Chồng thẻ nhỏ này trong mỗi cục thường được một sĩ quan cao cấp cất giữ. Bất kỳ ai muốn tìm kiếm hồ sơ phải trình bày lý do cho sĩ quan này, và nếu hồ sơ liên quan đến một gián điệp, người phụ trách đã có sẵn câu chuyện nguỵ trang. Trong thời chiến hoặc những lúc căng thẳng, công việc của sĩ quan là đem cất giấu hồ sơ của điệp viên ra khỏi bộ và đem về Tổng tham mưu tạm thời của chúng tôi.
Một người không thẩm quyền muốn xem những thẻ và hồ sơ này phải lặn lội qua một số lượng khổng lồ giấy tờ để tìm ra hồ sơ thích hợp. Công tác tìm kiếm bí danh của một điệp viên cho ăn khớp với tên thật của y chắc chắn sẽ gây chú ý, trái ngược với những gì sẽ xảy ra nếu những hồ sơ này nằm trên đĩa vi tính. Tính cách vô bổ của công tác tìm kiếm này không phiền hà tôi tí nào vì tôi và các sĩ quan cao cấp của tôi lưu giữ tên tuổi của những điệp viên quan trọng nhất trong trí óc của chúng tôi. Từ đó trở đi, tôi dùng khuôn mẫu màng nhện để nhận diện những mối dây liên lạc giữa các hệ thống điệp viên tại Đức thời hậu chiến. Tôi nhận thấy quả thật dễ dàng nhét những tên mới vào đầu tôi. Với phương cách này, việc đem tản mác hồ sơ đem lại an toàn cho chúng tôi. Khi chúng tôi gặp phản bội trong hàng ngũ, sĩ quan đào thoát chỉ biết những mối dây y điều khiển hoặc là những tin đồn y nghe ngóng qua những lời bất cẩn - mặc dù chúng tôi nghiêm cấm việc này, thường hay xảy ra trong những tổ chức rộng lớn.
Vào thập niên 1950, chúng tôi tiếp cận khá sâu sát với các gia đình quý tộc của Tây Đức. Một vài người trong giới này cảm thấy họ có bổn phận làm nguôi đi mặc cảm tội lỗi của giai cấp của họ vì họ đã không ngăn cản được việc Hitler lên nắm chính quyền. Một số khác không đóng một vai trò nổi bật nào và đôi khi không được quyền sử dụng danh tước của mình trong chế độ Cộng hoà Liên bang mới này. Nhiều người bị ông thủ tướng Adenauer, một người bài bác chủ nghĩa quốc gia, ủng hộ Hoa Kỳ, loại ra khỏi chính trường. Họ vẫn có một ước vọng mãnh liệt tham gia chính sự và nhiều người xem việc cộng tác với chúng tôi như là một cố gắng ngoại giao bí mật. Tôi chưa gặp một ai tự nhận mình là kẻ phản bội cả.
Tuy nhiên có một vài người bị Max Heim phản bội. Max Heim là giám đốc phụ trách đánh phá đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của Tây Đức, một phó cục của Cục 2. Đương sự đào thoát hai năm trước khi Bức tường sụp đổ, tiết lộ tình hình hiểu biết của chúng tôi về các đảng lãnh đạo tại Bonn và chỉ đường cho cơ quan phản gián Tây Đức đến bắt nhiều điệp viên của chúng tôi.
Trong số những người này có Wolfram von Hanstein. Nhờ vị thế xã hội cao ở phương Tây, ông đã xây dựng được một số đường dây liên lạc hữu dụng. Cha của ông và ông nội của ông là những giáo sư đại học và văn sĩ nổi tiếng, và Hanstein muốn tiếp tục truyền thống gia đình của những người trí thức phong lưu. Trước thế chiến ông sống và có được chút uy danh bằng nghề viết tiểu thuyết dã sử. Ông từ chối không nhập ngũ và sống ẩn dật vào thời kỳ chiến tranh, ông được đưa vào trại giam của Xô viết và tại đây ông trở thành cộng sản. Ông định cư tại Dresden và cống hiến cuộc đời cho chủ nghĩa cộng sản. Trước khi von Hanstein và vợ sang phương Tây do lời yêu cầu của chúng tôi, họ cống hiến đất và biệt thự Dresden của họ cho nhà nước và sau đó giao cho Bộ Công an. Tại Bonn, viễn kiến nhân bản và tên tuổi của gia đình ông giúp ông nhanh chóng bước lên chức vị cao nhất trong giới vận động nhân quyền. Ông thân thiện với Heinrich Krone, bộ trưởng đặc trách về vấn đề an ninh của Adenauer, và Ernst Lemmer, bộ trưởng thuộc đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, trông coi về bang giao giữa hai nước Đức. Ông cũng thông báo tường tận về những hoạt động của Văn phòng Đông của đảng SPD và xâm nhập nhiều tổ chức chống cộng. Ngay cả lúc bị giam giữ sáu năm trong tù, ông tiếp tục chăm chỉ làm việc và bắt liên lạc được với các bạn tù sau này cho chúng tôi. Sau khi ông được thả ra, von Hanstein xin được trở về Đông Đức, nơi đây ông qua đời năm 1965.
Một điệp viên khác bị Heim phản bội là Baron von Epp. Là một hậu duệ của một nhà quý tộc đã hỗ trợ Hitler từ những ngày đầu của phong trào Quốc Xã, von Epp làm việc cho chúng tôi để tìm cách chuộc lại mối nhục của gia đình. Khi ông bị bại lộ và bỏ tù, tôi thấy tiếc việc ông ra đi, mặc dù tôi không lấy làm ngạc nhiên. Là một con bài bất kham, ông công tước tiếp cận với cơ quan chúng tôi và tuyên bố sẵn sàng hoạt động khủng bố, nhưng ông thất vọng vì chúng tôi nói chúng tôi cần những trợ giúp kín đáo và liên tục để thu thập những tài liệu mật có tính hữu dụng.
Trước những ngày bầu cử năm 1969, chúng tôi phải đặc biệt theo dõi những thay đổi trong phong cảnh chính trị tại Bonn. Trong cuộc bầu cử này đảng Dân chủ Xã hội đạt kết quả tốt đẹp nhất trong thời hậu chiến và chuẩn bị con đường đưa họ lên đỉnh cao của quyền lực. Vào đúng lúc này, xuất hiện một trong những điệp viên quái đản nhất mà tôi sung sướng gặp gỡ, tài phiệt Hannsheinz Porst. Tôi đã từng gặp nhiều cỡ trí thức ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản vì tất cả mọi lý do, cao cả cũng có và tầm thường cũng có, nhưng tôi chưa bao giờ gặp một nhân vật có sức thuyết phục và lương thiện như ông, trong phong cách đặc biệt của ông. Với dáng người bé nhỏ nhưng có uy lực, ông có phong cách của một doanh nhân trẻ nhiều sinh lực. Điều đầu tiên tôi phải làm quen là trong khi nói chuyện chỉ có một con mắt của ông nhìn tôi, con mắt kia đã bị hư hỏng vào ngày cuối chiến tranh vì một quả lựu đạn nổ kề mặt ông.
Mối dây liên lạc với Porst được kết là nhờ một người anh em họ của ông, một người tên Karl Böhm. Cả hai người đều sinh trưởng tại Nuremberg, và vào lúc thiếu thời của Porst, Böhm đóng vai trò người anh cả, người tâm sự và mẫu mực. Khi nhóm Quốc Xã nắm chính quyền, Böhm bị bắt vì là đảng viên cộng sản và bị kết án sáu năm tù trong trại tập trung Dachau. Cậu bé Porst không hiểu tại sao người thân thuộc đáng kính đã bị bắt đi và mong người ấy trở về, mặc dù cha mẹ của cậu nói nhỏ cho cậu biết là đôi khi có người không trở về từ các trại này.
Khi hạn tù chấm dứt, cha của Hannsheinz giao việc làm cho Karl trong một cửa hàng chụp ảnh nhỏ. Đây là một bước can đảm của một người phi chính trị, nhưng ông có tiếng là một người cần cù liêm chính. Nghề nhiếp ảnh phát triển vào thập niên 30, và khi chiến tranh bùng nổ, ông bố của Porst đã gầy dựng nên một kinh doanh phồn thịnh nhờ chụp hình những chàng thanh niên bảnh bao mặc quân phục, thường là tấm ảnh cuối cùng mà vợ và gia đình của họ còn giữ lại.
Vì mang lý lịch của một đảng viên cộng sản, Böhm bị đưa vào sư đoàn trừng giới đáng sợ. Quốc Xã Đức xem những người này như những tên lính không đáng tin cậy về mặt ý thức hệ và đối xử thích nghi với họ bằng cách đẩy họ vào những công tác tự sát. Nhưng Böhm vẫn sống sót sau chiến tranh. Porst lúc đó làm sĩ quan phòng không ở đầu trận tuyến. Và khi họ được đoàn tụ trở lại, họ quyết định thành lập một nhà xuất bản. Porst sau này kể lại cho tôi “Karl nói về ý thức tuyệt đối để xây dựng một xã hội mới, an bình, và trong không khí giả dối của những năm tiếp sau 1945, tôi rất sung sướng được nghe một người nói lên điều này, một người đã từng đương đầu với bách hại, một người có phong cách tri hành hợp nhất”.
Chiến tranh chấm dứt, Böhm tiếp tục công khai ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, và kết quả là chính quyền Hoa Kỳ không cấp môn bài kinh doanh cho các anh em họ Böhm. Böhm tức giận chạy sang Đông Đức và Porst ở lại Tây Đức. Porst tiếp tục làm việc với người cha và tỏ ra là một doanh nhân trẻ tài giỏi, đứng đầu một công ty trên đà phát triển trong vòng mười năm. Với cổ phần còn lại của công ty, ông mua máy in đặt ở ngoại ô Nuremberg và cuối cùng trở thành một nhà in lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất tại nước Tây Đức mới.
Böhm cũng tìm đường sinh sống, mặc dù nằm trong một thế giới khác với những giá trị khác. Böhm đã thành công trong nghề xuất bản tại Đông Đức, một ngành dưới sự kiểm soát của nhà nước do Bộ Văn hoá quản lý. Böhm là giám đốc của Văn phòng Văn hoá (Amt für Literatur). Văn phòng này che giấu cái gọi là trụ sở hợp pháp của cục tình báo hải ngoại của tôi, trong đó gồm một đội từ một đến hai sĩ quan làm việc cho ngành xuất bản của bộ. Tôi không rõ có phải là Böhm bắt liên lạc với Porst cho họ hoặc là theo như tôi được biết lúc đó, mối dây liên lạc chỉ là một sự tình cờ. Nhưng dù gì đi nữa, vào nửa thập niên 1950s, hai điệp viên nguỵ trang gặp gỡ anh thanh niên chủ nhân kinh doanh tại phiên chợ Leipzig và thấy anh ta có cảm tình với mối lo âu của phía Đông Đức với việc tái vũ trang của Tây Đức. Chúng tôi tiếp cận với Porst và chúng tôi yêu cầu đương sự gia nhập đảng Đoàn kết Dân chủ Thiên Chúa giáo của Adenauer và thông báo cho chúng tôi về những sinh hoạt của đảng này.
Đây là một bước quá xa đối với một nhà kinh doanh có đầu óc độc lập. Anh ta thu xếp để gặp người anh họ và cho biết anh ta rất sung sướng giúp Đông Đức biết về đường lối chính trị của Tây Đức, nhưng anh ta không thể là con cờ của họ. May mắn thay tôi ghé thăm Böhm vào mùa hè năm đó tại Karlsbad, một trung tâm suối kháng của Tiệp, tại đây Böhm đến chữa trị bệnh cao huyết áp. “Em họ của tôi có tính khí độc lập” Böhm nói với tôi. “Nó không chịu ai dạy bảo hoặc bị sai khiến. Nhưng nó muốn nói chuyện về bối cảnh chính trị của hai nước Đức. Tại sao ông không liên lạc trực tiếp với nó?”.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Porst là ở nhà nghỉ mát cuối tuần Böhm nằm ở ngoại ô Đông Berlin. Porst không ngừng chỉ trích Cộng hoà Dân chủ Đức. Khi tôi cố gắng phản kháng rằng phần lớn những thái quá của chúng tôi là do phản ứng chống lại những mối đe doạ của phương Tây, đương sự lắc đầu giống như một chuyên viên tham vấn về quản lý đang xem xét một cơ xưởng không được quản lý tốt và nói với tôi rằng những vấn đề của chúng tôi phần lớn là do chúng tôi tự tạo ra, khởi sự là việc đối xử bất nhã đối với du khách tại biên giới và kết thúc với tệ quan liệu hành chính và tính chất không hiệu năng đang gây xáo trộn trong nền kinh tế của chúng tôi. “Cứ nhìn các cửa hàng quốc doanh tồi tệ của nhà nước”, đương sự lắp bắp nói. “Nếu tôi điều khiển chúng, chúng sẽ trở nên hấp dẫn và tạo lợi nhuận giống như những cửa hàng chụp ảnh của tôi ở nhà”.
Lúc đó, tôi vẫn còn nhạy cảm đối với những lời phê bình như vậy, vì tôi bị vây hãm trong não trạng phải nhìn những khía cạnh tốt của phe xã hội chủ nghĩa. Tôi bực tức ngồi nghe liệt kê danh sách những thất bại được trưng bày giống như làm kinh doanh. Nhưng có một vài điểm tôi phải công nhận, chẳng hạn như sự trì độn khủng khiếp và tính cách một chiều của giới truyền thông chúng tôi.
Mặc dù hiểu biết về những khuyết điểm của Đông Đức, Porst tin rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa ở đây, đặc biệt về hệ thống an sinh xã hội và truyền thống chống phát-xít, biểu trưng cho một đường lối đáng tin cậy khác với chủ nghĩa tư bản của Tây Đức. Một trong những chỉ dấu tinh tế và khuynh hướng chính trị của ông là phương thức ông khai triển để chia sẻ quyền sở hữu cơ xưởng với nhân viên của ông. Giống như nhiều điệp viên kinh doanh của chúng tôi, Porst luôn luôn tìm cách khai triển sáng kiến của mình. Ông có thể xoay tức khắc từ những phân tích cứng rắn trong quyết định nhập cảng những máy chụp hình và các sản phẩm điện tử của Nhật Bản vào Tây Đức - phương cách này đã giúp cho ông trở thành triệu phú - sang viễn kiến lãng mạn của một nước châu Âu công bình và xã hội hơn.
Tôi sửng sốt vì những chi tiết trong công trình của ông và tôi hăm hở muốn biết thêm về thế giới của đại tư bản, một chủ nghĩa chúng tôi lên án nhưng chúng tôi chưa thực sự hiểu rõ. Mặt khác ông lại muốn bàn về lý thuyết của Mác. Có lẽ tôi muốn trở thành một tay tư bản để thoát khỏi con người xã hội chủ nghĩa của tôi. Nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi trở thành một mối hợp tác vượt lên trên những chi tiết tình báo.
Ông nói ông không thích gia nhập đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo vì họ có đầu óc quân bình và tôn thờ những giá trị người Phổ. Họ làm cho ông liên tưởng đến đảng bảo thủ Trung tâm Công giáo tiền chiến. Đảng này tỏ ra vô hiệu khi đối đầu với mối đe doạ của Hitler. Trái lại, ông tham gia đảng Dân chủ Tự do, một nơi trú ngụ chính trị tự nhiên của các nhà kinh doanh. Nhờ vào những mối liên hệ chặt chẽ với đảng trung hoà hậu chiến này, ông có khả năng thăm dò những nhân vật lãnh đạo như Walter Scheel, sau này trở thành tổng thống của Tây Đức, và cấp lãnh đạo của Dân chủ Tự do, Erich Mende. Mende không biết Porst là một điệp viên nhưng biết ông có liên hệ với Cộng hoà Dân chủ Đức. Có một số nhân vật tiếng tăm vạch một lằn ranh mỏng giữa lời nói và việc cộng tác với một thế lực ngoại bang.
Khi ông già Adenauer cuối cùng bắt buộc phải từ chức năm 1963, người kế vị, ông Ludwig Erhard, mời ông Mende gia nhập chính phủ. Ông Mende, một người chủ xướng tự do, không muốn đưa đảng của mình vào một liên minh với một chính quyền thủ cựu, nhưng tôi nhận biết ông Mende có cảm tình với ý nghĩ hoà hợp và yêu cầu Porst thuyết phục bạn của mình gia nhập chính phủ. Cuối cùng Mende trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tây Đức, một vị thế từ đó chúng tôi có thể tạo ảnh hưởng.
Chúng tôi không bao giờ tiếp cận với một bộ trưởng và ngu si đề nghị ông ấy trở thành nguồn tin cho chúng tôi. Nhưng bao lâu ông ấy bàn chuyện với những người bạn cũ và các đồng nghiệp, và những người này báo cáo cho chúng tôi, chúng tôi không dùng phương pháp này. Chúng tôi đặt một bí danh cho Mende là Elk. Những trường hợp như vậy khi một nhân vật có tiếng tăm lại có bí danh trong một hồ sơ ghi lại những quan điểm của mình, gây nên xáo trộn sau khi Đông Đức sụp đổ. Người ta cho rằng một tấm thẻ trong hồ sơ của chúng tôi có nghĩa là đối tượng đã ký kết hợp tác với chúng tôi. Nhưng chúng tôi hài lòng với rất nhiều người ở vị trị trung hoà xám không cần phải buộc họ đi quá xa, để cho họ vẫn trung thành với quốc gia của họ và xa lánh chúng tôi.
Khi chúng tôi quyết định săn lùng những thông tin có thể gây nguy hại về quá khứ của Bộ trưởng ngoại giao Hans-Dietrich Genscher, chúng tôi đặt cho ông bí danh là Tulip. Ông ta hết sức khó chịu khám phá sự việc này sau năm 1989. Ông đặc biết rất cẩn thận trong những mối liên lạc của ông bởi vì ông sinh trưởng ở Halle, thuộc Đông Đức, và ông biết rõ phương pháp của chúng tôi và đoán chừng chúng tôi chú ý rất kỹ đến ông. Lẽ cố nhiên chúng tôi bới tìm quá khứ của ông, đọc tất cả các thơ ông viết cho ban bè cũ và gia đình tại Halle và chúng tôi theo dõi ông khi ông viếng thăm. Có những vấn đề về mối quan hệ của ông Genscher với chính quyền Xô viết trong thời gian ông còn là sinh viên tại Halle và chúng tôi điều tra rất kỹ việc này. Và tôi có thể khẳng định là ông Genscher không có gì phải che giấu về thời quá khứ niên thiếu của ông.
Sau khi gia nhập đảng Dân chủ Tự do theo lời yêu cầu của chúng tôi, Porst có một thỉnh nguyện bất thường. Ông muốn trở thành đảng viên của Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa của chúng tôi. Điều này thật mới lạ đối với tôi. Tôi tham khảo các đồng chí biết rõ về quy chế nội bộ đảng. Họ nói, theo thủ túc triệt để, không một ai có thể trở thành đảng viên nếu không là công dân của Đông Đức. Ngay cả chi nhánh Tây Đức của đảng chúng tôi cũng được đăng ký là một tổ chức biệt lập, Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa tại Tây Berlin.
Nhưng tôi phản đối là chúng ta khó có thể từ chối tư cách đảng viên của một người làm việc cho chúng ta tại Tây Đức và sau đó có đặc cách. Sau hai năm dự bị đảng viên, thời gian để các thành viên trẻ chứng minh tinh thần trưởng thành và trách nhiệm của mình, nhà kinh doanh của chúng tôi được chấp nhận là đảng viên chính thức, người triệu phú đầu tiên và cũng là người triệu phú cuối cùng trong hàng ngũ của chúng tôi. Chúng tôi đưa cho ông xem quyển sổ đảng viên nhỏ màu đỏ, nhưng chúng tôi cất giữ nó kỹ trong tủ sắt kín tại Đông Berlin. Ông có vẻ hơi thất vọng vì chuyện này, nhưng chúng tôi không bao giờ để lọt một tài liệu như vậy ra ngoài khi người sở hữu đang làm việc ở hải ngoại. “Anh không thể nào mang thẻ này theo anh được”, tôi an ủi ông ta. “Anh thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu anh đánh rơi nó và cảnh sát khám phá nhà tài phiệt Hannsheinz Porst là một tay cộng sản Đông Đức!”.
Đường dây liên lạc của Porst trong giới kinh doanh và chính trị đối với chúng tôi quá ư quan trọng nên chúng tôi quyết gửi đi một sĩ quan liên lạc để cho việc chuyển giao báo cáo của ông được dễ dàng. Ông không nghĩ ông là gián điệp và vì vậy không thể có chuyện huấn luyện đương sự theo kiểu lén lút. Một sĩ quan bí danh Optic được đặc phái đến phụ giúp ông với một lý lịch giả và một câu chuyện nguỵ trang là sĩ quan này đã vượt biên giới Đông Đức. Optic trở thành giáo viên riêng cho con cái của Porst, để tạo cớ cho sĩ quan có mặt trong gia đình. Nhưng Optic không phải là chỉ làm liên lạc viên mà thôi, đương sự cộng thêm vào với các báo cáo của Porst những đường dây liên lạc tại Bonn cũng như trong Viện Kỹ nghệ Tây Đức và nhiều hiệp hội các nhà kinh doanh khác. Tổ chức phát triển cho đến khi chúng tôi phải bổ nhiệm thêm một nhân viên nằm vùng khác mang bí danh Eisert để hỗ trợ cho Porst và Optic.
Những mối lo ngại đầu tiên về Porst xuất hiện vào đầu thập niên 1960, khi tôi khám phá đương sự chia sẻ những bí mật hoạt động của mình cho thư ký riêng của ông, Peter Neumann. Tôi ngờ lỗi lầm này là do bản tính đặc biệt vừa ngây ngô vừa kiêu hãnh của Porst. Với tư cách là một nhà kinh doanh có ngàn nhân viên, có nhiều biệt thự và một chiếc phi cơ riêng, đương sự nghĩ là cuộc sống sẽ thoải mái và đội ngũ cộng tác trung thành tuyệt đối với mình. Nhưng đương sự lầm to.
Tuy nhiên, vào lúc này, mọi việc đều trôi chảy. Porst và tôi bỏ hàng giờ để bàn bạc về phương cách thúc đẩy kỹ nghệ và thương mại giữa hai khối Tây và Đông Đức để đánh bại chủ thuyết Hallstein của chính quyền Bonn. Chủ thuyết này không công nhận một quốc gia thứ ba khác nếu quốc gia này công nhận Đông Đức, ép buộc quốc gia này phải lựa chọn và ngăn cản những quốc gia khác công nhận Đông Đức trừ các nước theo khối Liên Xô. Theo một chiều hướng nào đó, những mối dây liên lạc với những người như Porst cho phép chúng tôi có được một mối liên hệ ngoại giao với phương Tây, mặc dù nó nằm trên bình diện nguỵ trang.
Porst có bàn tới việc lập một nguyệt san để đề xướng tính cách hoà hoãn trong mối bang giao giữa hai nước Đức vào lúc giới truyền thông Tây Đức cực lực chống đối. Tôi hoài nghi một tờ báo ngoài luồng có thể đảo ngược được tình thế, nhưng tôi ngạc nhiên khi biết ông đã tìm cách lập một đài truyền hình và một phụ trang báo giấy cho đài phát thanh tên là RTV để làm nền tảng cho một tập san có tầm ảnh hưởng chính trị lớn hơn.
Nhưng rồi năm 1967 tai hoạ xảy đến. Porst bị Neumann phản bội và chúng tôi bị chấn động mạnh vì tang chứng không ai khác hơn là Optic, nhân viên của chúng tôi. Anh này để tự cứu lấy mạng sống đã tố cáo Porst.
Sau khi bị bắt, Porst tiếp tục khẳng định sự hợp tác của ông ta với cơ quan của tôi không mang tính chất phản bội. Ông tuyên bố:
Đúng tôi là một triệu phú theo Mác. Tôi đã từng là đảng viên của Đảng Dân chủ Tự do của Đức và Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa của Đức. Tôi cung cấp tiền bạc cho Đảng Dân chủ Tự do để họ vận động tranh cử và đồng thời tôi đóng góp phần liễm của tôi cho Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa. Tôi sống tại đây và tôi bàn luận chính trị ở nơi khác. Có sự mâu thuẫn nào không?
Tôi xin thưa là không.
Không may, chánh án biện lý không chấp nhận lô-gíc của ông và toà đã kết án hai năm, chín tháng tù giam. Phong cách của Porst không hề suy xuyển trong suốt phiên toà. Được hỏi về những liên hệ với tôi, ông trả lời toà:
Tướng Markus Johannes Wolf… tôi xem ông như một người bạn, mặc dù ông ấy dè dặt. Ông không tự hạn chế trong việc trao đổi ý kiến, ngay cả khi những ý kiến này không nằm trong sự chỉ đạo của chính quyền. Ông cùng thể cách với tôi, ông ăn mặc chỉnh tề và không thiếu tính hài hước. Tôi phải nói là họ không như ông ta.
Cách mô tả này về tôi đã xuất hiện hàng nhiều năm trên tất cả báo chí, đính kèm với hình ảnh của một người đàn ông nhã nhặn chắc chắn không phải là tôi. Tôi không hề biết đương sự là ai, nhưng tôi đoán chừng vì họ không có hình của tôi nên họ tự sáng chế.
Lẽ cố nhiên thời nay, tại Đông Đức cũ, các đèn màu của các cửa hàng ảnh Porst tiếp tục nhấp nháy tại các trung tâm thành phố cũng trên khắp nước Đức. Do đó cuối cùng anh bạn của tôi thực hiện được ước nguyện của mình, thấy được cơ cấu thị trường gây lợi nhuận và có hiệu năng ở phía Đông. Điều đáng buồn và bạc bẽo của cuộc sống của hai chúng tôi là để thực hiện được điều này là hệ thống mà một phần nửa tâm hồn của Porst và tất cả tâm hồn của tôi tin tưởng vào phải sụp đổ.


***


Việc đóng cửa biên giới có nghĩa là phương pháp của cơ quan chúng tôi chắc chắn trở nên khó khăn hơn và không may lại tốn kém hơn. Việc liên lạc với các nguồn tin, việc chuyên chở nhân viên, việc chuẩn bị những gặp gỡ mới, tất cả đòi hỏi phải có tiền mặt và thời buổi này càng lúc càng khó kiếm. Tôi cũng cần tiền mặt để mua phụ tùng hỗ trợ kỹ thuật cho nhân viên, máy nghe lén, máy khuếch đại làn sóng cao tần đài phát thanh, máy giải mã và những dụng cụ khác chúng tôi thua xa Hoa Kỳ và Tây Đức. Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là được một bộ phận mới nhất của một dụng cụ và cố gắng sao chép lại với giá rẻ. Hầu hết các dụng cụ này đều nằm trong danh sách các món hàng cấm xuất cảng sang khối Đông Âu, vì vậy chúng tôi phải tìm người để thu mua những dụng cụ này mà không bị phát hiện. Tôi cũng cần tiền mặt để trả cho các nhân viên ở phương Tây và giữ mối liên lạc với các nguồn tin có tiềm năng. Tôi không dè sẻn trong việc này. Người phương Tây thích được một cơ quan tình báo vuốt ve, càng tiếp đón hoang phí chừng nào, cơ may họ cảm thấy được tâng bốc và việc hợp tác càng cao. Nếu một trong những nhân viên của tôi ở Tây Đức đã xoay sở để tiếp cận với một nhân vật chính trị, ngoại giao hoặc kinh doanh tại Bonn và mời người này đi uống nước hoặc đi ăn, nhân viên này muốn một quán ăn sang trọng - không quá lộ liệu hoặc quá thời trang, nhưng là một nơi có tiếng biểu hiện tiền tài cho khách sành điệu. Rượu cũng là một yếu tố quan trọng. Tất cả những người phương Tây có địa vị và có ý nghĩ cung cấp bí mật cho chúng tôi phải cảm thấy là họ đang nói chuyện với một cơ sở đáng tin cậy và có nguồn tài trợ lớn. Tôi chẳng bao giờ nghĩ phải làm việc trong sự eo hẹp như các đồng nghiệp Xô viết của tôi, vì tính chất bủn xỉn tiền bạc của họ ai cũng biết và phong cách của họ để lộ tầm nhìn giới hạn của họ.
Trong những ngày đầu, việc thu nhập tiền mặt để chi phí cho những nhu cầu trên chưa được tổ chức có hệ thống. Nhưng khi tổ chức phát triển và những công tác cũng được xúc tiến và đồng thời Bức tường được dựng, chúng tôi cần tiền mặt nhiều hơn nữa. Vì nhu cầu này nên tôi biết đến ông phù thuỷ tài chính của Đông Đức Alexander Schalck- Golodkowski. Shalck hay là Alex, như mọi người được biết, là một người to lớn với chiếc cằm bạnh, ngực to rộng và tiếng nói oang oang. Tôi gặp ông ta vào giữa thập niên 1960 do lời giới thiệu của một giám đốc trong cơ quan tôi, tướng Hans Fruck, người đã từng là Giám đốc của ngành công an rộng lớn Đông Berlin của Bộ Công an. Tại đây ông đã tiếp xúc với nhà kinh doanh Đông Berlin Simon Goldenberg và Michael Wischniewski. Trái với lời đồn đại ở phương Tây, các nhà kinh doanh tư nhân hiện diện trong khối Đông, nhưng họ chiếm một vị trí ẩn khuất trong xã hội và tất cả những hoạt động của họ bị nhà nước kiểm soát cẩn thận, và vì vậy cuối cùng, phần đông các cơ sở này được đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Công an.
Nhu cầu về tiền mặt của nước DCCH Đức bao giờ cũng lớn hơn lợi tức thu vào của ngành xuất khẩu khiêm tốn của họ. Goldenberg và Wischniewski dàn xếp để chia sẻ lợi nhuận với nhà nước bù lại họ được phép tự do buôn bán hàng hoá và dự trữ. Schalk với tư cách là một giới chức nhiều tham vọng trong Bộ Liên Đức và Ngoại thương đã ký kết thoả thuận này. Tiền được chuyển qua trung gian của Schalk cho Uỷ ban Trung ương Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa và được dùng một phần để tài trợ một vài nhóm tại Tây Đức và các nước khác. Nhưng Schalk là một chuyên gia giỏi nên đương sự không ngừng tại đây. Kể từ cuối thập niên 1960 trở đi, khi Tây Đức và Đông Đức bắt đầu xích lại gần nhau, giới lãnh đạo tách rời phân bộ này ra khỏi cơ quan ngoại thương và tạo dựng một tổ chức mới được nguỵ trang và do Schalk điều khiển. Mục đích thật đơn giản: đem tiền mặt về cho CHDC Đức bằng hầu hết mọi phương cách.
Chúng tôi cần một con thoi đi lại biết rõ thị trường phương Tây, biết những thủ tục của những nhà băng và những quy tắc không thành văn của họ, và Schalk là một thí sinh toàn hảo. Đương sự được sự tự trị nhưng xét ra không được độc lập. Các thương gia và các cấp lãnh đạo phương Tây tiếp cận với đương sự không biết Schalk là một Đại tá của Bộ Công an và chủ nhân thực sự của y là Mielke. Schalk cũng báo cáo trực tiếp cho Erich Honecker, người lãnh đạo đảng kế vị Ulbricht và Günter Mittag, một uỷ viên trong Bộ Chính trị phụ trách về kinh tế. Chức vụ của Schalk là “sĩ quan đặc vụ”, và nhờ mối liên hệ mật thiết với Cục Khoa học và Kỹ thuật của HVA (Cơ quan Tình báo hải ngoại), đương sự có khả năng lấy được những dụng cụ vi tính và hàng hoá siêu kỹ thuật bị cấm vận. Cơ quan của tôi giúp Schalk xem xét những nhà cung cấp phương Tây nào sẵn sàng bán cho phương Đông. Giới kỹ nghệ và quân sự chúng tôi sẵn sàng trả giá gấp đôi giá hiện hành.
Schalk đặt tên cho văn phòng của mình là Kommerziale Koordination (Phối hợp Thương mại) gọi tắt là Koko. Đây là một phương cách thận trọng để tạo nên bề thế và đồng thời tạo nên hình ảnh năng động và tân tiến đối với người phương Tây. Tổ chức này phát triển nhanh chóng dưới sự quản lý của Schalk - trên thực tế Schalk được mọi người biết đến dưới biệt hiệu Devisenbeschaffer - “người kiếm ra tiền”
Nguồn tài chính dồi dào nhất đến từ những cuộc thương thuyết bí mật giữa nước CHDC Đức và chính phủ Tây Đức và các giáo hội lớn tại đây. Con tính vô cảm và đơn giản: chúng tôi buôn bán người đổi lấy hàng hoá mà chúng tôi có thể dùng hoặc bán lại để lấy tiền mặt. Vào khoảng giữa những năm 1964 và 1990 nước CHDC Đức đã thả hơn 33.000 tù chính trị và hơn 215.000 công dân để họ đoàn tụ gia đình và nhận tiền của Tây Đức hơn 3,4 tỷ DM. Schalk quản lý phần lớn số tiền này
Cho đến năm 1989, hành tung của Schalk và sự hiện diện của Koko là một bí mật đối với những ai nằm ngoài thế giới khép kín của giới tài chính cao cấp của Tây Đức, và đương nhiên đối với dân chúng Đông Đức. Những dịch vụ cá biệt của tôi với Schalk thường diễn ra tại hội chợ Leipzig, nơi này là một cơ hội bằng vàng cho tôi để tìm những người có tiềm năng trở thành điệp viên mới trong giới kinh doanh Tây Đức. Tướng Hans Fruck, phụ tá của tôi, phụ trách về tất cả công tác An ninh trong lúc hội chợ. Tất cả màn kịch này giống như một trò chơi đến độ Fruck, phản lại mọi quy tắc tình báo, trở thành một vị khách quý tại khách sạn cổ kính Astoria và mỗi tối ngồi ở cuối bàn ăn, có những nhà kinh doanh Đông Đức và các đại diện thương mại ngoại quốc, trong số đó có Schalk, bao quanh đương sự.
Tất cả các Cục trong Bộ Công an đều muốn nắm bắt Schalk để học hỏi và nhất là để lấy được dụng cụ và tiền bạc. Trong công việc này, có nhiều kẽ hở đễ thất thoát tài chính vì kế toán cẩu thả. Năm 1982, Mielke và Schalk đều đồng ý phải xiết chặt kiểm soát những dịch vụ giữa Bộ Công an và Koko. Tất cả các dịch vụ của các ngành trong Bộ thay vì đi trực tiếp với các hãng phương Tây theo lời dặn của Schalk nay phải qua văn phòng của Schalk. Mỗi năm một lần đều có một cuộc họp với sự có mặt của Schalk, của người phụ tá, Manfred Seidel, của Werner Grossman và tôi để hoạch định kế hoạch cho năm tới. Tôi có ngân quỹ vào khoảng một triệu DM trích từ quỹ đặc biệt của Koko - ít hơn 10% chi phí tiền mặt hàng năm của chúng tôi. Phần còn lại là do ngân quỹ Nhà nước.
Bộ Công an cũng dùng hàng chục hãng bình phong mà Schalk đã thiết lập để che đậy mọi việc buôn bán từ việc nhập cảng xe hơi cho đến việc chuyên chở lén lút những mỹ thuật của nhà nước bán cho những con buôn phương Tây để bù đắp ngân quỹ thâm thủng của chúng tôi. Ngân quỹ trung ương của bộ chúng tôi tài trợ cho những công tác kỹ thuật - làm giấy thông hành giả, điều hành những phòng thực nghiệm đặc biệt về phim ảnh và những vấn đề tương tự - trong khi đó những công ty này cung cấp cho chúng tôi những hàng hoá bị cấm vận chẳng hạn như những chất hoá học và những dụng cụ vi điện tử. Schalk có thể cung cấp xe hơi, đầu máy vidéo, vật dụng và những hàng xa xỉ khác.
Tôi không thân thiết với Schalk, nhưng chúng tôi có gặp nhau một lần ở bờ biển Hắc Hải, nơi đây cả hai chúng tôi đã ghi danh để nghỉ hè. Tôi ấn tượng với sự bén nhậy của ông và phong cách ông hoán chuyển từ một công chức trong ngành thương mại của Đông Đức để trở thành một nhân vật hoạt bát đứng lên trên những cãi cọ ý thức hệ. Ông xem sự xung đột giữa Đông và Tây như là một ngăn trở không đáng kể trong việc điều hành kinh doanh, một điều mà ông yêu thích. Nhưng ông biết dùng người, bất kể những thâm tín của họ. Ông là một người khôn ngoan và lạnh lùng.
Đến năm 1983, ảnh hưởng của Schalk quan trọng đến độ ông được Honecker và Mielke giao phó cho một trong những nhiệm vụ nhạy cảm nhất về tài chánh: giúp cho nền tài chính không bị phá sản. Ông thương lượng tiền vay một tỉ DM để nhà nước Đông Đức đặc biệt cho các nhà băng Tây Đức vay. Honecker, nhất quyết muốn mua chuộc lòng dân, đã cho nhập cảng một số lượng gia tăng thực phẩm và đã chi phi một số tiền lớn cho chương trình xây dựng nhà cửa và sổ sách kế toán không thể quân bình được. Nhờ trung gian của anh em März, người gốc Bavaria chuyên bán sỉ thịt bò xuất xứ từ Đông Đức (họ sản xuất những miếng thịt lườn rất khó kiếm ở nước chúng tôi, mặc dù mức sản xuất thịt bò cao), Franz-Jozef Strauss hỗ trợ số tiền vay này, bù lại những cải tiến trong việc du lịch của người Đức muốn thăm gia đình bên Đông Đức. Schalk và Strauss trở thành những người tín cậy về mặt chính trị và tạo nên những lời đồn đại ở cấp cao, và Schalk báo cáo trở về cho Bộ Công an. Nhìn vào những số tiền vay đa phương, việc xuất khẩu thịt, những điều kiện để qua biên giới và việc công nhận thể chế có lợi nhiều hơn là có hại, tôi nghĩ là như vậy. Nhưng tôi cũng nghi ngờ có một số cá nhân làm giàu theo những phương pháp không phù hợp triệt để với luật lệ.
Sau khi nước Đức thống nhất, các toà án Đức đã phí công bỏ mất nhiều năm để xét xem những hoạt động này có hợp pháp không. Có vài người chỉ trích Strauss đã hỗ trợ cho việc vay tiền vì việc này chỉ giúp cho Đông Đức tiếp tục tồn tại. Nhưng cuối cùng kết số phá sản về mặt chính trị, kinh tế và nhân sự đã giết chết quốc gia này, chứ không phải là do những kẻ thù tài chính.
Nhìn lại quá khứ, tôi thường tự hỏi có thể nào sự việc có thể khác đi được không. Tôi quyết đoán Đông Đức không thể nào tồn tại dưới hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa mãi sau năm 1961 nếu biên giới không khép kín. Áp lực kinh tế, cộng thêm với sự bất ổn nội tại vì chỉ còn là một phần nửa nước Đức (và theo truyền thống là một phần nửa nghèo nhất) xem ra quá sức chịu đựng. Nhưng mầm mống của sự thoái hoá của nước Đức chia đôi bắt đầu xuất hiện khi biên giới được củng cố và bức tường bê-tông được dựng lên dọc theo đường chia cắt. Cắt đứt sự tiếp cận với phần hấp dẫn của nước Đức bên kia là một giải pháp thô bạo và hữu hiệu, nhưng đó chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn đó là một tai hoạ. Nay tôi thấy trong chiến dịch chống Đông Đức mỗi lúc một mạnh thêm và có tính thuyết phục vì biểu tượng sừng sững của Bức tường, một trong những lý do quyết định kết quả của Chiến tranh Lạnh. Không có một chuyên gia nào bên phía chúng tôi trong hoạch định, kể cả ngành ngoại giao hoặc những nghệ thuật đen tối của ngành điệp báo có thể phòng đoán được chuyện này.

Tổng số lượt xem trang