Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông – Chương cuối


-

– Các sự kiện sau cùng.

Chương 92

Ngay lập tức cuộc đấu đá khốc liệt giành quyền lực bắt đầu.
Tôi chuyển đến Đại lễ đường Quốc vụ viện nơi thi hài Mao quàn, văn phòng chính đặt tại phòng Hạ Nam. Tôi là phó đội trưởng đội đặc biệt đảm trách việc ướp thi hài Chủ tịch. Uông Đông Hưng còn ở lại trong toà nhà, phụ trách các biện pháp an ninh. Cái gì xảy ra ngoài bức tường Trung Nam Hải, tôi không biết. Thật ra, đôi khi Uông Đông Hưng cũng cho tôi biết những sự kiện gần đây. Hoa Quốc Phong nhiều lần nói với Uông và ông sẽ đến tôi để trao đổi tin tức.


Tôi được người ta nói cho biết, quan điểm các uỷ viên Bộ chính trị nhanh chóng quay lại chống Giang Thanh và phe cánh. Lúc Mao còn sống, Giang Thanh tận dụng sự tôn kính vĩ đại của chồng. Khi bà đến họp Bộ chính trị, mọi người đứng dậy, trong phòng im phăng phắc. Người ta dành chỗ ngồi tốt nhất, nuốt lấy từng lời phát biểu của bà. Không ai dám phản đối vợ Chủ tịch. Trong phiên họp đầu tiên của Bộ chính trị sau khi Mao qua đời, sự kính trọng, không còn như thế nữa. Khi Giang Thanh vào, không ai để ý, dù chỉ một cử chỉ nhỏ nhất. Những người có mặt vẫn tiếp tục ghi chép làm việc riêng hoặc đọc một cái gì đó, không ai tỏ vẻ đứng dậy hoặc nhường chỗ. Khi Giang Thanh cất lời, không ai lắng nghe, phòng họp ồn ào trao đổi chuyện riêng. Bầu không khí Bộ chính trị thay đổi đột ngột.

Tình thế của tôi vẫn rất bấp bênh. Giang Thanh nghe được sự nghi ngờ của tôi về việc thi hài Mao được bảo quản vĩnh viễn rất khó khăn. Cùng với Mao Viên Tân, Giang Thanh không tham gia thảo luận việc tang lễ và ướp thi hài. Uông Đông Hưng tin đây nằm trong âm mưu của Giang chống Hoa Quốc Phong. Nếu sự ướp xác không thành, bà sẽ quy trách nhiệm đổ lên đầu Hoa Quốc Phong.
Tôi cũng có thể chịu trách nhiệm vì tôi là phó đội chuyên trách bảo quản thi hài Mao, còn Lưu Thân Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Ủy Ban ướp xác lại thuộc phe Giang, nếu sơ sẩy chuyện gì Giang sẽ chĩa mũi dùi vào tôi. Số phận nghiệt ngã vẫn lơ lửng, chưa biết ra sao, nên tôi rất căng thẳng.
Giữa đêm 23 tháng 9, và sau đó, lúc 4 giờ chiều ngày 25 tháng 9 Giang Thanh gặp nhóm bác sĩ ở Trung Nam Hải. Tang lễ của Mao được tổ chức từ tuần trước, nhưng các nhân viên y tế vẫn còn chưa được phép quay về bệnh viện của mình. Giang Thanh mời chúng tôi cùng nghiên cứu Tuyển tập Mao Trạch Đông và không quên nửa kín nửa hở khoe rằng phần lớn các bài viết sau Thế chiến thứ II thật ra do bà viết.
Giang Thanh cảm nhận quan điểm của các uỷ viên Bộ chính trị có chiều hướng chống Giang tăng lên. Giang kể cho chúng tôi nghe chuyện Trương Học Lương, vị tướng đã bắt cóc Tưởng Giới Thạch năm 1936, ép buộc những người Quốc gia và Cộng sản phải hợp tác. Tưởng được giải thoát, bắt giam Trương quản thúc tại gia, sau đó đưa sang Đài Loan, nhưng vẫn bị giam lỏng. Giang Thanh, nói, người ta cho phép viên tướng đi vào nhà hàng, rạp chiếu bóng và nhà thờ, nhưng chỉ có người bạn gái cũ, tiểu thư Triệu Tư, người duy nhất có quyền nói chuyện với ông. “Chẳng lẽ đây là cuộc sống?” Giang Thanh thở dài, bóng gió lo sợ về sự đày ải có thể xảy ra sau này.
Giang Thanh nói rằng bà biết cách loại bỏ những người “xét lại” trong số chóp bu cao nhất của đảng. “Tôi tìm thấy cách gạt bỏ họ – bà nói – nhưng hiện thời không thể kể cho đồng chí được”.
Ngay đêm ấy, 25-9, tôi kể tất cả những gì nghe được cho Uông Đông Hưng.
Uông biết những người phe cánh của Giang Thanh đã chuyển vũ khí và đạn dược cho vệ binh Thượng Hải, còn bí thư đảng uỷ Đại học Thanh Hoa, Chí Cương liên hệ chặt chẽ với Mao Viên Tân. Chí Cương, Uỷ viên Sư đoàn bảo vệ trung ương của Uông Đông Hưng, phụ trách Đại học Thanh Hoa thời kỳ quân quản. Uông nghe tin Mao Viên Tân, tư lệnh vệ binh vùng Trần Dương, tổ chức một sư đoàn có trang bị vũ khí chuẩn bị kéo về Bắc kinh. Uông bảo: “Đây là cách Giang Thanh hy vọng gạt được những người đối kháng”. Uông sợ một cuộc đảo chính do Giang Thanh và phe cánh sẽ tiến hành sớm.
Uông Đông Hưng sẵn sàng cho những hoạt động chống đảo chính. Uông kể cho tôi, Hoa Quốc Phong có ý định chống Giang Thanh và phe cánh, nhưng từng bước một. Hoa Quốc Phong e ngại hiện thời chưa đủ uy quyền trong đảng và chưa nắm được quân đội. Nhưng khi bắt đầu nghe thông báo vệ binh ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã được vũ trang, Mao Viên Tân sẵn sàng chuyển quân từ vùng đông-bắc về, Uông thúc Hoa Quốc Phong, người kế tục sự nghiệp Mao, thảo luận với nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Nguyên soái đồng ý chấp nhận lãnh đạo quân đội. Uông Đông Hưng chuẩn bị lực lượng thuộc Sư đoàn Cận vệ Trung ương, bắt giữ những phần tử ở Trung Nam Hải còn Diệp Kiếm Anh đưa danh sách cho Ngô Trung – Tư lệnh sư đoàn Bắc Kinh – trước khi cuộc vây ráp, bắt bớ bắt đầu. Vệ sĩ của Diêu Văn Nguyên thuộc Sư đoàn bảo vệ Bắc Kinh bắt Diêu nhanh chóng, thuận tiện hơn sư đoàn 8341 của Uông Đông Hưng, cho nên sự hợp đồng tác chiến rất cần thiết khi có lệnh bắt Diêu Văn Nguyên.
Uông yêu cầu tôi tuyệt đối giữ bí mật, cấm không được kể cho ai về kế hoạch, phải cẩn thận hết sức, vẫn phải làm việc, cư xử như bình thường hàng ngày. “Nếu Giang Thanh bảo đồng chí làm một cái gì đó – cứ làm” – Uông khuyên và yêu cầu không gặp ông tại văn phòng. Nếu cần, ông sẽ tự tìm tôi.
Tôi căng thẳng, lo lắng trước cuộc chiến đối đầu giữa hai phe, nhưng tin phe Uông sẽ thành công. Lực lượng của Uông hoàn toàn làm chủ tình thế Trung Nam Hải, không một lực lượng quân sự nào được phép tiến vào đây. Uông thông minh, lanh lợi, tháo vát, tôi tin chắc ông rất cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng và sẽ thắng.
Trước khi đội cấp cứu giải tán về các cơ sở bệnh viện, các nhân viên y tế muốn chụp ảnh chung với Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Uông Đông Hưng, bốn uỷ viên Bộ chính trị, những người đã từng thức đêm túc trực bên giường bệnh của Mao chủ tịch. Uông đồng ý chụp ảnh, nhưng tạm thời chưa cho phép họ đi, yêu cầu sẵn sàng chuẩn bị công việc mới.
Qua đó một vài ngày. Tôi cảm thấy tình hình căng thẳng tăng lên đột biến. Lúc 11 giờ sáng ngày 4 tháng 10, Trương Ngọc Phượng xuất hiện tại khu nhà H, nơi ở của nhân viên y tế, báo cho chúng tôi đến gặp Giang Thanh sau bữa trưa ở Đồi Than, phía bắc Tử Cấm Thành. Đồi Than đóng cửa, không cho nhân dân đến thăm viếng trong thời gian Cách mạng văn hoá, nhưng Giang Thanh vẫn thường ghé qua. Chúng tôi hái một ít táo ở đó, rồi sau đấy đến một khách sạn nổi tiếng “Phượng Sơn” ở công viên Bắc Hải để nghiên cứu Tuyển tập Mao Trạch Đông.
Sau nửa giờ, đã hái được hơn một chục giỏ táo. Giang Thanh đến nhưng không tham gia hái táo, khi đang vui vẻ thưởng thức táo, Giang tới góp vui, mời chúng tôi vào nhà hàng Phượng Sơn nghiên cứu học tập cuốn Mao tuyển. Thoạt đầu, Giang nói, dự kiến gặp chúng tôi ngày 9-10, nhưng khi nghe tin đội cấp cứu sắp giải thể, quyết định gặp gỡ mọi người sớm hơn, trước khi chia tay. Bà bảo, vẫn còn chưa chọn được bác sĩ cho tổ bảo vệ sức khỏe riêng, hôm nay hy vọng trao đổi với bác sĩ, y tá chọn ra một tổ y tế phục vụ sức khỏe cho cá nhân bà. Chúng tôi nghe bài phát biểu trên trời dưới đất, không biết trả lời ra sao, đành im lặng. Bà phê phán chúng tôi quá dè dặt, rồi kể lại cuộc gặp gỡ trước đây với công nhân Nhà máy sản xuất máy kéo 7-2, công nhân vui vẻ, hoạt bát sẵn sàng ở lại sau ca làm việc để họp hành thảo luận. “Bọn xét lại làm sao có thể làm người công nhân phấn khởi đến như vậy. Có đúng thế không các đồng chí?” Giang hỏi chúng tôi. Chả ai biết trả lời như thế nào, nên vẫn im lặng.
Giang Thanh bắt đầu so sánh Đặng Tiểu Bình với Ngô Xương Quế (1612-1678) đời nhà Minh, đã đưa người Mãn Thanh cai trị Trung Quốc. Đặng cũng bán nước cho ngoại bang, Giang nói, liên hệ tới việc xuất khẩu dầu mỏ và sợi. Đặng cho phép bán vải bông thô, nhưng Giang Thanh cho rằng, có khả năng thu được một số tiền lớn nếu sản xuất ra vải, trong khi bông sợi đã nhuộm. Sau đó Giang Thanh buộc tội ngài phó chủ tịch đảng đã bị mất chức trong việc nghĩ ra trò tra tấn Mao trong thời gian ông lâm bệnh. Đặng đã gửi cho Chủ tịch những tài liệu để đọc, khi mắt ông đã yếu. Đặng nói Mao cư xử y như Stalin trong những năm cuối đời.
- Xung quanh đây vẫn còn những thằng hệt như Đặng – Giang Thanh bóng gió – Số phận của chúng chỉ đếm được từng ngày mà thôi.
Tôi ngờ rằng Giang Thanh và phe cánh đang chuẩn bị đảo chính.
Khi chúng tôi trở về Trung Nam Hải, Uông bảo chúng tôi đứng theo hàng dưới mái Lục Quang Đình để chụp ảnh làm kỷ niệm. Hoa Quốc Phong mời Giang Thanh chụp chung, và thông báo, có cuộc họp của Bộ chính trị kế tiếp. Giang khó chịu, cằn nhằn tại sao Hoa không báo sớm và cho biết nội dung cuộc họp.

Ảnh chụp gồm đội cấp cứu y tế, đứng vây quanh Hoa Quốc Phong, Giang Thanh, Vương Hồng Văn. Trương Xuân Kiều và Uông Đông Hưng. 

Chụp xong, Uông kéo tôi ra nói nhỏ, tối nay đến gặp ông.
Tôi đến Uông vào khoảng 11 giờ đêm, kể cho Uông về cuộc nói chuyện của Giang Thanh với các bác sĩ. Uông tin Giang Thanh và phe cánh chuẩn bị hành động, lực lượng Uông không thể trì hoãn được nữa. Uông và các lực lượng ủng hộ nếu càng chần chừ, khả năng bị lộ càng dễ và thất bại càng lớn.
Trong khi chúng tôi thảo luận, sáng ngày 5-10, Hoa Quốc Phong thông báo triệu tập cuộc họp Bộ chính trị vào lúc 10 giờ đêm ngày 6 tháng 10. Cuộc họp tổ chức trên đồi Mùa Xuân nằm ở phía ngoại ô tây bắc thủ đô. Các Uỷ viên Bộ chính trị vẫn không hề biết Uông Đông Hưng, Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh quyết định bắt Giang Thanh và những kẻ thân tín. Việc bắt giam cần phải được làm trước khi cuộc họp được ấn định. Sau khi bắt, Uông Đông Hưng, Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh sẽ đến đồi Mùa Xuân báo cáo Bộ chính trị về “việc đã rồi”, đề nghị Bộ chính trị ủng hộ. Nếu Uỷ viên Bộ chính trị nào không đồng ý, cũng bắt giam luôn.
Uông đề nghị tôi trả các bác sĩ về nơi công tác cũ, chỉ cần một tổ y tế 3 đến 4 bác sĩ là đủ. Uông muốn khi bắt đầu chiến dịch vây bắt, Trung Nam Hải còn lại càng ít người càng tốt.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi kết thúc lúc ba giờ sáng, các nhân viên y tế chuẩn bị xong, ngày mai tôi sẽ giải tán đội, ai về cơ sở của người đó.
Nhưng khoảng 9 giờ sáng hôm sau, trước khi tôi gặp anh chị em trong đội cấp cứu, Trương Ngọc Phượng đến, bảo, Giang Thanh muốn chúng tôi đi hái táo ở Đồi Than lần nữa.
Chúng tôi đi ngay, hái táo khoảng hai, ba tiếng đồng hồ, đến khi Giang Thanh xuất hiện, cũng hái dăm quả, đưa chúng tôi vào nhà hàng Phượng Sơn, nổi tiếng về các món ăn hoàng gia. Sau đó để chúng tôi tự nghiên cứu cuốn Mao Tuyển.
Đang giữa buổi học, Uông Đông Hưng giận dữ gọi tôi về. Tôi buộc phải thanh minh, Giang Thanh ra lệnh trước khi tôi có thể giải thể đội y tế về cơ sở. Uông ra lệnh tôi chuyển ngay các y tá về cơ sở của họ. Các bác sĩ và Giang Thanh phải trở về Quốc vụ viện, nơi chúng tôi một lần nữa phải báo cáo về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Mao. Lần báo cáo trước, ngày 22-9, bị gián đoạn, giờ đây 4 uỷ viên Bộ chính trị từng theo dõi quá trình điều trị, cộng thêm Giang Thanh sẽ dự nghe báo cáo. Cuộc họp, theo tôi dự đoán, kế sách của Hoa Quốc Phong tung ra để lừa, chuẩn bị kế hoạch vây bắt.
Cuộc họp trong Quốc vụ viện bắt đầu, Giang Thanh lại lên tiếng tại sao không báo trước. Hoa Quốc Phong giải thích, đầu phiên họp nghe báo cáo giải trình cho một số ít uỷ viên sau đó mới có cuộc họp toàn thể. Cuộc họp được được đảm bảo tối mật. Trong khi họp, không một bí thư, thư ký, bảo vệ, hoặc bất cứ ai được phép vào phòng.
Hoa Quốc Phong khai mạc phiên họp, nói đã qua hai mươi sáu ngày từ khi Chủ tịch qua đời, nhưng Bộ chính trị vẫn chưa được nghe báo cáo chính thức về các sự kiện diễn ra và các phương pháp điều trị. Ông trao nhiệm vụ cho năm Uỷ viên Bộ chính trị, những người biết hơn những người khác trong khi điều trị Mao, nghe báo cáo ngắn gọn của bác sĩ. Sau đó năm người này viết nhận xét về bản báo cáo và trình lên để toàn thể uỷ viên Bộ chính trị xem xét.
Tôi đọc bản báo cáo, bản đã đọc từ ngày 22-9. Tôi chưa kịp đọc hết, Giang Thanh đứng dậy.
- Đồng chí Quốc Phong – bà nói – tôi không được khoẻ lắm. May mắn, có cả bốn đồng chí túc trực quanh Chủ tịch có mặt ở đây. Tôi xin phép cáo từ.
Giang Thanh với dáng loạng choạng như say rượu đi ra cửa. Khi nhìn thấy, tôi gọi người gác đến đỡ Giang, nhưng không ai được phép bước vô phòng. Tôi chạy ra đỡ bà, nhìn thấy Uông lắc đầu ra hiệu. Nhưng quá muộn, Giang Thanh giả đò ốm, Uông bực mình thấy tôi đỡ Giang. Sau này, Uông kể, Hoa Quốc Phong nghi tôi ủng hộ Giang Thanh nên mới hành động như thế, cả hai không hài lòng. Tôi thanh minh, tôi hành động “như bình thường”, đúng như Uông dặn. Cuối cùng ông đồng ý, tôi hành động như thế là tốt, không để cho Giang một chút lý do nghi ngờ.
Tôi kết thúc báo cáo, nhưng chẳng ai nêu câu hỏi chất vấn.
Cuối cuộc họp, Trương Ngọc Phượng xuất hiện. Giang Thanh đề nghị các bác sĩ quay về nhà hàng “Phượng Sơn”. Chúng tôi vẫn chưa kết thúc nghiên cứu Tuyển tập Mao chủ tịch. Cuộc họp tạm hoãn.
Sáng sớm ngày 6-10-1976, tôi cùng với các bác sĩ, những người chưa giải tán, rà soát hồ sơ bệnh án điều trị Mao để trình Bộ chính trị. Trương Diêu Tự đến, báo, Giang Thanh muốn chụp ảnh với tất cả đội y tế. Điều này không thể, các y tá đã giải tán về các cơ sở cũ, chỉ còn một ít bác sĩ lại đang bận. Tôi khuyên Trương Diêu Tự hỏi Uông Đông Hưng, nhưng Uông, lúc ấy, vẫn chưa dậy. Tôi đề nghị Trương Diêu Tự đích thân liên lạc và mời họ. Ông từ chối. Tôi hỏi Bộ y tế, cơ quan cử các y tá, để đưa họ vào Trung Nam Hải. Cuối cùng chúng tôi chụp ảnh với Giang Thanh. Sau này bức ảnh được coi như bằng chứng, các nhân viên y tế là những người cùng phe với Giang Thanh. Trương Diêu Tự, người bày trò, đã từ chối thú nhận chính ông ra lệnh chụp ảnh. Và chỉ khi có sự can thiệp của Uông Đông Hưng mới có thể xoá sự nghi ngờ.
Lúc 8 giờ tối cùng ngày, Hoa Quốc Phong triệu tập ở Trung Nam Hải, tại phòng Hoài Nhân các Uỷ viên Bộ chính trị, những người được giao việc xuất bản các tác phẩm của Mao, gồm Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn và Giang Thanh. Người ta thông báo cho họ, cần thảo luận cụ thể kế hoạch xuất bản tập 5 Tuyển tập của Chủ tịch, sau đó họ sẽ trình bày phương án xuất bản cho tất cả uỷ viên Bộ chính trị trên đồi Mùa Xuân.
Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh với Uông Đông Hưng và các sĩ quan bộ phận của ông đã đến phòng Hoài Nhân khá lâu trước thời gian ấn định. Uông bí mật ở phòng bên cạnh.
Trương Xuân Kiều đến đầu tiên. Người ta ra lệnh bảo vệ và bí thư, thư ký phải ở bên ngoài. Trên đường vào phòng họp Hoa Quốc Phong tuyên bố bắt giam Trương Xuân Kiều. Trương Xuân Kiều không tỏ ý chống cự.
Ngay sau đó, Vương Hồng Văn xuất hiện. Khi Hoa Quốc Phong tuyên bố bắt, Vương kháng cự, nhưng các sĩ quan của Uông Đông Hưng nhanh chóng giải quyết. Vương Hồng Văn gần như đột quỵ sau khi bị trói nghiến.
Gần đến mười giờ, vẫn chưa thấy Diêu Văn Nguyên. Uông Đông Hưng phát lệnh điều liên quân thuộc Sư đoàn bảo vệ Trung ương và quân Sư đoàn Bắc Kinh bắt Diêu tại nhà riêng.
Giang Thanh cũng không đến, vẫn ở trong tư dinh Xuân Sen. Việc đi bắt giao cho Trương Diêu Tự, khi Trương dẫn tiểu đội thuộc sư đoàn Bảo vệ đến, tuyên bố bắt giam, Giang Thanh nói:
- Té ra mày cũng đến đây à! Từ lâu tao đã đợi ngày này đấy!
Trong thời gian bắt bớ, tôi ở phòng mình. Ở Trung Nam Hải vẫn yên ắng. Không ai biết ở đó có cái gì xảy ra. Chỉ đến sáng hôm sau, một người bạn làm việc ở bộ phận bảo vệ trung ương thông báo cho tôi về cuộc bắt bớ. Người ta cũng quản thúc cả Mao Viên Tân, bí thư thứ nhất Uỷ ban cách mạng Đại học Thanh Hoa, Chí Cương, và Tạ Thanh Nhị phó bí thư, và nhiều người khác trong phe cánh Giang Thanh.
Đội vũ trang của Uông Đông Hưng chở Bè Lũ Bốn Tên vào chính tổ hợp địa đạo, nơi bảo quản thi hài Mao, do quân thuộc sư đoàn 8341 canh gác. Ngay sau khi hoàn thành việc bắt giam, Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng và Diệp Kiếm Anh đi đến đồi Mùa Xuân thông báo cho toàn thể Uỷ viên Bộ chính trị. Bộ chính trị nhất trí thông qua vụ việc.
Tuy Bộ chính trị đã thông qua quyết định, nhưng tin về bắt Bè lũ bốn tên vẫn còn nằm trong bí mật khá lâu. Hôm sau tôi quay về nhà. Lần đầu tiên sau hơn một năm, tôi được ngủ trong chiếc giường riêng của mình. Khi tôi kể cho Lý Liên, Giang Thanh và những người thân tín của Giang bị bắt giam, vợ tôi thật sự sốc, nhưng sau đó vui mừng khôn xiết. Vợ tôi hy vọng những mối đe dọa chúng tôi bao lâu nay, cuối cùng đã hết và cuộc sống sẽ lại trở lại bình thường.
Nhưng tôi lúc này không được quá lạc quan. Một người đàn bà, trong suốt những năm dài luôn gây phiền toái cho tôi, cuối cùng, đã ngồi trong tù. Nhưng một vài Uỷ viên Bộ chính trị, chẳng hạn như Hứa Thế Hữu, vẫn tin Mao chết một cái chết tức tưởi, nghi ngờ bị ám hại và bản báo cáo của các bác sĩ nếu bị bóp méo, chưa được Bộ chính trị thông qua, vẫn làm tôi lo ngại. Do vậy trong thời gian sau cùng tôi lại có thêm những kẻ thù mới, tàn bạo, dã man hơn. Trương Diêu Tự có lần đã đe, nếu tôi không bị chính tay Mao tống cổ, ông ta cũng cố sức làm điều này. Mao đã chết, Trương Diêu Tự vẫn còn, giờ có quyền lực lớn hơn. Mặc dù Uông Đông Hưng che chở cho tôi, đã tin tôi khi ông dám kể dự kiến bắt “bè lũ bốn tên”, nhưng quan hệ của tôi với ông cũng không còn mặn mà như xưa. Bây giờ uy quyền của Uông đã tăng lên, ông chẳng cần gì ở tôi nữa.
Lý Liên, tôi và các con ăn mừng việc đánh đổ “bè lũ bốn tên” tại một khách sạn ấm cúng và nổi tiếng “Hồng Bình” ở Bắc Kinh trên đại lộ Trường An. Nhưng tôi vẫn lo về an toàn tính mạng của mình.
Một năm sau, cho đến cuối năm 1977 lại bắt đầu phát động chiến dịch mới. Các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, dù cấp bậc khác nhau lần lượt bị tống đi cải tạo Trường Cán bộ 7-5. Tôi vẫn còn làm Giám đốc Bệnh viện 305, có nghĩa tôi thuộc Cán bộ chủ chốt, Trương Diêu Tự không bỏ lỡ cơ hội trả đũa. Khi Trương Diêu Tự đưa ra, tôi đứng đầu Bệnh viện 305, phải đi cải tạo lao động khổ sai, tôi chẳng có lý do gì từ chối. Uông Đông Hưng không đứng ra can thiệp giúp tôi. Họ tống tôi đi lao động khổ sai ở vùng ngoại ô hẻo lánh ở tỉnh Giang Tây, lúc ấy tôi đã 57 tuổi.
Tôi ở Giang Tây hơn một năm, sống và làm việc như một nông dân địa phương.
Ở Bắc Kinh vẫn tiếp diễn đấu đá. Tháng 12 năm 1978, nắm được quyền lực, Đặng Tiểu Bình thải hồi Trương Diêu Tự và Uông Đông Hưng. Đặng cũng không tha thứ cho bộ phận cảnh vệ trung ương tội đã không bảo vệ ông trong thời gian Cách mạng văn hoá. Đặng cũng không bao giờ quay về ở Trung Nam Hải. Sau khi Trương Diêu Tự và Uông Đông Hưng bị thanh trừng, mở ra con đường cho tôi quay về Bắc Kinh. Tôi trở về nhà vào tháng giêng 1979, tiếp tục giữ chức Giám đốc Bệnh viện 305.
Nhưng lại có tin đồn, tôi là người gần gũi và thân thiết với Uông Đông Hưng. Người ta thúc ép tôi kết tội công khai Uông, kể lại tất cả những gì tôi biết, hiện tại và quá khứ của ông. Nếu Uông Đông Hưng bị khép tội chính trị thì tôi cũng thế.
Đến lúc ấy, người ta bắt đầu đánh giá vai trò công tội của Mao trong lịch sử Trung Quốc, đương thời tôi khá gần gũi với Chủ tịch. Nếu Mao mắc sai lầm, như vậy tôi cũng có lỗi. Ai đó đã diễn giải rằng, bác sĩ riêng của Chủ tịch có ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến bệnh nhân. Họ ra sức buộc tội các bác sĩ đã bảo vệ và giữ gìn sức khoẻ tốt cho Mao, vì thế Chủ tịch mới sống thọ và nắm quyền lâu đến như thế. Nhưng những người ủng hộ Mao, họ không buộc tội tôi về việc bảo vệ sức khỏe tốt cho Chủ tịch.
Cuộc đấu đá giành quyền lực không dịu đi, các vấn đề xoay quanh cái chết của Mao, vẫn chưa được giải quyết. Các nhà lãnh đạo, theo dõi công việc của nhóm bác sĩ, Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều, đã bị loại khỏi chức vụ, không còn lại ai, những người đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi. Tháng 12 năm 1979 tôi viết một bức thư cho Đặng Tiểu Bình đề nghị cho tôi thôi trách nhiệm trong bệnh viện. Tôi rất thất vọng, chán nản không thể tiếp tục làm việc được ở đó nữa. Người ta bổ nhiệm tôi chức Phó chủ tịch Hội Y Học Trung Quốc, một chức vụ ngồi chơi xơi nước, nhưng lương cao.
Khi chính sách “mở cửa” do Đặng Tiểu Bình đề ra, tôi loé lên hy vọng chạy ra nước ngoài. Vì thế không có gì ngạc nhiên, mùa hè năm 1988 tôi viết đơn đề nghị cho phép vợ chồng tôi thăm hai con trai ở Hoa Kỳ. Triệu Tử Dương, Tổng bí thư đảng cộng sản, với chính sách mở cửa rộng rãi, nên đơn của tôi được chấp nhận. Nhưng nếu xét đúng ra, việc xuất cảnh của tôi cực kỳ khó. Ví thử các cơ quan hữu trách được thông báo đầy đủ hơn, chẳng bao giờ họ chấp nhận cho tôi xuất cảnh.
Tôi đi Mỹ cùng Lý Liên. Những năm đầy lo âu, sợ hãi làm sức khỏe vợ tôi giảm dần. Từ tháng 2-1988, sức khoẻ của vợ tôi đã suy yếu, khi còn ở Trung Quốc tuy có điều trị nhưng kết quả không khả quan. Tháng 8-1988 tôi đưa vợ và đứa cháu nội Lý Linh đến Chicago, nơi vợ chồng con trai tôi đang sống. Chúng tôi hy vọng, trong điều kiện nền y tế tiên tiến ở Hoa kỳ, Lý Liên có thể được cứu sống. Nhưng việc điều trị không thành công. Lý Liên mất ngày 12-1-1989 do viêm thận mạn tính.
Các bạn bè ở Trung Quốc thường gợi ý tôi viết về cuộc đời của mình, những năm tháng ở cạnh Mao. Điền Gia Anh, lúc đương thời, biết tôi viết nhật ký, đã yêu cầu tôi viết từ năm 1960. Năm 1977, khi Diệp Kiếm Anh gặp với tôi ở Bệnh viện 305, cũng cổ vũ tôi xuất bản cuốn nhật ký của mình. Diệp tin, trong hai mươi hai năm phục vụ Mao, tôi đã tích luỹ được nhiều tư liệu, sẽ đóng góp lớn vào kho tư liệu của lịch sử hiện đại Trung Hoa. Nhiều chủ bút các báo và tạp chí đề nghị tôi viết gửi cho họ. Nhưng lần nào tôi cũng từ chối. Tôi không thể in ra được ở Trung Quốc, khi nói sự thật, còn lừa dối, bẻ cong ngòi bút, tôi không muốn.
Chỉ có Lý Liên cuối cùng khuyên được tôi cần thiết phải viết tất cả và cho xuất bản. Trong khi chờ đợi những ngày cuối cùng trong bệnh viện, trước khi bị hôn mê, vợ tôi một lần nữa tha thiết yêu cầu tôi viết cuốn sách, dành cho con cái, cháu chắt, cho các thế hệ tương lai, hiểu những năm tháng của đời tôi làm việc trong cung đình Mao Trạch Đông. Tôi đã trả giá cuốn sách này bằng cả cuộc đời. Ước mơ của tôi thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh chưa bao giờ được thực hiện. Hy vọng của tôi về cuộc sống mới đối với nhân dân Trung Quốc đã tan vỡ. Cuộc sống của gia đình tôi bị huy hoại, giờ đây Lý Liên đã ra đi. Năm 1990, khi Cục bảo vệ Trung ương yêu cầu trưng dụng căn nhà của tôi, tôi không đồng ý. Năm 1992, dù vậy, họ vẫn tịch thu. Tôi viết bức thư phản đối gửi tới Dương Thượng Côn – Chủ tịch nước, Dương Đức Trung – Chủ nhiệm Ban bảo vệ Trung ương, Trần Minh Trương – Bộ trưởng Bộ Y tế, và Triệu Tử Dương – Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng không nhận được một chữ nào trả lời.
Tôi cống hiến cả cuộc đời, sự nghiệp cho Mao và Trung Quốc, nhưng giờ đây chỉ là kẻ không nhà, vô gia cư, không quê hương, vị khách không được hoan nghênh ở một đất nước mà tôi đã sinh ra.
Tôi viết quyển sách này theo ý nguyện của Lý Liên với tất cả lòng thương mến, yêu quý, cũng như với những ai bị mất tự do. Tôi muốn quyển sách là một bằng chứng, cuốn ghi chép nhắc nhở lại những hậu quả tàn khốc dưới chế độ độc tài của Mao, những mẩu chuyện kể ra để biết những người tốt, có tài năng sống dưới chế độ Mao đã buộc phải bán lòng tin, hy sinh lý tưởng để sống sót được đến ngày hôm nay.

HẾT

Tổng số lượt xem trang