Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Hàng cây xanh trên đường Kim Mã sẽ được "cứu"?

Hàng cây xanh trên đường Kim Mã sẽ được "cứu"?
Một công ty ở Hà Nội vừa đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép “cứu” những cây xanh sắp bị chặt hạ.
Công  ty Cổ phần Beepro vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc di chuyển cây xanh. Theo đơn vị này,  hiện nay, các hàng cây xanh lâu năm nằm trong diện tích quy hoạch của các công trình giao thông và các công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đang bị chặt phá với số lượng ngày càng nhiều. Công ty  đã tham khảo và tiếp cận một số biện pháp di chuyển cây xanh lâu năm mà vẫn đảm bảo sự sống.

Thực tế đã có rất nhiều cây xanh hằng trăm năm tuổi sau khi di chuyển vẫn phát triển xanh tốt. Thiết nghĩ để phát triển bộ mặt đô thị thành phố Hà Nội mà chúng ta phải chặt bỏ rất nhiều cây xanh hàng chục – hàng trăm năm tuổi là vô cùng lãng phí.
Ảnh minh họa: Xuân Phú
Vì vậy, Công ty Cổ phần Beepro đã đề nghị UBND TP Hà Nội tạm dừng việc chặt phá cây xanh để giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình. Công ty Cổ phần Beepro xin tiếp nhận lại công việc di chuyển toàn bộ số cây xanh đang bị chặt phá tới vị trí mới để chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi.
Công ty cam kết tự bỏ 100% kinh phí di chuyển và chăm sóc toàn bộ số cây xanh lâu năm nằm trong phạm vi cần di chuyển của các công trình. Vị trí sau di dời do UBND TP Hà Nội quyết.
“Chúng tôi xin khẳng định: Việc làm này là nhằm cứu cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội chứ không nhằm mục đích thương mại nào khác và cam kết thực hiện công việc đảm bảo theo đúng quy trình nhằm đảm bảo chất lượng cây xanh và trật tự xã hội trong việc di chuyển”, Đại diện Công ty Cổ phần Beepro khẳng định.
Hà Nội giao Sở Xây dựng nghiên cứu
Trong năm vừa qua, phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng giao thông, hàng trăm cây cổ thụ trên một số tuyến phố Hà Nội: Nguyễn Trãi, Láng, Bưởi, quốc lộ 6… đã bị chặt hạ để lấy mặt bằng thi công.
Mới đây, sáng 13/1/206, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội chính thức báo cáo và công bố phương án đánh chuyển và chặt hạ cây xanh phục vụ thi công hai nhà ga trên tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy của tuyến tàu điện Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Trong báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội có nêu ở nhà ga S6 đường Xuân Thủy (cạnh Đại học Quốc gia Hà Nội) theo hướng về Cầu Giấy có 40 cây xanh chủ yếu là muồng, keo, sưa đỏ... sẽ bị chặt hạ, đánh chuyển và cắt tỉa.
Trong khi đó, ở nhà ga S7 trên đường Cầu Giấy (đoạn chùa Hà) đến ô Cầu Giấy có 24 cây bị chặt, chuyển đi nơi khác, hoặc cắt tỉa. Công ty Công viên Cây Xanh Hà Nội sẽ thực hiện nhiệm vụ này từ ngày 15/1. 
Cũng theo báo cáo của Ban quản lý dự án Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến sau khi hoàn thành dự án vào đầu 2019, đơn vị sẽ trồng lại toàn bộ số cây trên vỉa hè và cây hoa cảnh, cỏ tại dải phân cách giữa để tạo cảnh quan. Khu Depot ở Nhổn, để tạo điểm nhấn sẽ trồng 183 cây lim cao 7m, 53 cây hoa sữa, 73 cây ngâu và cọ cao 7m cùng hàng nghìn cây hoa các loại. 
Đây là lần thứ ba Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép cho Công ty Cây xanh chặt hạ, đánh chuyển hàng trăm cây ven trục đường tàu điện ngầm Nhổn - Ga Hà Nội để phục vụ thi công. Việc liên tiếp chặt hạ những hàng cây cổ thụ phải trồng mất mấy chục năm trên đường phố Hà Nội đã khiến không ít người xót xa.
Trước đề xuất trên của Công ty Cổ phần Beepro, trao đổi nhanh qua điện thoại với phóng viên Infonet trưa nay (15/1), ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội xác nhận: “UBND TP đã nhận được công văn đề nghị về việc cứu cây trên và đã giao cho Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên môn để cùng đơn vị nghiên cứu”.

Tổng số lượt xem trang