Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Truy nã toàn quốc và quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh

-Truy nã toàn quốc và quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh
16/09/2016 23:12
(NLĐO)- Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, ngày 16-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.


Ngày 16-9, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, trú tại Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, do có liên quan tới việc điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC.

Ông Trịnh Xuân Thanh khi là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Ông Trịnh Xuân Thanh khi là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Trước đó, ngày 15-9, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC.
Ngày 16-9, thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Cũng trong chiều cùng ngày 16-9, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm traTrung ương do ông Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang và các cơ quan có liên quan của tỉnh Hậu Giang.
Đoàn kiểm tra công bố quyết định số 355-QĐNS/TW ngày 9-9-2016 của Ban Bí thư về việc thi hành kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Do ông Thanh không có mặt nên đại diện chi bộ 3, Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang (nơi ông Thanh sinh hoạt Đảng), nhận quyết định.
Liên quan tới vụ án này, sáng 16-9, thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can: Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng Tổng công ty PVC để đều tra cùng hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 Bộ Luật Hình sự”.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
Từ đây đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Thông báo của Bộ Công an
Căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Truy nã toàn quốc và quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh
Giới tính: Nam
Tên gọi khác: Không
Sinh ngày 13 tháng 02 năm 1966 tại Hà Nội
Nơi đăng ký HKTT: Số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội
Chỗ ở trước khi trốn: Số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội
Nghề nghiệp: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)
Quốc tịch: Việt Nam
Dân tộc: Kinh
Họ tên cha: Trịnh Xuân Giới
Họ tên mẹ: Đàm Thị Ngọc Kha
Đặc điểm: - Chiều cao 1m72 - Màu da: Vàng - Tóc: Đen - Lông mày: Ngang - Sống mũi: Thẳng - Dái tai: Chúc - Mắt: Đen
Trốn ngày 16 tháng 9 năm 2016
Bắt được người bị truy nã, yêu cầu báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (đồng chí Vũ Quốc Hưng), số điện thoại: 0692322577; 0913229847.



-Thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng tại PVC: Sau ông Trịnh Xuân Thanh, còn ai phải chịu trách nhiệm?

“Khi tôi tiếp nhận cơ ngơi của PVC, nguồn tiền khả dụng chỉ còn vẻn vẹn 2,7 tỷ đồng. Một doanh nghiệp lớn với vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, mà kiệt quệ chỉ sau vài năm. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) là ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Vũ Đức Thuận, khi đó là Tổng giám đốc. Ông Trần Minh Ngọc - nguyên Tổng giám đốc PVC sau thời ông Vũ Đức Thuận cho biết.



Càng làm càng ra… lỗ to


Theo ông Trần Minh Ngọc thì vào thời điểm năm 2012, nhận thấy những dấu hiệu bất bình thường do thua lỗ dẫn đến nguy cơ mất vốn nhà nước tại Tổng công ty PVC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cử 2 đoàn thanh - kiểm tra tại Tổng công ty này. Kết luận của các đoàn kiểm tra cho thấy con số thua lỗ khi đó khoảng 1.000 tỷ đồng, chủ yếu do việc đầu tư ồ ạt vào 11 dự án bất động sản và trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ xấu.

Sau khi tập đoàn có quyết định điều chuyển cả 2 lãnh đạo PVC là ôngTrịnh Xuân Thanh - Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận - Tổng giám đốc, thôi không điều hành hoạt động tại PVC, cử ông Trần Minh Ngọc, khi đó là Trưởng ban Quản lý dự án đóng mới giàn khoan dầu khí thay thế chức vụ làm Tổng giám đốc thay ông Vũ Đức Thuận thì số tiền thua lỗ của PVC càng lúc, càng lớn.

Ông Ngọc nói, trên sổ sách thì khoảng 1.000 tỷ, nhưng khi soát xét, đối chiếu số nợ phải thu, phải trả thì ngay năm đầu tiên tiếp quản PVC, số tiền thua lỗ được xác định lên tới 1.800 tỷ đồng. Và chưa dừng lại bởi khi đó, nhiều dự án bất động sản được PVC quản lý tiếp tục “lao dốc” theo sự lao dốc của thị trường. Số lỗ đóng băng lên tới 3.200 tỷ đồng được xác định một phần là do khả năng quản lý, điều hành yếu kém của các lãnh đạo PVC, một phần là do thị trường bất động sản đóng băng.

“Sau khi xác định số lỗ lên tới 3.200 tỷ đồng, tôi có báo cáo lãnh đạo tập đoàn để xin ý kiến chỉ đạo. Một mặt tìm cách xử lý các khoản công nợ, tiếp tục thi công các dự án dang dở như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, Thái Bình 1… Có thời điểm số vốn khả dụng của PVC chỉ còn vẻn vẹn có 2,7 tỷ đồng” - ông Trần Minh Ngọc khẳng định.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì trong thời gian từ 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Những vi phạm, thua lỗ này là nghiêm trọng. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm này. Bên cạnh đó, người trực tiếp điều hành hoạt động đầu tư, kinh doanh của PVC là ông Vũ Đức Thuận với cương vị Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc PVC, ông Vũ Đức Thuận không thể đứng ngoài vô can về khoản thua lỗ nêu trên.

Lỗi do đầu tư ngoài ngành gây hậu quả nghiêm trọng

Báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên PVC năm 2013 cũng cho thấy, khoản thua lỗ của PVC chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng. Các công trình có hiệu quả kinh tế thấp, gây lỗ do chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ đề xuất, đánh giá toàn diện khối lượng và dự toán các gói thầu nên dẫn đến nhiều khối lượng phát sinh. Công tác quản lý và sử dụng vốn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đạt hiệu quả chưa cao…

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 vừa tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch PVC - ông Bùi Ngọc Thắng - cho biết, khoản 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty này vẫn “đóng băng” tại các khoản đầu tư tài chính, không tạo ra lợi nhuận, chưa kể còn nhiều khoản phải trích lập dự phòng do giá cổ phiếu giảm, thu hồi công nợ không thu được. Doanh thu của PVX (mã chứng khoán của PVC) bao gồm Công ty mẹ và 9 đơn vị thành viên đạt 11.966 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,69 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm và bằng 22% so với năm 2014.

Nhưng trong 9 Công ty con mà PVX đang chi phối, chỉ có 3 đơn vị có lãi sau thuế là PVC-MS (lợi nhuận sau thuế đạt 109,72 tỷ đồng), PVC-IC (lợi nhuận sau thuế đạt 35,57 tỷ đồng), PVC-PT (lợi nhuận sau thuế đạt 33,68 tỷ đồng). Các đơn vị còn lại tiếp tục thua lỗ, trong đó tập trung tại các đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, kinh doanh bất động sản như PVC Land lỗ 28,22 tỷ đồng, PVC-Thái Bình lỗ 19,68 tỷ đồng, PVC-Đông Đô lỗ 18,23 tỷ đồng…

Ông Bùi Ngọc Thắng thừa nhận khối lượng công việc liên quan đến tái cơ cấu, thoái vốn, thu hồi công nợ của PVX còn nhiều khó khăn. Nếu làm được, hiệu quả sản xuất PVX sẽ rất tốt, còn không thì hoạt động kinh doanh chính sẽ không gánh được. Hiện tại, PVX đang quyết toán các dự án của PVN như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, PVTex, Ethanol Phú Thọ... Đây là những dự án tại thời điểm năm 2013 PVC được giao làm tổng thầu EPC nhưng gây thua lỗ, đội vốn, do đó, công trình gần như không thể quyết toán được.
CSĐT vào cuộc vụ thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng ở PVC: Ông Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm gì?

Theo Hồng Quân

Lao động


-Ông Trịnh Xuân Thanh từng được T.Ư quy hoạch làm Thứ trưởng Bộ Công Thương (MTG 22-7-16) --  Hậu Giang chủ động xin ông Thanh! (PLTP 21-7-16) -Vụ Trịnh Xuân Thanh: Ai giúp ông Thanh luồn sâu, leo cao? (VietTimes 24-7-16)
-“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư? (GD 20-7-16) -






(GDVN) - Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư?

Văn phòng Trung ương Đảng gửi Công văn số 1578-CV/VPTW tới các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.

Tổng Bí thư yêu cầu: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.



Ông Trịnh Xuân Thanh bị hủy tư cách Đại biểu Quốc hội

(GDVN) - Các thành viên Hội đồng bầu cử Quốc gia đều tán thành không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh.


Với những sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, dư luận cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách đảng viên, việc xử lý còn phải chờ kết luận điều tra của Bộ Công an.

Trước đó, nhân vật này đã không còn là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và Quốc hội cũng đã quyết định không công nhận tư cách đại biểu của người này.

Có thể thấy rằng Tổng Bí thư đã tiên liệu những khó khăn mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể gặp phải khi thực hiện công việc nên đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương “không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Người dân hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư truy quét tận gốc những kẻ nhân danh Đảng, nhân danh Nhà nước nhưng lại ngầm phá hoại uy tín của Đảng, phá hoại kinh tế, an ninh quốc gia… chỉ vì “nhóm lợi ích thân hữu” của mình!

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm vụ ông Trịnh Xuân Thanh (Ảnh nguồn: Vietnamnet.vn).


Tuy nhiên người dân cảm thấy lo lắng vì những khó khăn mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể gặp chưa hẳn xuất phát từ một vài cá nhân hay một vài tổ chức bởi tình trạng “trên bảo dưới không nghe” không còn là cá biệt trong mọi hoạt động xã hội.



Sự kiện Trịnh Xuân Thanh và những câu hỏi lớn

(GDVN) - Chỉ bằng cách tiêu diệt những “bầy sâu” đang làm mục ruỗng xã hội, cuộc chiến chống giặc nội xâm mới có thể thắng lợi.


Trong lĩnh vực kinh tế, sự kiện Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đặt vấn đề cần phải “khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế” cho thấy tình trạng “cát cứ” của các địa phương đang là một thực tế không thể phủ nhận.

Tuy ông Vương Đình Huệ chỉ đề cập đến lĩnh vực kinh tế song có thể thấy tình trạng này đã xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác, ví dụ:

Hơn một năm trước, ngày 25 tháng 3 năm 2015, Bộ Nội Vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV. Thông tư quy định: “số lượng Phó Giám đốc Sở (NN&PTNT) không quá 3 người”.

Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện nay Sở NN&PTNT có 8 Phó Giám đốc, điều này xảy ra là vì - theo phát biểu của ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ - “có“sự chấp thuận của Ban thường vụ Tỉnh ủy (Thanh Hóa)”. [1]

Báo Laodong.com.vn bình luận: “Không thể có cách diễn đạt nào khác hơn rằng việc bổ nhiệm 8 Phó Giám đốc sở là một sự thách thức rất ghê gớm với quyết tâm giảm biên chế mà bộ máy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hàng ngày hàng giờ đau đáu tìm giải pháp và thực thi”. [2]

Có thể thấy trong trường hợp này hoặc là quyền của “Ban thường vụ Tỉnh ủy” to hơn quyền “Liên tịch” của hai Bộ thuộc Chính phủ hoặc là tỉnh Thanh Hóa được “đặc cách” không cần tuân theo quy định của Liên Bộ?

Cấp tỉnh là như vậy, cấp bé hơn tỉnh cũng không chịu kém.

Vụ Formosa chôn lấp chất thải rắn khắp nơi ở Hà Tình khiến dư luận dậy sóng, khiến lãnh đạo Chính phủ phải lên tiếng, thế nhưng Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, ông Phan Duy Vĩnh lại công khai lên tiếng: "Báo chí và người dân đều… 'náo'; Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn...". [3]

Chính phủ đã công bố kết quả điều tra, Formosa đã nhận lỗi và xin đền bù 500 triệu USD, thế nhưng ông Phan Duy Vĩnh lại viết trên facebook rằng: “Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn..." thì đủ thấy người này xem thường kết luận của Chính phủ như thế nào.



Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc


Là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân một thị xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh mà ăn nói như thế, to hơn chút nữa thì sao?

Mà hình như không ít “phó cán bộ” của Hà Tĩnh đều có năng lực như ông phó Ủy ban Duy Vĩnh.

Chẳng hạn ông Phó thanh tra Lê Ngọc Huấn từng phát biểu với truyền thông: “Đây là quan điểm áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh không đồng ý nội dung này”.

Nhìn vào cách nói năng của những “cấp phó” như Phó Bệnh viện Nhi Trung ương hay “phó” ở Hà Tĩnh, có thể thấy trên đầu họ không có trời, dưới chân họ không có đất, họ chính là những “ông vua con” mà Tổng Bí thư từng đề cập. Có phải vì thế nên chẳng ai dám làm gì họ?

Nếu có ai đó muốn “làm gì” liệu có phải chờ khi vụ Trịnh Xuân Thanh ngã ngũ?

Ông Trịnh Xuân Thanh trong danh sách Đại biểu Quốc hội Khóa XIV tại Hậu Giang (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn).


Vụ ống nước sông Đà vỡ mười mấy lần, kết quả điều tra Công an xác định: năm người (Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm) “đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự”.

Sự nghiêm trọng không phải chỉ là Nhà nước phải bỏ ra nhiều chục tỷ đồng sửa chữa ống bị vỡ mà còn là hàng chục vạn người dân, trường học, bệnh viện… thiếu nước sinh hoạt; niềm tin của dân với đội ngũ cán bộ, đảng viên giảm sút đến mức nào thì thực khó định lượng.

Tuy nhiên, “Liên ngành tư pháp Trung ương” thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với những người này vì họ “có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu”? [4]

Chợt nhớ mấy cháu thiếu niên Hải Phòng giật cái mũ của bạn gái suýt bị tù mấy năm, hai thanh niên đói giật hai cái bánh mỳ cũng suýt bị 3-10 năm tù.

Họ đều vi phạm lần đầu, mà trẻ con đang cắp sách đến trường thì không thể nói là nhân thân xấu, nếu không được dư luận “bênh” thì hiện chúng đang ở đâu?

Luật Hình sự là một trong những bộ luật cơ bản của Quốc gia, nếu “Liên ngành tư pháp Trung ương” thấy không cần áp dụng luật này với nhóm người phạm tội Phí Thái Bình thì có nghĩa là luật chỉ có giá trị khi “Liên ngành” thấy cần thiết?

Liệu quyết định của “Liên ngành” chỉ là chưa thượng tôn pháp luật hay còn tiềm ẩn nguy cơ luật bị vô hiệu hóa bởi ý chỉ chủ quan của một nhóm người mà dư luận vẫn gọi là “nhóm lợi ích”?

Trở lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Công văn số 1578-CV/VPTW: “kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương”.

Có thể thấy “Liên ngành tư pháp Trung ương” đang đặt Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào một tình thế khó.

Giả sử sau khi kiểm tra (đây chỉ là giả sử), Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Vũ Huy Hoàng “thực sự vi phạm”, khi đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ có thể đề xuất kỷ luật về Đảng, còn về phía pháp luật thì theo tiền lệ chắc phải cũng do “Liên ngành” xem xét?

Ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu theo Luật bảo hiểm tức là “sức yếu”, ông có nhân thân tốt thì khỏi phải bàn, vi phạm của ông (nếu có) cũng là lần đầu, vì vậy không có lý gì ông Vũ Huy Hoàng không được đối xử “công bằng, minh bạch” như “tiền lệ” đã được áp dụng cho trường hợp ông Phí Thái Bình?

Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem đề xuất của “Liên ngành” là “hợp tình, hợp lý” thì việc kiểm tra với ông Vũ Huy Hoàng có cần thiết khi ông Hoàng cũng hội đủ các tiêu chuẩn miễn truy cứu như ông Phí Thái Bình?

Nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh: laodong.com.vn).


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - như lời ông tâm sự - tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng quyết tâm chống giặc nội xâm của ông không hề giảm, nhân dân mong muốn được góp sức cùng ông chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến này.

Nói nhân dân mong muốn cùng Tổng Bí thư chiến đấu vì dường như tiếng nói của nhân dân, của truyền thông vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Trong khi Tổng Bí thư, Thủ tướng và các vị lãnh đạo cao cấp tỏ rõ quyết tâm thì ở đâu đó, người ta vẫn công khai làm theo ý riêng mình.

Khi mà báo điện tử Vietnamnet.vn phải thốt lên “Những vụ án oan 'thấu trời xanh'” [5] thì lại vẫn còn đó “những vụ án ‘vui’ đầy trong… túi”, những vụ án không bao giờ được xử theo quyết định của “Liên ngành”.

Xin nhắc lại một lần nữa đề nghị mà người viết từng nêu với Tổng Bí thư: “hy vọng trong tương lai Tổng Bí thư sẽ quan tâm đến những vấn đề mà báo chí đề cập rất nhiều trong các lĩnh khác như Tư pháp, Hành pháp…”. [6]

Để giải quyết triệt để vụ việc liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có cần xem xét lại quyết định của “Liên ngành”, có nên đưa ông Phí Thái Bình và bốn cộng sự vào danh sách truy tố?

Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như chủ trương làm trong sạch Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Thanh-Hoa-noi-viec-bo-nhiem-8-Pho-Giam-doc-So-la-dung-quy-trinh-post169414.gd
[2]http://laodong.com.vn/kho-tin/tin-kho-tin-sau-trinh-xuan-thanh-la-ai-truoc-pham-cong-danh-la-hua-thi-phan-bo-nhiem-8-pho-so-dung-quy-trinh-573837.bld
[3]http://www.nguoiduatin.vn/pho-chu-tich-tx-ky-anh-noi-nha-bao-va-nguoi-dan-deu-nao-a250550.html
[4]http://thanhnien.vn/thoi-su/mien-xu-ly-hinh-su-lanh-dao-vinaconex-vi-vi-pham-lan-dau-723726.html
[5] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/277261/nhung-vu-an-oan-thau-troi-xanh-nam-2015.html
[6] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Su-kien-Trinh-Xuan-Thanh-va-nhung-cau-hoi-lon-post169360.gd
Xuân Dương





Ông Nguyễn Hạnh Phúc: “Vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia là rất sai lầm”"Chỉ nhìn lý lịch, rất khó đánh giá tâm đức, năng lực của Đại biểu Quốc hội"Ông Vũ Huy Hoàng sẽ bị kiểm tra nếu có dấu hiệu vi phạmTổng Bí thư yêu cầu đánh giá về hạn chế, bất cập trong công tác bầu cử

-Nguyên Phó chủ tịch Hậu Giang: “Tôi đâu có sai phạm gì hồi ở PVC” (BizLive 19-6-16) -- Vì sao PVC được tặng dồn dập các danh hiệu cao quý? (MTG 18-6-16)

-Ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong quy hoạch luân chuyển

TP - Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo, các cơ quan Trung ương đã xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Trao quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh (ngoài cùng bên trái) làm Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ. Ảnh báo Công thương.

Điều khiến dư luận quan tâm trong vụ việc trên là việc ông Thanh sau khi lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, đã liên tiếp được luân chuyển, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.


Trong vòng 3 năm sau khi rời Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm, luân chuyển qua nhiều chức vụ quan trọng ở Bộ Công Thương.

Cụ thể, sau khi rời PVC, năm 2013, ông Thanh được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, rồi Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ. Đến tháng 5/2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Luân chuyển phải nằm trong quy hoạch

Theo ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. “Cán bộ luân chuyển phải nằm trong quy hoạch và phải được Ban Bí thư thông qua. Đối với việc luân chuyển của ông Thanh không thuộc trường hợp này”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc luân chuyển của ông Trịnh Xuân Thanh là do tỉnh Hậu Giang đề xuất với Bộ Công Thương. “Cái này do thỏa thuận giữa Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang”, ông Hải cho biết. Một cựu cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương cho biết, sau khi Tổng Bí thư có chỉ đạo thì các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ xem việc bổ nhiệm, luân chuyển của ông Trịnh Xuân Thanh có đúng quy trình không.

“Việc Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư thì chắc chắn sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc”, vị cán bộ trên nói.

Quốc hội sẽ vào cuộc sau khi có kết luận

Không chỉ được luân chuyển về Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, tại cuộc bầu cử QH khoá XIV vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh còn trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội. Điều này đặt ra câu hỏi về quy trình giới thiệu, hiệp thương để ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử đại biểu Quốc hội.

Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cần phải xem lại tư cách đại biểu của ông Trịnh Xuân Thanh. Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu của QH cần làm việc, đối chiếu với những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một đại biểu.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh thì phải chờ xác minh, kết luận từ phía các cơ quan của Đảng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Căn cứ vào đó, nếu có vấn đề thì Quốc hội sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ban Công tác đại biểu cũng khẳng định, trước khi bầu cử diễn ra không có bất cứ khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 16/6, kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ chính thức khai mạc. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo của tỉnh như chủ tịch, các phó chủ tịch tỉnh...-

-Từ 'di sản' Phó chủ tịch tỉnh, bàn về luân chuyển cán bộ


Từ câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang thì có thể cần xem lại về quy trình bổ nhiệm và chất lượng cán bộ được xem là nguồn của Đảng. Điều khiến dư luận quan tâm chính là tại sao một cán bộ từng làm doanh nhiệp, gây thua lỗ lớn ở đơn vị cũ, từng bị Thủ tướng yêu cầu làm rõ để xử lý thì lại được "đá lên", điều quả là vô cùng khó hiểu về công tác cán bộ của chúng ta.


Câu chuyện ông Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang tự lo xe con phục vụ công tác thay vì dùng xe theo chế độ công vụ được nhà nước ban hành, những tưởng sẽ là điều có thể được dư luận hoan nghênh với điều kiện chiếc xe ông dùng vẫn giữ biển trắng và xe đó chỉ là xe loại thường, kém hơn hoặc tương đương xe theo chế độ mà ông Phó chủ tịch lẽ ra được sử dụng. Tuy nhiên, dư luận đã "nổi sóng" mấy ngày qua cũng chính từ việc ông dùng 2 biển số cho một chiếc xe quá sang trọng, trái với quy định của nhà nước. Hơn nữa, chiếc xe có giá trị quá lớn, gấp 4-5 lần giá trị chiếc xe mà cấp của ông được dùng. Điều khiến dư luận quan tâm chính là tại sao một cán bộ từng làm doanh nhiệp, gây thua lỗ lớn ở đơn vị cũ, từng bị Thủ tướng yêu cầu làm rõ để xử lý thì lại được "đá lên", điều quả là vô cùng khó hiểu về công tác cán bộ của chúng ta.

Trong bài viết này, tôi không bàn đến câu chuyện xem ra có phần rất phản cảm, đó là việc ông Phó chủ tịch Trịnh Xuân Thanh mượn xe của bạn để phụng sự đất nước(!). Không lẽ nhà nước hiện nay lại thiếu tiền đến nỗi vậy hay sao? Tôi chỉ muốn bàn đến một nội dung, đó là việc tuyển chọn nhân sự cán bộ đi luân chuyển cơ sở hiện nay.

Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác nhân sự. Qua cách luân chuyển này, người có năng lực thực sự, có khát vọng cống hiến sẽ có dịp được tiếp cận cơ sở, hiểu hơn đời sống từ cơ sở và qua đó thử thách phẩm chất và năng lực điều hành của người lãnh đạo. Từ đây, họ sẽ học tập, tích lũy vốn sống, có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo để trưởng thành hơn. Và Đảng cũng từ đó có nguồn cán bộ tốt, dồi dào để kế cận mỗi khi đến nhiệm kỳ Đại hội khoá mới...

Một đảng cầm quyền nào cũng vậy, nếu còn muốn nắm quyền lãnh đạo đất nước mà lại không có nguồn nhân lực lãnh đạo kế cận tốt, dồi dào thì đó là một nguy cơ cho sự tồn vong của chính mình.

Song, từ câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, một "cán bộ nguồn" của Đảng, nguyên Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí VN (PVC) – Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN thì có thể cần xem lại về quy trình bổ nhiệm và chất lượng cán bộ được xem là nguồn của Đảng. Tôi cảm nhận, nó đang có vấn đề nghiêm trọng. Nói cách khác, đang có nhiều lỗ hổng rất đáng bàn.

Theo báo Thanh niên ngày 3.6 thì PVC, đơn vị do ông Thanh làm Chủ tịch từng được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2011), "tuy nhiên PVC đã thua lỗ liên tiếp các năm 2012 – 2013. Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm trong suốt năm.

Từng rót rất nhiều vốn vào các công ty con, công ty liên kết trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhưng PVC đã gặp quả đắng khi thị trường đi xuống, các công ty trên không có việc, không bán được hàng. PVC sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,68 tỉ đồng/4.000 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương 85,72%) đầu tư góp vốn vào các đơn vị, tuy nhiên, báo cáo của Ban kiểm soát cho hay, việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của các đơn vị còn yếu, hiệu quả vốn đầu tư thấp. Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khủng hoảng, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.

Tháng 1.2014, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 49 nêu ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN). Đáng chú ý, trong thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu PVN phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, báo cáo Bộ Công thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tiếc thay, thông báo này của Văn phòng Chính phủ chỉ được “kính chuyển đồng chí Ngăn kéo!" bởi Bộ Công thương đã không cho kiểm điểm, xử lý kỷ luật để rồi sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh được "đá lên" Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương với cương vị Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng.

Lúc này, ở Bộ Công thương đã xầm xì bàn tán, có nhiều người tỏ ra "thán phục" ông Thanh đã thoát hiểm ngoạn mục sự cố thua lỗ kinh hoàng này. Chưa dừng lại ở vị trí tưởng như để an bài, khỏi dính đến pháp luật thì không hiểu sao, ông Thanh lại được Bộ trưởng Công thương, Bí thư Ban cán sự Đảng Vũ Huy Hoàng tiến cử với Ban Tổ chức Trung ương đưa vào "nguồn kế cận" bằng cách "đi xuống cơ sở" nhưng thực chất là đi lên, để làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Quả đúng là khó hiểu.

Tôi mong rằng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương hãy công khai nhận xét của mình trước dư luận về quan điểm của Bộ khi đánh giá, nhận xét "nguồn nhân tài" cụ thể nói trên cho dư luận biết. Người dân chúng tôi sẽ tham gia phản biện về những "cơ sở khoa học" nào mà dựa trên đó Bộ từng giới thiệu ông Thanh? Cách giới thiệu nhân sự giúp Đảng như vậy liệu có công tâm và tốt cho Đảng không? Liệu có tiêu cực không? Đó cũng chính là điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới tháng trước đã đề cập trong một cuộc họp một cách đầy trăn trở. Qua đó, Tổng bí thư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác cán bộ hiện nay của chúng ta, nếu không chấn chỉnh thì thật nguy hại cho Đảng và chế độ.

Quốc Phong

Ảnh: Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang và chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699 được thay lại biển số trắng.

Tổng số lượt xem trang