Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

Bệnh Cúm heo (H1N1 influenza 09): những điều nên biết

Bệnh Cúm heo (H1N1 influenza 09): những điều nên biết
H1N1 Influenza 09 (Bệnh Cúm Heo ở Người)
H1N1 influenza 09 là một loại siêu vi cúm mới gây bệnh ở người. Siêu vi mới này sẽ tiếp tục lan rộng khắp nơi, cùng với các loại siêu vi cúm khác được thấy mỗi năm. Siêu vi H1N1 influenza 09 gây bệnh nhẹ đối với phần đông mọi người, gây bệnh nặng cho một số ít, và nói chung thì là một căn bệnh vừa phải. Vì phần đông mọi người không được miễn nhiểm đối với loại siêu vi này nên năm nay có thể sẽ có nhiều người bị cảm cúm (‘bệnh cúm’) hơn so với những năm trước đây.
Triệu chứng cảm cúm ra sao?
Cả cúm H1N1 influenza 09 và cúm bình thường theo mùa đều có thể gây triệu chứng nóng sốt, ớn lạnh, ho, đau cổ họng, mệt mỏi, và đau nhức bắp thịt, và đôi khi bị ói mửa và tiêu chảy. Các ca cảm cúm nặng có thể gây khó thở và viêm phổi. Thường thì các triệu chứng xuất hiện khoảng từ hai tới bốn ngày sau khi nhiễm bệnh. Nếu có các triệu chứng này thì quý vị nên ở nhà cho tới khi hết.

Ai có nhiều nguy cơ dễ bị cảm cúm nặng?
Một số người dễ bị cúm theo mùa và cúm H1N1 influenza 09 nặng hơn, gồm những người:
  • Đang mang thai (nhất là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba)
  • Bị bệnh phổi kinh niên (kể cả bệnh suyển)
  • Bị béo phì nặng
  • Bị bệnh tim kinh niên
  • Bị bệnh thận hoặc gan kinh niên
  • Bị bệnh về máu (kể cả bệnh hồng cầu liềm)
  • Bị bệnh thần kinh
  • Bị rối loạn chuyển hoá (chẳng hạn như bệnh tiểu đường)
  • Có hệ thống miễn nhiểm yếu hoặc bị ức chế (có thể gây ra bởi bệnh ung thư, thuốc men hoặc bệnh HIV/AIDS)
  • Có nguồn gốc Thổ Dân hoặc dân Hải Đảo (thuộc bất kỳ hạng tuổi nào).
Tôi phải làm gì nếu có triệu chứng cảm cúm?
Nếu bị bệnh nặng thì bệnh nhân phải đến bệnh viện.
Nếu bị bệnh ở mức trung bình, hoặc có nguy cơ bị bệnh nặng hơn thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng.
Nếu thấy hơi khó chịu nhưng không có nguy cơ bị bệnh nặng hơn thì hãy ở nhà cho tới khi thấy khỏe lại.
Khi đi khám bác sĩ, hãy gọi điện thoại trước để coi quý vị có thể được cho ngồi chờ ở một nơi cách biệt. Hãy hỏi xin khẩu trang nếu quý vị bị ho và phải ngồi chờ gần những người khác.
Dùng khăn giấy che miệng mũi khi ho và hắt hơi. Bỏ khăn đã dùng vào thùng rác.
Rửa tay với xà bông và dưới vòi nước chảy trong vòng 10 giây sau khi ho, hắt hơi hoặc hỉ mũi, và trước khi đụng vào người khác hoặc các vật dụng dùng chung.
Nếu đang cho con bú sữa mẹ thì quý vị có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ.
Tôi phải làm sao nếu tôi có nguy cơ bị bệnh nặng hơn, và người nhà tôi bị cảm cúm?
Khi có thể được thì tránh xa người bệnh, kể cả việc ra ngủ ở phòng khác. Khuyến khích người bệnh làm theo các cách ho và hắt hơi hạp vệ sinh. Rửa tay thường xuyên.
Nếu quý vị có nguy cơ bị bệnh rất cao (thí dụ người bị ức chế tủy xương) thì hãy hỏi bác sĩ chữa trị chuyên khoa coi có nên dùng phép phòng bệnh với thuốc chống cảm cúm hay không.
Thuốc chống cảm cúm
Chữa trị bằng thuốc chống cảm cúm oseltamivir (Tamiflu®) và zanamivir (Relenza®) có thể làm giảm thời gian và mức độ căn bệnh của những người đã bị cúm.
Những người có nguy cơ cao dễ bị bệnh nặng nên xin được chữa trị sớm khi có triệu chứng cảm cúm. Thuốc chống cảm cúm được cấp miễn phí cho những người có nguy cơ bị bệnh cao và cho những người bị bệnh nặng hoặc ở mức trung bình, nếu việc chữa trị có thể được bắt đầu trong vòng 48 giờ đồng hồ sau khi có triệu chứng.
Những người khác có thể lấy thuốc chống cảm cúm bằng toa thuốc riêng từ bác sĩ của mình. Trong phần lớn trường hợp thì quý vị có thể tiếp tục uống thuốc mình đang dùng, nhưng quý vị nên bàn với bác sĩ của mình về chuyện này. Phụ nữ có bầu hoặc cho con bú sữa mẹ có thể uống thuốc chống cảm cúm nếu được bác sĩ khuyến cáo.
Chăm sóc cho người bệnh cảm cúm
  • Cho uống thuốc có chất paracetamol hoặc ibuprofen để làm giảm nhẹ triệu chứng.
  • Luôn luôn theo đúng các chỉ dẫn.
  • Đừng cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên uống aspirin mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
  • Làm người bệnh được càng thoải mái càng tốt. Nghỉ ngơi là điều quan trọng.
  • Cho ăn thức ăn lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Khuyến khích người bệnh uống nước.
  • Để túi rác và khăn giấy dùng một lần rồi bỏ ở gần người bệnh.
  • Ghi lại ngày giờ và liều lượng các thuốc men của người bệnh để quý vị biết khi nào thì có thể cho uống liều kế tiếp.
  • Khi có thể được, duy trì khoảng cách trên một mét đối với người bệnh, kể cả việc ra ngủ riêng.
  • Nếu quý vị nghĩ là người bệnh đang trở bệnh nặng hơn thì hãy hỏi bác sĩ để được cố vấn thêm.
Nhận ra các dấu hiệu của bệnh nặng
Nếu người mà quý vị đang chăm sóc có các dấu hiệu và triệu chứng sau thì hãy tìm sự giúp đỡ y khoa khẩn cấp.
Trẻ em:
  • thở nhanh hoặc khó thở
  • da có màu tái xanh
  • không uống đủ thức uống
  • không thức dạy hoặc không có phản ứng
  • khó chịu đến nổi đứa trẻ không muốn được ôm
  • các triệu chứng giống như bị cúm trở nên khá hơn, nhưng xuất hiện trở lại với cơn
  • sốt và ho nhiều hơn
  • bị sốt và da phát ban.
Người lớn:
  • khó thở hoặc thở dốc
  • đau hoặc cảm thấy nặng ngực hay bụng
  • thình lình thấy chóng mặt
  • bị lẫn lộn
  • ói mửa nhiều hoặc kéo dài.
(Theo NSW Health ngày 13 Tháng Bảy 2009)
-----------------
Vi rút cúm A (H1N1) là gì?

Vi rút cúm A (H1N1) là một chủng vi rút cúm A mới xuất hiện gần đây và gây bệnh cho người. Hiện nay (tính đến ngày 12/5/09) đã có hơn 30 quốc gia xác nhận có bệnh nhân nhiễm loại vi rút cúm này với số lượng là 5.251 trong đó có 61 trường hợp tử vong. Ban đầu người ta gọi vi rút mới này là cúm heo vì các nhà khoa học tìm thấy nhiều gien của vi rút này giống với gien của loại vi rút cúm ở loài heo. Tuy nhiên với những phân tích chi tiết hơn cho thấy loại vi rút này rất khác biệt với loại vi rút cúm heo lưu hành ở khu vực Bắc Mỹ. Vi rút cúm A (H1N1) mới này là một loại lai có gien của 4 chủng vi rút gồm vi rút cúm người, cúm heo, cúm gia cầm ở Bắc Mỹ và gien của cúm heo ở Châu Âu và Châu Á.

Vi rút cúm A (H1N1) lây lan như thế nào?

Đây là loại vi rút có thể lây lan từ người sang người nhưng hiện nay chưa rõ mức độ của sự lây lan dễ dàng như thế nào. Sự lan truyền của vi rút cúm A (H1N1) mới này gần giống như sự lây lan của cúm mùa mà chúng ta thường thấy. Vi rút lan truyền từ người này sang người khác do ho hay hắt hơi (nhảy mũi). Đôi khi người ta mắc bệnh do tay bị vấy hay dính chất tiết có vi rút sau đó đưa tay lên miệng mũi. Khi một người bị nhiễm vi rút cúm thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã phát tán vi rút ra chung quanh cho đến 7 ngày sau đó. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thời gian phát tán vi rút lâu hơn. Cúm A (H1N1) là bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Vì vậy mà ăn thịt heo được nấu chín không bị mắc bệnh. Vi rút có thể tồn tại từ 2-8 giờ sau khi bám vào các bề mặt. Nước pha với chlorine 1-3 mg/L đủ khả năng diệt vi rút cúm trong đó có cả vi rút cúm A (H1N1) mới.

Triệu chứng của bệnh cúm do vi rút A (H1N1) là gì?

Triệu chứng bệnh cúm A (H1N1) giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Giống như cúm mùa, cúm H1N1 mới cũng gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong. Cũng cần nhắc lại là triệu chứng cúm A (H1N1) mới khác với cúm gia cầm A (H5N1). Cúm gia cầm không có các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi hay đau nhức cơ thể mà thay vào đó là bệnh cảnh của viêm phổi cấp sốt, ho, khó thở. Hiện nay người ta chưa biết mức độ trầm trọng của bệnh gây ra do vi rút cúm A (H1N1) mới này trên toàn thế giới. Tại Mexico có nhiều bệnh nhân nặng và tử vong trong khi số lượng bệnh nhân ở Hoa Kỳ cao hơn nhưng chỉ có 3 người chết. Cúm A(H1N1) mới này so với cúm gia cầm A/H5N1 thì tỷ lệ tử vong của cúm gia cầm cao hơn (tỉ lệ tử vong khi nhiễm cúm gia cầm là trên 50%). Các triệu chứng hô hấp báo động bệnh trở nên nặng là: thở nhanh (người lớn trên 30 lần phút), có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, ngộp thở, tím môi hay đầu chi, lơ mơ.

Khi nào thì nghi ngờ bị nhiễm cúm A(H1N1)?

Những người sống trong vùng có dịch hay có đến vùng có dịch cúm A (H1N1) đang lưu hành trong vòng 7 ngày trước khi xuất hiện sốt hay có triệu chứng đau nhức mình, sổ mũi... cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm vi rút cúm A (H1N1) hay không. Do tình hình cúm trên toàn thế giới diễn tiến rất nhanh nên cần cập nhật danh sách các nước có bệnh cúm H1N1 mới. Lưu ý là thời gian rời từ vùng có dịch chỉ trong 7 ngày và cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.

Khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần làm gì?

Khi nghi ngờ bị cúm nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoại trừ đi khám bệnh. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm phát hiện cúm A (H1N1). Hiện nay để xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được làm phết mũi họng, các bệnh phẩm lấy được sẽ chuyển đến các phòng xét nghiệm của các bệnh viện như BV Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng I và Nhi Đồng II. Những bệnh viện này đều có khả năng thực hiện kỹ thuật PCR tìm ra vi rút này.

Điều trị bệnh cúm A (H1N1) như thế nào?

Hiện nay có hai loại thuốc dùng để điều trị vi rút cúm A nói chung là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza). Thuốc Tamiflu là thuốc uống còn Relenza là thuốc hít. Để có hiệu quả cần điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu sau khi có triệu chứng.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cúm A (H1N1)?

Hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa lây nhiễm cúm A (H1N1) mới. Tuy nhiên chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp hạn chế lây lan như sau:

- Khi ho cần lấy tay che miệng bằng khăn giấy... sau đó bỏ vào sọt rác và rửa tay.

- Có thể ho vào tay áo nếu không có khăn giấy.

- Rửa tay với xà phòng thường xuyên nhất là sau khi ho hay hắt hơi

- Không đưa tay chạm vào mắt mũi miệng vì vi rút lan truyền theo đường này

- Tránh không nên tiếp xúc với người bệnh Khi bị sốt nên tránh tiếp xúc với mọi người càng nhiều càng tốt.

(Theo TS BS Trần Tịnh Hiền - BV Bệnh Nhiệt Đới)


Đến 14h chiều nay (24/7), Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam quyết định tạm đóng cửa từ nay đến ngày 3/8 do nhà trường có 3 sinh viên và 1 giáo viên nhiễm cúm A/H1N1. Ngoài ra, đã có 4 bác sĩ (trong đó có bác sĩ người nước ngoài) nhiễm vi rút này.


Cúm A/H1N1 có thể gây xuất huyết não ở trẻ - Dantri.com.vn
(Dân trí) - Các cơ quan y tế cấp nhà nước đã báo cho các bác sĩ về tình trạng cúm A/H1N1 gây xuất huyết não, sau khi 4 trẻ được đưa tới bệnh viện ở Texas trong tình trạng có các biểu hiện của biến chứng thần kinh.

Tổng số lượt xem trang