-Những nghịch lý của trí thức Việt Nam (Phạm Hoài Nam)
Lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam, một nông dân thấp cổ bé miệng đã không sợ chết chống lại cả một lực lượng công an, bộ đội được võ trang đầy mình.
Được biết vào sáng sớm ngày 5 tháng 1 vừa qua, hơn 100 công an, bộ đội đã tiến hành cưỡng chiếm hơn 50 hecta đất nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái của ông Đoàn Văn Vươn, một cựu chiến binh và là một kỹ sư, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng.
Ông Vươn đã biến vùng đất hoang vu trở thành một khu đất mầu mỡ và khi khu đất này trở thành đất vàng đất bạc, chủ tịch huyện Tiên Lãng là Lê Văn Hiền và anh ruột là Lê Văn Liêm, Chủ tịch xã Vinh Quang, cùng với đàn em đã bày mưu lập kế cưỡng chiếm đất đai của ông Vươn với lý do là đất của ông đã hết hạn thuê: “Cũng như người dân vay tiền ngân hàng, khi đến hạn thì phải trả và muốn vay tiếp phải làm các thủ tục vay” [lời phát biểu của ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng].
Một người ngây thơ nhất ở Việt Nam hiện nay cũng hiểu được mục đích của việc “thu hồi đất đai” này.
Bị dồn vào đường cùng, cho nên khi bị lực lượng công an/bộ đội tấn công, gia đình ông Vươn đã chống trả lại quyết liệt bằng một quả bom tự chế và hai khẩu súng bắn chim, gây thương tích nặng cho 6 công an/bộ đội trong đó có một thượng tá chỉ huy. Ông Đoàn Văn Vươn đang bị giam giữ chờ ngày tòa xét xử.
Sau biến cố này nhà báo Hoàng Linh và Lê Tự đến tận nơi làm phóng sự tìm hiểu sự thật, họ gặp một người đàn ông sống gần nhà ông Vươn và ông cụ này đã nói với họ: “Chúng tôi sợ lắm!, “Họ” sẵn sàng trả thù bất cứ ai dám nói lên sự thật”. Bà cụ Chanh ngoài 80 tuổi uất ức, nghẹn ngào: “Các nhà báo, luật sư giúp dân chúng tôi với! Người có công lớn với chúng tôi như ông Vươn mà còn bị họ đối xử như vậy thì thật là... Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này, thật ác, ai lại đi phá, san bằng cả nhà ở của người ta như thế...”.
Tại sao gia đình ông Vươn có những hành động táo bạo như thế?
Để có 50 hecta đất này gia đình ông Vươn phải mất đến 20 năm khổ cực, đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt, “suốt 5 năm trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya, biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài hai cây số”. Cũng nơi đây, anh Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì cha mẹ mải lo làm việc không cứu được đứa con gái bị nước cuốn trôi. Nhà văn Phạm Đình Trọng chia sẻ hoàn cảnh của ông Vươn như sau: “Mảnh đất lấn biển của người kỹ sư nông nghiệp Ðoàn Văn Vươn không phải chỉ là mảnh đất mồ hôi, xương máu mà còn là mảnh đất của sự nghiệp cuộc đời, của ý chí nam nhi. Mảnh đất của sự nghiệp cuộc đời bị mất trắng là ý chí nam nhi bị đánh bại. Ý chí nam nhi đã thắng cả trời, thắng cả sức mạnh hoang dã của bão biển mà phải thua cái lệnh hành chính ngang trái của hai anh em ruột nhà quan. Phía sau ông anh quan đầu huyện ký quyết định thu hồi đất thấp thoáng bóng ông em quan đầu xã, nơi có bãi đất lấn biển của kỹ sư Ðoàn Văn Vươn bị thu hồi.”
Ông Vươn thắng cả Trời và thắng cả thiên nhiên... nhưng lại thua trước bạo quyền. Tại sao có một nghịch lý như thế? Và nghịch lý này có lẽ chỉ xảy ra tại Việt Nam! Một dân tộc luôn luôn tin “ông Trời có mắt”, nhưng sao ông Trời không trừng phạt kẻ ác và bênh vực người hiền lương!!.
Biến cố Tiên Lãng đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ của người dân trên cả nước, chưa bao giờ báo chí trong nước lên tiếng nhiều và táo bạo như lần này. Ngoài tờ Nhân Dân, tất cả những tờ báo lớn khác đều mạnh dạn tố cáo các quan chức chính quyền thành phố Hải Phòng đã trắng trợn chiếm đoạt đất đai của dân. Trong bài “Vì sao lại vu oan cho nhân dân” trên tờ Dân Trí, tác giả Bùi Hoàng Tám đã gọi lời phát biểu của ông phó chủ tịch Thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại ‘phá nhà anh Vươn là do người dân bức xúc!’ là một hành động ‘vô liêm sỉ , … sự tráo trở đã không còn giới hạn’ . Về mặt chính quyền, chưa có một biến cố nào mà các quan chức có trách nhiệm lại tuyên bố bất nhất như biến cố này, chứng tỏ là họ vô cùng bối rối. Trong khi Đại tá Đỗ Hữu Ca giám đốc Công an Hải Phòng kết tội giết người đối với ông Vươn thì cựu Đại Tá An ninh Đinh Đình Phú, lại đề nghị: “Cần phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và ông Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Hành vi của các ông này là đã lợi dụng chức quyền huy động lực lượng chà đạp lợi ích của công dân, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nói về sự bối rối này, giáo sư Tương Lai trong bài “Nhìn từ Tiên Lãng, Ngẫm về thân phận công dân” đã viết như sau: “Cho đến giờ phút này xem ra cách xử lý tình huống của các cấp có trách nhiệm ở Hải Phòng vẫn tỏ ra “rối” và “loạn”. “Loạn” là loạn thông tin từ các cấp có thẩm quyền vốn được gọi là người “cầm cân nảy mực”. Mà “loạn” thông tin là vì “rối” như gà mắc tóc trong cách giải thích và xử lý tình huống. “Rối” từ các cấp có thẩm quyền từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng, đến Chủ tịch Huyện Tiên Lãng và Chủ tịch xã Vinh Quang.!”
Nhìn thấy được tầm vóc quan trọng của biến cố này, Bộ Chính Trị Trung Ương đảng CSVN đang tìm cách chạy tội. Lê Đức Anh - chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997 nói: “Có thể khẳng định đây là một chủ trương sai từ huyện đến xã”. Và còn nhiều quan chức khác cũng tuyên bố tương tự. Tin mới nhất cho biết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ này. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, người trực tiếp lãnh đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, vừa bị đình chỉ chức vụ để kiểm điểm cá nhân.
Vấn đề coi như “hạ hồi phân giải” nhưng ai cũng có thể đoán trước kết quả. Cuối cùng tất cả cũng sẽ giống như kết cuộc của các biến cố Thái Bình, PM 18, Vinashin, Dân Oan Khiếu Kiện... chỉ có cấp dưới làm sai và vài quan chức nhỏ như Lê Văn Liêm, Lê Văn Hiền Nguyễn Văn Khanh... sẽ làm vật tế thần để xoa dịu uất hận của người dân.
Trong bài “Đừng lo cho Thái Nguyên”, nhà văn Phạm Thị Hoài đã kết bài viết như sau:
“Vài tuần nữa, khi một số quan chức cấp xã, huyện ở Hải Phòng có thể đã bị cách chức hay xử lý kỷ luật Đảng, ông Đoàn Văn Vươn và gia đình đã bị tuyên án đúng người đúng tội giết người, báo Nhân dân sẽ có phóng sự khép hồ sơ và định hướng dư luận. Một vài blogger nào đó sẽ tiếp tục dự báo Cách mạng Hoa Cải từ tiếng súng Tiên Lãng, nhưng phương Nam sẽ lại hoàn toàn yên tĩnh”.
Đọc qua sao thấy thật xót xa cho số phận của đất nước Việt Nam, nhưng đó có thể là một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận.
Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng biến cố ở Tiên Lãng có thể làm ngòi nổ cho những biến cố khác, từ đó sẽ tạo ra một ngả rẽ trong lịch sử của dân tộc cũng giống như chàng thanh niên Mohammed Bouazizi đã châm ngòi cho cuộc cách mạng tại Tunisia vào cuối năm 2010.
Nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan để rồi sẽ thất vọng như những lần trước.
Người Cộng Sản rất tồi trong việc quản lý kinh tế và hoàn toàn bất lực trong việc mang lại hạnh phúc cho người dân, nhưng họ là bậc thầy trong việc duy trì quyền lực. Họ biết lúc nào phải đàn áp, khủng bố tinh thần và lúc nào phải “xì hơi”. Họ có trăm mưu ngàn kế để chia rẽ những người chống đối chế độ và quan trọng hơn hết là trong hơn nửa thế kỷ qua họ đã thành công trong việc làm tê liệt tinh thần phản kháng của người dân, đặc biệt là giai cấp “trí trức”. Tệ hại hơn nữa là trong nhiều tội ác của chính quyền cộng sản có cả sự tiếp tay của thành phần “trí thức”.
Người dân trong nước đã mất hết tin tưởng vào chính quyền từ lâu rồi, nhưng họ cũng không còn ai để tin tưởng. Giai cấp “trí thức” ư? Có được bao nhiêu người trí thức dám xả thân tranh đấu đòi công lý cho những người dân thấp cổ bé miệng như gia đình của ông Đoàn Văn Vươn? Nếu có, những áp lực tinh thần hay một chút bổng lộc của chính quyền dễ làm thay đổi lòng người. Nói như thế không phải để đòi hỏi trách nhiệm của người trí thức trong nước - những người phải gánh chịu những nguy hiểm cá nhân và gia đình nếu muốn làm đúng thiên chức kẻ sĩ- mà để thấy hiện tình của đất nước chúng ta hôm nay, đó là: mối liên hệ và niềm tin giữa người dân và trí thức không còn nữa. Những hiệp sĩ như Lục Vân Tiên “giữa đường trông thấy bất bình chẳng tha…” chỉ còn là chuyện hoang đường hay nói như nhạc sĩ Tô Hải trong bài “Xin thôi đi các vị trí thức khả kính của tôi!”: “Cái nước Việt Nam này nó chẳng giống ai, nên trí thức nước mình nó lại càng chẳng giống ai cả trên cái hành tinh trái đất này! Phân biệt thế nào là trí thức “dấn thân” với nhau đã khó huống hồ so sánh họ với bọn trí thức “kệ mẹ sự đời”, “việc tao, tao làm, chẳng hơi đâu mà dính vào những chuyện không phải của tao!”.
Ngay cả "trí thức" tại hải ngoại, một môi trường hết sức thuận lợi, nhưng có được mấy "trí thức" lúc cần thiết sẽ không sợ hãi để bênh vực cho lẽ phải.
Dĩ nhiên không ai có quyền đòi hỏi gì ở người trí thức - đó là chọn lựa của mỗi cá nhân, nhưng những người dân thấp cổ bé miệng có quyền đòi hỏi tầng lớp “trí thức” - là thành phần đang được hưởng bổng lộc, quyền lợi và danh vọng nhờ cơ chế hiện nay, nếu không bênh vực được cho họ, thì nên chọn lựa thái độ im lặng, trùm chăn, chớ đừng nên tiếp sức cho bạo quyền có thêm phương tiện đàn áp những người dân không có gì để tự vệ.
Những trường hợp phản kháng như ông Vươn chắc chắn sẽ còn xảy ra rất nhiều ở VN trong tương lai, nhưng có thể tạo ra một cuộc cách mạng như ở Tunisia, Ai Cập, Libya hay không - lại là một vấn đề khác.
Trường hợp cướp đất của gia đình ông Vươn chỉ là một trong hàng trăm ngàn vụ chiếm đoạt mà đảng CSVN đã làm trên khắp mọi miền đất nước từ năm 1954 cho đến nay. Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất đã có biết bao người bị đấu tố đến chết chỉ vì sở hữu một miếng đất dù thật nhỏ. Trong những năm gần đây Phong Trào Dân Oan khiếu kiện lan tràn cả nước, có nhiều nông dân sinh sống tại những nơi xa xôi của vùng đồng bằng sông Cửu Long bị các quan chức địa phương chiếm đoạt ruộng đất - đã kéo nhau ra tận Hà Nội biểu tình bày tỏ nỗi uất hận và đòi hỏi chính quyền trung ương thực thi công lý, nhưng cuối cùng kiệt lực, hết tiền, phần bị công an liên tục đàn áp - họ phải “ngậm đắng nuốt cay” trở về quê cũ tiếp tục làm thân phận khốn cùng.
Họ khổ đến độ không còn có thể khổ hơn. Kêu Trời - Trời ở xa quá không nghe, khiếu kiện đến Trung Ương - Trung Ương ngoảnh mặt, cầu cứu Trí Thức - Trí Thức làm ngơ, cuối cùng họ chỉ còn một hy vọng duy nhất là mong cho những đứa con gái của họ được gả cho một gã đàn ông Nam Hàn, Đài Loan... dù là đuôi mù què quặt - để thoát ra được cái số phận khốn khổ tận cùng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gọi những nông dân khốn cùng như gia đình ông Đoàn Văn Vươn là những “chị Dậu, anh Pha của thời hiện đại”. Tôi nghĩ rằng cách gọi này chưa chính xác cho lắm, bởi vì những “chị Dậu, anh Pha” của thời thực dân Pháp còn được những nhà văn như Ngô Tắt Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... và vô số những nhà trí thức thời đó.... lên tiếng thế cho họ, còn những “chị Dậu, anh Pha” thời nay hoàn toàn cô đơn trước những bất công mà họ phải gánh chịu.
Nếu trước đây có những “Giông Tố”, “Số đỏ”, những “Bước đường cùng”, những “Tắt Đèn” ... thì ngày nay chỉ có những “bia mộ sang trọng cắm lên một sự nghiệp văn chương đã đến hồi kết thúc” (Nguyễn Khải).
Cho nên phải gọi những “chị Dậu, anh Pha” ngày nay là những “nô lệ của thời đại”, họ không được bất cứ ai bênh vực, không những bị tước đoạt quyền sống của con người mà còn bị tước đoạt luôn cả quyền bảo đảm sở hữu tài sản, dù tài sản đó có khi chỉ là một mảnh ruộng vườn rất nhỏ.
Trách nhiệm của người trí thức đối với xã hội
Khi xảy ra những biến cố ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ thì chính quyền CSVN luôn luôn tìm cách hay trông chờ một biến cố khác xảy ra để đánh lạc hướng dư luận và lần này cũng không ngoại lệ.
Sau biến cố Đoàn Văn Vươn, thay vì giới trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước nên tập trung lại tranh đấu đòi công lý cho nạn nhân, nhưng thật đáng tiếc ngay sau đó đã xảy ra một cuộc tranh luận trên các diễn đàn internet giữa hai quan điểm về vai trò của trí thức.
Cuộc tranh luận này phát xuất sau lời phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ ngày 20 tháng 1 vừa rồi(1).
Trong bài phỏng vấn này, khi được hỏi: “Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?”
Gs Châu trả lời: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”.
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội sẽ chết lâm sàng.”
Qua câu trả lời của Gs Châu có thể tóm tắt: Giá trị của trí thức không có liên quan đến vai trò phản biện xã hội.
Ngay sau cuộc phỏng vấn đã tạo ra một tranh luận giữa hai quan điểm: đồng ý và không đồng ý với quan điểm trên của Gs Châu.
Người đồng ý với Gs Châu cũng nhiều và người không đồng ý cũng không phải ít.
Trong số những người đồng ý với lời phát biểu của Gs Châu, có người cho rằng sở dĩ có một số người phản bác quan điểm của Gs Châu chỉ vì ghen tị hay vì mặc cảm, chẳng hạn như bài “Bàn về hai chữ trí thức”(1) của tác giả Kami viết từ Hà Nội trên diễn đàn RFA: “Ngoài ra tôi nghĩ còn có nhiều vị cũng cố tình bám vào cái vụ scandal này để lên tiếng với tham vọng là tự nâng mình lên ngang tầm với GS. Ngô Bảo Châu thì phải?
Có lẽ nguyên nhân chính của vụ việc này cũng bởi sự mặc cảm của họ đối với GS. Ngô Bảo Châu, vì ông đã nhận cái căn hộ do chính phủ hay cái biệt thự ở đảo Tuần châu do ông chúa đảo tặng, kể cả chương trình Viện Toán cao cấp cũng vậy với giá trị tiền bạc không nhỏ”(2).
Cho nên nếu có người cho rằng người viết bài này không đồng ý với quan điểm của Gs Châu vì ghen tị hay vì mặc cảm- thì cũng đành phải chịu thôi.
Nhưng người viết ngạc nhiên với nhận xét trên của tác giả Kami. Gs Châu nêu ra một quan điểm gây nhiều tranh cãi (very controversial), vậy thì phải để cho mọi người tự do góp ý, chớ sao lại đặt vấn đề ghen tị hay mặc cảm ở đây. Không lẽ sự giàu sang, nổi tiếng và bằng cấp quá cao của giáo sư đủ để bảo đảm giá trị cho lời phát biểu của ông ấy?
Nhưng ngay cả lời trên của tác giả Kami cũng đã có vấn đề: Gs nói về đề tài phản biện, vậy mà không để cho mọi người tự do phản biện, có phải là mâu thuẫn không? điều đó chẳng khác nào một người thuyết trình về quyền tự do ngôn luận nhưng sau đó lại không thích người khác có ý kiến phê bình.
Phản biện là điều kiện cần thiết trong quá trình tiến hóa của của con người, là tác nhân thúc đẩy xã hội phát triển. Xã hội Tây Phương sở dĩ đạt đến trình độ văn minh như ngày hôm nay là bởi vì từ hơn 2000 năm trước đây các triết gia Hy Lạp đã nhìn thấy được giá trị của phản biện. Và ngày nay đối với giới trí thức Tây Phương, phản biện là chuyện tự nhiên giống như con người phải ăn uống, hít thở không khí, chớ không ai đặt vấn đề là trí thức có liên quan đến vai trò phản biện xã hội hay không. Trước khi làm người trí thức, họ là một công dân, cho nên không thể tách rời khỏi xã hội mà họ đang sống, xã hội có tốt thì người trí thức mới có điều kiện phát triển trí tuệ, hưởng một đời sống vật chất sung túc và được sống đúng với thiên chức của mình. Ngược lại chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ vì ngăn cấm phản biện cho nên đã giết chết hết mọi sáng kiến cá nhân và tư duy độc lập.
Ngay câu trả lời của Gs Châu cũng đã mâu thuẫn. Đã nói là “giá trị của trí thức không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”, cuối cùng lại nói: “Không có phản biện, xã hội sẽ chết lâm sàng”. Nghĩa là nếu không có phản biện, xã hội sẽ không phát triển và tiếp tục trong tình trạng man ri mọi rợ. Vậy xin hỏi: thành phần chủ lực nào của xã hội tham gia phản biện nếu không phải là trí thức? không lẽ là thành phần công nhân hay giai cấp bần cố nông? Chỉ có giai cấp trí thức mới có đủ trí tuệ để nhìn thấy được chiều sâu của vấn đề và đóng vai trò phản biện để làm cho xã hội mỗi ngày một tốt hơn.
Từ ngữ phản biện gắn liền với tên tuổi Socrates sống gần 2500 năm trước đây. Ông là một triết gia có công đóng góp rất lớn cho nền tảng của tư tưởng Tây Phương.
Có lẽ đóng góp quan trọng nhất của ông là phương pháp truy vấn biện chứng, được biết đến dưới tên gọi “Phương pháp Socrates” hay còn được gọi phương pháp “phản biện bằng logic” bằng cách liên tiếp đặt ra các câu hỏi. Đặt câu hỏi về các khái niệm và đặt câu hỏi về các tiền đề đằng sau các khái niệm ấy. Và cứ tiếp tục như thế cho đến khi đạt được chân lý.
Phản biện là một nhu cầu thiết cho xã hội, vì con người cần phải hoài nghi trước mọi vấn đề và vì hoài nghi cho nên con người mới có động lực tìm kiếm sự thật.
Thánh Anselm, một nhà tư tưởng lớn thời Trung cổ đã nói: “Tôi hoài nghi, vậy tôi biết”. Một câu nói khác nổi tiếng hơn của Descartes vào giữa thế kỷ thứ 17: “Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu” (Je pense donc je suis”; “I think, therefore I am). Tư duy cũng là một hình thức của hoài nghi.
Nói tóm lại, để có một xã hội lành mạnh và phát triển thì không thể thiếu được yếu tố phản biện và trí thức là thành phần chủ lực giúp cho những tiếng nói phản biện luôn luôn hiện hữu.
***Người trí thức có phải là người lao động trí óc? Trước khi trả lời câu hỏi đó, thiết nghĩ chúng ta nên đi tìm câu trả lời: trí thức là gì?
“Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội” - Giản Tư Trung.
“Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ” - GS. Cao Huy Thuần
“Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên” - Nguyễn Quang Minh
“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội” - GS. Nguyễn Huệ Chi
“Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri. Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?” - Phạm Việt Hưng
Triết gia Raymond Aron của Pháp nói: “Trí thức là tác giả của ý tưởng trí tuệ và là một người quan sát thời cuộc”.
Albert Camus (1913-1960), được xem là một trong những văn sĩ nổi tiếng nhất của Pháp trong thế kỷ 20, được Giải Nobel Văn học 1957: “Nhà văn là trí thức không thể là để phụng sự những người sáng tạo lịch sử, mà là phụng sự các nạn nhân của nó. Lẽ phải của sự sinh tồn nếu có, là nói thay cho những người mà họ không thể nói được”.
Từ “trí thức” có nguồn gốc từ tiếng Nga (intelligentsia), được sử dụng trong thập niên 30 của thế kỷ 19, dùng để chỉ một lớp người có kiến thức và có chung một lý tưởng cách mạng - đó là những người trăn trở trước tình trạng lạc hậu, nghèo đói của nước Nga so với các nước Tây Âu.
Còn từ ngữ trí thức mà chúng ta sử dụng ngày nay dịch từ tiếng Pháp (intellectuel) xuất phát từ vụ án Dreyfus.
Có thể tóm tắt vụ án này như sau:
Vào năm 1894, Đại úy Alfred Dreyfus là sĩ quan Pháp gốc Do Thái làm việc trong Bộ Tổng tham mưu Pháp, bị kết tội bán bí mật quân sự cho tùy viên quân sự Đức Schwartzkoppen ở Paris.
Tại tòa, Đại úy Alfred Dreyfus một mực kêu oan. Và mặc dầu không có đầy đủ chứng cớ tòa vẫn xử ông bản án chung thân, đày ra đảo Devil, thuộc địa của Pháp ở Trung Mỹ.
Trước đó vào năm 1871, nước Pháp đại bại trong cuộc chiến với nước Đức và phải nhượng cho Đức vùng Alsace. Sau cuộc chiến, kinh tế nước Pháp suy sụp, cộng thêm nỗi nhục bại trận, làm phong trào kỳ thị người Do Thái tại Pháp lên cao, đại úy Dreyfus là nạn nhân của sự kỳ thị này.
Sau khi Dreyfus bị đày ra đảo, thì gia đình ông vẫn tiếp tục vận động các nhà báo, nhà văn, các chính khách... để minh oan cho ông.
Năm 1896, Thiếu tá Picquart, chỉ huy mới của đơn vị phản gián mà Dreyfus làm việc, thu lượm được những bằng chứng cho thấy thủ phạm thực sự là sĩ quan Esterhazy.
Emile Zola là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Pháp lúc bấy giờ, sau khi biết là Đại úy Dreyfus đã bị xử oan, đã nhập cuộc để đòi lại công lý cho nạn nhân.
Ngày 10/1/1898, sau khi kẻ đích thực làm gián điệp cho Đức là Esterhazy bị đưa ra xét xử tại Paris và được miễn tố, Zola lập tức viết bài J’accuse (Tôi tố cáo) đăng trên tờ L’Aurore của Georges Clemenceau số ra ngày 13-1-1898. Bài báo đã gây tiếng vang lớn và một phong trào bắt đầu nổi lên đòi chính phủ phải xét xử lại vụ án này.
Một ngày sau (14/1/1898), một bản kiến nghị có tên là “Manifeste Des Intellectuels” (Bản Kiến Nghị của những nhà Trí Thức) của tác giả Emile Zola, cũng được đăng tải trên nhật báo L’Aurore, với chữ ký của 1500 người, bao gồm những nhà báo, khoa học gia, chính trị gia, triết gia, bác sĩ, họa sĩ, văn sĩ... có tiếng tăm và uy tín trong xã hội, trong số đó có những người rất nổi tiếng như Léon Blum, Lucien Herr, Anatole France, Gustave Lanson, Marcel Proust.
Nội dung của bản kiến nghị này là phản đối kết quả bản án đối với Alfred Dreyfus.
Vì bài viết J’accuse, Zola đã bị kết tội vu khống với mức án một năm tù cộng với số tiền phạt lên tới 7500 franc (một số tiền rất lớn thời đó - do nhà văn Octave Mirbeau trả hộ), và ông bị tước Bắc Đẩu Bội Tinh (Legion of Honor). Để thoát khỏi án tù, Zola buộc phải sống lưu vong ở Luân Đôn một năm, khi quay về Pháp ông đã viết thêm một loạt bài báo về Vụ án Dreyfus trên tờ La Vérité en marche.
Cuối cùng vì áp lực của dư luận, vụ án Dreyfus được xét lại vào tháng 6-1899, kết quả bản án năm 1894 bị hủy bỏ. Tuy được xét xử lại, Dreyfus chỉ được giảm án từ chung thân khổ sai xuống 10 năm khổ sai. Phải đến năm 1906, tức là 7 năm sau đó, ông mới hoàn toàn được phục hồi danh dự theo lệnh của Tổng thống Laubet.
Những người ký tên trong bản kiến nghị “Manifeste Des Intellectuels” sau này được gọi là những người trí thức. Cho nên ngay từ đầu danh từ trí thức của người Tây phương mang một ý nghĩa rất cao cả - để chỉ những người có kiến thức, sẵn sàng tranh đấu cho công lý và lẽ phải bất chấp nguy hiểm.
Chính nhờ thái độ cam đảm của những người như Zola mà xã hội Tây Phương có một bước tiến rất lớn trong quá trình tranh đấu cho quyền làm người. Vụ án Dreyfus còn đặt ra một vấn đề khác đối với người trí thức - không vì danh dự hay quyền lợi của quốc gia mà có thể bỏ qua một vấn đề của lương tâm.
Nói tóm lại theo nghĩa của Tây Phương, trí thức là người có kiến thức, có tư duy độc lập, có trách nhiệm đối với xã hội và là tiếng nói của công lý.
Còn đối với người Việt Nam, "trí thức" được hiểu thế nào?
Ở Việt Nam, đã từ lâu trí thức được hiểu một cách đơn giản là những người làm việc bằng trí óc (để phân biệt với lao động chân tay). Những người nào tốt nghiệp đại học trở lên đều được coi là người trí thức.
Thật sự khái niệm trí thức đối với người VN rất mơ hồ, do hoàn cảnh lịch sử và văn hóa của đất nước chúng ta.
Từ “trí thức” chỉ xuất hiện ở VN sau khi người Pháp đến đô hộ. Trước đó, ngoài 1000 năm Bắc Thuộc, trong 8 thế kỷ độc lập dưới chế độ phong kiến chúng ta chỉ có kẻ sĩ chớ không có trí thức. Khác với trí thức, kẻ sĩ được đào tạo để làm quan, để phục vụ cho vua, để củng cố chế độ chớ không phải để thay đổi xã hội.
Sau khi dành được độc lập từ người Pháp, miền Bắc sống với chế độ CS, miền Nam được được hưởng không khí tương đối tự do dân chủ trong 21 năm, rồi cũng phải chịu số phận giống như miền Bắc từ 1975 đến nay.
Dưới chế độ CS, người trí thức không có đất sống. Ở bất cứ nơi nào, khi chiếm được chính quyền, việc đầu tiên của người CS là tiêu diệt thành phần trí thức. Họ chỉ muốn mọi người phục tùng chớ không muốn có những phần tử “chệt hướng”, những tư tưởng phản biện, những ý kiến, những phê bình…
Lênin gọi trí thức là cứt (2), còn Mao Trạch Đông xem trí thức thua cả cục phân…
Trong bài “Thế nào là trí thức” nhà văn Nguyễn Nghĩa có nhận xét thật mỉa mai: “Mà không chỉ bác Mao (không bao giờ sai, do bác Hồ nói thế) hầu như quá trình xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở mọi quốc gia, cái gọi là đội ngũ TRÍ THỨC không được phép tồn tại, bởi đã có đảng độc quyền lãnh đạo. Bao giờ chủ nghĩa Mác-Lê còn là kim chỉ nam, còn là duy nhất đúng thì đảng có bao giờ sai mà cần đến Trí thức”.
Không khác Liên Sô và Trung Quốc, ngay từ đầu đảng CSVN đã chủ trương tiêu diệt trí thức. Khẩu hiệu của Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930, 31 do đảng CS lãnh đạo là: “Trí, phú, địa, hào - Đào tận gốc trốc tận rễ”
Ngày nay hoàn cảnh không cho phép CS “đào tận gốc” tầng lớp trí thức như xưa, nhưng chủ trương của họ vẫn không thay đổi - vẫn bạc đãi, hành hạ, đàn áp, bỏ tù những trí thức không tuân phục.
Trong hòan cảnh như thế, người trí thức chỉ có 3 chọn lựa: một là im lặng nhẫn nhục, hai là cúi đầu chấp nhận làm công cụ cho chế độ như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu.... ba là chấp nhận bị bạc đãi, tù đày, nghèo đói để giữ tư cách trí thức như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hữu Loan, Thụy An, Nguyễn Chí Thiện ….
Nhà thơ Nguyễn Tuân trong những năm cuối đời nhìn nhận: “Tôi còn sống đến ngày nay bởi vì tôi biết sợ”.
Giáo sư Phan Đình Diệu, một người suốt đời sống dưới chế độ CS nhận xét về “trí thức” VN như sau: “Trái ngược với nền giáo dục thời Pháp, chế độ xã hội chủ nghĩa đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư… và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế. Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội. Đảng nghĩ hộ cho mọi người.”
Để làm người trí thức đúng nghĩa trong xã hội VN ngày nay là cả một sự hy sinh, phải chấp nhận mọi thiệt thòi thòi về vật chất lẫn tinh thần. Họ không những bị tước đoạt cơ hội nghề nghiệp mà còn phải chịu liên tục những sự khủng bố tinh thần. Cho nên chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi thấy đại đa số thành phần có học trong nước hiện nay chỉ lo bản thân và rất thờ ơ đối với vận mệnh đất nước.
Lời phát biểu của Gs Ngô Bảo Châu “trí thức là người lao động trí óc… giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội” phù hợp với quan điểm của người CS. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Đảng CSVN định nghĩa trí thức như sau: trí thức là “những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”. Trong đó không đòi hỏi người trí thức phải có tinh thần phê phán, phải bênh vực cho công bằng và lẽ phải.
Gs Châu vô hình chung tạo thêm cơ hội cho giới trí thức tiếp tục thờ ơ trước vận mệnh của đất nước như nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Lập trong nước: “Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kỹ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính”.
Một ý kiến khác, trong bài “Bàn về hai chữ trí thức”, tác giả Kami viết: “Nói như vậy để mọi người nhớ môi trường của xã hội Việt Nam là một thể chế độc tài toàn trị, trí thức dám phản biện hay dấn thân theo lý luận của mấy ông thì chỉ tìm thấy ở trong nhà tù. Các vị như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Phạm Minh Hoàng, v.v…, cũng chỉ vì hiểu theo quan niệm thực tế phương tây hay sách vở rồi cứ thế mà áp dụng ở môi trường Việt nam và nghĩ là mình đang làm đúng theo luật pháp, hiến pháp quy định và cho phép. Mà các vị đó quên ở Việt Nam, chính quyền họ thích bắt bỏ tù ai là họ bắt, làm gì có luật pháp, nói năng trái ý chính quyền là có quyền ghép vào tội danh của điều 79 và 88 Bộ luật Hình sự.”
Nói như thế là đánh giá thấp những người đang tranh đấu tự do và dân chủ tại Việt Nam. Những người đó đều là những người có trình độ, có hiểu biết, họ biết rõ công việc mình đang làm và biết rõ những nguy hiểm đang chờ đợi. Họ làm chắc chắn không phải vì sự xúi giục của người khác mà chỉ lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của người trí thức. Họ đang chịu nhiều hy sinh, nhưng tất cả những hy sinh của họ không phải vô ích. Ngày nào còn có những con người như Nguyễn Đan Quế, Cù Huy Hà Vũ, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Phạm Minh Hoàng... ngày đó chúng ta vẫn còn có hy vọng là dân tộc VN sẽ có một ngày được sống đúng với nhân phẩm con người.
Thử hỏi nếu không có những người chấp nhận hy sinh như thế thì ai sẽ làm đây? không lẽ ngồi chờ cho đến khi nào chế độ CS tự động tan rã. Điều đó chắc chắn không thể xảy ra. Những chế độ độc tài chỉ chấp nhận từ bỏ quyền lực khi không còn một chọn lựa nào khác.
Nếu bà Aung San Suu Kyi không chấp nhận hy sinh bị quản thúc tại gia trong 11 năm thì chắc chắn đất nước Miến Điện sẽ không có được ngày như hôm nay. Nếu Nelson Mandela không chấp nhận ngồi tù trong 28 năm thì người da đen Nam Phi vẫn chưa có quyền bình đẳng với người da trắng như hôm nay.
Những nhà tư tưởng như Descartes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau... suy nghĩ ra những khái niệm về tự do, dân chủ..., nhưng nếu không có những nhà trí thức chấp nhận nguy hiểm để khuấy động lên cuộc Cách Mạng Pháp và Cách Mạng Mỹ thì thế giới sẽ không được hưởng được những giá trị tinh thần như hôm nay.
Vụ án Cù Huy Hà Vũ bất công không thua gì vụ án Dreyfus. Và nếu trong hàng ngũ trí thức VN có những người cam đảm như nhà văn Emile Zola cùng với 1500 chữ ký của những nhà trí thức khác - viết thành “Bản Kiến Nghị của những nhà Trí Thức” tương tự như “Manifeste Des Intellectuels” 114 năm trước - để đòi lại công lý cho Cù Huy Hà Vũ - thì chắn chắn chính quyền CS không dám coi thường trí thức như ngày hôm nay.
Đất nước ta chỉ có những con người trí thức chớ không có tầng lớp trí thức.
Những con người trí thức này là do nỗ lực cá nhân chớ không phải do truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa Việt Nam dạy người ta học để làm quan, để vinh thân phù gia, để làm tôi tớ cho chế độ, chớ không phải học để làm một người trí thức có trách nhiệm với xã hội. Đúng như lời của Cụ Trần Trọng Kim trong buổi trà đàm với môn đệ: “Đất nước ta nhan nhãn những nhà khoa bảng còn trí thức thì chỉ lác đác như lá mùa thu.”
Vì hiểu được tâm lý “học để làm quan, để kiếm danh lợi”, cho nên từ thời phong kiến, đến thời Pháp thuộc cho đến thời Cộng Sản đều sử dụng “trí thức” để làm tôi tớ củng cố chế độ và họ luôn luôn thành công.
Những cuộc cách mạng thật sự xảy ra trong lịch sử VN đều do những nông dân áo vải lãnh đạo như Lê Lợi, Nguyễn Huệ… chớ không do thành phần trí thức và trong những nguyên nhân đưa đến sự thất bại của những phong trào yêu nước của người VN như Phong Trào Cần Vương, Phong Trào Văn Thân... đều có hình bóng của những tên "trí thức" Việt gian phản quốc.
Và ngày nay tại VN, những cuộc xuống đường như phong trào Dân Oan Khiếu Kiện, Hoàng Sa Trường Sa… thử xem có được bao nhiêu người trí thức tham dự? Trí thức trùm chăn ngủ kỹ lúc sơn hà nguy biến, nhưng khi thời cơ tới thì trí thức sẽ xuất đầu lộ diện khắp nơi, từ quốc nội ra tới hải ngoại.
Tại sao VN không có tầng lớp trí thức?
Bởi vì từ suốt dòng lịch sử người VN chỉ làm dân chớ chưa bao giờ được làm Quốc Dân. Chúng ta chỉ là những nô lệ cho chế độ cầm quyền, chứ chúng ta chưa bao giờ được làm chủ đất nước. Ngày xưa Vua coi dân như con, đất nước là tài sản của vua, vua muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết, sang đến thời Cộng Sản chỉ khác là họ mị dân giỏi hơn “đất nước là của nhân dân nhưng nhà nước quản lý”. Ngay cả thời Việt Nam Cộng Hòa, mặc dầu theo thể chế dân chủ nhưng những nhà lãnh đạo Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa đều có tham vọng trở thành những nhà độc tài, vẫn không thể thoát khỏi não trạng “vua tôi”.
Quốc Dân là nền tảng của thể chế dân chủ, không có quốc dân sẽ không có dân chủ. Chính vì nhìn thấy được tầm quan trọng đó cho nên hơn 2000 năm trước, các nhà tư tưởng Hy Lạp như Socrates, Plato, Aristotle… đều đã nói tới quan điểm dân chủ. Cũng vì thế mà Triết gia Socrates phải trả giá bằng sinh mạng của mình.
Trong những nhà tư tưởng lớn của Tây Phương sau này, René Descartes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau, thể có nói là ba nhà tư tưởng có công đóng góp rất lớn tạo nền tảng cho thể chế dân chủ tương đối hoàn hảo như ngày nay, đều đặt nặng vai trò của quốc dân, đặc biệt là tác phẩm “Khế ước xã hội” (The Social Contract) của Jean-Jacques Rousseau, trong đó ông bàn sâu về mối quan hệ giữa dân và chính quyền, ông chủ trương rằng nếu muốn có một xã hội tốt đẹp thì trước hết giữa người lãnh đạo và người dân phải hoàn toàn bình đẳng. Người lãnh đạo là những người được dân bầu lên và thay mặt cho dân để làm những điều mà dân muốn, cho nên. Mối quan hệ giữa dân và lãnh đạo phải được xem như một hợp đồng, một khế ước, chớ không phải là quan hệ có tính cách áp đặt.
Ngày nay khi nói về cách mạng Minh Trị Duy Tân người ta thường nghĩ là người Nhật học khoa học kỹ thuật của Tây Phương. Thật sự không phải như thế, học hỏi khoa học kỹ thuật chỉ mặt nổi, chủ yếu là người Nhật học hỏi những tinh hoa tư tưởng của người Tây Phương. Vào thời đó họ có cả một tầng lớp trí thức nhiệt tình yêu nước, có những nhà tư tưởng lớn như Nishi Amane, Tsuda Mamichi, Nakamura Masado, Katô Hiroyuki, Mitsukuri Shuhei, Sugi Kôji, Mitsukuri Rinsho, Nishimura Shigeki…trong đó có hai người nổi bật nhất, đó là Fukuzawa Yukichi - được xem là linh hồn của cuộc cách mạng, và Nakeo Chômin được xem là Jean-Jacques Rousseau của phương Đông. Tất cả trí thức của Nhật thời đó lúc đầu chỉ làm một việc duy nhất – đó là dịch tất cả những tác phẩm tư tưởng quan trọng của Tây phương sang tiếng Nhật và giải thích cho người Nhật hiểu được những quan niệm về tự do dân chủ, luật pháp, kinh tế, xã hội và sự bình đẳng của con người. Trong tác phẩm “Khuyến học” ông Fukuzawa dành ra cả một chương để viết một đề tài “Đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật chớ không có quốc dân Nhật”, sau đó ông viết cả một quyển sách với tựa đề “Dân Quyền” để giải thích cho người Nhật hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của một công dân, để sống đúng nghĩa như một quốc dân.
Nhìn lại đất nước chúng ta, cho đến ngày nay vẫn chưa một học giả nào viết về đề tài “Quốc dân” giống như người Nhật đã làm từ hơn 150 năm trước đây. Cho nên không quá đáng khi nói rằng cho đến nay chúng ta vẫn là một dân tộc nô lệ, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền vẫn là quan hệ xin-cho, chớ không phải là một quan hệ bình đẳng.
Chính vì thế không thể đòi hỏi chúng ta có tầng lớp trí thức. Trước khi làm người “trí thức” họ là những công dân, mà chưa làm được một quốc dân thì làm sao có thể làm một trí thức.
Nhưng sẽ không công bằng nếu như chúng ta đổ mọi tội lỗi cho người CS. Về vấn đề trí thức, người CS chỉ làm cho giá trị của người “trí thức” thấp hơn chớ họ không phải hoàn toàn đánh mất tư cách của người trí thức. Trách nhiệm chính là văn hóa của chúng ta, văn hóa nào sinh ra con người đó, văn hóa không lành mạnh sẽ sinh ra những con người không lành mạnh và tầng lớp lãnh đạo bất xứng.
Nếu nói là lỗi hoàn toàn của người CS, thì người trí thức Việt Nam tại hải ngoại phải tốt hơn nhiều so với trong nước – môi trường ở hải ngoại như Úc, Mỹ, Pháp, Canada (nơi tập trung đa số người Việt) đều là những môi trường quá tốt để phát triển nhân cách trí thức. Nhưng thực tế không phải như thế! Tại đây người "trí thức" Việt Nam không có điều kiện để tham nhũng, hiếp đáp người, gian lận của công … như ở trong nước nhưng vẫn mang tất cả những tật nguyền cố hữu của mấy ngàn năm nay.
Có thể nói không có một cộng đồng sắc tộc nào chia rẽ như cộng đồng VN. Người Việt tại hải ngoại chưa bao giờ có thể ngồi lại để làm những chuyện lớn. Không phải chỉ có các tổ chức chính trị chia rẽ mà cả các hội ái hữu, từ thiện, cao niên… cũng chia rẽ. Có hội không phải chỉ chia đôi mà chia ba.. thôi hết ý. Nguyên nhân chia rẽ là vì thành phần lãnh đạo, mà lãnh đạo hầu hết là người có ăn học, có bằng cấp. Kinh nghiệm cho thấy hội nào càng có nhiều "trí thức" thì càng chia rẽ và càng có nguy cơ đổ vỡ. Tệ hại hơn nữa là chúng ta chia rẽ không phải vì những bất đồng quan điểm mà hầu hết đều là vì những quyền lợi rất nhỏ, những hiềm khích cá nhân và những hư danh.
Cho nên, không có gì quá đáng khi ông Nguyễn Gia Kiểng trong bài viết “Khẩn cấp làm người?”có nhận xét như sao về trí thức VN: “Đó là do một di sản văn hóa. Hãy thử tưởng tượng nếu được nghe kể chuyện một người suốt đời chỉ mơ ước được làm tay sai không điều kiện cho một ông chủ, để rồi lúc nào cũng sợ sệt vì có thể bị mắng chửi, đánh đập, thậm chí bị giết vì bất cứ lý do gì, và cho rằng sống như thế là vinh quang. Chúng ta sẽ nghĩ gì? Chắc chắn là chúng ta sẽ kinh hoàng không thể tin có thể có những người mắc bệnh tâm thần nặng đến như thế. Nhưng đó chính là nhân sinh quan của ông cha chúng ta. Các khai quốc công thần, anh hùng hào kiệt mà chúng ta tôn thờ đều như thế cả. Trí thức Việt Nam đã tôn sùng mẫu người đó trong cả ngàn năm mà không thấy có gì bất ổn. Trí thức Việt Nam vẫn còn không bình thường. Họ vẫn còn coi làm chính trị là để làm quan chứ không phải để thay đổi xã hội. Trí thức Việt Nam không phải là trí thức tranh đấu mà là trí thức phục vụ, và trong sự phục vụ cúi đầu đó họ đã bỏ mất một phần đáng kể tâm hồn”.
Trí thức Việt Nam ngày nay là hậu thân của giai cấp "sĩ" ngày xưa. Ngay từ nhỏ chúng ta đã được dạy từ nhà trường, từ những di tích, câu chuyện lịch sử, từ những vở tuồng kịch nghệ, từ những câu chuyện kể, từ những lời khuyên của ông bà cha mẹ… tất cả những cái đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt chúng ta:
“Kiệu anh đi trước võng nàng theo sau”hay
“Nữa mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kìa đề tên anh!”hay
“Con ơi! muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”
Con gái thời nay không còn “Gái thì giữ việc trong nhà” và trai không còn “Trai thì đọc sách ngâm thơ” nhưng chân lý sau cùng vẫn không thay đổi “Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa... Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”.
Ngày nay trong nước người ta khoe nhau nhà sang cửa rộng, ông tiến sĩ này, bà bác sĩ nọ, có con đang đi du học xứ này xứ kia, còn ở hải ngoại gặp nhau chỉ khoe thành tích của con, ngoại trừ những người như người viết không khoe được vì con mình thường quá. Rất hiếm khi thấy người Việt tự hào là con cái mình đang có "job" vài trăm ngàn đô dám bỏ để đi làm chuyện cứu nước hay qua một xứ nghèo đói nào đó bên Phi Châu làm từ thiện toàn thời hay làm một việc gì đó có ý nghĩa cho đời.
Từ bỏ một tập quán đã được truyền từ đời này sang đời, đã ăn sâu vào trong xương trong tủy là một chuyện khó khăn vô cùng. Huống chi dân tộc chúng ta không xem đó là một điều cần thay đổi.
Là một người làm nghề báo gần 10 năm, có cơ hội tìm hiểu tiếp xúc nhiều với “trí thức” Việt Nam và cũng có dịp nhìn sâu vào con người chính mình, người viết có nhận xét dưới đây có thể làm phật lòng một số người...
Trí thức Việt Nam, ngoài đặc tính háo danh đã được nói tới khá nhiều, từ thời của cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, còn có ba đặc tính tiêu biểu khác: Thiếu tinh thần độc lập, Xu thời và Hèn.
Nhìn lại lịch sử VN trong 200 năm qua chúng ta sẽ thấy rõ là xưa nay mọi quyết định sống còn của đất nước đều phải dựa vào ngoại bang, chúng ta chưa bao giờ dám tự quyết định số phận của mình. Trong đời sống hằng ngày vì thiếu tinh thần độc lập cho nên phải dựa vào người khác, phải chịu ơn, phải luồn cuối… lâu ngày trở thành thói quen, có cơ hội là bắt nạt kẻ dưới và sẵn sàng nịnh bợ cấp trên.
Trong những lúc khó khăn, sơn hà nguy biến, hay những nghịch cảnh có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cá nhân thì trí thức trùm chăn thật kỹ, nhưng khi thời cơ đến đến thì có mặt khắp nơi. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này một khi chế độ CS sắp sụp đổ. Trí thức VN luôn luôn làm đúng theo lời dạy của Khổng Tử: “Khi nước nguy thì đừng tới, nước loạn thì đừng ở, nước có đạo thì ta ra làm quan, nước vô đạo thì ở ẩn."(3). Mấy ngàn năm qua, triết lý sống của trí thức VN vẫn không thay đổi, lúc thuận lợi thì tìm cách ra làm quan, lúc nguy biến thì tìm cách ở ẩn và luôn luôn xem đó là một thái độ khôn ngoan. Trí thức VN không phải là típ người dám đứng "đầu sóng ngọn gió" để đương đầu với thử thách. Trí thức VN thà chấp nhận hèn nhưng không chấp nhận những gì ảnh hưởng tới an toàn và hạnh phúc cá nhân. Thậm chí tôi đã từng gặp những trí thức bằng cấp đầy mình lợi dụng cả người đang gặp nạn để kiếm lợi và họ không xem đó là điều đáng để xấu hổ.
Cho nên đừng hỏi là tại sao “trí thức” tại Việt Nam không tham dự tranh đấu cho quyền làm người, hay bênh vực công lý cho những người dân thấp cổ bé miệng. Ngay tại môi trường hải ngoại này, nếu có chuyện oan uất, bất công cần người để bênh vực giống như trường hợp của Đại úy Alfred Dreyfus, lúc đó quý vị sẽ thấm thía “sĩ khí” của "trí thức" VN. "Trí thức" bằng cấp càng cao thì càng xa lánh những chuyện không dính dáng tới mình. Những lúc đó chỉ có những người dân bình thường mới dám đứng ra bênh vực cho công lý.
Trở lại những lời phát biểu của Gs Ngô Bảo Châu - đó là chuyện bình thường đối với VN, không có gì đáng để làm ầm ỉ, có nhiều trí thức VN nổi tiếng hơn cả ông, cũng chọn cùng thái độ tương tự - chỉ tuyên bố những điều vô thưởng vô phạt – không đụng chạm đến ai miễn là được yên thân.
Một điều đáng nói nữa là đối với đại đa số người VN, bất kể ông Châu làm điều gì, nói điều gì thì ông ta vẫn đương nhiên được công nhận là người "trí thức" chỉ vì ông có bằng tiến sĩ và được giải thưởng Fields.
Điều đó xuất phát từ mặc cảm nhược tiểu, tâm lý thiếu tự tin của một dân tộc xưa nay sống trên một đất nước nghèo khổ, không có gì nổi bật để góp mặt với đời. Bây giờ có người VN được giải thưởng mặc dầu chỉ có 15,000 Mỹ kim, nhưng xem đó như là cái gì ghê gớm lắm, vĩ đại lắm. Mỗi giải Nobel trị giá trên 1 triệu Mỹ kim nhưng đâu có ai làm ầm ĩ như thế.
Đó chính là cái bất hạnh nhất của đất nước chúng ta.
Trí thức Việt Nam ơi, hãy tỉnh dậy, các ông đã ngủ hàng mấy thế kỷ rồi!
Phạm Hoài Nam
(Sydney)Ghi chú:
(1) Bàn về hai chữ trí thức - Kami
(2) Nguyên văn câu viết trong thư của Lenin gửi Maxim Gorki ngày 15 tháng 9 năm 1919: “Lực lượng trí tuệ của công nhân và nông dân ngày càng lớn lên và củng cố trong cuộc đấu tranh để lật đổ giai cấp tư sản và bọn tay sai của chúng, bọn trí thức, bọn tôi tớ của tư bản tưởng mình là trí não của quốc gia. Thực ra đó không phải là trí não, mà là cứt”.
(3) Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến, thiên hạ vô đạo tắc ẩn.
-Trí thức và dân chủ: On Intellectuals and Democracy (New York Review of Books 22-5-12) -- Bài rất hay ($$$THD) của Tony Judt, một trí thức thật sự.
“ ...Trí thức Việt Nam, ngoài đặc tính háo danh còn có ba đặc tính tiêu biểu khác: Thiếu tinh thần độc lập, xu thời và hèn...”Biến cố Đoàn Văn Vươn đã làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước cả tháng nay. Chưa có một biến cố nào được báo chí và người dân chú ý đến nhiều như vụ này. Nói như nhà báo Ngô Nhân Dụng phải gọi đó là một biến cố vì nó không những cho thấy cái bất công của xã hội Việt Nam ngày nay mà còn nói lên nỗi khốn khổ tận cùng của người nông dân sống dưới một chế độ nhân danh là đại diện cho giai cấp công nông.
Lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam, một nông dân thấp cổ bé miệng đã không sợ chết chống lại cả một lực lượng công an, bộ đội được võ trang đầy mình.
Được biết vào sáng sớm ngày 5 tháng 1 vừa qua, hơn 100 công an, bộ đội đã tiến hành cưỡng chiếm hơn 50 hecta đất nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái của ông Đoàn Văn Vươn, một cựu chiến binh và là một kỹ sư, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng.
Ông Vươn đã biến vùng đất hoang vu trở thành một khu đất mầu mỡ và khi khu đất này trở thành đất vàng đất bạc, chủ tịch huyện Tiên Lãng là Lê Văn Hiền và anh ruột là Lê Văn Liêm, Chủ tịch xã Vinh Quang, cùng với đàn em đã bày mưu lập kế cưỡng chiếm đất đai của ông Vươn với lý do là đất của ông đã hết hạn thuê: “Cũng như người dân vay tiền ngân hàng, khi đến hạn thì phải trả và muốn vay tiếp phải làm các thủ tục vay” [lời phát biểu của ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng].
Một người ngây thơ nhất ở Việt Nam hiện nay cũng hiểu được mục đích của việc “thu hồi đất đai” này.
Bị dồn vào đường cùng, cho nên khi bị lực lượng công an/bộ đội tấn công, gia đình ông Vươn đã chống trả lại quyết liệt bằng một quả bom tự chế và hai khẩu súng bắn chim, gây thương tích nặng cho 6 công an/bộ đội trong đó có một thượng tá chỉ huy. Ông Đoàn Văn Vươn đang bị giam giữ chờ ngày tòa xét xử.
Sau biến cố này nhà báo Hoàng Linh và Lê Tự đến tận nơi làm phóng sự tìm hiểu sự thật, họ gặp một người đàn ông sống gần nhà ông Vươn và ông cụ này đã nói với họ: “Chúng tôi sợ lắm!, “Họ” sẵn sàng trả thù bất cứ ai dám nói lên sự thật”. Bà cụ Chanh ngoài 80 tuổi uất ức, nghẹn ngào: “Các nhà báo, luật sư giúp dân chúng tôi với! Người có công lớn với chúng tôi như ông Vươn mà còn bị họ đối xử như vậy thì thật là... Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này, thật ác, ai lại đi phá, san bằng cả nhà ở của người ta như thế...”.
Tại sao gia đình ông Vươn có những hành động táo bạo như thế?
Để có 50 hecta đất này gia đình ông Vươn phải mất đến 20 năm khổ cực, đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt, “suốt 5 năm trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya, biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài hai cây số”. Cũng nơi đây, anh Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì cha mẹ mải lo làm việc không cứu được đứa con gái bị nước cuốn trôi. Nhà văn Phạm Đình Trọng chia sẻ hoàn cảnh của ông Vươn như sau: “Mảnh đất lấn biển của người kỹ sư nông nghiệp Ðoàn Văn Vươn không phải chỉ là mảnh đất mồ hôi, xương máu mà còn là mảnh đất của sự nghiệp cuộc đời, của ý chí nam nhi. Mảnh đất của sự nghiệp cuộc đời bị mất trắng là ý chí nam nhi bị đánh bại. Ý chí nam nhi đã thắng cả trời, thắng cả sức mạnh hoang dã của bão biển mà phải thua cái lệnh hành chính ngang trái của hai anh em ruột nhà quan. Phía sau ông anh quan đầu huyện ký quyết định thu hồi đất thấp thoáng bóng ông em quan đầu xã, nơi có bãi đất lấn biển của kỹ sư Ðoàn Văn Vươn bị thu hồi.”
Ông Vươn thắng cả Trời và thắng cả thiên nhiên... nhưng lại thua trước bạo quyền. Tại sao có một nghịch lý như thế? Và nghịch lý này có lẽ chỉ xảy ra tại Việt Nam! Một dân tộc luôn luôn tin “ông Trời có mắt”, nhưng sao ông Trời không trừng phạt kẻ ác và bênh vực người hiền lương!!.
Biến cố Tiên Lãng đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ của người dân trên cả nước, chưa bao giờ báo chí trong nước lên tiếng nhiều và táo bạo như lần này. Ngoài tờ Nhân Dân, tất cả những tờ báo lớn khác đều mạnh dạn tố cáo các quan chức chính quyền thành phố Hải Phòng đã trắng trợn chiếm đoạt đất đai của dân. Trong bài “Vì sao lại vu oan cho nhân dân” trên tờ Dân Trí, tác giả Bùi Hoàng Tám đã gọi lời phát biểu của ông phó chủ tịch Thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại ‘phá nhà anh Vươn là do người dân bức xúc!’ là một hành động ‘vô liêm sỉ , … sự tráo trở đã không còn giới hạn’ . Về mặt chính quyền, chưa có một biến cố nào mà các quan chức có trách nhiệm lại tuyên bố bất nhất như biến cố này, chứng tỏ là họ vô cùng bối rối. Trong khi Đại tá Đỗ Hữu Ca giám đốc Công an Hải Phòng kết tội giết người đối với ông Vươn thì cựu Đại Tá An ninh Đinh Đình Phú, lại đề nghị: “Cần phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và ông Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Hành vi của các ông này là đã lợi dụng chức quyền huy động lực lượng chà đạp lợi ích của công dân, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nói về sự bối rối này, giáo sư Tương Lai trong bài “Nhìn từ Tiên Lãng, Ngẫm về thân phận công dân” đã viết như sau: “Cho đến giờ phút này xem ra cách xử lý tình huống của các cấp có trách nhiệm ở Hải Phòng vẫn tỏ ra “rối” và “loạn”. “Loạn” là loạn thông tin từ các cấp có thẩm quyền vốn được gọi là người “cầm cân nảy mực”. Mà “loạn” thông tin là vì “rối” như gà mắc tóc trong cách giải thích và xử lý tình huống. “Rối” từ các cấp có thẩm quyền từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng, đến Chủ tịch Huyện Tiên Lãng và Chủ tịch xã Vinh Quang.!”
Nhìn thấy được tầm vóc quan trọng của biến cố này, Bộ Chính Trị Trung Ương đảng CSVN đang tìm cách chạy tội. Lê Đức Anh - chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997 nói: “Có thể khẳng định đây là một chủ trương sai từ huyện đến xã”. Và còn nhiều quan chức khác cũng tuyên bố tương tự. Tin mới nhất cho biết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ này. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, người trực tiếp lãnh đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, vừa bị đình chỉ chức vụ để kiểm điểm cá nhân.
Vấn đề coi như “hạ hồi phân giải” nhưng ai cũng có thể đoán trước kết quả. Cuối cùng tất cả cũng sẽ giống như kết cuộc của các biến cố Thái Bình, PM 18, Vinashin, Dân Oan Khiếu Kiện... chỉ có cấp dưới làm sai và vài quan chức nhỏ như Lê Văn Liêm, Lê Văn Hiền Nguyễn Văn Khanh... sẽ làm vật tế thần để xoa dịu uất hận của người dân.
Trong bài “Đừng lo cho Thái Nguyên”, nhà văn Phạm Thị Hoài đã kết bài viết như sau:
“Vài tuần nữa, khi một số quan chức cấp xã, huyện ở Hải Phòng có thể đã bị cách chức hay xử lý kỷ luật Đảng, ông Đoàn Văn Vươn và gia đình đã bị tuyên án đúng người đúng tội giết người, báo Nhân dân sẽ có phóng sự khép hồ sơ và định hướng dư luận. Một vài blogger nào đó sẽ tiếp tục dự báo Cách mạng Hoa Cải từ tiếng súng Tiên Lãng, nhưng phương Nam sẽ lại hoàn toàn yên tĩnh”.
Đọc qua sao thấy thật xót xa cho số phận của đất nước Việt Nam, nhưng đó có thể là một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận.
Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng biến cố ở Tiên Lãng có thể làm ngòi nổ cho những biến cố khác, từ đó sẽ tạo ra một ngả rẽ trong lịch sử của dân tộc cũng giống như chàng thanh niên Mohammed Bouazizi đã châm ngòi cho cuộc cách mạng tại Tunisia vào cuối năm 2010.
Nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan để rồi sẽ thất vọng như những lần trước.
Người Cộng Sản rất tồi trong việc quản lý kinh tế và hoàn toàn bất lực trong việc mang lại hạnh phúc cho người dân, nhưng họ là bậc thầy trong việc duy trì quyền lực. Họ biết lúc nào phải đàn áp, khủng bố tinh thần và lúc nào phải “xì hơi”. Họ có trăm mưu ngàn kế để chia rẽ những người chống đối chế độ và quan trọng hơn hết là trong hơn nửa thế kỷ qua họ đã thành công trong việc làm tê liệt tinh thần phản kháng của người dân, đặc biệt là giai cấp “trí trức”. Tệ hại hơn nữa là trong nhiều tội ác của chính quyền cộng sản có cả sự tiếp tay của thành phần “trí thức”.
Người dân trong nước đã mất hết tin tưởng vào chính quyền từ lâu rồi, nhưng họ cũng không còn ai để tin tưởng. Giai cấp “trí thức” ư? Có được bao nhiêu người trí thức dám xả thân tranh đấu đòi công lý cho những người dân thấp cổ bé miệng như gia đình của ông Đoàn Văn Vươn? Nếu có, những áp lực tinh thần hay một chút bổng lộc của chính quyền dễ làm thay đổi lòng người. Nói như thế không phải để đòi hỏi trách nhiệm của người trí thức trong nước - những người phải gánh chịu những nguy hiểm cá nhân và gia đình nếu muốn làm đúng thiên chức kẻ sĩ- mà để thấy hiện tình của đất nước chúng ta hôm nay, đó là: mối liên hệ và niềm tin giữa người dân và trí thức không còn nữa. Những hiệp sĩ như Lục Vân Tiên “giữa đường trông thấy bất bình chẳng tha…” chỉ còn là chuyện hoang đường hay nói như nhạc sĩ Tô Hải trong bài “Xin thôi đi các vị trí thức khả kính của tôi!”: “Cái nước Việt Nam này nó chẳng giống ai, nên trí thức nước mình nó lại càng chẳng giống ai cả trên cái hành tinh trái đất này! Phân biệt thế nào là trí thức “dấn thân” với nhau đã khó huống hồ so sánh họ với bọn trí thức “kệ mẹ sự đời”, “việc tao, tao làm, chẳng hơi đâu mà dính vào những chuyện không phải của tao!”.
Ngay cả "trí thức" tại hải ngoại, một môi trường hết sức thuận lợi, nhưng có được mấy "trí thức" lúc cần thiết sẽ không sợ hãi để bênh vực cho lẽ phải.
Dĩ nhiên không ai có quyền đòi hỏi gì ở người trí thức - đó là chọn lựa của mỗi cá nhân, nhưng những người dân thấp cổ bé miệng có quyền đòi hỏi tầng lớp “trí thức” - là thành phần đang được hưởng bổng lộc, quyền lợi và danh vọng nhờ cơ chế hiện nay, nếu không bênh vực được cho họ, thì nên chọn lựa thái độ im lặng, trùm chăn, chớ đừng nên tiếp sức cho bạo quyền có thêm phương tiện đàn áp những người dân không có gì để tự vệ.
Những trường hợp phản kháng như ông Vươn chắc chắn sẽ còn xảy ra rất nhiều ở VN trong tương lai, nhưng có thể tạo ra một cuộc cách mạng như ở Tunisia, Ai Cập, Libya hay không - lại là một vấn đề khác.
Trường hợp cướp đất của gia đình ông Vươn chỉ là một trong hàng trăm ngàn vụ chiếm đoạt mà đảng CSVN đã làm trên khắp mọi miền đất nước từ năm 1954 cho đến nay. Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất đã có biết bao người bị đấu tố đến chết chỉ vì sở hữu một miếng đất dù thật nhỏ. Trong những năm gần đây Phong Trào Dân Oan khiếu kiện lan tràn cả nước, có nhiều nông dân sinh sống tại những nơi xa xôi của vùng đồng bằng sông Cửu Long bị các quan chức địa phương chiếm đoạt ruộng đất - đã kéo nhau ra tận Hà Nội biểu tình bày tỏ nỗi uất hận và đòi hỏi chính quyền trung ương thực thi công lý, nhưng cuối cùng kiệt lực, hết tiền, phần bị công an liên tục đàn áp - họ phải “ngậm đắng nuốt cay” trở về quê cũ tiếp tục làm thân phận khốn cùng.
Họ khổ đến độ không còn có thể khổ hơn. Kêu Trời - Trời ở xa quá không nghe, khiếu kiện đến Trung Ương - Trung Ương ngoảnh mặt, cầu cứu Trí Thức - Trí Thức làm ngơ, cuối cùng họ chỉ còn một hy vọng duy nhất là mong cho những đứa con gái của họ được gả cho một gã đàn ông Nam Hàn, Đài Loan... dù là đuôi mù què quặt - để thoát ra được cái số phận khốn khổ tận cùng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gọi những nông dân khốn cùng như gia đình ông Đoàn Văn Vươn là những “chị Dậu, anh Pha của thời hiện đại”. Tôi nghĩ rằng cách gọi này chưa chính xác cho lắm, bởi vì những “chị Dậu, anh Pha” của thời thực dân Pháp còn được những nhà văn như Ngô Tắt Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... và vô số những nhà trí thức thời đó.... lên tiếng thế cho họ, còn những “chị Dậu, anh Pha” thời nay hoàn toàn cô đơn trước những bất công mà họ phải gánh chịu.
Nếu trước đây có những “Giông Tố”, “Số đỏ”, những “Bước đường cùng”, những “Tắt Đèn” ... thì ngày nay chỉ có những “bia mộ sang trọng cắm lên một sự nghiệp văn chương đã đến hồi kết thúc” (Nguyễn Khải).
Cho nên phải gọi những “chị Dậu, anh Pha” ngày nay là những “nô lệ của thời đại”, họ không được bất cứ ai bênh vực, không những bị tước đoạt quyền sống của con người mà còn bị tước đoạt luôn cả quyền bảo đảm sở hữu tài sản, dù tài sản đó có khi chỉ là một mảnh ruộng vườn rất nhỏ.
Trách nhiệm của người trí thức đối với xã hội
Khi xảy ra những biến cố ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ thì chính quyền CSVN luôn luôn tìm cách hay trông chờ một biến cố khác xảy ra để đánh lạc hướng dư luận và lần này cũng không ngoại lệ.
Sau biến cố Đoàn Văn Vươn, thay vì giới trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước nên tập trung lại tranh đấu đòi công lý cho nạn nhân, nhưng thật đáng tiếc ngay sau đó đã xảy ra một cuộc tranh luận trên các diễn đàn internet giữa hai quan điểm về vai trò của trí thức.
Cuộc tranh luận này phát xuất sau lời phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ ngày 20 tháng 1 vừa rồi(1).
Trong bài phỏng vấn này, khi được hỏi: “Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?”
Gs Châu trả lời: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”.
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội sẽ chết lâm sàng.”
Qua câu trả lời của Gs Châu có thể tóm tắt: Giá trị của trí thức không có liên quan đến vai trò phản biện xã hội.
Ngay sau cuộc phỏng vấn đã tạo ra một tranh luận giữa hai quan điểm: đồng ý và không đồng ý với quan điểm trên của Gs Châu.
Người đồng ý với Gs Châu cũng nhiều và người không đồng ý cũng không phải ít.
Trong số những người đồng ý với lời phát biểu của Gs Châu, có người cho rằng sở dĩ có một số người phản bác quan điểm của Gs Châu chỉ vì ghen tị hay vì mặc cảm, chẳng hạn như bài “Bàn về hai chữ trí thức”(1) của tác giả Kami viết từ Hà Nội trên diễn đàn RFA: “Ngoài ra tôi nghĩ còn có nhiều vị cũng cố tình bám vào cái vụ scandal này để lên tiếng với tham vọng là tự nâng mình lên ngang tầm với GS. Ngô Bảo Châu thì phải?
Có lẽ nguyên nhân chính của vụ việc này cũng bởi sự mặc cảm của họ đối với GS. Ngô Bảo Châu, vì ông đã nhận cái căn hộ do chính phủ hay cái biệt thự ở đảo Tuần châu do ông chúa đảo tặng, kể cả chương trình Viện Toán cao cấp cũng vậy với giá trị tiền bạc không nhỏ”(2).
Cho nên nếu có người cho rằng người viết bài này không đồng ý với quan điểm của Gs Châu vì ghen tị hay vì mặc cảm- thì cũng đành phải chịu thôi.
Nhưng người viết ngạc nhiên với nhận xét trên của tác giả Kami. Gs Châu nêu ra một quan điểm gây nhiều tranh cãi (very controversial), vậy thì phải để cho mọi người tự do góp ý, chớ sao lại đặt vấn đề ghen tị hay mặc cảm ở đây. Không lẽ sự giàu sang, nổi tiếng và bằng cấp quá cao của giáo sư đủ để bảo đảm giá trị cho lời phát biểu của ông ấy?
Nhưng ngay cả lời trên của tác giả Kami cũng đã có vấn đề: Gs nói về đề tài phản biện, vậy mà không để cho mọi người tự do phản biện, có phải là mâu thuẫn không? điều đó chẳng khác nào một người thuyết trình về quyền tự do ngôn luận nhưng sau đó lại không thích người khác có ý kiến phê bình.
Phản biện là điều kiện cần thiết trong quá trình tiến hóa của của con người, là tác nhân thúc đẩy xã hội phát triển. Xã hội Tây Phương sở dĩ đạt đến trình độ văn minh như ngày hôm nay là bởi vì từ hơn 2000 năm trước đây các triết gia Hy Lạp đã nhìn thấy được giá trị của phản biện. Và ngày nay đối với giới trí thức Tây Phương, phản biện là chuyện tự nhiên giống như con người phải ăn uống, hít thở không khí, chớ không ai đặt vấn đề là trí thức có liên quan đến vai trò phản biện xã hội hay không. Trước khi làm người trí thức, họ là một công dân, cho nên không thể tách rời khỏi xã hội mà họ đang sống, xã hội có tốt thì người trí thức mới có điều kiện phát triển trí tuệ, hưởng một đời sống vật chất sung túc và được sống đúng với thiên chức của mình. Ngược lại chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ vì ngăn cấm phản biện cho nên đã giết chết hết mọi sáng kiến cá nhân và tư duy độc lập.
Ngay câu trả lời của Gs Châu cũng đã mâu thuẫn. Đã nói là “giá trị của trí thức không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”, cuối cùng lại nói: “Không có phản biện, xã hội sẽ chết lâm sàng”. Nghĩa là nếu không có phản biện, xã hội sẽ không phát triển và tiếp tục trong tình trạng man ri mọi rợ. Vậy xin hỏi: thành phần chủ lực nào của xã hội tham gia phản biện nếu không phải là trí thức? không lẽ là thành phần công nhân hay giai cấp bần cố nông? Chỉ có giai cấp trí thức mới có đủ trí tuệ để nhìn thấy được chiều sâu của vấn đề và đóng vai trò phản biện để làm cho xã hội mỗi ngày một tốt hơn.
Từ ngữ phản biện gắn liền với tên tuổi Socrates sống gần 2500 năm trước đây. Ông là một triết gia có công đóng góp rất lớn cho nền tảng của tư tưởng Tây Phương.
Có lẽ đóng góp quan trọng nhất của ông là phương pháp truy vấn biện chứng, được biết đến dưới tên gọi “Phương pháp Socrates” hay còn được gọi phương pháp “phản biện bằng logic” bằng cách liên tiếp đặt ra các câu hỏi. Đặt câu hỏi về các khái niệm và đặt câu hỏi về các tiền đề đằng sau các khái niệm ấy. Và cứ tiếp tục như thế cho đến khi đạt được chân lý.
Phản biện là một nhu cầu thiết cho xã hội, vì con người cần phải hoài nghi trước mọi vấn đề và vì hoài nghi cho nên con người mới có động lực tìm kiếm sự thật.
Thánh Anselm, một nhà tư tưởng lớn thời Trung cổ đã nói: “Tôi hoài nghi, vậy tôi biết”. Một câu nói khác nổi tiếng hơn của Descartes vào giữa thế kỷ thứ 17: “Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu” (Je pense donc je suis”; “I think, therefore I am). Tư duy cũng là một hình thức của hoài nghi.
Nói tóm lại, để có một xã hội lành mạnh và phát triển thì không thể thiếu được yếu tố phản biện và trí thức là thành phần chủ lực giúp cho những tiếng nói phản biện luôn luôn hiện hữu.
***Người trí thức có phải là người lao động trí óc? Trước khi trả lời câu hỏi đó, thiết nghĩ chúng ta nên đi tìm câu trả lời: trí thức là gì?
“Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội” - Giản Tư Trung.
“Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ” - GS. Cao Huy Thuần
“Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên” - Nguyễn Quang Minh
“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội” - GS. Nguyễn Huệ Chi
“Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri. Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?” - Phạm Việt Hưng
Triết gia Raymond Aron của Pháp nói: “Trí thức là tác giả của ý tưởng trí tuệ và là một người quan sát thời cuộc”.
Albert Camus (1913-1960), được xem là một trong những văn sĩ nổi tiếng nhất của Pháp trong thế kỷ 20, được Giải Nobel Văn học 1957: “Nhà văn là trí thức không thể là để phụng sự những người sáng tạo lịch sử, mà là phụng sự các nạn nhân của nó. Lẽ phải của sự sinh tồn nếu có, là nói thay cho những người mà họ không thể nói được”.
Từ “trí thức” có nguồn gốc từ tiếng Nga (intelligentsia), được sử dụng trong thập niên 30 của thế kỷ 19, dùng để chỉ một lớp người có kiến thức và có chung một lý tưởng cách mạng - đó là những người trăn trở trước tình trạng lạc hậu, nghèo đói của nước Nga so với các nước Tây Âu.
Còn từ ngữ trí thức mà chúng ta sử dụng ngày nay dịch từ tiếng Pháp (intellectuel) xuất phát từ vụ án Dreyfus.
Có thể tóm tắt vụ án này như sau:
Vào năm 1894, Đại úy Alfred Dreyfus là sĩ quan Pháp gốc Do Thái làm việc trong Bộ Tổng tham mưu Pháp, bị kết tội bán bí mật quân sự cho tùy viên quân sự Đức Schwartzkoppen ở Paris.
Tại tòa, Đại úy Alfred Dreyfus một mực kêu oan. Và mặc dầu không có đầy đủ chứng cớ tòa vẫn xử ông bản án chung thân, đày ra đảo Devil, thuộc địa của Pháp ở Trung Mỹ.
Trước đó vào năm 1871, nước Pháp đại bại trong cuộc chiến với nước Đức và phải nhượng cho Đức vùng Alsace. Sau cuộc chiến, kinh tế nước Pháp suy sụp, cộng thêm nỗi nhục bại trận, làm phong trào kỳ thị người Do Thái tại Pháp lên cao, đại úy Dreyfus là nạn nhân của sự kỳ thị này.
Sau khi Dreyfus bị đày ra đảo, thì gia đình ông vẫn tiếp tục vận động các nhà báo, nhà văn, các chính khách... để minh oan cho ông.
Năm 1896, Thiếu tá Picquart, chỉ huy mới của đơn vị phản gián mà Dreyfus làm việc, thu lượm được những bằng chứng cho thấy thủ phạm thực sự là sĩ quan Esterhazy.
Emile Zola là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Pháp lúc bấy giờ, sau khi biết là Đại úy Dreyfus đã bị xử oan, đã nhập cuộc để đòi lại công lý cho nạn nhân.
Ngày 10/1/1898, sau khi kẻ đích thực làm gián điệp cho Đức là Esterhazy bị đưa ra xét xử tại Paris và được miễn tố, Zola lập tức viết bài J’accuse (Tôi tố cáo) đăng trên tờ L’Aurore của Georges Clemenceau số ra ngày 13-1-1898. Bài báo đã gây tiếng vang lớn và một phong trào bắt đầu nổi lên đòi chính phủ phải xét xử lại vụ án này.
Một ngày sau (14/1/1898), một bản kiến nghị có tên là “Manifeste Des Intellectuels” (Bản Kiến Nghị của những nhà Trí Thức) của tác giả Emile Zola, cũng được đăng tải trên nhật báo L’Aurore, với chữ ký của 1500 người, bao gồm những nhà báo, khoa học gia, chính trị gia, triết gia, bác sĩ, họa sĩ, văn sĩ... có tiếng tăm và uy tín trong xã hội, trong số đó có những người rất nổi tiếng như Léon Blum, Lucien Herr, Anatole France, Gustave Lanson, Marcel Proust.
Nội dung của bản kiến nghị này là phản đối kết quả bản án đối với Alfred Dreyfus.
Vì bài viết J’accuse, Zola đã bị kết tội vu khống với mức án một năm tù cộng với số tiền phạt lên tới 7500 franc (một số tiền rất lớn thời đó - do nhà văn Octave Mirbeau trả hộ), và ông bị tước Bắc Đẩu Bội Tinh (Legion of Honor). Để thoát khỏi án tù, Zola buộc phải sống lưu vong ở Luân Đôn một năm, khi quay về Pháp ông đã viết thêm một loạt bài báo về Vụ án Dreyfus trên tờ La Vérité en marche.
Cuối cùng vì áp lực của dư luận, vụ án Dreyfus được xét lại vào tháng 6-1899, kết quả bản án năm 1894 bị hủy bỏ. Tuy được xét xử lại, Dreyfus chỉ được giảm án từ chung thân khổ sai xuống 10 năm khổ sai. Phải đến năm 1906, tức là 7 năm sau đó, ông mới hoàn toàn được phục hồi danh dự theo lệnh của Tổng thống Laubet.
Những người ký tên trong bản kiến nghị “Manifeste Des Intellectuels” sau này được gọi là những người trí thức. Cho nên ngay từ đầu danh từ trí thức của người Tây phương mang một ý nghĩa rất cao cả - để chỉ những người có kiến thức, sẵn sàng tranh đấu cho công lý và lẽ phải bất chấp nguy hiểm.
Chính nhờ thái độ cam đảm của những người như Zola mà xã hội Tây Phương có một bước tiến rất lớn trong quá trình tranh đấu cho quyền làm người. Vụ án Dreyfus còn đặt ra một vấn đề khác đối với người trí thức - không vì danh dự hay quyền lợi của quốc gia mà có thể bỏ qua một vấn đề của lương tâm.
Nói tóm lại theo nghĩa của Tây Phương, trí thức là người có kiến thức, có tư duy độc lập, có trách nhiệm đối với xã hội và là tiếng nói của công lý.
Còn đối với người Việt Nam, "trí thức" được hiểu thế nào?
Ở Việt Nam, đã từ lâu trí thức được hiểu một cách đơn giản là những người làm việc bằng trí óc (để phân biệt với lao động chân tay). Những người nào tốt nghiệp đại học trở lên đều được coi là người trí thức.
Thật sự khái niệm trí thức đối với người VN rất mơ hồ, do hoàn cảnh lịch sử và văn hóa của đất nước chúng ta.
Từ “trí thức” chỉ xuất hiện ở VN sau khi người Pháp đến đô hộ. Trước đó, ngoài 1000 năm Bắc Thuộc, trong 8 thế kỷ độc lập dưới chế độ phong kiến chúng ta chỉ có kẻ sĩ chớ không có trí thức. Khác với trí thức, kẻ sĩ được đào tạo để làm quan, để phục vụ cho vua, để củng cố chế độ chớ không phải để thay đổi xã hội.
Sau khi dành được độc lập từ người Pháp, miền Bắc sống với chế độ CS, miền Nam được được hưởng không khí tương đối tự do dân chủ trong 21 năm, rồi cũng phải chịu số phận giống như miền Bắc từ 1975 đến nay.
Dưới chế độ CS, người trí thức không có đất sống. Ở bất cứ nơi nào, khi chiếm được chính quyền, việc đầu tiên của người CS là tiêu diệt thành phần trí thức. Họ chỉ muốn mọi người phục tùng chớ không muốn có những phần tử “chệt hướng”, những tư tưởng phản biện, những ý kiến, những phê bình…
Lênin gọi trí thức là cứt (2), còn Mao Trạch Đông xem trí thức thua cả cục phân…
Trong bài “Thế nào là trí thức” nhà văn Nguyễn Nghĩa có nhận xét thật mỉa mai: “Mà không chỉ bác Mao (không bao giờ sai, do bác Hồ nói thế) hầu như quá trình xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở mọi quốc gia, cái gọi là đội ngũ TRÍ THỨC không được phép tồn tại, bởi đã có đảng độc quyền lãnh đạo. Bao giờ chủ nghĩa Mác-Lê còn là kim chỉ nam, còn là duy nhất đúng thì đảng có bao giờ sai mà cần đến Trí thức”.
Không khác Liên Sô và Trung Quốc, ngay từ đầu đảng CSVN đã chủ trương tiêu diệt trí thức. Khẩu hiệu của Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930, 31 do đảng CS lãnh đạo là: “Trí, phú, địa, hào - Đào tận gốc trốc tận rễ”
Ngày nay hoàn cảnh không cho phép CS “đào tận gốc” tầng lớp trí thức như xưa, nhưng chủ trương của họ vẫn không thay đổi - vẫn bạc đãi, hành hạ, đàn áp, bỏ tù những trí thức không tuân phục.
Trong hòan cảnh như thế, người trí thức chỉ có 3 chọn lựa: một là im lặng nhẫn nhục, hai là cúi đầu chấp nhận làm công cụ cho chế độ như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu.... ba là chấp nhận bị bạc đãi, tù đày, nghèo đói để giữ tư cách trí thức như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hữu Loan, Thụy An, Nguyễn Chí Thiện ….
Nhà thơ Nguyễn Tuân trong những năm cuối đời nhìn nhận: “Tôi còn sống đến ngày nay bởi vì tôi biết sợ”.
Giáo sư Phan Đình Diệu, một người suốt đời sống dưới chế độ CS nhận xét về “trí thức” VN như sau: “Trái ngược với nền giáo dục thời Pháp, chế độ xã hội chủ nghĩa đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư… và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế. Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội. Đảng nghĩ hộ cho mọi người.”
Để làm người trí thức đúng nghĩa trong xã hội VN ngày nay là cả một sự hy sinh, phải chấp nhận mọi thiệt thòi thòi về vật chất lẫn tinh thần. Họ không những bị tước đoạt cơ hội nghề nghiệp mà còn phải chịu liên tục những sự khủng bố tinh thần. Cho nên chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi thấy đại đa số thành phần có học trong nước hiện nay chỉ lo bản thân và rất thờ ơ đối với vận mệnh đất nước.
Lời phát biểu của Gs Ngô Bảo Châu “trí thức là người lao động trí óc… giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội” phù hợp với quan điểm của người CS. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Đảng CSVN định nghĩa trí thức như sau: trí thức là “những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”. Trong đó không đòi hỏi người trí thức phải có tinh thần phê phán, phải bênh vực cho công bằng và lẽ phải.
Gs Châu vô hình chung tạo thêm cơ hội cho giới trí thức tiếp tục thờ ơ trước vận mệnh của đất nước như nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Lập trong nước: “Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kỹ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính”.
Một ý kiến khác, trong bài “Bàn về hai chữ trí thức”, tác giả Kami viết: “Nói như vậy để mọi người nhớ môi trường của xã hội Việt Nam là một thể chế độc tài toàn trị, trí thức dám phản biện hay dấn thân theo lý luận của mấy ông thì chỉ tìm thấy ở trong nhà tù. Các vị như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Phạm Minh Hoàng, v.v…, cũng chỉ vì hiểu theo quan niệm thực tế phương tây hay sách vở rồi cứ thế mà áp dụng ở môi trường Việt nam và nghĩ là mình đang làm đúng theo luật pháp, hiến pháp quy định và cho phép. Mà các vị đó quên ở Việt Nam, chính quyền họ thích bắt bỏ tù ai là họ bắt, làm gì có luật pháp, nói năng trái ý chính quyền là có quyền ghép vào tội danh của điều 79 và 88 Bộ luật Hình sự.”
Nói như thế là đánh giá thấp những người đang tranh đấu tự do và dân chủ tại Việt Nam. Những người đó đều là những người có trình độ, có hiểu biết, họ biết rõ công việc mình đang làm và biết rõ những nguy hiểm đang chờ đợi. Họ làm chắc chắn không phải vì sự xúi giục của người khác mà chỉ lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của người trí thức. Họ đang chịu nhiều hy sinh, nhưng tất cả những hy sinh của họ không phải vô ích. Ngày nào còn có những con người như Nguyễn Đan Quế, Cù Huy Hà Vũ, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Phạm Minh Hoàng... ngày đó chúng ta vẫn còn có hy vọng là dân tộc VN sẽ có một ngày được sống đúng với nhân phẩm con người.
Thử hỏi nếu không có những người chấp nhận hy sinh như thế thì ai sẽ làm đây? không lẽ ngồi chờ cho đến khi nào chế độ CS tự động tan rã. Điều đó chắc chắn không thể xảy ra. Những chế độ độc tài chỉ chấp nhận từ bỏ quyền lực khi không còn một chọn lựa nào khác.
Nếu bà Aung San Suu Kyi không chấp nhận hy sinh bị quản thúc tại gia trong 11 năm thì chắc chắn đất nước Miến Điện sẽ không có được ngày như hôm nay. Nếu Nelson Mandela không chấp nhận ngồi tù trong 28 năm thì người da đen Nam Phi vẫn chưa có quyền bình đẳng với người da trắng như hôm nay.
Những nhà tư tưởng như Descartes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau... suy nghĩ ra những khái niệm về tự do, dân chủ..., nhưng nếu không có những nhà trí thức chấp nhận nguy hiểm để khuấy động lên cuộc Cách Mạng Pháp và Cách Mạng Mỹ thì thế giới sẽ không được hưởng được những giá trị tinh thần như hôm nay.
Vụ án Cù Huy Hà Vũ bất công không thua gì vụ án Dreyfus. Và nếu trong hàng ngũ trí thức VN có những người cam đảm như nhà văn Emile Zola cùng với 1500 chữ ký của những nhà trí thức khác - viết thành “Bản Kiến Nghị của những nhà Trí Thức” tương tự như “Manifeste Des Intellectuels” 114 năm trước - để đòi lại công lý cho Cù Huy Hà Vũ - thì chắn chắn chính quyền CS không dám coi thường trí thức như ngày hôm nay.
Đất nước ta chỉ có những con người trí thức chớ không có tầng lớp trí thức.
Những con người trí thức này là do nỗ lực cá nhân chớ không phải do truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa Việt Nam dạy người ta học để làm quan, để vinh thân phù gia, để làm tôi tớ cho chế độ, chớ không phải học để làm một người trí thức có trách nhiệm với xã hội. Đúng như lời của Cụ Trần Trọng Kim trong buổi trà đàm với môn đệ: “Đất nước ta nhan nhãn những nhà khoa bảng còn trí thức thì chỉ lác đác như lá mùa thu.”
Vì hiểu được tâm lý “học để làm quan, để kiếm danh lợi”, cho nên từ thời phong kiến, đến thời Pháp thuộc cho đến thời Cộng Sản đều sử dụng “trí thức” để làm tôi tớ củng cố chế độ và họ luôn luôn thành công.
Những cuộc cách mạng thật sự xảy ra trong lịch sử VN đều do những nông dân áo vải lãnh đạo như Lê Lợi, Nguyễn Huệ… chớ không do thành phần trí thức và trong những nguyên nhân đưa đến sự thất bại của những phong trào yêu nước của người VN như Phong Trào Cần Vương, Phong Trào Văn Thân... đều có hình bóng của những tên "trí thức" Việt gian phản quốc.
Và ngày nay tại VN, những cuộc xuống đường như phong trào Dân Oan Khiếu Kiện, Hoàng Sa Trường Sa… thử xem có được bao nhiêu người trí thức tham dự? Trí thức trùm chăn ngủ kỹ lúc sơn hà nguy biến, nhưng khi thời cơ tới thì trí thức sẽ xuất đầu lộ diện khắp nơi, từ quốc nội ra tới hải ngoại.
Tại sao VN không có tầng lớp trí thức?
Bởi vì từ suốt dòng lịch sử người VN chỉ làm dân chớ chưa bao giờ được làm Quốc Dân. Chúng ta chỉ là những nô lệ cho chế độ cầm quyền, chứ chúng ta chưa bao giờ được làm chủ đất nước. Ngày xưa Vua coi dân như con, đất nước là tài sản của vua, vua muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết, sang đến thời Cộng Sản chỉ khác là họ mị dân giỏi hơn “đất nước là của nhân dân nhưng nhà nước quản lý”. Ngay cả thời Việt Nam Cộng Hòa, mặc dầu theo thể chế dân chủ nhưng những nhà lãnh đạo Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa đều có tham vọng trở thành những nhà độc tài, vẫn không thể thoát khỏi não trạng “vua tôi”.
Quốc Dân là nền tảng của thể chế dân chủ, không có quốc dân sẽ không có dân chủ. Chính vì nhìn thấy được tầm quan trọng đó cho nên hơn 2000 năm trước, các nhà tư tưởng Hy Lạp như Socrates, Plato, Aristotle… đều đã nói tới quan điểm dân chủ. Cũng vì thế mà Triết gia Socrates phải trả giá bằng sinh mạng của mình.
Trong những nhà tư tưởng lớn của Tây Phương sau này, René Descartes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau, thể có nói là ba nhà tư tưởng có công đóng góp rất lớn tạo nền tảng cho thể chế dân chủ tương đối hoàn hảo như ngày nay, đều đặt nặng vai trò của quốc dân, đặc biệt là tác phẩm “Khế ước xã hội” (The Social Contract) của Jean-Jacques Rousseau, trong đó ông bàn sâu về mối quan hệ giữa dân và chính quyền, ông chủ trương rằng nếu muốn có một xã hội tốt đẹp thì trước hết giữa người lãnh đạo và người dân phải hoàn toàn bình đẳng. Người lãnh đạo là những người được dân bầu lên và thay mặt cho dân để làm những điều mà dân muốn, cho nên. Mối quan hệ giữa dân và lãnh đạo phải được xem như một hợp đồng, một khế ước, chớ không phải là quan hệ có tính cách áp đặt.
Ngày nay khi nói về cách mạng Minh Trị Duy Tân người ta thường nghĩ là người Nhật học khoa học kỹ thuật của Tây Phương. Thật sự không phải như thế, học hỏi khoa học kỹ thuật chỉ mặt nổi, chủ yếu là người Nhật học hỏi những tinh hoa tư tưởng của người Tây Phương. Vào thời đó họ có cả một tầng lớp trí thức nhiệt tình yêu nước, có những nhà tư tưởng lớn như Nishi Amane, Tsuda Mamichi, Nakamura Masado, Katô Hiroyuki, Mitsukuri Shuhei, Sugi Kôji, Mitsukuri Rinsho, Nishimura Shigeki…trong đó có hai người nổi bật nhất, đó là Fukuzawa Yukichi - được xem là linh hồn của cuộc cách mạng, và Nakeo Chômin được xem là Jean-Jacques Rousseau của phương Đông. Tất cả trí thức của Nhật thời đó lúc đầu chỉ làm một việc duy nhất – đó là dịch tất cả những tác phẩm tư tưởng quan trọng của Tây phương sang tiếng Nhật và giải thích cho người Nhật hiểu được những quan niệm về tự do dân chủ, luật pháp, kinh tế, xã hội và sự bình đẳng của con người. Trong tác phẩm “Khuyến học” ông Fukuzawa dành ra cả một chương để viết một đề tài “Đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật chớ không có quốc dân Nhật”, sau đó ông viết cả một quyển sách với tựa đề “Dân Quyền” để giải thích cho người Nhật hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của một công dân, để sống đúng nghĩa như một quốc dân.
Nhìn lại đất nước chúng ta, cho đến ngày nay vẫn chưa một học giả nào viết về đề tài “Quốc dân” giống như người Nhật đã làm từ hơn 150 năm trước đây. Cho nên không quá đáng khi nói rằng cho đến nay chúng ta vẫn là một dân tộc nô lệ, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền vẫn là quan hệ xin-cho, chớ không phải là một quan hệ bình đẳng.
Chính vì thế không thể đòi hỏi chúng ta có tầng lớp trí thức. Trước khi làm người “trí thức” họ là những công dân, mà chưa làm được một quốc dân thì làm sao có thể làm một trí thức.
Nhưng sẽ không công bằng nếu như chúng ta đổ mọi tội lỗi cho người CS. Về vấn đề trí thức, người CS chỉ làm cho giá trị của người “trí thức” thấp hơn chớ họ không phải hoàn toàn đánh mất tư cách của người trí thức. Trách nhiệm chính là văn hóa của chúng ta, văn hóa nào sinh ra con người đó, văn hóa không lành mạnh sẽ sinh ra những con người không lành mạnh và tầng lớp lãnh đạo bất xứng.
Nếu nói là lỗi hoàn toàn của người CS, thì người trí thức Việt Nam tại hải ngoại phải tốt hơn nhiều so với trong nước – môi trường ở hải ngoại như Úc, Mỹ, Pháp, Canada (nơi tập trung đa số người Việt) đều là những môi trường quá tốt để phát triển nhân cách trí thức. Nhưng thực tế không phải như thế! Tại đây người "trí thức" Việt Nam không có điều kiện để tham nhũng, hiếp đáp người, gian lận của công … như ở trong nước nhưng vẫn mang tất cả những tật nguyền cố hữu của mấy ngàn năm nay.
Có thể nói không có một cộng đồng sắc tộc nào chia rẽ như cộng đồng VN. Người Việt tại hải ngoại chưa bao giờ có thể ngồi lại để làm những chuyện lớn. Không phải chỉ có các tổ chức chính trị chia rẽ mà cả các hội ái hữu, từ thiện, cao niên… cũng chia rẽ. Có hội không phải chỉ chia đôi mà chia ba.. thôi hết ý. Nguyên nhân chia rẽ là vì thành phần lãnh đạo, mà lãnh đạo hầu hết là người có ăn học, có bằng cấp. Kinh nghiệm cho thấy hội nào càng có nhiều "trí thức" thì càng chia rẽ và càng có nguy cơ đổ vỡ. Tệ hại hơn nữa là chúng ta chia rẽ không phải vì những bất đồng quan điểm mà hầu hết đều là vì những quyền lợi rất nhỏ, những hiềm khích cá nhân và những hư danh.
Cho nên, không có gì quá đáng khi ông Nguyễn Gia Kiểng trong bài viết “Khẩn cấp làm người?”có nhận xét như sao về trí thức VN: “Đó là do một di sản văn hóa. Hãy thử tưởng tượng nếu được nghe kể chuyện một người suốt đời chỉ mơ ước được làm tay sai không điều kiện cho một ông chủ, để rồi lúc nào cũng sợ sệt vì có thể bị mắng chửi, đánh đập, thậm chí bị giết vì bất cứ lý do gì, và cho rằng sống như thế là vinh quang. Chúng ta sẽ nghĩ gì? Chắc chắn là chúng ta sẽ kinh hoàng không thể tin có thể có những người mắc bệnh tâm thần nặng đến như thế. Nhưng đó chính là nhân sinh quan của ông cha chúng ta. Các khai quốc công thần, anh hùng hào kiệt mà chúng ta tôn thờ đều như thế cả. Trí thức Việt Nam đã tôn sùng mẫu người đó trong cả ngàn năm mà không thấy có gì bất ổn. Trí thức Việt Nam vẫn còn không bình thường. Họ vẫn còn coi làm chính trị là để làm quan chứ không phải để thay đổi xã hội. Trí thức Việt Nam không phải là trí thức tranh đấu mà là trí thức phục vụ, và trong sự phục vụ cúi đầu đó họ đã bỏ mất một phần đáng kể tâm hồn”.
Trí thức Việt Nam ngày nay là hậu thân của giai cấp "sĩ" ngày xưa. Ngay từ nhỏ chúng ta đã được dạy từ nhà trường, từ những di tích, câu chuyện lịch sử, từ những vở tuồng kịch nghệ, từ những câu chuyện kể, từ những lời khuyên của ông bà cha mẹ… tất cả những cái đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt chúng ta:
“Kiệu anh đi trước võng nàng theo sau”hay
“Nữa mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kìa đề tên anh!”hay
“Con ơi! muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”
Con gái thời nay không còn “Gái thì giữ việc trong nhà” và trai không còn “Trai thì đọc sách ngâm thơ” nhưng chân lý sau cùng vẫn không thay đổi “Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa... Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”.
Ngày nay trong nước người ta khoe nhau nhà sang cửa rộng, ông tiến sĩ này, bà bác sĩ nọ, có con đang đi du học xứ này xứ kia, còn ở hải ngoại gặp nhau chỉ khoe thành tích của con, ngoại trừ những người như người viết không khoe được vì con mình thường quá. Rất hiếm khi thấy người Việt tự hào là con cái mình đang có "job" vài trăm ngàn đô dám bỏ để đi làm chuyện cứu nước hay qua một xứ nghèo đói nào đó bên Phi Châu làm từ thiện toàn thời hay làm một việc gì đó có ý nghĩa cho đời.
Từ bỏ một tập quán đã được truyền từ đời này sang đời, đã ăn sâu vào trong xương trong tủy là một chuyện khó khăn vô cùng. Huống chi dân tộc chúng ta không xem đó là một điều cần thay đổi.
Là một người làm nghề báo gần 10 năm, có cơ hội tìm hiểu tiếp xúc nhiều với “trí thức” Việt Nam và cũng có dịp nhìn sâu vào con người chính mình, người viết có nhận xét dưới đây có thể làm phật lòng một số người...
Trí thức Việt Nam, ngoài đặc tính háo danh đã được nói tới khá nhiều, từ thời của cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, còn có ba đặc tính tiêu biểu khác: Thiếu tinh thần độc lập, Xu thời và Hèn.
Nhìn lại lịch sử VN trong 200 năm qua chúng ta sẽ thấy rõ là xưa nay mọi quyết định sống còn của đất nước đều phải dựa vào ngoại bang, chúng ta chưa bao giờ dám tự quyết định số phận của mình. Trong đời sống hằng ngày vì thiếu tinh thần độc lập cho nên phải dựa vào người khác, phải chịu ơn, phải luồn cuối… lâu ngày trở thành thói quen, có cơ hội là bắt nạt kẻ dưới và sẵn sàng nịnh bợ cấp trên.
Trong những lúc khó khăn, sơn hà nguy biến, hay những nghịch cảnh có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cá nhân thì trí thức trùm chăn thật kỹ, nhưng khi thời cơ đến đến thì có mặt khắp nơi. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này một khi chế độ CS sắp sụp đổ. Trí thức VN luôn luôn làm đúng theo lời dạy của Khổng Tử: “Khi nước nguy thì đừng tới, nước loạn thì đừng ở, nước có đạo thì ta ra làm quan, nước vô đạo thì ở ẩn."(3). Mấy ngàn năm qua, triết lý sống của trí thức VN vẫn không thay đổi, lúc thuận lợi thì tìm cách ra làm quan, lúc nguy biến thì tìm cách ở ẩn và luôn luôn xem đó là một thái độ khôn ngoan. Trí thức VN không phải là típ người dám đứng "đầu sóng ngọn gió" để đương đầu với thử thách. Trí thức VN thà chấp nhận hèn nhưng không chấp nhận những gì ảnh hưởng tới an toàn và hạnh phúc cá nhân. Thậm chí tôi đã từng gặp những trí thức bằng cấp đầy mình lợi dụng cả người đang gặp nạn để kiếm lợi và họ không xem đó là điều đáng để xấu hổ.
Cho nên đừng hỏi là tại sao “trí thức” tại Việt Nam không tham dự tranh đấu cho quyền làm người, hay bênh vực công lý cho những người dân thấp cổ bé miệng. Ngay tại môi trường hải ngoại này, nếu có chuyện oan uất, bất công cần người để bênh vực giống như trường hợp của Đại úy Alfred Dreyfus, lúc đó quý vị sẽ thấm thía “sĩ khí” của "trí thức" VN. "Trí thức" bằng cấp càng cao thì càng xa lánh những chuyện không dính dáng tới mình. Những lúc đó chỉ có những người dân bình thường mới dám đứng ra bênh vực cho công lý.
Trở lại những lời phát biểu của Gs Ngô Bảo Châu - đó là chuyện bình thường đối với VN, không có gì đáng để làm ầm ỉ, có nhiều trí thức VN nổi tiếng hơn cả ông, cũng chọn cùng thái độ tương tự - chỉ tuyên bố những điều vô thưởng vô phạt – không đụng chạm đến ai miễn là được yên thân.
Một điều đáng nói nữa là đối với đại đa số người VN, bất kể ông Châu làm điều gì, nói điều gì thì ông ta vẫn đương nhiên được công nhận là người "trí thức" chỉ vì ông có bằng tiến sĩ và được giải thưởng Fields.
Điều đó xuất phát từ mặc cảm nhược tiểu, tâm lý thiếu tự tin của một dân tộc xưa nay sống trên một đất nước nghèo khổ, không có gì nổi bật để góp mặt với đời. Bây giờ có người VN được giải thưởng mặc dầu chỉ có 15,000 Mỹ kim, nhưng xem đó như là cái gì ghê gớm lắm, vĩ đại lắm. Mỗi giải Nobel trị giá trên 1 triệu Mỹ kim nhưng đâu có ai làm ầm ĩ như thế.
Đó chính là cái bất hạnh nhất của đất nước chúng ta.
Trí thức Việt Nam ơi, hãy tỉnh dậy, các ông đã ngủ hàng mấy thế kỷ rồi!
Phạm Hoài Nam
(Sydney)Ghi chú:
(1) Bàn về hai chữ trí thức - Kami
(2) Nguyên văn câu viết trong thư của Lenin gửi Maxim Gorki ngày 15 tháng 9 năm 1919: “Lực lượng trí tuệ của công nhân và nông dân ngày càng lớn lên và củng cố trong cuộc đấu tranh để lật đổ giai cấp tư sản và bọn tay sai của chúng, bọn trí thức, bọn tôi tớ của tư bản tưởng mình là trí não của quốc gia. Thực ra đó không phải là trí não, mà là cứt”.
(3) Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến, thiên hạ vô đạo tắc ẩn.
-Trí thức và dân chủ: On Intellectuals and Democracy (New York Review of Books 22-5-12) -- Bài rất hay ($$$THD) của Tony Judt, một trí thức thật sự.
The following is drawn from Thinking the Twentieth Century, written with Timothy Snyder and just published by Penguin. Intellectual activity is a little bit like seduction. If you go straight for your goal, you almost certainly won’t succeed. If you want to be someone who contributes to world historical debates, you almost certainly won’t succeed if you start off by contributing to world historical debates. The most important thing to do is to be talking about the things that have, as we might put it, world historical resonance but at the level at which you can be influential.
If your contribution to the conversation then gets picked up and becomes part of a larger conversation or part of conversations happening elsewhere as well, then so be it and so much the better.
So I don’t think intellectuals do very well talking about the need for the world to be democratic, or the need for human rights to be better respected worldwide. It’s not that the statement falls short of the desirable, but it contributes very little to either achieving its goal or adding to the rigor of the conversation. Whereas the same person, really showing exactly what’s defective about democracy and democracies, sets a much better base for the argument that ours is a democracy that others should be encouraged to emulate. Merely saying that ours is a democracy or saying that I’m not interested in ours but I want to help make yours encourages the response: well, go away and fix yours and then maybe you’ll have a foreign audience, and so on. So in order to be international, we have to be national first.
What should we be caring about today? We are at the end of a very long cycle of improvement. A cycle that began in the late eighteenth century and that, notwithstanding everything that’s happened since, continued essentially through the 1990s: the steady widening of the circle of countries whose rulers were constrained to accept something like the rule of law. I think that it was overlain from the 1960s onward by two different but related spreads: of economic and individual freedom. Those two latter developments, which look as though they are related to the first one, are in fact potentially dangerous to it.
I see the present century as one of growing insecurity brought about partly by excessive economic freedom, using the word in a very specific sense, and growing insecurity also brought about by climate change and unpredictable states. We are likely to find ourselves as intellectuals or political philosophers facing a situation in which our chief task is not to imagine better worlds but rather to think how to prevent worse ones. And that’s a slightly different sort of situation, where the kind of intellectual who draws big pictures of idealized, improvable situations may not be the person who is most worth listening to.
We may find ourselves asking how we can defend established legal or constitutional or human rights, norms, freedoms, institutions, and so on. We will not be asking whether the Iraq war was a good or not good way to bring democracy, freedom, liberty, the market, etc. to the Middle East; but rather, was it a prudent undertaking even if it achieved its objectives? Recall the opportunity costs: the lost potential to achieve other things with limited resources.
All this is hard for intellectuals, most of whom imagine themselves defending and advancing large abstractions. But I think the way to defend and advance large abstractions in the generations to come will be to defend and protect institutions and laws and rules and practices that incarnate our best attempt at those large abstractions. And intellectuals who care about these will be the people who matter most.
Timothy Snyder: It’s not that one ought to be speaking about democracy or that one ought to be spreading it but rather that it’s precisely a very tender thing that is made up of a lot of small and fragile mechanisms and practices. One of which is making sure that votes are counted.
If you look at the history of nations that maximized the virtues that we associate with democracy, you notice that what came first was constitutionality, rule of law, and the separation of powers. Democracy almost always came last. If by democracy we mean the right of all adults to take part in the choice of government that’s going to rule over them, that came very late—in my lifetime in some countries that we now think of as great democracies, like Switzerland, and certainly in my father’s lifetime for other European countries like France. So we should not tell ourselves that democracy is the starting point.
Democracy bears the same relationship to a well-ordered liberal society as an excessively free market does to a successful, well-regulated capitalism. Mass democracy in an age of mass media means that on the one hand, you can reveal very quickly that Bush stole the 2000 election, but on the other hand, much of the population doesn’t care. He’d have been less able to steal the election in a more restricted suffrage–based, old-fashioned nineteenth-century liberal society: the relatively few people actually involved would have cared much more. So we pay a price for the massification of our liberalism, and we should understand that. That’s not an argument for going back to restricted suffrage or two classes of voters, or whatever it might be—you know, the informed or the uninformed. But it is an argument for understanding that democracy is not the solution to the problem of unfree societies.
Timothy Snyder: But wouldn’t democracy be a good candidate for a more pessimistic century? Because it is, I think, best defended as something that prevents worse systems from coming into being, and best articulated as mass politics as a way of making sure that people aren’t fooled the same way every time.
The Churchillian dictum that democracy is the worst possible system except for all the others has some—but limited—truth. Democracy has been the best short-term defense against undemocratic alternatives, but it is not a defense against its own genetic shortcomings. The Greeks knew that democracy is not likely to fall to the charms of totalitarianism, authoritarianism, or oligarchy; it’s much more likely to fall to a corrupted version of itself.
Democracies corrode quite fast; they corrode linguistically, or rhetorically, if you like—that’s the Orwellian point about language. They corrode because most people don’t care very much about them. Notice that the European Union, whose first parliamentary elections were held in 1979 and had an average turnout of over 62 percent, is now looking to a turnout of less than 30 percent, even though the European Parliament matters more now and has more power. The difficulty of sustaining voluntary interest in the business of choosing the people who will rule over you is well attested. And the reason why we need intellectuals, as well as all the good journalists we can find, is to fill the space that grows between the two parts of democracy: the governed and the governors.
If your contribution to the conversation then gets picked up and becomes part of a larger conversation or part of conversations happening elsewhere as well, then so be it and so much the better.
So I don’t think intellectuals do very well talking about the need for the world to be democratic, or the need for human rights to be better respected worldwide. It’s not that the statement falls short of the desirable, but it contributes very little to either achieving its goal or adding to the rigor of the conversation. Whereas the same person, really showing exactly what’s defective about democracy and democracies, sets a much better base for the argument that ours is a democracy that others should be encouraged to emulate. Merely saying that ours is a democracy or saying that I’m not interested in ours but I want to help make yours encourages the response: well, go away and fix yours and then maybe you’ll have a foreign audience, and so on. So in order to be international, we have to be national first.
What should we be caring about today? We are at the end of a very long cycle of improvement. A cycle that began in the late eighteenth century and that, notwithstanding everything that’s happened since, continued essentially through the 1990s: the steady widening of the circle of countries whose rulers were constrained to accept something like the rule of law. I think that it was overlain from the 1960s onward by two different but related spreads: of economic and individual freedom. Those two latter developments, which look as though they are related to the first one, are in fact potentially dangerous to it.
I see the present century as one of growing insecurity brought about partly by excessive economic freedom, using the word in a very specific sense, and growing insecurity also brought about by climate change and unpredictable states. We are likely to find ourselves as intellectuals or political philosophers facing a situation in which our chief task is not to imagine better worlds but rather to think how to prevent worse ones. And that’s a slightly different sort of situation, where the kind of intellectual who draws big pictures of idealized, improvable situations may not be the person who is most worth listening to.
We may find ourselves asking how we can defend established legal or constitutional or human rights, norms, freedoms, institutions, and so on. We will not be asking whether the Iraq war was a good or not good way to bring democracy, freedom, liberty, the market, etc. to the Middle East; but rather, was it a prudent undertaking even if it achieved its objectives? Recall the opportunity costs: the lost potential to achieve other things with limited resources.
All this is hard for intellectuals, most of whom imagine themselves defending and advancing large abstractions. But I think the way to defend and advance large abstractions in the generations to come will be to defend and protect institutions and laws and rules and practices that incarnate our best attempt at those large abstractions. And intellectuals who care about these will be the people who matter most.
Timothy Snyder: It’s not that one ought to be speaking about democracy or that one ought to be spreading it but rather that it’s precisely a very tender thing that is made up of a lot of small and fragile mechanisms and practices. One of which is making sure that votes are counted.
If you look at the history of nations that maximized the virtues that we associate with democracy, you notice that what came first was constitutionality, rule of law, and the separation of powers. Democracy almost always came last. If by democracy we mean the right of all adults to take part in the choice of government that’s going to rule over them, that came very late—in my lifetime in some countries that we now think of as great democracies, like Switzerland, and certainly in my father’s lifetime for other European countries like France. So we should not tell ourselves that democracy is the starting point.
Democracy bears the same relationship to a well-ordered liberal society as an excessively free market does to a successful, well-regulated capitalism. Mass democracy in an age of mass media means that on the one hand, you can reveal very quickly that Bush stole the 2000 election, but on the other hand, much of the population doesn’t care. He’d have been less able to steal the election in a more restricted suffrage–based, old-fashioned nineteenth-century liberal society: the relatively few people actually involved would have cared much more. So we pay a price for the massification of our liberalism, and we should understand that. That’s not an argument for going back to restricted suffrage or two classes of voters, or whatever it might be—you know, the informed or the uninformed. But it is an argument for understanding that democracy is not the solution to the problem of unfree societies.
Timothy Snyder: But wouldn’t democracy be a good candidate for a more pessimistic century? Because it is, I think, best defended as something that prevents worse systems from coming into being, and best articulated as mass politics as a way of making sure that people aren’t fooled the same way every time.
The Churchillian dictum that democracy is the worst possible system except for all the others has some—but limited—truth. Democracy has been the best short-term defense against undemocratic alternatives, but it is not a defense against its own genetic shortcomings. The Greeks knew that democracy is not likely to fall to the charms of totalitarianism, authoritarianism, or oligarchy; it’s much more likely to fall to a corrupted version of itself.
Democracies corrode quite fast; they corrode linguistically, or rhetorically, if you like—that’s the Orwellian point about language. They corrode because most people don’t care very much about them. Notice that the European Union, whose first parliamentary elections were held in 1979 and had an average turnout of over 62 percent, is now looking to a turnout of less than 30 percent, even though the European Parliament matters more now and has more power. The difficulty of sustaining voluntary interest in the business of choosing the people who will rule over you is well attested. And the reason why we need intellectuals, as well as all the good journalists we can find, is to fill the space that grows between the two parts of democracy: the governed and the governors.
Khổng giáo và dân chủ: A Confucian Improvement of Democracy (NPQ Winter 2012) -- Bài của một ông Tàu
WEEKLY: The Age of Authoritarian Democracy --Project Syndicate -
MOSCOW – The world is currently being shaken by tectonic changes almost too numerous to count: the ongoing economic crisis is accelerating the degradation of international governance and supranational institutions, and both are occurring alongside a massive shift of economic and political power to Asia. Less than a quarter-century after Francis Fukuyama declared “the end of history,” we seem to have arrived at the dawn of a new age of social and geopolitical upheaval.
Dramatically, the Arab world has been swept by a revolutionary spring, though one that is rapidly becoming a chilly winter. Indeed, for the most part, the new regimes are combining the old authoritarianism with Islamism, resulting in further social stagnation, resentment, and instability.
Even more remarkable, however, are the social (and antisocial) grassroots demonstrations that are mushrooming in affluent Western societies. These protests have two major causes.
First, social inequality has grown unabated in the West over the last quarter-century, owing in part to the disappearance of the Soviet Union and, with it, the threat of expansionist communism. The specter of revolution had forced Western elites to use the power of the state to redistribute wealth and nurture the growth of loyal middle classes. But, when communism collapsed in its Eurasian heartland, the West’s rich, believing that they had nothing more to fear, pressed to roll back the welfare state, causing inequality to rise rapidly. This was tolerable as long as the overall pie was expanding, but the global financial crisis in 2008 ended that.
Second, over the past 15 years, hundreds of millions of jobs shifted to Asia, which offered inexpensive and often highly skilled labor. The West, euphoric from its victory over communism and its seemingly unstoppable economic growth, failed to implement necessary structural reforms (Germany and Sweden were rare exceptions). Instead, Western prosperity relied increasingly on debt.
But the economic crisis has made it impossible to maintain a good life on borrowed money. Americans and Europeans are beginning to understand that neither they, nor their children, can assume that they will become wealthier over time.
Governments now face the difficult task of implementing reforms that will hit the majority of voters hardest. In the meantime, the minority that has benefited financially over the past two decades is unlikely to give up its advantages without a fight.
All of this cannot fail but to weaken Western democracy’s allure in countries like Russia, where, unlike in the West or to a large extent the Arab world, those who are organizing the massive demonstrations against the government belong to the economic elite. Theirs is a movement of political reform – demanding more freedom and government accountability – not of social protest, at least not yet.
A few years ago, it was fashionable to worry about the challenge that authoritarian-style capitalism (for example, in China, Singapore, Malaysia, or Russia) presented to Western democratic capitalism. Today, the problem is not only economic.
Western capitalism’s model of a society based on near-universal affluence and liberal democracy looks increasingly ineffective compared to the competition. Authoritarian countries’ middle classes may push their leaders toward greater democracy, as in Russia, but Western democracies will also likely become more authoritarian.
Indeed, measured against today’s standards, Charles De Gaulle, Winston Churchill, and Dwight Eisenhower were comparatively authoritarian leaders. The West will have to re-adopt such an approach, or risk losing out globally as its ultra-right and ultra-left political forces consolidate their positions and its middle classes begin to dissolve.
We must find ways to prevent the political polarization that gave rise to totalitarian systems – communist and fascist – in the twentieth century. Fortunately, this is possible. Communism and fascism were born and took root in societies demoralized by war, which is why all steps should be taken now to prevent the outbreak of war.
This is becoming particularly relevant today, as the smell of war hangs over Iran. Israel, which is facing a surge of hostile sentiment among its neighbors in the wake of their “democratic” upheavals, is not the only interested party. Many people in the advanced countries, and even some in Russia, look increasingly supportive of a war with Iran, despite – or perhaps owing to – the need to address the ongoing global economic crisis and failure of international governance.
At the same time, huge opportunities beckon in times of far-reaching change. Billions of people in Asia have extricated themselves from poverty. New markets and spheres for applying one’s intellect, education, and talents are appearing constantly. The world’s power centers are beginning to counterbalance each other, undermining hegemonic ambitions and heralding a creative instability based on genuine multipolarity, with people gaining greater freedom to define their fate in the global arena.
Paradoxically, today’s global changes and challenges offer the potential for both peaceful coexistence and violent conflict. Whether fortunately or not, it is up to us – alone – to determine which future it will be.
Dramatically, the Arab world has been swept by a revolutionary spring, though one that is rapidly becoming a chilly winter. Indeed, for the most part, the new regimes are combining the old authoritarianism with Islamism, resulting in further social stagnation, resentment, and instability.
Even more remarkable, however, are the social (and antisocial) grassroots demonstrations that are mushrooming in affluent Western societies. These protests have two major causes.
First, social inequality has grown unabated in the West over the last quarter-century, owing in part to the disappearance of the Soviet Union and, with it, the threat of expansionist communism. The specter of revolution had forced Western elites to use the power of the state to redistribute wealth and nurture the growth of loyal middle classes. But, when communism collapsed in its Eurasian heartland, the West’s rich, believing that they had nothing more to fear, pressed to roll back the welfare state, causing inequality to rise rapidly. This was tolerable as long as the overall pie was expanding, but the global financial crisis in 2008 ended that.
Second, over the past 15 years, hundreds of millions of jobs shifted to Asia, which offered inexpensive and often highly skilled labor. The West, euphoric from its victory over communism and its seemingly unstoppable economic growth, failed to implement necessary structural reforms (Germany and Sweden were rare exceptions). Instead, Western prosperity relied increasingly on debt.
But the economic crisis has made it impossible to maintain a good life on borrowed money. Americans and Europeans are beginning to understand that neither they, nor their children, can assume that they will become wealthier over time.
Governments now face the difficult task of implementing reforms that will hit the majority of voters hardest. In the meantime, the minority that has benefited financially over the past two decades is unlikely to give up its advantages without a fight.
All of this cannot fail but to weaken Western democracy’s allure in countries like Russia, where, unlike in the West or to a large extent the Arab world, those who are organizing the massive demonstrations against the government belong to the economic elite. Theirs is a movement of political reform – demanding more freedom and government accountability – not of social protest, at least not yet.
A few years ago, it was fashionable to worry about the challenge that authoritarian-style capitalism (for example, in China, Singapore, Malaysia, or Russia) presented to Western democratic capitalism. Today, the problem is not only economic.
Western capitalism’s model of a society based on near-universal affluence and liberal democracy looks increasingly ineffective compared to the competition. Authoritarian countries’ middle classes may push their leaders toward greater democracy, as in Russia, but Western democracies will also likely become more authoritarian.
Indeed, measured against today’s standards, Charles De Gaulle, Winston Churchill, and Dwight Eisenhower were comparatively authoritarian leaders. The West will have to re-adopt such an approach, or risk losing out globally as its ultra-right and ultra-left political forces consolidate their positions and its middle classes begin to dissolve.
We must find ways to prevent the political polarization that gave rise to totalitarian systems – communist and fascist – in the twentieth century. Fortunately, this is possible. Communism and fascism were born and took root in societies demoralized by war, which is why all steps should be taken now to prevent the outbreak of war.
This is becoming particularly relevant today, as the smell of war hangs over Iran. Israel, which is facing a surge of hostile sentiment among its neighbors in the wake of their “democratic” upheavals, is not the only interested party. Many people in the advanced countries, and even some in Russia, look increasingly supportive of a war with Iran, despite – or perhaps owing to – the need to address the ongoing global economic crisis and failure of international governance.
At the same time, huge opportunities beckon in times of far-reaching change. Billions of people in Asia have extricated themselves from poverty. New markets and spheres for applying one’s intellect, education, and talents are appearing constantly. The world’s power centers are beginning to counterbalance each other, undermining hegemonic ambitions and heralding a creative instability based on genuine multipolarity, with people gaining greater freedom to define their fate in the global arena.
Paradoxically, today’s global changes and challenges offer the potential for both peaceful coexistence and violent conflict. Whether fortunately or not, it is up to us – alone – to determine which future it will be.
Sergei A. Karaganov is Dean of the School of World Economics and International Affairs at Russia’s National Research University Higher School of Economics.
.