Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Huyện Quan Hóa gửi công văn hỏa tốc đề nghị được cứu đói

->> Bài 4: Đói lay lắt miền tây Thanh Hóa -08/03/2012-Nhiều nông dân xứ Thanh lại đối mặt với cái đói. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 huyện với 66.537 nhân khẩu đang thiếu lương thực. Ước tính, số gạo cần được cứu tế cho đồng bào thiếu đói là 1.522 tấn. Các hộ đói tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển. Trong đó khu vực miền núi chiếm số đông.  
Đói đến nỗi anh Kiếp phải đếm từng củ sắn trên gác bếp để phân chia cho 4 miệng ăn được 3-5 ngày tới
Bà Phạm Thị Hoa - PCT UBND huyện miền núi Quan Hóa vừa có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc đề nghị được cứu đói cho nhân dân trong thời kỳ giáp hạt tháng 3. Công văn này cho biết, toàn huyện hiện có 18 xã, thị trấn có số hộ đói đến mức báo động đỏ với tổng số 922 hộ (4.610 nhân khẩu). Trước tình hình cấp bách người dân hết gạo ăn, các loại lương thực khác như khoai, sắn, ngô cũng đang cạn kiệt dần nên lãnh đạo huyện Quan Hóa đề nghị tỉnh cứu tế cho nhân dân 207.450 kg gạo trong thời gian 3 tháng với 1 khẩu 15kg/tháng.
Theo PCT Phạm Thị Hoa thì tình hình đói của nhân dân vượt quá khả năng cứu tế của huyện nên rất cần sự cứu trợ của tỉnh. Tuy nhiên, đã sau 10 ngày, hiện công văn này chưa nhận được phúc đáp từ phía cấp trên, đồng nghĩa cái đói của đồng bào cứ thế kéo dài thêm.
Có mặt tại các xã Thanh Xuân, Phú Sơn, Phú Thanh, Trung Sơn, Nam Tiến và Nam Động của huyện Quan Hóa những ngày này mới thấm thía được cái đói đến lay lắt biết nhường nào của đồng bào. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói kéo dài thời gian qua là do người dân ở đây thiếu đất sản xuất để có thể tự túc lương thực. Như xã Thanh Xuân có gần 8 ngàn ha đất tự nhiên nhưng chỉ có 30ha đất nông nghiệp. Vậy thì rất khó để đảm bảo nguồn lương thực cho 2.450 nhân khẩu trong xã hiện nay.
Bên cạnh đó là địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, dân trí thấp, con em ít được học văn hóa và học nghề vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; thêm vào đó là đẻ nhiều đã khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi rẻo cao này khó khăn chồng chất. Tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp là thực trạng chung ở hầu hết các xã ở huyện Quan Hóa. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng ngô, lúa nương trong các năm 2010-2011 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng nên bà con nông dân chưa thể tự túc được lương thực.
Vượt hơn 180km từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đã đến được với đồng bào dân tộc bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa. Con đường từ trung tâm xã vào bản chỉ có 4km nhưng đi mất nhiều thời gian. Xe máy cứ lên số 2 về số 1 gầm rú, qua hết chỗ cua khúc khuỷu này lại qua chỗ cua tay áo kia. Cứ thế sau nhiều đoạn cua thót hết cả tim vì suýt ngã, chúng tôi mới đến được bản Tân Sơn. Ông Hạt - PCT xã thở phào sau khi xe đỗ trước nhà trưởng bản: “Hôm nay trời nắng còn đi vào được sớm chứ gặp phải trời mưa thì sáng đi, chiều mới tới nơi vì không những không chạy được xe máy mà đi bộ cũng hết sức khó khăn”.
Cũng với câu chuyện về đường sá, trưởng bản Phạm Bá Cập bày tỏ: “Ở miền xuôi các xã có điều kiện lại được DN tham gia góp kinh phí cùng nhân dân xây dựng nông thôn. Ở đây vốn dĩ khó khăn, không có DN tài trợ, năm vừa rồi, cả bản quyết tâm mãi mới góp được mỗi hộ 200 ngàn để thuê máy ủi vào đây tạo hình hài một con đường để có chỗ đi lại”.
Rít điếu thuốc lào, mịt mù khói bay, trưởng bản Cập tâm sự: “Đất ít, đá nhiều đã hạn chế rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của đồng bào. Cả bản có 57/138 hộ đói nghèo và riêng thời điểm này có 30 hộ đói lay lắt không thể kiếm đâu ra lương thực mà ăn”.
Được trưởng bản dẫn đường, chúng tôi đến thăm nhà anh Phạm Bá Kiếp, 45 tuổi, một trong những gia đình khó khăn nhất hiện nay của bản. 
Căn nhà tuềnh toàng của anh Phạm Bá Kiếp
Trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát ấy, bố con anh Kiếp đang chuẩn bị bữa tối bằng việc lấy sắn trên gác bếp xuống để nấu. Anh Kiếp cho hay: “Nhà có 4 người mà sắn không còn nhiều nên phải tính xem còn bao nhiêu củ để chia cho từng người trong mấy bữa ăn”. Theo lời anh Kiếp thì mỗi bữa, một người chỉ được một củ sắn luộc mà thôi. Nếu như vậy thì chừng ấy sắn trên gác bếp của nhà anh may chỉ đủ kéo dài 3-5 ngày nữa là cùng. Trong khi nhà không còn thóc, gạo, chẳng có ngô, khoai gì cả. Ở cái tuổi trung niên ấy, ở dưới xuôi người ta khỏe mạnh có thể làm được nhiều việc nặng nhưng với anh Kiếp chỉ việc đứng dậy lấy mấy củ sắn mà lập cập không vững. Thiếu gạo, ngày ngày ăn sắn đã làm sức lực anh ngày một kiệt quệ.
Chúng tôi đến nhà anh Cao Văn Nhâm cùng bản với anh Kiếp. Ngôi nhà sàn lợp bằng lá cọ đã dột nát của anh Nhâm rộng chừng vài chục mét vuông nhưng trong đó có 6 người sinh sống. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa con gái lớn đã bỏ học, ở nhà trông em, giúp bố mẹ làm việc đồng áng. Quần quật quanh năm với một sào ruộng lúa và mấy sào sắn, ngô nhưng lương thực vẫn không đủ cho cả gia đình ăn. Anh Nhâm cho hay, gia đình chỉ có thể tự túc được gạo trong khoảng 2-3 tháng. Thời gian còn lại trong năm là sắn và ngô. 
Anh Cao Văn Nhâm đang bón từng miếng sắn cho hai đứa con nhỏ ăn thay bữa cơm tối
Mỗi bữa ăn của những gia đình nghèo đói ở miền tây Thanh Hóa như bản Tân Sơn mà tôi bắt gặp luôn chỉ có màu bàng bạc sắn và khoai lang. Than ôi, so hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng trong những vụ bê bối liên quan bọn tham nhũng, bọn cơ hội, những đám cưới xa xỉ, những nhóm lợi ích con ông cháu cha dây mơ rễ má mà báo chí vẫn liên tục, liên tục đề cập - chúng ta sẽ thấy một nỗi đau cứa vào thịt da mỗi người. Và không bất ngờ khi đồng nghiệp của tôi phải ngồi sụt sùi khóc với câu hỏi tương lai của đám trẻ nơi đây sẽ ra sao. Đâu là cái văn hóa vì cộng đồng, cái lý của lối sống bác ái bật ra từ nỗi ám ảnh ấy, từ phép so sánh ấy...
Thương nhất là lũ trẻ, chúng chẳng có đủ cơm. Đứa con út của anh hơn hai tuổi, mắt vàng như củ nghệ cắt đôi, ho hanh hách nước mắt choèn ra nhoẹt ướt đôi má xanh phù, ọng nước. Thấy có người lạ, chúng cứ trố mắt ra nhìn. Trong gian nhà bé nhỏ ấy hiển hiện góc bếp choán gần hết nửa diện tích. Căng mắt lên một chút có thể thấy nồi niêu, dao rựa lổn nhổn giữa đống hòm xiểng lăn lóc ở xó nhà. Mùi cứt gián, mùi ẩm mốc, mùi nước đái trẻ con khai khai.
Xung quanh bếp lửa, các con của anh đang háo hức chờ đợi một sự sống nào đó từ trong cái nồi có vẻ to bự kia. Ngọn lửa bốc cháy cao hơn, mùi sắn chui qua khe hở của vung thơm ngọt làm bụng tôi cũng cồn cào huống hồ chi bọn trẻ.
- Sắn cháy. Tôi buột miệng.
Cháy một chút mới ngon, anh bảo thế và nhắc nồi xuống rồi đổ úp vào một cái rổ con con. Anh Nhâm nói: “Nhà hết gạo lâu rồi, cả tháng nay lũ trẻ đều ăn sắn như thế cả. Mời các chú ăn sắn cùng với bố con tôi”. Đồng bào dân tộc vậy đó, đói nhưng sẵn sàng san sẻ. Tôi nhìn bọn trẻ, khuôn mặt của chúng như sáng hẳn lên trong ánh lửa. Thấy lũ trẻ hì hục vừa thổi phù phù vừa cắn ngốn ngấu những miếng sắn mới luộc tôi thấy thương chúng cả tháng nay không biết hạt cơm tròn hay méo. Nhìn chúng hì hục ngốn từng miếng sắn mà lòng tôi quặn thắt và thầm nghĩ biết lúc nào thì dân Tân Sơn có đủ cơm gạo ăn hằng ngày, áo quần ấm áp quanh năm?!
Ước ao có một bữa cơm no của mấy đứa trẻ ở bản Tân Sơn thật khó khăn. Các cháu còn nhỏ, bố mẹ vẫn lam lũ nhưng không đủ gạo. Tôi dám chắc rằng sẽ còn có rất nhiều đứa trẻ ở nơi này đang có những khát khao như thế, chúng không ước ao gì khác ngoài được bữa cơm no thay cho khoai và sắn. Chẳng lẽ cái dạ dày và sự háu đói của các cháu đã quen với sự đạm bạc mãi thế sao? Ăn vẫn ngon, vẫn hết vèo cả củ sắn lớn hơn tay chân của chúng. Những năm tháng thơ ấu vẫn có vẻ như an bình dù các cháu hầu như không biết đến thịt, trứng, sữa hay thứ lương thực, thực phẩm nào khác ngoài cơm trắng một vài tháng, trong khi khoai, sắn lại cứ dài dài...
-

Thiếu gạo trầm trọng, nhiều hộ dân ở thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá phải đào khoai ăn độn hàng ngày. Ảnh: An B
--- Cận cảnh cái đói xứ Thanh
 Kỳ 1: Đói trên giấy!
TP - Nhiều năm liên tiếp được mùa vượt mức kế hoạch với sản lượng trên 1,6 triệu tấn quy thóc, tỉnh Thanh Hóa có sản lượng lương thực lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 6 cả nước. Mỗi năm có hơn 30 vạn tấn lương thực dư thừa… Thế mà, kỳ giáp hạt này Thanh Hóa lại rộ lên chuyện 'đói gay gắt, đói trên diện rộng' với 93.810 hộ quy ra nhân khẩu đói là 243.000 người.

 Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh (thứ hai từ phải sang) thăm một gia đình nghèo ở bản Ngàm, huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa
            Ảnh: Hữu  Ngôn
Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh (thứ hai từ phải sang) thăm một gia đình nghèo ở bản Ngàm, huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa Ảnh: Hữu Ngôn.
 
Đói thì có đói...
Lúa chắc xanh, hạt rưng rưng mẩy. Phập phồng phấp phỏng qua mấy đợt rét, đợt hạn tưởng hạt thóc vụ chiêm xuân vuột khỏi tay người nông dân xứ Thanh nhưng may mắn, lại chắc ăn một vụ lúa nữa dẫu bây giờ chưa thể xanh nhà hơn già đồng. Chính vì những đỏng đảnh của thời tiết như thế mà vụ chiêm xuân dôi dư ra gần một tháng đã khiến cho xứ Thanh mang tiếng! Tiếng là đói gay gắt, đói trên diện rộng. Thực trạng là thế nào?
Ban ngày lang thang ngó lúa má của mấy vùng trọng điểm lúa Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương…; đêm ngồi với ông Nguyễn Đình Xứng, Giám đốc Sở NN& PTNT Thanh Hóa giật mình khi biên lại những con số sản lượng lương thực vượt mức của xứ Thanh 5 năm qua.
Nội cái năm 2010, bình quân lương thực có hạt là 475 kg/người trong đó thóc là 400kg/đầu người. Miền núi là 393 kg/người trong đó lúa là 284 kg/người. Ven biển là 406 kg/người, lúa là 366 kg/người. Nghe đâu vượt cả tiêu chuẩn của FAO? Con số nối con số nhưng câu hỏi tại sao đói vẫn chưa được kiến giải rốt ráo?
Qua ông Xứng, được biết đại loại, về tổng thể Thanh Hóa thừa lương thực. Từng vùng, từng miền, từng nhóm hộ... có cung cách sử dụng, tiêu thụ lương thực khác nhau. Tập quán tích cốc phòng cơ dự trữ lương thực hầu như không còn trong mỗi gia đình xứ Thanh. Vụ chiêm xuân do thời tiết hết hạn lại rét nên đã chững muộn trên nửa tháng. Nên đã xảy ra cái đói cục bộ!
Tôi đến cái nơi phát ra thông tin 93.810 hộ đói quy ra nhân khẩu là 243.000 người. Đó là Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa. Chưa kịp hỏi chuyện bà Giám đốc Sở Nguyễn Thị Thanh Xuân thì đã bị... phỏng vấn ngược: Nhà báo tính xem với số dân Thanh Hóa là 3.461.000 người. Cứ cho con số 93.810 hộ với 243 ngàn người bị đói là chính xác, thì tỷ lệ đói chỉ là 0,7 % so với dân số toàn tỉnh. Vậy đã chuẩn và thỏa đáng chưa khi nói Thanh Hóa đói trên diện rộng?
Với lại, không thể cộng cả con số nhiều xã vùng cao của mấy huyện miền núi Thanh Hóa được hưởng tiêu chuẩn 135 (giai đoạn 2) nhiều năm nay Nhà nước cấp 15 kg gạo/ nhân khẩu (những xã này nằm trong diện trên 60 xã đặc biệt khó khăn của cả nước được trợ cấp thường xuyên nhiều năm). Còn nói đói gay gắt là thế nào? Qua thống kê điều tra, chưa thấy có hộ nào đứt bữa?
Hỏi kỹ thì lại thêm một cái giật mình! Hóa ra con số 93.810 hộ đói không phải cái anh làm truyền thông nào đó tùy tiện sáng tác ra mà là con số qua thống kê vội vã của các địa phương gửi về Sở! Vội vã là bởi chưa tìm hiểu, điều tra chính xác cụ thể những hộ đói của từng thôn, bản, làng, xã theo tiêu chí của đợt cứu đói này nên đã xảy ra tình trạng khai vênh khai khống? Khuôn khổ bài báo hạn chế nên không thể biên ra đây những chuyện cười ra nước mắt của việc bình xét tiêu chuẩn nghèo mới.
Được vào diện nghèo là một... đặc ân bởi hộ nghèo được hưởng nhiều tiêu chuẩn ưu tiên. Khi bình bầu không hiếm chuyện lệch lạc thiếu khách quan từ cấp cơ sở. Với chuẩn nghèo khắt khe như vậy còn lệch lạc, còn lọt lưới nữa là việc cứu đói diễn ra một cách chốc lát, thời vụ như thế này? Đơn cử một chuyện nhỏ: Đợt cứu trợ gạo dịp Tết Tân Mão, Sở LĐ-TB&XH đã thu hồi 870 kg gạo ở thôn Đào, xã Điền Quang, huyện Bá Thước giao cho 18 hộ thực sự khó khăn. Thu hồi bởi thay vì chia cho 18 hộ, địa phương lại chia đều cho 500 khẩu trong thôn.
Theo như tường trình của bà Xuân, đúng là có xảy ra đói cục bộ tại một số xã nhưng có lẽ không đến con số 93.810 hộ đói? Nói có lẽ bởi chưa điều tra. Sở LĐ-TB&XH đang khẩn trương tiến hành. Nhưng những người có trách nhiệm dường như đã giật mình khi một số huyện trình lên con số dân đói lẫn mức phân bổ gạo cứu đói. Chẳng hạn như huyện Thọ Xuân xin 217 tấn ( tính con số tròn), Nga Sơn xin 244 tấn, Yên Định 40 tấn, Tĩnh Gia 238 tấn...
Giật mình bởi những huyện này, ít nhiều vốn là vựa lúa của tỉnh, tỷ lệ hộ đói nghèo không phải là cao nhưng bỗng dưng sao lại đói thế này? Thế là kiểm tra thực tế và có sự điều chỉnh. Chắc những người can dự vào việc điều chỉnh này phải lo ngay ngáy nhỡ ra có hộ nào đứt bữa đói lả thì khốn! Nhưng may thay chưa có điều tiếng kêu ca nào lẫn không có chuyện ai lử lả vì đói.
Cận ngày bầu cử, một số địa phương (huyện) báo cáo xin chưa nhận số gạo cứu trợ đã được phân bổ với lý do bận cho việc bầu cử QH và HĐND và còn phải đợi việc điều tra chính xác số hộ số nhân khẩu thực sự đói... Thế mới hay cán bộ cơ sở xa cơ sở thế nào?
Lại nữa, xử lý lẫn công bố con số thống kê vội vã những hộ và nhân khẩu bị đói trong đợt giáp hạt này mà chưa qua thẩm định điều tra, có lẽ là sự vội vã tùy tiện lẫn quan liêu và để lại nhiều hệ lụy không hay cho cả xứ Thanh?
Sắp chín rộ lúa chiêm xuân ở Thanh Hóa
Sắp chín rộ lúa chiêm xuân ở Thanh Hóa.
 
100 hộ bị biến thành... 1.708 hộ đói!
Gặp ông Lò Đình Múi, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn qua điện thoại, giọng ông bất ngờ gay gắt: “Quan Sơn cũng có thiếu đói nhưng không nhiều, kiểm tra lại thì không đến mức độ như nhân viên ở xã báo cáo. Có khoảng trên dưới 100 hộ bị thiếu đói ở Quan Sơn thôi”. (Tôi giật mình ngó vào bản thống kê Phân bổ gạo cứu đói thời kỳ giáp hạt năm 2011 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh lập qua báo cáo của các địa phương. Tổng số hộ dân của Quan Sơn là 7.800 hộ. Số hộ bị đói là 1.708 hộ).
Theo ông Mùi, các huyện miền núi nói chung và Quan Sơn nói riêng, diện tích canh tác lúa rất ít, gặp kỳ giáp hạt cũng có túng đói. Bà con khắc phục bằng cách khai thác luồng, nứa để bán mua gạo. Cũng có những hộ neo người không đi khai thác nứa, luồng được nên rơi vào cảnh túng đói.
Chúng tôi nối máy với ông Cầm Bá Quân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân. Ông Quân cho rằng thông tin về chuyện đói gay gắt là không đúng!
Lại cũng có ý kiến phản ánh rằng, Thanh Hóa để xảy ra đói trên diện rộng, đói gay gắt là do người dân phải gồng mình nạp đủ mọi loại phí? Những là thủy lợi phí, dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, quỹ VHXH, quỹ y tế dân nuôi, quỹ tình nghĩa, quỹ quốc phòng, quỹ bảo hiểm chăn nuôi. Đó là cấp xã, còn cấp thôn thì bà con cũng bị thu thủy lợi phí, bảo vệ nội đồng, công cán bộ, quỹ văn hóa xã hội, quỹ hành chính đoàn thể, quỹ phục vụ hội nghị thôn, quỹ môi trường, quỹ thắp sáng công cộng...
Cụ thể là phản ánh của mấy hộ xã viên ở xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Chúng tôi đã làm việc với ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Xứng, Giám đốc Sở NN& PTNN Thanh Hóa. Ông Xứng cho biết, đã kiểm tra xem xét nhưng không đến mức và không đúng hiện trạng chính quyền ép dân đóng thuế sai quy định và có nhiều những khoản đóng góp vô lý.
Ông Việt thẳng thắn, nếu chính quyền xã thôn làm sai chúng tôi sẽ phải nghiêm trị. Nhưng dù cho một Quảng Châu sai, và nhiều xã của huyện này huyện khác làm sai cũng không góp nên làm nên một thứ đói gay đói gắt trên diện rộng ở Thanh Hóa! Bà con nông dân mình bây giờ không như trước cộng với quy chế dân chủ nông thôn lâu nay họ không bao giờ nhắm mắt và cam chịu đóng góp nhiều khoản vô lý như thế?
Về Thanh, nghe có những chuyện đói đến lạ lùng vô lý. Công trình thủy điện Cửa Đạt có dung lượng chứa nước 1.45 tỷ m3 đang được xây dựng khẩn trương. Khi xây dựng đập Cửa Đạt, một số hộ phải di dời. Số tiền đền bù đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của họ lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Nhiều hộ vừa nhận được tiền đền bù đất thì không biết ở đâu xuất hiện đám đầu nậu số đề! Mà nghe đâu từ Hà Nội về! Chúng len lỏi trong thôn, ngồi lê la ở hàng quán rồi tung người ra rủ bà con chơi đánh đề. Chỉ trong vòng mấy tháng, những người từng cầm trong tay cả trăm triệu đồng tiền đền bù đất đã phải đi mua gạo nợ, rồi đi đào củ mài, đi bốc đá thuê cho công trình thủy điện Cửa Đạt!?
Bữa tiện đường ghé qua quê, may mắn cái làng Lon heo hút của tôi đa phần là hộ nghèo nhưng không có ai đói, chưa có hộ đứt bữa. Ông chú tôi loạt xoạt giở một tờ báo đã nhàu nát: Này anh, Thủ tướng hỗ trợ đợt I cho 5 tỉnh là 4.995 tấn gạo. Đợt II là 11.657 tấn gạo cho ngần ấy tỉnh. Thôi thì những địa phương như Gia Lai chỉ được cấp có 400 tấn, dân chắc không đến mức đói gay gắtđói trên diện rộng như Thanh Hóa.
Nhưng Quảng Bình (được cấp xấp xỉ với Thanh Hóa) và Nghệ An gần như gấp đôi liệu có đói gay gắtđói trên diện rộng như xứ Thanh không? Ở những địa phương ấy, thực trạng lẫn bài học kinh nghiệm khắc phục để giảm bớt khó khăn cho Nhà nước ra sao không thấy báo nào nói đến mà chỉ thấy chú mục vào Thanh Hóa? Tôi thấy khi đưa thông tin có lẽ chưa hẳn cần một tấm lòng mà trước tiên cần sự bình tĩnh và công tâm cái đã...
Xuân Ba

 - Cận cảnh cái đói xứ Thanh - Kỳ 2
Đàn vịt và cây cao su tiểu điền

TP - Bây giờ đang rộ lên phong trào xóa nghèo bền vững nhưng gần mươi năm trước, khái niệm ấy đã xuất hiện và không ít địa phương đã thoát được đói giảm được nghèo. Nhưng sao vẫn ỳ ạch ở nhiều nơi, đặc biệt là những tỉnh được Thủ tướng cấp gạo cứu đói ngay sát ngày bầu cử, trong đó có Thanh Hóa?
Nông dân xã Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thu hoạch mủ cao su
Nông dân xã Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thu hoạch mủ cao su.
Năm đã xa, trong một cuộc họp trọng, được chứng kiến chất giọng khàn khàn nhưng cảm khái của ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Huy Ngọ khi bộc bạch với Thủ tướng Phan Văn Khải rằng để xóa nghèo không thể bằng cách cứ đổ tiền đổ gạo này khác! Thủ tướng hôm đó nối thêm, triển khai thêm cái ý ấy rằng việc đưa tiền gạo cũng chỉ là giải pháp tình thế, phải có những phương cách xóa nghèo bền vững!
Cao su vực Thạch Thành
Buổi qua Thạch Thành, huyện miền núi địa đầu xứ Thanh ngồi với ông Đỗ Minh Quý, Bí thư huyện ủy cũng khá ấn tượng. Thạch Thành, một huyện có truyền thống túng thiếu triền miên. 140 ngàn dân trong đó trên 50% dân tộc Mường.
Theo chuẩn nghèo mới, Thạch Thành đương gặp thứ nan giải là có tới 40% hộ nghèo. Nghèo nhưng tình thế không phải bi đát tắc tỵ mà có lối thoát! May mắn Thạch Thành có trên 1.700 ha cao su, hầu hết là cao su tiểu điền đã cho thu hoạch mủ 4 năm nay.
Ông Bí thư Quý khóa trước là chủ tịch huyện, từng tháo vát năng nổ trong phong trào trồng cao su tiểu điền. Một ha cao su trên đất dốc (đất xấu đầu thừa đuôi thẹo) bỏ rẻ cũng cho thu hoạch trên 50 triệu đồng. Mỗi ha cao su như thế liên tục tạo việc làm trong 6 tháng cho gần chục lao động mà mỗi ngày chỉ làm 4 tiếng đã có thu nhập trên 800 ngàn đồng/ tháng. Có thể nói, với thời giá hiện tại, 115 triệu đồng một tấn mủ cao su (năm 2007 chỉ 18 triệu/tấn), chưa có thứ nông sản nào được giá như thế.
Ngoài cao su, Thạch Thành còn có trên 6.000 ha mía của hàng trăm hộ là vùng nguyên liệu quan trọng cho nhà máy mía đường Đài Loan. Nhiều hộ xóa được hẳn nghèo vươn lên khấm khá rồi làm giàu bằng việc trồng cao su, mía, nuôi bò.
Hàng ngàn lao động tự do nhàn rỗi không chỉ của huyện Thạch Thành mà nhiều huyện khác như Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa và nhiều địa phương khác đã tìm đến chăm sóc thu hoạch mía, cao su. Hơn 15 ngàn lao động được thu hút vào cây cao su và mía của Thạch Thành.
Biên ra mấy việc như thế để thấy xoay quanh cây mía và cao su của Thạch Thành đã nhỡn tiền việc khó có thể xảy ra trình trạng thiếu đói gay gắt diện rộng trên địa bàn huyện Thạch Thành trong thời kỳ giáp hạt hiện nay. Đó là chưa kể, cận ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII, 140 tấn gạo cứu trợ của chính phủ vừa áp sát đến những hộ đói theo báo cáo thống kê (tất nhiên như kỳ trước đã nói, con số ấy chưa qua thẩm định xem xét?)
40% số hộ nghèo của Thạch Thành chắc cũng đắp đổi tránh được cái đói gay gắt vào những lúc nông nhàn đi làm thuê làm mướn cộng với số gạo trợ cấp? Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế cầm hơi để Thạch Thành duy trì và phát sinh mãi cái nghèo từ tỷ lệ 40% ấy! Cách xóa đói giảm nghèo bền vững của Thạch Thành?
Bí thư Quý cho biết, Thạch Thành hiện tại cơ cấu có 27% nông nghiệp. Sang năm tới kiên quyết đưa xuống 20%. Cụ thể giảm 1.000 ha lúa để chuyển sang trồng mía, trồng cao su, trồng cỏ nuôi bò. Khoảng 10 ngàn lao động sẽ được thu hút vào địa hạt chuyển dịch cơ cấu và lao động công nghiệp. Chỉ giữ mức 350 kg lương thực/ người/ năm (hiện tại là 450 kg/ người/ năm).
Bí thư Quý cho biết thêm, nếu cứ tình trạng chăn nuôi hộ nhỏ lẻ và mọi khoản chi tiêu trông chờ vào cây lúa, hạt thóc thì Thạch Thành vẫn luẩn quẩn mãi không thể thoát nghèo, mỗi kỳ giáp hạt cái đói vẫn lơ lửng và úp chụp lên đầu người dân.
Ông dẫn ra những hộ làm lúa cự phách thu nhập đến mươi mười lăm tấn lúa mỗi vụ nhưng vẫn nghèo vẫn bị cái đói bủa vây rình rập. Đơn giản mọi khoản chi tiêu đều trông vào việc bán thóc. Giật mình với con số cứ 10 tấn thóc thì 9 tấn dùng cho các khoản chi tiêu...
Tôi biên vào sổ thông tin cái ý mà Bí thư Quý nói (kèm theo động tác chém gió khá kiên quyết) rằng, bây giờ phải bỏ cái tư duy dai dẳng của người làm nông là phải đạt bao nhiêu tấn trên một ha canh tác mà phải thay bằng tư duy mới. Đó là cung cách chuyển dịch cơ cấu để có tiền triệu, nhiều triệu đồng trên mỗi ha!
Đã có kha khá những cái chém gió hùng hồn như thế nhưng khi bắt tay vào việc thì lại trật lấc? Nhưng với riêng Thạch Thành, đã có đối chứng, đã có kinh nghiệm cộng với sự hỗ trợ chăm chút của tỉnh, của cả trung ương. Việc xóa đói giảm nghèo bền vững với Thạch Thành có lẽ trong tầm tay của địa phương? Nhớ bữa gặp ông Trịnh Văn Chiến - chủ tịch tỉnh Thanh Hóa.
Ông say sưa trình bày về mô hình cao su tiểu điền của Thạch Thành và từ hiệu quả của Thạch Thành đang nhân rộng ra khắp Cẩm Thủy, Như Xuân... Phấn đấu năm 2015, mấy huyện miền núi sẽ có 20 ngàn ha cao su. Hiện tại mới có 11.000 ha. Trước mắt, để khai hoang nhân rộng diện tích trồng cao su, mỗi hecta tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 9 triệu đồng.
Có lẽ không phải một sớm một chiều tâm lý trông chờ ỷ lại được khắc phục thì Thanh Hóa, nhất là miền núi, mới có thể thoát nghèo? Thói quen ấy, tâm lý ấy, không phải phổ biến nhưng lại có sức ỳ và lan tỏa tệ hại. Mà miền núi, vùng cao xứ Thanh bao đời vẫn là mối lo đau đáu, là bao vấn đề cộm cán về kinh tế xã hội... Thì đã đành có chuyện quan đần thì dân khổ! Nhưng một bộ phận dân, mà phổ biến ở vùng cao miền núi, vùng xa vùng sâu vẫn nặng tâm lý trông chờ ỷ lại thì ngoài việc tự làm khổ mình còn làm khổ cho... tỉnh nữa?
Giận thì giận mà thương càng thương. Lên vùng cao xót xa khi thấy dân đói nhưng cứ ngồi cứ nằm hút thuốc lào, uống trà vặt. Hỏi ra mới biết đang phải đợi đám lao động dưới xuôi lên để chặt nứa chặt cọ bán lấy tiền mua gạo mua rượu.
Công xá tính thế này, cứ hai cây luồng, hai tàu cọ thì người chặt thuê được hưởng một nửa! Đã có những âm lượng hơi bị lớn của ông cán bộ bản, cán bộ thôn rằng, cứ từ từ, khắc chính phủ đem gạo lên thôi mà (!?)
Người dân xã Công Liêm, huyện Nông Cống, nhận gạo cứu trợ lúc giáp hạt
            Ảnh: Báo Thanh Hóa
Người dân xã Công Liêm, huyện Nông Cống, nhận gạo cứu trợ lúc giáp hạt.
Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Hướng đi của đàn vịt Cổ Lũng
Vịt Cổ Lũng của huyện Bá Thước là thứ đặc sản nổi danh. Đã đành là rất thú khi được ngồi chắp bằng trên sàn nhà đưa cay bằng thứ hấp thứ nướng cùng những mảng tiết canh đông như thạch! Nhưng sẽ còn thú hơn khi mỗi vụ vịt dẫn hàng ngàn con vịt thịt giống Cổ Lũng vượt gần trăm cây số về với hàng chục nơi tiêu thụ như thành phố Thanh Hóa chẳng hạn?
Thú bởi công sức kinh nghiệm dày dặn của bà con dân tộc trên đây nuôi, thứ vịt quý sẽ nhanh chóng quy đổi thành tiền, rất nhiều tiền và nếu cần cả hàng hóa đối lưu. Đường sá thời buổi này đâu diệu vợi như trước? Ấy thế mà vận động nài nỉ mãi, thứ đặc sản nổi danh này vẫn không thể trở thành hàng hóa được, mặc dù đầu ra rộng rãi thênh thang...
Trên đây là trích ngang câu chuyện của một thương lái chuyên đi săn thứ hàng độc cho các quán nhậu thành phố. Nghe như có hơi hướng khẩu khí của anh cán bộ vùng xuôi lên vùng cao để làm công tác xóa đói giảm nghèo? Mà xứ Thanh đang tiềm ẩn nhiều thứ thoát nghèo như giống vịt Cổ Lũng.
Năm nào cũng phải chìa tay xin chính phủ trợ cấp trong khi sản lượng lương thực luôn vượt mức? Có lẽ trước nhất khâu cán bộ phải là nguồn động lực chủ yếu để xứ Thanh giải thoát qua bi kịch này.
Đã và đang thực sự là một cuộc chiến với những sức ỳ lẫn thói quen xa lạ với cung cách kinh tế thị trường, việc xóa nghèo bền vững mới có cơ tiến triển. Dè dặt, chầm chậm từng bước...
Bên cạnh những gắng gỏi bền bỉ ấy, còn phập phồng hy vọng mai kia nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn nhất nước Việt được đưa vào vận hành thì mới là cú hích thực sự là sức lan tỏa của một trung tâm kinh tế động lực để các vùng miền xứ Thanh thoát nghèo một cách bền vững?
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân cả nước. Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các địa phương. Đời sống dân vùng sâu vùng xa, bãi ngang, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn.
Đến năm 2015, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 3,6%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 88%. Lồng ghép có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình dự án khác. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 3-4 %.
(Nguồn: UBND tỉnh Thanh Hóa- Kế hoạch phát triển KTXH& QPAN 5 năm 2011-2015 tỉnh Thanh Hóa)
Xuân Ba


- Thanh Hóa: Nhanh chóng cấp 2.049 tấn gạo cứu đói cho dân
 
Nhân dân xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, Thanh Hóa nhận gạo cứu trợ. Ảnh: An Bình.
SGTT.VN - Sáng 17.5, sở Lao động, thương binh và xã hội Thanh Hóa cho biết, để giải quyết thiếu đói cho dân, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1471 phê duyệt phương án hỗ trợ 2.049 tấn gạo cho các hộ thiếu đói trên địa bàn tỉnh.

Số gạo này chủ yếu cấp cho các huyện nghèo như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Như Xuân, Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước...
Song song với việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo, trong thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động các tổ chức, cá nhân, huy động nguồn lực tại chỗ, trích nguồn kinh phí bảo đảm xã hội đã được phân bổ năm 2011 để mua gạo trợ cấp cho dân kịp thời, không để bất cứ người dân nào bị đói.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan, các huyện, thị xã cấp gạo cứu trợ phải thực hiện theo phương châm: gạo cứu đói đến tận tay người bị đói, theo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch từ cơ sở; đảm bảo các tiêu chí sử dụng gạo cứu đói đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng định lượng, kịp thời gian, không chia bình quân; cách thức hỗ trợ gạo cứu đói phải do UBND xã tổ chức cấp trực tiếp cho các đối tượng, không giao cho trưởng thôn, bản cấp gạo.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai việc cấp gạo cứu trợ đến tận tay các hộ thiếu đói, đúng đối tượng, kịp thời hỗ trợ người dân trong kỳ giáp hạt năm 2011. Mỗi người dân được cấp 15 kg gạo.
Tin bài liên quan:
AN BÌNH

Dân nghèo nghẹt thở vì đóng góp

Bố con anh Nguyễn Hữu La và người vợ bị bệnh tâm thần hơn chục năm nay


Cách đây không lâu, NNVN phản ánh thông tin "Xứ Thanh đói trên diện rộng". Nhiều người đã sốc trước việc có tới 214 ngàn nhân khẩu xứ Thanh bị đói, trong khi có số liệu cho rằng tổng sản lượng lương thực của Thanh Hóa những năm gần đây đều đạt trên 1,6 triệu tấn/năm. Trở lại câu chuyện này, chúng tôi tìm nguyên nhân dẫn tới cái nghèo, cái đói của người dân nơi đây.


Choáng váng các khoản đóng góp

Dân đói đến mức như thế nhưng chính quyền một số nơi trong tỉnh Thanh Hóa vẫn thu của dân nghèo nhiều khoản đóng góp vô lý.

Chúng tôi có mặt tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương đúng lúc UBND xã này vừa họp với các ngành, đoàn thể và các thôn để thống nhất về các khoản thu trong dân ở vụ chiêm xuân. Theo một cán bộ ở đây cho biết thì các khoản thu của vụ này không có gì khác so với những năm trước.

Mặc dù lúa ngoài đồng hiện nay, một số diện tích ở gần sông Đơ, bị nhiễm mặn, chết 6- 7ha; một số diện tích tiếp giáp với sông Mã thì liên tục bị ngập úng và chất thải từ TP Thanh Hóa đổ về nên cây lúa sinh trưởng không tốt. Vậy mà, trong khi 1.254 nhân khẩu của 378 hộ dân của xã Quảng Châu đang bị thiếu gạo ăn, nhiều hộ xảy ra đứt bữa, chưa biết bấu víu vào đâu thì ở trên chính quyền đã bàn tính đến các phương án thu của dân.

Lạ thay, nhiều khoản thu đã được Chính phủ và UBND tỉnh yêu cầu bãi bỏ, không thu của dân nữa nhưng chính quyền xã Quảng Châu vẫn cứ thu suốt bao năm nay.

Theo phản ánh của người dân xã Quảng Châu, cứ sau vụ thu hoạch thì chính quyền xã sẽ đến thu các khoản đóng góp của dân mà không bỏ sót một đối tượng nào trong xã, kể cả cụ già đến trẻ nhỏ, hay người không làm ruộng, bệnh tật, ốm đau, nghèo đói hay lũ lụt, mất mùa...

Nghèo đến mức như gia đình anh Nguyễn Hữu La ở thôn Xuân Phương 2; vợ anh bị tâm thần hơn chục năm nay rồi mà xã vẫn thu biết bao nhiêu khoản đóng góp vô lý. Phải nói rằng, gia cảnh anh La nghèo đến mức kiệt quệ, tài sản trong nhà không có một thứ gì đáng giá. Vợ thì bị bệnh nặng, không có tiền thuốc thang, không đủ gạo ăn, con cái bỏ học đi làm cửu vạn, số tiền nợ 26 triệu đồng của ngân hàng và các cá nhân cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con suốt mấy năm nay mà không thể trả được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì mỗi vụ sản xuất như vậy, nhân dân Quảng Châu đều phải nộp một lượt cho xã và một lượt cho thôn.

Để bạn đọc hiểu được nỗi lòng của dân nghèo và để cho những cán bộ cấp trên thấy được sự cần thiết phải sát dân hơn nữa, thấu hiểu cho nỗi nhọc nhằn nơi quê nghèo, chúng tôi xin liệt kê các khoản dân Quảng Châu phải nộp cho chính quyền nơi đây như sau. Thu theo đầu sào: Thủy lợi phí 10kg/sào, dịch vụ thủy nông 2kg/sào, bảo vệ thực vật 3kg/sào. Thu theo đầu khẩu: quỹ văn hóa xã hội 8.000đ/khẩu, quỹ y tế dân nuôi 5.000đ/khẩu. Thu theo đầu hộ: Quỹ tình nghĩa 5.000đ/hộ, quỹ quốc phòng 10.000đ/hộ, quỹ bảo hiểm chăn nuôi 10.000đ/hộ.




Người dân Quảng Châu cho biết, nếu thời tiết thuận lợi thì sản xuất một sào lúa đạt năng suất bình quân 2,6 tạ. Nếu tính chi phí đầu tư: cày bừa 130.000đ, tiền tuốt 40.000đ, giống 100.000đ, thuốc BVTV 40.000đ, phân bón: 150.000đ đạm, 130.000đ lân và 140.000đ kali. Không kể tiền công của người dân thì tổng chi phí hết 730.000đ/sào. Như vậy, nhìn vào các khoản chi phí đầu tư để có được hạt thóc, đến danh mục thu của chính quyền xã và thôn ở Quảng Châu thì sẽ thấy một hạt thóc phải gánh biết bao nhiêu mức phí và các loại quỹ. Thử hỏi, còn đâu thóc nữa mà ăn?


Ở các thôn trong xã cũng thu theo kiểu các đầu như thế. Cụ thể, đến thôn, thu đầu sào như sau: Thủy lợi phí 7kg/sào, bảo vệ nội đồng 3kg/sào, công cán bộ 2kg/sào. Thu theo đầu khẩu: quỹ văn hóa xã hội 3kg/khẩu, quỹ hành chính đoàn thể 1kg/khẩu, quỹ phục vụ hội nghị của thôn 1kg/khẩu, quỹ môi trường 0,5kg/khẩu. Thu theo đầu hộ: cứ 6 tháng một lần thu 5kg/hộ quỹ phục vụ điện thắp sáng công cộng.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, một cán bộ thành thực nói rằng: Kể cả mất mùa thì dân cũng phải đóng góp đủ các khoản do xã và thôn đề ra. Cho nên nhiều gia đình vừa kết thúc vụ thu hoạch cũng là lúc bắt đầu đi đong nợ gạo để ăn. Ngay như nhà anh La, bắt đầu ăn gạo đong từ tháng 9 năm ngoái. Không chỉ có ăn gạo đong, hiện nhà anh còn nợ các khoản đóng góp của xã và thôn với số thóc tương đương 2,7 triệu đồng.

Anh La tâm sự: “Nhà nghèo quá, hết gạo ăn từ tháng 9/2010 nên nhiều hôm đứt bữa. Đến dịp Tết vừa rồi, gia đình được trợ cấp 45kg gạo. Sau Tết đến nay, bữa rau, bữa cháo nhưng vẫn không thể thoát ra được cảnh đứt bữa. Vợ thì bị tâm thần chục năm nay rồi. Hai đứa con lớn đã bỏ học đi làm cửu vạn nhưng chúng cũng không nuôi đủ mình. Đứa con út đang học lớp 8 nhưng cũng đang muốn bỏ vì số tiền đóng nộp cho nhà trường đến nay còn thiếu 600.000đ nữa, cô giáo cứ hỏi hoài nên ngại không muốn đi học. Tôi cũng ốm yếu, đi làm thêm được đồng nào thì lo thuốc thang và cơm cháo qua ngày cho vợ và đứa con nhỏ. Nhìn vợ ốm đau, con cái không được học hành, bữa cơm no cũng không có nên tôi thấy tủi thân vô cùng. Lam lũ mãi mà cũng không đủ ăn, bất lực quá”.

Thiếu ăn, đâu phải do anh La không chịu làm. Ở Quảng Châu, hộ anh La đâu phải là cá biệt, còn biết bao hoàn cảnh éo le như thế. Tỷ lệ 12% hộ nghèo và hiện có 378 hộ cần được cứu tế gạo khẩn cấp trong thời điểm này cũng đã nói lên rõ điều đó.

Gia cảnh chị Vũ Thị Nghiêu được anh Khanh, trưởng thôn Xuân Phương, ví là nghèo rớt mồng tơi. Cách đây 2 năm, chồng chị đi làm đồng bị cảm rồi chết. Đứa con gái lớn thương bố mẹ đành bỏ học để đi làm thuê nhưng cũng bị tai nạn mất đi. Cuộc sống gia đình chị càng túng bấn hơn khi lao động chính không còn. Chồng và đứa con gái lớn mất để lại chị và 3 đứa con thơ dại. Bốn miệng ăn trong nhà quanh năm bấu víu vào 860 m2 ruộng khoán. Chị Nghiêu nói: “Thú thực với anh, quần quật mãi mà cũng không đủ ăn. Làm chưa đầy hai sào ruộng, thóc thu được chẳng là bao nhưng lại có bao nhiêu việc nhìn vào đó. Cho nên nợ nần cứ chồng chất, bữa cơm, bữa cháo cho qua ngày mà không biết rồi đây tương lai của mấy cháu nhỏ của tôi sẽ ra sao”.

Chúng tôi không biết những lời than vãn ấy của anh La, chị Nghiêu đã đến tai cán bộ xã Quảng Châu hay chưa, còn chúng tôi khi đối mặt với họ và nhìn vào cái danh mục thu nộp sản phẩm của chính quyền ở đây thì thấy xót xa.

Thiên tai, tăng giá

Đói ở đây không phải vì người dân lười biếng hay đói một cách triền miên mà sự thật họ rơi vào thế lực bất tòng tâm. Đói đột xuất, đói trên diện rộng. Vì sao đói, có nhiều lý do nhưng xin thưa: Sản xuất vụ mùa năm ngoái gặp quá nhiều khó khăn do thời tiết hạn hán kéo dài, nhiều diện tích không cấy lúa được phải chuyển sang hoa màu ngắn ngày nhưng năng suất, sản lượng giảm.

Ở miền núi, lúa - ngô đều thất thu. Ở ven biển, nước mặn xâm thực nên ngoài diện tích lúa chết, số còn lại năng suất sụt giảm. Còn sản xuất vụ chiêm xuân năm nay rét đậm, rét hại kéo dài đã có rất nhiều diện tích lúa bị chết, phải cấy lại nên đã đẩy thời gian thu hoạch trà xuân sớm chậm hơn 15 - 20 ngày. Điều đó dẫn đến tình trạng đói giáp hạt càng diễn ra trên diện rộng hơn. Một thực tế đối với ngư dân vùng biển thời gian này là giá xăng dầu tăng cao nên ở các bãi biển Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Hoằng Hóa… phần lớn tàu thuyền không ra khơi.

Không ra khơi thì không có tiền đong gạo. Một số xã như Quảng Nham, Ngư Lộc không có một mét vuông đất để trồng lúa. Khi biển động hay giá xăng dầu tăng lên là ngư dân thất thu. Giải pháp là vay nợ lãi ngân hàng hay nợ lãi cao cắt cổ của cá nhân để vươn ra biển kiếm tôm cá về nuôi vợ con. Ấy là còn kiếm được chút ít, chứ đánh bắt không gặp may thì coi như chuyến đi đó đã tạo thêm gánh nặng nợ nần cho cả gia đình.

Những tháng gần đây, tình hình giá cả các mặt hàng đều đồng loạt tăng giá, trong đó lương thực, thực phẩm tăng một cách chóng mặt nên càng làm cho đời sống của người dân thêm khó khăn hơn. Đã có không ít gia đình phải ly hương, con cái bỏ học để đi làm cửu vạn vì nhà không đủ điều kiện cho ăn học....


- 5 địa phương được hỗ trợ gạo kỳ giáp hạt

Hôm qua (12/5), Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 4.995 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để hỗ trợ nhân dân trong dịp giáp hạt năm 2011 và cứu đói cho hộ nghèo thiếu đói do bị hạn hán.


Cụ thể, tỉnh Kon Tum được hỗ trợ 1.450 tấn;  Hà Giang 1.345 tấn; Lào Cai 500 tấn; Yên Bái 1.500 tấn và Gia Lai 200 tấn.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh sử dụng số gạo được để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cho nhân dân cứu đói; báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện để các Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp sử dụng sai quy định, không đúng đối tượng, không sử dụng hết số gạo được cấp phải có trách nhiệm hoàn trả để đưa vào dự trữ quốc gia.

Được biết, trong đợt hạn hán hồi tháng 3 vừa qua đã gây thiệt hại hàng ngàn ha cây trồng các loại cho các tỉnh ở Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Thời điểm đó, toàn tỉnh Kon Tum đã có hơn 560 ha cây trồng bị hạn và khoảng 1.800 ha cây trồng khác cũng đang có nguy cơ bị hạn cao. Tại Gia Lai, nhiều sông, suối ở tỉnh này đã bị cạn kéo theo hàng ngàn ha cây trồng tại các huyện trong tỉnh như Ia Grai, Chư Prông, Chư Pưh... đối diện với nguy cơ chết héo.




Cấp gần 5.000 tấn gạo cứu đói (Dân Việt)

(Dân Việt) - Hôm qua (12.5), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ 4.995 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để hỗ trợ nhân dân trong dịp giáp hạt năm 2011 và cứu đói cho hộ nghèo thiếu đói do bị hạn hán.

Cụ thể, tỉnh Kon Tum được hỗ trợ 1.450 tấn; Hà Giang 1.345 tấn; Lào Cai 500 tấn; Yên Bái 1.500 tấn và Gia Lai 200 tấn.

D.H

- Thanh Hóa thiếu đói mùa giáp hạt  —  (RFA).

- Thanh Hoá: thiếu đói từ miền xuôi lên miền ngược (SGTT).

SGTT.VN - Đã lâu lắm rồi bà con nông dân nghèo ở các huyện từ miền biển, trung du đến các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hoá mới phải đối mặt với cái đói trên diện rộng như năm nay. Hàng chục ngàn hộ dân nơi đây đang thiếu đói lương thực.

Chạy ăn từng bữa

Chúng tôi về xã ven biển Đa Lộc – điểm nóng trong mùa đói giáp hạt của huyện Hậu Lộc vào những ngày này. Cánh đồng lúa chiêm xuân thời điểm này lẽ ra đang vào thời kỳ làm đòng, nhưng giờ chỉ còn lơ thơ vài gốc rạ. Đồng lúa cằn cỗi bởi vùng đất này nhiễm mặn nặng. Trên nhiều thửa ruộng, đến cỏ cũng không mọc được.

Ông Vũ Văn Đỉnh, phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: vụ chiêm xuân năm 2011, toàn xã gieo cấy được 250ha lúa, nhưng đến thời điểm này đã chết và mất trắng 150ha. Đất nhiễm mặn nặng một phần lớn, còn thêm đợt gieo cấy tết Tân Mão gặp rét đậm, rét hại.

Từ năm 2008 đến nay, năm nào Đa Lộc cũng bị mất trắng gần một nửa diện tích lúa nước và cây màu các loại do đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng. Độ mặn trên diện tích đất nông nghiệp của xã nhiều nơi đã lên tới 5‰. Do bị mất mùa nhiều năm qua, nên hiện nay Đa Lộc có tới 1.500 hộ/2.300 hộ dân đang bị thiếu đói lương thực gay gắt, cần sự cứu trợ của Nhà nước.

Đến thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình đang phải đào khoai lang non để ăn độn vì thiếu gạo. Gia đình ông Vũ Văn Bản, 64 tuổi cũng hết gạo ăn nhiều tháng nay, do gieo cấy một sào lúa nhưng bị mất mùa hoài. Hàng ngày, ông Bản và vợ phải lăn lộn ở ven biển đi bắt con cáy bán lấy tiền đong gạo. Đã lâu lắm rồi vợ chồng ông Bản không biết đến ăn bữa sáng. Chật vật kiếm tiền cả ngày chỉ đủ mua vài ống gạo. Hai bữa chính, mỗi bữa ông bà chỉ ăn cơm độn khoai lang với canh rau và mắm cáy. Nhiều hôm, hai ông bà phải bấm bụng đi ký nợ gạo ở các đại lý. Có lúc ký nợ nhiều, các chủ đại lý gạo e ngại, vợ chồng ông Bản đành nhịn đói.
Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện nay tại 21/27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực, gồm huyện: Bá Thước 14.072 nhân khẩu, Cẩm Thuỷ 12.671 nhân khẩu, Mường Lát 9.049 nhân khẩu, Quan Sơn 8.200 nhân khẩu, Quảng Xương 21.940 nhân khẩu, Thạch Thành 19.906 nhân khẩu, Ngọc Lặc 16.667 nhân khẩu, Nga Sơn 16.284 nhân khẩu, Tĩnh Gia 15.915 nhân khẩu...

Gia đình bà Vũ Thị Thuận (54 tuổi) cũng ở thôn Đông Tân còn cám cảnh hơn. Ba năm mất mùa triền miên vì hai sào ruộng cấy lúa không có thu hoạch. Không may, năm ngoái chồng bà là ông Nguyễn Văn Minh lại bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, hiện không còn khả năng lao động. Ba đứa con của bà Thuận phải bỏ học giữa chừng, ra Hà Nội làm thuê kiếm tiền thuốc thang cho bố và mua gạo ăn hàng ngày cho gia đình. “Cả năm nay gia đình tôi phải chạy gạo ăn từng bữa”, bà Thuận nói. Cảnh đong gạo ăn từng bữa, bấp bênh đang là nỗi lo thường trực của bà con nông dân ở xã nghèo ven biển Đa Lộc.

Tại các huyện vùng biển khác như Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, các loại cây trồng như lúa, bắp, đậu các loại đều bị chết, hoặc giảm năng suất cũng do đất bị nhiễm mặn nặng. Bên cạnh đó, do giá xăng dầu và vật tư đầu vào tăng cao, nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản nằm bờ, nên bà con ngư dân thiếu gạo ăn là điều khó tránh khỏi.

Còn tại huyện vùng cao Mường Lát – địa phương trọng điểm của thiếu đói lương thực ở Thanh Hoá, ông Lương Văn Bường, chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trên địa bàn hiện có tới 1.878 hộ (9.049 nhân khẩu, chiếm gần 1/3 số người của huyện) đang thiếu đói gay gắt. Nguyên nhân chính là đồng bào ở đây thiếu đất sản xuất lúa nước, đất nương rẫy để có thể tự túc lương thực. Toàn huyện hiện chỉ có 560ha đất nông nghiệp cấy được lúa nước, trên tổng số hơn 30.000 nhân khẩu ở nông thôn. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng bắp, lúa nương trong năm 2010 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng. Chúng tôi đến xã Mường Lý (huyện Mường Lát) – xã nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá với tỷ lệ hộ đói nghèo còn trên 80% khi mùa đói giáp hạt đang ở diện rộng. Bữa cơm trưa của gần 300 em học sinh địa phương trọ học ngay cạnh trường THCS Mường Lý chỉ có cơm gạo xấu ăn với măng rừng, chan nước trắng. Thầy Trần Văn Hào – hiệu trưởng trường THCS Mường Lý cho biết: “Các em học sinh trọ học cạnh trường chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, nhiều em thiếu gạo ăn...”

Xin cứu trợ


Nhiều thửa ruộng ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá bị nhiễm mặn, lúa chiêm xuân chết hết. Ảnh: An Bình

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Chiến, phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho hay, đối với huyện Mường Lát, UBND tỉnh đã giao cho sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập đội công tác đặc biệt để giúp Mường Lát phát triển kinh tế – xã hội. Đội công tác này sẽ triển khai ngay việc giúp Mường Lát tập trung khai hoang để mở rộng diện tích đất cấy lúa nước, trồng bắp, lúa nương; lựa chọn các loại cây màu phù hợp, con giống phù hợp hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện phát triển kinh tế, từng bước đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống.

Đối với các huyện ven biển có diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng, ảnh hưởng lớn đến cây trồng, UBND tỉnh đã và đang tích cực đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhằm dẫn nước ngọt về thau chua, rửa mặn để trong những vụ tới bà con nông dân các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc có thể gieo cấy lúa, trồng các loại cây màu trên diện tích đất nông nghiệp lâu nay bị nhiễm mặn. Hiện nay, nhiều hệ thống thuỷ lợi ở huyện Nga Sơn, Hậu Lộc đã hoàn thành.

Ngày 5.5, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Vương Văn Việt đã ký công văn số 2592/UBND-DTMN gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ gạo cứu trợ nhân dân Thanh Hoá trong thời kỳ giáp hạt năm 2011. Đợt này, tỉnh Thanh Hoá xin Trung ương hơn 2.048 tấn gạo để cứu trợ cho 71.395 hộ (136.574 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực thời kỳ giáp hạt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách mua gạo cứu đói cho nhân dân.

bài và ảnh: An Bình

- Hơn 240.000 dân Thanh Hóa thiếu đói (Tuổi trẻ).
* Sẽ sớm cấp gạo cho dân

TT - Tháng 5, mùa giáp hạt lại đến với bà con nông dân xứ Thanh. Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - thương binh và xã hội Thanh Hóa, từ 21 huyện, thị xã thì cả tỉnh có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực.


Thiếu gạo, nhiều gia đình ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phải dùng cả ngô giống để trên gác bếp xay ra ăn trừ bữa - Ảnh: H.Đồng


Các hộ thiếu đói mùa giáp hạt này tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển. Riêng bảy huyện miền núi nghèo nhất tỉnh đang được thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ gồm Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân là những địa phương có số hộ thiếu đói lương thực nhiều nhất.

Ông Phạm Bá Điểm, phó chủ tịch UBND huyện vùng cao biên giới Mường Lát - một địa phương trọng điểm của thực trạng thiếu đói lương thực ở Thanh Hóa, cho biết: “Ngoài số hộ ở các bản biên giới thiếu đói thường xuyên, hiện đang được trợ cấp gạo với mức 15kg/nhân khẩu/tháng thì trên địa bàn huyện hiện có tới 1.878 hộ (9.049 nhân khẩu, chiếm gần 1/3 số người của huyện) đang thiếu đói gay gắt”.


Mất mùa trên diện rộng

Tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp là thực trạng chung ở hầu hết các xã như Mường Lý, Mường Chanh, Quang Chiểu, Trung Lý của huyện Mường Lát. Toàn huyện Mường Lát hiện chỉ có 560ha đất nông nghiệp cấy được lúa nước, trong khi có hơn 30.000 nhân khẩu ở nông thôn, nên thường xuyên thiếu lương thực. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng ngô, lúa nương trong năm 2010 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng nên bà con nông dân ở huyện này chưa thể tự túc được lương thực.

Ông Lý Seo Dế (ở bản Poom Khuông, xã Tam Chung, huyện vùng cao Mường Lát) cho biết: “Hiện nay bản có 55 hộ (hơn 300 nhân khẩu) thì có tới hơn 40 hộ cần sự trợ cấp gạo của Nhà nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói kéo dài thời gian qua là do người dân ở đây thiếu đất sản xuất lúa nước, đất nương rẫy để có thể tự túc lương thực”.
Tại các huyện vùng biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, nguyên nhân dẫn đến bà con nông dân thiếu đói cục bộ là do thời gian qua diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị nhiễm mặn nặng, các loại cây trồng như lúa, ngô, đậu sau khi trồng đều bị chết hoặc giảm năng suất.

Chiều 4-5, bà Nguyễn Thị Lý - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa - cho biết: “Sau khi nắm bắt được tình hình nhân dân đang bị thiếu đói ở các địa phương, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập sáu đoàn kiểm tra tại 21 huyện, thị xã của tỉnh và lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp ngay 3.700 tấn gạo để cứu đói cho số nhân khẩu nêu trên.

Hiện nay, UBND tỉnh đang yêu cầu các huyện phải báo cáo tình hình thực tế xem huyện có thể tự cân đối để cấp gạo cứu đói cho dân tại địa phương mình được hay không. Nếu các huyện không tự cân đối được, UBND tỉnh sẽ dùng ngân sách tỉnh hoặc xin hỗ trợ từ trung ương để sớm cấp gạo cứu đói cho nhân dân trong thời gian sớm nhất. Ngày mai, ngày kia (tức ngày 5 và 6-5), UBND tỉnh sẽ họp để giải quyết vấn đề này”.

Trong tháng 1- 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phân bổ 4.300 tấn gạo (của Chính phủ hỗ trợ) cứu đói cho nhân dân trên địa bàn dịp Tết Tân Mão. Số gạo này được cấp cho 283.689 nhân khẩu đang thiếu lương thực (mức 15kg gạo/nhân khẩu).

HÀ ĐỒNG

- Cấp gạo cứu đói, cán bộ xã “ký thay” dân (Dân Việt).
(Dân Việt) - Dịp Tết Tân Mão vừa qua, cán bộ xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa đã tự tiện ký thay cho các hộ dân nghèo được cấp gạo.
Mỗi khẩu nhận 2-3kg gạo

Theo phản ánh của các hộ nghèo xã Ái Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), trong dịp Tết Tân Mão vừa qua, cán bộ xã Ái Thượng đã cấp gạo cứu đói cho dân không đúng hướng dẫn của Nhà nước.


Ông Trương Ngọc Tinh- Phó Chủ tịch UBND xã Ái Thượng làm việc với PV NTNN.

Gia đình ông Trương Văn N ở làng Vèn, xã Ái Thượng là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả hai vợ chồng ông đều mắc bệnh hiểm nghèo. Khi được hỏi về số gạo do Nhà nước cứu đói dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vợ ông N cho biết: “Trước Tết, nghe ông trưởng thôn thông báo lên UBND xã nhận gạo cứu đói, tôi cũng bê thúng lên nhận. Nhà tôi chỉ có hai ông bà già, các con đã tách hộ ở riêng, nên cán bộ xã cấp cho 6 cân gạo về ăn”.

Khi chúng tôi đến UBND xã Ái Thượng, ông Trương Ngọc Khuyến - Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Việc cấp gạo cứu đói cho những gia đình đặc biệt khó khăn trong dịp Tết Tân Mão vừa qua, địa phương đã thực hiện đúng và cấp đầy đủ theo chỉ tiêu mỗi khẩu 15 kg gạo”.


Văn bản cấp gạo được cán bộ UBND xã Ái Thượng mạo chữ ký của dân.

Ông Khuyến cũng cho biết thêm, theo số liệu các thôn bình xét, UBND xã đã trình lên huyện và được nhận 15.150kg gạo, để cứu đói cho 1.010 khẩu trong xã. “Vấn đề cấp gạo Tết, đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn tất và gửi toàn bộ hồ sơ lên UBND huyện, chúng tôi sẽ chỉ đạo cán bộ chính sách gửi danh sách cấp gạo đang lưu cho các anh”- ông Khuyến khẳng định.

Cán bộ ký thay dân

Khi cầm tập danh sách cấp gạo cứu đói dịp Tết Tân Mão do ông Bùi Văn Phượng - cán bộ Chính sách xã cung cấp, chúng tôi dễ dàng phát hiện có tới 253 hộ gia đình trong danh sách ấy đều chung một nét bút ký nhận gạo. Thì ra, ông Bùi Văn Phượng đã tự tiện mạo chữ ký của từng hộ dân được cấp gạo để cung cấp cho chúng tôi. Ngoài việc ông Phượng mạo chữ ký của dân, còn có sự tham gia ký tên, đóng dấu của Phó Chủ tịch UBND xã Trương Ngọc Tinh.

Điều đáng nói ở đây là, trong danh sách ký khống của cán bộ xã có những hộ “được nhận” tới 135 kg (tức 9 khẩu x 15 kg gạo).

Khi được hỏi vì sao ông Trương Ngọc Tinh lại ký tên, đóng dấu vào văn bản do cán bộ chính sách mạo chữ ký của người dân, thì ông Tinh chống chế: “Do danh sách đã gửi hết lên huyện, nên khi các anh hỏi, chúng tôi đành in ra và ký vào đó để gửi cho các anh” (?!).

Thế nhưng, làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, chúng tôi mới biết rằng, vấn đề cấp gạo cứu đói cho dân ở xã Ái Thượng đến nay vẫn chưa quyết toán được, vì UBND xã chưa gửi hồ sơ và danh sách lên huyện.

Như vậy, rõ ràng là UBND xã Ái Thượng đã cố tình cấp gạo cho dân không đúng đối tượng và không đủ số lượng. Do đó, khi cấp gạo, đã không có chữ ký của các hộ dân vào danh sách. Điều đáng nói ở đây là, trong danh sách ký khống của cán bộ xã có những hộ “được nhận” tới 135 kg (tức 9 khẩu x 15 kg gạo).

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Quy- Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, khẳng định: “Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý dứt điểm vấn đề này. Nếu ai làm sai, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc. Còn việc cán bộ chính sách mạo chữ ký của dân để ký khống vào danh sách cấp gạo, huyện sẽ chỉ đạo kỷ luật cán bộ này, kể cả Phó Chủ tịch - Trương Ngọc Tinh”.

Hồng Đức

-Kiếp sau xin chớ làm Người....(Vietnam Boyz - Mafiovi)


...làm con bướm đốm dưới Trời mà .....đeo
còn nếu phải làm Người thì - at least -  đừng làm Người Thanh Hóa.


À, mà sao không nhờ ông đồng hương To Như Rứa, cựu Trg Ban Tuyên-Giáo về tuyên cho một hồi, đỡ đói, bà con?

ttngbt Blog
NN via viet-studies
***********************************************



T. Barnett recommends you to harm your brain and soul: to read on Centre for a Sinuous Conspiracy
It demands us all to think serious, guys; damn serious: a wake-up call for America to get its fiscal house in order and quickly find new sources of economic dynamism if it is not to cede its preeminence to a rising, perhaps already risen, China.
But in the meantime, Chinese chicken has found a fang, but fang can't make from chicken a boar
- But, what's if...- after all - Chinese chicken can turn into a boar?
-  It isn't a matter, guys. Without America, we (Vietnam, Japan, India) will roast it. Roast, that's all. Believe you me, guys.
That's Why
1/ We must:
1.1/ According Lomonosov, Chinese chicken needs in energy to continue development, ergo, it will use its fangs.
1.2/ The nature of Chinese chicken - I said - is that: you all  must die for my life.
2./ We can:read a little on Vietnam's, Japan's and India's History, guys.




That's just about meat for my lunch, now it's about my money, guys: Despite all of meow and bow-wow, the dollar is the worst possible currency, except for all the others. Ha ha.....
I wonder if Will the World erupt like Egypt, David? That's why I said: the time to shake the Africa, the Latino, the Middle, the Central Asia down and up, guys.

WP via viet-studies
Diplomat
WP via RCW

-Xứ Thanh đói trên diện rộng(NN 27-4-11)

* 241.558 nhân khẩu bị đói

NNVN số ra hôm qua (26/4) có bài "Đa Lộc đói". Tuy nhiên, cái đói không chỉ diễn ra chỉ ở Đa Lộc (Hậu Lộc- Thanh Hóa) mà đang lan rộng ở  tỉnh Thanh.

Ngày 9/4/2011, GĐ Sở LĐ- TBXH tỉnh Thanh Hóa đã có công văn khẩn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo tỉnh có biện pháp cấp bách ứng cứu đói cho hàng chục ngàn hộ dân trong thời điểm đói giáp hạt. Tuy nhiên, đến thời điểm này văn bản đó vẫn chưa nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh. Chính vì thế tình trạng người dân đói, đứt bữa đang diễn ra trên diện rộng của tỉnh một cách đáng báo động. Con số mà ngành LĐ- TBXH nắm được cho đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện có 241.558 nhân khẩu của 93.283 hộ dân đang rơi vào diện đói gay gắt.

Trước Tết Nguyên đán, Thanh Hóa được TW hỗ trợ gạo cứu đói với tổng số 4.300 tấn. Toàn bộ số gạo này đã được cấp phát đến cho các đối tượng để có gạo ăn Tết. Tuy nhiên, sau Tết tình hình giá cả các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm đều đồng loạt tăng giá khiến đời sống người dân, đặc biệt là dân cư vùng nông thôn càng khó khăn hơn. Sở LĐ-TB-XH tỉnh này đã thành lập 6 đoàn đi kiểm tra tình hình đời sống của người dân và nhận thấy trong số 27 huyện, thị, TP của tỉnh thì có 6 huyện cam kết tự cân đối được nguồn lương thực để cứu đói cho nhân dân. Số còn lại đang rất cần sự hỗ trợ từ phía các ngành, các cấp. Theo tính toán, với 241.558 nhân khẩu đang bị đói cần khoảng 3.759 tấn gạo tiếp tế để giải quyết tạm thời giai đoạn đói giáp hạt này.

Bà Nguyễn Thị Lý- PGĐ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Qua kiểm tra, đối tượng đói giáp hạt phần lớn tập trung vào các huyện miền núi và vùng ven biển. Trong đó, 7 huyện nghèo thuộc vùng 30a được coi là trọng điểm của kỳ đói giáp hạt này”. Bà Lý liệt kê số nhân khẩu bị đói ở các huyện cụ thể như sau: Quảng Xương 21.940 người, Thạch Thành 19.906 người, Ngọc Lặc 16.667 người, Nga Sơn 16.284 người, Tĩnh Gia 15.915 người, Bá Thước 14.072 người, Cẩm Thủy 12.671 người, Mường Lát 9.042 người, Quan Sơn 8.200 người…



Ngày hôm qua (26/4), ông Mai Văn Ninh- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đi thị sát tại xã Đa Lộc của huyện Hậu Lộc. Ông Mai Văn Ninh chia sẻ những thiệt hại mùa màng của nhân dân và động viên mọi người cùng đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các Sở: KH-ĐT, Tài chính, NN- PTNT căn cứ vào nguồn kinh phí chống hạn của TƯ để ưu tiên bố trí kinh phí chống hạn cho huyện Hậu Lộc và hỗ trợ nhân dân bơm nước chống hạn. Yêu cầu huyện Hậu Lộc và các xã rà soát lại các hộ thiếu đói, đề xuất với các ngành chức năng của tỉnh kịp thời hỗ trợ gạo cho nhân dân một cách sớm nhất.


Các huyện Hậu Lộc, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, TP Thanh Hóa, TX Bỉm Sơn thì cam kết sẽ tự cân đối được nguồn lương thực để ứng cứu cho đồng bào. Song như NNVN hôm qua có bài: “Đa Lộc đói” thì thấy công tác cứu trợ cho số đồng bào bị đói ở các xã vùng ven biển của huyện Hậu Lộc hiện vẫn chưa thực làm được như cam kết.

Qua kiểm tra tình hình lúa chiêm xuân trên địa bàn của tỉnh, từ miền núi đến đồng bằng, ven biển, chúng tôi thấy thời vụ đã bị đẩy lên so với dự kiến ban đầu của ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Sang- PGĐ Sở NN - PTNT tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Diện tích lúa chiêm xuân trà sớm sẽ trổ chậm hơn 17- 20 ngày so với khung thời vụ. Chính vì thế phải cuối tháng 5 lúa mới có thể cho thu hoạch”. Điều này cho thấy công tác cứu đói cho đồng bào thời kỳ này cần phải được tính đến một cách kỹ lưỡng.






Hôm nay, giá nhiều hàng hóa “phi nước đại”  (VNN 1-5-11)  -- Cái kiểu này thì CPI tháng 5 sẽ còn "phi mã" nữa!

Tổng số lượt xem trang