(Dân Việt) - Bà Trương Thị Do, 71 tuổi, vợ liệt sĩ trú tại thôn Cống Trúc, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa có đơn tố cáo ông Lê Bá Thúy ở cùng thôn kéo hơn 20 người mặc áo tù nhân đến đập phá tan tành nhà bà.
Bà Do cho biết, năm 1992, bà được UBND xã Quảng Ninh cấp cho mảnh đất 260m2 và ngõ vào khoảng 30m2. Sau đó, bà xây một ngôi nhà cấp 4 để ở và thờ chồng là liệt sĩ Lương Ngọc Giản và em chồng là liệt sĩ Lương Ngọc Thản.
Không hiểu vì lý do gì, ngày 27.7.2010, ông Thúy chở đất chặn ngõ ra vào nhà bà. Đến ngày 18.1.2011, trong lúc bà Do đi vắng, ông Thúy cùng em trai là Lê Thái kéo hơn 20 người mặc áo tù đến đập phá ngôi nhà. Tất cả những vật kiến trúc trên thửa đất và hai bàn thờ liệt sĩ bị phá tan tành.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Do đã làm đơn gửi chính quyền xã Quảng Ninh và nhiều cơ quan pháp luật của tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giải quyết vụ việc. Nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào vào cuộc. Mất nhà, bà Do phải sống lang thang, khi ở nhà người thân, khi ở nhờ hàng xóm. Chồng và em chồng bà không nơi thờ cúng.
Làm việc với chúng tôi UBND xã Quảng Ninh, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã cho biết, nhận được đơn của bà Do, chúng tôi lập ban giải quyết khiếu nại để điều tra, xác minh sự việc. Nhưng vì bà Do nay ở chỗ này, mai ở chỗ kia... nên công tác điều tra phải dừng lại.
Đến ngày 18.1.2011, trong lúc bà Do đi vắng, ông Thúy cùng em trai là Lê Thái kéo hơn 20 người mặc áo tù đến đập phá ngôi nhà. Tất cả những vật kiến trúc trên thửa đất và hai bàn thờ liệt sĩ bị phá tan tành.
Ông Phạm Văn Giáp - Trưởng Công an xã thừa nhận: "Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã xuống hiện trường lập biên bản và những người xung quanh xác nhận là có 2 công an và một số người mặc áo sọc trắng đen đến phá dỡ nhà bà Do".
Ông Dũng cho biết thêm: Sở dĩ có việc ông Thuý đập phá nhà bà Do là do… nhầm. Nhà và đất của bà Do liền kề với đất của con rể ông Thúy tên là Thịnh. Vì làm ăn thua lỗ, Thịnh bị ngân hàng xiết nợ mảnh đất trên. Sau nhiều lần mua đi bán lại, ông Thuý là người mua cuối cùng. Khi đập khu nhà trên, ông Thuý đã đập… nhầm sang nhà của bà Do.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng Công an huyện Quảng Xương cho biết: Công an huyện đã nhận được văn bản báo cáo của Công an xã nhưng xử lý vụ việc này thuộc thẩm quyền xã. Còn việc có công an và tù nhân tham gia đập phá nhà bà Do, ông Sơn thừa nhận là có, nhưng đấy là người của các trại giam. Khi các phạm nhân sắp mãn hạn được ra ngoài cải tạo lao động. Đương nhiên, có tù lao động thì phải có công an đi quản lý.
Lời giải thích của ông Trưởng Công an huyện Quảng Xương là không có sức thuyết phục, thậm chí là vô trách nhiệm. Dù bất kỳ lý do gì cũng không thể biện minh việc đưa tù nhân đi phá nhà dân. Dư luận đòi hỏi Công an huyện Quảng Xương và cơ quan quản lý trại giam những tù nhân nói trên có câu trả lời nghiêm túc.
Trần Thụ