Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Vẫn còn 25.000 trẻ em VN phải lao động nặng nhọc

-- Vẫn còn 25.000 trẻ em VN phải lao động nặng nhọc (Lao động).
Mặc dù pháp luật VN cấm sử dụng lao động trẻ em (LĐTE) dưới 15 tuổi nhưng ở cả nông thôn lẫn thành thị, trẻ em vẫn phải “nai lưng” ra làm những công việc vất vả. Hiện có khoảng 25.000 trẻ em VN phải lao động trong điều kiện tồi tệ nhất.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho hay tại lễ mittinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em sáng nay 10.6
Trụ cột gia đình từ tuổi lên.. 10
Em Lù Thị Lứ (xã Lao Chải, Sa Pa, Lào Cai) mới 12 tuổi nhưng đã từng rong ruổi khắp cung đường du lịch ở Sa Pa để bán đồ lưu niệm cho du khách.
Lứ đang học lớp 7 nhưng em cho biết đi bán hàng từ khi mới 10 tuổi. Mỗi ngày, khi tan học về Lứ lại cuốc bộ 6-7 km theo chân các đoàn khách du lịch để kiếm tiền mua gạo. Cùng với Lứ, có rất nhiều trẻ em khác ở xã Lao Chải này không biết tự khi nào đã trở thành lao động chính trong nhà. Bươn chải kiếm sống, xung quanh các em có không ít cạm bẫy ẩn họa vẫn luôn rình rập.
Trẻ em cần được học tập và sống trong môi lường lành mạnh. Ảnh minh họa.
Trẻ em cần được học tập và sống trong môi lường lành mạnh. Ảnh minh họa.
Kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Bộ LĐTBXH về tình hình lao động trẻ em ở 8 tỉnh thành trọng điểm (Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Lai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và Hồ Chí Minh) cho thấy, LĐTE vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Đáng lưu ý là khoảng 50% trẻ em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Trung bình, trẻ em làm việc 4-5 giờ một ngày và thậm chí đôi khi đến 6 giờ hoặc cao hơn. Trong trường hợp đặc biệt, tại các cơ sở may mặc, chế biến thực phẩm trẻ phải làm 8-9 giờ, thậm chí 10-12 giờ/ngày.
Ở VN, LĐTE vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mặc dù luật pháp VN cấm sử dụng LĐTE dưới 15 tuổi nhưng trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị. Chủ sử dụng lao động thường chọn LĐTE vì chúng dễ tìm kiếm, tiền công thấp và dễ sai bảo.
Theo nhận định của những người làm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em thì chính sự nghèo đói, gia tăng dân số nhanh ở các thành phố lớn, công nghiệp hoá, đô thị hoá, vấn đề di cư đến các đô thị phát triển… là những nhân tố góp phần làm gia tăng LĐTE.

VN sẽ xóa bỏ LĐTE vào năm 2016
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thống kê, trên thế giới hiện có 215 triệu LĐTE, trong đó có 115 triệu em đang làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn và đạo đức, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ em. Hàng năm, ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12.6) đều “khẩn thiết” kêu gọi kêu gọi toàn cầu đấu tranh để xoá bỏ vấn nạn này.
Ở nước ta, mặc dù số trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã giảm từ trên 68.000 em (năm 2005) xuống còn trên 25.000 em (năm 2009) nhưng việc giải quyết tình trạng LĐTE vẫn còn là thách thức lớn khi VN còn nghèo và chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói.
"VN sẽ nỗ lực cố gắng xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2016"- bà Ngân nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: “Vấn đề LĐTE không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể về xóa bỏ LĐTE và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế. Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi, bạo lực và bóc lột lao động trẻ em để không còn tái diễn những trường hợp tương tự như em Bình ở Hà Nội, em Hào Anh ở Cà Mau”.
“VN sẽ nỗ lực cố gắng xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2016 như một lộ trình toàn cầu tất yếu đang được nhiều quốc gia hưởng ứng”- bà Ngân nói thêm.
Tuy nhiên, bà Ngân cũng cho rằng, mức độ xử lý các đối tượng lạm dụng sức lao động ở trẻ em và bạo hành trẻ em vẫn còn quá nhẹ, chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, xử phạt hành chính. Đã đến lúc cần phải căn cứ và các quy định của Bộ Luật lao động để xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi bóc lột LĐTE và sử dụng LĐTE không đúng pháp luật.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, các bậc cha mẹ chấm dứt việc bắt con em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. “Chủ sử dụng lao động không phải trực tiếp ký hợp đồng với trẻ em mà là ký hợp đồng với cha mẹ, người thân của chúng. Thậm chí, có trường hợp cha mẹ lấy tiền trước mà không cần biết công việc của con em mình như thế nào khiến trẻ rơi vào tình trạng đói khổ”- bà Ngân trăn trở.
Mọi trẻ em đều được đến trường và hưởng các các dịch vụ xã hội
Tất cả trẻ em đều được và cần phải được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này chỉ được thực hiện khi tất cả trẻ em đều có điều kiện đi học đầy đủ, được giáo dục và được hưởng các dịch vụ xã hội thiết yếu. Tại VN, Chính phủ đã đưa vấn đề quan trọng này vào các chương trình, chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục nâng cao năng lực ở cấp quốc gia trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được phê duyệt và để đảm bảo mọi trẻ em được đến trường và hưởng các các dịch vụ xã hội.
“Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm – Hãy chấm dứt lao động trẻ em!” là chủ đề chính của Ngày thế giới phòng chống LĐTE năm nay kêu gọi cộng đồng  sớm chấm dứt tình trạng trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Bà Rie Vejs-Kjeldgaard – GĐ Văn phòng ILO tại VN.
Dương Hải

Tổng số lượt xem trang