Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Bước Khẽ Tới Người Thương... Mã Lai Á Chạm Ngõ

-Bước Khẽ Tới Người Thương...Nguyễn Xuân Nghĩa- Việt Tribune 100608 

Mã Lai Á Chạm Ngõ 

   Thủ tướng Mã Lai Á Najib Tun Rajak


Sau hàng loạt những vụ khiêu khích của Trung Quốc ngoài Đông hải (xin xem lại bài "Lưỡi Bò Như Lưỡi Dao" vào tuần trước), tờ China Daily của Bắc Kinh trong số ra ngày tám Tháng Sáu lại có một bài viết rất ngộ. Tác giả xưng danh Cung Kiến Hoa, Giáo sư Phân khoa Chính trị và Hành chính Công cộng của Quảng Đông Hải dương Đại học, đã mở đầu như sau:

"Việt Nam và Phi Luật Tân đã tăng cường lực lượng hải quân của họ bằng cách bơm dầu từ biển, đồn trú binh lính tại nơi chiến lược và dùng nguồn lợi dầu khí để tài trợ quân sự. Trong vụ tranh chấp tại Trung Nam Hải, chiến lược chung của hai nước là một thách đố lớn cho nguyên tắc của Trung Quốc là 'giải trừ tranh chấp và truy tìm việc phát triển chung'."

Cung Kiến Hoa cũng là tên của Thị trưởng thị xã Nghi Xuân trong tỉnh Giang Tô. Không biết có là nhiệm vụ mới của cùng một người không, nhưng tác giả hoàn tất nhiệm vụ một cách xuất sắc. Là chọc cười thiên hạ bằng cách diễn giải sự việc như vậy. Khôi hài không kém là khi nhà "học giả" giải thích thêm: "Dù đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc là rộng lớn, dù bờ biển của lục địa và của các hải đảo là dài, nhưng vẫn còn nhỏ nếu so với dân số". 

Viên giáo sư vừa nhân danh Trung Quốc phát minh ra một cách xác định đặc quyền kinh tế trên vùng biển quốc tế là căn cứ trên nhân khẩu. Chúng ta không có thời giờ luận bàn về chuyện xuẩn như vậy, nên xin nhìn qua hướng khác.

Qua Mã Lai Á (Malaysia).


***

Bên lề cuộc mạn đàm tuần qua - một thứ "talk shop" quốc tế - do viện IISS của Anh tổ chức lần thứ 10 tại Khách sạn Sangri-La ở Singapore, người ta nói nhiều đến lời phát biểu của các Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và hai vị tương nhiệm của Bắc Kinh và Hà Nội, là Thượng tướng Lương Quang Liệt và Trung tướng Phùng Quang Thanh. Nói nhiều vì là những phát biểu chẳng có gì đáng kể.

Nhưng có một cuộc gặp gỡ trong "Thượng đỉnh An ninh Á châu" lại ít được chú ý: hôm mùng ba, ông Gates gặp Thủ tướng Mã Lai Á Najib Tun Razak. Tin này, chỉ thấy báo chí Kuala Lumpur nhắc tới mà thôi. Khi tìm hiểu thêm, ta thấy ra nhiều sự lạ:

Từ ít lâu nay, các giới chức cao cấp của Mỹ đã gặp gỡ lãnh đạo Mã Lai Á và việc lặng lẽ tăng cường quan hệ giữa hai nước dường như đã có kết quả.

Đó là Chính quyền Kuala Lumpur vừa gửi một phái đoàn y tế đến góp phần phát triển A Phú Hãn, dù có tượng trưng thì cũng là chuyện chưa từng thấy. Mã Lai Á còn bước ra khỏi vị trí quan sát viên để trực tiếp tham gia cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp Cobra Gold do Hoa Kỳ và Thái Lan vẫn định kỳ tiến hành. Và vừa quyết định mở rộng phạm vi áp dụng các quy định của Liên hiệp quốc nhằm ngăn cấm việc mua bán vật liệu liên quan đến võ khí tàn sát, gọi là WMD.

Từ tháng 10 năm ngoái, Mã Lai Á còn xin tham gia Hiệp định Tự do Thương mại Liên Thái bình dương trong khuôn khổ hợp tác Trans-Pacific Partnership (TPP). Do Chile đề xuất năm 2005 cùng Tân Tây Lan (New Zealand), Singapore và Brunei, sáng kiến TPP nhắm vào việc lập ra khu vực tự do mậu dịch Á châu Thái bình dương. Về sau, Úc, Mỹ, Peru, Mã Lai Á cùng Việt Nam đã xin tham dự, và đang ở trong tiến trình thương thảo với sự thúc giục của phía Mỹ. Một hiệp định tự do mậu dịch không có Trung Quốc!

Phần mình, Hoa Kỳ đã nâng mức cam kết với Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi tham gia nhóm "Tổng trưởng Quốc phòng + của ASEAN" và năm nay sẽ củng Liên bang Nga là thành viên mới của "Thượng đỉnh Đông Á" (East Asia Summit hay EAS).

Do Kualar Lumpur đề xuất năm 2005, Thượng đỉnh EAS là một bước đẩy mạnh quan hệ từ kinh tế qua chính trị và an ninh giữa ASEAN cùng năm nước trong khu vực Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Tại Thượng đỉnh của ASEAN vào tháng 10 năm ngoái ở Hà Nội, ASEAN mời Hoa Kỳ và Nga tham dự Thượng đỉnh EAS và cả hai đã nhận lời.

Xưa nay là một xứ trung lập và triệt để bảo vệ bản sắc Á châu, nay Mã Lai Á muốn nâng mức hợp tác từ kinh tế qua an ninh và mở rộng khuôn khổ để đón nhận các quốc gia không thuộc khối Đông Á, nhất là Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ sẽ dự Thượng đỉnh này vào cuối năm nay tại Honolulu.

Nhắc lại như vậy thì ta mới chú ý đến sự kiện là trong cuộc hội kiến ngày ba Tháng Sáu vừa qua tại Singapore, Thủ tướng Najib Razak nhấn mạnh với Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates về các ưu tiên trong hợp tác Mỹ-Mã là thương mại, đầu tư, chống khủng bố, chống hải tặc, chống phổ biến võ khí tàn sát và còn hợp tác về cục diện A Phú Hãn. Ông Najib còn kêu gọi một điều đã được Hoa Kỳ đề nghị sau vụ động đất Tháng Ba tại Nhật Bản: thiết lập một lực lượng can thiệp khẩn cấp trong khu vực khi có thiên tai xảy ra, để kịp thời cấp cứu.

Khi lùi lại để nhìn trên toàn cảnh, ta nhớ lại là Tháng Bảy năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã dự Hội nghị cấp Ngoại trưởng của nhóm ASEAN, và cả hội nghị của năm nước Đông Nam Á trong Ủy ban Mekong, để thông báo việc Hoa Kỳ trở lại Đông Á: Mỹ coi việc bảo vệ quyền tự do giao lưu trên vùng biển Đông Nam Á là "quyền lợi quốc gia".

Bà còn gây phản ứng từ phía Bắc Kinh khi kêu gọi các nước trong vùng biển Đông Nam Á thiết lập một cơ chế quốc tế để giải quyết chuyện tranh chấp về chủ quyền lãnh hải hay biển đảo giữa Trung Quốc, Đài Loan và năm nước ASEAN là Việt Nam, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Nam Dương (Indonesia) và Brunei.

Bắc Kinh phản ứng vì không muốn quốc tế hóa vụ tranh chấp để có thể tranh thủ từng nước hầu làm phân hóa sự liên kết giữa năm nước ASEAN. Đó là trò bẻ đũa từng chiếc.

Trong vụ xác nhận chủ quyền của các nước, Hoa Kỳ giữ vị trí trung lập, nhưng không muốn xứ nào có quyền khống chế hoặc kiểm soát việc lưu thông ngoài biển, nghĩa là thủ vai kỳ đà cản mũi Bắc Kinh! Khi ấy, việc Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương là Robert Willard lại tuyên bố tại thủ đô Kuala Lumpur rằng an ninh trong khu vực, đặc biệt là an ninh hải dương, là nền tảng chung khiến các nước cần hợp tác không chỉ về hải quân mà về mọi hình thái khác, kể cả tuần duyên và không yểm. Yểm trợ bằng không quân là điều Mỹ đã giúp Mã Lai Á từ gần ba chục năm trước.

Vốn là một xứ Hồi giáo, Mã Lai Á tuyệt đối giữ vị trí trung lập khá gay gắt với Mỹ, như không công nhận Israel mà yểm trợ Palestine, và đôi khi còn đứng trên quan điểm Á châu để đả kích Tây phương. Nhưng xứ này cũng e ngại khủng bố Hồi giáo và có kinh nghiệm về sự khuynh đảo của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông trong cộng đồng người Mã gốc Hoa, hơn 23% dân số. Trong vụ tranh chấp chủ quyền trên một số cụm đảo của Trường Sa, Mã Lai Á khéo tránh để khỏi đứng trên tuyến đầu chống lại sức ép của Trung Quốc và thực tế đu dây trước hai cường quốc là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ngày nay, sự thể có khác và Mã Lai Á đã kín đáo nhích sang một bên. Việc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tỏ thiện chí hòa dịu từ đầu năm nay là một cơ hội nhúc nhích mà không gây tiếng động!

Tại hội nghị Sangri-La, Thủ tướng Najib còn thủ vai ngây thơ khi hồn nhiên dọc diễn văn rằng chiến tranh theo hình thức quy ước là lỗi thời và Mã Lai Á thấy rằng mình có thể hợp tác với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tức là chẳng có gì mâu thuẫn cả! Nhưng, ông cũng nêu chủ trương rằng phải có giải pháp đa phương cho vấn đề an ninh trong khu vực. Là điều tối kỵ cho Bắc Kinh!

Đã nhận các hợp đồng kinh tế trị giá ba tỷ Mỹ kim trong chuyến thăm viếng vừa qua của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Najib lại kêu gọi ASEAN tăng cường khả năng cưỡng hành "Quy tắc Hành xử" ngoài biển Đông Nam Á giữa Trung Quốc và ASEAN vào năm 2002. Làm sao cưỡng hành nếu không có phương tiện từ pháp lý tới quân sự?

Việc lặng lẽ tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các nước khác sẽ đáp ứng đòi hỏi đó.


***


Khác với Việt Nam, Mã Lai Á có ưu thế địa dư là ở xa tầm đạn của Trung Quốc. Nhưng ưu thế còn lớn hơn vậy là khả năng quyết định độc lập của một chính quyền dân chủ, chứ không bị cái tình đồng chỉ xã hội chủ nghĩa chi phối trong bóng tối như Hà Nội! Và do vị trí địa dư, Mã Lai Á còn thực tế góp phần bảo vệ một ngả huyết mạch của giao thương là Eo biển Malacca và vì vậy đã có quan hệ hợp tác lâu đời với Hoa Kỳ và các nước liên hệ. Cũng gắn bó tương tự như Phi Luật Tân, Thái Lan và Singapore là ba quốc gia đã có những hiệp định an ninh với Mỹ.

Khác với Việt Nam, Mã Lai Á là xứ Hồi giáo và phải canh chừng nạn khủng bố có thể từ miền Nam của Phi Luật Tân tràn xuống. Vì vậy, việc hợp tác với Hoa Kỳ trên trận tuyến chống khủng bố là điều bình thường, dễ hiểu. Nhưng khi Kuala Lumpur bày tỏ thiện chí và gửi người qua tái thiết A Phú Hãn thì đấy là một tín hiệu đáng chú ý! Chẳng tốn kém bao nhiêu mà có vẻ được việc.

Sau cùng, khác với Việt Nam, Mã Lai Á là một Vương quốc Liên bang có dân chủ! Xứ này theo chế độ quân chủ lập hiến, có kinh nghiệm chống du kích cộng sản và sự khuynh đảo của thế lực Hoa kiều. Luôn luôn đứng trên tuyến đầu - rất tượng trưng - của tinh thần độc lập chống thực dân Âu Châu và thế giới Tây phương ngoài châu Á, khi hữu sự, Mã Lai Á lại sẵn sàng dựa vào lá chắn của Hoa Kỳ. Mà chẳng bao giờ mang tiếng là tay sai của Mỹ đế!

Tổng kết lại, năm ngoái, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Hà Nội lên giọng "Hoa Kỳ là cường quốc Á châu" thì Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates đi Jakarta tái lập quan hệ quân sự với Nam Dương - bị gián đoạn từ khi chế độ độc tài Suharto bị lật đổ năm 1998. Chúng ta chưa mấy chú ý đến chuyện đó mà chỉ theo dõi việc các chiến hạm Hoa Kỳ thăm viếng Việt Nam để đánh dấu 15 năm tái lập bang giao giữa hai nước.

Bây giờ, khi Trung Quốc quậy sóng Đông hải, bỗng dưng có Mã Lai Á bước ra... Vành đai Thái Lan, Singapore, Mã Lai Á, Nam Dương và Phi Luật Tân đang lặng lẽ thành hình, để quốc tế hóa chuyện Đông hải, với sức thuyết phục đáng kể là Hoa Kỳ. Một kinh nghiệm chọn lựa cho Việt Nam.

Cụ thể là sự chọn lựa giữa "định hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc" với "quyền độc lập dân tộc ra khỏi trật tự Trung Hoa". Dân ta nên kết bạn toàn phương vị, với mọi người, nếu vứt bỏ được "16 chữ vàng" đang như vòng kim cô đè nặng lên đầu lãnh đạo.


Tổng số lượt xem trang