-Giải Pháp Biển Đông?
Trần Khải
Tàu Bình Minh 2, và rồi tàu Viking 2. Cả 2 tàu thăm dò địa chấn trong nỗ lực khai thác dầu khí Biển Đông, bên trong lãnh hải VN, đều bị tàu Trung Quốc xấn vào, cắt dây cáp. Và sau đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại lớn tiếng tố ngược, vu vạ cho VN khiêu khích tàù TQ, lấn biển, và rồi ra lệnh cấm Việt Nam khai thác dầu khí Biển Đông, nơi TQ đã tuyên bố đó là lãnh hải TQ.
Cách phản ứng của Việt Nam ở một thế yếu, nhu nhược thấy rõ, so với cách phản ứng của các nước khác, thí dụ như Phi Luật Tân, Indonesia, hay Mã Lai. Tuy nhiên, sau những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn, nhà nước VN đã ý thức rằng nếu nhu nhược thêm, thì nội bộ VN tất sẽ rạn nứt, và có thể gây bất bình từ chính ngay trong giới quân sự.
Thái độ của các nhà lãnh đạo VN bắt đầu lộ vẻ cứng rắn hơn từ mấy ngày qua.
VietnamNet ghi rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu vào đêm 8-6-2011 tại Nha Trang, “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”.
Cùng bài báo, cũng nhắc lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu khi đến thăm đảo Cô Tô ngày 7/6: "...quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hi sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo".
Trong khi đó, bản tin báo Bangkok Post hôm 9-6-2011 ghi rằng Việt Nam và Cam Bốt sẽ tham dự cuộc tập trận có tên là Ayara Guardian 2011, một chiến dịch quân sự gìn giữ hòa bình tại tỉnh Prachuap Khiri Khan từ ngày 13-6 tới ngày 1-7-2011, theo lời phát ngôn nhân Quân Lực Hoàng Gia Thái Lan Sithichai Makkunchorn hôm Thứ Năm.
Đaị Tá Sithichai nói rằng quân đội 13 quốc gia -- Úc, Bangladesh, Cam Bốt, Nhật Bản, Mã Lai, Mông Cổ, Nepal, Phi Luật Tân, Rwanda, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Hoa Kỳ sẽ tham dự tập trận tại Trung Tâm Quân Bộ Chiến ở tỉnh Prachua Khiri Khan.
Trong danh sách các nước tham dự không có Trung Quốc. Bản tin cũng không nói Việt Nam sẽ đưa bao nhiêu chiến binh tham dự tập trận “gìn giữ hòa bình” này.
Như thế, có vẻ như VN đã bớt dè dặt hơn trong việc tới gần với Mỹ. Chúng ta có thể nhớ rằng mới mấy tháng trước, bản tin của Bangkok Post ngày 21-2-2011 nói rằng VN bác bỏ các bản tin nói rằng VN tham dự cuộc tập trận quân sự có tên là Cobra Gold 2011 tại Thái Lan. Tập trận này là từ ngày 7-2 tới 18-2-2011. Lúc đó, Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng VN không hề có ý định tham dự bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào.
Cuộc tập trận quân sự Cobra Gold năm 2011 tổ chức bởi quân đội Mỹ và Thái Lan, với tahm dự của các chiến binh từ Indonesia, Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai và Singapore. Tập trận này được quan sát bởi các phaí đoàn quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Lào, Brunei, Nga, Mông Cổ, Nam Phi, United Arab Emirates và Tân Tây Lan. Như thế, bộ đội VN không tham dự, mà cũng không quan sát tập trận này.
Tuy nhiên, chỉ qua vài tháng, Việt Nam đã bày tỏ gắn bó hơn về quân sự với các nước Châu Á khác (trong đó có quân lực Mỹ), ít nhất là qua cuộc tập trận gìn giữ hòa bình có tên là Ayara Guardian 2011. Hẳn nhiên, sự hung hăng của tàu Trung Quốc tại Biển Đông đã buộc VN rời bỏ thái độ đứng bên lề những cuộc tập trận không có mặt Trung Quốc.
Nhưng thực tế, có vẻ như rằng Trung Quốc đang lựa chọn chiến lược: sẽ không tấn công quân sự Việt Nam, nhưng sẽ liên tục cưỡng ép để buộc VN phải chấp nhận một giảỉ pháp Biển Đông có lợi cho TQ. Tất nhiên, chúng ta có thể đoán là phảỉ có chuyện mặc cả, y hệt như đi mua hàng ở các Phố Tàu, dù là Phố Tàù New York hay Phố Tàu Los Angeles.
Trung Quốc sẽ treo giá cao, rằng TQ có chủ quyền toàn vùng Biển Đông, và rồi xử ép VN, rồi sẽ trả giá qua lại, và rồi VN sẽ nhượng bộ ở mức độ mà TQ chấp nhận được, kiểu như ở Thác Bản Giốc. Có lẽ sẽ là như thế.
Nhưng Việt Nam cũng treo giá cao, bày tỏ cứng rắn, qua lời ông Dũng và ông Triết, rằng VN không nhượng bộ Biển Đông, và có dư sức để tự bảo vệ các vùng biển và đảo.
Khi TQ và VN cùng nói cứng rắn như thế, chúng ta không rõ có mật đàm nào hay không, có thể tới lúc cả 2 cùng tương nhượng hay không?
Điều khó xử cho Hà Nội là, khi tương nhượng có nghĩa là chấp nhận đòi hỏi vô lý của Bắc Kinh, vì thấy rõ Hoàng Sa và Trường Sa là của VN rồi. Nếu, giả sử, chấp nhận TQ và VN khai thác chung dầu khí vùng Trường Sa, có nghĩa là Đảng CSVN tự treo cổ trong lịch sử quê nhà, bất kể là đảng này có cầm quyền lâu thêm bao lâu nữa, vì các nhượng bộ này là không thể chấp nhận được với bất kỳ người dân bình thường nào.
Thêm nữa, người dân, và những người đời sau, sẽ tin rằng chính các món nợ lưu cữu với TQ khi Miền Bắc tiến chiếm Miền Nam, chính bản công hàm của ông Phạm Văn Đồng và chính các cuộc thương thuyết mật giữa TQ-VN đã dẫn tới nhượng bộ kiểu cắt Ải Nam Quan, kiểu chia đôi ở Thác Bản Giốc và rồi sắp tới là chia đôi dầu khí ở vùng biển VN ở Trường Sa.
Nhưng sơ xuất để bùng nổ chiến tranh lại sẽ bất lợi, vì hải quân VN không thể đụng nổi hải quân TQ. Phải chi, đổi xác ướp ông Hồ để lấy 20 cái taù ngầm thì cũng nên, nhưng chuyện naỳ lại không thể có. Lại nữa, VN không có một gắn bó nào để mời gọi hải quân Mỹ hỗ trợ.
Trong khi đó, lập trường của Mỹ về Biển Đông thì lại không ăn nhập gì tới VN.
Báo The Diplomat (the-diplomat.com) trong bài viết nhan đề “US Reaffirms Asia Role” (Mỹ Taí Khẳng Định Vai Trò tại Châu Á) đăng ngày 8-6-2011, bởi Damien Tomkins, trong đó có viết về cuộc đối thoại Shangri-La tại Singapore tuần trước, trong đó Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates đề ra các bước hợp tác thêm của Mỹ tạị vùng Đông Nam Á.
Các kế hoạch của Mỹ đưa ra có cả việc đưa các tàu chiến Hải Quân Duyên Phòng của Mỹ tới Singapore, và rồi tăng thêm nhiều chuyến tàu chiến Mỹ thăm các cảng Đông Nam Á, tập trận hải quân, và hợp tác đa phương.
Cũng ở Singapore, Gates giảỉ thích về 4 nguyên tắc ứng xử quốc tế mà Mỹ hình dung về vùng này: Tự do giao thương; tôn trọng pháp luật, quyền và trách nhiệm các nước trong khu vực; tiếp cận toàn cầu đối với vùng này ở cả mặt biển, đường hàng không, không gian và Internet; và giảỉ pháp hòa bình đối với các bất đồng.
Nếu Mỹ giữ đúng 4 nguyên tắc như thế, và nếu Trung Quốc không dùng quân sự tấn công VN mà chỉ cứ xử ép, bắt ngư dân, cắt dây cáp... theo kiểu côn đồ, thì VN phảỉ làm gì?
VN hiển nhiên là bất lợi trăm bề: nổ súng trước cũng bất lợi, mà nổ súng sau cũng sẽ bất lợi. Bài học mất đảo năm 1988 còn đó, không hải quân nước nào vào giúp VN, kể cả hải quân Nga lúc đó đang trú đóng ở Cam Ranh.
Có một điểm để suy nghĩ nữa: dường như có một ý kiến từ Phi Luật Tân rằng nên khai thác dầu khí Biển Đông kiểu tương nhượng giữa 3 nước Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân. Chính thức, chưa thấy báo VN nào nói về chuyện này.
Trong khi đó, báo Manila Bulletin Newspaper Online (http://www.mb.com.ph) có bài viết của tác giả Jose De Venecia Jr., đăng ngày 8-6-2011, có một số đề nghị cần thắc mắc.
Bài này nhan đề “Proposals for South China Sea” (Giải Pháp Đề Nghị cho Biển Đông) thực ra là bản tuyên bố của De Venecia, cựu phát ngôn nhân Phi Luật Tân, là chủ tịch sáng lập của International Conference of Asian Political Parties (ICAPP, Nghị Hội Quốc Tế của Các Đảng Chính Trị Châu Á), đọc trong buổi đối thoại không chính thức với các lãnh đaọ Đảng CSVN tại Hà Nội ngày 18-22 tháng 4-2011.
Tại sao đưa ra vào tháng 4, mà qua tháng 6 mới phổ biến? Có phảỉ vì Biển Đông sôi động hơn?
Trong bản văn, tác giả này nói rằng Phi Luật Tân đang tìm cách hợp tác đa phương ở Biển Đông – thúc đẩy việc khảo sát điạ chấn vùng biển tranh chấp ở Trường Sa với hợp tác 3 nước TQ, VN và Phi. Việc này đã khảo sát chung từ mấy năm qua.
Bản văn đề nghị 6 điểm, trong đó điểm 1 nói rằng cần khai thác dầu khí và chia lợi tức giữa 3 nước VN, TQ và Phi, yêu cầu giaỉ trừ quân sự khu vực này, rút các đơn vị quân sự đang trú đóng ở các đảo tranh chấp... (Có vẻ khó thực hiện, nếu bảo Trung Quốc rút quân đội ra khỏi Trường Sa, và lui các tàu hải giám về bến cảng Hải Nam.)
Thực tế, có phải đang có những cuộc thương thuyết mật như thế không? Và có phảỉ vì đang thương thuyết với TQ, nên Hà Nội ra sức vây bắt, cô lập các nhà hoạt động VN có lập trường cứng rắn với TQ để dập tắt trước các tiếng nói bất đồng tương lai?
Hãy dự tưởng rằng, nếu Hà Nội thương thuyết mật với TQ, cần suy nghĩ kỹ về vai trò của Hoa Kỳ tại VN, và về vị trí của VN đối với Mỹ: trường hợp VN trở thành chư hầu TQ thì kiểu nào cũng là thua thiệt. Và tất nhiên là chế độ CSVN sẽ độc tài tàn bạo hơn, hứa hẹn các phiên bản khốc liệt kiểu như Thiên An Môn.
Và như thế, VN sẽ không thể đối thoạị với người Việt hải ngoại (và với rất nhiều người trẻ trong nước), những người thật sự mong muốn VN sẽ cởi mở hơn, dân chủ hơn, và thăng tiến nhân quyền hơn... trên hướng đi hòa giải toàn dân và đa nguyên đa đảng.