Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

“MÙA XUÂN ARẬP” HAY NGÀY TÀN CỦA CÁC BẠO CHÚA

 -“MÙA XUÂN ARẬP” HAY NGÀY TÀN CỦA CÁC BẠO CHÚA
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM-Tài liệu tham khảo đặc biệt 
Thứ Sáu, ngày 10/6/2011
TTXVN (Angiê 5/6)
“Mùa xuân Arập” khởi nguồn từ Tuynidi đang làm rung chuyển thế giới Arập-Hồi giáo, từ Trung Đông đến Bắc Phi. Một trong những nguyên nhân là người dân các nước Arập, nhất là thế hệ trẻ, những người đang tiếp cận với công nghệ mới và thế giới hiện đại bên ngoài, không muốn chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như cha ông họ trong nhiều thập kỷ qua. Dưới đây là bài của Abdelaziz Gharmoul, nhà văn, nhà báo Angiêri, phân tích nguyên nhân nội tại của cuộc khủng hoảng trên tờ El Watan (Angiêri).

Lịch sử đang tái tạo lại cuộc sống của người Arập vốn không thay đổi từ hàng thế kỷ nay. Những sự kiện gần đây đang làm thay đổi không gian chính trị và xã hội ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi không chỉ đơn thuần là những sự việc thoảng qua. Đó chính là Lịch sử đang biến động và làm rung chuyển các vùng này như những trận động đất tái tạo lại vỏ Trái đất dưới sức mạnh của các dân tộc đang đi tới tương lai với những bước đi chắc chắn và có định hướng. Khi không chịu nổi điều kiện sống hiện nay nữa, các dân tộc này dùng máu của mình để vạch ra những con đường dẫn tới cái mà họ cho là tương lai xán lạn của mình.
Tuy nhiên, “Cách mạng Arập” sẽ không nổ ra nếu không có sự thay đổi lối sống trong tư tưởng của thế hệ người Arập mới nhờ truyền hình và Internet. Các kênh truyền hình phi chính phủ đã làm thay đổi lối sống trong tư duy người Arập hiện đại và Internet đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích trao đổi thông tin giữa những người muốn thay đổi “cuộc sống khổ cực” của mình trong các chế độ mục ruỗng mà họ đang sống. Hình mẫu Tuynidi được hầu hết các nước Arập noi theo là biểu tượng sinh động nhất của tình hình đó.
Cái được gọi là “hiệu ứng Tuynidi” lan truyền sâu rộng trong không gian Arập như một làn gió mát mới, đã gióng lên hồi chuông báo tử đối với hệ thống chính trị Arập đã lỗi thời chỉ biết đàn áp dân tộc mình, tước đoạt quyền tự do, chà đạp nhân phẩm của họ, rồi ngày này qua ngày khác đẩy họ đến chỗ phải cam chịu sống thiếu thốn trong 50 năm qua, đặt cuộc sống của họ giữa bốn bức tường đầy luận thuyết giáo điều nằm trong tay các chính đảng, các hiệp hội được lập ra theo sở thích, các cơ quan an ninh, các loại chư hầu, cũng như một thị trường tham nhũng rộng lớn trong đó ý thức hệ được mua đi bán lại bằng tiền, dịch vụ hay sự thần phục.
“Hiệu ứng Tuynidi” lan truyền theo thời gian với tác động còn mạnh hơn cả thách thức hệ thống chính trị đang tại vị. Những người nổi dậy ở Tuynidi đã biết rút ra bài học từ các cuộc nổi dậy trước đây, các cuộc tuần hành, bãi công và phong trào bất tuân lãnh đạo, đã từng lan sang một số nước Arập trong các thập kỷ trước nhưng không mang lại kết quả chính trị tích cực lớn lao và cụ thể đối với dân chúng, cũng không thực sự tạo ra được nền móng có tác dụng sửa đổi chính sách và làm thay đổi tình hình. Cuộc cách mạng này rốt cuộc phá vỡ tấm gương méo làm sai lệch mọi nhận xét về chính quyền, cho thấy sự bất công, tủi nhục, bị ruồng bỏ, mà dân chúng phải chịu dưới ách của các lực lượng an ninh. Cuộc cách mạng đó ở khía cạnh nào đó đã biến sự phản kháng của cá nhân thành sự phản kháng của tập thể. Cuộc cách mạng đó cũng gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp hơn để các dân tộc, dù thuộc tầng lớp hay khuynh hướng chính trị nào, thấy rằng không thể tiếp tục sống cuộc sống thiếu thốn hiện nay được nữa và một tương lai đen tối đang chờ đợi họ. Nguyên nhân sâu xa của tình hình đó là chính sách tham nhũng và mua bán chính trị đã khiến đa số dân chúng bị gạt ra ngoài lề.
“Hiệu ứng Tuynidi” được coi là đã huy động được những gì còn lại của ý muốn tồn tại, thể hiện qua sự đau khổ và nỗi tuyệt vọng của những người muốn thay đổi số phận mình phải sống dưới áp lực của tình trạng khẩn cấp, các đạo luật đặc biệt và của việc cảnh sát kiểm soát cả tình cảm và phương tiện sống của họ.
Tuy nhiên, không thể hiểu nguyên nhân của cuộc “Cách mạng Arập” nếu không hiểu Lịch sử của cuộc nổi giận đó. Từ khi lý tưởng mất đi ánh hào quang của nó vào giữa những năm 1980 (với hậu quả mà ai cũng biết, như sự sụp đổ của Bức tường Béclin), người ta được chứng kiến các cuộc nổi dậy chống nạn đói, chống thất nghiệp, đòi cải thiện, điều kiện sống… Các cuộc nổi dậy đó nổ ra ở Aicập, Tuynidi, Xyri, Marốc, nói chung là các nước Arập. Đặc biệt là tại Angiêri, các cuộc nổi dậy đã dẫn tới cuộc cách mạng đựơc gọi là “Cuộc nổi dậy tháng 10 năm 1988” lật đổ người đứng đầu chính quyền lúc đó nhưng không thể đi đến hồi kết, nghĩa là lật đổ toàn bộ chế độ đó và vạch ra một con đường mới cho tương lai của đất nước.
Cuộc cách mạng Tuynidi, trái lại, đã bật tung được nắp đậy chiếc hố sâu ngăn cách chính quyền với dân chúng và tấm gương méo tạo ra một hình ảnh Tuynidi như hình mẫu về phát triển, dân chủ “kiểu Arập”, bầu lại tổng thống theo đòi hỏi của dân chúng với đội quân những người ăn không đủ no, thất nghiệp và dốt nát.
Còn thế giới Arập thì như thế nào trong tấm gương méo đang vỡ này? Chế độ Arập đó thật lạ lùng lại do một quân nhân cấp đại tá hay tướng lãnh đạo. Và khi một nước Arập do bị áp lực quốc tế nào đó phải trưng ra thiên hạ một vị tổng thống “dân sự” thì vị quân nhân đó buộc phải trút bỏ quân phục với sự đồng ý hoàn toàn của quốc tế, nghĩa là Phủ tổng thống trên thực tế chỉ là một cơ quan nằm bên cạnh Bộ quốc phòng. Nhưng điều oái oăm là vị tổng thống được bầu “một cách dân chủ” đó nhờ danh vị được trao mà trở thành tư lệnh tối cao của quân đội và người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia, quan chức cao cấp nhất của Nhà nước, chủ tịch danh dự Quốc hội. Chính ông ta là người chỉ định các tư lệnh quân đội và an ninh, Bộ trưởng, đại sứ, Tổng giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, tỉnh trưởng, thủ lĩnh các chính đảng thuộc liên minh của chính phủ. Ngoài những nhiệm vụ mà đến các vị thần Hy Lạp gộp sức lại cũng không có khả năng hoàn thành, còn phải kể thêm các chức danh Tổng biên tập của mọi loại hình báo viết và nghe nhìn của Nhà nước.
Sự lừa đảo trong mọi chuyện đó là ở chỗ tất cả các vụ bổ nhiệm mà vị tổng thống tiến hành ở đây đó đều không xuất phát từ mức độ tài năng hay ảnh hưởng từ hoạt động cách mạng hay xã hội của các ứng cử viên, cũng không phải do sự cần thiết phải có cân bằng chính trị, mà do thần phục chính quyền, chủ nghĩa địa phương và thiên vị, những tiêu chuẩn được cơ quan tình báo tính toán chính xác đến từng điểm. Sau thời gian đầu lãnh đạo và sau khi đã loại bỏ tất cả những người tỏ ra không thần phục mình, vị tổng thống đó nắm được cả đất nước trong tay, trở thành một vị thánh con với những đặc quyền đặc lợi ngang với các vị thần, có mọi quyền hành đối với tinh thần và vật chất của dân chúng nước mình. Và để giữ được đặc quyền đó, ông ta sẵn sàng huy động xe bọc thép và máy bay bắn vào dân chúng, như ở Libi chẳng hạn. Nền dân chủ đó được minh hoạ một cách lố bịch: chính vị tổng thống là người phân phát vai trò cho các chính đảng, lập ra phe đối lập “có trách nhiệm”, nghĩ ra và dựng lên các hiệp hội xã hội dân sự tuỳ điều kiện cho phép, lúc này lúc khác là người làm hư hỏng dân chúng bằng cách hỗ trợ giá hàng tiêu dùng nhằm tránh biểu tình chống giá sinh hoạt đắt đỏ. Phần còn lại của bộ mặt dân chủ đó được thể hiện ở một vài tờ báo không ôn hoà và một số cây bút chuyên hoạt động lật đổ nhưng đối lúc được tha thứ.
Hình ảnh đó, có thể là vô hại ở một số khía cạnh, có được là nhờ chiếc gương của các Nhà nước Arập và bước ngoặt của Lịch sử, bị đạp vỡ dưới chân của các dân tộc đang mạnh mẽ hướng tới tương lai của mình. Các cuộc cách mạng đó có thể thiếu tổ chức theo quan niệm truyền thống vì thiếu người lãnh đạo và những lời kêu gọi chiến đấu theo kiểu cũ, song lại chín chắn và thông minh hơn các ý đồ làm cách mạng trước đó và đều đã thất bại. Thế hệ mới hiểu rằng kỷ nguyên của các nhà lãnh đạo và các nhân vật kiệt xuất phát động và chèo lái các vụ lật đổ nay đã đi vào dĩ vãng không ai thương tiếc, và tổ chức dưới dạng chính đảng hay công đoàn không dẫn tới đoạn tuyệt với chế độ tại vị, mà ngược lại chỉ có thể củng cố và giúp chế độ đó thận trọng hơn mà thôi.
Dù ở Tuynidi hay Aicập (nơi họ đã thành công hơn với loại hình đấu tranh này), thanh niên nổi dậy đã chọn con đường đơn giản nhưng hiệu quả nhất: đoàn kết nhất trí quanh những yêu sách rõ ràng về nguyên tắc và xuống đường cho đến khi được đáp ứng, dù tình hình diễn biến như thế nào và lực lượng của họ bị thiệt hại bao nhiêu. Đối với họ, đó là phương tiện cuối cùng để cuộc sống của mình khỏi bị vô nghĩa: vị tổng thống đương nhiệm phải ra đi, chính phủ bị phế truất, Quốc hội bị giải tán, Hiến pháp mới được soạn thảo và bầu cử tự do và dân chủ được tổ chức.
Có một sự thật là những người đang lãnh đạo họ là những kẻ chuyên chế liên kết với nhau để cướp bóc của cải của đất nước chứ không phải là thủ lĩnh như họ tự nhận. Những thanh niên nổi dậy đó đòi phải đưa họ ra xét xử như những tội phạm. Đó chính là nơi mà “hiệu ứng Tuynidi” tạo ra động lực lịch sử kéo dân tộc Arập khỏi trạng thái u mê và làm loé lên trong họ ý muốn sống tự do, một ý muốn mà họ vẫn mang trong mình nhưng bị vùi dập bởi các hệ thống chính trị lãnh đạo họ trong nhiều thập kỷ qua.
Như vậy là chế độ chuyên chế độc tài không còn nữa, ý đồ chuyển giao quyền lực cha truyền con nối kiểu Xyri không còn nữa, trò chơi xấu xa chia dân chúng thành bộ lạc và phe phái như thời Trung Cổ không còn nữa, chế độ độc đảng, ngôn luận một chiều và nỗi sợ hãi reo rắc cho mọi người cũng không còn nữa.
Làm sao các chế độ đó không biết ngày tận số của mình đã đến? Câu trả lời cũng có thể là rất đơn giản: bởi họ không có nhãn quan lịch sử, bởi vì chính quyền tạo ra quanh mình, thậm chí bị bao vây bởi những hệ thống an ninh sẵn sàng làm mọi thứ để làm vừa lòng vị tổng thống, kể cả nói dối, để bảo vệ đặc quyền mà ông ta dành cho họ. Tất cả những gì mà vị tổng thống đã từng nói là đúng, đã từng làm là tốt và đúng, và rõ ràng là ông ta đứng trên pháp luật và dân chúng mặc dù dân chúng là người bầu ra ông ta. Nhưng vị tổng thống đó không thể đứng trên Lịch sử và chính Lịch sử đã không thương tiếc khi đưa chế độ của ông ta và các chế độ khác có cùng bản chất ra trước vành móng ngựa vì những gì các chế độ đã làm khi ngày tàn của chúng ta đã đến./.

- Phạm Hồng Sơn: Còn sợ dân chủ là…hỏng (VRNs). -- Sinh viên bị đuổi học vì đọc tin “lề trái” (Dân làm báo).
Ngày Chủ Nhật dài nhất tại Việt Nam.-Bầu cử Quốc hội: Ballots, banners, but little budging (Economist 9-6-11)

Tổng số lượt xem trang