VIT - Trung Quốc đóng góp khoảng 1/4 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2000 – 2009. Mới đây, nước này đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, thành công liên tục của Trung Quốc lại không mấy chắc chắn và nền kinh tế này đã dần dần lộ ra những bất ổn thật sự.
Một khoản nợ khổng lồ đang nằm ở các chính quyền địa phươngSố liệu mới nhất cho thấy, Chính phủ Trung Quốc mang số nợ trị giá 1,03 nghìn tỷ USD tính tới cuối năm 2010. Mức nợ này tương đương khoảng 17% GDP của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ của các nước như Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn của châu Âu. So với các nền kinh tế chủ yếu khác, gánh nặng nợ nần của Trung Quốc vẫn thấp và có thể kiểm soát được. Nhưng nợ của các chính quyền địa phương và nhiều cơ quan ngân hàng quốc doanh đang hạn chế lựa chọn của Bắc Kinh trong việc chống lạm phát. Bởi nếu tính tất cả các số nợ này, gánh nặng nợ nần của Trung Quốc gấp hơn ba lần tổng số nợ bình thường hiện nay.
Nợ công của các chính quyền địa phương Trung Quốc không những có thể hạn chế nỗ lực kìm giá nhà Bắc Kinh tăng, mà còn có thể kìm chế các biện pháp khác nhằm ngăn chặn lạm phát. Nhưng theo Bộ Tài chính, con số thống kê chính thức về nợ chính phủ của Trung Quốc không bao gồm nợ của một số lượng lớn các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh, chính quyền địa phương, thậm chí là các cơ quan trung ương không trực thuộc Bộ Tài chính...Trong số đó, phải kể tới nợ của những tổ chức cho vay chính sách của khu vực nhà nước như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và các công ty quản lý tài sản nắm giữ các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Chẳng hạn như những khoản vay nợ để xây đường sắt cao tốc của Trung Quốc thậm chí cũng không nằm trong thống kê chính thức về nợ chính phủ của nước này, mặc dù đây là nợ của Bộ Đường sắt. Bộ trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc thông báo, các công ty thuộc bộ này nợ hơn 270 tỷ USD. Trong trường hợp những doanh nghiệp này không trả nổi nợ, thì chính Bộ Tài chính Trung Quốc phải đứng mũi chịu sào.
Nếu cộng tất cả các số nợ của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước nói trên trên lại với nợ chính phủ chính thức của Trung Quốc, thì tổng nghĩa vụ nợ của Bắc Kinh lên tới 3,55 nghìn tỷ USD, tương đương 59% GDP.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những con số này còn chưa tính hết những khoản nợ xấu phát sinh trong thời kỳ bùng nổ tín dụng suốt 2 năm qua ở Trung Quốc. Bởi vậy, nếu tính cả những khoản này, thì tổng nghĩa vụ nợ của Chính phủ Trung Quốc có thể lên tới 75-77% GDP.
Trước gánh nặng nợ công khổng lồ này, mới đây Chính phủ Trung Quốc quyết định sẽ thanh toán hết nợ của các địa phương, xóa sổ một số khoản nợ xấu, cho phép các địa phương bán trái phiếu trực tiếp cho nhà đầu tư. Được biết, giá trị của dự án này là 3000 tỷ Nhân dân tệ (463 tỷ USD) nhằm giảm khả năng vỡ nợ của Chính phủ có thể đe dọa sự ổn định của xã hội.
Chính quyền Trung ương sẽ thanh toán hết số nợ của các địa phương và ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ xóa sổ một số khoản nợ xấu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ chấm dứt lệnh cấm chính quyền các tỉnh, thành phố bán trái phiếu.
Đầu tư quá tải
Trong nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào sản xuất hàng xuất khẩu và một đồng tiền ở dưới giá trị thật. Điều này dẫn đến một lượng tiền tích tụ khổng lồ của người dân và các đơn vị kinh doanh, và phải trông chờ vào xuất khẩu và đầu tư cố định vào cơ sở hạ tầng, địa ốc...để tiếp tục tăng trưởng.
Nhưng việc làm này đã dẫn tới tình trạng quá tải, và tín dụng không có khả năng chi trả. Trung Quốc đang tràn ngập vốn tiền mặt, cũng như cơ sở hạ tầng và xây dựng. Có thể thấy rõ điều này qua các phi trường tuyệt vời nhưng trống rỗng, những con tàu cao tốc siêu hiện đại nhưng cũng trống rỗng, đồng thời những con tàu này cũng chia bớt khách của 45 sân bay. Bên cạnh đó là những xa lộ không dẫn đến đâu, những tòa nhà công sở mới, các thành phố không người ở, những tòa nhà cao tầng bằng nhôm mới toanh nhưng đóng cửa im ỉm.
Đầu tư quá tải còn hiện diện trong lĩnh vực nhà ở hạng sang, các công trình thương mại. Trong ngành xe hơi, năng lực sản xuất vượt quá mức tiêu thụ, và tình trạng này ngày càng tăng trong sản xuất thép và xi măng. Trước mắt, thì việc bùng nổ đầu tư sẽ nuôi dưỡng lạm phát, vì việc duy trì phát triển cần tiêu thụ nhiều nguồn lực.
Tất cả những thời kỳ đầu tư quá độ, đặc biệt trong thập niên 1990, sẽ kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng tài chính và tăng trưởng thấp trong một giai đoạn rất dài. Để tránh lâm vào tình cảnh đó, Bắc Kinh cần phải giảm tiết kiệm, giảm đầu tư cố định cũng như tỉ lệ xuất khẩu trong tổng sản phẩm nội địa, tăng tỉ lệ tiêu dùng lên.
Nguồn tin: Branding - Baocongthuong
Xem Tiếp Phần 2
VIT - Trung Quốc đóng góp khoảng 1/4 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2000 – 2009. Mới đây, nước này đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, thành công liên tục của Trung Quốc lại không mấy chắc chắn và nền kinh tế này đã dần dần lộ ra những bất ổn thật sự.
Dữ trữ ngoại hối khổng lồ
Theo công bố hôm 14/4 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến cuối tháng 3/2011, dự trữ ngoại tệ của nước này đã đạt 3045 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ sau hơn hai năm, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng hơn 50% so với mức dự trữ 2000 tỷ USD vào cuối năm 2008.
Như vậy, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện có hơn 3000 tỷ USD, đã “vượt quá ranh giới hợp lý” và là mối đe dọa mới đối với sự ổn định của nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu. Lối thoát duy nhất là tiếp tục điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục so với đồng USD, thiết lập tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 6,4988 Nhân dân tệ/USD, tăng 0,15% so với mức 6,5003 trước đó. Kể từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng gần 1,9% so với đồng bạc xanh. Tuy nhiên, việc chuyển sang thả nổi đồng Nhân dân tệ sẽ khiến lạm phát tăng cao và ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty xuất khẩu. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định toàn cầu, nguy hại hơn so với vị trí đứng đầu thế giới của Trung Quốc trên lĩnh vực dự trữ vàng và ngoại tệ. Thêm vào đó, dù có dự trữ ngoại hối khổng lồ, nhưng bản thân Trung Quốc cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Một trong số đó là thiệt hại của Trung Quốc trong 8 năm gần đây, đã mất hơn 270 tỷ USD dự trữ ngoại tệ vì sự đồng USD mất giá. Bởi vì Trung Quốc hiện vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với lượng đầu tư hơn 2000 tỷ USD vào quốc gia này.
Bong bóng bất động sản bắt đầu xì hơi
Sau nhiều năm giá nhà đất bị đẩy quá xa so với giá trị thực, bong bóng bất động sản – một trong số những rủi ro kinh tế lớn nhất Trung Quốc – bắt đầu nổ khiến nền kinh tế nước này tụt dốc nhanh, đồng thời gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tăng trưởng toàn cầu.
Ngành bất động sản góp phần nhiều vào tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong hai thập niên qua, ảnh hưởng lớn đến ngành xi măng, thép và xây dựng. Bất động sản cũng là khoản đầu tư ưa chuộng của người Trung Quốc vì lợi nhuận cao hơn lãi suất từ tiền gửi ngân hàng. Chính quyền địa phương và các tỉnh, thành phụ thuộc vào giá tăng khi bán đất để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng.
Giá nhà đất và căn hộ giảm sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tại Trung Quốc và làm giảm chi tiêu. Ngoài ra, thị trường bất động sản đảo chiều, đổ dốc có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới lĩnh vực công nghiệp, đầu tư và chi tiêu dùng của Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc là “nền kinh tế phụ thuộc vào ngành bất động sản” – chỉ tính riêng ngành xây dựng đã chiếm 13% GDP năm 2010, tăng gấp đôi so thập niên 1990.
Việc đình trệ trong kinh doanh nhà đất xảy ra đúng lúc xuất hiện dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Vì thế các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng, bong bóng bất động sản đang là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất mà Trung Quốc đối mặt.
Đối đầu với siêu lạm phát
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn đưa ra nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát nhưng nhiều trong số đó thực chất được đưa ra để che giấu lạm phát. Biện pháp kiểm soát giá cả? Không giải quyết được vấn đề lạm phát. Nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc? Sẽ phát huy tác dụng nếu ngân hàng không còn nguồn tài chính nào khác, biện pháp này cũng chẳng có tác dụng gì. Hạ giá cả xuống thấp? Chỉ khiến người ta càng điên lên tích trữ càng nhiều càng tốt và như vậy giá lại tăng nhanh hơn. Nâng lãi suất cơ bản? Chưa phát huy nhiều tác dụng tại Trung Quốc.
Trung Quốc đặt ra tỷ lệ lãi suất mà ngân hàng có thể áp dụng. Hành động này không giảm đi lượng tiền đang lưu thông. Nó thực chất như một biện pháp kiểm soát giá cả bóp méo nền kinh tế hơn nữa bởi chẳng giảm được lượng tiền dư thừa.
Lạm phát tại Trung Quốc không phải bắt nguồn từ lãi suất thấp, cũng không phải hoạt động đầu cơ quá mức. Nó có nguyên nhân do cung tiền không ngừng tăng bất chấp Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thế nào về kiềm chế lạm phát.
Chính sách khiến cung tiền tăng không ngừng chính là neo tỷ giá đồng nhân dân tệ. Thế giới coi Trung Quốc như “nam châm” hút tiền, tập trung chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư. Thông thường, trong hoàn cảnh đó, đồng nội tệ sẽ lên giá so với đồng ngoại tệ.
Thế nhưng để giữ được tỷ giá cố định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua nhiều USD, EUR và thay đồng Nhân dân tệ vào đó. Chính phủ như vậy thực chất đang tăng cung tiền. Và khi quá trình này tiếp diễn, lạm phát tại Trung Quốc sẽ vẫn leo thang.
Chính phủ Trung Quốc sẽ chưa sớm chấm dứt hành động theo cách này. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu đến nỗi nó có thể sụp đổ nếu chế độ neo tỷ giá được bỏ đi.
Nếu “bong bóng” bất động sản “xì hơi”, bất ổn xã hội sẽ lên rất cao, đặc biệt khi người dân nhận ra nhiều quan chức Trung Quốc đã giàu lên vô lý như thế nào từ bong bóng này. Hơn thế nữa, dự trữ ngoại hối Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm, Trung Quốc mất đi tầm ảnh hưởng và uy tín.
Nguồn tin: Baocongthuong - Saigondautu - Cafef