Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Khi chủ quyền biển đảo liên tiếp bị xâm phạm!

Đã đến lúc đặt câu hỏi, tại sao họ tự cho mình có quyền ''trói tay, bịt miệng'' chúng ta để họ mặc sức hoành hành?    
Ngày 12. 10, nhiều báo đưa tin Trung Quốc liên tiếp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền VN: Ngày 1.10 tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa; ngày 3.10 diễn tập trực chiến khẩn cấp tại vùng biển Hoàng Sa; ngày 8.10 thành lập Phòng Khí tượng “thành phố Tam Sa”.

 

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “VN yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VN và TQ cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”. Lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu vẫn như lâu nay. 

Tuy nhiên, những hành động liên tiếp vi phạm chủ quyền nước ta như kể trên chắc chắn không phải do cấp dưới của họ gây ra vì chưa quán triệt “thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước”! Hành động đó cho thấy, họ đang chuẩn bị dư luận, chờ đợi thời cơ để thực thi kịch bản bành trướng về hướng Đông Nam Á. 

Vậy thì liệu những lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu của VN có thể làm cho chính quyền TQ lắng nghe và thực hiện chính lời của họ, đó là“phải biết vì đại cuộc mà gìn giữ quan hệ hữu nghị hai nước”? Dù chân thành mong muốn cũng thấy điều ấy khó thành hiện thực! 

Vậy phải làm gì đây? Hãy cùng ôn lại tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong tình hình TQ trở thành siêu cường và kiên quyết thực hiện chủ nghĩa bành trướng thì việc “giữ lấy nước” là một thách thức rất lớn, chẳng những đối với chúng ta mà với cả những nước trong vùng. 

Tuy vậy, là một dân tộc liên tục phải đối đầu với ngoại xâm, chúng ta thừa hưởng nhiều bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị: Nuôi dưỡng lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền tổ quốc. “Giữ lấy nước” là mục tiêu đồng thuận cao nhất, là sức huy động vĩ đại cho mặt trận đại đoàn kết chống xâm lược. Mọi hành động làm tổn hại tinh thần yêu nước, gây chia rẽ dân tộc trong tình hình hiện nay phải được ngăn chặn. Đấu tranh chống tham nhũng dù cực kỳ cấp thiết, vẫn phải tập trung hết sức cho công cuộc bảo vệ tổ quốc. 

Tăng cường nội lực quốc gia chính là cách chủ động để vô hiệu hóa âm mưu bành trướng của phương Bắc. Cần tập trung làm lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế; sửa đổi hợp lý Luật Đất đai; đổi mới căn bản chính sách phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ… Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đều cho biết, chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển toàn diện chính là dân chủ.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta làm rất tốt hoạt động ngoại giao, tuyên truyền quốc tế. Lần này trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đang có nhiều thiếu sót, chưa làm cho Liên Hợp Quốc và nhiều nước gần gũi hiểu rõ và ủng hộ mình. Phải tìm rõ nguyên nhân để mau chóng khắc phục. Phải cảnh giác trước cái bẫy “vì đại cục” mà TQ nhăm nhăm đòi ta thực hiện, còn họ thì không! 

Đã đến lúc đặt câu hỏi, tại sao họ tự cho mình có quyền ''trói tay, bịt miệng'' chúng ta để họ mặc sức hoành hành?         -Khi chủ quyền biển đảo liên tiếp bị xâm phạm! (LĐ)

-Trung Quốc có thể là một cường quốc lãnh đạo thế giới không?

 Bauxite Việt Nam 

Elizabeth C. Economy, The Diplomat, 9 tháng Mười 2012

Trần Ngọc Cư dịch

Elizabeth C. Economy là nhà nghiên cứu thâm niên trong Chương trình C.V. Starr và là Giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á tại Cơ quan nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại). Bà là một chuyên gia về chính sách đối nội và đối ngoại Trung Quốc, về các quan hệ Mỹ-Trung và là tác giả của cuốn sách được giải thưởng ‘The River Runs Black: The Environmental Challenge to China’s Future’ (Dòng sông nước đen: Thách thức môi trường đối với tương lai Trung Quốc). Bà còn viết trên trang blog Asia Unbound, nơi bài này xuất hiện lần đầu.

Mới đây tôi có tham dự một cuộc tranh luận về cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ và chính sách đối với Trung Quốc, do BBC và Cơ quan Nghiên cứu Carnegie Endowment tổ chức, với hai vị cựu Đại sứ Mỹ nổi tiếng và khả kính Chas W. Freeman, Jr. và J. Stapleton Roy, cùng với học giả Diêm Học Thông của Đại học Thanh Hoa. Xin bấm vào ĐÂY để biết nội dung cuộc tranh luận [bằng tiếng Anh].

Cuộc thảo luận này bàn về nhiều vấn đề sâu rộng nhưng điều làm cho tôi ngỡ ngàng nhất là, một trong các hội thảo viên đã quyết đoán rằng vị Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới sẽ phải đối phó với thực tế là Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành cường quốc số một (căn cứ trên sức mạnh kinh tế). Do đó, theo quan niệm của ông, Trung Quốc không còn cảm thấy cần phải kiêng nể Mỹ và hệ thống định chế quốc tế hiện nay.

Nhìn trên bề mặt, đây không phải là một quyết đoán phi lý. Dẫu sao, từ lâu nay tại Trung Quốc, dù ở bên trong hay ở bên ngoài giới quyền lực Bắc Kinh, người ta thấy lưu hành một quan điểm cho rằng trong một cách nào đó Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt thòi vì phải nằm dưới cái ách của các định chế mà Trung Quốc không góp bàn tay tạo dựng. Nhưng nếu duyệt xét kỹ càng hơn, người ta không thấy một bằng chứng rõ ràng nào cho thấy có bao giờ Trung Quốc kiêng nể Hoa Kỳ và hệ thống toàn cầu hiện nay đâu. Đúng là, Trung Quốc (TQ) có gia nhập một số định chế đa phương và ký kết một số hiệp định, nhưng TQ làm điều này không phải vì kiêng nể Mỹ mà vì TQ tin rằng TQ sẽ hưởng nhiều lợi lộc do việc tham gia. Nhưng khi Trung Quốc quyết rằng lợi ích của mình không còn được phục vụ bằng cách chạy theo Mỹ nữa, thì TQ tự ý tách ra – chúng ta có thể thấy sự hợp tác của hai bên đang trở nên khấp khểnh, nhạt nhẽo, hay hoàn toàn bất hợp tác trên các vấn đề như Libya, Iran, Bắc Triều Tiên, thay đổi khí hậu, an ninh mạng, v.v.

Vấn đề to lớn sau đây cũng rất mơ hồ: khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và một cường quốc chính trị quan trọng nhất thế giới, thì sự kiện này sẽ có ý nghĩa gì? Những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại mà lãnh đạo Trung Quốc sẽ theo đuổi là gì? Châm ngôn “không được trộn lẫn kinh doanh với chính trị” gần như không thể nói lên một giá trị cao cả nào trong vai trò lãnh đạo toàn cầu, và việc rêu rao “tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ nước khác” trước sự đàn áp dã man đối với con người chắc chắn không mang lại uy tín cho một cường quốc lãnh đạo. Điều này không có nghĩa là Mỹ nắm được lẽ phải khi hành động trước rồi mới suy nghĩ sau, nhưng thái độ bất can thiệp mà Trung Quốc ưa chuộng cũng có vấn đề không kém, nếu không muốn nói là có vấn đề hơn.

Ngoài ra, những biến cố trong những tuần vừa qua cho thấy rằng vào thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa đủ tư cách làm một cường quốc lãnh đạo đối với các nước láng giềng. Trong việc phản ứng lại một hành động không thể chối cãi là có khiêu khích của chính phủ Nhật Bản khi chính phủ này mua lại của tư nhân vài đảo trong quần đảo đang tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, Bắc Kinh đã không hành động bằng lời lẽ và việc làm có cân nhắc, mà bằng những hành động thô bạo sau đây: cho phép công dân Trung Quốc phá hoại các cửa hàng và hãng xưởng Nhật Bản đồng thời tấn công những ai dùng hàng hoá Nhật Bản; lên án Nhật Bản tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; gửi tàu hải giám đến tiếp tục tuần tra tại vùng biển ngoài khơi quần đảo này; hủy bỏ các nghi lễ ngoại giao với các đồng sự Nhật Bản; và ngăn cấm các ngân hàng và quan chức Trung Quốc tham dự hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF), đang diễn ra tại Tokyo tháng này. Trước những hành động như thế, khó mà quan niệm được như học giả nổi tiếng Trung Quốc Wang Jisi (Vương Tập Tư) khi ông cho rằng “Trung Quốc xứng đáng có một tiếng nói lớn hơn tại IMF và Ngân hàng Thế giới”, và “Vì đã đạt được nhiều thành công to lớn, Trung Quốc đáng được kính trọng nhiều hơn”.

Biên tập viên Trương Kiếm Kinh của tờ Trung Quốc Cải cách đã đưa một góc nhìn hơi khác với quan điểm nói trên. Trong một bài viết sâu sắc và đáng suy nghĩ đăng trên tờ Cải cách, ông quả quyết rằng trước sự khiêu khích của Nhật Bản, “Đã đến lúc Trung Quốc phải đáp trả bằng một thái độ bình tĩnh và phải duy trì quân bình lực lượng ở trong khu vực… theo đuổi lập trường này có ngụ ý là cuối cùng Trung Quốc sẽ hỗ trợ cộng đồng quốc tế… Trở ngại lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là một tập thể ngày càng đông đảo gồm những người đang chặn đứng các cải tổ trong nước. Nói một cách tương đối, việc quản lý vùng địa chiến lược này là một ván cờ không quan trọng lắm”. Tôi không trả lời được câu hỏi là liệu Trung Quốc có thể lãnh đạo thế giới được hay không và lãnh đạo bằng cách nào, nhưng ít ra tôi cũng hi vọng rằng một phần đáp án có lẽ nằm trong tay những nhà tư tưởng và lãnh đạo Trung Quốc có quan điểm như họ Trương.

 

E.C.E.

 

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

 

-Sẽ Còn Chóng Mặt (Nguyễn Xuân Nghĩa)


Nguyễn-Xuân Nghĩa Ngày 121010

Biến động xã hội, biểu tình và những lúng túng của lãnh đạo trong thời gian tới....

 * Thiên hạ đệ nhất... bia *

Từ nay cho đến ngày Hoa Kỳ chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của một vị Tổng thống, thực đơn toàn cầu sẽ là hàng loạt biến động xã hội. Sau đó là những đổi thay đến chóng mặt.

Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử vào ngày Thứ Ba sau Thứ Hai đầu tiên của Tháng 11. Cử tri sẽ bầu lại chức vụ lãnh đạo Hành pháp, toàn bộ 435 Dân biểu Hạ viện, 33 Nghị sĩ Thượng viện, 11 Thống đốc tiểu bang cùng nhiều chức vụ dân cử ở địa phương.

Cả thế giới chú ý đến cuộc tranh cử Tổng thống, được chuẩn bị từ gần hai năm qua tại vòng sơ bộ bên đảng Cộng Hoà đối lập. Thật ra, cuộc bầu cử Quốc hội có tầm quan trọng không kém, và lần này còn quan trọng hơn, vì hiện tượng ách tắc chính trị tại Hoa Kỳ khi đảng Cộng Hoà kiểm soát Hạ viện mà đảng Dân chủ vẫn chiếm đa số, dù là mỏng hơn, tại Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2010.

Cái thế "cài răng lược" đó và chủ trương "cải tạo xã hội" của Tổng thống Barack Obama mới dẫn đến tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay, khi Hoa Kỳ chưa hồi phục sau vụ suy trầm kinh tế 2008-2009 và trận khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Vì mải theo dõi cuộc tranh cử ồn ào và nhiều khi rất bẩn tại Hoa Kỳ, qua những thủ đoạn xu cáo và xuyên tạc, người ta có thể không chú ý đúng mức các cuộc vận động chìm tại Trung Quốc, khi đảng Cộng sản Trung Hoa chuẩn bị Đại hội Khoá 18.

Đại hội này sẽ đưa lên tầng lớp lãnh đạo mới để thay thế những người đã cầm quyền từ sau Đại hội 16, vào năm 2002. Vì không có dân chủ mà phải quyết định theo lối "đồng thuận" trong bóng tối của quyền lực, giữa 25 Ủy viên Bộ Chính trị và vây cánh ở chung quanh, việc chuẩn bị Đại hội 18 và tranh đoạt quyền bính đã tiến hành như sau một tấm kính mờ, với đầy thủ đoạn và ma thuật chính trị.

Thất vọng về những tranh luận ồn ào bát nháo trong nền dân chủ Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ đã thầm mơ tình trạng ổn định và duy ý chí của Trung Quốc. Trong số này không thiếu đám trí thức thiên tả, nhà báo mơ ngủ và những kẻ ăn phải bả của Bắc Kinh.

Nhưng thế giới không chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc... Qua năm 2013, người ta mới thấy ra nhiều đổi thay khiến giới lãnh đạo sẽ bần thần.

***

Trong những ngày tháng tới, thế giới sẽ chứng kiến nhiều vụ xuống đường biểu tình và cả động loạn xã hội từ rất nhiều nơi. Nguyên nhân thì mỗi nơi mỗi khác, nhưng hậu quả chung sẽ là bất ổn chính trị. Hãy đi từ "Cựu Thế Giới", từ Âu Châu.

Cuộc khủng hoảng của khối Euro gồm 17 nước trong Liên hiệp Âu châu 27 thành viên chưa thể thoái lui. Trước và sau mỗi kỳ họp, thượng đỉnh hay không, của lãnh đạo và các cơ chế hữu trách, người ta lại thấy dân chúng nhiều nơi xuống đường phản đối những biện pháp được ban hành để cứu nguy đồng Euro. Lãnh đạo Âu châu và các định chế hữu trách (Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) cố gắng dung hòa quyền lợi và quan điểm của các thành viên, nhưng ở nhà, quần chúng của các nước đang được cấp cứu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Hy Lạp, sẽ không chấp nhận những biện pháp khắc khổ cần thiết.

Trong khi ấy, kinh tế Âu châu vẫn èo uột và mấp mé suy trầm.

Tình hình sa sút tại Âu châu sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển, vốn dĩ cần xuất cảng để giữ đà tăng trưởng. Như Ngân hàng Phát triển Á châu ADB, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã dự báo vào đầu Tháng 10, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm lần nữa vì những gì xảy ra tại Âu Châu – và cả Hoa Kỳ từ đầu năm tới.

Hiệu ứng Âu-Mỹ mà dội vào Trung Quốc, với đà tăng trưởng đã giảm mạnh, động loạn xã hội sẽ lại tăng. Sau khi được phép xuống đường chống Nhật vì tranh chấp chủ quyền trên cụm đảo Điếu Ngư – Senkaku, người dân Hoa lục sẽ lại tiếp tục xuống đường phán đối vì những lý do khác, như bất công xã hội, thất nghiệp, tham nhũng hay cường hào ác bá.

Trong khi ấy, lãnh đạo lại như bước lên trứng mỏng.

Sau chín tháng đầy biến cố bất ngờ nổi lên từ Thành Đô và Trùng Khánh của tỉnh Tứ Xuyên và dội về Bắc Kinh, Bộ Chính trị không muốn có thêm một vụ tai tiếng nào khác trước khi Tập Cận Bình lên thay Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí thư và Chủ tịch Nhà nước. Nhưng sau Đại hội 18, các vấn đề sinh tử của Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn. Thế hệ thứ năm, của những Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, phải chuyển hướng và cải tổ cơ cấu, trong khi quần chúng lại đòi hỏi nhiều hơn.

Chính là những bất ổn bên trong mới khiến lãnh đạo Bắc Kinh tận dụng tinh thần ái quốc và bài ngoại để xoa dịu thần dân, nên gây sóng gió ngoài biển Hoa Nam với các nước Đông Nam Á rồi biển Hoa Đông với Nhật Bản. Trung Quốc không muốn và không thể gây chiến tranh mà chỉ cần đánh lạc hướng quan tâm của dân chúng mà thôi.

Nhưng cũng vì vậy mà có thể gặp tai nạn bất ngờ ở ngoài khơi vì những đụng độ không tính trước, nhất là vào mùa lưới sắp tới của ngư phủ. Khi ấy, lãnh đạo mới và cũ, trước và sau Đại hội 18, sẽ phản ứng ra sao? Đã lỡ khai thác tinh thần dân tộc như cưỡi trên lưng cọp, họ sẽ làm sao thoả mãn những đòi hỏi đa diện mà đầy mâu thuẫn của quần chúng?

Thế giới có thể phần nào nhìn ra những tính toán của họ tại Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới đây....

***

Trở lại Hoa Kỳ, sau khi bước vào cuộc chiến "chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu" và vướng chân vào hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, năm năm về trước, Tổng thống George W. Bush quyết định đôn quân vào Iraq để rồi sẽ rút. Tổng thống Obama cũng có quyết định tương tự tại Afghanistan, khác biệt là ông còn đặt ra kỳ hạn rút quân là cuối năm 2014.

Việc triệt thoái ấy đang thành hình. Những tranh luận đúng sai, hoặc về chiến trường sạch như Afghanistan hay bẩn như Iraq, chỉ là tiểu xảo chính trị, chứ Hoa Kỳ phải tái phối trí ưu tiên của mình và sẽ triệt thoái.

Nhưng "Mùa Xuân Á Rập" năm ngoái là biến cố bất ngờ và hậu quả là cái gọi là phong trào dân chủ trong thế giới Hồi giáo lại không nhất thiết phù hợp với quyền lợi của nước Mỹ - chuyện đang thấy tại Ai Cập. Sau khi bị Âu Châu, chủ yếu là nước Pháp, dẫn dụ vào cuộc nội chiến tại Libya và bị quân khủng bố phục kích tại Benghazi - mà còn chối đây đẩy - Chính quyền tay mơ của Obama sẽ khéo lảng khỏi Syria và tội ác ngập đầu của chế độ Bashar al-Assad.

Hoa Kỳ sẽ bán cái cho các nước Hồi giáo, như Saudi Arabia hay Turkey, giải quyết hồ sơ Syria và mơ ước một phép lạ tại Iran.

Suốt bốn năm qua, sau khi Tổng thống đi vái tứ phương để nói chuyện hoà giải với đạo Hồi, Hoa Kỳ đã chứng minh ảnh hưởng có giới hạn của mình trong thế giới Hồi giáo. Chính quyền sẽ nhậm chức sau ngày 20 Tháng Giêng tới đây còn bị hậu quả bất lường, dù không với cường độ của vụ khủng bố 9-11 năm 2001.  

Người ta cứ nghĩ – sai – rằng Tổng thống Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới. Quyền lực của một tổng thống gồm có hai vế nội chính và ngoại giao. Về nội chính, trong các vấn đề kinh tế, tài chánh và xã hội, người cầm đầu Hành pháp phải thỏa nhượng với Lập pháp, Tối cao Pháp viện và Ngân hàng Trung ương và thật ra có quyền lực rất giới hạn vè ngân sách. Vì vậy mới phải tìm thắng lợi về an ninh và đối ngoại, là lãnh vực tương đối thuộc thẩm quyền của Hành pháp.

Nhưng ngay trong lãnh vực đối ngoại này, Tổng thống Hoa Kỳ cũng chẳng có toàn quyền quyết định hoặc có khả năng thực hiện những chủ trương lớn khi tranh cử. Việc nêu ra chủ trương hay chủ thuyết chỉ là phần hào nhoáng của tranh cử. Chứ khi cầm quyền thì tổng thống tân cử vẫn lãnh di sản của người tiền nhiệm, vẫn bị biến cố bất ngờ và nhất là vẫn phải nương theo tính toán của nước khác để bảo vệ an ninh và quyền lợi của quốc gia.

Tổng thống ưu tú và để lại sự nghiệp lịch sử là người có thủ đoạn tranh đoạt tối đa quyền lợi cho nước Mỹ và làm thay đổi được khung cảnh quốc tế, tức là hành xử như một đế quốc, mà vẫn có vẻ bảo vệ những giá trị lý tưởng của nền dân chủ. Những người như vậy thật ra không nhiều.

Và người sẽ tuyên thệ vào năm tới sẽ khó đạt được thành tích ấy. Chỉ vì ưu tiên của nước Mỹ vẫn là những chuyện bên trong và Hành pháp vẫn phải thỏa hiệp với Quốc hội do dân bầu lên., Chỉ vì Hoa Kỳ mắc nợ quá nhiều, gây bội chi kỷ lục để kích thích kinh tế mà không đạt kết quả và, quan trọng nhất, vì quần chúng đòi hỏi quá nhiều mà không chấp nhận hy sinh để vượt qua những khó khăn hiện tại. Ai cũng đồng ý là phải giảm chi và tăng thuế, nhưng giảm chi cho người khác và không tăng thuế của mình.

Cuối cùng thì chính là vì phải xoay vào giải quyết chuyện bên trong mà Hoa Kỳ có thể lại gặp biến cố bất ngờ từ bên ngoài và có phản ứng bất lường. Viễn cảnh ấy mới gây chóng mặt.

Bị tàu lạ đâm chìm tàu, 5 ngư dân mất tích (TP).  - Tàu cá bị đâm chìm, 5 người kẹt trong cabin (TN). - Tàu cá bị đâm chìm, năm ngư dân mất tích (PLTP). – Trà Vinh cứu sống 2 ngư dân gặp tai nạn trên biển (TTXVN).   - Bàn giao tàu cá cho ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa (TN). Thuyền viên bị bỏ mặc ở nước ngoài liên tiếp kêu cứu (VnEx 13-10-12)

Trung – Nhật đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền về quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku (Petro Times).  – Nhật – Trung kín đáo đối thoại về đảo tranh chấp (VNE).  – CSB Nhật Bản đóng thêm tàu, tuyển thêm quân đối phó với Hải giám (GDVN).  -  Nhật Bản và Mỹ dự định tập trận tái chiếm đảo (QĐND).  - Nhật, Mỹ sẽ tập trận chiếm lại đảo (TN).  – Nhật Bản vận động quốc tế về chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư (RFI).   – Nhật Bản và Trung Quốc đồng ý thảo luận hàn gắn rạn nứt trong quan hệ hai nước (VOA). 

Mỹ – Trung đang chạy đua vũ trang tại châu Á – Thái Bình Dương (Infonet). Trung - Mỹ tăng cạnh tranh chiến lược ở châu Á - TBD 

-- Mỹ dùng đá gián điệp theo dõi Iran (ĐV).  - Mỹ dùng tiêm kích hạm F/A-18D Hornet để thử nghiệm X-47B (ANTĐ).  - Kỷ nguyên UAV của Mỹ (TN).

- Vũ khí đáng kinh ngạc của hải quân Ukraina (VTC).

Người Việt chế tạo tàu ngầm (TN). – Quan hệ đối tác toàn diện Việt-Nga (EAF/ TCPT).

-Tấn công không gian ảo là đe dọa lớn với Hoa Kỳ

Nguoi Viet Online
Bộ Trưởng Quốc Phòng Leo Panetta cảnh cáo rằng sự tấn công trong không gian ảo, vào mạng lưới điện toán, là một đe dọa đáng lo ngại có thể gây nhiều tổn hại lớn lao cho Hoa Kỳ, và cần chuẩn bị những kế hoạch đối phó đầy đủ.

Tổng số lượt xem trang