Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

Dự án luật Bồi thường nhà nước: Đề nghị chỉ bồi thường 11 trường hợp

11-03-2009 23:08:46 GMT +7
LÊ KIÊN
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu không đồng tình việc giới hạn vì đó là hạn chế quyền của dân và làm nền công vụ kém hiệu quả.

Nhiều ý kiến tại hội thảo của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội hôm qua (11-3) nhất trí rằng lần đầu tiên xây dựng đạo luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước có ý nghĩa to lớn trong việc bình đẳng hóa quan hệ của nhà nước và công dân. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự luật được xác định gồm ba lĩnh vực: quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng.


Vì nghèo nên phải “né” bồi thường
Đối với các trường hợp thiệt hại do hành động của người thi hành công vụ trong lĩnh vực hành chính gây ra, Chính phủ đề nghị chỉ giới hạn phạm vi bồi thường trong 11 trường hợp cụ thể. “Trong điều kiện hiện nay, lĩnh vực quản lý hành chính mà mở ra hết thì rất rộng, phức tạp và khó khả thi. Sau này thấy khả năng áp dụng tốt hơn, tính khả thi cao hơn thì sửa luật để mở rộng dần” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng giải trình. Ủng hộ ý kiến này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng trong điều kiện năng lực đội ngũ công chức còn yếu, hành vi làm sai vẫn phổ biến mà quy định cái gì công chức sai nhà nước phải bồi thường hết thì nhà nước “vỡ nợ”.

Không đồng tình, ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha lên tiếng: Nếu lấy lý do chưa có điều kiện về kinh tế, rồi trình độ đội ngũ công chức có hạn thì không biết đến bao giờ mới có nền công vụ hiệu quả. “Vừa qua, phát hiện sai phạm ở nhiều địa phương khi thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo ăn Tết của Chính phủ thì thấy rằng nhiều nơi cán bộ rất thiếu trách nhiệm” - ông Pha dẫn chứng. Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết, giới hạn phạm vi bồi thường là trái Hiến pháp. “Nếu nhà nước thiếu tiền thì bồi thường phần nào đó để tỏ rõ trách nhiệm” - GS Thuyết nói. UBTVQH cũng kết luận: “Mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội nước ta hiện nay còn khó khăn; trình độ, năng lực cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế... nhưng không vì thế mà hạn chế quyền của công dân yêu cầu nhà nước bồi thường thiệt hại”.

Nên có bảo hiểm công vụ
Mặc dù thừa nhận nguyên tắc của pháp luật dân sự là thiệt hại đến đâu thì bồi thường đến đó nhưng UBTVQH đánh giá trong điều kiện hiện nay, việc tính đúng, tính đủ để bồi thường ngang bằng giá trị thiệt hại là rất khó. Tuy nhiên, mức bồi thường cụ thể thì phải có lý, có tình và phải khả thi. Đồng thời, xác định mức bồi thường phải dựa trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người bị thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được thì người đòi bồi thường có thể khởi kiện ra tòa.

Đối với người thi hành công vụ làm sai, dự luật quy định họ phải có trách nhiệm hoàn trả cho nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường. Tuy nhiên, mức hoàn trả sẽ tùy thuộc vào mức độ lỗi và khả năng kinh tế của người đó. Do tính chất đặc thù, dự luật quy định người tiến hành tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả khoản bồi thường nếu lỗi được xác định là không cố ý. GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất nên nghiên cứu thành lập bảo hiểm công vụ và buộc công chức phải mua loại hình bảo hiểm này. Trong khi đó, Viện trưởng Đinh Xuân Thảo lưu ý: “Nếu quy định trách nhiệm cá nhân khắt khe thì có thể dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức sợ sai mà không dám hành động, dẫn đến sự trì trệ của nền công vụ”.

Không hành động cũng là lỗi

UBTVQH đề nghị quy định các trường hợp người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà gây thiệt hại thì phải bồi thường trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, trong quản lý hành chính là các hành vi: không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện. Trong thi hành án dân sự là các hành vi: không ra quyết định thi hành án; không ra quyết định các biện pháp đảm bảo thi hành án; không ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc không ra quyết định thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án.
-----
Không biết bao giờ VN mới có một xã hội dân chủ đúng nghĩa.

Tổng số lượt xem trang