Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

Tranh chấp liên quan đến năng lượng ở Biển Đông

Tranh chấp liên quan đến năng lượng ở Biển Đông
ttngbt tổng hợp
Lịch sử - Hiện trạng - Quan điểm của các bên trong tranh chấp


Biển Đông nằm một phần trong Thái bình dương trải dài từ Singapore và eo biển Malacca phía Tây Nam, cho tới eo biển Đài Loan (giữa Đài Loan và Trung Quốc) phía Đông Bắc. Khu vực này có trên 200 đảo nhỏ, bãi đá và bãi đá ngầm, đa số đều nằm trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tổng diện tích đất quần đảo Trường Sa không đầy 3 dặm vuông.
Tuy dù vậy, quần đảo này có tầm quan trọng chiến lược cả về kinh tế và chính trị, tuyên bố chủ quyền tại quần đảo này sẽ được sử dụng để tuyên bố chủ quyền vùng biển xung quanh và các nguồn lực tài nguyên biển. Tốc độ tăng trưởng nhanh tại châu Á cũng đã làm tăng nhu cầu năng lượng trong khu vực. Theo dự đoán của EIA, tiêu thụ dầu tại các nước đang phát triển châu Á dự đoán sẽ tăng 2,7% hàng năm từ khoảng 14,8 triệu thùng /ngày (MMbbl/d) trong năm 2004 lên tới gần 29,8 MMbbl/d vào năm 2030. Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần nửa mức tăng này.

Không tính tới lợi ích kinh tế của hai quấn đảo nầy. Đây còn là một địa điểm chiến lược liên quan tới vận chuyển, phòng thủ và tấn công từ hai quần đảo nầy thật vô giá.
Hai quần đảo nầy nằm trên hải lộ ngắn nhất giữa Bắc Thái Bình dương và Ấn Độ dương. Nơi qua lại của một phần tư trao đổi hàng hải thế giới và nhất là của 70% nhập cảng dầu của Nhật. Các đường bay của Nam Thái Bình duơng thường bay xuyên qua các đảo của hai quần đảo nầy. Nhất là khi quân lực Mỹ hay Nga đã bỏ Cam Ranh, căn cứ hải quân Subic Bay và căn cứ không quân Clark Phi Luật Tân. Thì việc Trung Quốc chiếm cứ hai quần đảo nầy sẽ là một thảm họa cho các quốc gia lân cận, ví dụ như việc tiếp tế dầu hỏa và khí đốt cho Nhật từ Trung Đông. Trung Quốc cũng đã xây dựng một loạt căn cứ quân sự tại Nam Hải và TQ cũng là quốc gia duy nhất tìm cách phát triển cơ sở hải quân nước sâu để đối trọng Hoa Kỳ. Mục tiêu chính là để bảo vệ eo biển Malacca trong trường hợp xung đột và bị Hoa Kỳ cấm vận dầu lửa.
Vùng vịnh Thái Lan giáp ranh với biển Đông cho dù về mặt nguyên tắc không phải là một phần của biển Đông, nhưng cũng có những tranh chấp xung quanh chủ quyền vùng Vịnh này và cả các tài nguyên xung quanh nó. Biển Đông có nguồn tài nguyên rất phong phú, như dầu và khí tự nhiên, và biển Đông (bao gồm cả vùng vịnh Thái Lan) cũng đang nằm trong sự tranh chấp của nhiều nước.

Tuyên bố của các nước về chủ quyền tại các quần đảo trên biển Đông (Trường Sa và Hoàng Sa)

Brunei

Brunei tuyên bố chủ quyền tại biển Đông chỉ hạn chế trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei, kéo dài cho tới một trong các bãi đá ngầm phía nam của Trường Sa. Mặc dù vậy, Brunei cũng không tuyên bố chính thức về bãi đá ngầm này hay có bất kỳ tuyên bố nào liên quan tới quần đảo Trường Sa. Brunei cũng không tuyên bố bất kỳ chủ quyền nào tại quần đảo Hoàng Sa.
- Năm 2003, vào tháng 5, đã xảy ra tranh chấp giữa Malaysia và Brunei ở ngoài khơi miền Bắc Borneo.

Việt Nam

Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại một phần khá lớn trên biển Đông dựa trên nguyên tắc khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại toàn bộ quần đảo Trường Sa và đang nắm giữ 20 đảo trong quần đảo Trường Sa. Việt Nam cũng tuyên bố toàn bộ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bất chấp đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng vào năm 1974. Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền tại vùng vịnh Thái Lan dựa trên nguyên tắc khu đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Năm 1982, Việt Nam đã ký kết Hiệp định về Vùng nước Lịch sử với Cambodia (The Agreement on Historic Waters with Cambodia), đặt nền tảng cho giai đoạn hợp tác sau này giữa hai nước. Năm 2006, Việt Nam và Cambodia cũng đã thông báo ý định của hai nước cùng chia sẻ tài nguyên dầu tại vùng vịnh Thái Lan. Năm 1992, Việt Nam và Malaysia cũng đã ký kết một Hiệp định về khu khai thác chung (JDA). Năm 1997, Việt Nam và Thái Lan cũng đã ký kết một hiệp định phân định đường biên giới trên biển.

Trong 10 thành viên của ASEAN, thì quan hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc là một quan hệ phức tạp, nhiều khía cạnh, căng thẳng, và đầy rẫy những đụng chạm nhất.
Tranh chấp chủ quyền tại các đảo Trường sa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã từng xảy ra trong quá khứ cho đến ngày nay và có thể chia ra làm ba thời kỳ chính: 1909-1954 là thời kỳ Pháp thuộc. Thời kỳ 1954-1975 Việt Nam Cộng Hòa và từ 1975 đến hôm nay thời kỳ CHXHCNViệt Nam. Các thời điểm quan trọng:
- Năm 1946 Trung Quốc chiếm nhóm An Vĩnh.
- Năm 1974 Trung Quốc dùng quân sự xâm chiếm toàn bộ Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa
- Năm 1988 Hải quân Trung Quốc và Việt Nam đụng độ ở Johnson Reef thuộc Trường Sa. 3 tàu VN bị chìm và 70 thủy thủ thiệt mạng. Trung Quốc chiếm một số đảo từ tay Việt Nam.
- Năm 1992 Việt Nam tố cáo Trung Quốc đổ quân lên Da Luc Reef. Trung Quốc bắt giữ khoảng 20 tàu trở hàng của Việt Nam đi từ Hồng Kông trong khoảng từ tháng 6 tới tháng 9. Trung Quốc ký hợp đồng cho phép Crestone, một công ty dầu mỏ Mỹ, thăm dò dầu mỏ gần Trường Sa, một lô rộng 25.500 km2 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đường cơ bản 84 hải lý và cách Hải Nam 570 hải lý.
- Năm 1994 Hải quân Trung Quốc và Việt Nam chạm chán nhau trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam được quốc tế công nhận – vùng thăm dò dầu khí Tu Chinh, khối 133, 134, và 135. Trung Quốc khẳng định vùng này thuộc khối Wan' Bei-21 (WAB-21) của họ và cho phép Crestone thực hiện thăm dò dầu khí ở vùng biển này. Ngày 10/6/1994 Trung Quốc tuyên bố lô Thanh Long, phía Tây khu vực Tu Chính, cách đảo Hòn Hải (nằm trên đường cơ bản của Việt Nam) 90 hải lý cũng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Lý do của Trung Quốc là vùng này là vùng phụ cận của quần đảo Trường Sa. Vào tháng 8, tàu hải quân Việt Nam cưỡng bức tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc ra khỏi vùng biển VN khẳng định có chủ quyền..
- Năm 1996, vào tháng 4, Việt Nam cho phép Conoco, một công ty dầu khí Mỹ thực hiện thăm dò dầu khí ở vùng tranh chấp; đồng thời không chấp nhận hợp tác với Crestone.
- Năm 1997, vào tháng 3, Trung Quốc thực hiện khoan dầu ở mỏ dầu Kantan-3 gần Trường Sa. Việt Nam phản đối và cuối cùng Trung quốc nhượng bộ hủy bỏ dự án này. Vào tháng 12, Việt Nam phản đối tàu thăm dò Trung Quốc và hai tàu tiếp vận của họ đi vào vùng biển thuộc chủ quyền VN. Cả 3 tàu này đều được tàu chiến VN áp tải ra khỏi khu vực.
- Năm 1998, vào tháng 9, Việt Nam phản đối sau khi Trung Quốc ra báo cáo nói rằng Crestone và Trung Quốc sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở vùng Tu Chinh region (Wan' Bei in Chinese). Tranh chấp này được giải quyết qua thương lượng vào tháng 12 năm 2000.
- Năm 2007, Trung Quốc quy định là tất cả bản đồ Trung Quốc phải vẽ ranh giới bản đồ lưỡi bò (hình trên được Trung Quốc vẽ vào năm 1947). Cũng năm 2007, Trung Quốc áp lực BP phải ngưng hợp tác với Việt Nam trong hai vùng dầu khí Mộc Tinh, Hải Thạch. Cuối tháng 12 năm 2007 thì hàng chục tầu chiến của Trung Quốc áp sát Trường Sa, và 2 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay ra khu vực quần đảo Trường Sa, bị hàng chục chiến đấu cơ của Trung Quốc áp tải.
- Năm 2008, Trung Quốc vẽ ranh giới lưỡi bò vào bản đồ rước đuốc Olympic và Paralympic. Cũng năm 2008, Trung Quốc áp lực ExxonMobil không được hợp tác với Việt Nam trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam. [Đánh giá yêu sách của TQ với ExxonMobil và BP tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/09/080916_nam_conson_opinion.shtml]
Về phương diện bằng chứng lịch sử, Trung Quốc đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh chủ quyền của họ ở quần đảo Hoàng Sa ngoài những sử liệu bị sửa đổi, những lý lẽ mơ hồ qua những địa danh bịa đặt hoặc thay đổi. Thời điểm 1932 về trước, lý lẽ của Trung Quốc đưa ra để tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với Pháp là vì Việt Nam trước kia là chư hầu của Trung Quốc. Năm 1949 Trung Quốc công bố bản đồ “chín gạch” xác định “nội hải” của Trung Quốc. Lý lẽ đưa ra biện luận cho việc này là vùng biển và các đảo trong vùng thuộc về Trung Quốc vì các đảo này do người Trung Quốc khám phá.
Việt Nam tuyên bố cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc chủ quyền của Việt nam. Quần đảo Trường Sa nằm trong thềm lục địa của Việt nam và quần đảo Hoàng Sa đã được Pháp tuyên bố chủ quyền trước đây.
Một số sự kiện khác về những văn bản, công hàm liên quan:
Ngày 14-9-1958, ông Phạm Văn Đồng đại diện quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) gởi công hàm công nhận những đòi hỏi của Trung Quốc về vấn đề lãnh hải.
Ngày 25 tháng 12 năm 2000, hải phận trong vịnh Bắc bộ đã được phân định theo Hiệp Ước phân định Vịnh Bắc Bộ.
Có thể thấy do quần đảo Hoàng Sa đã nằm trong tay Trung Quốc và đó lại là tranh chấp song phương Trung – Việt, Trường Sa trở thành tranh chấp lãnh thổ quan trọng nhất giữa Trung Quốc và các nước đòi chủ quyền – Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Đài Loan cũng đòi chủ quyền với Trường Sa, nhưng nói chung họ bị bỏ qua trong quá trình đàm phán. Hoàn toàn không hy vọng Trung Quốc và Việt Nam giải quyết tranh chấp Trường Sa trong tương lai trước mắt. Liệu có thể giải quyết tranh chấp Hoàng Sa bằng một trọng tài quốc tế? Có thể nói sẽ là việc rất khó thực hiện trong thời điểm hiện tại tuy rằng hai nước khẳng định chia sẻ quyền lợi chung khi gìn giữ môi trường ổn định, hòa bình trong khu vực để có thể tập trung phát triển kinh tế.
Trung Quốc
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa (Trung Quốc là Nam Sa), và quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng một số đảo này. Năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và tiếp tục chiếm đóng duy trì kiểm soát quần đảo này. Hơn nữa, Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Đông Sa. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông dựa trên nguyên tắc khu đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa cũng như là các tư liệu lịch sử từ đời Hán (110 AD) và Minh (1403-1433 AD) (tham khảo phần Việt Nam ở trên).

Đài Loan

Đài Loan tuyên bố chủ quyền tại hầu hết biển Đông, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa (Nam Sa theo Trung Quốc) và đã tuyên bố ý định xây dựng một đường băng tại Taiping. Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Hoàng Sa. Hơn nữa Đài Loan đang chiếm đảo Đông Sa. Đài Loan dựa vào các nguyên tắc giống với Trung Quốc.
Đài Loan chiếm đảo Ba Bình từ năm 1956. Đây là đảo lớn nhất Trường Sa, có cây cối và nước ngọt. Tháng 2 năm 1992, Trung Quốc ra Luật Lãnh Hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui định rõ các đảo và quần đảo nói trên thuộc Trung Quốc. Ngày 21 tháng 5 cùng năm, Đài Loan ra luật lãnh hải có nội dung tương tự. Do tính pháp lý còn không rõ ràng của Đài Loan, Đài Loan ít có tiếng nói trong các cuộc đàm phán tranh chấp. Một số sự kiện liên quan tới Đài Loan:

- Năm 1995 Hải quân Đài Loan đã bắn vào tàu vận tải Việt Nam.

Philippines:

Nếu xét tới hiệp ước 1898 ký kết giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, Philippines không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Hiệp ước này qui định Phi được giao cho Mỹ và Mỹ xác định vùng biển của Philippines, theo đó thì không có quần đảo Trường Sa.
Quan điểm của Philippines về quần đảo Trường Sa bắt đầu thay đổi từ năm 1951 khi tổng thống Quirino rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Philippines vì nó ở gần nước Philippines. Năm 1956, Philippines đã tiến hành thăm dò trên quần đảo này.
Philippines tuyên bố chủ quyền khá rộng tại biển Đông. Philippines chiếm 8 đảo trong quần đảo Trường Sa (Kalayaan trong Filipino). Philippines không đòi chủ quyền tại Hoàng Sa. Chủ quyền tại Filipino dựa vào nguyên tắc khu đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa, cũng như các lần thám hiểm của người Philippine năm 1956.

Một số sự kiện tranh chấp:
- Từ năm 1968 đến 1975, Philippines cho quân đi chiếm một số đảo có cây cối và nước ngọt như các đảo Thị Tứ, Loai Ta,Vĩnh Viễn, Song Tử Đông…
- Năm 1979, theo một nghị quyết do Tổng Thống Marcos ký, toàn bộ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Phi, ngoại trừ một vài đảo, đặt tên là Kalayaan.
- Năm 1980, Philippines đã chiếm lĩnh 8 đảo đá, xây dựng 2 sân bay nhỏ, 3 căn cứ lục quân, và khoanh vùng biển 410.000 km2 ở miền Đông của Biển Đông là lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
- Năm 1995, Trung Quốc chiếm đảo Mischief Reef (đá vành khăn) từ tay Philippines.
- Năm 1996, vào tháng 1, chiến hạm Trung Quốc và Philippines giao chiến trong khoảng 90 phút gần đảo Capones của Philippine.
- Năm 1997, Hải quân Philippines buộc tàu cao tốc của Trung quốc và 2 tàu đánh cá rời khỏi vùng biển Scarborough Shoal in April; Hải quân Philippines sau đó tháo dỡ các cọc mốc và cờ của Trung Quốc đã cắm.
- Năm 1998, vào tháng 1, tàu hải quân Việt Nam bắn vào tàu đánh cá Philippine trong vùng gần Tennent (Pigeon) Reef.
- Năm 1999, hai tàu đánh cá Trung Quốc bị chìm vào tháng 5 và tháng 6 khi đụng phải tàu chiến Philippines. Vào tháng 5, Philippines tố cáo tàu chiến Trung Quốc khiêu khích tàu hải quân Philippines. Vào tháng 10, hải quân Việt Nam bắn máy bay Philipines trên vùng Trường Sa.

Hiện nay Tổng Thống Aroyo dự trù sẽ thông qua một đạo luật mới, trước tháng 5 năm 2009, nhằm mở rộng vùng biển của nước này ra đến các quần đảo Trường Sa.
Philippines cũng đã ký kết một hiệp ước với Trung Quốc nhằm nghiên cứu và thăm dò vùng biển năm 2004, gián tiếp công nhận sự có mặt hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Đến năm 2005, do Việt Nam phản đối, thì Việt Nam cũng được tham gia ký kết hiệp định thăm dò vùng biển với Philippines và Trung Quốc.

Tuy vậy, vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines không quá gay gắt.

Malaysia:

Malaysia tuyên bố chủ quyền trên biển Đông chỉ giới hạn ở khu đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Malaysia tuyên bố chủ quyền tại 3 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đã xây dựng một khách sạn trên một đảo và mang đất từ đất liền tới để nâng cao mực đất trên một đảo khác. Malaysia không tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần của vịnh Thái Lan, dựa vào nguyên tắc khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Malaysia đã ký một hiệp định hợp tác trong khai thác và thăm dò với Thái Lan vào năm 1979. Trong năm 1992, Malaysia và Việt Nam đã ký một hiệp định về Khu Khai thác chung. Malaysia chưa ký kết một hiệp định nào như vậy với Cambodia.
Một số sự kiện tranh chấp chính:

- Năm 1983, Malaysia lên tiếng dành chủ quyền Trường Sa.
- Năm 1993, Malaysia chiếm đảo Hoa Lau, Kỳ Vân và Kiệu Ngựa của Việt Nam. Mã Lai cho đổ đá xây dựng đảo Hoa Lau này thành một đảo nhân tạo, có xây sân bay.
- Năm 1999, vào tháng 10, hai máy bay chiến đấu của Malaysia và 2 máy bay thám sát của Philippines gần như đụng độ nhau gần một bãi đá do Malaysia quản lý.
Indonesia
Indonesia tuyên bố chủ quyền trên biển Đông chỉ hạn chế tới đường biên của khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Indonesia không tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

- Năm 1996 Indonesia tổ chức diễn tập quân sự hùng hậu tại vùng quần đảo Natuna đáp lại tuyên bố tranh chấp của Trung Quốc.
Thái Lan
Thái Lan tuyên bố chủ quyền tại vùng vịnh Thái Lan dựa trên nguyên tắc khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thái Lan đã ký kết một hiệp định hợp tác về khai thác và thăm dò với Malaysia vào năm 1979. Trong năm 1997, Thái Lan và Việt Nam cũng đã ký một hiệp định phân định ranh giới vùng biển giữa hai nước. Thái Lan chưa ký hiệp định tương tự với Cambodia.
Cambodia
Cambodia tuyên bố chủ quyền tại một phần vịnh Thái Lan dựa vào khu đặc quyền kinh tế (EEZ) và nguyên tắc thềm lục địa, và lịch sử Cambodia tại vùng vịnh Thái Lan. Trong năm 1982, Cambodia đã ký Hiệp định vùng nước lịch sử (The Agreement on Historic Waters) với Việt Nam, đặt một nấc thang để tiếp tục đàm phán giữa hai nước. Trong năm 2006, Cambodia và Việt Nam đã thông báo ý định cùng chia sẻ tài nguyên dầu trong vùng vịnh Thái Lan. Hiện nay Cambodia vẫn chưa có một hiệp định nào như vậy với cả Thái Lan hay Malaysia.
Nhìn chung, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) chưa giải quyết được những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Công ước 1982 đã đưa ra một số hướng dẫn về tình trạng các đảo, thềm lục địa, các khu đặc quyền kinh tế (EEZ), nội hải, và các giới hạn lãnh thổ. UNCLOS cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền phải giải quyết bằng đàm phán trong sự tin tưởng lẫn nhau. Các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và các tài nguyên của nó thì liên quan tới rất nhiều bên như Brunei. Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho phép tuyên bố chủ quyền tại vùng biển sử dụng 200 dặm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và nguyên tắc thềm lục địa.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã nổi lên như là một diễn đàn quan trọng để đối thoại trong các nước tranh chấp trên biển Đông. Cho dù, ASEAN không bao gồm Trung Quốc và Đài Loan, một số các nhóm công tác với Trung Quốc và Đài Loan đã được tổ chức để duy trì các mối quan hệ cần thiết có thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hơn trong khu vực. Indonesia đã đứng ra làm nước chủ nhà cho một cuộc hội thảo đầu tiên vào năm 1990 và từ đó đã đóng vai trò chủ chốt trong các sáng kiến ngoại giao và xây dựng các hiệp định hợp tác liên quan tới các vấn đề biển Đông.
Năm 1996, các bộ trưởng các nước ASEAN đã cùng thỏa thuận về sự cần thiết phải xây dựng một mã vùng cho khu vực biển Đông có thể giúp cho các hoạt động như nghiên cứu khoa học, chống cướp biển, chống buôn lậu ma túy mà không cần phải dính líu tới vấn đề chủ quyền. Năm 1999, một bản dự thảo bằng cả tiếng Việt Nam và Philipino cho một bộ luật khu vực chung đã được đưa tới hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Tháng 11/2002, Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã ký một tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (Joint Declaration on the Conduct of Parties), hướng tới “giải quyết các xung đột lãnh thổ và pháp lý bằng biện pháp hòa bình” thay vì “tìm kiếm tới đe dọa hay sử dụng vũ lực”.
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF; 22 nước có liên quan tới an ninh khu vực châu á Thái Bình dương, bao gồm tất cả các nước ASEAN) đã trao đổi về vấn đề biển Đông. Trung Quốc , một thành viên của ARF, đã cho rằng, trong quá khứ việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ nên là vấn đề song phương. Các thành viên ARF khác, như Mỹ lại cho rằng tất cả các nước thành viên ARF đều quan tâm tới các vấn đề ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định của khu vực, và rằng diễn đàn ARF phù hợp với việc trao đổi những vấn đề an ninh như vậy. Thủ tướng Malaysia Syed Hamid bin Syed Jaafar Albar đã cho rằng, ông tin các vấn đề lãnh thổ ASEAN là những vấn đề cần được trao đổi tại ASEAN, chứ không phải tại các diễn đàn quốc tế nào khác.
Tháng 12/2000, các cuộc họp nhóm song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc để giải quyết vấn đề biên giới vịnh Bắc bộ (Beibu Wan theo tiếng Trung Quốc). Việt Nam muốn được việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa vào bất kỳ một bộ luật nào đó, nhưng ý định này không được các nước thành viên ASEAN khác ủng hộ vì quần đảo Hoàng Sa là vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Năm 2007, việc hợp tác thăm dò chung vùng vịnh Bắc bộ đã được Trung Quốc và Việt Nam cùng tiến hành.
Malaysia và Brunei cũng đã tổ chức các cuộc nói chuyện vào năm 2003 về những tranh chấp EEZ của hai nước, nhưng chưa đạt được một thỏa thuận nào. Năm 2003, một số tàu chiến của Malaysia và Brunei đã có hành động để ngăn cản các tàu thăm dò dầu khí hoạt động trong khu vực tranh chấp nhưng không thực sự dùng vũ lực.
Từ năm 2005, Trung Quốc (thông qua tổng công ty Dầu Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc - China National Offshore Oil Corporation, CNOOC), Philippines (thông qua Công ty Dầu Quốc gia Philippine - Philippine National Oil Company), và Việt Nam (thông qua PetroVietnam) đã cùng hợp tác thăm dò một khu vực rộng 55000 dặm vuông bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Dự án 15 triệu USD này được chia sẻ bởi cả 3 công ty và một mức độ chia sẻ thông tin chưa từng có đã được thực hiện trong các công ty quốc gia này. Vào tháng 4/2007 , công ty Dầu Quốc gia Trung Quốc, Công ty Dầu Khí Trung Quốc và CNOOC đã thông báo về các kế hoạch bắt đầu khoan thăm dò các giếng trong vùng nước xung quanh quần đảo Trường Sa vào đầu năm 2008.
Nhìn chung, tình hình giải quyết tranh chấp tại biển Đông vẫn chưa khả quan. Có thể nói ASEAN vẫn ở trong tình thế không chắc chắn cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao và chưa đủ sức đối chọi với Trung Quốc để có thể giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông.
Phương thức được nhắc tới nhiều nhất là dựa vào bên thứ ba như Mỹ hay Nhật.
Nhìn chung Quy tắc Hành xử chung đem lại cơ chế ngăn ngừa xảy ra xung đột lớn. Mặt khác, do các bên không nhượng bộ xung quanh đòi hỏi chủ quyền, nên bế tắc vẫn sẽ tồn tại trong tương lai gần.

Tổng số lượt xem trang