Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Loạt bài của GS Paul Krugman đăng trên New York Times

SỰ TUYỆT VỌNG TRONG CÁC CHÍNH SÁCH TÀI CHÁNH
(bài của GS Paul Krugman đăng trên New York Times ngày 23/3/2009)
(Dr Tran dịch, có thêm bớt vài chữ cho rõ nghĩa)
March 23, 2009
Op-Ed Columnist
Financial Policy Despair

Cuối tuần vừa qua New York Times và nhiều tờ báo khác đăng các chi tiết được tiết lộ về kế hoạch cứu vớt ngân hàng của chính quyền Obama, sẽ được công bố chính thức tuần này. Nếu các tin tức đó đúng thì Tim Geithner, Bộ trưởng Ngân khố, đã thuyết phục Tổng thống Obama sử dụng lại chính sách của chính quyền Bush - cụ thể, kế hoạch "tiền cho rác" được đề nghị, rồi bỏ đi, sáu tháng trước đây bởi Bộ trưởng Ngân khố khi đó là Henry Paulson.

Điều này còn hơn là thất vọng. Thật ra, đang làm tôi cảm thấy tràn đầy tuyệt vọng.

Xét cho cùng, chúng ta vừa trả qua bão lửa với việc tiền thưởng của tập đoàn AIG, trong đó quan chức chính phủ cho rằng họ không biết gì cả, không thể làm gì, và dù sao đi nữa đó là lỗi lầm của người khác. Trong khi đó, chính quyền đã thất bại trong việc dập tắt các sự nghi vấn của công chúng về việc các ngân hàng đang làm gì với tiền do dân đóng thuế.

Và bây giờ ông Obama rõ ràng đã định vị trên một kế hoạch tài chánh, về thực chất, cho rằng các ngân hàng về căn bản là mạnh mẻ và các nhà tài phiệt ngân hàng biết họ đang làm gì.

Dường như Tổng thống đã xác nhận sự nhận thức ngày càng lan rộng rằng ông ta và nhóm cố vấn kinh tế không thực tế, rằng tầm nhìn kinh tế của họ bị bao che bởi các mối liên hệ quá gần gủi với Wall Street. Và trước khi ông Obama nhận ra một thực tế rằng ông cần thay đổi đường hướng, số vốn liếng chính trị của ông ta có thể đã không còn gì.

Chúng ta hãy bàn luận một chút về các khía cạnh kinh tế của tình hình hiện tại.

Ngay bây giờ, nền kinh tế chúng ta bị kéo sụp bởi hệ thống tài chánh bất khả dụng, bị què quặt bởi các món lỗ khổng lồ trong các chứng khoán dựa vào thế chấp bất động sản và các tài sản khác.

Các sử gia kinh tế sẽ nói với các bạn, đây là một câu chuyện cũ rích, không mấy gì khác so với hàng chục cuộc khủng hoảng tương tự trong các thế kỷ qua. Và có một quy trình đã được chứng thực qua thời gian để giải quyết hậu quả của sự thất bại tài chánh lan rộng. Việc này xảy ra như sau: chính phủ đem lại tự tin trong hệ thống bằng việc bảo đảm nhiều (mặc dù không cần phải tất cả) mọi loại nợ ngân hàng. Cùng thời gian đó, chính phủ tạm thời kiểm soát các ngân hàng thực sự mất khả năng chi trả, ngõ hầu để làm "sạch" sổ sách các ngân hàng này.

Đó là điều Thụy điển đã thực hiện hồi đầu thập niên 1990. Đó cũng là điều chính chúng ta thực hiện sau cuộc thất bại của hệ thống "tiết kiệm và cho vay" trong các năm thời Tổng thống Reagan. Và không có lý do gì hiện nay chúng ta không thể làm tương tự.

Nhưng chính quyền Obama, cũng như chính quyền Bush, rõ ràng chỉ muốn một lối thoát dễ dàng. Các kế hoạch của hai ông Paulson và Geithner giống nhau ở chỗ đều khăng khăng cho rằng các tài sản khó tiêu thụ trong sổ sách của các ngân hàng đều thật ra có giá trị cao hơn nhiều so với giá bất cứ ai muốn trả hiện nay. Thật ra, giá trị thật sự còn cao đến mức nếu các tài sản này được định giá đúng mức thì các ngân hàng đã không bị lâm vào cảnh khốn cùng.

Và như vậy, kế hoạch là dùng các quỹ tiền dân đóng thuế đẩy đưa giá cả các tài sản khó tiêu thụ lên mức "công bằng". Ông Paulson đề nghị rằng chính phủ trực tiếp mua các tài sản đó. Ông Geithner, thay vào đó, đề nghị một đồ hoạch phức tạp trong đó chinh phủ cho các nhà đầu tư tư nhân vay mượn tiền, để họ dùng tiền đó mua các tài sản khó tiêu thụ. Ý định là, theo vị cố vấn kinh tế cao cấp nhất của Tổng thống Obama, dùng "sự chuyên nghiệp của thị trường" xác lập giá trị các tài sản khó tiêu thụ.

Nhưng đồ hoạch Geithner sẽ cung cấp việc cá cược một chiều: nếu giá trị tài sản tăng, các nhà đầu tư sẽ có lợi, nhưng nếu bị xuống, các nhà đầu tư có thể rời bỏ số nợ. Do đó dây không phải thật sự để cho thị trường tự hoạt động. Đây chỉ là một phương cách trá hình gián tiếp để trợ cấp cho việc mua lại các tài sản khó tiêu thụ.

Bỏ qua các phí tổn khả dĩ tổn hại cho người nộp thuế, có gì đó lạ lùng trong các việc này. Tôi đếm đây là lần thứ ba quan chức trong chính quyền Obama thả nổi một đồ hoạch theo thực chất là tái lập kế hoạch của ông Paulson, mỗi lần thêm một bộ cánh bên ngoài màu mè mới lạ và rồi hô hoán lên rằng họ thực hiện điều gì đó hoàn toàn khác. Điều này đang bắt đầu vượt quá hạn định thông thường.

Nhưng vấn đề thật sự của kế hoạch này là tính cách bất khả dụng. Đúng vậy, các tài sản khó tiêu thụ có thể bị định giá thấp theo mức nào đó. Nhưng sự thật là các nhân viên tài chánh chóp bu đã thật sự đánh cá cả các ngân hàng của họ trên sự tin tưởng rằng bong bóng bất động sản không bị bơm cứng, và trên sự tin tưởng liên hệ rằng các mức độ nợ bất động sản cao chưa từng thấy của các hộ gia đình đều không phải là điều khó giải quyết. Họ đã thua cuộc đánh cá đó. Và không có một lượng phù phép tài chánh nào - mà kế hoạch Geithner chung quy là như vậy - sẽ thay đổi sự thật này.

Bạn có thể nói, tại sao không thử qua kế hoạch này để xem điều gì xảy ra? Một câu trả lời là thời gian đang bị lãng phí: mỗi tháng chúng ta thất bại trọng việc kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế là thêm 600 ngàn việc làm bị mất trắng.

Quan trọng hơn nữa, dù vậy, là phương cách ông Obama đang hoang phí sự tín nhiệm của dân chúng dành cho ông ta. Nếu kế hoạch này thất bại - và hầu như chắc chắn như vậy - sẽ rất khó để ông ta có thể thuyết phục Quốc hội đưa ra thêm ngân quỹ để thực hiện điều ông ta lẽ ra đã nên thực hiện từ lúc ban đầu.

Tất cả đều chưa bị mất hẳn: công chúng muốn ông Obama thành công, có nghĩa là ông ta vẫn còn có thể cứu vãn kế hoạch cứu vãn ngân hàng của ông ta. Nhưng thời gian đang cạn dần.
------------------
SỰ TRẢ THÙ CỦA THẶNG DƯ TIẾT KIỆM
(bài của GS Paul Krugman, đăng ngày 3/1/2009 trên New York Times)
March 2, 2009
Op-Ed Columnist
Revenge of the Glut
Nhớ lại những ngày xưa tươi đẹp, hồi chúng ta thường hay nói về "khủng hoảng nợ thiểu tín dụng" - và có người thậm chí còn nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này có thể được "hạn chế"? Ôi, ngày xưa nay còn đâu!

Ngày nay chúng ta biết rằng việc cho vay thiểu tín dụng chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Ngay cả các món nợ xấu trong bất động sản nói chung chỉ là một phần của những sai lầm đã xảy ra. Chúng ta đang sống trong một thế giới của những người đi vay bất hảo, trải rộng từ các nhà phát triển khu mua sắm cho đến các nền kinh tế "thần kỳ" bên Âu châu. Và các loại nợ xấu tiếp tục trồi lên không ngừng.

Bằng cách nào mà cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đã xảy ra? Tại sao việc này lại quá dàn trải như vậy? Câu trả lời, tôi xin đề nghị, có thể được tìm thấy trong một bài diễn thuyết của ông Ben Bernanke, hiện là Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên Bang, đọc cách đây bốn năm. Lúc đó, ông Bernanke đang cố gắng xoa dịu. Nhưng điều ông ta nói, cho dù vậy, đã cảnh báo trước cuộc đổ bể tin dụng xảy ra sau đó.

Bài diễn thuyết, có tựa đề "Cuộc Thặng dư Tiết kiệm Toàn cầu và Sự Thâm hụt Tài khoản Vãng lai của Hoa kỳ", đã cống hiến một lối giải thích đột phá vì sao thâm hụt mậu dịch của Hoa kỳ lại tăng cao nhanh như vậy trong các năm khởi đầu thế kỷ 21. Nguyên nhân gây ra, theo ông Bernanke, không phải tự nơi Hoa kỳ mà tại Á Châu.

Trong các năm giữa thập niên 1990, ông Bernanke dẫn chứng, các nền kinh tế đang phát triển tại Á Châu đã là các quốc gia nhập khẩu vốn liếng quan trọng, vay mượn từ nước ngoài để chi trả cho việc phát triển. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu vào năm 1997-1998 (từng có vẻ lớn lao vào lúc đó nhưng quá vặt vãnh nếu so sánh với các việc đang xảy ra ngày nay), các quốc gia này bắt đầu tự bảo vệ bằng cách thu tóm những món tài sản khổng lồ tại nước ngoài, trong thực tế đã xuất khẩu vốn liếng ra phần còn lại của thế giới.

Kết quả là một thế giới tràn ngập tiền trị giá rẻ mạt, tìm nơi nào đó để rơi vào.

Phần lớn số tiền này đổ vào Hoa kỳ - từ đó gây ra thâm hụt mậu dịch khổng lồ của chúng ta, vì thâm hụt mậu dịch là mặt trái của dòng tiền đổ vào. Nhưng như ông Bernanke dẫn chứng rất đúng, tiền tệ cũng tràn vào các quốc gia khác. Cụ thể, một số nền kinh tế nhỏ bên Âu châu từng trải qua kinh nghiệm dòng tiền đổ vào, cho dù số tiền này nhỏ hơn nhiều trên giá trị đồng đô la so với số tiền đổ vào Hoa kỳ, đã lớn hơn nhiều so với quy mô nền kinh tế của các quốc gia này.

Cho dù vậy, rất nhiều trong số thặng dư toàn thế giới đã đổ vào Hoa kỳ. Vì sao?

Ông Bernanke chỉ ra "sự thâm sâu, phức tạp, và tinh vi của các thị trường tài chánh (điều này, cùng nhiều điều khác, đã cho phép các hộ gia đình dễ dàng mua bất động sản khi đó đang rất nhiều)". Thâm sâu, đúng, nhưng phức tạp và tinh vi? Này nhé, bạn có thể nói rằng các nhân vật chóp bu trong lãnh vực ngân hàng, được cho thêm nhiều quyền hành sau một phần tư thế kỷ bớt bị luật lệ kiểm soát, đã dẫn đầu thế giới trong việc tìm ra các phương cách phức tạp, tinh vi, để làm giàu cho chính họ bằng cách giấu nguy cơ và gạt gẫm các nhà đầu tư.

Và các hệ thống tài chánh mở rộng, luật lệ kiểm soát lỏng lẻo, đặc trưng cho các quốc gia khác cũng nhận các số tiền lớn đổ vào. Điều này có thể giải thích sự liên hệ lạ lùng giữa các lời ca tụng hai, ba năm trước và thảm họa kinh tế ngày nay. "Các cải tổ đã làm Iceland trở thành một con cọp Bắc Âu", một bài nghiên cứu tại Học viện Cato tuyên bố. "Phương Cách Ireland Trở Thành Một Con Cọp Vùng Celtic" là tựa đề một bài do Heritage Foundation xuất bản. "Sự Thần Kỳ của Nền Kinh Tế Estonia" là tựa đề của một bài khác. Ngày nay, tất cả ba quốc gia này đều gặp khủng hoảng sâu đậm.

Trong một khoảng thời gian, dòng tiền đua nhau đổ vào đã tạo ra một ảo tưởng giàu có tại các quốc gia này, cũng như đã từng như vậy cho chủ các căn nhà tại Hoa kỳ; giá trị tài sản gia tăng, giá trị tiền tệ cường mạnh, và mọi việc có vẻ tốt đẹp. Nhưng bong bóng được bơm cứng luôn luôn sớm muộn sẽ bể, các nền kinh tế thần kỳ hôm qua thì hôm nay đã trở thành các bệnh nhân bị cụt tứ chi, thành các quốc gia trong đó tài sản đã bốc hơi trong khi tiền nợ vẫn còn nhan nhản tại chỗ. Và các món nợ là các gánh nặng đặc biệt lớn lao cũng vì hầu hết được tính trên đơn vị tiền tệ của các quốc gia khác.

Sự thiệt hại không bị hạn chế chỉ cho các người vay mượn ban đầu. Tại Hoa kỳ, bong bóng bất động sản chủ yếu xảy ra vùng ven biển, nhưng khi bong bóng này bị bể, nhu cầu cho các sản phẩm do chế tạo, đặc biệt là xe hơi, bị sụp đổ - và điều này đã và đang đem lại thiệt hại kinh khủng cho các vùng sản xuất công nghiệp nằm trong nội địa. Tương tự, các bong bóng kinh tế tại Âu Châu phần lớn nằm vòng quanh lục địa, thế nhưng sản xuất công nghiệp tại Đức - là nơi chưa từng có bong bóng tài chánh nhưng là trung điểm sản xuất của Âu Châu - bị sụt giảm mau chóng, do xuất khẩu bị sụp đổ.

Nếu quý vị muốn biết cuộc khủng hoảng toàn cầu do đâu mà ra, hãy nghĩ thế này: chúng ta đang nhìn vào sự trả thù của thặng dư tiết kiệm.

Và sự thặng dư tiết kiệm vẫn còn đó. Thật ra, còn lớn hơn bao giờ hết, vì ngày nay bổng nhiên các người tiêu thụ bị nghèo đi đã khám phá lại lần nữa các đức hạnh của sự tiết kiệm, và rằng cái bong bóng bất động sản được bơm cứng toàn cầu, điều đã cống hiến một lối thoát cho tất cả các sự tiết kiệm quá nhiều, đã trở thành các bong bóng bể.

Một cách để nhìn vào tình hình thế giới hiện nay là chúng ta đang chịu đau khổ bởi một nghịch lý toàn cầu về tiết kiệm: vòng quanh thế giới, sự tiết kiệm theo như ước vọng đang vượt quá tổng số tiền các doanh nghiệp muốn đầu tư. Và kết quả là một cuộc suy sụp toàn cầu làm cho mọi người bị nghèo đi.

Chúng ta bị rơi vào thảm trạng hiện nay như thế đấy. Và chúng ta hiện vẫn đang tìm kiếm một lối thoát.
-----------
HỆ THỐNG NGÂN HÀNG BÊN BỜ VỰC THẲM
(của GS Paul Krugman, đăng trên New York Times ngày 22 tháng 2, 2009)
(Dr Trần dịch, có một vài chữ không theo nguyên bản, để bạn đọc dễ hiểu)
February 23, 2009
Op-Ed Columnist
Banking on the Brink
Đồng chí Greenspan muốn chính phủ nắm giữ thượng tầng quản trị nền kinh tế.

Thật ra không chính xác như vậy. Ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang - và là một nhà bảo vệ trung thành các thị trường tự do - thật ra đã nói, "Có thể tạm thời cần thiết phải quốc hữu hóa vài ngân hàng để tạo điều kiện tốt đẹp, mau chóng, và trật tự để tái cấu trúc". Tôi đồng ý.

Việc quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng căn cứ vào ba điều quan sát được.

Thứ Nhất, vài ngân hàng lớn hiện đang quá gần bờ vực thẳm - thật ra, các ngân hàng này lẽ ra đã sụp đổ rồi nếu các nhà đầu tư không trông đợi chính phủ cứu vớt khi cần thiết.

Thứ Hai, các ngân hàng phải được cứu vãn. Sự sụp đổ của Lehman Brothers gần như đã tiêu diệt nền tài chánh quốc tế, và chúng ta không thể chấp nhận nguy cơ của việc để yên cho các thể chế lớn hơn như Citigroup hay Bank of America sụp đổ từ bên trong.

Thứ Ba, trong khi các ngân hàng phải được cứu giúp, chính phủ Hoa kỳ không đủ khả năng cung cấp, cả về tài chánh và chinh trị, các món quà khổng lồ cho các cổ đông ngân hàng.

Hãy tính toán các con số rõ ràng tại đây. Có một cơ hội khá lớn - tuy không chắc chắn - rằng Citi và BofA tổng cộng sẽ lỗ hàng trăm tỉ đô la trong vòng vài năm tới. Và vốn liếng của họ, số thặng dư của tài sản trừ đi số nợ, không đủ đâu vào đâu để trả các số lỗ lã tiềm ẩn.

Có thể cho rằng, lý do duy nhất hai ngân hàng này đến nay chưa sụp đổ chỉ là vì chính phủ đang chống lưng cho họ, ngầm bảo đảm các nghĩa vụ trả nợ của họ. Nhưng đây là các ngân hàng ma cà rồng, không thể cung cấp tín dụng nền kinh tế cần thiết.

Để chấm dứt tình trạng chết-chưa-chôn của chính họ, các ngân hàng cần thêm vốn. Nhưng họ không thể đào đâu ra thêm vốn từ các nhà đầu tư cá nhân. Do đó chính phủ phải cung cấp các số tiền cần thiết.

Nhưng đây là vấn đề: các số tiền cần thiết để đem các ngân hàng này sống trở lại sẽ cao hơn rất nhiều giá trị hiện nay của họ. Citi và BofA cộng chung lại có giá trị trên thị trường không tới 30 tỉ đô la, và ngay cả như vậy giá trị này phần lớn nếu không là tất cả đều phụ thuộc vào hy vọng rằng các cổ đông sẽ nhận được một phần từ tiền tài trợ do chính phủ cung cấp. Và nếu căn bản là cung cấp tất cả các thứ tiền như vậy, chính phủ nên nhận quyền sở hữu bù lại.

Cho dù vậy, không phải quốc hữu hóa chống lại các giá trị căn bản của Hoa kỳ hay sao? Không, quốc hữu hóa cũng "Hoa kỳ" không kém bánh táo bỏ đường.

Gần đây, Cơ quan Bảo hiểm Tiết kiệm Liên bang (FDIC) đã và đang thu tóm các ngân hàng bị cho là mất khả năng chi trả theo tỉ lệ vào khoảng hai ngân hàng một tuần. Khi FDIC thu tóm một ngân hàng, họ thu nhận các tài sản xấu, trả một phần các món nợ, và bán lại ngân hàng đã được làm "sạch" này cho các nhà đầu tư cá nhân. Và đó chính xác là điều các người đề xướng việc quốc hữu hóa tạm thời muốn thấy được thực hiện, không chỉ các ngân hàng nhỏ mà FDIC đã và đang thu tóm, nhưng các ngân hàng khổng lồ đang bị mất khả năng chi trả tương tự như vậy.

Câu hỏi thực sự là, tại sao chính quyền Obama cứ tiếp tục đưa ra các lời đề nghị khác, thay cho việc quốc hữu hóa, nhưng thật ra chỉ là cung cấp các số tiền khổng lồ cho các cổ đông ngân hàng.

Thí dụ, chính phủ ban đầu đưa ra ý kiến rằng nên bảo đảm cho các ngân hàng khỏi bị lỗ trong các tài sản có vấn đề. Điều này chỉ đem lại một áp-phe quá tốt cho các cổ đông ngân hàng, nhưng không cho số người còn lại trong dân chúng: mặt ngửa đồng tiền thì các cổ đông thắng mặt sấp các người trả thuế bị thua.

Giờ đây chính phủ đang nói về một "đối tác công - tư" nhằm thu mua các tài sản có vấn đề từ các ngân hàng, theo đó chính phủ sẽ cho các nhà đầu tư cá nhân mượn tiền cho việc này. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cá nhân cuộc đánh cá một chiều: nếu giá trị các tài sản tăng cao, các nhà đầu tư thắng; nếu giá trị xuống thấp đáng kể, các nhà đầu tư sẽ rút đi và chính phủ lãnh đủ. Lại một lần nữa, mặt ngửa đồng tiền thì các cổ đông thắng mặt sấp các người trả thuế bị thua.

Tại sao lại không tiến tới việc quốc hữu hóa các ngân hàng? Nên nhớ là, chúng ta càng sống lâu với các ngân hàng chết-chưa-chôn, càng khó để chúng ta chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế.

Quốc hữu hóa ngân hàng cách thế nào đây? Tất cả điều chính phủ phải làm chỉ là tự thực hiện nghiêm túc các bài "kiểm tra sức mạnh" dự định đưa ra cho các ngân hàng lớn, và không che dấu kết quả khi một ngân hàng rớt cuộc kiểm tra, để tạo điều kiện cho một cuộc thu mua cần thiết. Đúng vậy, mọi việc sẽ như một đoạn phim do Claude Rains đóng, khi một chính phủ từng cứu vớt nhiều ngân hàng trong nhiều tháng nay tự tuyên bố bị sốc, sốc vì tình trạng thê thảm của các bản báo cáo tài sản các ngân hàng. Nhưng như vậy không sao hết.

Và một lần nữa, quyền công hữu trường kỳ không phải là mục đích: cũng như các ngân hàng nhỏ bị FDIC thu tóm hàng tuần, các ngân hàng lớn sẽ được đưa trở lại cho tư nhân kiểm soát càng sớm càng tốt. Blog tài chánh có tên "Calculated Risk" đề nghị thay vì gọi đây là một quá trình quốc hữu hóa, chúng ta nên gọi là "tiền tư hữu hóa".

Chính phủ Obama, theo lời Phát Ngôn viên Nhà trắng Robert Gibbs, tin rằng "một hệ thống ngân hàng do tư nhân sở hữu là một đường lối đúng đắn để thực hiện". Tất cả chúng ta cũng tin như vậy. Nhưng điều chúng ta có hiện nay không còn là hệ thốnh kinh doanh tư nhân. Đó là một loại chủ nghĩa xã hội chanh chua: ngân hàng chiếm thượng phong trong khi người dân đóng thuế gánh nặng các nguy cơ. Và điều này vĩnh viễn hóa các ngân hàng chết-chưa-chôn, ngăn chặn sự hồi phục kinh tế.

Điều chúng ta muốn là một hệ thống trong đó ngân hàng sở hữu cả hạ lẫn thượng phong. Và con đường đi đến hệ thống đó phải đi xuyên qua việc tạm thời quốc hữu hóa - còn gọi là "tiền tái tư hữu hóa" - các ngân hàng.

----------------------------------------------
* tài tử người Anh chuyên đóng vai chính trong loại phim rùng rợn.
----------
MỘT LỤC ĐỊA MẤT PHƯƠNG HƯỚNG
(Của GS Paul Krugman đăng trên New York Times 16/3/2009)
March 16, 2009
Op-Ed Columnist
A Continent Adrift

Tôi lo ngại cho Âu Châu. Thật ra, tôi lo ngại cho toàn thế giới - không có nơi trú ẩn an toàn nào cho cơn bão kinh tế toàn cầu. Nhưng tình hình tại Âu Châu làm tôi e ngại còn hơn tình hình tại Hoa kỳ.

Nói rõ ra, tôi sẽ không lập lại các lời than phiền cố hữu nào mà Hoa kỳ thường ca thán về thuế ở Âu Châu quá cao hoặc các phúc lợi xã hội quá hào phóng. Các quốc gia có phúc lợi xã hội cao không phải là nguyên do của cuộc khủng hoảng tại Âu Châu hiện nay. Thật ra, như tôi giải thích dưới đây, các quốc gia này thật ra là các yếu tố giảm nhẹ cuộc khủng hoảng.

Điều nguy hiểm rõ ràng và hiện nay tại Âu Châu đến từ một phương hướng khác — lục địa đã thất bại trong việc đáp lại cuộc khủng hoảng tài chánh một cách có hiệu quả.

Âu Châu đã thiếu hiệu quả trong cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ: lục địa đang phải đối mặt với một sự sụt giảm ít nhất cũng tệ hại như tại Hoa kỳ, nhưng lại thực hiện quá ít để chống lại sự sụt giảm này.

Về tài khóa, quả là một sự tương phản rõ rệt. Nhiều kinh tế gia, trong đó có tôi, từng lý luận rằng kế hoạch kích thích kinh tế của chính quyền Obama là quá thấp so với chiều sâu cuộc khủng hoảng. Nhưng lại quá lớn so với bất cứ điều gì người Âu Châu đang thực hiện.

Sự khác biệt về chính sách tiền tệ cũng không kém nổi bật. Ngân hàng Trung ương Âu Châu (the European Central Bank, ECB) kém phản vệ hẳn so với Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa kỳ (the Federal Reserve, FED), đã quá chậm trong việc giảm lãi suất (thật ra đã tăng lãi suất vào tháng 7 năm ngoái), và đã lập rào cản chống lại bất cứ biện pháp mạnh nào nhằm giải ngân các thị trường tín dụng.

Điều duy nhất có hiệu quả tại Âu Châu lại chính là điều lục địa này bị chỉ trích nhiều nhất - đó là quy mô và sự hào phóng của các quốc gia tràn đầy trợ cấp xã hội, vì đã làm nhẹ đi các tác động của sự sụt giảm.

Vấn đề này không tầm thường chút nào. Bảo hiểm sức khỏe toàn quốc và trợ cấp thất nghiệp rộng rãi đã bảo đảm rằng, ít ra cho đến hiện nay, dân Âu Châu chịu đau khổ ít hơn dân Hoa kỳ. Và các chương trình này sẽ giúp cho việc tiếp tục có sự tiêu xài trong nền kinh tế đang bị sụt giảm.

Nhưng các sự “ổn định tự động” như vậy không thể thay thế cho các hành động tích cực.

Tại sao Âu Châu lại thua kém trong việc phản vệ lần này? Lãnh đạo kém cõi là một phần trong câu chuyện. Các viên chức ngân hàng Âu Châu, số người đã tính sai bề sâu của cuộc khủng hoảng, vẫn còn tự mãn một cách lạ lùng. Và ai muốn nghe bất cứ điều gì tại Hoa kỳ tương tự như các lời chỉ trích kịch liệt thiếu hiểu biết của vị Bộ trưởng Tài chính Đức quốc thì quý vị phải nghe từ… các nhân vật thuộc Đảng Cộng hòa.

Nhưng có một vấn đề sâu xa hơn. Sự hòa nhập kinh tế và tiền tệ tại Âu Châu đã đi quá xa so với các thể chế chính trị. Kinh tế của nhiều quốc gia Âu Châu đã được liên kết chặt chẽ gần như kinh tế của nhiều tiểu bang Hoa kỳ - và phần lớn Âu Châu cùng chia sẻ một đơn vị tiền tệ chung. Nhưng khác với Hoa kỳ, Âu Châu không có một hình thức thể chế toàn lục địa cần thiết để đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn lục địa.

Đây là một lý do quan trọng trong việc thiếu sót một tác động tài chính: không có một chính phủ nào ở vào địa vị phải chịu trách nhiệm cho toàn nền kinh tế Âu Châu. Điều Âu Châu có được, thay vào đó, là các chính phủ quốc gia, trong số đó mọi chính phủ đều ngần ngại mượn về số nợ lớn lao để chi trả cho một kế hoạch kích thích kinh tế mà phần nhiều, nếu không muốn nói là phần lớn, sẽ cung cấp lợi ích cho các cử tri thuộc các quốc gia khác.

Có thể quý vị hy vọng rằng các chính sách tiền tệ sẽ mạnh mẻ hơn. Dù sao đi nữa, cho dù không có một chính phủ toàn Âu Châu, nhưng có một Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB). Nhưng ECB không phải như FED. FED có thể mạo hiểm vì được một chính phủ quốc gia thống nhất ủng hộ - một chính phủ đã hành động để chia sẻ các nguy cơ từ các hành động táo bạo của FED, và chắc chắn sẽ chi trả cho các sự thua lỗ của FED nếu các cố gắng của FED nhằm giải ngân các thị trường tài chánh bị thất bại. ECB do phải trả lời cho 16 quốc gia thường cãi nhau nên không thể trông đợi vào một mức độ ủng hộ tương đương.

Nói theo cách khác, Âu Châu hóa ra có cấu trúc rất yếu trong một thời kỳ khủng hoảng.

Câu hỏi lớn nhất là điều gì sẽ xảy ra cho các nền kinh tế Âu Châu đã từng phát triển mạnh mẻ trong thời kỳ tiền tệ còn dồi dào vài năm trước, như Tây Ban Nha?

Trong phần lớn thập niên vừa qua, Tây Ban Nha là một Florida của Âu Châu, nền kinh tế quốc gia này được nâng bổng bởi một cuộc tăng trưởng đầu cơ khổng lồ trong bất động sản. Cũng như tại Florida, bong bóng bay nay đã trở thành bong bóng bể. Hiện nay, Tây Ban Nha cần phải tìm các nguồn thu nhập và việc làm khác để thay thế các việc làm bị mất trong công nghiệp xây dựng.

Trong quá khứ, Tây Ban Nha đã có thể cải thiện tính cạnh tranh bằng cách hạ giá đơn vị tiền tệ. Nhưng nay quốc gia này đang sử dụng Euro - và đường lối mở ra phía trước chỉ có thể là một quy trình khó khăn của việc giảm lương bổng. Quá trình này đã rất khó khăn trong thời kỳ kinh tế còn tốt đẹp nhất, và sẽ khó khăn không thể tưởng tượng nổi nếu, như hiện nay gần như quá chắc chắn, nền kinh tế toàn Âu Châu sẽ suy giảm và theo chiều hướng thiểu phát trong nhiều năm tới.

Có phải điều này có nghĩa rằng Âu Châu đã sai lầm trong việc tự cho phép liên kết quá sâu đậm? Có phải điều này có nghĩa, cá biệt trong trường hợp này, việc khai sinh đồng Euro là một sai lầm? Có thể như vậy.

Nhưng Âu Châu vẫn có thể chứng minh rằng các người quan ngại đã bị sai lầm, nếu các chính trị gia tại lục địa này bắt đầu chứng tỏ tài năng lãnh đạo của họ. Nhưng họ có sẽ làm như vậy hay không?

Tổng số lượt xem trang