www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090313_us_southchina_sea.shtml
Mỹ điều chiến hạm tới Biển Đông
Hoa Kỳ hiện vẫn nắm thế thượng phong trên Thái Bình Dương
Các nguồn tin cho hay Hoa Kỳ quyết định điều tàu chiến có trang bị vũ khí tới hộ tống tàu thăm dò của nước này tại khu vực biển Đông (Nam Hải), sau khi có sự cố với tàu Trung Quốc hồi cuối tuần.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên được hãng AFP trích lời nói tàu chiến sẽ hộ tống tàu thăm dò trong "thời gian trước mắt". Hoạt động hộ tống này chỉ áp dụng cho vùng biển Đông.
....
Sự việc đã làm phức tạp thêm quan hệ vốn nhiều sóng gió về mặt quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, mới chỉ cải thiện chút đỉnh sau cuộc hội đàm quốc phòng song phương tại Bắc Kinh hồi tháng trước.
Nó cũng thu hút sự chú ý của các nước trong khu vực biển Đông. Chính phủ Việt Nam phản ứng bằng tuyên bố: "Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển Đông cần được tiến hành trên cơ sở tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển".
-----
Mỹ cũng tỏ thái độ cứng rắn:
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-03-13-voa3.cfm
TT Obama: Mỹ sẽ duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới
13/03/2009
Tổng Thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới, và lực lượng này sẽ tập trung đối phó với các mối đe dọa mà ông gọi là không quy ước.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Xin đừng ai nhầm lẫn về điều này, đất nước này sẽ duy trì thế thượng phong về mặt quân sự. Chúng tôi sẽ vẫn duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử của thế giới. Và chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để duy trì lợi thế của mình về mặt công nghệ, đồng thời đầu tư vào việc tăng cường các khả năng cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của Hoa Kỳ, và đánh bại hoặc răn đe bất cứ kẻ thù nào”.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng quân đội Hoa Kỳ còn phải chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với những kẻ thù không theo quy ước nào, như các phần tử nổi dậy mà binh sĩ Mỹ đang phải cầm súng chiến đấu tại Afghanistan và tại Iraq.
Và để làm điều đó, ông sẽ tiếp tục chương trình của chính phủ Tổng Thống Bush, tăng quân cho lực lượng bộ binh và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đồng thời thay đổi đường lối huấn luyện binh sĩ.
Đây cũng là lập trường của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates. Trước đó, có nhiều lời đồn đoán cho rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates và Tổng Thống Obama có thể tìm cách giảm thiểu, hoãn lại, hoặc hủy bỏ một số dự án quân sự quá tốn kém.
-------------
http://www.fas.org/blog/ssp/2009/03/incident.php
Tàu Mỹ làm gì ngoài biển Đông
Vụ rắc rối này được báo cáo là đã xảy ra trong hải phận quốc tế, chỉ cách căn cứ hải quân đang được xây dựng gần Yulin ở Đảo Hải Nam nơi Trung Quốc đang phát triển các tiềm thủy đỉnh tấn công nguyên tử được trang bị hoả tiễn xuyên lục địa. Về phía tàu Impeccable của HQHK, họ đang thu thập dữ kiện về các tiềm thủy đỉnh và hiện trạng đáy biển để cải thiện khả năng phát hiện tiềm thủy đỉnh trong thời bình cũng như săn lùng hữu hiệu hơn trong thời chiến.
tàu Impeccable (T-AGOS 23) đang thi hành nhiệm vụ quân sự quan trọng với những chuỗi máy nghe bằng tần số thấp thụ động lẫn chủ động để phát hiện và theo dõi tiềm thủy đỉnh. Tàu Impeccable hoạt động trực tiếp với các hạm đội HQHK, và trong năm 2007 đã cùng ba hàng không mẫu hạm khác tham dự trong cuộc thao diễn Valiant Shield 07 ở Tây Thái Bình Dương.
Tàu Impeccable được trang bị với Surveillance Towed Array Sensor System (SURTASS), một hệ thống dò thám thụ động dưới nước với chuỗi máy nghe thẳng gắn vào dây cáp kéo. Hệ thống SURTASS được phát triển như là một hệ thống nổi để phát hiện tiềm thủy đỉnh trong những vùng biển sâu, và HQHK muốn gắn thêm hệ thống Low Frequency Array (LFA), một chuỗi máy nghe chủ động với tần số thấp để cải tiến phát hiện tiềm thủy đỉnh từ xa trong những vùng biển nông.
Theo HQHK, Impeccable là một chiếc tàu được “thiết kế đặc biệt cho cả hai hệ thống SURTASS và LFA.”
Tàu Mỹ sẽ sử dụng sóng siêu âm ba chiều dưới bụng tàu phóng xuống đáy biển rồi thu lại bằng thanh thu kéo theo sau, để vẽ bản đồ đáy biển ba chiều. Đây là một công việc cực kỳ phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật rất cao, máy móc hiện đại, chủ yếu là nhằm mục đích quân sự, xây dựng những hải đồ đáy biển tuyệt đối chính xác cho tàu ngầm.
Chính vì vậy Trung Quốc đã cho năm tàu khác vây quanh con tàu này. Tiếng động cơ của năm con tàu ấy sẽ làm nhiễu loạn trường hồi âm của máy móc Mỹ, phá vỡ kế hoạch của người Mỹ.
Tiềm Thủy Đỉnh Nguyên Tử Mới Của Trung Quốc Tại Căn Cứ Hải Quân Yulin
Trong số tiềm thủy đỉnh Trung Quốc mà tàu Impeccable đang dò thám có thể là tiềm thủy đỉnh tấn công chạy bằng nguyên liệu hạt nhân thuộc hạng Shang (Loại 093), một hạng mới Trung Quốc đang xây để thay thế hạng Han đã cũ. Tiềm thủy đỉnh hạng Shang được thấy gần đây ở căn cứ Yulin.
------------
Bài tổng hợp tại BBC: BBC Cập nhật :11:22 GMT - Thứ Năm, 19 Tháng 3, 2009
Vòi phun nước và cần câu móc
Nguyễn Kỳ Phong
Viết riêng cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ
Sau cuộc "ẩu đả" ngày 8 tháng 3-2009 giữa Hải Quân Hoa Kỳ (HQHK) và Hải Quân Trung Quốc (HQTQ) ở phía nam Đảo Nam Hải, vài thập niên sau này khi các nhà quân sử ghi lại cuộc chạm trán đầu tiên giữa hai lực lượng hải quân, họ sẽ không có nhiều chi tiết hấp dẫn để viết.
Và nếu các sử gia không giải thích rõ, đọc giả hậu thế có thể hiểu lầm "vũ khí" của hải quân hai cường quốc xử dụng trong cuộc đụng độ đó quá thô sơ, nếu không nói là giống như vũ khí thời Trung Cổ. Cuộc đụng độ đầu tiên có thể được ghi lại như sau: "... HQTQ dùng cần câu móc để cố gắng giựt đứt dây kéo máy truy tầm điện tử mà tàu HQHK đang dùng để thám thính. ... Và về phía HQHK, họ dùng vòi phun nước bắn ngăn chận các hải đỉnh Trung Cộng, khi tàu của Trung Quốc tiến đến quá gần. ..."
Bỏ đi tính chất khôi hài trong vụ đụng chạm vừa xảy ra ở gần đảo Hải Nam, đây có thể có thể mở màn cho một chạy đua tranh giành ảnh hưởng ở một vùng biển đang có nhiều quốc gia tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ cho đó là hải phận quốc tế, và khẳng định mọi thuyền bè có quyền tự do di chuyển qua lại.
Hoa Kỳ cho biết, ngày 8 tháng 3-2009, trong khi tàu thám thính hải hình USNS Impeccable (T-AGOS 23) đang làm nhiệm vụ thám sát địa hình lòng biển ngoài hải phận quốc tế, khoảng 110 cây số phía nam Đảo Hải Nam, thì bị năm tàu của HQTQ tiến đến gần, rồi di hành qua lại trước hướng đi của tàu Impeccable một cách rất nguy hiểm. Có lúc tàu HQTQ đã tiến sát vào tàu Hoa Kỳ không hơn 10 thước. Thủy thủ đoàn tàu Impeccable đã dùng vòi nước chửa lửa xịt vào thủy thủ Trung Quốc để ngăn cản không cho họ cập tàu gần hơn. Phía Trung Quốc cho biết họ có toàn quyền ngăn chận hoạt động trái phép của HQHK, vì Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải của họ.
Trong khi Hoa Kỳ công nhận đặc quyền kinh tế của một quốc gia từ bờ biển ra đến ngoài khơi 200 dặm (300km); nhưng Hoa Kỳ chủ trương quyền tự do hải hành chỉ cách 12 dặm (18km) ngoài khơi bờ biển của mọi quốc gia.
Công tác của tàu Impeccable là gì? Tại sao HQTQ lại có thái độ mạnh (nhưng áp dụng phương tiện yếu) với một tàu không võ trang? Và trong tương lai, nếu hộ tống hạm của HQHK lai vãng trong vùng Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, thì phản ứng của HQTQ ra sao?
Điệp Vụ của Tàu USNS Impeccable (T-AGOS 23)
USNS là tên viết tắt của United States Naval Ship. T là ký hiệu cho loại tàu bán quân sự và thuộc quyền điều khiển của Bộ Tư Lệnh Quân Vận Đường Biển (Military Sealift Command). Bán quân sự là vì tàu hải quân Hoa Kỳ nhưng do dân sự điều khiển.
Các tàu loại T phần lớn là loại tàu yểm trợ (như tàu cứu thương, công xưởng hạm, vận tải hạm, tàu tiếp dầu, nước ...) thuộc quyền xử dụng Bộ Tư Lệnh Military Sealift Command. AGOS là ký hiệu chỉ loại tàu thám thính, vẽ bản đồ lòng biển, thâu thập âm thanh dưới nước, và tuần hành để yểm trợ cho các điệp vụ chống tàu ngầm.
T-AGOS 23 chính thức được ghi là Ocean Research Ship trong danh bộ tàu của HQHK - nhưng cộng thêm khả năng yểm trợ tác chiến chống tàu ngầm.
Ngày 8 tháng 3, chúng ta biết tàu Impeccable đang kéo máy truy tầm điện tử (hay thả máy truy tầm điện tử xuống đáy biển) ở phía nam đảo Hải Nam, khi cuộc chạm trán xảy ra. Trước vụ chạm trán ngày chủ nhật 8/03, Hải quân TQ đã khiêu khích một tàu khảo sát khác của Hải quân HK vài ngày trước đó. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết, thứ Tư ngày 4, một tàu thuộc Sở Tuần Tiễu Ngư Nghiệp Trung Quốc đã dùng đèn pha chiếu vào tàu khảo sát địa dư USNS Victorious (tương tự như tàu USNS Impeccable) trong khi tàu này đang hoạt động 180 cây số ngoài khơi Hoàng Hải, vùng biển giữa Trung Quốc và Đại Hàn. Hôm sau, một phi cơ trinh sát Y-12 của Không Quân Trung Quốc bay qua lại thật thấp ngang tàu USNS Victorious 12 lần.
Sự có mặt của tàu Impecable ở Hải Nam không phải ngẫu nhiên; và công tác của tàu không đơn thuần như chỉ quan sát địa dư dưới lòng biển. Hoa Kỳ không lạ gì đối với tất cả địa hình miền duyên hải Trung Quốc từ nơi đối diện với Móng Cái đến phía bắc của Bắc Hải. Từ năm 1963, qua Kế Hoạch DeSoto, HQHK vừa thám sát vùng duyên hải Trung Cộng, vừa khẳng định lại chủ thuyết tự do di chuyển 12 dặm ngoài khơi bờ biển của mọi quốc gia.
Hải quân Trung Quốc cũng không lạ gì với những vụ thám thính của Mỹ: chỉ trong năm 1964 Trung Quốc lên tiếng phản đối HQHK đã xâm phạm lãnh hải của họ hơn 200 lần! Cũng từ kế hoạch trinh sát hải phận DeSoto này, chiến đỉnh Maddox của HQHK đã đi quá sâu và bờ biển của Bắc Việt, để gây ra vụ hải chiến Vịnh Bắc Việt vào tháng 8-1964 giữa Hoa Kỳ và Hải Quân CSVN.
Gần đây nhất, giới quan tâm không quên vụ đụng nhau trên không giữa một phi cơ thám sát điện tử EP-3 của HQHK và chiến đấu cơ F-8 của Không Quân Trung Quốc vào đầu tháng 4-2001. Hai bên đã biết ý định của nhau quá rõ.
Như vậy, tàu Impeccable đang có công tác gì khác hơn ở chung quanh căn cứ tàu ngầm của HQTQ ở Đảo Hải Nam ?
Hoa Kỳ Lo Ngại Khả Năng Nào của HQTQ ?
Nói một cách tổng quát, Hoa Kỳ chưa quan tâm về HQTQ như là một lực lượng đáng ngại - không phải trong lúc này, hay là trong tương lai gần.
Tài liệu Quốc Phòng Hoa Kỳ cho thấy, tổng cộng lực lượng của ba Hạm Đội Bắc Hải, Đông Hải, và Nam Hải của HQTQ, chỉ bằng một Hải Đoàn Hạm Đội Xung Kích (Carrier Strike Group) của HQHK - và HQHK có ba Hải Đoàn Hạm Đội Xung Kích ở Tây Thái Bình Dương. HQHK cho biết họ không lo ngại khả năng vũ khí của HQTQ trên mặt nước, như chiến đỉnh, hàng không mẫu hạm, pháo hạm, không lực hải quân. ...
Nhưng Hoa Kỳ quan tâm về những vũ khí HQTQ đang thử nghiệm và áp dụng dưới mặt nước, như mìn dưới nước, thủy lôi, và tàu ngầm. Đây là những loại vũ khí rẻ tiền, dễ sản xuất và dễ ngụy trang - nhưng rất hiệu nghiệm để ngăn chặn đối phương, trong giai đoạn đối phương có thế mạnh.
Từ năm 2004 HQHK đã lên tiếng báo động về hai loại vũ khí HQTQ đang phát triển và kiện toàn: Mìn nước và thủy lôi; và, tàu ngầm chạy bằng điện (qua máy phát điện diesel). Năm 2004 Đô Đốc Vermon Clark, Tư Lệnh HQHK, cho biết HQTQ đã gia tăng sản xuất, mua, hay nhờ sự giúp đỡ của các quốc gia tây phương (Pháp và Đức), để hạ thủy tiềm thủy đỉnh chạy bằng điện (battery-powered submarines). Tiềm thủy đỉnh chạy bằng điện có nhiều bất lợi và giới hạn, nhưng lợi điểm tối hậu là chạy rất êm, ít tiếng động, nên khó phát giác và truy lùng.
Sự kiện này được nhắc lại vào tháng 1-2007, khi Đô Đốc Micahel G. Mullen, Tư Lệnh HQHK (bây giờ là Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ) tiết lộ trước Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện, là vào tháng 10-2006, một tàu ngầm chạy bằng điện của Trung Quốc đã tiến sát đến Hàng Không Mẫu Hạm Kitty Hawk ở vùng biển Đảo Okinawa, trước khi bị khám phá. Đô Đốc Mullen cho biết ưu tiên của HQHK trong tương lai là phải cấp bách phát triển khả năng truy tầm tàu ngầm của Trung Cộng.
Giới quan sát HQTQ cho biết thêm, chỉ trong 12 năm, từ 1995 đến 2007 năm, HQTQ đã hạ thủy tất cả 31 tàu ngầm, trong đó có ít nhất là 2 tàu ngầm nguyên tử. Theo dự đoán của Hoa Kỳ, đến năm 2020, HQTQ sẽ có ít nhất là 60 tiềm thủy đỉnh, trong đó hơn 30 tàu được xếp vào loại tối tân.
Một loại vũ khí thứ hai của HQTQ gây chú ý cho HQHK là mìn dưới nước và thủy lôi (Trong định nghĩa quân sự, mìn nước và thủy lôi khác nhau ở chổ, thủy lôi có thể di chuyển đến mục tiêu; trong khi mìn nằm cố định ở một vị trí.). Trong chiến lược hải quân, mìn nước là một phương tiện thích hợp nhất để ngăn cản, hay ít nhất gây nhiều đình trệ cho hướng tiến quân của đối phương lên miền duyên hải. Mìn rất rẻ để sản xuất, và dể dàng ứng dụng.
Hoa Kỳ quan tâm đến một lọai thủy lôi-mìn mà HQTQ đặt tên là "tự hành thủy lôi" (zihang shuilei). Loại mìn này được bắn ra từ tàu ngầm hay thả từ chiến đỉnh xuống biển. Mìn có trang bị động cơ để tự di chuyển. Khi đến một tọa độ đã định, động cơ ngừng và mìn chìm xuống lòng biển. Mìn-thủy lôi đó có ngòi nổ bằng từ trường (magnetic), âm thanh của sóng nước (wave-activated), hay điều khiển bằng vô tuyến. Mìn nước là một chiến lược của HQTQ để chống lại lọai chiến đỉnh duyên hải (Littoral Combat Ship, chiến đỉnh có khả năng hoạt động sát bờ biển và vùng nước cạn) mà HQHK sắp trang bị.
Nhưng mìn nước trang bị bằng chất nổ quy ước không làm cho các tư lệnh HQHK mất ngủ bằng mìn hay thủy lôi có đầu đạn nguyên tử chiến thuật (bom/ đạn nguyên tử chiến thuật có sức tàn phá trong chu vi hai, ba hai cây số vuông).
Đây không phải là một chiến lược mới lạ - HQTQ học lại từ chiến lược quân sự của Nga và Hoa Kỳ. Trong cao điểm của thời Chiến Tranh Lạnh của thập niên 50 và 60, Hoa Kỳ đã sản suất nhiều đại bác bắn đạn nguyên tử chiến thuật để trang bị cho quân đội NATO. Lý do Đồng Minh Tây Âu phải trang bị đại bác nguyên tử chiến thuật vì Nga và đồng minh Đông Âu có số lượng quân và xe tăng hơn gấp bốn lần khối NATO. Đối với HQTQ, việc xử dụng mìn nước nguyên tử là chuyện "chẳng đặng đừng," nhưng đó là một khả thể nếu tình hình bắt buộc. Về khả thể nguyên tử chiến thuật này, các tư lệnh HQHK không có câu trả lời.
Chiến Lược "Biển Xanh" Của Hải Quân Trung Quốc
Để những độc giả không rành về thuật ngữ của hải quân, từ "biển xanh" như trong câu văn "hải quân biển xanh," có ý chỉ hải quân có khả năng hoạt động xa ra ngoài đại dương (nước biển càng xa bờ thì càng xanh).
Hàng không mẫu hạm là trung tâm của một hạm đội; và hạm đội là cột trụ của hải quân của một quốc gia. Để có một hạm đội có thể hoạt động vài ngàn cây số cách hải phận nhà, là một chuyện không đơn giản cho HQTQ trong lúc này. Nhất là khi họ chưa có được một hàng không mẫu hạm.
Năm 1998 Trung Quốc mua lại từ Ukraine một hàng không mẫu hạm đang đóng chưa hoàn tất - mẫu hạm chỉ có vỏ bên ngoài, chưa có máy móc hay trang bị bên trong. Sau khi mua mẫu hạm Varyag, Trung Quốcký hợp đồng để mua khoảng 50 phi cơ Su-33K, để thực tập cất cánh và đáp trên mẫu hạm.
Theo các nhà quan sát quân sự, HQTQ mua mẫu hạm Varyag về để huấn luyện, biến chế thêm, hay dựa vào đó sản suất một hàng không mẫu hạm tương tự. Tuy nhiên ngay cả nếu HQTQ thành công tự đóng lấy một mẫu hạm loại Varyag, thì khả năng hạm đội của HQTQ chưa có gì đáng nói.
Chưa có hàng không mẫu hạm nên HQTQ không thể hoạt động xa căn cứ tiếp liệu. Chiến lược của HQTQ, như vậy, đặt trọng tâm vào hoạt động bảo vệ miền duyên hải - có nghĩa là sản xuất thêm nhiều tàu ngầm, mìn nước và thủy lôi.
Tin tức tình báo HQHK cho biết, Trung Quốc mua kỹ thuật chế mìn từ Nga; máy phát điện cho tàu ngầm, từ Pháp và Đức. HQTQ hy vọng số lượng nhiều sẽ thay cho khiếm khuyết kỹ thuật. Đúng như vậy: và số lượng là một trong những vấn đề gây trở ngại cho HQHK.
Để đối phó với số lượng mìn, thủy lôi và tàu ngầm, Đô Đốc Vermon Clark ra lệnh HQHK gia tăng thí nghiệm và sản xuất thêm "hàng ngàn, hàng chục ngàn máy báo động" để truy tầm và đánh dấu mọi di chuyển dưới nước của HQTQ.
Qua quân lệnh của Đô Đốc Clark, đến đây chúng ta có thể đoán được sự hiện diện và mục đích của hai tàu "khảo sát địa dư biển" USNS Impeccable ở Nam Hải, và USNS Victorious ở Bắc Hải: rải máy truy tầm và định vị (đánh dấu vị trí) mìn nước hoạt động tàu ngầm ở vùng duyên hải Trung Cộng.
Giả định Trung Quốc hạ thủy được một hàng không mẫu hạm vào năm 2012, HQTQ vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong tương quan đối với hải quân của các cường quốc. Những khuyết điểm quan trọng như, thiếu hoàn hảo về hệ thống C4ISR (Control, Command, Communication, Computer, Intelligence, Surveillance and reconnaisance/ chỉ huy, điều khiển, truyền tin, điện toán, tình báo, canh chừng và thám sát). HQTQ còn yếu về chiến tranh chống tàu ngầm, chống không kích, và chống thủy lôi.
Quan trọng hơn hết, khả năng của HQTQ bị giới hạn toàn diện khi kỹ thuật đóng tàu chiến của Trung Quốc còn bị phụ thuộc vào các quốc gia Tây phương. Hiện nay Không Quân Trung Quốc đã mua được máy bay tiếp tế xăng trên không và đang thực tập kỹ thuật này.
Phải có khả năng tiếp tế xăng trên không thì Không Lực HQTQ mới có thể hoạt động song song với mẫu hạm trên một mặt trận vài ngàn cây số.
Như đã nói ở trên, tổng cộng hỏa lực ba Hạm Đội của HQTQ chỉ tương đương bằng một Hải Đoàn Mẫu Hạm Xung Kích (Carrier Strike Group) của Mỹ. Như là một Quân Chủng, HQTQ có 59 tiềm thủy đỉnh, trong đó chỉ có 5 chiếc chạy bằng nguyên tử; 62 chiến đỉnh; 54 vận tải hạm đổ bộ; và, 46 phi cơ tuần tiễu biển có trang bị hỏa tiễn.
Để so sánh, Hoa Kỳ có 3 Hải Đoàn Mẫu Hạm Xung Kích ở Tây Thái Bình Dương (là vùng biển từ Đảo Guam đến eo biển Malacca của Singapore).
Trong tương quan quá chênh lệch so với đối phương, HQTQ cố gắng thực tập và trang bị những gì họ có thể làm thuần thạo nhất: sản suất tàu ngầm nhỏ, chế thêm mìn nước và thủy lôi, và dùng tàu ngầm làm phương tiện thả mìn.
Phản Ứng Của Hải Quân Hoa Kỳ Đối Với Chiến Lược Của HQTQ
Trong hai tường trình mới nhất về khả năng của HQTQ, một tường trình do chính Quốc Hội Hoa Kỳ soạn thảo (China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities - Background and Issues for Congress, November 19, 2008), và một đến từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (Annual Report to Congress, Military Power of the People's Republic of China 2008), cả hai tường trình đều cổ vũ chiến lược canh chừng, định vị và trinh sát thường trực hoạt động của HQTQ.
HQHK cổ võ một chiến lược thụ động như vậy, vì trên thực tế, HQTQ chưa hoạt động được xa, và chưa có những thái độ gây hấn rõ ràng ở Thái Bình Dương - cho đến khi HQTQ thật sự có được một lực lượng hàng không mẫu hạm.
Hải Quân Thế giới không ngạc nhiên hay bàn tán khi những quốc gia như Ấn Độ, Á Căn Đình, hay Ba Tây có hàng không mẫu hạm. Nhưng thế giới quan tâm khi HQTQ có được khả năng đó. Vì khi có hàng không mẫu hạm, Trung Quốcsẽ ngự trị vùng biển Tây Thái Bình Dương và vùng Đông Nam Á.
Lặp lại lời tuyên bố của Đô Đốc Vermon Clark, để đối phó với HQTQ, Hoa Kỳ phải chế biến và thử nghiệm, "hàng ngàn, hàng chục ngàn" máy truy tầm để canh chừng, trinh sát và định vị những vũ khí dưới mặt nước của HQTQ. Thử nghiệm có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rải những máy truy tầm ở những miền duyên hải Trung Quốcvà những vùng có tàu ngầm hoạt động.
Trước đây, HQHK dùng một số sensor (máy truy tầm và báo động) cần có sự hoạt động song song của phi cơ: Sensors thả xuống biển, nằm trôi nổi trên mặt nước, hay lưng chừng trên đáy biển. Hàng ngày hải quân phải cho loại máy bay P-3 Orion bay sát trên mặt biển để thâu lại những tín hiệu được máy sensors thâu lại trong 24 giờ qua.
Trong thời gian gần đây HQHK đã thử nghiệm hai loại sensors mới, tối tân và hữu hiệu hơn: hai loại có tên là Twin-line Thin-line (TLTL), và vector-sensor towed arrays (VSTA). Máy có khả năng truy tầm chu vi rộng, phân lọai mục tiêu, và xác định vị trí mục tiêu chính xác hơn, và có thể tắt mở từ xa để tiết kiệm pin. Nhưng tiện lợi nhất, là máy có thể tự gởi đi tin tức thẳng lên vệ tinh bay trên trời, không còn cần phi cơ bay qua lại hàng ngày để thu lượm tin tức như trước.
Với một sự suy đoán e dè của người viết, nhiệm vụ của hai tàu USNS Immpeccable và USNS Victorious trong hai ngày 4 và 8 tháng 3 vừa qua, không gì khác hơn là kéo (và có thể thả xuống lòng biển) những máy VSTA đã nói trên.
Trong lúc HQTQ chưa có được hàng không mẫu hạm để ra uy, họ tạm thời dùng cần câu móc để "chọt" hải đỉnh Hoa Kỳ. Tương tự, khi thực lực của HQTQ chưa lộ liễu và đáng ngại, súng phun nước là đối phó vừa đủ của HQHK trong hoàn cảnh nhất thời.
Nhưng có thể hai bên sẽ không xài đồ chơi này lâu: Ngày 10 tháng 3, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết họ sẽ gởi chiến hạm có trang bị hỏa tiễn USS Chung-Hoon (ĐG 93) đến vùng biển nam Đảo Hải Nam, để hộ tống USNS Imppeccable.
Đây là một lối "chơi chữ" của HQHK. Chiến đỉnh USS Chung-Hoon là tên của Đề Đốc Gordon Pai'ea Chung Hoon. Đề Đốc Chung Hoon là người Mỹ gốc Tàu, sinh ra ở Hawaii, tốt nghiệp Võ Bị Hải Quân Annapolis năm 1943.
Nghe nói Trung Quốc cũng sẽ gửi một tuần dương đỉnh đến vùng biển Nam Hải, với lời tuyên bố là họ sẽ bảo vệ lãnh hải đến cùng trong trường hợp cần thiết.
Về tác giả: Nhà biên khảo Nguyễn Kỳ Phong, hiện sống ở Mỹ, là tác giả nhiều bài báo và sách viết về chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm gần đây của ông là Vũng lầy Bạch ốc - Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam (Tiếng Quê Hương, Virginia 2006).