Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

OCI KÊU CỨU KHẨN CẤP

DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI LỜI KÊU GỌI

(Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm TPHCM (SSP)
Chủ tịch Hội Điện tử CNTT TPHCM).
Cố ý làm trái để đổi mới (mời anh chị đọc thêm bài báo này để hiểu khí khái của Ths Nguyễn Hữu Hiền)
Tôi đã từng rất danh dự được Thành Ủy, UBND TPHCM ra Nghị quyết và Quyết định giao nhiệm vụ triển khai TT Công nghệ phần mềm TPHCM, một TT Công nghệ phần mềm tập trung đầu tiên của cả nước, nơi thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân TPHCM trong việc thực hiện nghị quyết TW2 về đi tắt đón đầu khoa học công nghệ, thu hút chất xám và đầu tư phát triển công nghệ cao. Tôi đã làm những điều đó bằng tất cả tâm huyết của mình với tinh thần nghiêm túc nhất.
SSP ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG
Tháng 06 năm 2000, SSP đã chính thức đi vào hoạt động. Bằng tinh thần nghị quyết của Đảng, SSP đã kêu gọi các doanh nghiệp CNTT cả trong và ngoài nước đầu tư vào SSP. Trong số những công ty đã tin tưởng vào sự kêu gọi đó của tôi có công ty Internet Một Kết Nối (OCI).
OCI đã đầu tư vốn, thu hút chất xám để tạo ra những sản phẩm dịch vụ công nghệ cao và họ đã có thể sẵn sàng ra mắt công chúng với niềm vinh dự và tự hào về trí tuệ Việt Nam, một minh chứng để khẳng định sự đúng đắn của Nghị Quyết TW2 và quyết tâm của lãnh đạo TP. Thật tiếc thay, chính sách về thông tin và truyền thông nước ta chưa cho phép triển khai những dịch vụ ấy tại Việt Nam; mà theo tôi, nó có nhiều tiềm ẩn không cùng với mục tiêu sở hữu và lợi ích quốc gia. Đáng lẽ vào thời điểm năm 2003 đó, người Việt Nam chúng ta đã có thể hưởng dụng được những thành tựu khoa học công nghệ từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, rút ngắn khoản cách tụt hậu ở phương diện ứng dụng CNTT này. OCI không được triển khai tại Việt Nam đành phải chấp nhận sự thu hút của một quốc đảo láng giềng năng động, Singapore.
Hai năm sau, cũng chính tôi đã kêu gọi OCI chuyển dịch vụ này về Việt Nam. Doanh thu từ khắp nơi trên thế giới của OCI được chuyển về thanh toán tại Việt Nam và đương nhiên có phần thuế phát sinh được nộp cho ngân sách Việt Nam. OCI thêm một lần nữa đã nghe theo lời kêu gọi của tôi, chuyển dịch vụ về nước để thực hiện việc kinh doanh xuyên biên giới, đáp ứng nhu cầu thị trường cả trong nước và quốc tế như chúng ta được biết và sử dụng tốt như hôm nay. Họ đã góp phần đẩy lùi thẻ VoIP lậu ngoại nhập trên thị trường Việt Nam vào năm 2006 và từng bước chiếm lĩnh đến 60% thị phần của loại hình dịch vụ này.
OCI KÊU CỨU KHẨN CẤP
Ngày 23/03/2009, OCI đã có văn bản chính thức kêu cứu khẩn cấp gởi Chủ tịch Hội Điện tử CNTT TPHCM xin được Hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của Doanh nghiệp. Theo đó, OCI bị cáo buộc là vi phạm (i) Khoản 1 Thông tư 05/2008/TT-BTTTT, ngày 12/01/2008 của Bộ TTTT và (ii) điểm D, khoản 5, điều 12 Nghị định 142/2004/NĐ-CP, ngày 08/07/2004 của Chính phủ qui định việc chỉ cho phép cung cấp dịch vụ điện thoại theo hình thức PC-to-Phone tại Việt Nam. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng:
1/ Về mặt luật pháp
Cả Thông tư 05 và Nghị định 142 kể trên đều không cấm loại hình dịch vụ phone-to-phone chiều gọi từ nước ngoài về Việt Nam, mà cũng có thể nói là không thể cấm hay chính xác hơn là không có quyền cấm, bởi vì nó ở nước ngoài, không thuộc phạm vi chủ quyền của Chính phủ Việt Nam. OCI chỉ là một trong số hằng trăm nhà cung cấp dịch vụ phone-to-phone tại nước ngoài đang cạnh tranh quyết liệt để kinh doanh dịch vụ phone-to-phone gọi đi khắp nơi trên thế giới, trong đó có gọi về Việt Nam.
Cái được gọi là tang vật bị quyết định tịch thu chính là thiết bị để tính tiền tự động và thiết bị định tuyến dùng để xác thực chấp nhận những thẻ do OCI phát hành. Những loại thiết bị này cũng không nhất thiết đặt tại Việt Nam, vì dịch vụ OCI cung cấp không chỉ cho duy nhất gọi về Việt Nam mà gọi được cho nhiều nước khác trên thế giới. Có điều khác là nó đặt tại Việt Nam thì doanh thu ngoại tệ đem về cho Việt Nam và hiển nhiên sẽ nộp thuế cho ngân sách Việt Nam.
Không cần tịch thu thiết bị, vì thiết bị này đang phục vụ cho đồng thời nhiều dịch vụ khác nữa như PC-to-PC, PC-to-Phone theo chiều đi quốc tế (hai dịch vụ này Thanh Tra Sở cho là hợp pháp), vậy chỉ duy nhất phone-to-phone chiều quốc tế gọi về thì bị Thanh tra cho là “SAI”, vậy thì chỉ cần cấu hình thiết bị khoá cổng dịch vụ này lại thì coi như xong. Nếu có tịch thu tang vật cho cái gọi là “SAI” thì chỉ nên tịch thu ngay cái cổng phần thiết bị được cấu hình để xác thực cho phone-to-phone chiều gọi về Việt Nam thôi, còn những phần khác thì nó đang “ĐÚNG”.
Qua đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, theo luật pháp các nước văn minh thì cái gì luật cấm thì dân không được làm, những thứ không đề cập thì được hiểu là không cấm. Ở nước ta dường như cái gì luật cho phép thì được coi là cho phép còn những thứ không được đề cập thì được hiểu ngầm là bị cấm? Trường hợp này của OCI thì không thể theo kiểu nào cả vì nó đang diễn ra ngoài phạm vi chủ quyền của nước ta như đề cập phần trên.
2/ Về mặt lợi ích qua xử lý OCI
Các đối thủ cạnh tranh của OCI cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài, họ sẽ được hưởng lợi vì vô tình hay hữu ý mà Sở TTTT đã triệt hạ OCI giúp họ.
3/ Ai thiệt hại qua sự việc này
Trước hết là sự mất lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự mất lòng tin của người dân đối với bộ máy công quyền bởi cách hành xử quyền lực cao hơn pháp luật. Kế đến là OCI bị sụt giảm doanh thu đáng kể, nghiêm trọng hơn có thể phải bị phá sản. Ngân sách mất một khoản thu từ nguồn này. Về mặt khách hàng thì không được hưởng lợi từ thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến mang lại với chi phí dịch vụ giá rẽ.
Đối với cá nhân tôi
Đề nghị Giám đốc Sở TTTT TPHCM xem xét lại kết luận của Thanh tra Sở, và nếu cần có thể đối thoại trực tiếp với Hội chúng tôi một cách công khai trước công luận dưới sự giám sát của các cơ quan chuyên môn về thực thi pháp luật.
Tôi luôn ý thức rằng, đất nước ta đang cần kêu gọi mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển đất nước, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tôi đã từng cụ thể nghị quyết của Đảng để kêu gọi đầu tư vào SSP, tôi cần phải gìn giữ danh dự - uy tín của Đảng và đó cũng là danh dự - uy tín của bản thân mình.
---------------------------
"CỐ Ý LÀM TRÁI" ĐỂ ĐỔI MỚI

Lời chủ blog: Bộ luật Hình sự nước ta có quy định về một số tội "Cố ý làm trái..." để xứ lý những ai có hành vi cố ý làm trái. Tuy nhiên trong thực tế, có những hành vi cố ý làm trái nhưng lại rất hữu ích cho xã hội. Vụ cố ý làm trái để đổi mới xảy ra tại SSP là một ví dụ. Hiện nay dự luận báo chí đang rất quan tâm đến vụ Sở Bưu chính viễn thông TPHCM đề nghị xử lý Công ty Cổ phần Internet Một Kết NỐi (có trụ sở tại Trung tâm Công nghệ phần mềm Sài Gòn SSP số 123 Trương Định, Quận 3, TPHCM), vì vậy Đăng Bình xin post lại bài báo Đăng Bình viết cách đây hơn 7 năm xảy ra tại SSP để các bạn tham khảo...
****
SỰ KIỆN SSP LẮP ĐẶT TRẠM VÊ TINH MẶT ĐẤT:
MỘT KIỂU “CỐ Ý LÀM TRÁI” ĐỂ ĐỔI MỚI ?
Vào tháng 8/2002, Trung tâm Công nghệ phần mềm Sài Gòn (Sàigon Software Park viết tắt SSP, có trụ sở tại 123 Trương Định quận 3 TPHCM) đã thử nghiệm lắp đặt một trạm mặt đất cỡ nhỏ (VSAT) thu phát Internet qua vệ tinh nhằm phục vụ có hiệu quả cho hoạt động của Trung tâm. Ngày 4/12/2002 Bộ Bưu chính viễn thông (BCVT) đã có công văn yêu cầu SSP dừng hoạt động trạm VSAT nhưng đến nay SSP vẫn tiếp tục triển khai. Sự kiện này được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.
VÌ SAO SSP TỰ Ý LẮP TRẠM VSAT?
SSP là Trung tâm phần mềm đầu tiên của cả nước được Thành uỷ, UBND TPHCM giao trách nhiệm đi đầu trong việc cụ thể hoá nghị quyết TW2 nhằm thí điểm chủ trương đi tắt đón đầu về khoa học công nghệ.. Theo tinh thần đó, các đơn vị thuộc Tổng Cty BCVT phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông và Internet phục vụ cho sản xuất phần mềm cả về chất lượng và giá cả cạnh tranh. Ngày 30/11/2000 Chính phủ có công văn số 1104/CP-KG “giao Tổng cục bưu điện (TCBĐ) và Tcty BCVT Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ kết nối Internet cho SSP tại 123 Trương Định…”. Công văn số 174/TB- VPCP ngày 15/12/2000 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo “giao TCBĐ ban hành văn bản hướng dẫn về việc kết nối Internet cho công viên phần mềm Quang Trung và SSP… Giao Tcty BCVT cung cấp dịch vụ Internet (kết nối tới hàng rào) cho SSP tại 123 Trương Định… Xây dựng “tường lửa” riêng ”. Tuy nhiên, các yêu cầu nói trên đều không được đáp ứng một cách đầy đủ.
Trên thực tế, đường truyền Internet của SSP do VDC cung cấp là rất xấu, liên tục tắc nghẽn (kể từ tháng 9/2001 đến nay) gây ảnh hưởng đến việc sản xuất và kinh doanh của các đơn vị phần mềm trong khu công nghệ. SSP đã bỏ lỡ một hợp đồng trị giá 3 triệu USD với đối tác nước ngoài vì không thể thực hiện được. Về giá, mặc dù đã được giảm 50% cho ưu đãi phần mềm nhưng giá của một đường truyền 2MB thuê qua Cty Viễn thông Quốc tế (VTI) vẫn là 39.500 USD/tháng (37.000 USD cho VTI và 2.500 USD trả cho đối tác). Mức giá này là quá cao trong khi đó chi phí của một trạm vệ tinh tốc độ tương đương chỉ phải trả khoảng 7.000 USD. Liên quan đến chất lượng, hiện toàn bộ băng thông Internet của VN là 136MB chỉ đáp ứng được khoảng trên dứới 400.000 người sử dụng nhưng con số người truy cập Internet của VN đến nay là trên 1 triệu người. Tại SSP có 553 lập trình viên, họ có nhu cầu sử dụng Internet thường xuyên, liên tục với chất lượng đảm bảo thông suốt tốc độ truy cập tức thời bởi Internet là công cụ của họ và đối tác của họ là các công ty công nghệ thông tin quốc tế đẳng cấp cao. Nếu SSP cứ phụ thuộc vào một đơn vị cung cấp đường truyền chất lượng kém sẽ không thể có một mô hình khu công nghệ phần mềm hiệu quả.
Với mục đích nâng cao hiệu quả của trung tâm, ngày 18/7/2002 SSP đã gửi tờ trình gửi lên Chính phủ, các ban ngành liên quan và TCBĐ “về việc xin chủ trương thí điểm thiết lập đường kết nối Internet trực tiếp qua vệ tinh phục vụ sản xuất phần mềm tại 123 Trương Định”. Ngày 29/7/2002, Văn phòng chính phủ đã có công văn số 415/VPCP-CN yêu cầu TCBĐ xem xét và có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về VPCP trước ngày 20/8/2002 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên TCBĐ đã không trả lời công văn của SSP cũng như công văn 415 của VPCP. Không thể chịu đựng cách làm việc kiểu “rùa” của TCBĐ nên SSP đã chủ động lắp đặt một trạm mặt đất cỡ nhỏ (VSAT, do Bộ Công an nhập từ Mỹ giá trị 60.000 USD), được dùng để kết nối Internet quốc tế không qua kiểm soát của VTI rồi báo cáo lên TCBĐ. Cho đến tận sau khi thành lập Bộ BCVT, ngày 4/12/2002 Bộ mới có văn bản số 57 yêu cầu SSP đình chỉ hoạt động trạm VSAT. SSP cũng đã có công văn phúc đáp số 211 cho Bộ BCVT và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này.
PHẢI CHĂNG “CỐ Ý LÀM TRÁI” ĐỂ ĐỔI MỚI?
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh thông tin, SSP đã được Chính phủ cho phép xây dựng “bức tường lửa” riêng để đảm bảo việc khai thác các dịch vụ Internet. Sau 2 năm tự quản lý “bức tường lửa” dưới sự hỗ trợ và kiểm soát của các cơ quan hữu quan, việc đảm bảo an ninh thông tin của SSP là hoàn toàn tốt. Nhờ có VSAT đã làm lợi cho các doanh nghiệp do truy cập Internet nhanh, giá rẻ. Tuy nhiên việc SSP tự lắp đặt VSAT khi chưa có giấy phép của Bộ BCVT là việc làm chưa đúng trình tự theo quy định của pháp luật, thể hiện sự bức xúc của doanh nghiệp trước sự trì trệ của ngành BCVT. Theo Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, chỉ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) được kết nối Internet quốc tế. SSP không thuộc đối tượng này và chưa được cấp phép mà làm như vậy là trái luật. Tuy nhiên ở đây tình tiết lại không thể coi lá trái pháp luật được, bởi lẽ SSP đã được phép của Chính phủ, TCBĐ và các ngành chức năng cho phép được phép kết nối trực tiếp Internet trước “bức tường lửa” quốc gia và trên thực tế thì SSP đã tự chịu trách nhiệm về mặt an ninh thông tin riêng theo tinh thần văn bản chỉ đạo của Chính phủ nêu trên từ năm 2000. SSP không phụ thuộc trách nhiệm quản lý đối với VTI- VNPT (Tổng cty BCVT). Về thực chất khi SSP chịu trách nhiệm trực tiếp với Bộ công an về mặt an ninh cũng giống như VNPT thì không thể nói rằng SSP không thông qua sự kiểm soát của VTI-VNPT. Oâng Nguyễn Hữu Hiền – Giám đốc SSP nói: “Trong trường hợp này, chúng tôi đã xác định đây là việc làm dũng cảm đầy tự hào trong thời kỳ đổi mới để rút ra bài học kinh nghiệm tự thực tiễn để trình lên lãnh đạo để điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp hơn với tình hình nhiệm vụ mới hiện nay. Nếu phải bị coi là phạm pháp thì tôi cũng hết sức thanh thản và tự hào, cũng giống như đồng chí Kim Ngọc đã từng chịu đựng , hy sinh trong đổi mới để Đảng có Khoán 10 vậy”.
Cũng cần nói thêm rằng, tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Hiền là một người có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Ngoài chức vụ Giám đốc SSP, ông Hiền còn được mời làm Giám đốc tư vấn dự án Trung tâm công nghệ phần mềm nhiều địa phương như Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng , Đà Nẵng, Giám đốc tư vấn dự án E-Town của Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE)… Trong tâm trạng đầy bức xúc, ông Nguyễn Hữu Hiền đã thừa nhận với PV báo Pháp Luật: “Chúng tôi biết rõ đây là cố ý làm trái nhưng không phải gây hậu quả nghiêm trọng mà mục tiêu của nó là đem lại kết quả tốt cho tiến trình khắc phục tình trạng tiêu cực, trì trệ ảnh hưởng xấu đến tiền trình phát triển đất nước theo tinh thần đổi mới của Đảng. Hay nói cách khác cố ý làm trái để đổi mới. Muốn đổi mới mà cứ làm theo tiền lệ thì không thể đổi mới được. Là một doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi muốn có sự bình đẳng và công khai trong kinh doanh, nếu bắt buộc phải thuê kênh của VTI chúng tôi muốn được biết tại sao chúng tôi phải trả giá cao như vậy trong khi nếu mua của đối tác chỉ sau 2 tháng không thuê kênh của VTI là chúng tôi đã hoàn được vốn đầu tư thiết bị”.
Bên cạnh đó các quy định của pháp luật về lĩnh vực BCVT còn nhiều bất cập, đã hạn chế sự phát triển ngành CNTT của đất nước. Bởi vậy trong tờ trình ngày 18/7/2002, SSP đã nêu rõ xin chủ trương của Chính phủ và các ban ngành liên quan để điều chỉnh, bổ sung những nội dung văn bản pháp quy cho xác hợp với tốc độ phát triển CNTT và đáp ứng nhu cầu phát triển nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam. Nếu không có một cơ chế phù hợp, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng chảy máu chất xám. Xin lấy một ví dụ: Mới đây, tại Singapore, một Cty của Việt Nam là Cty cổ phần Công nghệ thông tin EIS đã chính thức khai trương hệ thống dịch vụ One- connection (OC) trên toàn cầu. Các cuộc gọi điện thoại qua Internet bằng công nghệ OC của EIS hiện nay có giá cước phí rẻ hơn rất nhiều so với cuộc gọi truyền thống vì nó “biến” các cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi nội hạt. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNTT từ nhiều nước đánh giá cao hoạt động này của EIS, thế nhưng việc triển khai dịch vụ OC tại thị trường trong nước hiện vẫn còn gặp rào cản về cơ chế. Oâng Hiền tâm sự: “Tôi đã chui vào “hang hùm” để biết những gì chúng tôi cần biết và tất cả những điều ấy chúng tôi đã có tờ trình lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ rồi. Chúng tôi không phải chỉ muốn có một đường truyền tốt riêng cho SSP mà là muốn có được một hệ thống Internet đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh phục vụ cho yêu cầu phát triển của CNTT cả nước vì viễn thông và Internet chính là cơ sở hạ tầng giao thông để vận chuyển trong trao đổi giao lưu mua bán hàng hoá, mà thứ hàng hoá ấy chứa hàm lượng chất xám cao được sản sinh ra từ kinh tế tri thức nó là yếu tố không thể thiếu được trong tiến trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá cho nền kinh tế quốc gia”.
HỒI ÂM CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG
Sau khi bài viết trên đăng trên Báo Pháp Luật số ra ngày 27/2/2003 thì đúng một tháng sau, ngày 27/03/2003 Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản số 340/CP-CN gửi Bộ Bưu chính viễn thông và các cơ quan chức năng đồng ý cho Trung tâm công nghệ phần mềm Sài Gòn (SSP, 123 Trương Định TPHCM) và Trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng làm thí điểm việc thiết lập và quản lý khai thác trạm vệ tinh cỡ nhỏ (VSAT) kết nối Internet phục vụ mục đích chuyên dùng của các trung tâm này, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng, đồng thời phải trực tiếp chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu về an ninh thông tin.
-----------
Xem thêm: Mức phạt hành chính trong lĩnh vực Internet tối đa 70 triệu đồng

Tổng số lượt xem trang