Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

Sắc màu Trung Quốc (bài cuối)

Uh, mệt quá. Hôm qua buồn ngủ quá nên không đăng nốt được. Vậy khi lược dịch xong thì có thể kết luận, những vấn đề về môi trường và xã hội là những thách thức rất lớn khó vượt qua cho Trung Quốc (tại Việt Nam cũng vậy). Việt Nam cũng đã học bài rồi, qua vụ hỗ trợ tiền Tết cho người nghèo. Kết quả thì sao, quan xã tìm cách ăn bớt. Người giàu đánh bật người nghèo trong danh sách. Có vẻ đội ngũ quan chức địa phương khó sửa đổi ..

Trường hợp khác thường của Bắc Kinh _ Jonathan Anderson
Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi ? Thật đúng là, chúng ta đã học được từ những tủi nhục trong 12 tháng qua, không có gì là không thể tránh được từ một quá trình phát triển kinh tế nhanh và liên tục hay một thành công ngắn hạn của bất kỳ một mô hình kinh tế nào, và thành công trong quá khứ cũng không thể đảm bảo cho thành công trong tương lai. Với một nước ĐPT thu nhập thấp , có rất nhiều những khó khăn trước mắt và tiềm ẩn có thể hủy hoại viễn cảnh tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm sắp tới.
Trung Quốc đang tăng trưởng cao hơn bất kỳ một nền kinh tế nào. Rủi ro để nền kinh tế này đi trệch hướng trong 10-20 năm tới là khá thấp so với suy nghĩ chung của công chúng.
Trong một cuộc tranh luận chủ yếu dựa vào ước đoán và khẳng định chủ yếu dựa vào những số liệu sẵn có, thì ở tầm vĩ mô có những con số sau: trong 3 thập kỷ từ 1978 đến 2007, GDP chính thức công bố của Trung Quốc đã với tốc độ trung bình 9,9%. Tất nhiên chất lượng của tốc độ tăng trưởng lịch sử vẫn là trung tâm của các cuộc thảo luận khoa học.
Nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã kết luận rằng tốc độ tăng trưởng thực tế đã bị nói quá lên vì một số lý do (lạm phát bị đánh giá thấp, và những bóp méo khác trong hệ thống thống kê xã hội chủ nghĩa truyền thống); mặc dù vậy, cho dù những nhà phân tích thận trọng nhất vẫn chấp nhận con số 9% / năm hay hơn trong giai đoạn sau cải cách.
Với tốc độ 9 hay 9,9% Trung Quốc đều là nhà quán quân thế giới. Trong 30 năm tăng trưởng đỉnh cao của Nhật Bản, thì tốc độ trung bình cũng chỉ là 8%, và trong giai đoạn 1960-1995, các con hổ châu Á cũng chỉ đạt 7,8% tại Hồng Kong; 8,3% Hàn Quốc; 8,4% Singapore và 8,9% Đài Loan. Với tỷ lệ sinh giảm nhanh tại Trung Quốc, tốc độ tăng thu nhập theo đầu người tại Trung Quốc cũng vẫn cao hơn so với những nước này.
Số liệu về các yếu tố góp phần vào tăng trưởng. Theo kinh tế học, công thức cơ bản nhất bao gồm 3 cách giúp một nước tăng trưởng: (i) tăng thêm lao động; (ii) thêm vốn; (iii) kết hợp giữa vốn và lao động theo những cách thức tốt hơn và có năng suất cao hơn. Cách thứ ba được gọi là ‘năng suất tổng các yếu tố’ (TFP) và là phương thức đo lường tốt nhất đối với thành công kinh tế dài hạn do nó đo lường phẩm chất chứ không chỉ tính tới số lượng tốc độ tăng trưởng. Các nghiên cứu cho thấy TFP của Trung Quốc tăng khoảng từ 2% y/y tới 4% y/y, tập trung vào khoảng 3%. Nghĩa là dưới 1/3 tăng trưởng của Trung Quốc có nguồn gốc từ tăng năng suất lao động.
Còn những nơi khác trên thế giới thì sao? Trong giai đoạn sau chiến tranh, các nước công nghiệp hóa châu Âu cũng có tốc độ tăng TFP khoảng 2%; tốc độ tăng trung bình của Nhật Bản và các con hổ châu Á vào khoảng 2,5% - như vậy mức 3% của Trung Quốc cũng là mức rất cao so với các khu vực khác trên toàn cầu.
Đây là bộ số liệu cuối cùng, năm 1990, thu nhập trung bình theo đầu người của Trung Quốc chỉ là $350. Năm 2000, con số này đã tăng gấp 3 lên tới $1000, và vào cuối năm 2008, thu nhập theo đầu người đã tăng gấp 3 tới $3000. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ 8%/năm hay hơn trong 2 thập kỷ tới, khi đó thu nhập theo đầu người có thể lên tới $8500 vào năm 2020 và $20000 vào năm 2030. Khi đó thu nhập của Trung Quốc sẽ cao hơn mức hiện nay của Đài Loan và Hàn Quốc - ở mức các nước có thu nhập trung bình và đủ điều kiện vào OECD - và quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn mức của cả nền kinh tế Mỹ và EU cộng lại hiện nay.
Tóm lại: xét theo kinh tế vĩ mô, hiện nay Trung Quốc là nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong thời kỳ sau chiến tranh. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là một điều gì mơ hồ xa xôi, mà là một thực tế chỉ sau 20 năm tăng trưởng. Quan trọng nhất là Trung Quốc không cần thiết phải tăng trưởng với tốc độ 10% /năm để đạt được địa vị nước phát triển vào năm 2030; 8% cũng là đủ.
Nói cách khác, nếu muốn tranh luận rằng Trung Quốc sẽ thất bại, hoàn toàn không đủ để nói rằng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm. Cần phải có những bất ổn trên diện rộng hay xuất hiện khủng hoảng làm trệch con đường tăng trưởng trong một thời gian dài và nó cần phải xuất hiện khá sớm.
Nhiều tranh luận công khai hiện nay đã nói về rất nhiều những tiềm năng bất ổn bao gồm vỡ bong bóng, suy thoái toàn cầu, căng thẳng xã hội, các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, một mô hình xã hội chủ nghĩa không hiệu quả và thiếu tự do chính trị. Và không có gì đảm bảo là một hay nhiều yếu tố này sẽ không đột nhiên làm chìm đắm tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc và kéo nền kinh tế xuống. Mặc dù vậy, từ một cái nhìn khách quan về các yếu tố rủi ro, có thể thấy chúng chỉ có ảnh hưởng khiêm tốn, và khó có thể nói rằng nền kinh tế này phải đối mặt với bóng ma khủng hoảng trong tương lai rất gần.
Một số lý do dẫn đến kết luận trên là : Thứ nhất có lẽ là quan tâm về số phận của Trung Quốc trong cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay. Doanh thu xuất khẩu giảm trong quý 4 năm 2008, và những thay đổi trên thị trường bất động sản và chứng khoán đã khiến cho chi tiêu vào ngành xây dựng và các ngành công nghiệp đã giảm mạnh. Trước viễn cảnh tốc độ tăng trưởng giảm và thất nghiệp gia tăng trong năm nay, hoàn toàn có thể lo lắng liệu có thể cú sốc này có thể đưa Trung Quốc vào cuộc khủng hoảng.
Dù vậy, Trung Quốc là nền kinh tế ít bị ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu nhất trong các nước châu Á; chỉ khoảng 8% lực lượng lao động làm việc trong hoạt động xuất khẩu, và chế tạo dành cho xuất khẩu, như đồ chơi, dệt, và lắp ráp điện tử, và chiếm một tỷ trọng còn nhỏ hơn trong tổng vốn đầu tư của Trung Quốc. Thậm chí vào lúc thương mại phát triển vào đỉnh cao, xuất khẩu ròng cũng không vượt quá 1/6 mức tăng trưởng của GDP. Điều này có thể giúp giải thích tại sao Trung Quốc có thể giữ được mức tăng trưởng trong những giai đoạn suy giảm của xuất khẩu, như bùng nổ IT toàn cầu trong những năm 2001-02, và tại sao xuất khẩu suy giảm không đủ để tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Trung Quốc bị tổn hại.
Nói về nền kinh tế nội địa, thị trường nội địa Trung Quốc đã tăng gần 6 lần từ năm 2005 tới năm 2007 trước khi phải chịu cơn suy thoái trong 15 tháng qua, khiến cho mọi người lo lắng về ‘bong bóng’ dạng Nhật Bản. Mặc khác, trong 2 thập kỷ qua giá cả Trung Quốc đã bị lạm phát hay bị giảm giá nghiêm trọng. Thị trường địa ốc và tài sản lại là một vấn đề khác. Như chúng ta đã thấy tại Mỹ, suy thoái trên thị trường địa ốc có thể gây ra những thảm họa nghiêm trọng - nhưng vấn đề cơ bản là Trung Quốc không phải là Mỹ. Nợ thế chấp của khách hàng là rất nhỏ, hệ số nợ trên giá trị trung bình là rất thấp, giá nhà trên toàn quốc đã thực sự giảm tương ứng so với thu nhập trong thập kỷ vừa qua và mức nhà chưa bán cũng không đổi nhiều từ năm 2004. Vì vậy, khi mức bán và giá trị xây dựng giảm nhanh trong năm ngoái thì giá nhà cũng đang giảm trên toàn quốc. Có rất ít số liệu để có thể cho rằng những khó khăn trên thị trường địa ốc hiện nay có nguyên nhân nào khác ngoài những điều chỉnh vòng quay kinh tế khó nhọc.
Trung Quốc cũng giống với các nước láng giềng châu Á khác, động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiết kiệm và đầu tư. Liệu Trung Quốc có thể bị cạn kiệt nguồn tiết kiệm dành cho đầu tư, hay thiếu các địa điểm đầu tư sinh lời? Trung Quốc hiện nay đang là một địa điểm đầu tư hấp dẫn với năng suất lao động đang tăng và lợi nhuận cao là câu trả lời cho câu hỏi thứ hai. Ngoài ra kim ngạch xuất khẩu của Trung quốc đang chiếm 10% GDP còn cao hơn tỷ trọng đầu tư.
Theo thống kê hiện nay 25% GDP của Trung Quốc được tạo ra từ SOEs. Thống kê công nghiệp cho thấy SOEs tại Trung Quốc nhìn chung lại hoạt động có nhiều lợi nhuận hơn các công ty tư nhân , và thậm chí ngay cả khi chúng tôi điều chỉnh theo sự khác biệt giữa các lĩnh vực thì cũng không có nhiều sự khác biệt về hoạt động sinh lời giữa công ty nhà nước và tư nhân. Số liệu gần đây còn cho thấy khu vực công nghiệp nặng của nhà nước còn có tốc độ tăng trưởng và năng suất nói chung cao hơn khu vực xuất khẩu chế tạo công nghiệp nhẹ có vốn nước ngoài trong 15 năm qua.
Có thể ngạc nhiên và hỏi tại sao lại xảy ra như vậy. Câu trả lời là không còn nhiều tính chất nhà nước trong các SOEs. Trong hầu hết các thị trường mới nổi, chúng ta có thể thấy các công ty viễn thông nhà nước, chế tạo ô tô nhà nước, hàng không nhà nước - thường được bảo hộ và thường làm ăn thất bát. Ngược lại tại Trung Quốc có hàng tá các hãng hàng không và chế tạo ô tô, hàng trăm công ty thép, và khá nhiều công ty viễn thông, và công ty năng lượng. Hầu hết đều thuộc sở hữu của nhà nước, nhưng đều phải cạnh tranh khốc liệt với nhau; hàng rào bước vào hoạt động kinh doanh cũng khá thấp so với tiêu chuẩn của châu Á, nhiều lĩnh vực được mở cửa cho đầu tư tư nhân và nước ngoài.
Và với câu hỏi tại sao Trung Quốc có thể tăng trưởng mà không có dân chủ. Ý tưởng cho rằng thành công kinh tế sẽ làm xuất hiện một tầng lớp trung lưu đối lập với thể chế chính quyền chuyên chế của Trung Quốc chỉ là một lý thuyết, và làn sóng bất ổn gần đây thường được cho là bằng chứng về những xung đột nhức nhối đang nổi. Dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng nói rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những xung đột chính trị và phải chấp nhận những lựa chọn đau đớn và cũng khó có thể nói rằng nền kinh tế nước này đang phải đứng trước bóng ma khủng hoảng.
Thực tế nói về châu Á, có thể nên hỏi rằng: làm thế nào có thể tăng trưởng với dân chủ? Nói cho cùng, những thành công kinh tế trong 30 năm qua đều thuộc về những quốc gia độc đảng được điều hành một cách hiệu quả. Ngược lại, những nước được điều hành một cách dân chủ liên tục hay đứt quãng như Philippines, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Thái Lan đều chỉ đứng dưới.
Có thể lý do là, những nước thành công về kinh tế tại châu Á có thể không có dân chủ những họ có kinh tế tư bản. Tất cả những nước tăng trưởng cao đều theo hướng thị trường rõ rệt và đều cam kết thực hiện toàn cầu hóa; nhìn chung họ đều có thể chế giám sát mạnh với một biện pháp đảm bảo trách nhiệm về mặt xã hội; Thực tế, có một hợp đồng không được viết ra với dân chúng rằng khi chính phủ phân phối hàng hóa dựa vào tăng trưởng thì dân chúng không đòi hỏi dân chủ cho đến khi nền kinh tế đạt được mức thu nhập trung bình và bền vững.
Liệu Trung Quốc có sự khác biệt, và liệu trật tự chính trị có sụp đổ trước khi thu nhập đạt mức phát triển cao hơn?
Để tranh luận, có hai phản bác sau: Thứ nhất, Trung Quốc không phải là ‘tư bản’ như những con hổ châu Á, không có nhiều định hướng thị trường và có nhiều bóp méo và có nhiều vấn đề. Thứ hai, chính phủ Trung Quốc khá cứng nhắc và ít linh hoạt - làn sóng bất ổn đang tăng làm đe dọa tới ổn định chính trị. Thống kê chính thống của Trung Quốc cũng cho rằng những bất ổn xã hội đã gia tăng đáng kể từ đầu thập niên này. Nhưng rất ít những cuộc nổi loạn có liên quan tới dân chúng thành thị có thu nhập cao hơn, mà chỉ tập trung tại nông thôn với những người nông dân và di dân nông thôn. Nói cách khác, đây không phải là tầng lớp trung lưu mới nổi đứng dậy chống lại chính quyền, mà lại là tầng lớp nghèo khổ nhất trong dân chúng bất mãn với tình cảnh của họ. Và, vấn đề là kinh tế chứ không phải là chính trị.
Tôi sẽ giải thích, khi Trung Quốc theo đuổi quá trình cải cách doanh nghiệp trong thập niên 1990, một trong những hậu quả là sự sụp đổ của các nguồn trang trải ngân sách; vào thời điểm đen tối nhất, thu nhập ngân sách chính phủ nhìn chung đã giảm còn gần 10% GDP. Điều này đã khiến chính quyền chỉ còn đủ ngân sách để duy trì đội ngũ viên chức, buộc phải cắt giảm ngân sách cho giáo dục, nhà ở và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là chính quyền tại làng xã, huyện tỉnh, và phải tự tìm cách tồn tại, bằng cách áp đặt thuế lên người nông dân và lấy đất đai của họ.
Vấn đề khác nữa là thu nhập nông thôn. Giá nông sản rất thấp và đang giảm từ giữa thập niên 1990 cho đến đầu thập niên này, và thu nhập của nông dân Trung Quốc tăng rất ít khi dân thành thị đang giàu có một cách nhanh chóng. Với thu nhập không tăng, thuế và các loại phí lại gia tăng, chính quyền làng xã lại bán đất nông nghiệp với mức đền bù tối thiểu và mức lương của di dân cũng trong tình trạng trì trệ, nên cũng chẳng ngạc nhiên khi Trung Quốc gặp phải những rối loạn ngày càng tăng tại nông thôn.
Những nửa thập niên vừa qua, thu nhập ngân sách đã hồi phục và lên tới 20% GDP. Và như vậy, ngân sách dành cho chính quyền địa phương cũng tăng, tăng chi tiêu cho sức khỏe và giáo dục, và xóa bỏ gần hết các loại thuế nông nghiệp trong vài năm vừa qua. Thứ hai, chính quyền cũng đã thực hiện những thay đổi đáng kể trong chính sách sử dụng đất đai, bao gồm đảm bảo tốt hơn về quyền sử dụng của người nông dân trên mảnh đất của họ, các quy định chuyển giao và bán đất đai minh bạch hơn, và quy trình luật pháp cũng rõ ràng hơn để giảm bớt tham nhũng tại địa phương.
Thứ ba, từ năm 2004, giá nông sản đã tăng tại thị trường nội địa, với sự gia tăng tiêu thụ tại đô thị và mức cung đã giảm do đất nông nghiệp bị bán dần. Trong 3 năm qua, tăng trưởng thu nhập nông dân đã bắt kịp và thậm chí vượt lên tốc độ tăng lương tại đô thị. Cuối cùng, mức lương của di dân nông thôn cũng tăng trong cùng kỳ do thị trường lao động khan hiếm.
Điều đáng nói là, Trung Quốc đã chứng kiến những thay đổi cơ cấu theo hướng thị trường làm thay đổi căn bản sự cân bằng thu nhập nông thôn và đã dần dẫn tới những vấn đề kinh tế và bất ổn gần đây. Năm 2009 và năm tới sẽ vô cùng khó khăn, do thị trường xuất khẩu thu hẹp và giảm nhu cầu xây dựng dẫn tới giảm lao động di cư - nhưng đây chỉ là những vấn đề chu kỳ và không thể ngăn cản xu hướng tăng trưởng trở lại trong tương lai ngắn hạn và dài hạn.
Tranh luận của Pei:
Do hầu hết các nhà kinh tế học đều bị trói buộc bởi lối mòn tri thức - họ thường sử dụng tốc độ tăng trưởng như là thước đo duy nhất cho phát triển xã hội và lờ đi bối cảnh chung trong đó quá trình phát triển kinh tế được diễn ra. Jonathan bắt đầu bằng cách sử dụng những số liệu để chứng minh 2 điểm. Thứ nhất, về mặt kinh tế, ông chỉ ra tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 30 năm qua được thúc đẩy bởi tăng trưởng năng suất (nghĩa là phẩm chất), và rằng SOEs đã trở nên theo hướng thị trường và có lợi nhuận, và nói chung, nhiều hơn các công ty tư nhân. Thứ hai, Jonathan xem những rủi ro có thể đẩy Trung Quốc ra khỏi con đường tăng trưởng là rất ‘khiêm tốn’; ông tin rằng những căng thẳng xã hội tại Trung Quốc chủ yếu bị đẩy lên bởi những yếu tố kinh tế, có thể dễ dàng sửa đổi bằng cách tiếp tục tăng trưởng cao (các dịch vụ xã hội tồi tệ tại các thành phố và tăng trưởng thu nhập thấp tại nông thôn); và việc thiếu dân chủ không phải là một mối nguy thực sự lại là ‘một chỉ dấu tốt cho thành công’ tại châu Á.
Thật không may, Jonathan đã mắc 3 sai lầm làm xói mòn dự đoán lạc quan của ông về tương lai kinh tế màu hồng của Trung Quốc. Thứ nhất, số liệu mà ông trích dẫn thực sự hoàn toàn chủ quan. Chúng tô vẽ một bức tranh tham vọng về hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Thứ hai, ông đánh giá thấp mức độ chính quyền Trung Quốc điều hành nền kinh tế và nói quá về hoạt động của SOEs. Cuối cùng, theo một phong cách điển hình của các nhà kinh tế, ông lờ đi những yếu tố rủi ro to đùng như con voi trong phòng - suy thoái môi trường, bất bình đẳng xã hội tăng cao và tham nhũng - và giảm ảnh hưởng của dân số đang già và tiềm năng xung đột xã hội. Đây không chỉ là những yếu tố kinh tế cơ bản mà ông đánh giá sai lầm mà còn quan trọng hơn, những yếu điểm chính trị xã hội của Trung Quốc.
Đánh giá hoạt động kinh tế rất khó khăn, thậm chí cả đối với các nhà kinh tế. Một trong những tiêu chuẩn so sánh tốt nhất, như Jonathan chỉ ra là tăng trưởng năng suất tổng các yếu tố. Không may, dự đoán TFP của Trung Quốc là rất đáng ngờ. Dựa vào nghiên cứu của các nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ, tốc độ tăng trưởng TFP của Trung Quốc đang giảm trong thập niên vừa qua, vì vậy sử dụng TFP trung bình trong 3 thập kỷ vừa qua là không đáng tin để dự đoán tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc. Nó chỉ dàn đều thu nhập và che dấu những suy giảm gần đây. Hơn nữa, hoàn toàn không thực tế khi chỉ sử dụng số liệu TFP để đánh giá hoạt động kinh tế của Trung Quốc. TFP chỉ ra mức tăng của năng suất nhưng nếu những lợi ích từ tăng năng suất không dành cho người dân Trung Quốc bình thường thì sao? Nếu như tăng trưởng GDP nhanh không tăng tương xứng với tăng thu nhập và tiêu dùng hộ gia đình? Đây chính là điểm yếu của Trung Quốc. Trong khi tăng trưởng GDP trong 3 thập kỷ qua lên tới gần 10%, mức tăng thu nhập hộ gia đình lại thấp hơn. Nói một cách giản dị, người Trung Quốc bình thường không đủ tiền để mua hàng Trung Quốc.
Nhất là anh ta phải tiết kiệm cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nghỉ hưu do mạng lưới an sinh xã hội tồi tệ. Điều này làm co lại mức tiêu thụ, xuống tới mức thấp lịch sử trong những năm gần đây. Những dẫn chứng này cho thấy rằng, Trung Quốc có thể có mức tổng sản phẩm kinh tế lớn, nhưng nó không làm tăng phúc lợi cá nhân, cản trở mức tăng nhu cầu nội địa và sức khỏe nền kinh tế nói chung.
Khi nói về vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế, Jonathan lại nhìn vào số liệu chứ không phải là bản chất thực sự. Ảnh hưởng của nhà nước tới nền kinh tế rộng hơn ngoài những sản phẩm trực tiếp của SOEs. Ông cho rằng con số này khoảng 25% GDP. Thực tế SOEs chiếm một tỷ trọng cao hơn nhiều; Jonathan đã không tính tới những công ty mà nhà nước có lợi ích kiểm soát. SOEs Trung Quốc cũng không hoạt động năng suất như Jonathan đã cố gắng dùng số liệu chỉ ra. Lợi nhuận của những công ty này đến từ địa vị độc quyền, không phải từ cạnh tranh. Thực tế, 80% lợi nhuận của SOEs đều từ một nhóm các công ty khổng lồ độc quyền nhà nước, như China Mobile, China National Petroleum Corporation (CNPC) và Sinopec.
Cuối cùng Jonathan nên tính tới ảnh hưởng của hủy hoại môi trường và bất bình đẳng xã hội gia tăng (tổng hợp của bất bình đẳng và tham nhũng) tới tương lai kinh tế của Trung Quốc. Với mức độ ô nhiễm môi trường và chi phí cải tạo và bảo vệ cần thiết để biến Trung Quốc trở lại một nước để mọi người có thể thở, ăn uống mà không bị đầu độc, không thể dự đoán tương lai Trung Quốc một cách thuyết phục mà giảm nhẹ hay bỏ qua rủi ro môi trường. Và trên hết, tuy rằng những thăng trầm của vòng quay kinh tế có thể giúp giải thích những than phiền trong xã hội, đây cũng không phải là nguyên nhân duy nhất và sẽ là sai lầm khi bỏ qua những yếu tố khác. Thực tế tại nhiều cuộc nổi loạn quy mô lớn gần đây, các yếu tố kinh tế không còn thấy nữa. Điều quan trọng là khi một xã hội phát triển nhanh là được cho rằng là bất bình đẳng như Trung Quốc hiện nay, các nhà cầm quyền đang ngồi trên một trái bom chờ kích nổ. Điều này giải thích tại sao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang kêu gọi về một ‘xã hội hài hòa’.

Tổng số lượt xem trang