Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Liên quan đến việc bốc mộ cựu tù cải tạo tại Việt Nam: “Không nên bốc chui vì sẽ làm thiệt thòi các gia đình không có tiền”

LTS: Trong thời gian qua, ông Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch Tổng Hội HO-POW, cùng một số thành viên của hội đã xúc tiến và giúp đỡ một số gia đình trong việc bốc mộ và cải táng hài cốt các cựu quân nhân QLVNCH bị cải tạo và chết tại miền Bắc Việt Nam. Mới đây, sau khi về Việt Nam tiến hành công việc, ông đã đến California và muốn lên tiếng một số vấn đề liên quan đến việc này. Nhật báo Người Việt đã có cuộc phỏng vấn sau đây với ông.
medium_NVHN-090421-BocMo 1.JPG

Thân nhân xác định lại ngôi mộ lần chót trước khi bốc. Bìa bên phải là ông Nguyễn Ðạc Thành.



medium_NVHN-090421-BocMo 2.jpg

Một mớ xương tàn của một người tù cải tạo bất hạnh.

medium_NVHN-090421-BocMo 3.JPG

Thân nhân tiến hành bốc một ngôi mộ.

Ðỗ Dzũng/Người Việt (thực hiện)

Hình: Nguyễn Ðạc Thành cung cấp
NV: Xin cho biết tại sao ông muốn lên tiếng về vấn đề hài cốt cựu quân nhân QLVNCH?

Nguyễn Ðạc Thành: Vì tình hình rất cần thiết cũng như cần báo động đến đồng bào hải ngoại và nhờ quý vị tiếp tay chận đứng vấn đề dùng hài cốt tù cải tạo Việt Nam như hài cốt lính Mỹ. Những chiến sĩ VNCH chết một cách bất hạnh và gia đình họ đã khốn khó hơn 30 năm qua. Việc lợi dụng hài cốt anh em là một việc làm tồi tệ, vô nhân đạo, không thể chấp nhận được. Tìm và đưa hài cốt anh em về với gia đình là một việc làm cao cả, ai cũng có thể làm được. Chúng tôi hoan nghênh nhiều người đứng ra làm công việc này. Thậm chí, tôi sẵn sàng chuyển giao việc làm nhân đạo này cho bất cứ ai có thiện tâm đứng ra thực hiện. Tuy nhiên, họ phải làm với một mục đích duy nhất là đưa hài cốt anh em về với gia đình mà không làm lợi cho cá nhân.

NV: Xin ông nói rõ hơn về việc này?

Nguyễn Ðạc Thành: Lần này chúng tôi đối đầu với vấn đề làm tiền kinh khủng. Có nơi trước đây thật dễ dàng, chủ đất rất tốt, không hề đòi tiền, cán bộ địa phương không hề đặt vấn đề tiền bạc, nhưng lần này đòi đến ba triệu đồng Việt Nam. Cán bộ địa phương từ thôn, ấp, xã, công an, nói chung là mọi nơi, mọi người, đều đòi tiền. Ðó là đồi Cây Khế. Riêng xã Tân Thịnh, nơi đã xảy ra những vụ làm tiền trước đây, thì công an đã dập tắt tình trạng này. Họ không còn làm tiền như trước đây nữa.

Trong khi đó, chúng tôi và phía Việt Nam đã phát giác vấn đề hài cốt tù cải tạo hiện đang là một cơn sốt giống như hài cốt lính Mỹ ngày nào. Có những vấn đề xảy ra như giấu mộ bia để khi thân nhân đến thì làm tiền. Làm mộ giả và hài cốt giả rồi chỉ cho thân nhân của những người xấu số không còn mộ bia để lấy tiền. Một số cán bộ địa phương và dân chúng tha hồ làm tiền những thân nhân đi tìm và bốc mộ người thân theo ý họ.

NV: Còn tại Hoa Kỳ thì sao?

Nguyễn Ðạc Thành: Tại một vài nơi như California, Oregon và một vài nơi khác, có nhóm người tự xưng là HO đi quyên tiền bà con để bốc mộ tù cải tạo. Họ căn cứ vào danh sách do chúng tôi đưa ra để bốc mộ. Những việc làm này, nếu vì đồng đội mà thực hiện thì chúng ta phải hoan nghênh. Nhưng không phải vậy. Khi nghe nói bốc mộ thì không ai từ chối giúp đỡ. Do đó, những người này tha hồ quyên góp. Nhưng khi về Việt Nam, làm sao họ gặp được Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ để làm thủ tục?

Nên nhớ, Bộ Quốc Phòng giữ hồ sơ khi quân đội quản lý tù cải tạo. Bộ Nội Vụ giữ hồ sơ sau khi tù cải tạo bị đưa qua công an giam giữ. Muốn bốc mộ, phải được Bộ Ngoại Giao giới thiệu qua một trong hai cơ quan này. Họ sẽ hỏi địa phương để xác định có mộ hay không, nằm ở đâu, tình trạng hiện nay ra sao, có mộ bia hay không. Sau khi xác nhận tất cả, họ mới cấp giấy phép rồi cầm đến địa phương bốc mộ.

NV: Theo ông, những người khác từ Hoa Kỳ về Việt Nam bốc mộ có gì là sai trái?

Nguyễn Ðạc Thành: Những người này đi thẳng về địa phương, hối lộ tiền cho người giữ mộ, cho cán bộ địa phương, vì không có giấy phép bốc mộ hợp lệ. Nói nôm na là “bốc chui.” Do đó, những người địa phương tha hồ ra giá. Vì vậy, lần về vừa rồi, chúng tôi phải làm việc để ngăn chặn tình trạng này. Có người đã giấu mộ bia để người tìm mộ đến thì làm tiền. Có người lập mộ và hài cốt giả hoặc mạo nhận là biết mộ để kiếm tiền...

Những việc làm này gây ra hậu quả không lường trước được. Trong khi những người có tiền chấp nhận “bốc chui” cho được việc, còn không có tiền thì sao, nhất là những thân nhân của anh em còn sống tại Việt Nam?

NV: Xin ông đơn cử một vài trường hợp?

Nguyễn Ðạc Thành: Vào Tháng Mười Hai, 2007, chúng tôi bốc mộ cố đại úy Nguyễn Vinh Thăng. Người giữ mộ là ông Ðinh Công Huyên đã đích thân hướng dẫn chúng tôi ra đồi Cây Khế, chỉ vào một mộ có bia, nhưng bị mục, chỉ còn hiện lên ba mẫu tự “ANG.” Ông Huyên cho biết ông ở đây trên 10 năm và chính ông đã nhìn tận mắt mộ bia có tên Nguyễn Vinh Thăng rõ ràng. Giấy báo tử cho biết chôn ở đồi Cây Khế. Người giữ mộ xác nhận rõ ràng. Chính quyền địa phương căn cứ theo ông Huyên (lúc đó chúng tôi không đến Bộ Quốc Phòng như hiện nay).

Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi bốc mộ. Bốc vừa xong, đậy quách lại thì may mắn anh Khiêm Trần đi tìm mộ cha, phát giác mộ ông Thăng ở một nơi khác, cách đó khoảng năm cây số. Khi đến nơi, chúng tôi thấy mộ bia rõ ràng và khi bốc xong con ông Thăng gọi về cho mẹ để xác nhận những di vật mà bà Thăng đưa cho ông trước khi đi cải tạo. Ðó là một đôi dép màu nâu số 8 và một túi xách màu nâu. Tất cả đều đúng.

Một tháng sau, ngôi mộ bị bốc lộn có thân nhân đến bốc về, chúng tôi đã gọi điện thoại và được xác nhận. Gia đình họ rất vui, không trách cứ gì, vì chúng tôi đã liệm và tắm rửa người quá cố sạch sẽ, bỏ vào một cái quách bằng đất nung, phủ vải đỏ đàng hoàng. Tên người bạc mệnh là Khẩu Phú Mang, gia đình ở Long An. Ông Huyên nói với gia đình này rằng chúng tôi làm căng, bốc mộ mà không hỏi ông. Chúng tôi có hình và phim quay ông đang chỉ dẫn, nói chuyện và chính ông bốc từng miếng xương.

NV: Nghe nói ông có tiếp xúc với đại diện Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và nói chuyện về vấn đề này. Nội dung ra sao?

Nguyễn Ðạc Thành: Ngày Thứ Sáu, 27 Tháng Hai, vừa qua, tôi đã họp với ông Brian C. Aggeler, tùy viên chính trị Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong khoảng 45 phút và đã trao đổi những vấn đề mà chúng tôi quan tâm.

Thứ nhất, tù cải tạo là do chính phủ Việt Nam bắt và tập trung trong trại cải tạo. Khi những người này qua đời trong trại cải tạo, chính phủ có danh sách và sơ đồ mộ. Do đó, chỉ có chính phủ Việt Nam tìm mộ và giao trả lại thì nhanh và dễ. Nếu chúng tôi tìm sẽ rất khó khăn vì khi đến địa phương hoặc trại giam, họ không cung cấp thông tin. Họ chờ lệnh chính phủ. Chúng tôi yêu cầu chính phủ cho danh sách nhưng họ từ chối.

Thứ hai, chúng tôi đã yêu cầu Việt Nam cho bốc những ngôi mộ không còn mộ bia và một ngôi mộ tập thể, rồi cải táng đưa vào Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa cũ hoặc cho một khu đất riêng biệt để đưa họ về an nghỉ. Nếu không được, chúng tôi sẽ đưa những anh em này về Hoa Kỳ. Cho tới nay, Bộ Ngoại Giao Việt Nam không đồng ý cho chúng tôi bốc những ngôi mộ này. Theo ông Hồ Phát, vụ trưởng Vụ Cộng Ðồng thuộc Bộ Ngoại Giao, cho biết thì bộ này đã đề nghị chính phủ Việt Nam tập trung những mộ không có bia vào từng vùng ở miền Bắc. Thí dụ, những ngôi mộ không bia ở tỉnh Sơn La sẽ được tập trung vào một khu nào đó trong tỉnh.

NV: Ý kiến của ông thế nào?

Nguyễn Ðạc Thành: Chúng tôi không đồng ý bởi vì miền Bắc là nơi anh em bị đày và chết ở đó. Nếu chính quyền Việt Nam tập trung họ ở miền Bắc có nghĩa là họ còn bị chính quyền giam giữ. Kế đến, chính bà con và thân nhân những người quá cố mới có quyền quyết định và đứng ra lo bốc và cải táng những anh em này. Sau hết, nơi cải táng họ, phải là miền Nam Việt Nam, là quê hương gốc của họ, gần với thân nhân ruột thịt và dễ dàng thăm viếng. Nếu không được thì Hoa Kỳ là nơi nhiều thân nhân họ đang sống. Ða số những anh em cải tạo đã chết đều có gia đình hoặc bà con ruột thịt sống tại Mỹ.

NV: Kế hoạch của hội HO-POW về vấn đề này hiện nay ra sao?

Nguyễn Ðạc Thành: Trước những khó khăn dồn dập, và nhất là vấn đề tìm mộ và cải táng hài cốt anh em bất hạnh, làm sao thực hiện được một cách chu đáo và có tổ chức là quan tâm của chúng tôi, mặc dù chúng tôi có một nhóm người Mỹ cố vấn trong đó có một luật sư đã làm việc với Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam.

Vì vậy, khi thảo luận với ông Brian C. Aggeler, chúng tôi đã đề nghị và yêu cầu cơ quan ngoại giao này đứng ra lãnh trách nhiệm thảo luận với chính quyền Việt Nam về vấn đề đưa hài cốt tù cải tạo về gia đình. Sau đó, chúng tôi sẽ chỉ là người thừa hành theo lệnh của chính phủ Mỹ bởi vì chúng tôi là người có quốc tịch Mỹ, thân nhân của những người xấu số đa số có quốc tịch Mỹ thì chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với công dân của họ.

NV: Phản ứng của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ra sao?

Nguyễn Ðạc Thành: Ông Aggeler có yêu cầu chúng tôi viết đề nghị, cho biết chúng tôi muốn gì và cần gì để ông thảo luận với phía Việt Nam và cố gắng làm những gì có thể làm được. Song song đó, chúng tôi đang vận động để có một buổi điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ để có một dự luật được thông qua nhằm đưa hài cốt tù cải tạo về Mỹ. Những đại diện Nhóm Gia Ðình Tử Sĩ tại Hoa Kỳ sẽ tích cực thực hiện với chúng tôi.

NV: Còn phía Việt Nam?
Nguyễn Ðạc Thành: Phải nói rằng chính phủ Việt Nam có nhiệt tâm muốn giải quyết vấn đề và đang giúp chúng tôi hoàn thành việc bốc mộ. Tuy nhiên, họ vẫn ngại về chính trị. Do đó, vì lợi ích chung, chúng tôi chuyển trách nhiệm cho chính phủ Hoa Kỳ, nhờ Tòa Ðại Sứ Mỹ giúp. Chúng tôi sẽ thừa hành theo chỉ thị của họ. Nhân chuyến đi này, chúng tôi cũng đưa vấn đề gia đình bà Lê Xuân Ðèo. Kính xin quý vị, vì những đồng đội bất hạnh, lên tiếng cảnh báo đến đồng bào, đừng bị lợi dụng. Hãy ngăn chặn những kẻ không có tình người, lợi dụng hài cốt những người tù bất hạnh để làm lợi riêng.
----------------
Chẳng biết nói sao nữa, cũng nên nghĩ rằng người đã mất rồi vẫn còn đâu đây và coi chừng có ngày bị quả báo. Cuộc sống đâu chỉ có tiền ....

Tổng số lượt xem trang