Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Đàn cừu và bầy sói

-15 December 2012
T/S Alan Phan
Một sự cố lúc lên 10 tuổi tạo nên một cảm nhận sâu sắc khiến tôi hiểu rõ mình hơn. Kiên, một thằng bạn thân luôn cặp kè bên tôi qua nhiều năm trường lớp, cùng tôi tạo cặp bài trùng giang hồ trong thế giới nhỏ bé của tuổi học trò. Cho đến một ngày, vì sự khích bác của một đứa con gái cùng học, chúng tôi chửi nhau và kết thúc bằng một cuộc vật lộn, giữa tiếng reo hò của nhóm.

Kiên lớn xác hơn tôi, nên sau một hồi, nó nằm trên và đấm liên tiếp vào mặt tôi. Sưng bầm, đau đớn, tôi loay hoay mò tìm được một cục đá lớn, đập thẳng vào trán nó. Máu phọt ra, Kiên sợ khóc rống và tôi cũng sợ, khóc theo. Sau khi lãnh thêm nhiều roi vọt từ thầy giám thị đến ông bố, chúng tôi làm lành và nắm tay nhau, hứa không bao giờ để một đứa nào, trai hay gái, làm sứt mẻ tình bạn. Nhất là một đứa con gái mập, mặt rỗ và hôi hám. Chúng tôi không hiểu ma quỷ nào đã khiến chúng tôi ngu thế.
Sau lần đó, vết máu trên trán Kiên ám ảnh tôi. Tôi tránh xa những cuộc cãi vả gây gỗ vì không muốn thấy những đau đớn mình gây ra cho kẻ khác. Ngược lại, Kiên thích đánh nhau hơn, trở nên tên du côn số một của trường. Hắn có thêm vài thằng lâu la phụ giúp và luôn gắng kéo tôi về phe hắn để phá làng phá xóm. Nhưng tôi từ chối và theo con đường học hành nghiêm chỉnh. Hắn thi rớt Tú Tài vài năm liên tiếp, còn tôi thì được học bổng qua Mỹ. Ngày về nước, tôi đến thăm gia đình, họ cho biết Kiên cầm đầu một băng đảng cướp, bị bắt đi tù ở Chí Hòa và chết trong tù sau một cuộc tranh chấp quyền lực gì đó của các tay xã hội đen.
Kiên có bản chất tốt. Hào hiệp, phóng khoáng, thích giúp đỡ người khác và trung thành với bạn bè. Nhưng khi diễn vai trò anh chị của giới giang hồ, Kiên tàn nhẫn vả lạnh lùng cho đúng vai diễn. Rất nhiều nhân vật khác ngoài đời, từ các chính trị gia đến các bố già, thường biểu hiện hội chứng quyền lực này và đều biến thái trầm trọng khi vai diễn đã nhập tâm xác.
Bóng tối của văn minhQua các nghiên cứu xả hội và nhận xét cá nhân, tôi thường chia con người trong xã hội thành 2 thành phần chính: sói và cừu. Sói sinh ra để săn, để cưỡng đoạt, để tạo dựng uy quyền, để làm “lãnh tụ” bằng bât cứ giá nào và đường nào. Cừu sinh ra để làm nạn nhân của sói, để được an phận và để phục vụ sói theo bản năng sinh tồn. Sói hay cừu đều có thể rất thông minh hay ngu dại, rất liều lĩnh hay sợ sệt, rất cuồng tín hay nghi ngại…nhưng khi hành động thì luôn chạy theo cá tính cơ bản của mình. Sói là sói và cừu là cừu. Cừu có thể hoang tưởng cho mình là sói; nhưng sói thì không bao giờ nhầm lẫn.
Biết rõ bản chất thiên nhiên của sói và cừu là hiểu được cái tương quan trong quan hệ quyền lực của thực tại, dù trên bình diện chánh trị, kinh tế, xã hội hay gia đình. Những cuốn sách gối đầu giường của các lãnh tụ (đang làm hay đang mong ước) về quyền lực phải là “Binh Thư Tôn Tử”, “The Prince” của Machiavelli và “ The 48 Laws of Power” của Greene. Những con sói muốn đi xa và sâu hơn trong sự nghiệp “lãnh đạo” cần đọc thêm tất cà những phù phép trong lịch sử của các quyền lực “cứng” như Hitler, Stalin, Pol Pot, Mao Trạch Đông, Napoleon…và những quyền lực “mềm” như Christ, Lincoln, Churchill, Warren Buffett, hay Ghandi.
Cá nhân tôi, sau bao học hỏi về lý thuyết, cũng như qua những trận đấu sinh tử trong đời làm ăn, rút ra được vài quy luật căn bản về quyền lực, không đầy đủ nhưng rất thiết yếu để các bạn trẻ “bớt ngây thơ” về thế giới của đàn cừu và bầy sói.
  1. 1.      Không bao giờ có chuyện nhượng quyền tự nguyện
Văn hóa từ chức hiện diện trong nhiều xã hội văn minh và nặng lòng tự trọng. Nhưng một con sói đúng nghĩa chỉ bước xuống khi không còn lựa chọn cho tương lai mình. Từ chức là hành động duy nhứt để cứu vãn chút hư danh còn sót lại. Trong những xã hội hoang dã hơn, hy vọng lãnh tụ sẽ tỉnh ngộ để nhường ngôi cho người tài giỏi hơn là một hiện tượng tự sướng dành riêng cho các trí thức tháp ngà ngây thơ và thích lý tưởng hóa thực tại. Những vị học giả này là những con cừu thông minh nhưng hèn kém và sợ sệt mọi đấu tranh có thể làm bẩn áo quần.
Tôi còn nhớ câu chuyện của một anh bạn bị vợ sói nắm đầu tuyệt đối trong mọi sinh hoạt 24/7, trong và ngoài nhà. Sau một chầu rượu và lời khuyên nhủ của bạn bè, anh chông cừu về nhà đóng cửa phòng, chỉ mặt vợ,” Gia đình này phải thay đổi. Tôi không thích một chút gì đang xẩy ra tại đây”. Bà vợ sói nghiêm giọng,” Tôi đồng ý hoàn toàn. Bắt đầu ngay bây giờ sẽ có những thay đổi lớn lao. Và tôi chắc là anh càng không thích những thay đổi này”.
  1. 2.      Không bao giờ có chuyện sói thương cừu và hy sinh cho cừu
Có những sói lãnh tụ diễn vai rất xuất sắc và mạng lưới PR của đàn em rất tinh xảo để đem một thông điệp và một hình ảnh tuyệt vời về lòng yêu nước thương dân, những hy sinh vì đại nghĩa trong quá khứ (phần lớn là BS đã được xịt nước hoa Gucci), và một viễn ảnh mê hoặc của một thiên đường đầy buffets, chân dài và siêu xe. Đây là những con sói cực kỳ nguy hiểm vì không những bầy đàn phe nhóm của chúng rất lớn rộng, mà chúng sẽ thu hút rất nhiều “cừu thơ ngây” mang nhiệt huyết và ngây dại của tuổi trẻ phục vụ những ý đồ ngông cuồng để phá hoại toàn diện xã hội.
Các loại sói thường phản bội và bán đứng các đàn anh, đàn em của chúng để đạt điều mong muốn. Chúng đối xử tệ hại với sói đỡ đầu và cả với tay chân bộ hạ nên sự yêu thương dành cho đám cừu hay đám sói đối thủ là chuyện không bao giờ xẩy ra. Đừng hoang tưởng về bản chất thực sự của các sói lãnh đạo.
  1. 3.      Các sói lãnh đạo không bao giờ “ngu”
Sói lãnh đạo có thể thiếu học vấn, không biết chuyên môn hay vụng về trong giao tiếp vì quen sống ở nhà quê hay rừng rú. Nhưng đừng đánh giá thấp trí thông minh sáng tạo của họ, nhất là khi phải đối đầu đánh đấm dối thủ và kẻ thù. Mao xem “trí thức không bằng cục phân” vì ông biết rằng thủ đoạn hay sự tàn bạo của ông sẽ dư sức bẻ gẫy mọi chống đối nửa vời của đa số người dân, có học hay không học.
Bao nhiêu sói và cừu đã bị tiêu diệt vì coi thường kỹ năng gian dối, tàn nhẫn và trí khôn của các sói lãnh đạo. Họ không hiểu là cái học sách vở không thể so sánh với kinh nghiệm chiến trường khốc liệt mà các sói lãnh đạo đã hấp thụ sau bao ân oán giang hồ.
  1. 4.      Săn theo bầy nhưng sẵn sàng giết nhau để chiếm quyền
Đặc tính dễ nhận ra nhất là sói sống theo đàn, săn theo bầy, luôn vâng lệnh lãnh tụ và khi tấn công kẻ thù thì rất lớp lang chiến thuật, không kém một đạo binh thời drones này. Tuy nhiên, chỉ cần một điểm yếu lộ diện, là con sói đầu đàn sẽ bị đảo chánh và ăn thịt ngay. Chắc chắn là stress của các lãnh tụ này cao ngất trời xanh.
Cuợc chiến nội bộ âm thầm diễn ra liên tục. Do đó, dù sói không muốn giao quyền lại cho ai, và tìm đủ mọi cách để triệt hạ các dối thủ tiềm năng, định luật thiên nhiên luôn đào thải kẻ yếu và cho phép kẻ mạnh nhất, tàn nhẫn nhất  ‘lãnh đạo”.
  1. 5.      Quyền lực mềm bền vững hơn trong thời “kiến thức”
Qua lịch sử nhân loại, sói lãnh tụ mang đầy đủ sắc mầu và chiến thuật: mềm, cứng và những pha lẫn giữa hai thái cực. Các lãnh tụ tôn giáo và xã hội thường không có quân đội nên phải tùy thuộc vào kỹ năng biện thuyết và tạo động lực cho đàn em cũng như tín đồ. Bù lại, ảnh hưởng của họ thường vượt thời gian và không gian. Trong khi đó, các lãnh tụ “cứng” đo sự thành công của họ bằng những chiến tích và xác người. Nhất tướng công thành vạn cốt xương. Với ước tính hơn 60 triệu người bỏ mạng dưới tay ông, Mao Trạch Đông có lẽ là con sói “vĩ đại” nhất.
Tuy nhiên, nhờ công nghệ thông tin và đám mây Internet, dân chúng khôn ra và dấu hiệu về ngày tàn của các quyền lực cứng bắt đầu với Đông Âu, mùa xuân Á Rập và những bất ổn xã hội tải Trung Quốc. Đièu quan trọng là cũng đừng nên đánh giá thấp sự phản ứng theo bản năng sinh tồn cùa các sói lãnh đạo “cứng”.
Một bài học về kỹ năng quản trị có thể soi sáng tâm trạng người dân? Hội Đồng Quản Trị của một công ty bỏ phiếu về một phi vụ sáp nhập. Phải có sự đồng thuận tuyệt đối nên khi một quản trị viên từ chối không bầu chấp thuận, mọi người còn lại thay phiên thuyết phục anh chàng cứng đầu này. Sau 2 ngày, họ báo cáo với ngài Chủ Tịch là hoàn toàn thất bại. Đến lượt ngài Chủ Tịch. Vốn xuất than là một công an làng, xã, huyện đến tỉnh, ngài không mất nhiều thì giờ. Ngài thượng cẳng tay hạ cánh chân và 10 phút sau, ông quản trị viên bò càng ra đất. Ông nói bây giờ ông sẵn sang bỏ phiếu thuận. Sau đó, Ban Quản Trị hỏi lý do gì làm ông thay đổi ý định nhanh như vậy khi gặp riêng ngài Chủ Tịch, ông trả lời,” Không ai giải thích cho tôi nghe vấn đề một cách tường tận rõ ràng như vậy”.
Sói hay cừu?
Quay lại với ông già Alan. Nhiều người hỏi thế ông là sói hay cừu? Tôi cũng muốn hoang tưởng cho mình là một con sói thông minh kiểu The Lone Wolf của văn chương Âu Mỹ. Nhưng tôi biết cá tính mình không bao giờ có thể làm sói, dù lãnh tụ hay theo đàn. Mà mình cũng không phải là cừu để làm nạn nhân của ai. Ở tuổi này, tôi  chỉ có thể làm một con khỉ già, sống trên những tang cây cao, tránh xa nanh vuốt của loài sói.
Và những đêm sáng trăng, đứng trên xa, nhìn tiếng hú gọi đàn của bầy sói và tiếng la hét kinh hoàng của đàn cừu, tôi mới hiểu tại sao Joseph Conrad nói về The Heart of Darkness. Không làm gì hơn ngoài một tấm lòng bất nhẫn… nhưng phải lặng im chấp nhận quy luật và chu kỳ của thiên nhiên.
Alan Phan
http://www.facebook.com/gocnhinalan

Đàn cừu và bầy sói


“...khi những đồng bào vô danh của mình tham dự vào những hành động nhục nhã, thì cả dân tộc cũng chia sẻ nỗi nhục đó. Cái nhục càng được chia cho nhiều người thì lại càng lớn hơn. Tại sao dân tộc Việt Nam mình lại lâm vào cảnh nhục nhã như vậy? Chắc hẳn đồng bào ta cũng biết lý do vì đâu rồi...”
Mối nhục của một quốc gia (Ngô Nhân Dụng)
Một cuốn tiểu thuyết đang bán rất chạy ở Trung Quốc, đã được dịch sang tiếng Anh, kể chuyện loài sói và loài người sống chung trên cánh đồng cỏ ở Nội Mông. Cuốn Wolf Totem của Jiang Rong là một bản anh hùng ca về những cánh đồng cỏ mênh mông. Trong không gian bát ngát đó sói và người vừa đấu trí và đấu sức giành sự sống, vừa cộng tác để gìn giữ cho những thảo nguyên khỏi biến thành sa mạc, suốt mấy ngàn năm từ thời trăm ngàn năm trước cho tới bây giờ. Ðọc đến trang 319 trong bản dịch do Penguin Press xuất bản, thấy một đoạn tả cảnh một con sói xông vào đàn cừu, bắt một con ăn thịt ngay tại chỗ.

Chuyện Wolf Totem, tức Lang Tú Ðằng (Tú Ðằng đọc là Tu Ðen, phiên âm chữ Totem) là câu chuyện một sinh viên đại học Bắc Kinh bị đày lên Mông Cổ đi chăn cừu để “học tập lao động” trong thời “Cách mạng Văn hóa,” giống như cuộc đời tác giả Jiang Rong (Khương Nhung) đã trải qua. Một bữa anh sinh viên này được bạn rủ đi lên trên đồi quan sát những hang ổ chuột chũi và học kế bắt chúng, bỗng anh phải quay lại khi thấy một con sói tấn công đàn cừu.

Anh chứng kiến cảnh con chó sói cắn cổ vật ngã một con cừu, rồi nó xé da xả thịt ăn. Ðó là một con sói đói quá phải mạo hiểm một mình đi bắt cừu giữa ban ngày, thay vì chờ cả bầy tấn công ban đêm theo trận thế. Anh sinh viên vẫn cho rằng đạo quân của Thành Cát Tư Hãn đã học phép bài binh bố trận của loài sói cho nên mới chinh phục được bao nhiêu mảnh đất từ Âu Châu sang Á Châu. Anh đứng quan sát con sói ăn mồi, theo kế của người bạn Mông Cổ kiên nhẫn chờ con sói ăn no nặng bụng rồi mới động thủ thì sẽ hạ được nó dễ dàng.

Ðàn cừu bị sói tấn công lúc đầu hoảng sợ chạy tán loạn. Nhưng khi thấy con sói bắt đầu ngồi xuống bàn tiệc ăn thịt một đồng loại rồi thì cả đàn cừu yên tâm, vì một con sói thường ăn không hết một con cừu đã no, và khi no rồi thì con sói không màng đến những món ăn trước mắt. Lũ cừu dần dần lại bình thản đứng gặm cỏ như cũ. Nhiều con cừu còn tò mò tiến đến gần ngó xem con sói nó ăn thịt “đồng bào” mình như thế nào, giống như người ta đi xem thiên hạ đánh nhau. Tác giả mô tả bộ mặt của mấy chú cừu kia có vẻ như muốn nói với con cừu đang bị ăn thịt: “May quá! Con sói nó ăn thịt mày! Thành ra nó không ăn thịt tao!”. Nhiều con cừu bạo dạn tiến tới sát bên cạnh, cả đám chen chúc nhau để được nhìn rõ xem con sói đang ăn tiệc một mình như thế nào.

Nhân vật của Jiang Rong là một sinh viên ham đọc sách. Nhìn cảnh đó, anh nhớ lại một đoạn văn của Lỗ Tấn. Nhà văn tả cảnh thời trước Ðại Chiến Thứ Hai khi quân Nhật chiếm Trung Quốc, một đám đông người Trung Hoa cũng đứng quan chiêm cảnh một quân nhân Nhật Bản chuẩn bị chém đầu một người Trung Hoa. Anh sinh viên tự nhủ: “Chẳng trách được, những người du mục Mông Cổ họ coi người Hán cũng giống như đàn cừu”.

Các nước Á Ðông đã từng bị quân Nhật chiếm đóng ôm một nỗi hận rất lớn đối với đám quân đội của Thiên Hoàng. Người Việt Nam không chia sẻ cảm tưởng đó vì nước ta chỉ bị quân đội Nhật chính thức chiếm đóng trong một thời gian ngắn, từ cuộc đảo chính vào Tháng Ba tới ngày nước Nhật đầu hàng vào Tháng Tám. Ngược lại, người Việt thường có cảm tình với người Nhật, vì các nhà ái quốc trong phong trào Ðông Du đã sang Nhật tìm học; một phần khác vì quân Nhật đã lật đổ chế độ đô hộ của thực dân Pháp ở nước ta.

Các nước khác ở Á Ðông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan thì không may đã phải sống dưới ách cai trị rất tàn bạo của đoàn quân Nhật Bản, cho nên trong ký ức của họ còn chứa nhiều niềm phẫn uất. Lỗ Tấn từng đánh thức đồng bào của ông bằng cách nhắc nhở đến những mối nhục của người Trung Hoa trong thời đại ông sống. Ông bắt đầu bằng việc mô tả những hình ảnh lạc hậu, chậm tiến, những hủ tục trong xã hội Trung Hoa; với những cảnh người mạnh ức hiếp người yếu, người giàu sống phè phỡn bên cạnh người nghèo đang đói lả chờ chết. Ðồng bào ông sống trong cảnh đó nhưng nhiều người không hề ý thức được rằng sống như vậy đã là một nỗi nhục.

Tuy nhiên chàng sinh viên trong truyện Wolf Totem, và tác giả Khương Nhung, có dịp nhớ lại Lỗ Tấn thì chỉ nhớ tới cảnh nhục nhã khi những người Trung Hoa dửng dưng đứng coi một người Nhật chém cổ đồng bào của họ mà không làm gì để phản kháng. Chắc hình ảnh đó đã làm cho các nhà văn, từ Lỗ Tấn đến Khương Nhung, ghi khắc một nỗi xấu hổ rất lớn trong lòng, có dịp thì phải nhớ lại. Có lẽ loài người không chú ý đến những nỗi nhục nhã chính mình gây cho mình. Trái lại, ai cũng dễ ghi nhớ nỗi nhục khi phải so sánh mình với người khác; so sánh gia đình mình với gia đình khác, dân tộc mình với dân tộc khác. Một người đàn ông đối xử tàn tệ với vợ con mình thường không cảm thấy nhục khi người khác chứng kiến. Nhưng thấy con mình bị người hàng xóm mắng một câu thì, không biết phải trái ra sao, đã rất dễ nổi lòng căm phẫn!

Ngày xưa Phan Bội Châu sang đến Nhật Bản, ngay trong những ngày đầu, đã ba lần cụ cảm thấy xấu hổ khi thấy lối sống của những người dân bình thường ở Nhật Bản và chợt nhớ đến đồng bào mình ở nước “An Nam” và cảm thấy nhục nhã. Ðó là những cảnh mấy người cảnh sát Nhật ở nhà ga xe lửa tận tâm đi tìm hành lý của cụ bị thất lạc, rồi đem tới tận nơi, cúi đầu và nghiêng mình xin lỗi xin trả lại cụ. Ở nước Nam ta, cụ không thấy người Việt ăn ở với nhau như vậy. Một cảnh khác là cụ Phan và cụ Tăng Bạt Hổ kêu một anh kéo xe chở mình đi tìm một người du học sinh Trung Hoa được các nhà cách mạng Trung Hoa khác giới thiệu. Anh phu xe đưa hai cụ đến địa chỉ không tìm thấy, anh hỏi thăm rồi lại đưa đi nữa, quanh quẩn suốt cả buổi mới tìm ra. Nhưng anh chỉ lấy đúng số tiền của chuyến xe đi từ nhà ga tới địa chỉ đó, cụ Phan muốn trả thêm tiền công đi tìm nhưng anh nhất định không nhận. Lại một lần nữa, cụ Phan nhớ tới đồng bào mình và cảm thấy hổ thẹn.

Nỗi hổ thẹn của Phan Bội Châu xuất phát từ nền giáo dục Nho Giáo. Khi cụ trông thấy những người Nhật Bản có nghĩa khí, sống trung trực, giữ danh dự, đúng như hình ảnh mẫu người “quân tử” mà chính cụ đã học từ cha mẹ, thầy giáo của mình; cụ cảm thấy hổ thẹn vì Việt Nam và Nhật Bản cùng chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo mà sao nước người ta có những người bình dân ăn ở quân tử như vậy, còn nước mình thì rất ít? Mạnh Tử nói biết hổ thẹn là mầm mống của đức Dũng, Phan Bội Châu chứng tỏ điều đó.

Ông Nông Ðức Mạnh mới qua thăm Nhật Bản, nhưng chắc ông không được trải qua những kinh nghiệm như Phan Bội Châu. Tuy nhiên, thế nào cũng có lúc ông phải cảm thấy đỏ mặt, nếu như làn da mặt của ông cũng bén nhạy như phần lớn loài người. Ðó là khi các quan chức Nhật Bản nhắc nhở các quan chức Việt Nam nên tích cực hơn trong việc chống tham nhũng. Trong việc bang giao, người ta không thể nói rõ hơn.

Tại sao chính phủ Nhật Bản phải lên tiếng nhắc nhở như vậy? Không phải vì người ta cố ý nhắc nhở tới vụ các cán bộ cao cấp của đảng cộng sản đã bắt các nhà thầu Nhật phải hối lộ hàng triệu Mỹ kim, hay những cán bộ ăn cắp tiền Nhật viện trợ làm cầu làm đường để đi đánh cá bóng đá, để làm nhục các vị khách người Việt đang sang thăm nước Nhật. Nhưng chính phủ Nhật Bản phải cảm thấy họ có bổn phận nêu lên vấn đề đó chỉ vì họ chịu áp lực của dư luận dân chúng. Cả nước Nhật biết tiền đóng thuế của họ đem cho Việt Nam đã bị các cán bộ cộng sản ăn cắp như thế nào. Nếu chính phủ Nhật không nói gì đến, thế nào họ cũng bị báo chí và phe đối lập chỉ trích.

Nhưng nếu làn da mặt của ông Nông Ðức Mạnh cũng bén nhạy như những người Việt Nam khác, chắc hẳn không cần chờ đến lúc được nhắc nhở về việc bài trừ tham nhũng thì mới thấy chút hổ thẹn trong lòng. Chỉ cần khi được đưa đi du ngoạn qua những vườn hoa anh đào ở Tokyo thì một người Việt Nam bình thường, tự đáy lòng cũng phải cảm thấy hổ thẹn rồi. Vì ai cũng nhớ lại cảnh hoa anh đào Nhật Bản đem sang Hà Nội đã bị người ta tranh nhau bẻ, hái công khai như thế nào trong ngày Hội Anh Ðào năm ngoái. Chính phủ Hà Nội có thể cảm thấy hãnh diện vì đã giữ được trật tự trong lễ hội năm nay. Nhưng ở một nước mà phải huy động được tới 500 cảnh sát công an tới bảo vệ 6 cây hoa anh đào, thì người dân nghe tới cũng phải cảm thấy không đáng hãnh diện chút nào cả.

Nếu như Phan Bội Châu sống vào thời nay thì chỉ cần nhìn thấy dân Nhật Bản đi coi hoa anh đào mà không có một viên cảnh sát nào phải đứng canh gác hoa, cụ Phan cũng phải thấy xấu hổ rồi. Như rất nhiều người Việt Nam đang sống ở Nhật Bản đang chia sẻ nỗi hổ thẹn đó.

Một nỗi nhục do hành động của một cá nhân gây ra thì chỉ một cá nhân đó ăn năn và xấu hổ. Nhưng khi những đồng bào vô danh của mình tham dự vào những hành động nhục nhã, thì cả dân tộc cũng chia sẻ nỗi nhục đó. Cái nhục càng được chia cho nhiều người thì lại càng lớn hơn.

Tại sao dân tộc Việt Nam mình lại lâm vào cảnh nhục nhã như vậy? Chắc hẳn đồng bào ta cũng biết lý do vì đâu rồi.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: báo Người Việt, ngày 23/04/2009

Tổng số lượt xem trang