Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Phóng sự đặc biệt: Cận cảnh Bô xít Nhân Cơ và Nhân Cơ chỉ là thí điểm

Hy vọng với những gì toàn dân VN, từ nhà văn, nhà báo, từ tướng Giáp tới giới khoa học.... không biết bao bài báo... các dự án bauxite sẽ được ngưng lại. Mai sẽ có một hội thảo khoa học về bauxite và VTV đã tuyên bố khai thác bauxite tại Nhân Cơ chỉ là thí điểm, nhưng hàng vạn "công nhân TQ" đã vào VN...

Chuyến xe đò cuối cùng đưa chúng tôi đến Đắc Nông lúc trời chạng vạng tối, khung cảnh của nóc nhà Đông Dương đây sao? Có một vẻ gì đó trầm mặc, u uất làm những cư dân trẻ của Sài Gòn chúng tôi bỡ ngỡ. Bên đường là những cánh rừng trơ trụi, những ngọn đồi trọc chơ vơ thoắt ẩn hiện trong bầu trời nhá nhem.

Bây giờ đang là những ngày đầu tháng tư, Đắc Nông phơi bày một vẻ ngổn ngang giống như một đại công trường đang thi công cẩu thả. Dọc theo quốc lộ 14, đâu đâu cũng thấy sự bừa bộn bởi nạn đào bới và san lấp. Hai bên đường, những lớp đất đá khô cằn vừa bị cày bật lên. Người ta đang làm một con đường rất lớn để phục vụ cho những đoàn xe tải rầm rộ chạy hối hả ngày đêm . Thiên nhiên đang bị những bàn tay thô bạo của con người tàn phá...
Xuống xe ở thị xã Nhân Cơ, trời tối mịt. Chúng tôi ghé tìm nhà dân xin ngủ lại qua đêm. Những ngày này, nghe nói tình hình Đắc Nông khá căng thẳng, đặc biệt tại xã Nhân Cơ - nơi dự án Bô-xít đang được triển khai. Vì là những người lạ, nên đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt dõi theo, những cái nhìn không hiểu vì tò mò hay dò xét. Trước khi đến đây, tôi cũng đã nghe nhiều lời cảnh báo từ bạn bè về một vùng đất - nơi người dân luôn được tuyên truyền phải "đề cao cảnh giác", "tố giác tội phạm", và "chống kẻ địch"...
Đội thăm dò Bauxite nằm ngay gần đó, nhưng không cho ai đặt chân vào. Cơn mưa bắt đầu nhỏ hạt, chúng tôi tìm được nhà một người dân tốt bụng cho tá túc qua đêm. Khi cơn mưa nhẹ trái mùa chấm dứt, hơi đất bốc lên, một mùi hương đằm thắm nồng nàn.

Cách quốc lộ 14 vài trăm mét chúng tôi thấy một công trường đèn điện sáng quắc với những ánh đèn xe tải qua lại nhộn nhịp. Hỏi ra mới biết, chúng tôi đang đứng rất gần nơi dự án Bô-xít đang được triển khai. Nghe kể lại rằng, có lúc công trường hoạt động gấp rút cả ngày lẫn đêm cho kịp tiến độ. Khi ấy, người dân quanh đây không đêm nào ngủ được bởi tiếng ồn của máy ủi đất, xe tải nặng... . Nhà cửa cứ rung rinh khi có từng đoàn xe tải chở đất đá đi qua. Đêm xuống, khí lạnh từ cao nguyên tràn về, chúng tôi thiếp đi vì mệt mỏi sau chuyến đi khá gian khổ vì xe đò nhồi nhét quá nhiều người.

Ánh nắng ban mai rọi vào làm căn nhà gỗ sáng rực, chúng tôi cũng lần lượt thức giấc. Buổi sáng Tây Nguyên thật tuyệt, bầu trời trong xanh, nắng dịu. Đứng ngay vị trí đêm qua, chúng tôi ngước nhìn về phía công trường cách chừng nửa cây số. Dưới ánh sáng ban ngày, hiện ra cả một vùng đất đỏ rộng lớn bị san bằng, trơ trụi và lạc lõng, bao quanh là ít mảng xanh còn xót lại. Từng chuyến xe tải qua lại thực hiện nốt những công đoạn cuối cùng của quá trình san lấp. Đứng từ xa, có thể thấy được sự quy mô của công trình. Chỉ còn vài ngày nữa, người ta sẽ khởi công xây dựng trên đó một nhà máy luyện Ocid Nhôm rất lớn, có thể hết năm nay sẽ đi vào hoạt động.

Tạm biệt người chủ nhà tốt bụng, chúng tôi đi bộ ra chợ Nhân Cơ (huyện Đăk Rlấp). Mặc dù là trung tâm thị xã, nhưng đời sống của người dân không có vẻ sung túc. Chi phí sinh hoạt cũng khá đắt đỏ so với thu nhập bình quân đầu người. Ở đây, họ sống chủ yếu bằng nghề trồng tiêu, trồng cafe... Không biết mai này, khi đất đai trồng trọt không còn, họ sẽ sống ra sao ?
Ghé chân tại một quán nước đông đúc ven đường, chúng tôi chia nhau bắt chuyện với những người dân địa phương. Vượt qua sự nghi ngại ban đầu, người dân nơi đây dễ dàng cởi mở cùng bạn. Họ nói chuyện một cách hồn nhiên, vui vẻ và sẵn sàng trả lời những thắc mắc của bạn. Ở đây, hiếm thấy ai dùng từ "Bô - xít", mà thay vào đó là từ "Alumin" hoặc "quặng nhôm", có lẽ trong quá trình tuyên truyền, chính quyền địa phương cảm thấy "kỵ húy" với từ Bô-xít chăng ?

Theo lơi tường thuật của người dân, công trường phía bên kia thuộc Công ty CP Alumin Nhân Cơ, được tiến hành xây dựng đã 3 năm nay. Chính quyền địa phương đã giải tỏa hàng trăm hộ dân để lấy đất phục vụ cho dự án xây dựng nhà máy rộng 500 ha này. Rồi đây, khi chính thức đi vào hoạt động, có lẽ cả vùng Nhân Cơ cũng như toàn tỉnh Đắc Nông này sẽ biến thành một đại công trường ngổn ngang và ô nhiễm.
Đứng từ con đường đang thi công nhìn vào, thấy một vùng đất bị san bằng hiện rõ
- "Sống không được thì bỏ đi chỗ khác thôi, mình là dân mà, ô nhiễm thì cho mấy ông nhà nước ở với nhau", một bác xe ôm cười buồn nói tiếp "Nói thiệt, tui bỏ quê lên đây rồi, giờ nó đuổi chẳng biết đi đâu".
- Một anh thanh niên khác lớn tiếng "ĐM, nó hứa xây nhà máy bự để cho mình có công ăn việc làm, rốt cuộc toàn cha con tụi nó làm với nhau", hóa ra anh này đã xin vào làm công nhân khai thác Bô-xít, nhưng không được nhận. Nghe kể, có thời gian nhà máy tuyển công nhân để đào tạo, bán ra trên 2.000 hồ sơ, mỗi hồ sơ chỉ vỏn vẹn vài tờ giấy mà đội giá lên đến 50.000 đồng/hồ sơ, cuối cùng chỉ nhận khoảng 400 công nhân là chỗ thân quen được gửi gắm vào. Được biết, khá đông con cái cán bộ địa phương cũng được cử sang Trung Quốc đào tạo tay nghề bằng ngân sách nhà nước.
"Thôi, cứ lo miếng cháo qua ngày đã, tới đâu hay tới đó". Những người khác đồng tình bằng cách lặng im. Có lẽ, nỗi lo cơm áo gạo tiền đã làm mất dần ý thức phản kháng của họ. Không biết nói gì thêm, chúng tôi cùng im lặng, ánh mắt mọi người hướng về phía bên kia con đường, lâu lâu có vài gã chuyên gia Trung Quốc nghênh ngang đi qua, đưa đôi mắt xấc xược nhìn vào...
Rời khỏi quán, chúng tôi rẽ về phía công trường ngay gần đó. Con đường dẫn vào nhà máy vẫn chưa làm xong,còn ngổn ngang bừa bộn. Đứng ở con đường này mới có được cái nhìn bao quát về vùng đất phía bên kia, nơi đang oằn mình vì đào xới. Trước mắt là cả một vùng đất rộng đến 200 ha bị san phẳng, màu đất đỏ rực lên trong cái nắng chói chang, nhìn vô duyên, lạc lõng với khung cảnh Tây Nguyên đồi núi chập chùng.
Vẫn còn nhìn thấy màu xanh của những vườn cafe, những trảng cỏ dại... nằm rải rác xung quanh, như đang thoi thóp vì cô quạnh. Vài nóc nhà thấp tè lọt thỏm trong mảng xanh hiếm hoi còn xót lại, nghe nói đó là những hộ dân chưa chịu di dời vì không chấp nhận giá đền bù quá rẻ mạt. Có lẽ họ cũng sớm di dời nay mai, vì mảnh đất đó sẽ bị người ta biến thành vùng hồ chứa bùn đỏ ô nhiễm. Theo quy hoạch, hồ chứa này rộng đến 300 ha, hàng năm người ta thải ra đây khối lượng lên đến 11 triệu tấn bùn đỏ và nước thải. Khi ấy, "quả bom bùn triệu tấn" cứ treo lơ lửng trên đầu cả vài chục triệu người miền Nam dưới đồng bằng, hạ lưu các con song bắt nguồn từ Tây Nguyên này. Còn với người dân quanh đây, có cố gắng bám trụ thì đất của họ cũng chỉ là vùng đất chết mà thôi.
Đâu đó vẫn có cảm giác yên bình của buổi trưa hè, tiếng ve lao xao, rạo rực....
Khổ thì chỉ có người dân là khổ, còn cán bộ địa phương thì giàu lên thấy rõ. Khi vừa nghe tin dự án Bauxit sẽ được triển khai, cán bộ ùn ùn kéo nhau đi mua đất. Nhà gỗ, nhà gạch mọc lên như nấm, có người làm một lúc cả chục căn nhà. Rồi cây cối cũng mọc lên theo, có nơi hàng chục ngàn cây được trồng với mật độ cách nhau chỉ 10-15cm/cây (???). Chỉ trong một đêm, đất nông nghiệp được biến thành đất thổ cư, có sổ đỏ đàng hoàng. Xây cất xong, cứ bỏ hoang đấy để chờ giải tỏa. Chẳng mấy chốc, ngân sách Nhà nước chi phí cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng bị đội lên hàng chục tỷ đồng, cũng bởi những ông quan giỏi trục lợi từ tiền thuế của dân này.
Vừa đi vừa quan sát, chúng tôi càng cảm nhận được sức nóng hầm hập của một vùng đất đang bị tàn phá. Lâu lâu có những chiếc xe biển số xanh của nhà nước chở chuyên gia Trung Quốc chạy ngang qua, họ vênh váo bấm còi, phóng xe bạt mạng, miệng la lối giành đường bằng thứ tiếng nửa Tàu, nửa Việt tục tĩu.... Thấy chúng tôi không giống người địa phương, họ đưa những cái nhìn đầy thách thức, có gã phun bãi nước bọt xuống đất, miệng cười khinh bỉ. Máu nóng dồn lên mặt, gan sôi như lửa đốt, anh bạn đi cùng không giữ được bình tĩnh, cui xuống vớ lấy một cục đá rất to. Trong tích tắc, những người khác nhanh chóng giữ chặt tay anh ta lại. "Đừng, không đáng đâu !" - Một người vội hét lên. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh này, người bạn vốn hiền lành như cục bột, bỗng chốc trở nên khác hẳn, đôi mắt giận giữ đỏ bừng như hai ngọn lửa, bàn tay run run vẫn còn nắm chặt hòn đá, những hạt đất đỏ vỡ ra, rơi xuống trong tiếng cười khả ố của bọn Tàu vừa bỏ đi.
Chúng tôi lại tiếp tục đi, một người đứng chụp hình, những người còn lại che chắn, cảnh giác. Vì là buổi trưa nắng, cho nên người qua lại không nhiều. Nhưng vẫn có cảm giác hồi hộp bởi những cái nhìn bất thường, hay những ánh mắt dò xét nấp trong vài quán nước tạm bợ xung quanh. Tình hình e có điều gì không ổn, chúng tôi liền vờ như quay trở lại, khi thoát khỏi tầm quan sát của những người "khả nghi", cả nhóm nhanh chóng rút vào một vườn cafe gần đó tìm cách đi tiếp. Nhận thấy đi đường chính khó có thể vào sâu thêm được, quan sát kỹ địa hình, chi còn cách là theo nương rẫy của người dân để tiếp cận gần hơn khu vực nhà máy. Đường mới hơi khó đi, vì nương rẫy bị bỏ hoang đã lâu, cỏ mọc ngang đầu, che phủ hết lối đi. Một đám thư sinh quen với việc ngồi ghế giảng đường ĐH, bỗng chốc phải "trèo đèo, lội suối" cũng nảy sinh lắm chuyện, những kỷ niệm thật buồn cười. Những giống cỏ dại chưa bao giờ gặp cứa vào khắp chân tay, hầu như ai cũng mang vài vết xước trên người, nhưng sợ nhất vẫn là rắn và bò cạp. Lâu lâu cô bé đi cùng hét lên oai oải vì ... bị một con sâu lạ bám vào vai.
Qua khỏi bãi nương rẫy, chúng tôi đến một khoảng đất trũng, giống như một đầm lầy. Không biết nước từ đâu chảy về đỏ ngầu, bẩn thỉu làm chúng tôi thấy rợn rợn. Có lẽ nguyên nhân chính là do quá trình xây dựng nhà máy đã làm cho nguồn nước biến đổi. Lội qua dòng nước, cảm giác ngứa ngáy lan khắp chân tay, lớp đất mềm ở đây lún xuống khá sâu, rất khó nhấc chân lên, đúng như có người đã nói, đất Tây Nguyên rất "yêu" người.
Vượt qua bãi đất trũng, chúng tôi phải trèo lên 1 ngọn đồi thấp, nơi đang được tiến hành san phẳng. Đất đỏ đang bị bào mòn trơ lên sỏi đá, lác đác vài đống cỏ dại vươn mình. Những lớp đất đỏ bị nước lũ xói mòn tạo thành những rãnh sâu đến cả chục mét trên triền đồi. Trèo mãi mới lên đến đỉnh, thật ngỡ ngàng khi trước mắt chúng tôi là cả một vùng đất bị san bằng, rộng, dài cứ tưởng chừng như bất tận, sự đại quy mô của công trình. Màu đất đỏ rực, phẳng lỳ tương phản hoàn toàn với khung cảnh Tây Nguyên vốn nhấp nhô, khúc khuỷu.
Trên vùng đất vừa được san bằng này, những đoàn xe nối đuôi nhau thực hiện nốt những công đoạn cuối, chờ ngày chính thức khởi công xây dựng nhà máy luyện Ocid Nhôm. Ở đây chỉ mới làm xong trụ sở công ty Nhân Cơ, những khu nhà ở cho chuyên gia Trung Quốc và các lán trại cho công nhân Việt Nam.
Nếu đúng như kế hoạch, thì cuối năm nay hoặc đầu năm sau nhà máy sẽ đi vào hoạt động,cho sản lượng 1,2 triệu tấn/ năm, và khi sản phẩm đầu tiên được cho ra đời, đó cũng là ngày đặt dấu chấm hết cho mảnh đất Nhân Cơ màu mỡ này. Kế đến, sẽ là cả Đắc Nông - nơi có lượng Bô-xit cao nhất bị đào bới tan hoang, kéo theo cả một Tây Nguyên chết chóc, và cả miền Nam phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm khôn lường...
Chúng tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến điều đó, chúng tôi sợ nghĩ đến tương lai của các thế hệ sau, khi buộc phải gánh chịu những di họa từ thế hệ trước. Dưới chân chúng tôi là nơi dự tính làm hồ chứa bùn đỏ, thử tưởng tượng với nạn khai thác ồ ạt như hiện nay, liệu sau 10-15 năm nữa nó có còn đủ sức chịu đựng, bao bọc cho Tây Nguyên hay không ? Nếu xảy ra vỡ đập thì hậu quả không thể lường trước được. Thảm họa ấy còn kinh khủng hơn khi Đắc Nông với địa hình dốc, là thượng nguồn cùa 2 dòng sông chính Mê Kông và Đồng Nai... Cứ thế, "Quả bom bùn 20 triệu tấn" cứ treo lơ lửng trên đầu đất nước Việt Nam, chờ ngày phát nổ.
Những rãnh đất bị xói mòn gần nhà máy, sâu đến chục met, trượt chân xuống có thể gãy chân
Đứng như chết lặng một hồi lâu, chúng tôi quay trở lại con đường cũ. Nỗi ám ảnh về một Tây Nguyên khô hạn, chết chóc cứ bám theo suốt quãng đường còn lại, cho tới khi về đến nhà.
Chiều Tây Nguyên đìu hiu, vắng lặng. Bầu trời u uất nỗi buồn, xung quanh bốn bề núi non trùng điệp, xa xa những ngôi nhà leo lét ánh đèn ! Bữa cơm tối thân mật với người chủ nhà tốt bụng, lâu lâu có tiếng cười nói bật ra gượng gạo.
Đêm thứ hai ngủ lại Đắc Nông, ai cũng trằn trọc, bâng khuâng. Bất chợt anh bạn cười òa một cách thích thú, gửi cho mọi người xem tin nhắn SMS từ Sài Gòn, đại ý là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng ngay lập tức dự án Bô-Xit Tây Nguyên. Tiếng cười đùa, bình luận lại vang lên, xua đi nỗi lòng nặng trĩu, hóa ra tin Cá Tháng Tư. Cũng lạ thật, đa số người ta dùng ngày Cá Tháng Tư để vui đùa tếu táo, còn những người như chúng ta lại chọn ngày Cá Tháng Tư để nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.
Chúng tôi chìm dần vào trong giấc ngủ, trong đầu vẫn ám ảnh một màu đỏ của đất Tây Nguyên...
Đắc Nông, tháng 04/2009
Nhóm PV CLB Nhà Báo Tự Do tường trình từ Tây Nguyên
Nguồn: CLB Nhà Báo Tự Do, ngày 06/04/2009
© Thông Luận 2009
--------------
VTV cũng chỉ đưa các quan chức rất hồ hởi với dự án bauxite, và cho rằng bauxite ở ngay trên bề mặt... và đất đai nơi đây trồng trọt cho năng suất thấp, khu khai thác không có dân ở nên không ảnh hưởng. Ui. Nhưng còn ô nhiễm đã biết thế nào, và nhất là công nhân Tàu thì không một lời nói tới... và dân vùng Đắc Nông không thấy đâu cả...
-------------
Dự án bauxit Tây Nguyên : Làn sóng phản đối ngày càng mạnh
Kể từ khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo quyết định của chính phủ nhất quyết tiến hành dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học về tác hại đối với môi trường và văn hóa ở vùng này, làn sóng phản đối dự án này ngày càng mạnh, nhất là vì nhiều người sợ rằng Trung Quốc trong tương lai sẽ kiểm soát vùng Tây Nguyên, đe doạ đến an ninh quốc phòng của Việt Nam.
Trong một bài báo đăng trên mạng ngày 28/3, tờ Tuổi Trẻ khi tường thuật về buổi tọa đàm về các biện pháp kích cầu trong xây dựng đã trích lời ông Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - khẳng định các nhà thầu Việt Nam đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài và nhất là các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hóa chất... Ông Hùng nói : "Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được". Qua bài báo này, tờ Tuổi Trẻ tiết lộ là hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam.
Trong số này có bao nhiêu công nhân Trung Quốc là việc cho dự án khai thác bauxit, hiện chưa có con số chính xác, nhưng có lẽ là rất đông, theo như quan sát của người dân địa phương tại Tây Nguyên. Một điều chắc chắn là các dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên đang được tiến hành rất khẩn trương.
Bằng chứng là gần đây hãng tin Dow Jones có loan tin là Tập đoàn Marubeni của Nhật vừa cho biết rằng họ và công ty China Aluminum International Engineering Co. (Trung Quốc), đã nhận được đơn đặt hàng để bán một nhà máy luyện nhôm sẽ được sử dụng ở Đắk Nông. Theo dự kiến, việc xây dựng nhà máy sẽ hoàn tất vào năm 2011 và khi vận hành sẽ đạt công suất 600,000 tấn alumima/năm.
Cũng hãng thông tấn Dow Jones cho biết, đây là đơn đặt hàng cho nhà máy luyện nhôm thứ nhì tại Việt Nam. Trước đây, đã có một hợp đồng được TKV (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) ký với Marubeni, trị giá 50 tỉ Yen (khoảng 52 triệu USD), để mua một nhà máy luyện nhôm đặt tại phía bắc Sài Gòn.
Trong một bản tin đăng ngày 6/3, tờ Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, công ty Alumin Nhân Cơ, thuộc TKV đã hoàn tất việc san ủi 200 héc ta đất để chuẩn bị xây dựng một nhà máy luyện oxid nhôm tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông. Theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị, "các hạng mục phụ trợ khác như văn phòng, đường dẫn vào nhà máy..., đã hoàn thành". Cũng theo Sài Gòn Tiếp Thị, "nhà máy luyện oxid nhôm vừa kể có công suất 600,000 tấn/năm và đại diện TKV, đại diện công ty Alumin Nhân Cơ đã lên đường sang Trung Quốc để ký hợp đồng xây dựng nhà máy với công ty cổ phần nhôm Trung Quốc (Challico). Nhà máy này theo dự kiến sẽ được khởi công xây dựng đầu quý 2 năm nay".
Với dự án bauxit, diện tích rừng của Tây Nguyên sẽ bị thu hẹp.
Trước tình hình đó, ngày càng có nhiều nhà trí thức lên tiếng phản đối dự án bauxit Tây Nguyên vì tác hại kinh khủng của nó đến môi trường. Gần đây nhất, nhà báo Lê Phú Khải từ Sài Gòn, với tư cách một đảng viên, đã viết thư đề ngày 18/3 gởi cho tổng bí thư Nông Đức Mạnh, trong đó có đoạn viết rằng :
‘’Vấn đề bauxite còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo.
Mười năm nữa sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra toàn quái thai. Vì sự tàn khốc đó mà Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ trên toàn quốc vào năm 2008.
Chính vì lẽ đó, với tư cách một công dân, một nhà báo lâu năm, tôi kiến nghị lên Ông Tổng Bí thư, người có trách nhiệm cao nhất của Đảng cầm quyền: Hãy đưa vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên ra bàn ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước để dừng lại dự án này khi chưa quá muộn
.’’

Nhưng chính là sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc ở Tây Nguyên đang gây lo ngại ngày càng nhiều về mặt an ninh quốc phòng. Trong một bức thư đề ngày 2/3 năm 2009 gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng ghi nhận là :
''Qua những vụ việc đất đai ở biên cương phía bắc, có thể dễ dàng nhận ra bài bản cướp đất của phương Bắc là: Lặng lẽ chiếm đất ở từng điểm nhỏ lẻ, rải rác, coi như đó chỉ là những vụ việc cục bộ, địa phương, nhà nước trung ương không hay biết! Nhà nước trung ương cứ cao giọng nói hữu hảo, cứ ban phát lời vàng hữu nghị nhưng cục bộ cứ lấn đất, chiếm đất, lặng lẽ mà chiếm, không gây ồn ào thành sự kiện quốc gia là được! Cả hệ thống truyền thông khổng lồ của ta cũng làm ngơ đồng lõa! ''

Từ đó, nhà văn Phạm Đình Trọng càng đặt nghi vấn về quyết định của chính phủ cho phép Trung Quốc khai thác bauxít ở Tây Nguyên :
''Lạ quá, qui hoạch khai thác bô xít ở Tây Nguyên mới được Chính phủ phê duyệt, luận chứng kinh tế kĩ thuật đang soạn thảo, các nhà khoa học còn đang tranh luận nên hay không nên khai thác bô xít ở Tây Nguyên, thế mà công dân Trung Hoa, người cầm bản đồ, người mang cưa máy, người cuốc, người xẻng đã xục xạo ở Tây Nguyên!
Dư luận người dân Việt Nam đang lo ngại, đang xôn xao bàn tán về tính hiệu quả, về thảm hoạ môi trường khi khai thác bô xít Tây Nguyên và càng lo ngại hơn khi hàng ngàn trai tráng Trung Hoa sẽ có mặt đông đảo, trùng trùng đội ngũ ở Tây Nguyên, trung tâm bán đảo Đông Dương, khi đó ông Thủ tướng mới tuyên bố rằng khai thác bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước! Chủ trương lớn của đảng và nhà nước mà Quốc hội của dân chưa được bàn định thì người Trung Hoa đã xắn tay áo thực hiện chủ trương lớn của đảng và nhà nước ta rồi! Điều này làm cho người dân phải đặt câu hỏi: Chủ trương lớn khai thác bô xít Tây Nguyên có thực sự vì đất nước Việt Nam, có thực sự vì nhân dân Việt Nam ?
''

Trước đó, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng đã viết thư khuyên can thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cảnh báo rằng :
''Chúng ta đều biết Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á đảo Hải Nam, nói thẳng ra là không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là đe doa Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi đã nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Sài Gòn. Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy nghìn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một "thị trấn Trung Hoa", một "căn cứ quân sự" trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào ?!''

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 6/4 vừa qua, nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt cũng chia sẽ những mối lo âu nói trên.
RFI : Kính thưa ông Bùi Minh Quốc, là một người sống ở Đà Lạt, cách không xa các mỏ bauxit, ông có suy nghĩ như thế nào về dự án khai thác bauxit Tây Nguyên ?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc : Từ lâu tôi đã để ý đến dự án khai thác bauxit Tây Nguyên, mà cụ thể là trên đất Lâm Đồng, tức là điạ bàn huyện Bảo Lộc, cách Đà Lạt hơn 120 km. Những người từ Bảo Lộc về cho biết là từ nhiều tháng qua, người dân tại đây đã xầm xì bàn tán về việc Trung Quốc vào khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Dư luận lại càng bàn tán nhiều hơn kể từ khi có ý kiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi đến thư của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, rồi ý kiến của các nhà khoa học, nhà trí thức như tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giáo sư Phạm Duy Hiễn hay nhà văn Nguyên Ngọc.
Dự án này tàn phá môi trường không chỉ của Tây Nguyên, mà còn của những vùng bên dưới nữa. Vì đây là thượng nguồn sông Đồng Nai, cho nên nó ảnh hưởng đến toàn bộ vùng Đông Nam bộ và Sài Gòn. Rừng bị phá, tức là văn hóa các dân tộc Tây Nguyên bị phá, vì như nhà văn Nguyên Ngọc có nói, văn hóa Tây Nguyên trước hết là văn hóa rừng.
Ý kiến của riêng tôi là dự án khai thác bauxit Tây Nguyên đã là một sai lầm, sai lầm này càng lớn hơn nữa vì đối tác được chọn lại là Trung Quốc, như tôi đã nhấn mạnh trong bài viết ''Chống diễn biến hòa bình của chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc''

RFI : Xin ông giải thích rõ hơn về khái niệm này? Nguy cơ của dự án khai thác bauxit Tây Nguyên đối với an ninh quốc phòng của Việt Nam là như thế nào ?
Bùi Minh Quốc : Đây là hình thức diễn biến hòa bình thông qua quan hệ giữa hai đảng. Bauxit Tây Nguyên chính là bằng chứng cho thấy tính chất nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, như thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nêu lên. Ở phía Đông Bắc, Trung Quốc xây một căn cứ hải quân rất mạnh ở đảo Hải Nam. Căn cứ này không phải để nhằm chống một cuộc xâm lăng nào, mà là chính là để đe doạ Việt Nam.
Bây giờ, họ thông qua việc hợp tác khai thác bauxit để đưa người vào Tây Nguyên. Theo những tin tức từ địa phương mà tôi nắm được, tại khu Bảo Lâm, người Trung Quốc đã vào đầy ở đó, đã xây nhà, xây cửa thành những khu vực riêng, đã tiến hành ủi đất khai thác. Đứng về mặt an ninh quốc phòng, thì từ Bảo Lâm đến Sài Gòn chỉ cách 180 km, mà theo đường chim bay thì còn ngắn hơn nữa. Những người Trung Quốc được đưa vào Tây Nguyên, nhìn bề ngoài là công nhân, nhưng bên trong họ là lính tráng thì sao ? Như ông Nguyễn Trọng Vĩnh có nói, họ đưa súng ống vào đâu có gì là khó ?
Nói chung, đây là một vấn đề chính trị rất phức tạp, rất nghiêm trọng, với nguy cơ mất nước đang hiện ra. Nước ta coi như đang bị một gọng kìm. Phía Đông Bắc là căn cứ hải quân, phía Tây Nguyên thì đang hình thành một địa bàn quân sự trá hình. Tôi hết sức lo lắng, nhất là vì cả đời tôi đã tham gia cứu quốc, nay lại thấy đất nước đùng trước một nguy cơ như thế, thì làm sao mà yên lòng được ?
Trao đổi với những bạn bè gần xa, tôi thấy ai cũng đều có tâm trạng như vậy, tức là hết sức lo lắng, bất bình và đều rất mong là những nhà lãnh đạo cho dừng ngay dự án này. Việc này theo lẽ phải được đưa ra cho toàn dân bàn, theo đúng chủ trương của Đảng là ''dân biết, dân bàn''. Hơn nữa, về mức số vốn đầu tư thì đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, mà lại liên quan đến an ninh quốc phòng. Thế mà, người dân đã bị đặt trước việc đã rồi. Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một người trong cuộc, thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản, một người biết rõ vấn đề từ rất lâu, đã nói thẳng ra rằng đây là một sai lầm cố ý của Tập đoàn Than Khoáng sản.
Có những dấu hiệu cho thấy là những người lãnh đạo cao nhất của đất nước này đang có một cái mắc míu, cái vướng víu gì đó, cho nên mới lệ thuộc vào Trung Quốc như thế, rồi cứ ngấm ngầm cho làm, bây giờ mới bùng ra là người Trung Quốc đã vào đầy ở Tây Nguyên rồi. Động thái của họ thật là khó hiểu.

RFI : Theo ông biết thì những ý kiến phản bác dự án bauxit nay còn được loan tải rộng rãi trên báo chí chính thức không ?
Bùi Minh Quốc : Nói chung những ý kiến trên mặt báo chính thức là không phản ánh được tâm trạng của nhân dân và của đảng viên. Đảng đã có chủ trương ''dân biết, dân bàn'', nhưng biết và bàn ở đâu bây giờ ? Báo chí Việt Nam rõ ràng là không thể hiện được'' dân biết, dân bàn'', nhất là đối với dự án khai thác bauxit Tây Nguyên này.
Theo tôi việc cần làm trước hết là phải thông tin cho nhau, đặc biệt là phổ biến thật rộng rãi những bức thư của tướng Giáp, tướng Vĩnh, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nhà văn Nguyên Ngọc, v.v... Những ý kiến ấy rất có cơ sở, rất có tính thuyết phục để phản bác chủ trương khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Những ai chưa hiểu rõ vấn đề khi đọc qua những bức thư ấy thì sẽ hiểu rõ ngay. Từ đó, mọi người có thể cùng lên tiếng.

RFI: Gần đây, Hoà thượng Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, có kêu gọi ''biểu tình tại gia'' để phản đối dự án bauxit. Ông có ý kiến gì về lời kêu gọi này?
Bùi Minh Quốc: Tôi thấy ý kiến của Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng rất hay, nhưng còn tính khả thi của nó đến đâu thì ta sẽ xem. Tôi nghĩ là bằng cách này hay cách khác, mỗi người tùy hoàn cảnh, vị trí của mình, nên bày tỏ thái độ cá nhân cũng như thái độ tập thể.
RFI: Xin cám ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc.

Tổng số lượt xem trang