Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Hội nghị G20 – Hảo tâm chưa đủ

Hội nghị G20 – Hảo tâm chưa đủ Nguyễn Huy Đức
“… G20 lần này là kết quả của những vận động hành lang, những nhân nhượng miễn cưỡng với tinh thần «Tôi nói ít, anh ráng hiểu nhiều». Với tinh thần này, khó có thể tin tưởng vào những thành quả trong tương lai khi các Bộ trưởng và các chuyên gia phải nhóm họp để thực hiện những gì đã được cam kết tại Luân Đôn…”
Hội nghị thượng đỉnh quy tụ 20 quốc gia và tổ chức liên quốc gia (G20) vừa kết thúc vào ngày 02 tháng 4 2009. Ngay sau khi thông cáo chung đã được công bố, các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng vọt: Vừa mở cửa một giờ đồng hồ, chỉ số Dow Jones đã vượt quá 8000 điểm và thị trường đã đóng cửa với tỷ lệ +2.79% (7978 điểm). Tại Luân Đôn, nơi G20 được tổ chức, chỉ số Footsie đã vọt lên 4.28%. Chỉ số CAC40 của Pháp đã kết thúc buổi giao dịch với tỷ lệ +5.37%.

Nhưng thật ra, chưa có gì bảo đảm rằng thị trường chứng khoán đã đón nhận kết quả của Hội nghị G20 như một tin mừng. Ở một mức độ nào đó, có thể khẳng định với xác suất sai lầm tương đối thấp rằng đây là một phản ứng hú hồn, có còn hơn không ! Thật vậy, giới doanh nhân và thị trường gần như đã theo dõi từng giờ một những biến cố tiền hội nghị và ngay vào lúc G20 nhóm họp. Họ đã lo ngại rằng G20 lần này sẽ được thai nghén trong vô vàn khó khăn và tranh chấp ảnh hưởng. Hệ lụy là sẽ không có những giải pháp nào được đồng thuận.

Những tranh chấp

Hoa Kỳ với khẩu hiệu mua hàng Mỹ của tân Tổng thống Obama đã trở thành mối lo âu của thế giới nhất là của các quốc gia vừa trổi dậy. Mối quan ngại này càng trở nên to lớn khi chính quyền Obama và người đồng minh chiến lược muôn đời, Vương quốc Anh, đã chuẩn bị hội nghị G20 với mong mỏi tăng cường chương trình kích thích kinh tế toàn cầu. Thế giới quan niệm rằng một chương trình phục hồi quy mô và được nhịp nhàng hóa, cùng với chiêu bài mua hàng Mỹ, sẽ đưa thế giới vào một mô hình mà Hoa Kỳ sẽ không là người mua hàng của họ nữa. Đi xa hơn, tiềm tàng trong khẩu hiệu mua hàng Mỹ là mầm mống của chính sách bảo hộ. Lịch sử đã chứng kiến sai lầm bi đát của chính sách bảo hộ trên trong giai đoạn Đại khủng hoảng (Thập kỷ 30).

Cùng thời điểm đó, Thủ tướng Đức đã tuyên bố «Vấn đề hiện nay không phải là tiếp tục bơm tiền để kích thích tiêu thụ, việc cần làm là gầy dựng một hệ thống kiểm soát để ngăn chặn những nguy cơ có cơ hội tái phát ». Đức và nhất là Pháp đòi hỏi cải tổ mô hình tư bản. Đối với Pháp và Đức, cải tổ có nghĩa là tăng cường luật lệ để giám sát những lạm dụng trong sinh hoạt tài chánh. Họ cho rằng nguyên nhân chính của khủng hoảng kinh tế đến từ những hành xử tùy tiện của giới tài chánh vì nhà chức trách đã nhắm mắt làm ngơ và gián tiếp ủng hộ. Nói tóm lại, sau ba thập kỉ phi điều tiết xuất phát từ các quốc gia thuộc hệ “Anglo-Saxon”, Đức và Pháp quan niệm rằng đã đến lúc cần chỉnh đốn lại hệ thống tư bản với những quy định và khuôn khổ cần có.

Về phía Nga và Trung Quốc, họ đã hợp lực để đòi hỏi một hệ thống tiền tệ không dựa vào đồng Mỹ kim. Điển hình là sáng kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, Châu Tiểu Xuyên, gầy dựng một đơn vị tiền tệ dùng để dự trữ và thanh toán giao dịch thế giới. Chính phủ Nga đã lên tiếng ủng hộ đề nghị này. Nói thẳng hơn, đây là một mưu toan đặt lại ngôi vị bá quyền của đồng Mỹ kim. Mặc dù sáng kiến này đã nhanh chóng chứng minh tính vô khả thi, nhưng nó cũng tạo ra nhiều lo lắng vì Trung Quốc có cơ hội dùng nguồn dự trữ phì nhiêu để áp đặt tiếng nói của mình trong bàn hội nghị.

Chuyện bên lề Hội nghị

Những bất đồng chính kiến trên đã làm nảy sinh một số vận động hành lang trong suốt thời gian chuẩn bị cho hội nghị
Pháp và Đức, hai quốc gia đầu tàu của Liên Minh Châu Âu, đã tả xung hữu đột huy động các nước thành viên để thống nhất lập trường của Liên Minh. Tổng thống Pháp đã vận động để Tây Ban Nha và Hoà Lan có chân trong bàn hội thảo. Ngay trong những phiên họp soạn thảo cho Hội nghị, phía Châu Âu lục địa đã đưa ra những yêu sách để điều tiết thị trường tài chánh và ngân hàng. Một thí dụ: Châu Âu lục địa đòi hỏi phải đem vào thông cáo chung của G20 nguyên tắc bắt buộc các ngân hàng phải bảo quản một tỷ lệ nợ khi tích sản hoá một món nợ. Những tranh cãi đã đi đến kết quả không làm hài lòng Đức và Pháp: Có thể tích sản hóa 95% số nợ và ngân hàng phải giữ lại… 5% !

Trước những hành động của phía Châu Âu lục địa, Anh cũng đã có phản ứng. Chủ nhà của hội nghị lần này đã tìm cách đẩy Pháp và Đức vào cương vị chầu rìa trong bốn tổ hợp đã được thành lập để chuẩn bị cho Hội nghị G20 – Luân Đôn. Kết quả: Pháp chỉ chiếm được địa vị Phó chủ tịch của tổ hợp chuyên về đề tài… canh tân Ngân hàng Thế giới ! Bị gạt ngang, Pháp và Đức đã phải huy động đường giây bán chính thức để đưa ra nhận định và tiếng nói của phía Châu Âu lục địa. Họ đã vận động những cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (ông De Larosière và ông Camdessus) để liên lạc trực tiếp và thuyết phục Hoa Thịnh Đốn chấp nhận những đề nghị của mình.

Ngay những giờ phút cuối trước khi Hội nghị bế mạc, những bất đồng vẫn tồn tại về thái độ đối với những thiên đàng thuế má: Tổng thống Pháp yêu cầu có một danh sách liệt kê những quốc gia và khu vực thiếu minh bạch và rộng rãi trên phương diện thuế. Pháp cũng đề nghị G20 -ủy nhiệm Tổ chức về Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để lập ra danh sách này. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không đồng ý vì Trung Quốc không là thành viên của OECD. Tổng thống Hoa Kỳ phải tận lực tìm cách kéo quan điểm của đôi bên gần lại nhau. Cuối cùng, trong một cuộc hội ý kín, ba phiá (Mỹ, Trung Quốc và Pháp) đã đồng ý không lập ra danh sách đen về những thiên đường thuế má. Ngược lại G20 công bố sẽ dựa vào một danh sách mà OECD đã sẵn có.

Những dữ kiện trên chứng minh một cách hùng hồn rằng kết quả của G20 lần này là kết quả của những vận động hành lang, những nhân nhượng miễn cưỡng với tinh thần «Tôi nói ít, anh rán hiểu nhiều». Với tinh thần này, khó có thể tin tưởng vào những thành quả trong tương lai khi các Bộ trưởng và các chuyên gia, phải nhóm họp để thực hiện những gì đã được cam kết tại Luân Đôn. Một chuyên gia đã hài hước cho biết: «Chúng ta gặp nhau để bàn về nguyên do khủng hoảng tại Luân Đôn, thành trì của tư bản tài chánh. Cách hành xử này không khác gì một nhóm bợm nhậu quyết định tụ họp tại một tửu điếm để tìm cách… cai rượu

Đệ tam quốc gia… được mùa ?

Tóm lại, G20 lần này đã không quy định được mức độ và mục tiêu của các chính sách kích cầu. Ngoài ra, những định hướng về nguyên tắc tái huy động vốn và tái lưu động tiền từ ngân hàng đến nền kinh tế thực thụ cũng không đạt đến. Nguy kịch hơn nữa, G20 đã không chứng minh rõ ràng quyết tâm và đồng thuận trên phương diện phòng chống tệ nạn bảo hộ, đang lén lút xâm nhập vào các chính sách kinh tế quốc gia.

Với một hội nghị như vậy, tương lai chắc sẽ không sáng lạn như mong tưởng.

Tuy nhiên, vì phải dàn xếp để mọi người không mất lòng, các quốc gia có mặt tại G20 đã uỷ nhiệm cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một số trách nhiệm và phương tiện. Có lẽ đây là một trong những quyết định quan trọng nhất của G20 – Luân Đôn.

Về phương tiện, IMF có quyền gia tăng quỹ dự trữ từ 250 tỉ Mỹ kim lên đến 750 tỉ qua những khoản tín dụng đến từ các quốc gia phát triển. Đây chưa hẳn là một tin mừng. Có thể giải pháp này chỉ được đề xuất để giúp các quốc gia phát triển không đào sâu thêm thâm hụt ngân sách. Lý do dễ hiểu: để kích cầu, một quốc gia (thí dụ như Hoa Kỳ) sẽ dùng ngân sách để bơm tiền vào thị trường tiêu thụ. Trong trường hợp này lượng tiền bơm vào nền kinh tế sẽ là một chi tiêu. Nếu quốc gia này cho IMF vay để dùng vào việc kích cầu, lượng tiền này sẽ là một tài sản vì trên nguyên tắc IMF phải trả lại cho chủ nợ số tiền trên. Nếu giả thuyết này đúng thì G20 đang tận dụng mô hình tương đương với kỹ thuật tích sản hóa mà họ đang nguyền rủa ! Và như vậy thì có gì đó không ổn.

Ngoài ra, cũng cần biết rõ những phương tiện của IMF sẽ được dùng để làm gì ? Nếu nó được huy động để tài trợ những quốc gia thuộc đệ tam thế giới thì đây một may mắn lớn cho thế giới. May mắn vì, theo ước lượng, các quốc gia này sẽ cần đến 1500 tỉ Mỹ kim để tài trợ cho những món nợ sắp hết hạn, trong lúc các ngân hàng không còn cho họ vay mượn nữa. May mắn vì viễn tượng phá sản của một quốc gia tại Đông Âu hay Nam Mỹ sẽ đem lại những tác động giây chuyền khôn lường. May mắn vì người dân thuộc các quốc gia này mới có nhu cầu tiêu thụ cao hơn người Tây Âu. Hiện nay, chưa có gì bảo đảm rằng số vốn mà IMF có sẽ được dùng để tài trợ các quốc gia kém phát triển.

Về trách nhiệm, IMF được giao phó nhiệm vụ hợp tác cùng Diễn đàn Ổn định Tài chánh (FSF/FSB) để giám sát tình hình tài chánh quốc tế. Hai định chế tài chánh quốc tế sẽ phải rung chuông báo động về những hiện tượng quá đà hay bất cập trong tương lai. Tuy nhiên, cũng không chắc gì IMF và FSF/FSB sẽ hoàn thành sứ mạng này. Thật vậy, những nguyên do sâu xa đem lại khủng hoảng thường mang nhiều dấu ấn chính trị: Giá trị của đồng Nhân dân và, hệ lụy tự nhiên của nó, tình trạng ngoại thương của Hoa Kỳ là những nguyên do chính của việc mất thăng bằng kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, cả hai đề tài đều rất khó xử cho IMF và FSF/FSB. Hai định chế này sẽ rung chuông báo động và lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ và Trung Quốc? Không có gì bảo đảm!

Bất quân bình vẫn tồn tại

Cuối cùng một đề tài tối quan trọng mà các quốc gia tham gia Hội nghị G20 đã không bàn đến là những yếu tố đem lại tình trạng suy thoái hiện nay.

Ngay trước khi G20 được nhóm họp tại Luân Đôn, đã có một tranh luận sôi nổi về nguyên do chính của cuộc khủng hoảng tín dụng. Một nhóm các quốc gia đã cho rằng nguyên thuỷ của vấn đề là sự thiếu vắng các quy tắc và luật pháp. Họ lên án rằng quá khứ phi điều tiết đã cho phép các cơ quan tài chánh tác yêu tác quái. Các quốc gia này quan niệm rằng «muôn sự tại ngân hàng mà thất bại thì tại tài phiệt». Họ đòi hỏi phải siết chặt kiểm soát, tăng cường can thiệp nhà nước và nêu danh những thủ phạm để luận tội.

Ngược lại, và đây cũng là suy nghĩ của người viết, một số định chế độc lập đã cho rằng, về nền tảng, cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ một mô hình phát triển đã lạc hướng và cần xét lại. Mô hình này có thể được tóm tắt như một phân công toàn cầu: Một số quốc gia chỉ lo xuất cảng nhờ vào khối lượng nhân công rẻ và một đơn vị tiền tệ phá giá ; một số quốc gia khác chỉ tiêu thụ bằng vay mượn, nếu cần, từ những quốc gia xuất cảng ! Từ đó đã xuất hiện công thức nợ dưới tiêu chuẩn tại Hoa Kỳ và những tác hại mà mọi người đã biết. Với mô hình này, một sân chơi đã được thiết lập mà, trong đó, không ai thắng cuộc và tất cả đều thua đậm.

Không nhận diện một cách đứng đắn vấn đề thì chắc chắn sẽ không thể định công luận tội cho ra lẽ. Trong trường hợp này, mọi hội nghị, mọi cam kết, mọi lời kêu gọi hay mọi chính sách chỉ là những giải pháp chấp vá, tạm bợ. Trong viễn tượng bi quan nhất, chúng chỉ trầm trọng hóa vấn đề. Hay hơn nữa, chúng chỉ mở đường cho những khủng hoảng tai hại hơn trong tương lai.

Một thí dụ điển hình: thông thường, các ngân hàng phải ghi vào sổ sách các sản phẩm tài chánh mà họ sở hữu theo nguyên tắc giá trị thị trường (marked-to-market). Trong tình hình tồi tệ hiện nay, Hội nghị G20 đã chấp nhận nới lỏng những gò bó kế toán trên để bảo tồn giá trị tài sản của các ngân hàng.

Phải nhìn nhận rằng có gì đó hơi mâu thuẫn ở đây. Không thể nào uỷ thác cho hai định chế quyền lực giám sát thị trường tài chánh mà đồng thời, cho phép ngân hàng có quyền ghi vào sổ sách những giá trị xa vời với thực tế !

Nguy ngập hơn nữa, một khi các sản phẩm này được ghi vào sổ sách một cách tuỳ tiện, các ngân hàng sẽ không còn nhu cầu bán lại cho nhà nước những sản phẩm độc hại (toxic assets) nữa. Họ sẽ giữ lại với hy vọng rằng, sau cơn khủng hoảng, mọi việc sẽ đâu vào đó. Những vi khuẩn này vẫn được tồn lưu trong thân thể của ngân hàng mà ngân hàng là mạch huyết của kinh tế thực thụ !
Nguyễn Huy Đức
(Paris)

Tổng số lượt xem trang