Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Tiếng Nói Đoàn Kết và Ước Mơ Của Tôi

danchimviet.com Lời ngỏ
Nếu bạn giống như tôi, thường xuyên theo dõi tin tức chính trị và xã hội dân sự VN qua báo giấy, truyền hình, báo mạng, blog, v.v… thì hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng rất nhiều người Việt trong và ngoài nước ở một lúc nào đó, vì một lý do nào đó đã hoặc đang bất bình với chủ trương của Đảng CS và chính quyền VN. Một số đã tìm nhiều cách khác nhau để bày tỏ thái độ của mình. Một số khác vì rất nhiều lý do khác nhau thì lặng im hoặc đã dùng một cách tôi và bạn không tài nào nghe và hiểu được.

Không biết bạn có ngồi đếm những sự kiện khiến bạn bất bình với Đảng và nhà nước hay không? Không biết bạn có để ý xem rằng trong số đó, có bao nhiêu việc bạn không nhịn được và phải tỏ thái độ bằng một cách nào đó hay không? Và tôi cũng không biết rằng bạn có để ý bao nhiêu trong số những thái độ của bạn được Đảng và nhà nước nghe đến? Bao nhiêu trong số nghe đến đó được giải quyết thỏa đáng? Tôi không biết, nhưng tôi thỉnh thoảng có ngồi nghĩ đến. Và nhiều lúc, tôi tự hỏi… Chỉ có tôi bất bình tỏ thái độ thôi sao? Hoặc bạn cũng đã lên tiếng nhưng tôi không hề biết đến hoặc không hiểu? Chẳng lẽ bạn rất hài lòng với chủ trương của Đảng và nhà nước trên mọi phương diện và chẳng bao giờ bất bình? Những lúc này, tôi lại hằng ao ước có một cách đơn giản, ôn hòa, và vô hại để tôi và bạn cùng sử dụng để gửi một thông điệp đến Đảng, nhà nước, và cho nhau và biết chắc đối phương sẽ hiểu thông điệp ấy có nghĩa “tôi đang bị áp bức”

Có lẽ bạn đang cười nhạo tôi như tôi vẫn thường làm với mình vì đây là “chuyện mơ mộng hão huyền”. Thú thật, đây đúng là chuyện mơ mộng hão huyền vì có đến hai mức độ khó khăn trong đó: (1) Nghĩ ra được một cách tỏ thái độ như thế và (2) được mọi người cùng đồng ý sử dụng. Dù sao thì có mơ vẫn hơn không vì tôi có cảm giác rằng đối với những chuyện khiến tôi cảm thấy bực tức với chính quyền, chẳng có mấy chuyện được họ nhiệt tình giải quyết thỏa đáng đến nơi đến chốn (phải nói là lơ là, giải quyết xuông, qua loa, hứa lèo, v.v...) Tôi có ước mơ này vì tôi nghĩ rằng mọi việc sẽ rất rõ ràng nếu tìm ra được một cách tỏ thái độ như thế. Vì nếu thấy nó xuất hiện khắp nơi, nó sẽ tạo sức ép cho những bức xúc được giải quyết nhanh chóng, cho những người bức xúc cảm thấy bớt cô độc hơn. Và ngược lại, nếu không nhìn thấy được nó, tôi có thể tin rằng chỉ có tôi bức xúc mà thôi.

Những bức xúc mà tôi nhận thấy

Kể từ khi tôi bắt đầu mở blog, thì sơ sơ cũng nhận thấy được sự bất bình của người dân về một số sự kiện như sau: Ngư phủ VN bị tàu TQ bắn, Hoàng Sa và Trường Sa bị TQ xâm lấn, sinh viên biểu tình bị ngăn cấm và bắt bớ. học phí gia tăng, đàn áp dân oan khiếu kiện, xua đuổi ông đồ giành địa bàn làm ăn trong ngày Xuân. đàn áp giáo dân Thái Hà, quyết định quản lý blog, bưng bít thông tin báo chí, bỏ tù phóng viên nhà báo, ép dân bán đất ruộng với giá rẻ để bán lại cho công ty đầu tư, cướp đất của dân, bỏ tù bác Điếu Cày, khống chế LS Lê Trần Luật, vụ tham nhũng PMU 18 và việc ông Tiến, vụ tham nhũng Huỳnh Ngọc Sỹ, làm khó người dân tự ý làm từ thiện trong vụ sập cầu Cần Thơ, ngăn cấm công nhân đình công vì bị chủ bóc lột, tranh chấp biển Đông, v.v…

Gần đây nhất là vấn nạn TQ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, gây nguy hại đến môi trường và đời sống người dân khiến rất nhiều người bất bình với chủ trương của Đảng và nhà nước.

Những cách tỏ thái độ mà tôi nhận thấy và hiệu quả của chúng

Tôi cũng thường nghe, nhận thấy bạn bè và người khác tỏ thái độ bất bình bằng nhiều cách khác nhau như sau: than vãn với bạn bè, phổ biến các bài viết trên blog cá nhân, góp ý với các bài viết trên báo điện tử, gủi email phản hồi, mở trang báo điện tử, góp ý trong các diễn đàn, viết thư cho thủ tướng, khiếu nại, khiếu kiện, biểu tình, gửi tờ rơi, dán bích chương, chửi bới, thành lập nhóm, không gửi tiền về VN, v.v… Nhưng rốt cuộc thì đây vẫn là những cách tỏ thái độ rời rạc, riêng rẻ khác nhau. Hoặc là chúng không gây được sức ép nào đáng kể, hoặc không đủ đơn giản đế mọi người có thể sử dụng để có được sự thống nhất nào đáng chú ý nên cuối cùng cũng bị bưng bít, che giấu, đàn áp, lơ là bởi chính quyền.

Nguy hiểm nhất là các chiêu bài tráo trở nhằm đánh lạc hướng sự thật như “phản động”, “bị hải ngoại giật dây”, “chỉ là một số nhỏ bức xúc”, “đa số người dân vẫn đồng tình”, v.v… Nếu có được một sự thống nhất rõ ràng để tỏ thái độ thì không còn ai có thể láo lếu, tráo trở được gì. Khi đa số người dân đều tỏ thái độ bất bình và hiểu được thái độ của nhau, chẳng lẽ công nhận đa số nhân dân “phản động”? Chấp nhận việc hải ngoại có thể giật dây mua chuộc nhiều người như thế thì chẳng khác nào chấp nhận họ có đủ tài lực và nhân lực đảo chính rùi. Lý luận “một số nhỏ bức xúc với chính quyền” coi như không sử dụng được.

Một cách thống nhất để tỏ thái độ sẽ có những đòi hỏi gì?

Cách này cần phải ngắn gọn trong nội dung để thông điệp có thể được nhận diện và thông hiểu. Nó cũng phải ôn hòa và vô hại để không gây ảnh hưởng tai hại đến cho ai hoặc vi phạm luật lệ gì nghiêm trọng. Nó cũng phải an toàn để tránh gây nguy hại đến cho những người biểu lộ nó. Nó cũng phải đơn giản để có thể thể hiện ở bất cứ nơi nào bởi tất cả mọi người. Nó không đòi hỏi việc tổ chức, không đòi hỏi người lãnh đạo. Nó cũng đòi hỏi tất cả mọi người phải thống nhất sử dụng một cách nhất quyết, bất khuất. Và mục đích duy nhất là giúp chính quyền lắng nghe tiếng nói của người dân hơn.

Một câu chuyện về con cháu Gandhi trong tinh thần ôn hòa bất bạo động

Mấy tuần qua tôi có đọc lại một bộ truyện 8 quyển nói về thế giới của Kẻ Sát Tinh (Ender’s World) của tác giả Orson Scott Card. Đây là lần thứ 2 tôi đọc nó. Trong đó có một đoạn tác giả Orson Scott Card viết về một thế chiến trong tương lai với một đoạn hư cấu như sau:

“Một số quốc gia vùng Đông Nam Á rơi vào sự thống trị toàn diện của Trung Quốc, trong đó có VN, Thái Lan, Indonesia, Burma, Phillipine, Singapore, và Ấn Độ. Có một nữ quân nhân trở về Ấn Độ khi chiến tranh chấm dứt... chứng kiến sự khuất phục của dân tộc trước bạo quyền, nảy sinh ý định hàn gắn lại "Linh Hồn của đất Ấn" vốn đang rã rời từng mảnh vụng và bị chà đạp. Cô ta nghĩ rằng người Ấn Độ lúc đó không cần làm một việc gì hữu ích và to lớn, chỉ cần một việc thiết thực nhưng vô hại mà ai nấy cũng có thể góp phần.

Sau khi lân la làm quen với các bà chị giặt giũ bên bờ suối, cô ta nhặt một viên đá và lặng lẽ đặt bên vệ đường. Sau đó nhặt thêm một vài viên nữa và sắp thành một hàng thẳng tắp bên đường. Ai hỏi đến thì cô ta bảo là thấy làng bên cạnh làm thế, và họ đang xây vạn lý trường thành của Ấn Độ để tỏ thái độ chống đối với chính quyền Trung Quốc, ngăn chặn sự xâm lăng. Lúc đầu, ai cũng nghĩ đó là chuyện vớ vẩn, có người còn đá đổ những viên đá chất chồng và chế nhạo cô ta.

Nhưng dần dần, có người bắt đầu làm theo càng đông vì thủy chung, đó là cách duy nhất để tỏ thái độ mà không ai biết, không cần tổ chức, không cần chuẩn bị, tính toán, và nhất là ai cũng có thể tham gia, từ nghèo đến giàu, từ trẻ em đến bô lão. Ai ai cũng bất bình với quân xâm lược. Nữ quân nhân nọ lại lang thang như một người hành khất sang làng kế tiếp, và mọi chuyện lặp lại từ đầu. Một thời gian sau, những hàng dài các viên gạch nằm ngổn ngang khắp cả Ấn Độ, có nơi vì nhu cầu lưu thông, chúng được chất thành đống bên vệ đường. Vạn lý trường thành của Ấn Độ này trên thực tế chỉ là đống đá vụn rời rạc, có thể đạp đổ bằng chân. Nhưng đối với TQ và mọi người, nó đại diện cho sự hồi sinh và đoàn kết của một dân tộc.

Giới lãnh đạo TQ, không đá động đến cũng không được. Nhưng việc họ có thể làm là ra những quy luật quái đản như cấm cầm đá trong tay, cấm chuyên chở đá ở bất kỳ số lượng nào mà không có giấy phép, bắt giữ tất cả mọi người, kể cả trẻ em cầm đá trong tay. Khiến sự căm phẫn dâng lên thêm"

Biểu tượng và mức lan rộng của nó

Sử dụng một biểu tượng để thay thế cho một thông điệp là một việc mà các thương hiệu thường hay sử dụng. Khi nhìn thấy một vệt dài từ hình cong từ trái sang phải, hầu như ai cũng nhận ra thương hiệu của Nike, và thông điệp được gửi gấm là “hãy thực hiện” (just do it). Khi nhìn thấy một lá cờ đỏ với 5 ngôi sao vàng ở góc phía trên bên trái, hầu như ai cũng nhận ra đó là biểu tượng của anh láng giềng Trung Quốc. Một người bình thường không cần phải là tín đồ Hồi Giáo, Công Giáo, đạo Do Thái, không cần phải đọc qua kinh Torah, Qu’ran, Thánh kinh hay phải là một người Hi Lạp để hiểu rằng một con bồ câu trắng ngậm cành ô liu tượng trưng cho hòa bình.

Tôi cho rằng người dân VN cần có một biểu tượng thống nhất trên toàn thế giới để hiểu nhau và để giúp chính quyền VN nhận ra rằng họ đang bất bình với chính quyền vì một chuyện gì đó. Thế thì một biểu tượng thống nhất hợp đủ những đòi hỏi nói đến phía trên sẽ là gì?

Một thí dụ điển hình

Lý do khiến tôi viết lên bài viết này không có gì khác hơn là chuyện khai thác Bauxite ở Tây Nguyên. Và khi viết lên bài viết này, tôi liên tưởng đến hình ảnh một chữ S (tượng trưng cho đất nước VN), và một chữ e viết thưởng cột ngang ở giữa (trượng trưng cho sự áp bức).

Nội dung của biểu tượng này đủ ngắn gọn để nói gửi đến thông điệp: người dân VN đang bị áp bức. Trước chủ trương của Đảng và nhà nước về việc cho phép ngoại bang chiếm đóng, đưa người vào khai thác Bauxite, gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, tôi ước có một ngày tôi nhìn thấy biểu tượng này qua các nhánh cây cong hình chữ S với một cọng cỏ cột ở giữa, hai cọng chì bẻ cong, treo lủng lẳng trên từng cành cây ở khắp nơi. Những hình vẽ hình chữ S và e ngoệch ngoạc bằng gạch đỏ, bùn, viết, phấn, sơn trên từng vách tường, vỉa hè, cột đèn, mái nhà ở khắp nơi có người VN cư ngụ. Tôi ước mơ được nhìn thấy nó trên từng bảng hiệu trên xa lộ, trên những tờ rơi rải rác bên vệ đường, trên những lá cờ nhỏ dựng bên cửa xe ô tô. Tôi ước mơ được nhìn thấy nó được viết, vẽ, in trên những chiếc áo thun, nón lá, mũ, của người đi đường.

Thay lời kết

Tất nhiên thì đó vẫn chỉ là một trong nhiều cách, và chỉ là một ước mơ. Nếu ngày đó trở thành thật, thì tôi sẽ tin rằng tiếng nói của một dân tộc đoàn kết đã sống dậy. Và tiếng nói ấy cùng chung một lời “Người dân VN đang bị áp bức!”. Thật sự là thế, người dân VN đang bị bưng bít thông tin, đang bị đàn áp nhân quyền, và nhất là đang bị khai tử bởi kế hoạc khai thác Bauxite. Đó là ngày tôi tin rằng linh hồn dân tộc tôi không rã rời từng mảnh, dễ bị lấp vùi như hiện nay.

Trước nỗi lo sợ mất tiếng nói riêng là vấn nạn dân tộc không bao giờ có được một tiếng nói chung, kể cả những khi hiểm họa cận kề. Khi tìm ra được một giải pháp đơn giản để tỏ thái độ, hoặc là phần đông không ai có gì bức xúc, hoặc là nó sẽ xuất hiện khắp nơi. Không còn lý do gì để biện minh trước câu nói “số người bất bình với chính quyền chỉ là những phần tử riêng rẽ” cả.

© KD gửi hôm Thứ Hai, 06/04/2009

Tổng số lượt xem trang