Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Thực hành dân chủ: Xây chợ trên vườn hoa: Không dân chủ trong bỏ phiếu

VNN - Gia đình tôi thuộc đối tượng có quyền bỏ phiếu lấy ý kiến về việc xây chợ trên vườn hoa Con Voi. Trước thời điểm bỏ phiếu hai ngày, khi được ông tổ trưởng tổ dân phố phát phiếu, tôi thực sự ngỡ ngàng trước nội dung của lá phiếu lấy ý kiến.
Thứ nhất, tiêu đề của lá phiếu là “Phiếu xin lấy ý kiến về việc xây dựng chợ tạm tại khu đất “Con Voi” - Phường Trung Tự”. Tại sao cái chợ được thiết kế 3 tầng đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước có được từ tiền nộp thuế của dân lại gọi là chợ tạm? Phải chăng chợ được xây dựng tốn kém nhiều tỉ đồng chỉ để sử dụng trong một thời gian ngắn hoặc nếu hoạt động không hiệu quả thì sẽ được phá bỏ?
Chợ được xây dựng trên khu đất sân chơi vườn hoa Con Voi nhưng chỉ được coi đó là khu đất Con Voi. Xin thưa “khu đất Con Voi” không phải là một khu đất hoang không được ai sử dụng, nó vẫn là địa điểm được rất nhiều công dân trong và ngoài phường chọn làm nơi vui chơi giải trí (trước khi chính quyền phường cho xây tường bao quanh).
Trong suốt nhiều năm qua, chính quyền phường không những đã không cho tu bổ chỉnh trang lại sân chơi Con Voi mà còn làm ngơ trước việc cơi nới nhà cửa của các hộ gia đình sống trong sân, để mặc sân làm nơi buôn bán phế liệu, rửa xe, bán hàng ăn, quán nước, cà phê.
Dù UBND TP. Hà Nội chưa có quyết định phê duyệt xây chợ thì chính quyền phường Trung Tự đã cho phá hàng rào sân chơi từ năm 2007 và cho rào tường từ tháng 1/2009 để cho thuê địa điểm làm công trường đúc cống bê tông. Phải chăng ý định phá sân chơi, vườn hoa để xây chợ đã hình thành từ cách đây nhiều năm rồi?

TIN LIÊN QUAN
Tiếp tục mập mờ quanh trung tâm thương mại Con Voi
Bảo vệ vườn hoa bị qui là "bóp méo sự thật"?

Thứ hai, tại sao trong phiếu xin ý kiến lại có 3 mục: “Đồng ý”, “Không đồng ý” và “Ý kiến khác” mà không phải là 3 mục: “Xây sửa lại sân chơi vườn hoa”, “Phá sân chơi xây chợ” và “Xây chợ ở một địa điểm khác”?
Nếu chỉ có mục “Đồng ý” và “Không đồng ý” xây chợ thì như tôi đã phân tích ở trên, sau khi sân chơi đã bị chính quyền phường phá bỏ và rào lại, người dân có còn tin tưởng vào chính quyền nữa hay không hay họ buông xuôi đồng ý để xây chợ còn hơn để chính quyền phường chọn địa điểm này làm công trường đúc cống bê tông?
“Ý kiến khác” ở đây nghĩa là như thế nào? Người dân tại phường Trung Tự không phải ai cũng biết được rằng ở phường có khá nhiều vị trí đất công khác đã được sử dụng để cho thuê làm địa điểm kinh doanh như khu đất 127 bên cạnh Trung tâm Thể dục thể thao quận Đống Đa, khu đất trước nhà D1 và D7 có chiều rộng vỉa hè hơn 10m và chiều dài hơn 600m và khu đất dọc sông Lừ gần hồ Xã Đàn. Liệu tiền thuê đất từ những khu đất này trong suốt nhiều năm qua có được nộp vào ngân sách Nhà nước hay không?
Thứ ba, phiếu xin ý kiến lại yêu cầu khai “Đại diện hộ gia đình phòng… nhà …TT Trung Tự (Ký tên hoặc không ký tên)”. Nếu đã phải khai rõ hộ gia đình phòng số bao nhiêu và nhà nào thì việc không ký tên sẽ thể hiện được sự dân chủ chăng?
Trong cuộc họp trước khi bỏ phiếu ở tổ dân phố tôi, một bác 80 tuổi đã đứng lên phát biểu rằng cả đời bác từng tham gia bỏ phiếu không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ tham gia một cuộc bỏ phiếu kiểu “dân chủ”, đó là bắt người dân phải khai vào lá phiếu thông tin cá nhân.
Một số người cho rằng nếu họ đánh dấu vào ô “Không đồng ý” lại có tên hộ của mình kèm theo biết đâu khi cần ra phường chứng thực giấy tờ họ sẽ bị làm khó dễ?! Nếu vậy, chỉ một số người dũng cảm dám đứng lên đấu tranh để giữ lại khoảng sân chơi mới dám đánh dấu vào mục “Không đồng ý” xây chợ trong lá phiếu của mình.
Hai hôm sau, tổ dân phố tôi tổ chức một cuộc họp và tiến hành bỏ phiếu kín. Mở đầu cuộc họp, bác tổ trưởng cho đọc Bản kế hoạch số 32/KH-UBND của phường Trung Tự để các hộ gia đình trong tổ nắm được một số thông tin về việc bỏ phiếu.
Tôi một lần nữa bị ngỡ ngàng khi biết được các giáo viên, các học sinh và phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Trung Tự và Trung tâm GDTX quận Đống Đa không thuộc đối tượng được bỏ phiếu lấy ý kiến trong khi đó đây chính là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của việc xây chợ tại sân chơi Con Voi.
Bác tổ trưởng cũng cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi rằng lãnh đạo phường cho biết chợ được xây gồm 3 tầng. Tầng một để họp chợ rau, dưa, thịt cá…, tầng hai để cho bà con trong phường thuê kiốt bán hàng khô và các đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày và tầng 3 là nơi dành để sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Khi có thông tin này, tôi lại càng nghi ngờ về mục đích xây dựng chợ tại sân chơi Con Voi.
Thứ nhất, bất cứ người dân nào cũng có thể khẳng định các chợ quanh khu vực này đã cung cấp đủ rau, dưa, thịt cá… cho nhu cầu thường ngày của họ.
Nếu chính quyền có ý định chuyển chợ Trung Tự sang khu đất sân chơi vườn hoa Con Voi thì thật là một việc làm không hợp lý. Chuyển một cái chợ nằm ở khu đất gần nhà trẻ Trung Tự sang khu đất sát Trường Tiểu học Trung Tự và Trung tâm GDTX quận Đống Đa tiếng ồn do chợ gây ra sẽ lớn hơn do chợ sát lớp học hơn (từ chợ đến lớp học của các cháu chỉ cách nhau 2 đến 3 mét).
Hai trường này cần một môi trường có độ ồn nhỏ hơn để các cháu có thể tập trung nghe thầy cô giảng bài và làm bài tập. Hơn nữa việc làm này lại phải phá bỏ cả một sân chơi vườn hoa Con Voi, một địa điểm để sinh hoạt văn hoá cộng đồng của không biết bao nhiêu cư dân sống trong và ngoài phường.
Thứ hai, sau khi xây chợ, chắc chắn phường sẽ tổ chức đấu giá để cho thuê kiốt bán hàng tại tầng 2, ai trả giá cao sẽ được thuê. Vậy việc đấu giá có chỉ dành cho các đối tượng là người dân trong phường tham gia hay không?
Thứ ba, người dân của phường có được sử dụng miễn phí tầng 3 của chợ để vui chơi hoặc sinh hoạt tập thể hay không hay tầng này sẽ lại được bố trí các bàn bi-a và bóng bàn để cho thuê hoặc làm nơi cho thuê tổ chức hội họp và đám cưới? Nếu phải bỏ tiền thì mới được “sinh hoạt văn hoá cộng đồng” thì xin hãy giữ lại sân chơi cho chúng tôi.
Một điều khó hiểu nữa là không hiểu vì sao trong Kế hoạch 32 của phường không có thông báo thể lệ bỏ phiếu. Nếu ở mục “Ý kiến khác”, mỗi hộ nêu một ý kiến khác nhau hoặc có hộ vừa chọn mục đồng ý hoặc không đồng ý kèm theo đề xuất ý kiến khác của mình thì những lá phiếu đó được thống kê như thế nào?
Tôi thiết nghĩ, nếu đã tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến thì cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, dân chủ và minh bạch nhất. Với cách triển khai lấy ý kiến về việc xây dựng chợ tạm tại “khu đất Con Voi” mà chính quyền phường Trung Tự và quận Đống Đa đã cho tổ chức thực hiện như tôi đã trình bày nêu trên thì liệu kết quả thu được có thực sự khách quan hay không?

Tổng số lượt xem trang