Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Vedan Việt Nam "khoán" mức hỗ trợ nông dân

Lao Động số 81 Ngày 14/04/2009 Cập nhật: 8:02 AM, 14/04/2009

(LĐ) - Mới đây, Vedan VN chính thức có văn bản chỉ "hỗ trợ" cho nông dân cả 3 tỉnh, thành gồm: TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tổng cộng 25 tỉ đồng.

Còn trong đơn thư khiếu nại tiếp lên cơ quan chức năng, nông dân không chỉ dùng từ "hỗ trợ", mà còn đòi "bồi thường", trong đó chỉ riêng nông dân TPHCM và Đồng Nai, mức yêu cầu bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đã lên tới hàng trăm tỉ đồng, chưa kể BR-VT...

Chỉ hỗ trợ 25 tỉ đồng

TGĐ Cty CPHH Vedan VN Yang Kun Hsiang vừa có văn bản 0370/09/CV-VDN gửi Hội Nông dân (HND) TPHCM, BR-VT, Đồng Nai thông báo về mức "hỗ trợ" thiệt hại cho nông dân 3 tỉnh tổng cộng chỉ... 25 tỉ đồng gồm: Hỗ trợ cho nông dân tỉnh Đồng Nai trực tiếp bị thiệt hại 7 tỉ đồng; TPHCM 7 tỉ đồng, còn lại BR-VT 6 tỉ đồng. Số tiền còn lại 5/25 tỉ đồng, Vedan VN sẽ lập một quỹ phúc lợi để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân, khuyến nông, khuyến học, phát triển hạ tầng... cho các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai); Tân Thành (BR-VT) và huyện Cần Giờ (TPHCM).

Nếu muốn nhận hỗ trợ, nông dân phải hội đủ các tiêu chí của... Vedan VN, như phải bị thiệt hại thực tế nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nước thải của Vedan VN; tài sản bị thiệt hại phải hợp pháp, đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được chính quyền địa phương xác nhận có nuôi trồng đánh bắt thật sự; nếu pháp nhân phải có đăng ký kinh doanh hoặc doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh, giấy phép; không thuộc diện đã được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp năm 1996-1997; với những người không hội đủ các tiêu chí trên, nhưng thuộc đối tượng khó khăn đặc biệt, phải trợ cấp thường xuyên cũng được nhận hỗ trợ.

Ngoài ra, Vedan VN cũng "hứa" sẽ hỗ trợ chi phí quản lý cho các HND trong quá trình phối hợp xử lý, xem xét việc hỗ trợ.

Căn cứ để Vedan VN "khoán" mức hỗ trợ nêu trên cho nông dân 3 tỉnh là "qua khảo sát tình hình thực tế, ý kiến các chuyên gia và căn cứ khả năng của Cty..." (trích văn bản 0370 của Vedan VN).

Theo một báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành Bộ TNMT năm 2008 thì sau khi đi vào hoạt động chính thức, Vedan VN đã thải chất thải gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải làm thuỷ sản chết hàng loạt, nhưng cũng chỉ "hỗ trợ" (chứ không "bồi thường") cho nông dân nuôi trồng thuỷ sản 3 tỉnh Đồng Nai, BR-VT, TPHCM 15 tỉ đồng. Sau đó, Vedan VN đề xuất được đổ chất thải sau lên men xuống biển, nhưng các bộ, ngành và địa phương ngăn chặn kịp thời.

Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng ?

Trước đó, theo thống kê sơ bộ của HND Đồng Nai, với 4.000 đơn thư, nông dân các xã: Long Phước, Phước Thái (Long Thành); xã Long Thọ và Phước An (Nhơn Trạch) đã yêu cầu Vedan VN hỗ trợ và bồi thường theo 3 mức: Nuôi trồng thuỷ sản từ 30 đến 40 triệu đồng/ha; nông dân chài lưới từ 20 đến 30 triệu đồng/hộ; nông dân sống bằng nghề bắt cua, đăng đáy với mức từ 5 đến 10 triệu đồng/hộ. Tổng cộng chỉ riêng Đồng Nai hơn 112 tỉ đồng.

Còn tại TPHCM, có khoảng 1.000 đơn của nông dân ở 3 xã thuộc huyện Cần Giờ được HND TP xác định là hợp lệ với tổng mức đòi bồi thường, hỗ trợ lên hàng trăm tỉ đồng. Tại BR-VT, chưa thấy đề nghị con số thiệt hại cụ thể, nhưng cũng có hơn 2.000 đơn thư yêu cầu bồi thường hỗ trợ vì thiệt hại do ảnh hưởng chất thải từ Vedan VN.

Theo từ điển tiếng Việt, hỗ trợ là giúp đỡ nhau, giúp thêm vào. Còn bồi thường là đền bù lại những tổn hại đã gây cho người khác.

- Luật sư Hoàng Như Vĩnh (được Vedan VN uỷ nhiệm thay mặt làm việc với HND giải quyết việc hỗ trợ nông dân): Mức hỗ trợ trên là do một phía Vedan VN đề xuất để HND xem xét. Trong trường hợp nông dân yêu cầu mức cao quá khả năng Cty và thực tế, thì Vedan VN sẽ rút lại hỗ trợ và sẽ gặp nông dân trên con đường tố tụng.

Theo dòng sự kiện

* Vedan "bức tử" sông Thị Vải
* Nông dân Đồng Nai yêu cầu Vedan bồi thường 112 tỉ đồng
* Vedan VN hỗ trợ, Hội nông dân sẽ rút đơn kiện
* Vedan Việt Nam lần đầu tiên tỏ thiện chí với nông dân bị thiệt hại
* Hội nông dân sẽ cử đại diện kiện Vedan VN
* Vụ Vedan: Cao nhất chỉ là... khiển trách !
---------
Số tiền Vedan hỗ trợ nông dân là quá ít

TT (Đồng Nai)
- Ngày 14-4, đại diện Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN xác nhận đã có công văn gửi hội nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM để thông báo về việc hỗ trợ nông dân bị thiệt hại.

Theo đó, Vedan đưa ra mức hỗ trợ cho những người trực tiếp bị thiệt hại với tổng số tiền 20 tỉ đồng. Trong đó, Đồng Nai và TP.HCM mỗi nơi 7 tỉ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu 6 tỉ đồng.

Vedan cũng đề nghị lãnh đạo hội nông dân ba địa phương này cần quy định từng mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng khu vực theo bốn tiêu chí: có thiệt hại thực tế xảy ra, là khu vực ảnh hưởng trực tiếp nước thải của Công ty Vedan, tài sản bị thiệt hại là tài sản hợp pháp (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có đăng ký kê khai hoặc chính quyền địa phương xác nhận có nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…), không thuộc diện đã được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp năm 1996-1997.

Riêng trường hợp khó khăn đặc biệt, không hội đủ bốn tiêu chí trên Vedan sẽ hỗ trợ nhưng là người phải trợ cấp thường xuyên.

Ngoài ra, Vedan còn cho hay hỗ trợ gián tiếp 5 tỉ đồng để lập một quỹ phúc lợi hỗ trợ nghề nghiệp cho nông dân, phát triển hạ tầng…tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết tuy chưa nhận được công văn của Vedan nhưng số tiền Vedan hỗ trợ nông dân mỗi tỉnh, thành phố nếu như vậy là quá ít so với những thiệt hại mà hàng ngàn nông dân phải gánh chịu trong thời gian dài. Ngoài ra, việc Vedan chưa xác định đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ và đi khảo sát thực tế thiệt hại của nông dân mà đưa ra số tiền 7 tỉ đồng là không đúng với nội dung bản ghi nhớ giữa Vedan và Hội Nông dân.

Theo ông Quang, trước đó hội nông dân hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã tổng hợp có tất cả 3.945 đơn đòi hỗ trợ khoảng 120 tỉ đồng nhưng hội vẫn chưa công bố để chờ đợi sự hợp tác của Vedan.

Trước đó, đầu tháng 3-2009 trong bản ghi nhớ với Hội Nông dân TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vedan cũng cam kết “hai bên thống nhất sẽ xác định đối tượng hỗ trợ, nguyên tắc hỗ trợ và mức độ hỗ trợ” nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch, hợp lý cho người dân sau khi có gần 4.000 đơn đòi bồi thường thiệt hại.

Tổng số lượt xem trang